tháng 9 23, 2014

Vàng

Ngồi trong ngôi nhà sang trọng và đầy đủ tiện nghi, từ quả nắm cửa đến bộ ấm chén trên bàn cũng được chọn lựa hoặc đặt làm rất cẩn thận. Sự hài hoà về mầu sắc của những tấm thảm đắt tiền, với những bức tranh nguyên bản có giá trị trên tường, cả luồng khí ấm toả ra từ chiếc điều hoà nhiệt độ hiện đại vẫn không làm cho cô vui lên được. Cô cảm thấy lạnh lẽo, cái lạnh lẽo từ bên trong, giống như căn bệnh sốt rét ác tính mà các hồng cầu nguồn cung cấp dinh dưỡng và nhiệt lượng cho cơ thể bị phá vỡ làm cho luồng khí lạnh cứ như một mũi khoan thép sắc lạnh ngoáy dọc theo xương sống bệnh nhân. Cô không có bệnh, với cuộc sống đầy đủ, mức sinh hoạt cao và với cái tuổi xấp sỉ năm mươi, cô đang ở vào thời kỳ hồi xuân sung mãn cuối cùng. Da thịt còn đầy đặn, mỗi lúc nhìn cơ thể mình trong gương nhà tắm, cô vẫn không tránh khỏi bồi hồi, rạo rực. Duy chỉ có mái tóc, nhất là hai vạt tóc mai sớm bị bạc, cứ nhuộm đen được ít lâu lại thấy lộ ra chân tóc trắng phau. Mới hơn tuần nay chưa đi nhuộm lại chợt nhìn mình trong gương, cô như thấy một người nào khác hẳn.
Cô đông con, tới năm đứa, thế mà giờ đây có cảm giác như chỉ còn lại  mình cô trên cõi đời này.
Nhớ lại cách đây khoảng ba chục năm về trước, hồi cô mới mười tám, mười chín tuổi, còn là một cô gái khoẻ mạnh, chất phác đến hơi đần độn ở Hải-Phòng, được bà cô ruột của mình đưa lên Hà-Nội để học nghề ảnh. Sau những buổi dạy và học trong buồng tối, bố mẹ cô đành tặc lưỡi gả cô cho anh cháu chồng bà ta. Cũng bởi vì chồng cô có hơn hai chục năm trong quân ngũ, tập tọe học được nghề ảnh, mà bà thím anh ta lúc bấy giờ chỉ có những mánh khoé và một chút ít tiền.
Để rồi sau một thời gian khi mà hiệu ảnh có thu nhập và vào nề nếp thì vợ chồng anh lại phải dắt díu nhau ra khỏi cửa hàng, đến ở nhờ một cái ga-ra bỏ trống rộng khoảng ba mét vuông của người quen và anh chồng đành quay về nghề đi lính.
Thế mà chỉ gần ba chục năm vợ chồng cô đã tạo dựng nên một cơ nghiệp đồ sộ, một hãng buôn Nam Bắc độc quyền, lại cả liên doanh với nước ngoài nữa. Các con cô tuy chưa đến tuổi trưởng thành mà cũng đã có cơ ngơi sắp sẵn đầy đủ. Chồng cô từ một anh “lính tẩy” chót ăn cắp tiền của đơn vị để mua xe đạp tưởng mọt đời chỉ là lính, thế mà nhờ có cái mánh chuyển từ chỗ nọ qua chỗ kia, giấy tờ bàn giao thất lạc một ít, bổ xung thêm một ít, mà giờ đây đã là một sĩ quan cấp tá rất năng động, tháo vát. Anh đã tận dụng cái ưu thế của mình để đi lại, để liên lạc, để góp nhặt của cải cho gia đình, mà có lúc vì hăng hái quá đã gom nhặt cả những thứ không phải của mình, không nằm trong phạm vi mình phụ trách. Sự mẫn cán thái quá trong công việc đã khiến cho viên sĩ quan này bị cả ngành dọc và ngành ngang sờ tới. Nhưng được cái anh ta sinh ra ở một vùng đất có tiếng là láu cá, cái tính quý báu đó đã giúp anh ta kịp tẩu tán hàng kí-lô-gam vàng và bao nhiêu hàng quí hiếm trước khi bị khám nhà và mời đi “công tác đặc biệt” ở Bất Bạt. Năm sáu tháng sau trở về thì mặc dù chẳng còn quân hàm, quân hiệu, chẳng còn xe công, cần vụ nữa, nhưng bù lại anh ta muốn gì được nấy.
Tiền rắc tới đâu, hoa nở tới đó. Anh xây nhà, sửa cửa, rồi những chuyến liên hệ xa xa, anh ta vẫn mặc bộ quân phục cũ. Thế là bên đối tác thì cứ tưởng anh ta còn trong quân ngũ, mà anh thì lại cho ngay thằng con lớn vừa mới nhập ngũ đi cùng, lập lờ đánh lận con đen, vì vậy các hợp đồng kinh tế được ký, được tiến hành tơi tới. Công văn giấy tờ ư, chỉ còn là “muỗi” khi mà người ta đã có tiền, có vàng.
Việc hợp tác với nước ngoài thì đấy, nhà cửa, xe cộ, vợ con, cứ như Đầm, như Tây cả một lượt, trơn mượt, bóng loáng, com-piu-tơ, tê-lê-phắc bày ra la liệt, làm cho mấy ông “Tây Viễn Đông” không dám ngước nhìn lên nữa. Các cô, các cậu đi du học hết phương xa, đến phương gần. Lấy vợ, lấy chồng cũng đều con cái các nhà “phú gia địch quốc”, lại toàn tổ chức ở những khách sạn nổi tiếng trên thế giới, tận Mỹ, tận Anh, còn họ hàng, phố xóm chẳng ai được cái kẹo mút nào ngoài cái thiếp báo hỷ. Người ta tưởng sung sướng cũng đến thế là cùng.
Anh thành đạt nhanh như vậy là nhờ những kinh nghiệm lúc làm lính còn nghèo khó, anh đã dựa vào ông bác ngoại là gia đình liệt sĩ, mà trong hai cuộc kháng chiến cả nhà hy sinh hết, còn lại mình ông với một đống huân, huy chương, không nguồn sinh sống xin được Sở Thương binh Xã hội thành phố cấp cho cái đăng ký sản xuất ốc-tanh xe đạp. Anh vừa hoạt động binh nghiệp, vừa lãnh đạo sản xuất ốc-tanh. Khi sản xuất đã rất phát triển và khi ông bác già yêu cầu được tham gia, thì anh chìa vào mặt ông ta cái đăng ký kinh doanh đã được sang tên cho mẹ anh từ lúc nào không biết. Ông già lẩm cẩm kia sau một hồi ngơ ngác đã hiểu dần ra sự việc, rồi cũng đành thở dài cắp mũ ra về.
Lúc ấy mẹ anh, vợ anh cũng có áy náy hỏi lại, thì anh trả lời rất hùng hồn:
- Ở đời bất độc bất anh hùng!
Với phương châm ấy anh đã  sống hết mình.
Lúc anh trở thành ông chủ lớn thống lĩnh toàn bộ mạng buôn bán điện tử phía Bắc thì cậu cả cũng đến kỳ mãn lính. Đấy cũng là đứa con có nhiều triển vọng nhất, sáng dạ, thạo việc, đã áp dụng toàn vẹn các bài bản mà bố nó đã sáng tạo ra.
Và rồi một hôm nó cũng chìa vào mặt anh toàn bộ các văn bản sở hữu tài sản, vốn kinh doanh của anh đã được sang tên nó và vợ nó. Anh đã ngã đùng ra, xỉu đi. Lúc ấy chỉ còn lại có mình cô ngồi cạnh anh khóc rấm rứt.
Thằng con đã giải thích với mẹ nó rằng:
- Ông ấy đã già rồi, nghỉ đi cho khoẻ cứ “đó rách ngáng chỗ” thì còn làm ăn gì được nữa. Bây giờ phải thoáng, phải đổi mới mà ông ấy thì “cổ lỗ sĩ” lắm rồi, đến lính cũng còn phải thải về nữa là!
Nó còn bổ sung thêm một phương châm sống mới nữa:
- Trong kinh tế không có chỗ cho tình cảm. Lúc trước ông ấy chả thường nói: “Để thu lợi, Tư bản có thể bán cả bố đẻ”, mà tôi lại rất muốn trở thành tư bản đây.
Sau trận ốm ấy anh ta không gượng dậy được nữa, cứ thế héo kiệt dần rồi chết trong vật vã. Hôm ấy thằng con anh cũng không có mặt chống gậy tiễn anh ra nghĩa trang. Nó giải thích: “Bố cháu chết vào giờ trùng, lại kỵ với tuổi cháu, nên cháu đành ở xa bái vọng về!”
Thực ra lúc ấy nó đang ở Hạ-Long với con bồ mới trẻ nhất trong đám tiếp viên khách sạn mà nó là ông chủ.
Khi xác người chết còn nằm trong áo quan để ở góc nhà thì các anh, các em, các con, các mẹ từ tứ phía nhảy bổ vào mỗi người giữ một khoảnh, chuyện hồn người chết hiện về dặn dò đủ các kiểu, mỗi người một vẻ rất kỳ bí và hấp dẫn.
Sau một hồi giằng xé như thú dữ của những người thân, cuối cùng cô còn lại một mình với một chiếc túi xách méo mó. Các con cô cũng bỏ mặc cô vì giờ đây chúng còn trông mong được gì ở cô nữa.
Bây giờ nghĩ lại cô thầm cám ơn chồng, nhờ những ngón làm ăn và những thủ đoạn “phi nhân tính” mà vợ chồng cô đã trở nên giàu có và qua đó anh ta hiểu rằng cây bồ hòn cũng có quả, nhưng sẽ là những quả rất đắng. Qua tâm tính của các con, anh thấy chúng sẽ vượt xa anh về mọi mặt. Cũng như các võ sư, bao giờ cũng phải “giữ lại một miếng hiểm” để phòng thân, nên lúc hấp hối anh còn kịp dặn cô giữ lấy cái đèn dầu nhỏ cũ kỹ đặt trên ban thờ mà chẳng ai thèm chú ý tới.
Hệt như chiếc đèn thần trong truyện A-la-đanh ruột nó chứa đầy vàng, nhờ đó mà cô còn có chỗ dung thân.
Tuy nhiên nỗi lạnh lẽo và cô đơn thì làm sao mà xua đi được.
Của cải tiền bạc là của phù vân, đến rồi lại đi trong chốc lát, thế mà đằng này của cải vợ chồng cô kiếm được có nhiều đồng tiền đẫm nước mắt, có những đồng tiền còn dính cả máu nữa.

                                                                                                     Hà Nội, 1995.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét