tháng 9 29, 2019

Tượng


Hồng Bạch


Hà Nội - Hà Nội.


Lời nguyền


Ngày nào tôi cũng thấy một anh chàng to con nằm ngủ trên chiếc ghế đá trong vườn chùa. Trời tạnh ráo thì còn đỡ, nhưng có những hôm mưa lăn phăn vẫn thấy anh ta nằm ngủ vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Tôi cứ băn khoăn không biết gia đình anh ta ở đâu mà không thấy ai đến đón về, chứ cứ để vạ vật thế thì chả mấy mà ốm. Mấy năm trước tôi đã từng gặp anh ta trong bãi rác lớn đầu ô, quần áo lếch thếch, râu tóc bù xù.
Nghe đồn nhà anh ta ở mãi trên phố lớn, phố Phạm Đình Hồ song song với Hàng Chuối và là con trai độc nhất của một vị quan đầu tỉnh.
Ông này từ ngoài vùng Tự do về tiếp quản Thủ đô năm 1954-1955. Tuy là lãnh đạo tỉnh mà chưa đến bốn mươi. Ông ta nói thì con cua trong lỗ bò ra, lại còn rất phong độ nữa thì làm gì mà các mệnh phụ phu nhân trong thành không chết mê, chết mệt.
Sau khi thẩm định rất kỹ các vệ tinh ngày đêm bay lượn vo ve quanh mình. Cuối cùng thì một cô nàng thương gia giàu có nhất, trẻ trung nhất, còn rất ngọt nước đã lọt vào con mắt nửa xanh, nửa xám của ông ta. Bằng những lời hứa hẹn lấp lánh, béo bở của ông nhân tình đầy quyền lực, cô đã vét trọn những áp-phe(1) béo bở vô tiền, khoáng hậu(2).
Cô ta về nhà không ngại ngần “đá” ngay anh chồng cù lần đã ăn ở cùng cô hơn mười năm, đã có cùng cô một đứa con gái mười bốn tuổi xinh xắn, ngoan hiền. Anh chồng tội nghiệp kia quá bế tắc, đã lần đến một cái miếu hoang giữa cánh đồng, dùng một sợi dây thừng thật chắc để kết liễu cuộc đời hẩm hiu và bạc bẽo của mình.
Càng rảnh thân, từ đấy cô ung dung trở thành một mệnh phụ phu nhân không chính thức, luôn đứng áp sát ngay sau lưng ông quan đầu tỉnh. Tuy không được cùng vị quan lớn kia khoác tay trong các buổi giao tiếp long trọng toàn những ông bà tai to, mặt lớn nhưng vẫn đầy quyền uy mà mỗi mệnh lệnh của cô ban ra đều được thuộc cấp của ông thực thi cực kỳ nhanh chóng, hiệu quả.
Mục đích của cô đã thành hiện thực. Của cải và lộc lá cứ đổ vào nhà như nước vỡ đê. Cô giàu lên nhanh chóng và đang nhẩm tính cho con gái đi du học ở Mỹ hay một nước Châu Âu giàu có nào đó.
Nhưng ít lâu sau cô phát hiện mình có nhiều vết loét, ngứa ngáy quanh bộ phận sinh dục. Cô đi khám ở chỗ những thày thuốc Da Liễu đầu ngành trong nước. Họ kết luận là cô bị Giang mai thời kỳ thứ ba, thời kỳ không thể hồi phục. Tuy nhiên ở giai đoạn này, bệnh thường không lây nữa mà bắt đầu gây ra “cơn ác mộng” tồi tệ nhất cho người bệnh. Cô không an tâm, bay ra nước ngoài để kiểm tra lại, nhưng những xét nghiệm của Y tế các nước tiên tiến ấy lại có kết luận còn tồi tệ hơn thế nữa!
Họ kết luận giai đoạn này vô cùng nguy hiểm, xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập vào các cơ quan phủ tạng, gây giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, ,…
Cô đành chép miệng thở dài, rồi cay đắng kết luận: “Thì ra ở đời không ai cho không ai cái gì”!
Nhưng vì là con nhà buôn, nên cô rất thạo tính toán lỗ lãi, cô thấy trong vụ áp-phe này cô là người bị thua lỗ mà còn bị thua lỗ rất lớn nữa!
Gần đây bé Mỹ Linh có những biểu hiện thất thường, biếng ăn và hay hâm hấp sốt về chiều.
Khi đi khám sức khỏe để làm thủ tục cho chuyến xuất ngoại như mong đợi, thì cô mới biết thêm một tin sét đánh nữa Mỹ Linh đã bị Giang Mai thời kỳ đầu.
Cô ngất lịm đi, khi tỉnh táo lại cô đã dỗ dành con bé thì mới biết thằng nhân tình đốn mạt của cô đã ăn nằm với nó nhiều lần rồi.
Cô uất nghẹn nghĩ đến việc trả thù kẻ tán tận lương tâm(3) kia.
Cô căm hận nghĩ rằng tên đốn mạt này thật không bằng loài cầm thú.  
Nhưng làm gì để trả thù được nó, khi nó có quyền hành cao ngất, đang nắm vận mệnh hàng chục triệu người trong thành phố? Cô nảy ra ý định là sẽ dụ dỗ thằng con trai duy nhất của nó sa ngã, rồi đổ bệnh cho thằng này. Nhưng cứ nghĩ mình đã chung chạ với cha nó, giờ lại ăn nằm với nó, thì mình cũng lại là loài cầm thú có khác gì mấy thằng khốn nạn này đâu?
Trong cơn uất hận, cô uống rượu rất say và không còn thiết sống nữa. Rồi như có một thế lực vô hình nào đó dẫn dắt cô mò đến đúng cái miếu hoang giữa cánh đồng, nơi anh chồng cũ của cô mấy năm trước đã treo cổ lên bằng một sợi dây thừng.
Trước khi tròng sợi dây vào cổ để rồi đạp đổ cái ghế dưới chân, treo mình lủng lẳng trên cành cây trước miếu, cô đã thắp mấy ném hương cắm vào bát hương trên ban thờ, khóc lóc, khấn vái và lẩm nhẩm nguyền những lời nguyền gì đó rất lâu.
Không ai nghe thấy lời nguyền đó thế nào và cũng không biết nó có linh ứng hay không? Chỉ biết ít lâu sau đó thằng đàn ông đầy quyền lực và đốn mạt kia bị giang mai ăn mất cả môi, cả mũi, trơ hai cái hốc mũi ghê sợ và cả hai hàm răng khấp khểnh hoen ố, bẩn thỉu. Y như một xác chết đang thối rữa, vừa đội mồ đứng dậy.
Nghề chính của hắn là làm chính trị, là sống nhờ vào cái miệng lưỡi lọc lừa, nhưng cái hình thù ghê tởm như thế thì còn tiếp súc với ai được nữa, còn lừa bịp ai được nữa. Thế là hắn đành lui vào bống tối! Ma quỷ có chỗ dành riêng cho ma quỷ!
Rồi chẳng biết sao nữa thằng con trai còn lại duy nhất của hắn cũng bỗng trở nên ngơ ngẩn, đi không tìm được đường về, không nhận được bố mình là ai nữa.
Cũng đã mấy lần nó được người ta đưa vào trại Điều dưỡng Tâm thần, được cắt tóc gọn gàng, thay quần áo lành lặn, nhưng chỉ mấy hôm sau lại thấy nó vật vờ, vô định khắp nơi. Bạ đâu nằm đấy, kiếm được gì ăn cái đó, không phá phách, không gây gổ, nhưng bẩn thỉu, nhếch nhác đến tội nghiệp.
Đúng là đời có vay, có trả chẳng thể trốn đâu thoát được, chẳng ai có thể “ăn quịt” được với ông trời.


Hà Nội, 2019.
(1) Áp-phe: Vụ làm ăn (affaire: Tiếng Pháp).
(2) Vô tiền, khoáng hậu: Điều mà trước đây chưa có và sau này cũng không xảy ra.
(3) Tán tận lương tâm: không còn chút tình người.


tháng 9 07, 2019

Vợ chồng cháu ngoại


Đêm Đồ Sơn - Hải Phòng


Cát Bà - Hải Phòng 2016


Đĩa thịt quay

Còn nhớ, lúc tôi đang theo học Bách Khoa Hà Nội khoảng 1961-1962 thì phải, tôi ở nôi trú vì gia đình, bố mẹ và các chị đều ở Hải Phòng cả, nên mỗi dịp được nghỉ về nhà là ngay trên đường đi tôi đã nghĩ ngay đến bữa cơm thật ngon do mẹ nấu, trên đó thế nào cũng phải có đĩa thịt quay béo ngậy.
Lúc đó tôi đang vào tuổi sung sức nhất và cũng là lúc “bị đói khát” nhất.
Bọn sinh viên chúng tôi hay truyền miệng câu: “ăn như sư, ở như phạm” để nói về trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, hoặc “ăn sư phạm, ở bách khoa” để nói về cung cách ăn ở trong hai trường Đại Học Sư Phạm và Bách Khoa Hà Nội…
Nói thế chứ phạm nhân trong tù ăn ở “vất vả” hơn bọn tôi là cái chắc, họ làm sao dám so sánh với những cử nhân tương lai của Dân tộc anh hùng ta chứ!?  
Còn nhớ rất rõ những bữa cơm tập thể hằng ngày tiêu chuẩn mười tám đồng một tháng mà nhà bếp bắt nộp. Một mâm sáu người có một bát to bí đỏ nấu muối, chắc cũng có chút mỳ chính hay bột ngọt mà mỗi người múc được một muôi là hết, anh nào tham thì chan đầy, anh sau sẽ phải chan vơi. Một đĩa thịt hay đậu phụ dim mặn, mỗi anh chỉ có một miếng (gắp thêm là không được), một soong canh toàn quốc (canh toàn nước).
Có một chuyện không bao giờ phai mờ là trong mâm tôi có một bạn to khỏe cùng ở Hải Phòng với tôi lên học, anh ta đã thửa một cái bát sắt tráng men của quân đội, gọi là bát “B52”, to gần gấp rưỡi cái bát tráng men khác. Thường thì mỗi người chỉ được xới hai lần xới là hết cơm, ở với nhau bốn, năm năm làm gì chả nhớ. Bát đầu anh ta xới lưng lưng, chan canh húp đến soạt một phát là hết, đến bát thứ hai là bát cuối thì anh ta xới thật đầy, chan bí đỏ một muôi cũng thật đầy, đến nỗi nó chảy tràn ra mép bát. Anh ta dùng lưỡi liếm quanh bát cho sạch rồi và lấy, và để. Tuy ăn nhanh như thế, nhưng vẫn không bao giờ quên mất phần thịt của mình.
Bữa nào anh ta cũng ăn kiểu ấy nên phải nhiều gấp rưỡi bọn tôi. Lớp tôi học có gần nửa là học sinh Miền Nam tập kết. Họ được gọi là những kiêu binh, họ ham chơi và thích gây gổ đánh nhau hơn ham học. Đã mấy lần họ bẻ đũa ông bạn người Hải Phòng của tôi. Đến lúc tìm được đũa thì mâm cơm đã sạch như chùi. Nhưng chứng nào, tật nấy anh ta chẳng bỏ được cái nết tham ăn cố hữu ấy. Đến giờ đã già rồi, có thời gian nghĩ lại, thì mới hiểu rằng, nhỏ con như mình còn đói rã họng ra, thì to xác như anh ta tất phải đói hơn mình là cái chắc! Cũng chỉ là đấu tranh sinh tồn!
Các chị nhà bếp còn tận dụng “các thức ăn dư thừa” trong bếp để nuôi lợn cải thiện mức sống chút ít, nên cháy không đến lượt bọn tôi (vì theo lời phổ biến của các nhà Khoa học nào đó thì không nên ăn cháy, sẽ có hại cho dạ dày, mà sinh viên lại là của quý của Đất Nước, nên càng không được ăn cháy). Nhưng khi bụng còn đang rất muốn được ăn thêm, nhìn những miếng cháy chảo gang mỏng tang, ròn ngậy mà nhà bếp đã bỏ vào chảo nước gạo, dành phần cho lợn. Miếng cháy nào nhô lên trên mặt nước chưa bị ướt, là lập tức được chúng tôi khéo léo bẻ lại để chén thật ngon lành.
 Nhớ nhất là lần bị chị nhà bếp chửi tục vì bị mất bát con thịt để cho vào xuất cháo dành cho sinh viên ốm, mà đến giờ tôi vẫn không sao quên được.
Chả là thế này, hôm nào có sinh viên ốm, báo cháo. Xuất cháo chỉ được một muôi cháo trắng và được hai miếng thịt dim. Tất nhiên bát thịt dim này phải để riêng, khi lĩnh cháo mới được gắp vào bát cháo. Nói chung chỗ thịt dim này không mấy khi suy suyển. Nhưng một lần có một cậu xin thêm ít muối, chị nhà bếp quay vào chạn lấy muối thì vì thấy bát thịt để gần ngay đấy ngon quá, không kìm chế được. Thế là gắp một miếng đút tỏm vào mồm, cậu bên cạnh thấy thằng này ăn vụng được một miếng, cũng không nhịn được nhón một miếng nữa. Quay đi, quay lại bát thịt nhỏ hết sạch. Chị nhà bếp quay lại thấy thế la toáng lên và sỉ vả thậm tệ tất cả bọn tôi.
-   Bọn bay là sinh viên có học mà khốn nạn thế à, có phải thịt của chúng mày đâu mà chúng mày ăn? Bây giờ tao lấy đâu ra thịt để chia cho mấy đứa ốm???
Ăn cái thịt l… bà đây này!
Tuy không dám nhón vụng một miếng thịt nào, mà tôi cũng thấy uất nghẹn đến ứa nước mắt và vẫn nhớ như in nỗi tủi hổ ấy cho đến bây giờ. 
***
Dăm tháng mới về nhà một lần, lúc gặp mẹ, tôi thường vòi vĩnh:
- Mẹ ơi, mẹ mua cho con thịt quay nhé, mà phải mua thật nhiều vào ấy!
Mẹ nhìn tôi âu yếm, hỏi lại:
- Ừ, ăn hết bao nhiêu mà phải dặn?
- Mẹ ơi con thèm lắm, mẹ cứ mua hai cân ăn cho bõ thèm, mẹ nhá!
Khi chợ về, mẹ bầy lên mâm tôi chỉ thấy có một đĩa cỡ hai lạng thịt quay, tuy không nói nhưng tôi tỏ vẻ không hào hứng lắm.
Nhìn ánh mắt, mẹ hiểu ngay, chửi yêu:
- Tiên nhân nhà anh, chỉ được cái mắt to hơn người! Cứ ăn hết rồi tôi lại mua, chứ mua đẫy vào, để ôi ra ai ăn?
Quả thật lúc ấy dù rất thèm thuồng, dù rất háu ăn, nhưng tôi không sao ăn hết hai lạng thịt quay béo ngậy ngon nhất chợ!

Nhớ ánh mắt mẹ xót xa ngồi nhìn lúc tôi ăn ngốn ngấu những miếng thịt quay mẹ mua về, mà giờ đây dù đã trên tám chục tuổi đầu, dù mẹ đã đi xa hơn hai mươi năm, tôi vẫn thấy như mẹ đang ngồi nhìn tôi âu yếm! 
Ánh mắt ấy cả cuộc đời này tôi không còn tìm thấy bất kỳ ở đâu nữa!


Hà Nội, 2019.

Lay-ơn vàng


Chùa Một Cột - Hà Nội


Bình minh Đồ Sơn - Hải Phòng


Bức thư không gửi

Xem đi xem lại bức thư mấy lần, khi đã ưng ý, không còn muốn viết gì thêm, vả lại cũng đã mệt rồi, anh không thể gắng gượng thêm. Đưa phong thư lên miệng liếm vào mép phong bì dán bức thư lại cẩn thận, định nhờ thằng bé hàng xóm hay sang chơi đem bỏ hộ vào thùng thư đặt cạnh cửa hàng tạp hóa ngoài phố Chợ, nhưng sau đắn đo thế nào anh lại cất phong thư vào ngăn kéo.
***
Sau tang lễ anh, người ta dọn dẹp lại căn buồng rồi lục thấy một bức thư đã dán tem trong ngăn kéo có ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ người nhận. Theo thói quen người ta bỏ nó vào thùng thư ngoài phố.
Nhận được thư, cô cuống lên, nhưng vì thư không ghi tên và địa chỉ người gửi, chỉ có nét chữ quen thuộc và với cái giọng quen thuộc đã lôi cô về dĩ vãng. Chỉ có thể là anh ấy, chỉ là anh thì mới biết về cô và thời thơ ấu của cô rành rọt đến thế!
Cô muốn nhờ chồng tìm hộ địa chỉ người gửi thư, đã không ghi trên phong bì. Nhưng anh là Chủ tịch Huyện, bận trăm công nghìn việc, nên anh chỉ ậm ừ trả lời qua loa cho xong chuyện.
May mà có cậu thư ký trẻ nhiệt tình tìm hộ.
Anh ta suy nghĩ:
- “Có quái gì đâu mà khó nhỉ, ra bưu điện nơi gửi thư đi có đóng dấu trên phong bì, tra một phát là ra ngay tắp lự! Mà mả bố thằng Bưu điện nào dám ấm ớ với Thư ký Chủ tịch Huyện khi anh ta muốn tra xem lá thư này gửi từ đâu, gửi ngày nào?”
***
Bà hàng xóm cho biết, anh trở về làng từ mặt trận phía Tây, vào dịp cô đang tíu tít bận rộn chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng.
Anh là thương binh loại 1/4, loại nặng nhất (tức là chỉ còn 1/4sức lao động), có thừa tiêu chuẩn ở lại trại nuôi dưỡng thương binh, nhưng chẳng hiểu vì sao anh lại nằng nặc xin về địa phương với đồng trợ cấp ít ỏi.
Xóm giềng chẳng còn ai thân thích, lâu lắm anh không đi đâu xa, nên mọi việc anh đều phải cố làm lấy cả, chỉ có thằng bé con hàng xóm là hay qua lại la cà chỗ anh và thỉnh thoảng mua bán giúp anh vài thứ.
Thực ra giữa cô và anh ấy cũng chẳng có gì sâu nặng, gắn bó lắm, vì thế cũng chẳng có gì phải áy náy nhiều, nhưng không rõ vì đâu cô cứ thấy nó lấn cấn trong lòng một cái gì đó.
Trong thư chỉ nhắc đến một số kỷ niệm xa xưa của hai người từ thời còn thơ ấu ở cái làng quê nghèo khó và những câu chuyện mà chỉ có hai người mới biết, như lần hai đứa tát cá ở ven đìa, cô bị đỉa cắn vào đùi đã sợ hãi khóc tu tu, anh phải dỗ dành mãi mới nín.
Trong phong bì còn có cái nhẫn cỏ mà cô bện và đã tặng anh ngày lên đường ra mặt trận. Trong thư không thấy có một lời nhắc nhở nào, nhưng cô thì vẫn còn nhớ như in lời cô đã hứa là sẽ đợi anh, chờ anh mãi mãi.
Mặc dù cả hai người đều biết đấy chỉ là những lời xúc động khi chia tay nói ra, chứ trong cuộc đời này chẳng mấy ai giữ được!
Tuy anh không nhắc lại, nhưng chẳng rõ vì sao lời hứa cô nói lúc chia tay vẫn cứ hiện hữu trong lòng cô mãi không nguôi.
Cuối thư là lời chúc phúc của người bạn cũ đến cô.
Hà Nội, 2019.