tháng 2 07, 2019

Quảng trường Lý Thái Tổ - Hà Nội


Cầu Thê Húc


Không bến đỗ

Thế là đã hơn mười năm Mai chưa đáo về thăm bố. Chắc bây giờ ông đã yếu lắm rồi, cũng đã trên bảy chục tuổi còn gì, không ai chăm sóc sớm hôm thì cho dù ông có một sức khỏe hiếm có cũng chẳng thể nào tồn tại mãi được. Mẹ Mai là bà vợ thứ ba của bố, kém ông gần hai chục tuổi. Bà là người đàn bà đẹp nhưng thực dụng và sắt đá, cái gì có lợi mới quan tâm tới, hai người đã li dị hơn chục năm nay, lúc Mai mới mười lăm tuổi.
Bố Mai là một nhà khoa học giỏi và nổi tiếng. Lương ông cao hơn lương Viện phó nhưng ông có cái tật cố hữu là ngoài việc nghiên cứu khoa học thì chẳng quan tâm mấy đến việc khác, ngay cả đến gia đình. Mấy lần kết hôn, ông đều bị các bà cố tình “bao vây” lấy cho bằng được, rồi sau đó các bà ấy lại ngoại tình hoặc bỏ ông cho bằng được. Kể ra những người đàn ông như ông cũng đáng bị “trừng phạt”, nhưng nghĩ lại cũng thấy tội tội thế nào ấy!     
Do can ngăn bố, mẹ mãi cũng không chuyển, buồn chán Mai bỏ nhà, lao vào ăn chơi, bố có đi tìm mấy lần, khuyên nhủ mấy lần, nhưng do nghĩ mình đã khôn lớn cứ bung ra mà sống, biết đâu lại không thể lớn lên” được.
Nhưng khi ra đi trong tay chỉ có vài đồng tiền lẻ, một cô gái trẻ đẹp mới lớn làm thế nào để đứng được giữa muôn vàn cạm bẫy của cuộc đời. Mai đã bị mấy thằng con trai hư hỏng đón đường rồi lôi vào chỗ vắng hãm hiếp.
có thai.
Thế là hết.
Tự tử mấy lần không chết. Mai bỏ đi thật xa thay tên, đổi họ và nghĩ sẽ không bao giờ quay về nhà nữa.
Mẹ thì mải kiếm tìm lợi lộc và cuộc sống mới tốt hơn, giàu có và sung sướng hơn nên không để tâm đến gia đình, đến chồng con mấy tý.
Mai căm thù bà ấy.
Cô vừa nuôi con vừa phải làm đủ mọi nghề, làm đủ mọi việc để tồn tại. Không quan tâm đến ai nữa, không nghĩ đến ngày mai. Luôn nhìn đời bằng con mắt thù hận và phòng bị.
Cô đi học võ, không phải chỉ để phòng thân, mà học những miếng đánh chết người, những miếng hủy diệt địch thủ. Lại mua một khẩu súng ngắn và tập bắn thật thuần thục. Do trí thông minh và sức khỏe trời phú, thêm tính gan lì do phải bươn trải quá sớm. Mai trở thành một tay giang hồ “cộm cán” rất nổi tiếng trong giới anh chị. Nói đến “Mai Khàn” thì nhiều tên du đãng có máu mặt cũng phải kiêng nể. Để tồn tại, trong mọi hoạt động, đều được cô tính toán kỹ càng và diễn ra kì bí, cô không mấy khi lộ diện. Gặp gỡ trao đổi với các đối tác đều được giao cho các thủ hạ thực hiện. Thưởng phạt phân minh và cực kì nghiêm khắc. Nếu phạm lỗi lớn có khi sẽ bị “xóa sổ” không chừng.
Một đêm đi lang thang ven bờ sông để hít thở không khí mát mẻ, cô gặp một vụ trấn lột. Ông già bị đánh rất đau, lột sạch áo quần tư trang, co ro ngồi bên mấy cọc bích neo tầu. Mai cởi áo ra khoác lên vai cho ông lão thì cô chợt nhận ra đó chính là bố mình.
Cô dìu ông đến một quán ăn đêm mua bát phở nóng cho ông rồi quan sát.
Ông đã già yếu đi quá nhiều, khi hỏi mới biết ông vẫn say mê khoa học và gần như ở hẳn Cơ quan để còn tiện suy nghĩ và nghiên cứu những đề tài mới, mà có về nhà cũng chẳng còn có ai chờ đợi. Thằng cháu ngoại mười bốn, mười lăm thì đã bỏ học, bỏ ông để đi bụi. Mấy bữa ông đều ra ăn tại quán vỉa hè bên kia đường cho tiện.
Mai đã khóc.
Nhưng bây giờ hình dạng cô đã thay đổi quá nhiều, lại với cái giọng khàn khàn “vịt đực” nên ông bố già đã có phần lẩm cẩm không thể nào nhận ra được.
Ít lâu sau người ta thấy có một người một người đàn ông đứng tuổi luôn theo sát săn sóc rất chu đáo cho ông lão. Có lẽ người đó là do Mai thuê.
Thằng con trai mất dạy bỏ đi bụi thì không thể nào tìm thấy được.
Bọn côn đồ nhãi nhép trấn lột ông lão đêm ấy đều bị lùng ra rồi xử hết loạt. Đứa nào cũng bị những hình phạt thật đau đớn và khủng khiếp.
Khi chúng biết là lỡ trót dại đụng vào “ổ kiến lửa”, thì đã muộn mất rồi, không còn dịp để sửa lỗi lầm nữa.
Trong bọn côn đồ nhãi nhép ấy có một thằng ôn bị chặt bàn tay trái mặt mũi sáng sủa được bà Trùm lôi lên để hỏi:
- Tên gì?
-  Cứt!
-  Chặt nốt tay kia đi! Bà Trùm ra lệnh.
Khi con dao dài sáng loáng vung lên thì chỉ bằng một cái vẩy tay nhẹ, bà đã ra lệnh dừng lại.
-  Tao hỏi lại lần nữa. Tên gì?
-   Cứt! Ở nhà mẹ thường gọi như thế!
-   Lôi nó đến gần đây!
Khi bà Trùm túm tóc lật ngửa mặt tên nhãi lên để lộ ra cái bớt nhỏ bên thái dương, thì thấy bà ta rú lên ôm chặt lấy thằng bé, rồi dồn dập hỏi:
-  Mẫn, Mẫn, có phải Mẫn không con?
-   Đấy là tên khi đi học.
-   Mẹ, mẹ Mai của con đây, con không nhận ra mẹ ư?
-   Không!
-   Sao lại như thế được? Sao lại như thế được? Bà Trùm dồn dập hỏi trong tiếng nức nở.
-   Sao lại không thể như thế được? Thằng bé trả lời thản nhiên và vô cảm!
-   Con ở với ông cơ mà, sao lại rủ chúng bạn trấn lột ông?
-   Tôi ở với ông, nhưng chẳng mấy khi được gặp ông! Lần này cũng là vô tình trấn lột nhầm thôi!
Bà Trùm ôm chặt lấy thằng bé khóc nấc lên:
-  Mẹ đây, mẹ đây, con đã gặp mẹ đây rồi!
Những giọt nước mặt mặn đắng ào ạt như một mạch nước ngầm chảy ra không dứt. Chưa bao giờ Mai xúc động như vậy, chưa bao giờ Mai khóc to và nhiều như vậy.
Thằng bé mím chặt miệng lại không khóc nhưng trong ánh mắt của nó chỉ thấy lóe lên sự căm hận, oán trách khôn nguôi.
Sau đó thằng Mẫn được đưa sang Singapore để nối bàn tay cụt.
Nhưng vì đó không phải là bàn tay cũ của nó mà lại là một bàn tay của một bé gái bị chết trong một tai nạn giao thông nên hai bàn tay không khớp như hai bàn tay của người khác. Tuy nhiên đối với nó điều đó không quan trọng mấy mà nó cảm thấy cuộc tái ngộ này, cứ gượng gạo thế nào ấy.
Nó lại bị cuốn đi cùng đám bạn bè bất trị để cố tìm trong cuộc đời này có gì mới lạ hơn không?
Trong một cuộc đụng độ mới, nó bị chém xể vai, vết thương chí mạng.
Mai đến nhưng chỉ kịp nghe con trăng trối.
 Ôm chặt con vào lòng, cô xót xa hỏi:
-  Con có ước muốn gì không ?
-  Con chỉ ao ước được như hồi còn bé, có ông và mẹ ở bên.
- Mẹ cũng từng có những mơ ước, trong đó có những mơ ước được quay lại tuổi thơ. Nhưng cuộc đời như dòng nước trên sông, không dừng và không bao giờ còn trở về chốn xưa được nữa!
An táng cho con xong, ít lâu sau Mai lại an táng cho bố.
Sự cô đơn đã làm cô đau khổ tột cùng, chẳng nhỏ thêm được giọt nước măt nào nữa.
Rồi sau đó Mai mất hút như một làn gió thoảng trên cao, chẳng ai biết cô đã đi đâu, ở đâu nữa!



Hà Nội, 2019.