tháng 7 25, 2019

Phong lan


Vườn chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Nón quai thao


Cành hoa trắng

Mới mờ mờ sáng Tư đã cướp được cái bánh bao ở hàng bà Định.
Vừa đi, vừa ăn, chưa bao giờ nó thấy móm ăn nào ngon như thế. Đến cửa đình làng thì ăn hết miếng cuối cùng. Dừng lại một lúc nó chợt nảy ra ý định quay lại cướp thêm cái nữa, nhưng khi nhìn thấy cái que to tướng dựng bên nồi bánh bao hấp nóng đang bốc hơi lên nghi ngút thì ý đồ định ăn cướp lần nữa bỗng vụt tan biến đi ngay.
Chậm chạp quay về nhà để ngủ vì cả đêm qua hắn lang thang vô định khắp các ngõ ngách nên đến giờ hai con mắt đã díp lại rồi. Đường đi trước mắt nó cứ chập chà, chập chờn không còn rõ nữa. Đến lối rẽ vào bãi rác đầu lô quen thuộc thì không còn đi vững được nữa, nó đổ kềnh lên mớ giẻ ai mới vứt  tối qua, ngay lối vào rồi ngủ say như chết.
Đến gần trưa mới thức giấc, hắn đã thấy một bát to cơm trên có miếng cá kho mẹ đã để ngay cạnh đầu mà mấy con chuột cống to bằng nửa con mèo đang tranh nhau ăn quá nửa. Xua lũ chuột đi, hắn thản nhiên xúc chỗ cơm còn lại ăn hết ngon lành rồi bước vào căn lều riêng của nó chỉ được cắm sơ sài bằng mấy cái que tre, trên phủ lên mấy manh chiếu và mấy mảnh áo mưa rách của người ta đã vứt đi để che mưa nắng.
Cách đây mười sáu năm, chẳng biết ai đã sinh ra nó, rồi mang vứt ở bãi cát ven sông. Một bà chè chai, đồng nát bới rác nhặt được mang về nuôi. Trộm vía được cái nó khỏe mạnh, mặt mũi cân đối, đẹp như tượng. Lớn lên đi học, bao giờ nó cũng đứng đầu lớp, nhưng lấy đâu ra để mà đi học mãi, khi mà chỉ có một mình mẹ phải kiếm tiền nuôi cả nhà, ba đứa con đẻ với một ông chồng mù, nay lại thêm nó nữa.
Cuối năm khi thi đỗ thủ khoa vào cấp 3 một trường chọn, thì đột ngột nó bỏ học đi làm phụ vữa. Mẹ và các anh ai cũng tiếc. Các anh thì không học được, nên muốn cho nó học thêm nữa. Nó cũng hiểu điều đó nhưng nó còn hiểu rằng thiếu kiến thức đã khổ, nhưng thiếu tình thương, thiếu nhân cách thì còn khổ hơn nhiều.
Mẹ nó tuổi đã cao, sức đã yếu, mà vẫn phải trằn lưng để cáng một gánh nặng quá sức thì quả thực là bất nhẫn.
Phải bỏ học đi làm phụ vữa tuy quá với sức vóc học trò của nó, nhưng khi đã có quyết tâm, khi đã có tình yêu với những người thân thiết thì nó thấy vẫn có thể vượt qua được.
Từ khi nó đi làm thì gia đình cũng đỡ khó khăn hơn nhiều, mẹ và các anh cũng quý nó hơn, nể nó hơn.
Nhưng bỗng một hôm, người ta chạy vội về báo với mẹ, nó bị tai nạn lao động. Bị cả cái rầm gỗ to nặng rơi trúng đầu. Vào bệnh viện, người ta cứu được mạng nó, nhưng không cứu được bộ óc vốn rất thông minh của nó.
Nó vẫn cứ lớn lên theo năm tháng nhưng trí khôn thì không phục hồi được nữa. Nó vẫn sống, vẫn đi làm, nhưng đôi lúc lẩn thẩn một chút, làm những việc không chủ động một chút.   
Ít lâu sau, bệnh của nó ngày càng nặng thêm, nó bỏ đi lang thang, nhiều hôm không về nhà, ăn uống cũng vậy, bữa đực, bữa cái, vớ được cái gì, ăn cái đó, có nhiều hôm không kiếm được gì thì đành ôm đầu nằm ngủ ở xó xỉnh nào đó. Chẳng biết làm thế nào khác đi được.
Mới đầu khi bỏ đi dăm bữa, mẹ còn sai các anh đi tìm, sau mãi thành quen, không ai còn thời gian đi tìm nữa, muốn đi thì đi, muốn về thì về.
Lại cũng đã lớn rồi, chẳng ai ăn thịt mất đâu mà sợ.
Có hôm nhớ đường tìm về bãi rác, gặp được mẹ thì mẹ cho củ khoai, củ sắn hoặc bát cơm.
Hôm nào không gặp mẹ, nó loanh quanh một lúc rồi lại bỏ đi tha thẩn.
***
Một sáng người ta đến báo cho bà chè chai, đồng nát là thằng Tư bị chết đuối ngoài sông. Bà mẹ và các anh chạy ra đến nơi thì người ta đã vớt nó lên bờ rồi.
Nắm lấy tay đứa con bất hạnh nước mắt người mẹ chảy ròng ròng không dứt, mãi sau bà mới nghẹn ngào nói với nó được một câu:
- Tư ơi, mẹ đã nhặt được con về, đã nuôi con bằng chính dòng sữa trong bầu vú mẹ. Những mong sau này con lớn lên thành người, nhưng mẹ nghèo quá, không nuôi con được chu đáo. Khiến con đã phải bươn chải, vất vả từ khi còn thơ bé, giờ con lại phụ mẹ, bỏ mẹ ra đi. Con làm tan nát lòng mẹ rồi, Tư ơi!
Nấm mộ đơn sơ và nhỏ bé trong nghĩa trang đầu làng, người ta thấy hôm nào cũng có một cành hoa trắng của mẹ cắm trên.


Hà Nội, 2019.
  


Giếng làng


Chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Cúc trắng


Râu tóc



Râu tóc  

Bạn chê râu tóc bù xù, 
Ra hàng cắt trụi, cho vừa lòng nhau. 
Về nhà, vợ hỏi râu đâu? 
Không trả lời được, có đau không này! 
 - Bước đi, ông bước đi ngay, 
Bao giờ râu mọc, hãy quay về nhà! 

                                                           Hải Phòng,12-02-2018.

Thiếu nữ


Tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm Hà Nội


Tường Vi phấn hồng


Bạn vàng

Chả biết vì sao lại thế, từ khi sinh ra mọi thứ thuộc về tôi chẳng có cái gì được sắp xếp theo trật tự thông thường như mọi người! Ngoại hình đã đen đúa, nhỏ thó, lại sở hữu bộ mặt ngơ ngơ, nên ngay từ bé tôi đã hay bị bạn bè bắt nạt. Nhớn hơn tí nữa đi ra đường một mình thường có mấy người buôn bán ở vỉa hè mời mua bút máy gia công, kính râm rởm. Mắc lừa rồi, cứ im thít mà chịu một mình, cắn rứt một mình, không ai biết, thì cũng thôi và rồi cũng quên dần đi theo thời gian, còn nếu khùng lên bật lại thì hậu quả thường là rất thê thảm, nhiều lần om đòn đau đến hàng tháng mới đỡ, có khi còn phải vào bệnh viện nữa.
Đến khi lớn đi làm cũng vẫn bị cái dớp ấy nó bám. Những chuyện xảy đến với tôi thường thì người ta bỏ qua không thèm chấp. Nhưng tôi biết cái mà mọi người thích nhất là họ mang tôi ra cá độ xem ai lừa tôi ngoạn mục nhất, sâu cay nhất, mà cũng là chỉ để vui đùa, chứ tuyệt nhiên không có ai thù ghét gì với tôi cả.
Đến giờ đã già khú rồi tôi mới biết rằng ngay đến ông bạn thân nhất từ trẻ của tôi, từ chuyện nhỏ như để tổ chức cưới con trai ông ấy, đến việc nguy hiểm như thăm trọng tội trong tù, rồi việc dính đến tiền nong như việc đòi lại mảnh đất của gia đình tôi bị chiếm dụng trái phép ở Hải Phòng. Đã hơn 50 năm gắn bó với nhau mà ông ấy cũng vẫn chỉ coi tôi như một lá bài trong tay để lật đi, lật lại, miễn sao ông ta có lợi...
Lại còn ông bạn học từ hồi PTTH làm ăn phi pháp bị tù, năm lần bảy lượt tôi ra vào thăm nom, không kể gian khó, nguy hiểm, thế mà khi ra tù ông ấy cũng đã cùng ông bạn thân nhất của tôi đang tâm lừa tôi lấy tiền đi buôn thuốc phiện, đúng vào lúc tôi túng quẫn nhất, phải bán cả gói mỳ chính ăn dở để lấy tiền sửa nhà.
Vụ này tôi cũng mất đứt ba đồng cân vàng với ông bạn ấy.
Tôi cũng lại cứ ắng đi chịu một mình, chứ chẳng dám trách ai, kêu ai được nữa!?
***
Mới đây một ông bạn học cùng lớp Đại học, đi bộ đội lên đến Đại tá Sư đoàn trưởng, từ Đà Nẵng điện ra bảo tôi là gia đình ông đang gặp khó khăn, vợ đang nằm trên bàn mổ, đối diện với Thần chết. Ông bảo tôi cho ông vay hai chục triệu để giải quyết việc này.
Tôi chạy đôn, chạy đáo đi vay hộ bạn, vì hai vợ chồng tôi chỉ có một xuất lương hưu, lương lại thấp thì lấy tiền đâu ra tiền cho ông ấy vay bây giờ???
Tôi đã bàn với vợ:
- Lúc bạn bè hoạn nạn, không giúp được nhau nó cứ áy náy thế nào ấy!
- Thế ông quên cái vụ ông Hòa lừa cách đây ít lâu à? Vợ tôi nhắc lại.
- Ông Hòa là ông Hòa, có phải bạn tôi, ai cũng như ông ấy đâu?
- Tùy ông!
Sau gần tuần lễ chạy đi vay lãi gửi tiền cho bạn, tôi mới nhận được những thông tin đến muộn từ một nguồn tin đáng tin cậy từ Đà Nẵng gửi ra:
“Ông Đại tá mới bán căn nhà loại sang ở trung tâm Hà Nội và một mảnh đất đẹp trên mười tỷ đồng, vàng lúc này có giá gần 30 triệu/lượng, thì có việc gì mà phải dùng nhiều tiền đến thế”?
Mãi sau mới biết ông ta là Phó chủ tịch hội cá độ bóng đá toàn cầu, thua mấy trăm tỷ, nên hai chục triệu mà tôi “đóng góp” vào “chỉ như muối bỏ bể” chứ bõ bèn gì!
Tôi lại ắng đi như vừa nhai phải một lúc cả nắm ớt chỉ thiên cay xé lưỡi.  
Mấy hôm sau tôi được tin một ông bạn học khác cũng bị ông Đại tá Sư trưởng lừa mất hơn trăm triệu. Hiện gia đình “kẻ bị hại” đang “rối như canh hẹ”, có nhiều nguy cơ ông này phải vác chiếu ra “tam quan chùa làng mà ngủ”.
Tôi lại phải một phen bố trí đến chơi an ủi và để giãi bày với vợ ông ta là tôi cũng là một nạn nhân giống ông ấy và hôm nọ đã có ý định nhảy xuống ao làng tự vẫn, may mà có người tắm đêm vớt lên chứ không đã chẳng còn ngồi đây trò chuyện với ông bà ấy nữa.
Vợ chồng ông bạn, nghe thế tưởng thật, ra công can gián:
- Thôi bác ạ, cứ cho là của đi thay người. Một trăm triệu, chứ năm trăm triệu cũng chẳng bằng cái sinh mệnh của mình đâu, đừng có nghĩ quẩn mà khổ vợ, khổ con!
Sau khi thoát tội, được vợ tuyên bố tha bổng, ông bạn tôi, mua ít hoa quả mò đến chơi với tôi, rồi thì thào hỏi:
- Thế bác định nhảy xuống ao làng tự tử thật à?
- Ừ!
- Thế sao lại không chết?
- Thì đã chả nói là có người tắm đêm dưới ao vớt lên thôi!
- Là đàn ông hay đàn bà?
- Con gái!
- Chắc là “tắm tiên” nhỉ?
- Ừ!
- Sướng thật! Thế có nhìn thấy gì không?
- Có!
- Nó thế nào?
- Nó đen sì sì như cái mũ nồi ông đang đội trên đầu ấy!
- Ông lại bốc phét rồi!
- Biết bốc phét mà vẫn hỏi!
- Thế mới dễ bị lừa chứ!
***
Rồi một ông nữa, một ông nữa…Số tiền ông Đại tá Sư trưởng lừa bạn bè cũng đã lên đến hàng tỷ bạc chứ không ít!
Tôi bước sang tuổi tám mươi mới có chắt ngoại. Thằng cháu rể sinh 1990 (Canh Ngọ), khôi ngô, tuấn tú, cao ráo hơn người và đặc biệt ít nói. Cháu học xong Đại học Hàng Hải nhưng khi ra trường lại chỉ tham gia kinh doanh với vài công ty tư nhân.
Bây giờ đã bước sang cái thời kỳ người ta quan niệm khác trước, học xong ra trường không nhất thiết cứ phải xin bằng được vào làm công chức Nhà nước, để khi về già được lĩnh lương hưu.
Nó chính là người tôi hỏi vay tiền cho ông bạn Đại Tá Sư trưởng.
Khi đưa tiền cho tôi nó nói:
- Ông nên kiểm tra kỹ lại thông tin, trước khi gửi tiền cho ông bạn của ông. Nếu không, có thể vừa mất tiền, vừa mất bạn ông ạ!
Thấy tôi chững lại, nó vội vàng xoa xuýt:
- Cháu không có ý gì dám coi thường bạn ông đâu. Nhưng cháu làm kinh doanh nên buột mồm nói thế thôi ạ.
Thế rồi việc xảy ra thế nào thì mọi người biết cả đấy.  
Đêm dài, không ngủ được, tôi nằm nghĩ:
Đúng như một triết gia nào đó đã nói: “Trí khôn không đợi tuổi!”
Đúng quá đi rồi, đấy thôi tôi ngần này tuổi rồi mà vẫn còn ngu hơn rất nhiều lần thằng bé mới ngót nghét ba mươi!  


Hà Nội, 2019.

Cấy lúa


Sân đình Hoàng Mai - Hà Nội


Đường làng


Lối nhỏ


Lối nhỏ 

Lối nhỏ trong vườn lác đác hoa, 
Hương còn lưu luyến, níu chân qua. 
Lòng ta vương lại bên hoa nhỏ, 
Một chút chạnh buồn, chút xót xa. 

                                           Hà Nội, 2017.

Địa Lan


Lối nhỏ trong vườn


Hà Nội xưa


tháng 7 23, 2019

Ông nội

Nhà nào cũng có cha mẹ, anh, chị em đông đúc, thế mà chẳng hiểu sao nhà nó lại chỉ có mỗi mình nó với ông nội.  
Ông thì đã già nua, gầy gò và quắt queo như một nhánh cây khô. Còn nó dù được khen là ngoan, nhưng vẫn chỉ là một thằng bé mới bốn tuổi đầu!
Hằng ngày từ sáng sớm tinh mơ, khi con gà trống nhà chú Lục bán lạc rang bên hàng xóm còn chưa gáy, ông đã dậy đẩy chiếc xe nhỏ, trên để một cái tủ kính chỉ có ba mặt, xếp lỉnh kỉnh đủ những chai lọ, đến lò bánh mỳ vào lúc chưa rõ mặt người để xếp hàng lấy bánh. Hình như ông chủ lò bánh có quen với ông nội thì phải, nên bao giờ ông nội cũng được ưu tiên xếp toàn bánh loại một.
Ông nội có đóng một cái ghế nhỏ ngay đằng trước xe để nó ngồi, tay bám vào thành ghế mà ngủ gà, ngủ gật cho đến lúc trời sáng bảnh. Khi đã rõ mặt người, ông mới đánh thức rồi dúi vào tay nó một cái bánh mỳ không. Không phải ông tiếc nó, không cho nó ăn nhân đâu, các thứ ông bán nó chỉ ăn được mỗi pa-tê. Có lần nó ăn phải mấy vụn hạt tiêu lẫn trong pa-tê cay quá, thế là cu cậu sợ, cạch mãi đến giờ.
Quá tầm trưa, ông mới đẩy xe đến một quán cơm bụi quen thuộc ngay đầu ngõ. Cô chủ quán còn rất trẻ và tươi tắn, hớn hở chạy ra đón tay thằng Tũn giúp ông. Hai ông cháu bữa nào cũng vậy, chỉ ăn hai xuất cơm rẻ nhất. Đĩa cơm của cu Tũn ít hơn một đũa, nhưng ông lại gắp miếng ăn ngon nhất từ đĩa của ông sang cho nó. Nhìn cháu vừa nhồm nhoàm nhai, vừa hau háu nhìn vào miếng cái ăn còn lại trong đĩa, lòng ông trào lên một nỗi xót xa. Xót xa cho mình, xót xa cho thằng cháu nhỏ tội nghiệp đã sớm chịu nỗi bất hạnh cùng ông.
Đầu giờ chiều hai ông cháu lại lạch cạch đẩy xe ra lò xếp mẻ bánh mới. Cuộc sống cứ thế túc tắc trôi đi, ông thì mỗi ngày một già hơn, yếu hơn, cháu thì mỗi ngày một lớn hơn, cứng cáp hơn.
Rồi đến lúc cháu đến tuổi phải nhập trường, ông lại lo xin học cho cháu. Rồi lại còn mua sách, vở, bút, mực, thêm trăm thứ tiền đóng, gạo góp. Cũng chẳng hiểu làm cách nào mà ông vẫn xoay xở được. Đĩa cơm của ông lại phải san lại, bớt đi đến nỗi cô bé bán quán cũng phải kêu lên:
-  Ông ăn thế này thì làm sao mà sống được!?
-  Tôi già rồi, yếu rồi, ăn ngần ấy cũng đủ mà, cháu không phải lo đâu!
-  Giời ạ, xuất cơm của ông còn ít hơn cả xuất cơm mèo nhà cháu!
- Thế à? Nhưng tôi đâu có ích bằng con mèo?!
- Sao ông lại nghĩ vậy? Ông có sống thì mới nuôi thằng Tũn được chứ! Không có ông, nó sống thế nào???
- Đúng rồi, đúng rồi!  
Chẳng biết bằng cách gì mà hai ông cháu vẫn cứ sống, vẫn cứ tồn tại đến khi thằng Tũn đã lớn, đã mười sáu, mười bảy tuổi, đã học xong Trung học, đã có thể thay ông đẩy xe đi bán bánh, thì ông không còn trụ được nữa.
Nằm trên giường bệnh trong lúc sức lực chẳng còn lại bao nhiêu, ông gọi cháu đến cạnh rồi chậm rãi kể cho nó nghe về câu chuyện mà nó chưa từng được biết đến:
- Ông thực ra không phải là ông nội của cháu. Ông nội cháu họ Vũ, ở một tỉnh vùng xuôi. Ông Vũ là một người giàu có, gia thế cao sang nhưng cũng là một người vô cùng tàn độc.
Trong một cuộc cạnh tranh để giành nguồn sống và giành tình yêu từ một người con gái, ông Vũ đã thuê người giết hết cả nhà nhà ông, không kể già trẻ, lớn bé. Sau đó cướp luôn cả người vợ sắp cưới của ông tức là bà nội cháu bây giờ.
Suýt mất mạng, lại mất luôn toàn bộ người thân, nhiều lúc ông không còn thiết sống nữa. Nhưng chẳng hiểu sao ông vẫn sống. Ông đã phải thay tên, đổi họ, sống chui lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo âu, nhưng trong lòng thì ngập tràn thù hận.  
Thế rồi suy nghĩ luẩn quẩn, không biết làm thế nào để bớt đi nỗi uất ức trong lòng. Ông đã bắt trộm cháu, đứa cháu duy nhất của dòng họ Vũ.
Lúc đầu cũng định hại cháu để triệt hạ dòng dõi của kẻ thù, nhưng chẳng hiểu sao ông không thể làm được việc đó. Bởi vì dù sao cháu vẫn là máu mủ của bà nội cháu, người mà ông đã từng yêu quý nhất trên đời.  
Khi thế cờ đã thay đổi lại, ông Vũ cố tìm mọi cách để mặc cả với ông, muốn chuộc lại cháu bằng những khoản tài sản kếch xù. Nhưng các cuộc thương lượng đã không đi đến thỏa thuận. Bởi không có khoản tiền nào có thể làm sống lại được những người thân của ông đã bị ông ta sát hại?
Thế là ông Vũ một lần nữa lại thuê người hạ sát ông để giành lại cháu.
Lần ấy dù bị thương rất nặng, ông vẫn kịp thoát ra rồi bồng theo cháu chạy trốn. Năm này qua năm khác phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng tới một nơi hoang vắng như nơi này thì ông Vũ mới mất hẳn dấu vết không thể tìm ra ông được nữa.
Hôm nọ qua một người quen cũ, ông nghe được một tin nhắn của bà nội cháu là bà cháu đã yếu lắm rồi, trước lúc nhắm mắt, bà muốn gặp ông để nói với ông một chuyện “hệ trọng”.
Nhiều lần ông đã sa vào những cái bẫy kiểu này rồi, nên không thể sơ sấy được, bởi nếu sơ sẩy là mất mạng chứ không còn có lần sau để mà rút kinh nghiệm nữa.
Tuy nhiên trong lòng ông vẫn áy náy là nếu như không gặp được bà nội cháu một lần thì cái điều “hệ trọng” kia sẽ mãi là điều bí mật ông không bao giờ biết được.
Mà nhỡ như nó thật sự “hệ trọng” thì sao?
***
Dù đã hết sức thận trọng để tính toán và sắp xếp cho cuộc gặp gỡ nguy hiểm này, ông vẫn không phải là “đối thủ xứng tầm” của ông Vũ. Ông vẫn bị sa vào cái bẫy rất tinh vi đã giương sẵn của ông ta và chỉ chút xíu nữa là ông mất mạng, nếu như lúc ấy mọi người không đến giải cứu kịp.  
Khi mọi người đã khống chế được lũ tay chân của ông Vũ, thì ông cũng đã tơi tả vì bao nhiêu vết thương và rồi ngất đi không còn biết gì nữa.  
Mang những vết thương chí mạng, nhưng cũng chẳng biết vì sao ông vẫn không chết, để đến hôm nay ông còn có thể kể lại cho cháu nghe những điều cháu chưa biết.
Thằng cu Tũn ôm lấy ông khóc nức lên, mãi sau mới ngập ngừng hỏi:
- Ai đã biết âm mưu ấy để tìm người đến ứng cứu kịp, hở ông?
- Ông cũng không biết nữa! Sau này bình yên lại, cháu hãy tìm hiểu xem sao!
Một người đàn ông đứng tuổi, từ nãy đứng lặng nói chen vào:
- Cháu hãy hỏi bà nội cháu thì sẽ rõ!
Và thằng Tũn đã được nghe bà nội khi đã bình tĩnh thuật lại:
- Trước đó bà cũng bị ông Vũ bắt, trói cả tay, chân, nhốt trong một căn nhà hoang có người canh gác. Nhưng bà vẫn trốn thoát ra ngoài được.
-   Nhưng sao ông Vũ lại thâm thù ông nội đến thế? Tũn hỏi bà nội.
-   Nếu nghe được đầu đuôi câu chuyện thì cháu sẽ hiểu. Bà nội chầm chậm kể:
“Ông Vũ, ông nội cháu và bà là người cùng làng. Hai ông xấp xỉ tuổi nhau, chỉ có bà ít hơn dăm tuổi, sinh ra và lớn lên bên nhau từ tấm bé. Nhưng gia đình mỗi người một hoàn cảnh.
Khi cả ba đã trưởng thành, thì đó là cuộc cạnh tranh tất yếu trong đời để giành giật cuộc sống và cả hạnh phúc lứa đôi. Người luôn “trên thưng”(1) lại là ông nội cháu, chứ không phải ông Vũ! Người được bà thương cũng lại là ông nội cháu, chứ không phải là ông Vũ, mặc dù nhà ông nội cháu là bần nông phải lo ăn từng bữa, còn nhà ông Vũ là đại Địa chủ trong vùng, của cải không để đâu cho xuể.
Vốn là người hẹp hòi và độc đoán, quen với sự nuông chiều của bố mẹ từ nhỏ, nên ông Vũ muốn thắng đối thủ bằng mọi giá, kể cả phải dùng đến răng!(2)
Bà mấy năm nay đã yếu lắm rồi, sợ đột ngột ra đi, nên rất muốn gặp ông nội cháu để cho ông biết một điều hết sức “hệ trọng” mà vì điều này ông suýt mất mạng.
Một chi tiết nữa là bố cháu, người bố mà cháu chưa bao giờ biết mặt, hiện là một chuyên gia hàng không đang làm việc tại Mỹ vừa bị một tai nạn mất cách đây ít lâu, có để lại một tài sản rất lớn và cả khoản bảo hiểm cũng rất lớn cho hai bà cháu mình.
Nhưng cái “điều hệ trọng” hơn cả là bố cháu, người chuyên gia giàu có ấy lại là con đẻ của ông. Vậy cháu là cháu nội của ông, chứ không phải là cháu nội ông Vũ.
-  Làm sao mà biết được chắc chắn điều đó khi bố cháu đã mất, hả bà?
- Bây giờ không thiếu gì cách để người ta có thể xác minh được điều đó! Nhưng điều cốt yếu là bà nội cháu còn sống đây khẳng định điều này. Khi người phụ nữ đã nói đứa con mình sinh ra là con ai thì đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa!
- Cháu rất hãnh diện và hạnh phúc khi được đích thực là cháu nội của ông! Thằng Tũn sung sướng ngả đầu vào vai ông nó.
Ông vuốt ve thằng Tũn, rồi nói với nó:
- Ông Vũ rất giàu có. Tài sản của ông ấy lớn gấp nhiều lần tiền bạc mà ông bà có thể để lại cho cháu!?
- Tiền bạc chẳng bao giờ thay thế được cho tình ruột thịt và lòng yêu kính! Thằng bé mới lớn dõng dạc khẳng định.
Mấy ngày sau khi đã rất yếu, ông thở dài nặng nhọc và khi mọi người đã thật trấn tĩnh, ông mới nói nhát gừng:
- Nhưng thực ra thì cháu là cháu nội của ông Vũ, Tũn ạ.
- Không phải là như thế, bà nội đã khẳng định cháu là cháu nội của ông rồi cơ mà!? Thằng Tũn hét lên.
- Bà cháu muốn an ủi ông trước lúc ông ra đi.
- Làm sao ông lại dám nói như vậy, khi tôi còn sống sờ sờ ra đây? Bà nội bật khóc nức nở hỏi lại ông.
- Bà còn nhớ ông Vũ có cái bớt nhỏ hình đồng xu trên vai bên trái không? Thằng Tũn cũng có một cái như thế!
- Nhưng sao ông lại biết được? Tũn lắp bắp hỏi lại.
- Bởi ngày trước ông và ông Vũ từng là bạn cùng làng, đã bao năm sống bên nhau, làm gì chẳng biết!
- Nhưng…
- Ông hiểu ý cháu rồi, huyết thống, dòng dõi rất quan trọng, nhưng có cái còn quan trọng hơn đó là tình người.
Người Đức có câu ngạn ngữ: “Sự cao quý chỉ nằm trong trái tim, chứ không nằm trong huyết thống”.
Ông đã chẳng từng yêu cháu và coi cháu là cháu nội của mình suốt bao năm qua đấy thôi? Bởi dù gì cháu vẫn là cháu nội đích thực của bà cháu cơ mà.  


Hà Nội, 2019.

(1): Thưng: Dụng cụ đong lường các loại hạt, bằng phần mười của đấu, băng khoảng 1 lít.
(2): Dùng đến răng: Không từ một thủ đoạn nào dù đó là mưu hèn, kế bẩn.




Đại Bằng


Tình yêu


Ban nhạc đường phố Hà Nội.


Bên nhau


Hóa ra nửa thế kỷ rồi,
Mà sao vẫn “thế” chẳng rời nhau ra.
Ô hay, trời đất bao la,
Quanh đi, quẩn lại, vẫn ta, với mình.

                                                 Hà Nội, 2016.

Bến đò làng dưới trăng


Chân dung


Người chơi Guitare


Nhóm Gốc Đề

Nhà tôi giờ ở trong làng, ngay cạnh đình Hoàng Mai nên hằng ngày cứ khoảng năm rưỡi sáng, là tôi ra sân đình đi bộ vài chục phút cho lưu thông khí huyết.
Tình cờ một hôm gặp hai ông cũng ra đi bộ ở đấy. Thấy cũng dễ gần. Hỏi han mới biết một ông là ca sĩ, ông trẻ hơn là giảng viên ngành Điện tử dạy Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi tôi đã từng là sinh viên mấy chục năm về trước.
Dắt díu vào thăm nhà nhau, quen thêm ba ông nữa. Một ông trước làm Xây dựng, một ông về Cơ khí còn một ông bên Viễn thông, họ đều là những thợ hàng đầu. Chúng tôi tự dưng thân nhau rất nhanh, tuy chẳng ai là người Hà Nội gốc, nhưng cũng chỉ loanh quanh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Trong buổi tụ tập đầu tiên tại nhà ông ca sĩ cũng đã bảy tư, lấy chén rượu, dăm củ lạc để giới thiệu sơ sơ về nhau, rồi chụp ảnh kỷ niệm.
Có sáu, thì năm người nhà ở Ngõ Gốc Đề, nên lấy luôn cái tên là Nhóm Gốc Đề. Đi từ nhà tôi cạnh đình Hoàng Mai xuyên ra Mơ(1) cũng khoảng hơn cây số.
Thấy tôi nhiều tuổi, nên các ông có vẻ quý hóa, định bầu cho cái chức Nhóm trưởng, nhưng tôi phân trần:
- Tuy nhiều tuổi, nhưng từ trẻ tôi chưa điều hành ai bao giờ, ngay đến bản thân mình cũng chẳng mấy khi “chững chạc”, nếu làm nhóm trưởng thì trước sau nhóm cũng tan.
Mọi người trước còn ép, sau biết tôi hiện giờ chỉ ngồi viết truyện. Là những người từng trải, nên họ hiểu rằng làm nghề viết đa phần đều gàn gàn, dở dở. Viết là một nghề đã không kiếm ra tiền, mà hơi tí lại khùng lên coi trời bằng vung, nên cuối cùng cũng thông cảm, để ông Giảng viên Đại học làm nhóm trưởng vậy.
Nhóm cũng quan tâm, hỏi han về công việc của tôi. Tôi kể đến giờ cũng viết được khá nhiều, đã đưa Hội Nhà văn xuất bản được một tập truyện ngắn ba mươi truyện. Nhưng nếu cứ viết ra rồi đưa đi xuất bản, xong đem bán thì chỉ có Tây nó mua về xay bột giấy!? Bây giờ văn hóa đọc không còn được người ta ưa chuộng nữa, còn nếu cứ in ra rồi đem tặng bạn bè đọc chơi cho vui thì chỉ ít lâu sau nhất định sẽ được ra nhập vào đại gia đình “vô sản” hoặc được chuyển sang “định cư” bên Trâu Quỳ(2).
Trong số truyện tôi viết, không phải toàn là những truyện dở, không thể đọc nổi. Bởi cũng có một số truyện được các bạn thích, cứ khích lệ vì thế tôi vẫn viết đều đều và cũng bởi vì viết đã là cái nghiệp gắn chặt với cuộc đời không mấy may mắn của tôi rồi! Không viết thì ngồi ngáp vặt rồi ngửng lên đếm lá trên cây hay sao? Vì vậy viết xong, tôi đành Pốt(3) lên một trang Web(4) hoặc lên trang Facebook(5) để cho thiên hạ ai thích thì đọc.
Làm thế cũng không có mục đích là để đánh bóng tên tuổi, vì tên tuổi của tôi có ai biết đâu, có đáng gì đâu, mà đem đánh bóng cho phí công, phí thì giờ!
Một số truyện các bạn thực sự thích thú và được nhiều người ưu ái nhận xét.
Đọc những lời nhận xét ấy thì vì sao tôi lại không viết tiếp, vì sao lại phụ sự tin yêu của bạn cho được!?
Riêng ông Giảng viên Bách Khoa về Điện tử thường sang chơi và chăm sóc cho cái máy tính ít tiền nhưng nhiều tật của tôi, mong tôi ít bị nó hành hạ khi viết lách.
Mọi người đọc truyện tôi viết đều có nhận xét là cái lối viết của tôi nó cứ ngang ngang, không êm thuận, ngọt ngào như giọng văn của người khác. Ai đọc cũng có cảm giác như bị giắt răng như sau khi nhai mấy củ dong riềng, nên có ông đã hỏi tôi sao không sửa lối viết đi cho dễ đọc, dễ nghe, để ai xem cũng ưa, cũng thích?
Tôi đành tâm sự:
-   Khi mẹ sinh, tôi ra ngược, nên nó đã vận vào thân từ thuở lọt lòng. Cái gì thuộc về tôi nó cũng cứ trúc tra, trúc trắc, ngang phè phè, muốn khác đi cũng chẳng được!
Có ông còn hỏi:
-   Ông có đọc những bài viết trên mạng Xã hội(6) không?
-   Có chứ, tôi đọc nhiều là đằng khác!
-   Họ viết thế nào?
-   Mạng Xã hội mênh mông lắm, nó là phát kiến vĩ đại nhất, đáng giá nhất của loài người trong thế kỷ 20 này. Bất cứ cái gì cũng có thể tra trên mạng. Từ thằng bé học tiểu học, đến ông bác học già khụ đều có thể tra cứu mạng để bổ sung thêm những kiến thức còn thiếu của mình. Tuy nhiên cũng không phải là ai cũng hiểu đúng được hết những lợi ích của nó. Đã có một ông đạo diễn điện ảnh dạng đặc biệt “ngu ngốc & lắm mồm” nhận xét mạng Xã hội chỉ như một bãi rác khổng lồ bẩn thỉu!
-   Quan điếm của những người tham gia trên đó thường là gì, hả ông?
-   Có mấy loại như sau:
* Thứ nhất là viết để lấy lòng bề trên, lấy lòng lãnh đạo. 
* Thứ hai là lấp lửng, không ra trong, không ra đục, lờ lờ nước hến, muốn hiểu sao cũng được. Khua môi, múa mép, khoe về kiến thức, về sự hiểu biết, về mối quan hệ rộng lớn, khoe sự từng trải, đi nhiều, biết lắm hòng đánh bóng tên tuổi của mình! 
* Thứ ba là bới bèo ra bọ, bới lông tìm vết, thậm chí còn dựng chuyện để bôi nhọ người khác. 
* Loại cuối cùng là loại vô văn hóa, dung tục và xằng bậy!...
-   Sao lại có thể cùng tồn tại song song mấy thể loại này một lúc ?
-   Mạng Xã hội mà, ai muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết. Mấy ông an ninh mạng cũng chẳng quản hết được, vả lại mạng Internet có phải là của riêng nhà các ông ấy đâu mà các ông ấy thao túng?(7)
-   À, hèn chi, cùng một sự việc mà có ông khen hết lời, lại có bà chửi hết cỡ!
-   Nhưng cái gốc của vấn đề là ở chỗ: Đa phần các tác giả viết trên đó cũng chỉ có mỗi mục đích là kiếm ăn!
-   À, à hiểu rồi, thì ra khen cũng để kiếm ăn, mà chê cũng để kiếm ăn!
-   Chính xác!
-   Có lẽ thời nay không còn những người viết sử chân chính nữa ông nhỉ?
-   Có nhà viết sử chân chính bên Trung Hoa chỉ viết những điều trung thực mà năm anh em ruột trong nhà đều bị chém chết cả, ông không biết sao?
-   Có phải là nhà viết sử Tư Mã Thiên không?
-   Tấm gương ấy chưa đủ lớn để thiên hạ soi vào à?
-   Nhưng nếu cứ tung hô, ca ngợi kẻ khác là để kiếm miếng cơm ăn thì cũng còn có thể hiểu được, bởi những đứa được ca ngợi thường có chức, có quyền, chúng sẽ bố thí cho mấy thằng “bồi bút” hèn mạt kia một ít cơm thừa canh cặn. Nhưng còn mấy thằng chuyên đi bới móc và dựng chuyện để bôi xấu, thì ai thí cho miếng ăn thừa nào đâu mà nuốt?
-   Ô hay, đã có bên phải thì ắt có bên trái. Thằng chuyên đi bới móc thì bọn đang đắc thế ghét bỏ, không cho ăn, nhưng lại được bọn thất thế cho ăn!
-   À, thì ra thế!
-   Ông không biết chứ, có những tên mấy đời làm “nô bộc”, chuyên “bưng bê, múc rót” cho bọn cầm quyền một thời. Khi chủ chết những “ân sủng” không còn nữa, không được bọn kế thừa dùng lại nữa, thế là quậy phá ầm ĩ lên.
Chửi bậy, nói càn tất dẫn đến bị bắt, bị tù, bị đối xử tàn tệ. Trốn ra ngoài được bèn quay lại “sủa ngậu” cả lên, bới thối từ những chuyện có thật, đến những chuyện không có thật. Song buồn cười nhất là mấy “con cún con này” lại muốn làm người lớn, muốn làm “chính nhân quân tử” để nhận định, để phán xét mọi cái trên đời, kể cả về ông chủ cũ đã chết của chúng. Thật là chẳng còn ra làm sao nữa! Ngẫm lại thì chúng không bằng con chó của ông lão mù đi ăn xin quanh chợ nuôi để dắt đường!
Lại có những con điếm dở, đánh đĩ trăm phương, hết thời, cũng tự cho cái quyền chửi bới vào cả ông bà, ông vải nhà mình. Con này đã láo xược nói rằng dân tộc Việt Nam tất cả đều ngu dốt và hèn hạ, không bằng một bộ lạc ở Trung Phi.
-         Thế bọn nào cho “bú mớm” để nó tồn tại mà chửi bậy?
-   Có một vài tổ chức phi chính phủ lưu vong nào đó, đang chống đối lại nhà nước, chống đối lại chính quyền nuôi nó, chứ không lấy cứt mà ăn à? Làm điếm thì hết “đát”(8) rồi.
-   Dòng tộc và bố mẹ nó chắc là ngu dốt và hèn hạ lắm nên mới sinh ra một quái thai như nó. Nó quên là dân tộc ta đã từng có một Nguyễn Trãi, từng có một Quang Trung, từng có một Trần Quốc Tuấn,…Những người này đều là những người ngu dốt và hèn hạ như nó phỉ báng à?
-   Lý Thường Kiệt đã từng đánh sang Tàu chiếm được cả Châu Ung, Châu Khiêm thì cũng là người ngu dốt và hèn hạ sao?
-   Con chó cái này không đáng để mình nói đến đâu, bẩn cả mồm!
***
Ông bạn Ca sĩ đã bảy tư tuổi nói với các bạn một điều mà tôi rất tâm đắc:
- Tôi là ca sĩ nhưng bây giờ đã về nghỉ rồi, không hát để kiếm tiền nữa, mà chỉ hát cho vui với bạn bè.   
Vợ tôi nói:
- “Đến tuổi này anh còn hát được cho bạn bè nghe đã là quý lắm rồi. Cái đáng quí hơn là anh còn dám đứng lên trước đám đông để hát.
 Đừng nói đến những ý nghĩa to lớn làm gì, mà chỉ nguyên cái việc anh có đủ can đảm làm cái việc mình yêu thích đã là đáng phục lắm rồi!”
Đại đa số người ta thường a dua làm theo cái người khác khởi xướng. Cái hội chứng đám đông là một bệnh xã hội không thuốc nào trị được. Nên tôi càng thấy điều ông bạn ca sĩ tâm sự thật đáng quí.
Cụ Tản Đà đã từng phải thốt lên:
“Dân hăm nhăm triệu, ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm, vẫn trẻ con!” (9)
Tưởng cụ đùa, nhưng kỳ thực thì cụ nói rất đúng chứ chẳng đùa một chút nào. Cả một dân tộc mấy chục triệu người chẳng có đứa nào chịu lớn lên làm người lớn cả, bọn nó vẫn thích được bú mớm, thích được chăm chút như một bầy trẻ nhỏ, vẫn không rời được bầu vú mẹ, vẫn ngô ngô, ngọng ngọng đến già.


Hà Nội, 2019.

(1)   Mơ: Chợ Mơ: góc phố Bạch Mai và phố Hưng Ký (cũ) nay là phố Minh Khai.
(2)   Trâu Quỳ: thuộc thị trấn Gia Lâm có bệnh viện Tâm thần.
(3)   Pốt: Post: tiếng Anh: đưa lên, chuyển lên
(4)   Web: Trang mạng cá nhân: World Wide Web: mạng toàn cầu.
(5)   Facebook: Trang cá nhân
(6)   Mạng Xã hội: Internet: một ma trận mạng kết nối các máy tính trên khắp thế giới.
(7)   Thao túng: Bằng thủ đoạn nắm lấy, bắt hành động theo ý mình.
(8)   Đát: Data: Tiếng Anh: dữ liệu, thời hạn
(9)   Khoảng năm 1938