tháng 10 10, 2022

Lay-ơn vàng


 

Tháp Hòa Phong cạnh Hồ Gươm Hà Nội


 

Đi tìm mộ anh trên đất Điện Biên

Tin anh cả tôi Trần Hạnh Phúc, thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308  hy sinh trên Điện Biên Phủ đầu năm 1954, bố tôi đã biết ngay sau đó ít lâu, vì ông cụ cũng là Việt Minh kỳ cựu.

Cụ cũng hiểu rằng lúc chiến sĩ ta hy sinh trên trận tuyến nhất lại là trên đất bạn Lào vào đầu những năm 1954 được đồng đội chôn cất khi trận đánh còn đang diễn ra ác liệt, thì rất sơ sài, thậm chí người vừa chôn đồng đội mình chỉ vài phút sau đã lại ngã xuống theo.

Lúc đó đầu năm 1954, Hải phòng chưa giải phóng, bố tôi cũng chỉ vừa được Pháp tạm tha khỏi nhà tù, hàng tuần còn phải lên Sở Mật thám trình diện, Tây vẫn còn đi lại lố nhố đầy đường, nên ông cụ giấu hẳn việc anh tôi hy sinh, không cho ai trong nhà biết.

Mẹ tôi biết khóc lóc ầm lên thì không ai lường được hậu quả sau đó sẽ ra sao!

Ông cụ đã phải cắn răng chịu nỗi đau ấy một mình, mãi sau này tôi lớn bố tôi mới kể lại cho nghe và nói:

- Anh con hy sinh trên đất Lào đầu năm 1954, bố không có điều kiện sang đó được. Sau này nếu có dịp, con cố sang thắp cho anh con nén hương.

***

Biết năm 1982 các hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh bên đất Lào đã được nhà nước quy tập về nghĩa trang Tông Khao Điện Biên (thuộc bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên).

Năm 2004, cô con dâu tôi làm ở Đài Truyền hình Trung ương có lên công tác Điện Biên, đã mang toàn bộ giấy tờ, tài liệu để liên hệ với Sở Thương binh Xã hội Điện Biên tìm kiếm nhưng vẫn không xác định được mộ Liệt sĩ Trần Hạnh Phúc.

Đầu năm nay, tôi bước sang tuổi 83, sức đã xuống nhiều. Đúng dịp anh con trai đang rỗi việc nên cả nhà cùng nhau tổ chức lên Điện Biên lần nữa để tìm mộ anh tôi.

Anh hy sinh trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, khi tiểu đội do anh chỉ huy truy kích tàn quân của Pháp chạy sang Lào.

Anh hy sinh ngày 20/01/1954 (16/Chạp/ Quý Tỵ), tại bản Hát Kham, Nậm U, U-đôm Xay Thượng Lào, khi vừa bước sang tuổi 22.

***

Khoảng 5 giờ 30 sáng thứ sáu 23/09/2022, cả gia đình tôi, gồm bốn người: hai vợ chồng già, anh con trai 52 và cô con gái 49 tuổi cùng lên Điện Biên Phủ. Chúng tôi xuất phát từ Đình làng Hoàng Mai Hà Nội trên một chiếc xe bảy chỗ đi mượn. Thẳng qua Hòa Bình đến Sơn La, cuối cùng là Điện Biên Phủ cách nhà hơn 500 ki-lô-met.

Trên đường đi nhờ ơn Đảng, ơn chính phủ chỉ bị bắn tốc độ có một lần, mặc dù đã nêu mọi lý do và đủ các thứ giấy tờ ra để trình bày, kể cả cái giấy giới thiệu của phường, mà cha con tôi đã tốn công đi lại tận 5 lần mới xin được (lần thứ nhất họ yêu cầu đảo tiêu đề Sở lên trên tiêu đề Phường, lần hai: bố anh (tức là tôi) còn sống thì dù cao tuổi, bố anh phải đứng tên xin giấy, lần thứ ba: phông chữ trong đơn là Arial không phù hợp với quy định, mà phải đổi sang phông chữ Times New Roman, lần thứ tư: lề đơn không phù hợp với quy định lề của văn bản nhà nước là: 3-2-2(!), lần thứ năm: CCCD và sổ hộ khẩu phải qua công chứng...Mỗi lần thay đổi như thế với lời dặn dò của cán bộ Uỷ Ban, phải đánh máy rồi đi lại mất hai ngày). Tuy nhiên lỗi chạy xe quá tốc độ (15 km) vẫn không được bỏ qua, thế là phải qua ngân hàng nộp phạt năm triệu đồng(!) và giữ bằng lái xe 2 tháng.

Đi một lèo 500 ki-lô-mét, từ Hà Nội lên Điện Biên, tôi tưởng không trụ được, may nhờ thần linh phù hộ và nhờ có Đảng dẵn đường, nên chỉ bị mệt rũ ra thôi!

Tối ấy nghỉ lại Điện Biên, hôm sau chúng tôi đến nghĩa trang Tông Khao cách Điện Biên 5 ki-lô-met, cứ nghĩ là thứ bảy mọi nơi đều nghỉ, không ngờ được ông quản trang Trần Ngọc Sơn khoảng năm mươi tuổi vẫn rất nhiệt tình đón tiếp.

Ông Sơn đã giở tất cả các tài liệu ra rà đi, soát lại, nhưng vẫn không tìm thấy vị trí mộ của Liệt sỹ Trần Hạnh Phúc.

Ngồi một lúc ông Sơn nói chầm chậm:

- “Trong số hơn 2500 liệt sĩ hy sinh năm 1954 bên Lào được di dời về nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao năm 1982, thì chỉ có 1000 ngôi là xác định được danh tính, còn lại là mộ liệt sĩ không rõ tên, thậm chí có ngôi còn không có cả hài cốt”.

Tôi thấy ông Sơn tỏ vẻ không được vui vì không tìm được mộ liệt sĩ cho gia đình tôi.

Tôi đã phải nói với ông:

- “Ông đã rất nhiệt tình giúp đỡ gia đình tôi tìm kiếm mộ của liệt sĩ Trần Hạnh Phúc. Tuy chưa xác định được mộ của liệt sĩ Phúc cụ thể ở đâu, nhưng gia đình tôi cũng rất biết ơn ông”.

Hôm sau chúng tôi trở về Hà Nội. Tôi là người suốt bốn mươi năm làm nghề cầu đường, mà giờ được đi trên con đường từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ, vẫn không khỏi thán phục và mê đắm con đường đẹp đẽ và cực kỳ thông thoáng, thuận tiện dài trên năm trăm ki-lô-met đã qua.

***

Nghe tin gia đình tôi từ Điện Biên Phủ trở về, ông hàng xóm thân, một ông giáo già dạy sử năm nay cũng gần 90 tuổi sang chơi và thăm hỏi.

Vừa gặp ông đã vồn vã:

- Ông có khỏe không, chuyến đi thế nào?

Tôi nắm tay ông, thều thào:

- Cám ơn ông sang chơi! Tôi tưởng không  trụ được! Cả đi về hơn một nghìn cây số đường đèo dốc còn gì?

- Ừ, dễ phải đến một nghìn cây số thật!

- Thế công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ thế nào? Ông hỏi thêm.

- Biết nói thế nào nhỉ! Nói là hoàn thành rồi cũng đúng , mà nói là chưa hoàn thành cũng chẳng sai!

- Thế là thế nào?

- Đúng như tôi đã dự tính trước khi đi. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ gần 30 năm (từ 1954 đến 1982), nhà nước ta mới có điều kiện chiêu tập di dời mộ liệt sĩ từ Thượng Lào về Việt Nam, thì làm sao mà nguyên vẹn và chính xác được.

- Tức là không tìm thấy?

- Chưa xác định được, chứ không phải là không tìm thấy!

- Thế là thế nào?

- Như ông quản trang cho biết đấy: “Trong số hơn 2500 liệt sĩ hy sinh năm 1954 bên Lào được di dời về nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao năm 1982, thì chỉ có 1000 ngôi là xác định được danh tính, còn lại là những mộ liệt sĩ không rõ tên, thậm chí có ngôi còn không có cả hài cốt”.

- Tức là..?

- Tức là khi thống kê các tiểu đội, trung đội, trung đoàn, đại đoàn,... con số liệt sĩ là thế, nhưng trong hàng mấy nghìn ngôi mộ ấy không thể biết rõ được danh tính của từng ngôi, vì thế mộ lập ra thì lập đủ số cho liệt sĩ, nhưng không thể biết mộ ấy là của ai!

Ông giáo nói như an ủi tôi:

-          Cũng phải thôi!

-          Phải là phải thế nào?

-   Phải chấp nhận thực tế thôi! Một đất nước có chiến tranh liên miên trên ba mươi năm, hết đánh Pháp, lại đến đánh Mỹ, thì sẽ có nhiều người chết mà không biết vì sao mà mình chết, chết bất kỳ ở đâu, bất kỳ chỗ nào, ai đã giết mình!

Riêng ông anh ông đã được nhà nước công nhận là liệt sĩ, còn có giấy báo tử, được Tổ Quốc Ghi Công, được ghi tên trên bia tưởng niệm liệt sĩ của quận nơi ông cư trú, giờ lại còn được biết đích xác nghĩa trang an táng, để ông và gia đình tìm lên thắp hương. Vậy là đã may mắn hơn bao nhiêu người, may mắn hơn bao nhiêu gia đình khác rồi còn gì?!

- Nghĩ như thế cũng là để an ủi cho mình nhiều rồi, phải không ông?

- Đúng thế, mà muốn khác đi cũng chẳng làm sao khác được!

Rồi ông giáo nói:

- Sau chuyến đi này, gia đình ông không còn phải áy náy điều gì nữa. Đối với ông anh liệt sĩ của ông cũng đã tận tình, tận nghĩa rồi.

Mà nhà nước lo cho các liệt sĩ như thế, là cũng đã làm hết sức chu đáo rồi, không thể làm hơn được nữa.

Nhìn ảnh nghĩa trang ông chụp lại thì thật là đẹp đẽ, thật là mát mẻ, thoáng đãng, ta thấy được nhà nước đã chăm sóc cho các liệt sĩ chu đáo thế nào!

Thôi ông nghỉ ngơi cho lại sức, mà này ông hay đi đây, đi đó tham quan, lại hay chụp ảnh kỷ niệm mà lần này lên tận Điện Biên lại không đi đâu hay sao?

- Có, có chứ. Nhân dịp này lên Điện Biên, tôi cùng gia đình có tìm đến thăm hầm chỉ huy của tướng De Castre de Tassigne trên cánh đồng Mường Thanh, đến Đồi Him Lam, Đồi A1, Đồi Độc lập,...

- Thế chắc ông chụp được nhiều ảnh lắm, nếu được cho tôi xem ké với!

- Đây, mời ông xem.

- Sao lại chỉ có ảnh của hầm De Castre, mà sao lại chỉ chụp cận cảnh, không thấy cảnh cánh đồng Mường Thanh đâu cả, thế còn Him Lam, Đồi A1,...sao không chụp?

- Thời thế đã thay đổi rồi, mọi cái đều được đem lên bàn cân để cân đo, đong đếm!

Tôi chắc cánh đồng Mường Thanh xưa phải thoáng đãng lắm, rộng rãi lắm mới được Bộ tham mưu tối cao quân đội Pháp chọn xây hầm chỉ huy, thế mà nay cái địa điểm lịch sử rất đáng lưu giữ và trân trọng ấy đã bị quây lại như một cái cũi chó nhỏ, hàng rào bảo vệ sát ngay chân hầm. Tạo cho người đến tham quan một cảm giác cực kỳ tù túng và bức bối (khách ra vào vẫn phải nộp 20 nghìn đồng phí vào cửa để tham quan), chung quanh cái cũi nhỏ đó là đủ các quầy bán mật ong, quần áo, túi thổ cẩm,...mà các cô gái bán hàng cũng có lẽ là Thái, Thổ rởm, môi son má phấn nhoe nhoét, mời chào rất phản cảm,...

Vì thế không còn cánh đồng Mường Thanh, không còn chỗ lùi xa ra mà chụp ảnh nữa!

Tuy nhiên ở đây vẫn còn khá hơn các địa điểm Đồi A1, Đồi Him Lam,... Ở các nơi này còn không có chỗ len chân, hàng quán, phố xá, chật khít.

- Ai cũng cần ăn, ai cũng phải sống mà ông! Ông giáo giảng hòa.

- Điện Biên Phủ đất rộng mênh mông là thế, rộng gần mười nghìn ki-lô-met vuông (9.541 km²), dân thì thưa thớt chỉ có gần sáu trăm nghìn người (598.856 người) (con số 2019), như vậy trên 1 ki-lô-met vuông đất chỉ có sấp sỉ 63 người mà sao phải đập dập, bóp bẹp, lấn át, chen chúc đến mức bỏ qua cả những mảnh đất thiêng liêng vì miếng cơm, manh áo đến thế?

Ngồi một lúc ông giáo già buồn buồn nói thêm:

- Gần đây có một số người đề xuất trong giáo dục môn lịch sử chỉ là môn tự chọn, không bắt buộc phải học. Thế là đã nổi lên ý kiến phản đối rầm rầm như sấm, nói là học sinh phải bắt buộc học môn lịch sử. Họ dẫn câu nói của ông Hồ là “dân ta phải biết sử ta”. Làm như họ tôn trọng lịch sử lắm!

Tôi cả đời hơn bốn mươi năm dạy lịch sử, tôi yêu mến và quý trọng nó, nhưng xem ra người ta chỉ yêu thích, quí trọng lịch sử chỉ từ cuống họng trở ra.

Qua thực tế và nghe thêm câu chuyện ông kể khi lên Điên Biên, thì họ có tôn trọng, có yêu quý lịch sử đâu?

Đấy chỉ mới trải qua mấy chục năm mà những “hồn thiêng sông núi” đáng trân trọng như cánh đồng Mường Thanh, Đồi Him Lam, Đồi A1,... đã bị xóa nhòa, nhem nhuốc, đã bị “xuống cấp” thê thảm đến như vậy!

Ngay cái nơi mà mọi người cứ thường ca tụng:

“Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”... mới có mấy chục năm mà còn “sập sệ” đến như thế thì thử hỏi ít trăm năm sau có địa điểm lịch sử nào có còn tồn tại nữa không?

Ngừng một lúc, tôi hỏi ông hàng xóm:

- Ông còn nhớ câu danh ngôn mà ông hay dẫn ra với tôi...

Ông giáo già dạy lịch sử trả lời:

- Có phải câu: - “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. - Si tu tires au passé par le pistolet, le futur te tiera par le canon” mà nhà thơ Abutalip (của Đaghextan) đã nói không?

-          Đúng, đúng, tôi ấp úng công nhận.

 

                                                                                                   Hà Nội, 2022.

   

 


Hoàng hôn


 

Hồng tím


 

Người không tim

Bọn em sống với nhau chẳng theo một quy luật hay một quy tắc nào cả.

Đó chỉ là sự cộng sinh của thiên nhiên hoang dã.

Con đực cần con cái, tự ghép vào nhau, tự quấn lấy nhau để tồn tại, không lãng mạn, không khoa trương, không hôn hít, không cả một lời âu yếm. Cứ nhìn thấy nhau là thèm khát, nhìn thấy nhau là muốn hiến dâng, muốn chiếm hữu.

Thế thôi!

Lão ta không cao to, nhưng được cái đằm người, khỏe như trâu, chẳng bệnh tật gì và đặc biệt là chẳng biết sợ một cái gì, thẳng thắn đến thô bạo.

Có lần ngồi rỗi, đùa, em hỏi vì sao lão ta lại không biết sợ thì lão ấy trả lời rấm rẳn:

- Tao không có tim, nên không biết sợ!

- Nói như cứt ấy, không tim thì sống thế đếch nào được!?

- Thiên hạ thiếu gì những đứa không tim mà vẫn sống nhăn ra đấy thôi! Mà lại còn sống đàng hoàng, sung sướng hơn bao nhiêu người có tim ấy chứ!

- Thế không có tim, lấy cái gì để bơm máu?

- Chỉ để bơm máu thì dùng cái gì mà chả bơm được, đồ ngu?

- Dùng lỗ đít à? Em chọc tức lão ta.

- Sao ngu thế! Dùng cái lỗ mà bơm thì bao giờ mới bơm được?

- Thế thì dùng cái gì?

- Dùng bìu-khiu ấy!

- Cái bìu của đàn ông ấy à? Thế đàn bà muốn bơm thì lấy đâu ra bìu-khiu mà bơm?

- Mượn của đàn ông!

- Nói như cứt!  

Chuyện đến đấy thì không nhịn được nữa, lợi dụng lúc em đang lăn ra cười ngặt nghẽo, lão vật em ra rồi, lôi vào nhà “bơm lấy bơm để”!

Xong cuộc lão xách hòm đồ nghề sửa chữa cơ khí đi làm như không có chuyện gì xảy ra.

***

Chẳng có gì cao sang, nhưng sống với lão ấy em thấy không lo lắng. Mà lại thoải mái, và thế rồi lâu dần em cũng nhiễm tính hắn, không biết sợ là gì!

Một lần đang đêm, bọn em đang ngủ thì nghe thấy tiếng động nho nhỏ phía đằng sau. Hắn mò dậy, mò cái rựa dưới gầm giường, lần ra sau bếp.

Hai bóng đen đang mò mẫm, thì thào:

- Chỉ cần giấu thật kỹ tập tài liệu này, không tìm ra chứng cứ, thì bọn chúng đếch làm gì nổi ông chủ mình đâu!!!

- Nhưng nếu bị tóm thì sao?

- Thì “tỏi” chứ sao?

- Có bõ không?

- Bõ với bèn cái gì, giờ hai đứa mình sống có hơn đếch gì chết!

- Nhưng đây là cái gì hả?

- Tài liệu!

- Tài liệu gì?

- Đếch biết! Chỉ nhớ ông chủ dặn là phải cẩn thận. Làm xong là được thưởng lớn!

- Nhỡ như đây là tài liệu bán nước hay là đồ quốc cấm thì sao?

- Biết bao nhiêu thằng bán nước đấy thôi, đã thằng nào chết đâu, sợ đếch gì!

Nghe đến đấy thì thằng chồng em nhảy ra phang cho mỗi thằng một gậy. Rồi trói giật cánh khuỷu chúng vào với nhau. Soi đèn thì mới nhận ra hai thằng ôn con này cùng xóm, chuyên sống lêu lổng, không chịu học hành, lao động gì, chỉ chuyên trộm gà, bắt chó của người trong làng. Bị bắt, bị đánh, rồi lại tha, chứ ai nỡ giết chúng nó.

Cái cặp chúng đem đi giấu được lôi ra xem, bọn em cũng đếch biết gì, gói lại thật kỹ rồi vùi vào trong bồ thóc!

Ít lâu sau, có người nhắn nhe muốn gặp bọn em để trao đổi.

Lão chồng em không cho gặp, thế là chúng cho người rình hạ sát. Nhưng lão ấy là loại cóc tía, có biết sợ là gì.

Sô sát hai bên cùng bị hại, thằng rình rập bị một gậy vào đầu, phải có người khênh về, còn lão chồng em cũng bị một dao vào vai suýt mất mạng.

Ít lâu sau có người vứt vào nhà một bọc tiền to tướng bắn tin là để đổi lấy cái cặp tài liệu mà chồng em đang giữ. Đến lần thứ hai thì lão chồng em quyết định mang nó vứt ở ngã tư phố huyện, coi như gói đồ bị đánh rơi, ai nhặt thì nhặt, kệ cha chúng mày!

Em thấy hơi tiêng tiếc, hỏi thì lão ấy trả lời nhát gừng:

- Cứ để lại trong nhà mà vòi tiền bọn nó mãi được à? Đừng thấy bở mà đào mãi! Bọn ấy đều là bọn bất lương, bọn lưu manh có hạng. Chúng chưa ra tay thôi, chứ “ra tay thì gạo xay ra cám”. Tao với mày chỉ một dao là đi tong cả hai cái mạng chó ngay lập tức!

Cái bọc đồ cố tình đánh rơi ấy chì vài ngày sau thì biến mất, chẳng rõ là ai đã nhặt được và đang nằm ở chỗ nào?

Cũng không biết cái cặp tài liệu “quan trọng” ấy đã rơi vào tay người lương thiện hay bọn bất lương?

Người nào cũng đều có cách sử lý theo ý đồ của họ, cách sắp xếp của họ!

Kẻ thì cho là tiêu hủy, phi tang đi là tốt nhất, kẻ thì cho là phanh phui ra để trả đũa đối phương mới là hay!

Thằng ăn cắp thì muốn ỉm đi, không muốn ai biết những lần mình lấy trộm đồ.

Thằng đi bắt trộm thì ngược lại, chỉ muốn thiên hạ cùng tung hê những tang chứng, tang vật ăn cắp để ghi nhớ và tán thưởng công trạng của mình.

Tóm lại là các nhóm lợi ích đấu đá nhau để tranh giành quyền lợi và ảnh hưởng tiếng tăm.

Có một một xã hội thối rữa như thế, nó sinh ra trong dối trá và lừa lọc!

Nghĩ đi, nghĩ lại lão chồng em là khôn nhất. Lão bảo sống lương thiện, mình làm mình ăn là chắc nhất.

Vất vả, làm vãi cứt ra, mà vẫn không được ăn sướng mồm, nhưng yên bụng!


                                                                                                       Hà Nội, 2022.