tháng 6 20, 2020

Lọ và hoa


Cháu cậu


Bị bỏ rơi

Chai rượu đã dốc tộc mà Lưu vẫn chưa say được.
Chỉ đến lúc đứa con nhỏ nằm trong cũi khóc thét lên vì đói, mới lôi hắn trở về thực tại. Quờ quạng lần vào cái bàn nhỏ ở góc phòng để mấy lon sữa đã hết tự bao giờ. Chẳng còn gì để dỗ đứa bé, hắn mới dần nhớ lại, thì ra đến hôm nay đã là bốn ngày vợ hắn bỏ đi để lại cho hắn đứa con trai mới năm tháng tuổi, bị tật nguyền.
Thọc tay vào cả hai túi thấy đều rỗng tuếch, thế là chẳng còn đồng nào nữa rồi! Phải làm sao bây giờ?
Bế con lên ôm chặt đứa trẻ vào lòng, mà nước mắt hắn chảy dài trên má.
Chị hàng xóm nghe tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé, đẩy cửa bước vào, chẳng nói, chẳng rằng, giằng lấy đứa bé rồi vạch vú ra cho nó bú, thằng bé nín bặt vồ lấy bầu vú căng đầy rồi hùng hục mút chùn chụt, một lúc sau chắc đã no nê nó mới chịu nhả vú ra, tóp tép miệng, rồi gà gà nhắm mắt lại. Đón lấy con trên tay chị hàng xóm, thằng bé đã ngủ còn hắn thì không sao nín được, nước mắt vẫn lã chã nhỏ xuống như mưa.
Chị hàng xóm lẳng lặng bước ra khép cửa lại, không nói một lời.
Ở cạnh nhau trên chục năm, chị còn lạ gì hoàn cảnh gia đình tay kỹ sư cơ khí nhà bên này nữa. Đã có thời kỳ họ khá giả, hạnh phúc lắm, nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Nhưng sau đó thật không biết tai họa từ đâu giáng xuống, vào cái thời kỳ Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì ngành cơ khí toàn quốc gần như bị đóng băng bởi nhiều nguyên nhân lắm, nhưng cái nguyên nhân chủ yếu là bầu sữa mẹ vĩ đại” “toang mất”(1) rồi, không còn được bám vào đấy mà bú “vô tội vạ” nữa, như một số khẩu ngữ truyền miệng rộng rãi trong dân gian lúc bấy giờ để dẫn giải mấy chữ “CCCP”(2) có nghĩa là “các chú cứ phá” hoặc “các chú cứ phá, có choa cấp phát”!
Cơ quan không có thu nhập, lấy đâu tiền để trả lương cho công nhân viên hằng tháng. Nhiều cái khó chịu bị dồn nén lại từ lâu, chỉ là “bằng mặt, chẳng bằng lòng”. Thế rồi một lần vì quá bức xúc chuyện gì đấy, như giọt nước tràn ly, Lưu không kìm được, đã quát vào mặt tay Giám đốc rồi “phủi quần” bỏ về không thèm lĩnh cả tháng lương cuối cùng nữa.
Nhưng hắn đâu có biết, làm thế là tự nhẩy vào “cái bẫy” của Lãnh đạo! Đang định giảm biên chế, không biết “gạch tên”  thằng nào để cho êm thấm, thì bỗng nảy nòi ra thằng khùng này “vỗ đít” bỏ về không để lại một lời “trăng trối”!
Cả ban lãnh đạo thở phào! Đỡ bao nhiêu là việc, lại đỡ cả ít tiền bồi thường nữa!  
Lưu về nhà với hai bàn tay trắng, không một hào dính túi thì dù hắn có là kỹ sư, chứ bố kỹ sư cũng chẳng là ”cái đinh gỉ gì”! 
Việc gì đến, tất phải đến!
Thế rồi khi ra đi, vợ hắn chỉ để lại một mẩu giấy nhỏ ghi dăm chữ: 
“Không thể ở lại được nữa! Tôi ra đi tay không, anh ở lại nuôi lấy con”!
Đầu tiên tưởng vợ đùa, sau này bình tĩnh lại mới biết cô ta đã bỏ bố con hắn theo thằng bạn học cùng lớp hồi Phổ thông đang làm Phó tổng cho một công ty nước ngoài lương trên ba nghìn Đô-la Mỹ/tháng!
Một mình, không nơi nương tựa, không tiền thì đến cái thân mình còn khó tồn tại, huống chi lại phải nuôi thêm thằng con nhỏ ốm đau, chưa cai sữa. Tiền ăn ở đâu? Tiền chữa bệnh và thuốc men cho con lấy ở đâu? Đã có lúc hắn thất vọng tưởng không thể trụ nổi, đã nẩy ý định bế con ra bến Bính nhẩy xuống sông. Nhưng cứ nhìn sang bên cạnh, gia đình chị hàng xóm mà xem, chồng đạp xích-lô, vợ buôn bán vài quả táo, quả ổi mà nuôi ba đứa con như không, chưa hề cằn nhằn nhau lấy nửa lời!
Hắn thấy mình thật hèn kém và nhục nhã.
Đang phải cắn răng trụ qua ngày một cách chật vật, chợt nhớ ra mình cũng có mấy người bà con khá giả thành đạt ở Sài-gòn.
Vay bạn một ít tiền, hắn cả quyết ra đi tìm con đường tự cứu!
Gửi con cho chị hàng xóm tốt bụng, rồi làm một chuyến hành hương vào phía Nam. Nhưng chuyến đi ấy không mang về kết quả gì, ngược lại làm hắn thêm hận đời, hận mình. Họ hàng, thân thuộc đã thẳng thừng từ chối! Không có một người nào muốn giơ tay cưu mang hắn lúc này!
Đang ở vào cảnh tuyệt vọng, thì đột nhiên như trên trời rơi xuống, hắn được người ta gọi đến đặt làm mấy cái máy thái mì sợi, mấy cái máy ép nước mía, mấy cái máy kem mi-ni, từ Bờ-lốc(3) cũ của tủ lạnh, đúng hợp với nghề cơ khí của hắn.
Như được hồi sinh. Hắn cặm cụi làm. Đủ sống, rồi dư dật. Nuôi được con và chữa bệnh cho con từ teo cơ chân đã đi được, dù chỉ là đi tập tễnh.
***
Thời gian trôi đi nhanh như ngựa qua cửa sổ, hơn hai mươi năm sau con trai hắn đã lấy vợ, thằng bé thọt chân bị mẹ bỏ rơi ngày nào, đã thành một ông chủ tầm cỡ. Hắn cũng trở thành một ông nội đại gia, kẻ hầu người hạ đầy nhà. Hắn tham gia kinh doanh nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành khách sạn. Hắn có hàng loạt khách sạn loại sang ở những địa điểm đắc địa như Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn,…
Bây giờ thì trong nhà cha con hắn không để đâu hết tiền và của cải.
Hắn đã lớn tuổi, đã trở thành một lão già bẳn tính, suốt ngày càu cạu đáng ghét, chẳng ai muốn gần! Người ta chỉ gặp khi cần đến tiền của hắn!
Trong làm ăn hắn không xảo trá, nhưng tỉnh táo, rứt khoát, đặc biệt không bao giờ nhân nhượng, không bao giờ bỏ qua một thủ đoạn nào nhằm đè bẹp đối thủ!
Vây quanh hắn có rất nhiều đàn bà có cả những cô còn trẻ đẹp, nhưng hắn vẫn không tục huyền(4)!  
Có người hỏi về chuyện vợ con, hắn trả lời rất phũ:
- Chỉ có thể chơi bời, chứ không gắn bó được!
***
Gần đây vợ cũ của hắn có tìm về gặp hắn, khóc lóc, xin xỏ, mong được trở lại nhà.
Hắn hỏi:
- Thế lại đá đít thằng Bản rồi à?
- Không phải em đá, mà là nó đá em!
- Sao lại để nó đá, không “nắm chặt được thắt lưng” nó nữa à?
- Nó là một thằng chẳng ra gì, ngày ba, bốn con đĩ cũng không đủ!
- Trong ba, bốn con đĩ thì phải phấn đấu để trở thành con đĩ đứng đầu chứ, ai lại để nó tống ra cửa như thế bao giờ?
- …
- …
- Ông ơi, em đã biết lỗi rồi, xin cho em một cơ hội!
- Không còn chỗ nào kiếm ăn nữa, thì tôi sẽ nuôi, nhưng không được về ở trong nhà này!
- Ông không cho em về thì em biết ở đâu?
- Tôi sẽ mua cho cô một gian nhà nhỏ đủ ở!
- Ông ơi, dù sao em cũng là người đẻ ra thằng Tân, xin ông thương mà bỏ quá!
- Kể như lúc phủi tay ra đi, chỉ cần cô nghĩ được một phần thôi thì bây giờ không phải xin xỏ một lời nào cả!
- Em đã hối hận lắm rồi, xin ông mở lòng tha thứ!
- Cô tìm thằng Tân hỏi xem ý nó thế nào?
- Em không còn mặt mũi nào gặp con nữa!
- Ôi, tôi không thể nào tưởng tượng nổi, cô mà còn biết xấu hổ?
***
Tân đã trưởng thành, nhưng lớn lên như một cái cây cằn cỗi, nó không cởi mở, về độ khó tính thì lại gấp nhiều lần cha nó. Nó không cho phép mẹ nó được gặp mặt và cũng không bao giờ cho bà ta một đồng nào. Nhiều năm sau nó có cả một đàn con đến bốn đứa, mà không đứa trẻ nào được gặp mặt bà nội lấy một lần.
Một tối trên đường lái xe về nhà nó thấy bên vệ đường một bà già ngồi trú mưa dưới một gốc cây run rẩy. Tân dừng xe xuống cho bà ta một cái áo mưa, lúc bà ta ngẩng lên thì Tân nhận ra đấy chính là mẹ mình. Bà đã già yếu lắm rồi nhưng nhất quyết không nhận trợ cấp của Lưu và cả căn nhà mà ông ta cho bà ở. Chẳng biết bà đã làm gì để sống, vì từ lâu không ai còn nhắc tới bà ta nữa!
Tân bảo mẹ lên xe, nhưng hình như lúc ấy bà ta cũng đã nhận ra đó là thằng con trai bất nghĩa của bà, nên bà chỉ cám ơn rồi từ chối!
Tân về gặp và kể lại cho ông Lưu rồi cùng bố trở lại gốc cây cũ thì không thấy bà già đâu nữa. Mấy hôm sau hỏi mới biết bà đã ngất đi vì rét, vì đói và vì khổ nhục. Họ đã phải bỏ công tìm kiếm mãi, sau mới thấy. Bà được một người từ tâm đưa vào bệnh viện cấp cứu khi nằm lả đi dưới gốc cây trong đêm mưa rét.
Họ gặp nhau, nhận ra nhau, nhưng không ai khóc lóc và cũng không nói điều gì!
Lúc lâu sau, khi chỉ còn lại một mình, ông Lưu mới nói:
- Thôi chúng ta hãy bỏ qua đi cho nhau, bà cho tôi xin lỗi!
- Ông không có lỗi gì cả. Lỗi là ở tôi! Tôi có lỗi nên ông và thằng Tân mới đối xử với tôi như vậy! Cũng đáng đời tôi lắm mà!
- Chúng ta đều có lỗi. Bỏ qua lỗi cho người khác cũng là tha lỗi cho chính mình! Tôi sẽ đưa bà về nhà chung sống, để cho thằng Tân và các con của nó biết là chúng đã từ đâu mà ra!
- Cám ơn ông, nhưng tôi không thể, tôi không muốn!
- Sao lại thế, chả lẽ bà vẫn căm ghét tôi đến thế cơ à? Bà thấy không, người dưng còn thông cảm, còn thương xót thay cho mình? Mình có phải là cầm thú đâu mà thù hận nhau mãi?

Hà Nội, 2020.
(1) Toang: ngôn từ của thanh niên chỉ sự vỡ bục ra – vỡ toang ra!
(2): СССР = Союз Советских Социалистических Республик: là tên viết tắt tiếng Nga của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô cũ).
(3): Bờ-lốc tủ lạnh: Động cơ bơm hơi nén tác nhân làm lạnh.
(4): Tục huyền: Lấy vợ khác sau khi vợ trước chết hoặc đã li dị, bỏ đi.

tháng 6 12, 2020

Chân dung vợ


Ngựa


Đóa hồng xanh


Đứa con bị nạo bỏ

Lâm với tôi học lớp Cầu đường Bách khoa Hà Nội từ những năm sáu mốt, giường trên, giường dưới, cùng buồng trong ký túc xá.  
Ở với nhau hơn bốn năm thì tính nết của nhau làm gì chẳng thuộc! Cậu ta cao gày, người Quảng Bình, là người còn giữ được tính cách trong nớ một cách “đặc sệt”. Ít nói, chịu khó và đặc biệt là rất căn cơ.
Còn nhớ cái hôm cậu ta được người nhà trong Quảng gửi ra cho bánh đường đen to gần bằng viên gạch, Lâm ở giường trên, ngồi úp mặt vào tường gặm mãi không được, đành giở ba-lô lấy ra con dao ăn i-nốc cũ, tì vào thành giường ấn ấn. Không may con dao lật ngang thế là tách một cái gãy làm đôi. Hôm sau Lâm tha thẩn ra phố Huế để tìm xem có chỗ nào hàn lại. Nhưng những năm sáu mươi thế kỷ trước, Hà Nôi chưa có chỗ nào hàn i-nốc, nên Lâm cứ như người mất hồn, mãi không nguôi “thương nhớ” con dao cũ bị gãy!
***
Ra trường, tôi về Viện Thiết Kế, còn Lâm về Tổng Cục Xây dựng Giao thông II trụ sở cả hai đều nằm trong 278 Hàng Bột. Còn nhớ đầu năm ấy, bọn chúng tôi đến năm, sáu thằng cùng ngành được cử đi công tác tận Quảng Ninh. Hôm về tới Hà Nội, Lâm cố níu chúng tôi vào nhà chơi vì hôm ấy mới là mùng tám tết Nguyên đán.
Bọn tôi ghé vào nhà Lâm một phần vì nể bạn, một phần cũng muốn xem cuộc sống của Lâm thế nào?  
***
Nhà Lâm ở phố lớn, cạnh đường Điện Biên Phủ, hai gian mặt tiền liền kề, gian nào cũng cao to, đẹp đẽ, đồ đạc trong nhà đều là những thứ đắt tiền, trong khi hầu hết anh em bọn tôi vẫn ở nhà tập thể cấp bốn của cơ quan!
Khi cậu ta giở các thứ bánh, mứt trong cái tủ lạnh thật to, thật đẹp ra mời bạn, thì hầu như các thứ đều quá “đát”(1). Chè thì mốc, mứt kẹo thì ỉu chảy, hôi xì không sao dùng được nữa!
Lâm phân trần:
- Nhà chỉ có hai vợ chồng, lại nhiều người đến cho chét, biếu xén không dùng kịp, làm gì chẳng hỏng!
Khi về bọn tôi thì thầm với nhau:
- Cùng học một lớp ra, lại đều làm việc ở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội mà sao đời sống bọn mình chênh lệch nhau nhiều quá nhỉ?
Thật đúng Lâm thì “ăn không hết”, mà bọn mình thì “lần chẳng ra”!
- Cậu không biết, vợ thằng Lâm cũng “quê trong nớ” là “con gái rượu” một ông “cốp”(2) to nhất nhì trên Bộ Quốc phòng cơ mà!
- Thế à, hèn gì!
***
Kể cũng lạ, hai vợ chồng Lâm đều là cán bộ nhà nước. Hiện giờ vợ Lâm đã là Tiến sĩ Đại tá quân y. Đi nước ngoài như đi chợ, cả hai vợ chồng đều to khỏe, kinh tế quá “khủng” thế mà vì sao lại cứ “kế hoạch” mãi không chịu sinh con?
Mãi sau này hỏi mới rõ, vừa ra trường họ đã kết hôn và có thai ngay, lúc ấy vợ Lâm mới là Trung úy Bác sĩ. Đúng dịp này đơn vị cô ta có xuất đi nghiên cứu sinh tại Liên xô, thế là ông bố liền “xí phần” luôn cho con gái.
Hai vợ chồng bàn bạc, để lựa chọn: Một là đi nghiên cứu những mấy năm, thì phải nạo thai, bởi sang bên đấy làm thế nào vừa nuôi con nhỏ, vừa học được?
Hai là để đẻ xong, thì lỡ mất cơ hội đi nước ngoài...làm giàu!
Cuối cùng họ chọn cách thứ nhất, bởi họ nghĩ vợ chồng còn trẻ, sau khi ở nước ngoài về, lúc ấy kinh tế sung túc, có đẻ hàng tá con cũng được, việc gì phải “xoắn”!
Ngày ấy, ngành Y con chưa được tiến bộ lắm, nên không may cho vợ Lâm khi nạo bị rách mất màng tử cung, biến sản phụ thành vô sinh. 
Sau này khi đã rất giàu rồi, học hàm, học vị lại cao, chức vụ cũng rất cao họ không tiếc tiền sang các nước tiên tiến để chữa chạy, nhưng đều vô hiệu.
Và thật trớ trêu đến giờ của cải chất đống, cái ăn thừa mứa để mốc thếch không có người dùng, mấy căn nhà mặt đường đẹp đẽ, rộng rãi không có người ở.
Có người độc miệng nói:
- Ông trời không cho ai tất cả, quá ham vật chất thì bị “truất” mất xuất “con”!
Nhưng nghĩ đến cùng họ cũng chỉ là những kẻ đáng thương!
***
Hôm qua lúc đi khám họng trong bệnh viện, gặp Lâm thăm hỏi nhau dăm câu:
- Ông thế nào?
- Vẫn vậy!
-  Bà ấy sao rồi?
- Vẫn vậy!
- Về hưu đã lâu rồi mà ông bà vẫn không đón con nuôi à?
- Ừ, bà ấy không nhất trí!
- Không có con thì đón con nuôi, thiên hạ đầy người làm như vậy!
- Nhưng bọn mình không phải là thiên hạ!
- À, hiểu, hiểu rồi!
Lâm hỏi lại tôi:
- Thế còn vợ chồng ông bà thì thế nào?
- Vẫn vậy!
- Vẫn vậy là sao?
- Là hai con, bốn cháu, bảy chắt, quấy phá ầm ĩ suốt ngày, lúc nào cũng đinh tai nhức óc! Có cái gì ăn là phải chia xuất ra “không thì loạn tiền đình!”
- Sao lại phải chia xuất ra?
- Không chia ra thì chúng nó giành nhau ăn, choảng nhau đến chết à!
- Thì ra ở đời việc gì cũng có cái giá của nó!
- Chính xác! “Chuẩn không cần chỉnh”!


Hà Nội, 2020.
    (1) Đát: thời hạn => Date (tiếng Pháp)
    (2) Cốp: tiếng lóng chỉ cán bộ cấp cao.