tháng 4 30, 2018

Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Nam Định


Cánh đồng làng


Sen trắng


Cái bánh chưng và góc ngã tư đen tối

(Tặng cháu gái của ông)
Con bé rất sợ bóng tối và sợ cả những con chuột nữa. Hôm qua nó mới bước sang tuổi thứ bảy. Nó rất muốn quay về nhà nhưng cứ nghĩ đến đôi mắt trợn trừng lên và những lời quát mắng nghiệt ngã thốt ra từ mồm ông cậu thì nó lại rúm người lại sợ hãi. Cái ý muốn quay trở về không dám nhen lên nữa.
Ngoài trời tối dần, đèn đường đã bật, nhưng con bé không dám đứng ở chỗ sáng, vì cậu nó mà bắt gặp thì sẽ chết đòn. Đúng là đen đủi thật, hôm nay mới là mùng ba tết, những đứa trẻ cỡ tuổi nó còn đang được hưởng những ngày vui vẻ, đầm ấm bên gia đình. Trong nhà nào chả luôn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp thức ăn và tình thương yêu bên người thân. Thế mà chẳng hiểu sao riêng nó lại bị khổ sở dường này!?
Bữa ăn trưa với bà nội và bố ở quê đã tiêu hết từ lâu rồi. Sương đêm đã xuống làm mờ cả ánh đèn trên cao. Cái đói, cái rét đang ôm riết lấy cơ thể nhỏ bé và đáng thương của nó. Chân tay bắt đầu run rẩy và trước mắt nó lại hiện lên bát cơm đầy cái ăn mà bà ngoại thường gắp cho mỗi bữa. Tay vẫn giữ rất chặt chiếc bánh chưng mà bà nội đã bọc cẩn thận khi đưa nó ra bến xe trở về tỉnh.
Xe đến bến mới hơn năm giờ chiều nhưng thật không may khi vừa mở cửa bước vào nhà thì gặp ngay ông cậu. Thế là nó bị túm lấy lôi xềnh xệch ra tận đầu cầu thang và đuổi đi một cách nghiệt ngã:
-   Ai cho mày về quê thăm thằng bố mày? Hả?
-   …………
-   Muốn ở với thằng bố mày thì đi đi, đừng về đây nữa!
Cũng thật không may cho con bé, nó không trông thấy bà ngoại đâu cả nên đành vừa khóc, vừa lếch thếch bước đi.
Câu dọa dẫm gay gắt ném sau lưng, làm nó càng sợ hơn:
-   Mày xéo đi, tao mà trông thấy thì đừng có chết!
***
Nó đã từng có một gia đình hạnh phúc. Bố nó là thợ cơ khí giỏi làm việc ở một hiệu kem Quốc doanh, hiệu kem Thủy Tinh to nhất tỉnh ngay cạnh Nhà Hát lớn thành phố. Khi mới lấy mẹ nó thì bố nó là một chàng thanh niên chững chạc, hiền lành, không thuốc, không bia, rượu. Mẹ nó là cô giáo giỏi cấp thành phố. Ai cũng nghĩ gia đình nó là một vườn hoa rực rỡ.
Nhưng chẳng hiểu vì đâu, có thể là do công việc, do bạn bè bố nó dần dần biết uống bia, rồi dần chuyển sang biết uống rượu.
Khi người ta bập vào các thói hư, tật xấu thì rất nhanh biết. Khi đã biết rồi thì các thứ đó ăn rễ rất chắc, rất bền. Cuối cùng bố nó trở thành một tay nát rượu gần như nổi tiếng nhất vùng. Say sưa, bí tỉ tối ngày dẫn đến nhiều lần sai sót trong công việc. Tai nạn đã xảy ra, hỏng máy móc, suýt chết người. Cơ quan nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở mà cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng họ không chịu nổi, đành buộc thôi việc.
Vật vờ đầu bờ, cuối bụi vẫn cứ say. Nhiều lần vợ phải dìu từ quán về như một mớ giẻ lau nhàu nát, bẩn thỉu. Rồi nhiều lần bạn bè phải vực vào bệnh viện để cấp cứu do chân thấp, chân cao đâm phải xe đang chạy ngoài đường. Vợ đã khóc lóc, đã lạy van, bạn bè cũng đã ngọt nhạt, năn nỉ. Nhưng như cái xe lao dốc không phanh, anh ta không dừng lại được nữa.
Đến lúc vợ anh đưa cho ký vào cái đơn ly hôn, anh mới bừng tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng mọi việc đã quá muộn rồi, không còn cách cứu vãn nữa.
Ở Tòa án bước ra anh bỗng trở thành một kẻ tứ cố vô thân(1) không nhà cửa, không việc làm, không gia đình, vợ con, lang thang, vô định. Anh ta thật sự hối hận, nhưng lúc ấy chỉ còn lại nỗi cay đắng, ê chề, không còn cơ hội để sửa chữa, không còn đường quay lại được nữa rồi.
Mọi người đều biết rượu đem lại những giây phút say sưa, lâng lâng sung sướng, nhưng có không ít người quá chén đã uống trôi tuột cả cuộc đời và sự nghiệp của mình xuống dạ dày!  
Về quê, sống trong cảnh nghèo khổ, anh bỏ được rượu và rồi bỗng lại trở thành một nông dân ngoan hiền như thửa trước lúc còn trai trẻ. Rồi anh ta cũng đã tái hôn với một cô thôn nữ trẻ và khỏe mạnh để hàn gắn lại vết thương chí tử trong lòng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, anh ta mới nhận ra không có người phụ nữ nào có thể so sánh được với vợ cũ của mình. Cũng biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng người ta lại rất hay so sánh khi không được hài lòng. Thế là lại uống rượu trở lại, lại say sưa như cũ, lại vạ vật đầu bờ, cuối bụi.
Lúc này thì không có ai khuyên nhủ, can ngăn nổi, cũng không còn có ai theo dõi và giúp đỡ nữa.
Ít lâu sau đó vợ cũ anh lấy chồng.
Bà ngoại bắt con bé về nuôi. Cái đó làm cho thằng cậu ruột vốn chỉ là thằng đàn ông mạt hạng cảm thấy bị thiệt thòi. Quyền lợi tất bị sẻ chia, nên luôn hằn học với đứa cháu nhỏ tội nghiệp. Sự bon chen nhỏ nhen, khốn nạn ấy chưa tiện bộc lộ ra ngoài vì bản thân nó và cả gia đình của nó vẫn còn sống dựa vào bà mẹ và chòm chõm nhắm vào số tài sản khá lớn mà bà đang sở hữu. 
Còn bà ngoại con bé sau này bình tĩnh suy nghĩ lại, chắc cũng đã áy náy do tính cố chấp và do sự áp đặt một chiều của bà nên gia đình con gái mới tan vỡ. Con bé còn cả cha, lẫn mẹ mà như một đứa trẻ mồ côi. Bà đã mua sẵn một gian nhỏ liền kề cho đứa cháu gái nhỏ tội nghiệp, phòng lỡ khi có gì bất chắc, nó vẫn còn lại một chút để trú thân. Nhưng sau bao mưu toan thấp hèn, thằng cậu đã lén lút, dụ dỗ và rồi gần như thúc ép mẹ bán bằng được gian nhà nhỏ để nhập về túi nó.
Tết vừa rồi con bé được phép bà ngoại cho về quê thăm bố. Khi đến Phòng thì không may lại gặp phải thằng cậu đầu tiên.
Con người hình như đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Tuy thế nó vẫn có lúc sáng, lúc tối. Sự lập lòe sáng, tối ấy do bản thân ta là chính, cũng có thể do may mắn phần nào!    
***
Sáng hôm sau cô công nhân vệ sinh tìm thấy con bé nằm chết bên thùng rác công cộng cạnh cột đèn đường. Chiếc bánh chưng, dù rất đói nó vẫn không dám ăn, bị chuột khoét nham nhở, còn được ôm khư khư rất chặt trong lòng như sợ ai lấy mất.  
Mấy nhánh hoa tết còn tươi không biết ai vứt vội rơi xuống ngay trên bàn tay còn mở của con bé như một món quà tặng của thiên thần.


Hà Nội, 2018.
(1) Tứ cố vô thân: Đơn độc không nơi nương tựa.