tháng 2 13, 2015

Xuân




Xuân 

Mưa bụi mịt mù, đẫm lối đi, 
Lắng nghe chồi biếc khẽ thầm thì. 
Trắng xóa tóc người đang thơ thẩn, 
Ngan ngát hương trầm, níu bước đi. 

                                      Hà Nội, 1998.

tháng 2 12, 2015

Cổng làng


Ông Đại Tá bị trói

Tôi đi làm Tư vấn Giám sát Dự án Khôi phục và Xây dựng mới mười cầu phía Bắc trên quốc lộ 1A giữa Hà Nội Lạng Sơn - giai đoạn II vào cuối năm 2000. Trên Lạng tôi có quen với ông Hồng, một cựu quân nhân đã xuất ngũ với hàm Đại tá nhà ở ngay đầu cầu mới phía Bắc Mai Pha.
Ông ta còn kém tôi năm tuổi nhưng do mái tóc bạc trắng như cước nên khi nói chuyện ông vẫn gọi tôi là chú, xưng anh ngọt xớt. Mãi sau này lúc sắp chia tay ông mới biết và cứ áy náy mãi về cách xưng hô này. Tôi phải nói lại là dù ông có gọi tôi là anh thì tôi cũng có oai hơn hay giàu có hơn khi ông gọi tôi là em đâu!
Khi rảnh rỗi ông Hồng thường kiếm các thứ lá lẩn quanh vùng về làm thuốc và theo ông thường nói thì bệnh gì ông chữa cũng khỏi.
Nghe nói nhiều lần, tôi cũng thành người dùng thuốc của ông. Khi trả tiền, ông thường có câu cửa miệng:
- Có đáng gì đâu mà trả tiền! Nếu muốn thì ông đưa bao nhiêu cũng được!
Đầu tiên cứ ngỡ là ông là người dân tộc nên thật thà, thoải mái. Nhưng sau suy nghĩ lại mới thấy ông thật tinh ranh. Tôi bị viêm họng, ông cho ngậm rễ cây rẻ quạt thái mỏng tẩm muối phơi nắng. Đỡ thì có đỡ, nhưng khỏi thì không khỏi.
Có vài nắm lá, nhưng đưa dăm trăm nghìn, ông cũng nhận tất.
Sau để ý cách chế biến thuốc và lá lẩn của ông thì không dám dùng nữa. Thuốc cho người ta uống, kể cả những thứ không qua đun nấu mà ông đổ phơi ngay trên sân đất, lẫn cả phân gà, phân ngan cực kỳ bẩn thỉu.
Nhưng câu chuyện của ông không chỉ là chuyện chữa bệnh bằng vài thứ lá ông hái quanh quất đâu đó.
Đất đang ở theo ông kể thì cách đây dăm năm ông mua lại của Huyện quả đồi này không đầy trăm triệu. Sau khi có quả đồi, ông đem vợ con về dựng nhà, trồng cây cối, nuôi lợn gà. Sau nhà ông trồng sắn và các cây ăn quả. Thế là thành cơ ngơi khang trang, mùa nào thức ấy.
Cầu Mai Pha đi sát sạt cạnh quả đồi nhà ông, mà theo như dự định thì cũng lẹm vào một phần nhỏ đất ông sở hữu. Tỉnh và huyện đo đo, tính tính, nghe đâu cũng đền bù được kha khá. Nhưng cái lợi lớn nhất là nhà ông bỗng chốc được ra mặt đường lại ở ngay đầu cầu phía Bắc quang quẻ, rộng rãi. Tương lai sau này mà mở một cái quán bán hàng ăn hay hàng nước thì thế nào cũng hót ra tiền, chứ chẳng bỡn.
Ông Hồng là Đại tá xuất ngũ nên, chơi bời giao du với những người có mặt, có mũi trong vùng. Đặc biêt ông còn kết nghĩa anh em với ông Phó chủ tịch tỉnh, nên nhiều người quanh đấy nể sợ và kiềng ông ra cũng phải.
Bằng lòng thì ông cười hơ hớ, mếch lòng thì ông chửi ngay tắp lự, chẳng nể sợ ai bao giờ.
Việc phải dọn cái chuồng lợn to tổ bố ngay trước nhà và dẹp cái sân đi để giải phóng mặt bằng mà thi công đầu cầu theo dự kiến, ông đã biết từ khi chưa đóng cái cọc đầu tiên ở giữa lòng sông cơ.
Thế rồi đã lệnh từ Tỉnh xuống Huyện rồi từ Huyện xuống Xã thông báo cho dân được lĩnh tiền đền bù đất đai, thì ông Hồng cũng là người được biết đầu tiên. Nào là đơn giá bao nhiêu một mét vuông, ai là trong diện lĩnh đợt một, ai đợt hai,…
Tất nhiên ông phải ở trong đợt đầu rồi, còn chệch vào đâu được nữa.
Nhưng chẳng biết vì sao, ông cứ đi đi, về về mấy lần mà vẫn không lĩnh tiền và tất nhiên ông cũng không chịu dọn cái chuồng lợn to đùng ra sau nữa.
Đến khi cầu đã gác đủ rầm mà lan can và đường đầu cầu phía Bắc vẫn không triển khai được.
Tôi làm trong Ban dự án xây dựng cầu, lại có quen thuộc, ngày nào mà chẳng qua lại dăm lần nhà ông, có lần còn được ông mời uống chén rượu thuốc nữa.
Hỏi thì ông bảo:
- Thằng em tôi (chỉ ông Phó chủ tịch Tỉnh là anh em kết nghĩa) nói cho tôi biết đơn giá đền bù, tỉnh duyệt rồi. Tính ra tôi phải được gần sáu trăm triệu. Thế mà lên xã lĩnh chỉ được hơn một nửa. Tôi có đưa công văn của Tỉnh cho chúng nó xem, thì chúng nó nói là không làm theo công văn này. Tôi chửi cho một mẻ rồi về. Đời nào tôi lại “ngu” như thế, đời nào tôi chịu để cho chúng ăn chặn cơ chứ?
- Sao lại thế nhỉ? Tôi hỏi cho có chuyện.
- Sao với giăng cái gì! Thế này nhé, đơn giá tỉnh duyệt là mười đồng, xuống huyện chỉ còn bảy, xuống đến xã lại teo đi chỉ còn có sáu. Đấy ông đã hiểu chưa!
- Ơ, hay nhỉ! Nhưng tôi nghĩ nó cũng phải rơi vãi đi chút ít, mấy lại lĩnh một lúc cả đống tiền cũng nên bớt lại cho Huyện, cho Xã chút ít để xây dựng cơ sở chứ!
- Bớt, bớt cái con khỉ! Xây, xây cái con tườu! Ai, tôi không biết chứ tôi là không trừ đầu, xén đuôi như vậy được!
- Thế à?
- Tôi là quân nhân, đã đóng góp đủ rồi. Đóng góp cả xương máu và tài sản cho đất nước bao nhiêu, đâu có tính toán. Nhưng giờ đã già rồi, phục viên rồi, còn đóng góp cái gì nữa chứ?! Không đóng, tôi nhất định không đóng!
- Ông chỉ là Đại tá, chứ đến Đại tướng vẫn “phép vua, thua lệ làng”.
Hay ông lên trên tỉnh nhờ ông em nuôi là Phó chủ tịch Tỉnh lĩnh hộ?!
- Ừ, ông nói tôi mới nhớ ra.
Thế rồi đi lại dăm lần, bảy lượt, ông em nuôi cũng cứ lý do này, lý do nọ vẫn không hoàn thành việc nhờ cậy của ông.
Thời gian cứ thế trôi đi, tính ra cũng đến năm, sáu tháng chứ có ít gì đâu. Khổ nỗi vì đây lại là dự án lớn cỡ Quốc gia, công trình nằm trên Quốc lộ 1A nên nó liên quan đến cả hai chính phủ chứ đâu có bỡn. Thế rồi áp lực từ trên dội xuống. Nhà nước gí xuống Bộ chủ quản, Bộ gí xuống Ban quản lý Dự án, Ban quản lý gí xuống Tỉnh, xuống Huyện, xuống Xã. Dây chuyền ấy cứ gí lẫn nhau và tất nhiên cuối cùng nó phải gí đến “khổ chủ” là ông Hồng.
Một Ban Giải phóng mặt bằng mới cấp tốc được thành lập, nó to hơn, đầy đủ hơn Ban cũ nhiều.
Rồi vào một ngày đẹp trời, cái Ban mới to đẹp này gồm đầy đủ tất cả các bộ phận, các ban ngành liên quan. Nào là Bộ chủ quản, Ban quản lý Dự án, Tỉnh, Huyện, Xã có đến hàng trăm cán bộ hữu trách và cả các cán bộ không liên quan gì cả. Với rất nhiều xe cộ, máy móc và cả một trung đội Công an được trang bị vũ khí đến tận răng, rầm rộ kéo đến trước cái chuồng lợn to lớn và cái sân rộng mênh mông nhà ông Hồng.
Biết trước là có chuyện nghiêm trọng sẽ xảy ra, nên vợ chồng ông Đại tá đã chuẩn bị chu đáo rồi.
Ông Đại tá mặc bộ quân phục mới nhất trên hai vạt áo trước ngực đeo tất cả các loại huân, huy chương mà nhà nước và quân đội tặng thưởng, ngoài ra ông còn đeo cả những huy hiệu, những phù hiệu mà ông cho là đẹp, thành ra trông ông đỏ rực lên như một bó đuốc. Mũ miện chỉnh tề, ông kê ghế ngồi ngay ở đường vào nhà. Đằng trước ông cho gác một cây tre ngang lối đi làm thành một cái ba-ri-e(1) cản ngang đường thật đĩnh đạc.
Bà cũng ăn mặc chỉnh tề, quần áo mới, khăn mỏ quạ mới, đứng ngay sau ông làm thành một thế tựa thật vững chắc.
Thật là một hình tượng đẹp đẽ!
Khi ông trưởng ban Giải phóng mặt bằng Tỉnh lên tiếng xin được làm việc với ông Đại tá thì thật bất ngờ, ông Hồng đã chửi văng tê và xưng hô mày tao chi tớ với người Đại diện Chính quyền và còn bất ngờ hơn nữa là bà Hồng đã tụt ngay quần ra đái tồ tồ trước mặt bao nhiêu Ban, Bệ.
Một hiệu lệnh được bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Tỉnh ban ra, Mấy anh thanh niên trai trẻ nhảy xổ vào quật ông bà Hồng ra trói giât cánh khuỷu, khiêng vất lên cái xe tải đang nổ máy chờ sẵn. Mấy đồng chí Công an còn sục vào nhà và sau bếp bắt nốt mấy đứa con ông, trói và tống tất lên xe.
Tôi liếc nhìn về phía ông kỹ sư hiện trường người Nhật Ichiro Tanaka thì thấy ông ta cầm cặp tài liệu che mặt rồi lỉnh ra ngoài. Mấy hôm sau chúng tôi cũng sượng sùng tránh mặt nhau, mãi mới dám nói chuyện lại.
Hơn hai ngày sau đường đầu cầu đã hình thành, mà cũng chỉ mất cái chuồng lợn và gần hết cái sân, chứ có nhiều nhặn gì đâu.
Lúc vợ chồng, con cái ông Hồng về đến nhà thì sự việc đã đâu vào đấy rồi mà đất cát cũng gần như còn nguyên vẹn.
Mấy ngày sau khi đã bình tĩnh lại, ngồi uống nước với nhau, ông có nói với tôi:
- Anh ạ, em dại không nghe anh khuyên nên mới ra cơ sự như vậy.
- Mình có tuổi rồi, cũng đừng cố chấp quá làm gi. Vả lại cá nhân mình thì chống làm sao được với cơ chế nhà nước.
- Anh có biết không, cái thằng chó chết ấy, khi có ăn thì gọi là nó đến ngay, nhưng khi có việc thì không tìm thấy mặt nó đâu nữa.
- Ông lại nhắc đến ông em nuôi Phó chủ tịch Tỉnh phải không?
- Đúng là “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy đâu”!
- Chính xác. Mà lúc ấy ông ta có mặt cũng chẳng cứu được ông đâu, có khi còn dở hơn nữa cơ.
- Sao vậy?
- Bởỉ số tiền chúng “thăn” được của ông cũng có cả phần ông ta đấy!
- Thật vậy sao?
- Mà này vài hôm nữa yên yên rồi, ông lên xã ngọt nhạt mà lĩnh tiền đền bù, kẻo “để lâu, cứt trâu hóa bùn”.
- Nó dám không trả!
- Dám chứ! Trói ông nó còn dám thì “chuội” tiền của ông chả là cái “đinh gì”!
- Phải có lý do chứ. Không, tôi kiện đến tận Trung Ương!
- Ông đã nghe câu: “Con kiến mà kiện củ khoai” chưa?
- Ông thử giải thích rõ hơn xem?
- Nếu bọn nó lập ra một bảng kê khai các khoản chi tiêu, tốn phí cho vụ cưỡng chế vừa rồi, ông có bán cả nhà đi vẫn không đủ tiền để nộp đâu!     
                                                                                                                                                                   
                                                                                                                             Hà Nôi, 2015.

(1) Ba-ri-e: Rào cản ngang đường (Barrier: tiếng Anh)

Hoa Ly


Hoa và Quả


Bôn trải


Cơ duyên

Tôi có ông bạn cùng lớp hồi phổ thông. Dễ có đến bốn, năm chục năm không gặp lại. Lúc hàn huyên mới biết ông đã trở thành Phật tử, tựa hẳn nơi cửa Phật.
Quan sát thì thấy ông không giống một thày chùa. Tôi hỏi một ông bạn ngồi cạnh:
- Bác Minh đã đi tu sao vẫn com-lê ca-vát?
- Nhà chùa không quy định Phật tử đều phải ăn mặc nhất loạt nâu sồng!
- Tôi còn nhớ, bác Minh tốt nghiệp kỹ sư Xây dựng Bách khoa từ những năm 1963, đã đi làm ở Công ty Xây dựng Hải Phòng, vợ con đàng hoàng. Thế thì vì sao lại bỏ lên chùa đi tu?
- Bác Minh không đi tu!
- Trở thành Phật tử, sống trên chùa thì gọi là đi tu chứ còn gọi là gì nữa?
- Những người đi tu, thường phải lên ở trên chùa. Nhưng không phải ai sống trên chùa cũng đều là người đi tu cả.
- Thế thì là cái quái gì!?
- Thì như bác Minh đây này. Bác ấy ở trên chùa nhưng vẫn không phải là người đi tu.
- Vì sao thế? Bác ấy không có chỗ ở à?
- Không phải thế. Bác ấy có thể mua một cái vi-la(1) hay cả một rì-xọt(2) tại một khu sinh thái đẹp nhất thành phố. Nhưng bác ta vẫn ở trong chùa, mà chỉ là một ngôi chùa nhỏ ven thành phố.
- Vì sao thế? IC(3) của bác ấy có bị ẩm không?
- Xét bề ngoài thì thấy giống như vậy. Nhưng nếu hiểu bác ấy, chơi với bác ấy nhiều năm, cùng chia sẻ những thăng trầm, cùng nếm trải ngọt bùi, cay đắng trong đời với bác ấy thì sẽ hiểu ra thôi.
- Bác hãy kể cho tôi nghe những điều bác vừa nói ấy.
- Chuyện kể một lúc không hết được. Bởi cũng đã mấy chục năm “dâu bể” rồi, cũng có thể nói là trải qua một đời người đấy.
- Là một đời người hay có đến hàng chục cuộc đời đi nữa mà nhạt toẹt, vô vị thì cũng chỉ dăm câu là hết. Còn có gì mà nói nữa!
- Nhưng đây là một cuộc đời đặc biệt!
- Một cuộc đời đặc biệt?
- Đúng, một cuộc đời thật đặc biệt!
- Thế cuộc đời ấy có “ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh” không???
- Không chỉ là “ba chìm, bảy nổi,…”, mà có đến mấy chục cái “lênh đênh” cơ.
- Eo ơi, bác không “phịa thêm ra đấy chứ?
- Không hề “phịa” tý nào.
- Thế mà xem ra bác ta chẳng ảnh hưởng mấy tý, vẫn đang hoàng, sang trọng.
- Thế theo ông phải “tã” ra như tàu dưa héo thì mới tỏ ra là đã trải qua sóng gió hay sao? Tôi nói để bác biết là cách đây gần chục năm bác Minh đã nhiều lúc có ý định cùng hai đứa con gái nhỏ nhảy xuống sông Cấm để kết thúc cuộc đời rồi đấy.
- Thật thế ư?
- Tốt nhất là tôi mời bác Minh ra cho bác hỏi chuyện, kẻo nửa tin, nửa ngờ nói cũng mất cả hứng.
***
Sau khi chào hỏi nhau xong, tôi mở đầu câu chuyện:
- Tôi đang muốn nghe câu chuyện về bác, không biết bác có vui lòng kể cho tôi nghe không?
- Vâng bác muốn nghe thì tôi kể. Nhưng chuyện của tôi có gì đáng để nói đâu. Toàn là những chuyện bẩn thỉu, đểu cáng, nghe bẩn cả tai.
- Tôi cũng đã biết sơ sơ. Nhưng tôi muốn nghe chính bác nói ra cơ. Bác ạ, cũng không nên vì có một vài nhành cỏ dại, mà nhổ cả cụm hoa đi.
- Cảm ơn bác đã có những ý bao dung. Nhưng cứ ở vào cái hoàn cảnh mà chỉ còn một cách là cùng hai đứa con nhỏ của mình, rình lúc vắng người để nhảy xuống sông, thì mới cảm nhận hết được nỗi cay đắng, nỗi tủi nhục mà cuộc đời đã tạo ra cho tôi. Và lúc bấy giờ liệu mấy ai còn dám mạnh mồm nói là nên như thế này, nên như thế nọ nữa hay không?
- Tôi thành thật muốn chia sẻ cùng bác. Và cũng mong bác hãy vì cái trước mắt mà bỏ qua đi, mà quên đi những cái đã ở sau lưng.
- Bác nói câu ấy tức là bác nghĩ tôi là người cố chấp lắm phải không? Sau những biến cố vừa trải qua, tôi bây giờ vẫn còn tồn tại, bây giờ tôi là người thành đạt, vững vàng và cực kỳ giàu có. Tôi phải thú nhận với bác trong số bạn bè cùng lớp, tôi cho tôi là người giàu có nhất. Bác có biết tôi có bao nhiêu tiền trong ngân hàng không? Không thể đoán được đâu. Tôi có hàng chục tỷ cơ đấy. Nhưng số của cải ấy chưa đáng kể gì so với hai đứa con gái của tôi. Một ở Ca-na-da, một ở Mỹ. Hai đứa đều trưởng thành, có công ăn việc làm, có cơ ngơi khang trang và gia đình hạnh phúc.
Năm nào tôi cũng qua đó thăm chúng nó. Đứa nào cũng muốn bố sang ở cùng. Nhưng tôi nói: - “Tao là người Việt Nam, sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, nên cũng chỉ muốn sống nốt cuộc đời ở Việt Nam thôi. Ở Viêt Nam có những cái mà các nước khác không sao có được. Người nước khác không sao hiểu được!”
- Kể cả sự đểu cáng!
- Chính xác! Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Tôi đi rồi thì làm sao còn có bạn bè, như các bác đây. Làm gì còn có những kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy vừa đáng thương, vừa đáng giận, vừa đáng nhớ, vừa đáng quên.
Nói xong bác Minh cười kha khá rồi ôm lấy tôi mà vỗ vỗ vào lưng!
Thấy bác Minh rất thoải mái nên tôi cũng cố cười thật to rồi nói với bác ấy:
- Vì sao mà mấy bố con bác lại đến nỗi có ý định xuống “tắm mát” ở sông Cấm?
- Bế tắc, bế tắc quá. Lúc ấy cuộc sống không còn chút hy vọng le lói nào nữa!
Nhưng bác ạ khi nhìn hai đứa con ngây thơ, bé bỏng của mình cầm hai cái bánh tẩm độc ăn một cách ngon lành. Thì tôi không sao chịu được nữa. Giằng vội hai cái bánh ra, vất đi, rồi cả ba bố con cùng ôm nhau khóc.
Tối ấy lừa lũ con ngủ ở một cái lều chợ, tôi tha thẩn đi vô định trên đường. Không biết đi đâu, về đâu. Thế rồi như cơ duyên tiền định, tôi lạc vào một ngôi chùa nhỏ ven thành phố. Đấy chính là ngôi chùa bây giờ tôi vẫn cư ngụ: Chùa Đỏ.
Tôi gặp, rồi vừa khóc vừa kể cho ông sư cụ già nua trụ trì nghe về câu chuyện của ba bố con tôi.
Sư cụ đã giang tay cưu mang ba bố con tôi lúc chúng tôi đã ở vào hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc, không nơi nương tựa.
- Nhưng tại sao ba bố con bác lại gặp hoàn cảnh trớ trêu như vậy, khi bác đang là một kỹ sư của một công ty lớn rất uy tín, mà nghe nói bác còn đề bạt lên trưởng phòng nữa cơ mà?
- Đấy, đấy, bi kịch nổ ra từ sự “thành đạt quá sớm” này đấy!
Bác biết rằng, ngay cái chuyện tôi học ở Đại học Bách khoa, lại không bị bắt lính. Ra công tác được mấy năm thì được kết nạp Đảng, rồi cưới vợ. Vợ tôi là con gái vàng duy nhất của Tổng Giám đốc Công ty. Vì vậy con đường tôi đi thẳng tiến thuận lợi, lên như diều gặp gió. Khi cháu thứ hai ra đời thì tôi mới biết vợ tôi đã có quan hệ mật thiết với một tay Việt kiều Mỹ giàu sụ từ rất lâu rồi. Thì ra mỗi lần đi công tác nước ngoài vài, ba tháng là thời gian để đôi “gian phu, dâm phụ” hẹn hò “tằng tịu” cùng nhau.
Cái đau nhất đối với tôi lúc bấy giờ là nó không hề xấu hổ và không thèm chối cãi về những tội lỗi của nó đã gây ra.  
Kể như nó khóc lóc, xin xỏ tôi thì lại đi một nhẽ. Đằng này nó còn câng câng nói rằng đứa bé thứ hai không phải là con tôi.
Lúc bấy giờ tôi đã sụp đổ hoàn toàn. 
Rất nhiều người khuyên tôi nên bỏ qua chuyện này. Trong số đó thì người tich cực nhất là ông bố vợ Tổng Giám đốc giàu sụ và cực kỳ quyền lực của tôi. Ông ta đưa ra rất nhiều “những miếng mồi ngon” và “cực kỳ hấp dẫn” để làm tôi xiêu lòng.
Nhưng do tuổi trẻ chưa có kinh nghiệm, lại không tiết chế được mình. Tôi đã “nổ” như “một quả bom tấn”, ngay trước mặt mọi người hôm đưa nhau ra tòa ly dị.
Tôi đã khảng khái tuyên bố trước tòa là xin được nuôi cả hai đứa con. Tay không dắt con ra khỏi ngôi nhà chung mà mọi người đều biết là tôi cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cả công sức lẫn tiền của vào đó.
Ít tháng sau tôi bị cơ quan sa thải mà chẳng cần một lý do gì.
Tôi cũng đã dự đoán trước được điều này, vui vẻ dắt con ra đi. Khi đó tôi chỉ nghĩ được một điều là phải tránh xa càng nhanh càng tốt bầu không khí “cực kỳ ô nhiễm” nơi tôi đang sống và làm việc.
Tôi chỉ nghĩ rất gần là: mình quay lưng với cái quá khứ “ô uế”, không thèm tơ hào một đồng xu nhỏ cái đống của cải bẩn thỉu kia thì dù sao cũng làm cho con vợ tôi phải nể sợ. Vả lại dù thế nào hai đứa trẻ tội nghiệp này cũng là con của nó đẻ ra.
***
Mấy đồng bạc lẻ còn sót trong túi chỉ nuôi được bố con tôi vài hôm. Khi không còn một xu dính túi, tôi đành bày ra một mẹt nước chè cạnh gốc cây để kiếm tiền sinh sống.
Đầu tiên thì bị mấy ông trật tự, dân phòng gây khó dễ. Sau thì đến bọn côn đồ đường phố đập phá. Tất cả chuyện đó sau này tôi mới biết là do mấy thằng bạn cùng cơ quan trả thù gây chuyện.
- Sao đến bạn bè cũng lại nhằm lúc này để “té nước theo mưa” thế?
- Bác còn lạ gì, các cụ chẳng đã nói: - “Giậu đổ bìm leo” đấy thôi! Ở cơ quan, họ thấy tôi là con rể Tổng Giám đốc, được nâng đỡ, được cất nhắc, cứ tiến nhanh vù vù, thì làm sao tránh được cái tật đố kỵ “ghen ăn, tức ở” của người đời.
Mà khi đã soi mói nhau thì ai chẳng có khuyết điểm.
Thế rồi bán nước ở gốc cây không được, bán sổ số ở vỉa hè cũng không xong. Có hôm lại còn bị cướp mất sạch vé số. Trình bày kiểu gì, cũng không ai tin. Mất tiền ký quỹ, gây rối trật tự đường phố. Bị bắt giam ở đồn, ở quận. Cha con tôi lâm vào cảnh cùng đường, phải nhịn đói là chuyện thường xuyên.
Mình là đàn ông còn có sức chịu đựng. Nhìn hai đứa con bé bỏng, đói rét tôi không sao chịu được. Vì thế nhiều lần đã nghĩ đến cái chết.
Tôi không sợ chết, nhưng thử nghĩ mà xem. Khi mình nằm xuống. Hai đứa con nhỏ biết bấu víu vào đâu? Chúng đều còn quá nhỏ bé, đứa lớn chưa quá mười tuổi. Mà chúng có tội gì đâu! Tại sao tội lỗi do người lớn gây ra cuối cùng con trẻ lại phải gánh chịu. Cũng chính vì thế mới nảy ra ý định ba bố con cùng chết.
Sau khi nghe tôi thổ lộ tâm sự, ông sư cụ già trụ trì ở chùa Đỏ đã nói với tôi:
- Trên đường đời, không vấp ngã là một điều rất tốt. Nhưng khi bị vấp ngã, dám đứng dậy để bước tiếp thì còn tốt hơn nhiều.  
- Thưa cụ, như mấy cha con tôi bây giờ thì bước tiếp về đâu?
- Đường đi không có sẵn. Người ta cứ đi mãi mà thành. Bước về đâu ư? Thí chủ phải tự hỏi mình, chứ sao lại hỏi người khác!
Ta nghe nói thí chủ cũng được học hành và đã trở thành một kỹ sư cơ mà. Kỹ sư là người có thể chỉ cho người khác làm một số việc rồi. Vả lại mình là con người, chứ có phải là trâu bò đâu mà để cho người khác lôi, dắt.
Tôi ăn nhờ, ở đậu nhà chùa dăm hôm. Sau đó do nhà chùa muốn xây dựng một số công trình lặt vặt trong chùa. Lại đúng là nghề của tôi. Tôi đã cố làm việc để không bị mặc cảm là nhà chùa đã phải “nuôi báo cô” mấy cha con tôi.
Thế rồi tôi tình nguyện trở thành Phật tử, có Pháp hiệu hẳn hoi. Tôi gắn bó hẳn với nhà chùa từ đấy.
Thấy tôi làm việc tốt. Sư trụ trì giao hẳn cho tôi việc xây dựng. Rồi dần dần không những các công trình thuộc chùa Đỏ mà cả của các chùa lân cận trong vùng cũng đều được giao cho tôi xây dựng.
Vì thế công việc thì không thiếu. Chưa kết thúc công trình này đã có công trình khác gối đầu.  
Thế là tôi có công ăn việc làm hẳn hoi, không chỉ đủ tiền tiêu pha và nuôi con ăn học. Tôi có tiền và bỗng trở thành tỷ phú lúc nào cũng không rõ.  
Tôi đã giành thời gian đi tham quan một số nước lân cận theo đạo Phật như Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Thái Lan, Căm-pu-chia,…tôi thấy rằng ở đó họ rất sùng đạo, nhưng hiểu biết, chứ không mê tín như ở ta.
Vì các con đi xa cả, nên mới đây tôi cũng đã kết hôn với một phụ nữ khác để đỡ cô đơn. Đó là một người đàn bà không thật xinh đẹp, không thật giỏi giang, nhưng hiền lành, chân chất.
Nhiều lúc cô ta cũng thắc mắc hỏi tôi vì sao vẫn không tin cô ta tuyệt đối. Có lần cô ta đã tâm sự với tôi:
- Em kết hôn với anh không phải vì anh nhiều tiền của, mà là vì cảm thông với anh và các con và cũng vì nể phục anh đã có đủ bản lĩnh đứng dậy để bước tiếp những bước đi sau khi đã vấp ngã.
Tôi đã trả lời cô ta:
- Có lẽ do vừa “vấp phải một cái mấu quá lớn” nên anh chưa quên ngay được cơn ác mộng khủng khiếp ấy.
Rồi tôi ôm lấy vợ mà nói: - Anh thành thật xin lỗi vì những ứng xử chưa đúng mức, đôi khi làm cho em phải suy nghĩ. Tôi nói thêm : - Em cũng biết các con đều có cơ ngơi ổn định và chúng rất giàu có, không cần đến tiền của anh. Anh tích lũy của cải chỉ là do thói quen và vì chưa quên được những ngày đói khát khủng khiếp vừa trải qua chứ không có ý trông chừng hay đề phòng em. Mà em cũng biết anh đã lớn tuổi rồi, chẳng thể sống mãi mà giữ của cải được. Vả lại em à, áo liệm không có túi!
Cô ấy đã đấm đấm vào ngực tôi rồi cười rúc rích.
Hà Nội, 2015.
(1)                     Vi-la: (Villa) Biệt thự
(2)                     Rì-xọt: (Resot) Khu nghỉ dưỡng
(3)                     IC: mạch tích hợp (Intergrated Circuit)