tháng 10 19, 2019

Tranh quạt


Bến đò dưới trăng


Hoàng Lan


Hè về


Cứ mỗi dịp hè về, trẻ con được nghỉ học, buổi tối Đài Truyền hình thường cho chiếu lại phim Tây Du Ký. Tôi lọ mọ sang cụ giáo già hàng xóm, hơn tôi đúng một giáp, mượn bộ truyện để xem và để kể lại cho mấy đứa chắt nhỏ chỉ thích vòi cụ vừa xoa lưng, vừa kể chuyện hơn là ngồi xem phim.
Đưa cho tôi tập truyện, cụ giáo hỏi:
- Ông đã đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân lần nào chưa?
- Thưa cụ, đọc thì đọc rồi, nhưng không nhớ được trọn vẹn!
- Ai nhớ được trọn vẹn bộ truyện dài cả một trăm hồi ấy?
- Nhưng ít ra cũng phải nhớ được cái cốt truyện của nó chứ, cụ nhỉ!?
- Nhớ cái cốt truyện để làm gì? Nhưng ta phải hiểu cái ẩn ý của tác giả Ngô Thừa Ân khi viết ra bộ tiểu thuyết toàn tưởng tượng nhưng lại rất thật này! Cụ giáo phẩy tay giảng giải.
- Tôi thì chỉ thấy nó hay và hấp dẫn thôi.
- Ông có thấy thày trò Đường Tăng chật vật, gian nan, đi mấy nghìn dặm đường đầy chông gai từ Đông Thổ Đại đường đến tận Tây Trúc xa xôi để thỉnh kinh. Họ đang khai phá một con đường đi tìm chân lý trong một xã hội còn lạc hậu, còn mông muội. Đó phải chăng cũng là công việc cực kỳ cần thiết cho mọi xã hội!
Ngoài những việc vất vả như phải vạch lối, tìm đường, còn phải hàng yêu, phục quái, chiến đấu chống lại với bao loài ác thú, yêu ma. Trải qua tám mươi mốt kiếp nạn mới lấy được kinh từ Tây Trúc về!
- Mà cũng lạ cụ nhỉ? Các ác thú, yêu ma đa số đều là các “đệ tử” của các vị Bồ Tát trên Thiên đình trốn xuống trần gian gây tai họa, giống hệt như cái cảnh trong xã hội bây giờ, bọn tội phạm đa phần là dây mơ, rễ má của các “trưởng Cái bang” cả!
- Có thế mà ông không hiểu à?
- Hiểu cái gì ạ? Tôi hỏi lại cụ giáo.
- Ông với tôi có tham nhũng được không, có đi bắt chẹt người khác được không?
- Tham nhũng thế đếch nào được mà đòi tham nhũng!? Tôi phùng má lên cãi.
- Muốn tham nhũng, muốn bắt chẹt người khác được thì phải có quyền hành!
- Mà muốn có quyền hành thì phải có chức vụ!
Cụ giáo gật gù:
- Ông đã hiểu dần ra rồi đấy! Mà muốn có “chức sắc” để sau này có cơ “tham nhũng” được, thì phải chạy chọt, luồn lọt, đút lót!
- Cụ ạ, cứ xem như tay tổ trưởng dân phố mình thôi, bề ngoài không khác gì với dân chúng, nhưng quyền lợi ẩn sau lại là rất nhiều thứ như vợ hắn được mở quán nước đầu làng, những xuất đi nước ngoài để tham quan, học tập, con em chúng đều dành hết, chứ đâu đến lượt con em dân đen bọn mình, cụ nhỉ! Tôi bổ sung.
- Chính xác! Nhưng ông có hiểu vì sao ta không dám vạch trần, không dám nói toẹt các tệ nạn xã hội dù nhỏ nhất ấy ra không?
- Ở cái thể chế hở một chút là tra xét, hở một chút là bắt bớ này, nói toẹt ra thì chỉ một lúc sau Công an sẽ “đến thăm” ngay. Tôi khẳng định.
- Thế à, đến thăm để làm gì vậy? Cụ giáo nheo mắt nhìn tôi hỏi đùa.
- Đầu tiên là đến nhà hỏi thăm sức khỏe gia chủ. Sau đó “người hay bới móc” có thể còn được các đồng chí Công an chăm sóc, rước ra xe đặc chủng đưa về nghỉ ngơi tại trạm “điều dưỡng” đặc biệt nào đó, mang tên từ số 1 đến số N...Tôi cũng đùa lại.
- Chả lẽ hệ thống chính trị của ta bây giờ không bằng cái hệ thống chính trị đời Đường(1) cách đây hai nghìn năm ư?! Cụ giáo trầm ngâm hỏi tôi.
- Cụ hỏi thế là có ý gì ạ?
- Hệ thống chính trị bây giờ hiện đại hơn hẳn hệ thống chính trị đời Đường cách đây hai nghìn năm chứ, cụ thể là bây giờ ta có ô-tô, máy bay và cả In-tơ-net… nữa! Thế thì tại sao tác giả Ngô Thừa Ân lại không bị “các đồng chí công sai” đến “thăm hỏi” chứ gì? Cái tài tình của cụ là ở đấy. Cụ đã “phù phép” cho một tác phẩm lớn như Tây Du ký thực chất là một thiên phóng sự điều tra, một tác phẩm hiện thực, phê phán trác tuyệt thành một câu chuyện nhuốm đầy màu sắc tâm linh, mịt mù khói hương tôn giáo.
Thời ấy mọi người chắc là mê tín hơn bây giờ. Nói đến Thần Phật là chỉ biết cúi đầu thuần phục, nên khi muốn bới ra các đống rác bẩn thỉu, thối tha trong xã hội đương thời, cụ đã khéo léo biến nó thành những câu chuyện thần thoại, yêu ma.
Ông thử nhớ lại mà xem, cứ đúng lúc bọn yêu ma vừa giết hại người vô tội, sắp bị “chính nghĩa” vạch trần, sắp bị “pháp luật” trừng trị, thì thường đột ngột xuất hiện một vị “Bồ tát đáng kính” nhận con quái thú kia là “đồ đệ yêu” của Ngài, đã từng có công phục vụ Ngài rất đắc lực?  
Ngô Thừa Ân đã vạch trần cái xã hội lạc hậu đến man rợ, đâu đâu cũng đầy bọn đầu trâu, mặt quỉ ăn xương, uống máu người không tanh. Nhưng tất cả bọn chúng lại được tin yêu, được đặc quyền trấn giữ khắp các nẻo đường “đi tìm chân lý”, mọi nẻo đường đi tìm lối thoát cho xã hội mà thày trò Đường Tam Tạng đang phải đi qua.
Một điều không thể xem nhẹ trong Tây Du ký là sự châm biếm, hài hước của tác giả Ngô Thừa Ân cũng vào loại bậc thày thiên hạ!
Hình ảnh mấy thày trò Đương tăng đi thỉnh kinh cũng cực kỳ nhố nhăng, nó đại diện cho xã hội thu nhỏ trong mọi thời đại. Ông sư phụ là ngọn cờ, đáng lẽ phải là người minh mẫn, giỏi giang, thế mà ở đây ông ta chỉ là một lão già lẩm cẩm, ba phải, không phân biệt nổi tốt xấu, đúng sai, đúng là “tam toạng thánh hiền”. Người có công, vất vả làm mọi việc như Tôn Ngộ Không luôn bị răn đe và xử phạt. Hình phạt cũng cực kỳ độc ác, đó là bài chú Kim Cô từ miệng ông sư phụ ngu dốt kia đọc làm cho cái vòng vàng xiết chặt vào óc của học trò, đau đớn không sao kể xiết. Trư Bát Giới đầy tật xấu như lười nhác, tham ăn, nhìn thấy gái là tít mắt lại, nhưng luôn được tin tưởng, ngợi khen. Ngô Thừa Ân đã làm ta nhìn rõ hơn, hiểu rõ hơn cái trật tự nhố nhăng, cách sắp xếp nhố nhăng trong các xã hội lạc hậu. Những thằng ngu thường leo lên cao để nắm đầu người khác đã trở thành quy luật mất rồi!
Tác phẩm tuyệt vời Tây Du ký của Ngô Thừa Ân không những không bị hệ thống chính trị Phong kiến lạc hậu cách đây mấy nghìn năm ngăn chặn, cấm đoán mà còn được truyền bá rộng rãi, được phổ cập trong mọi tầng lớp, như một thứ kinh sách, mà ai xem cũng đều thích thú ngợi ca.
Bằng tài tưởng tượng phi phàm và với con mắt quan sát tinh tế đặc biệt, tác giả còn vạch trần cho ta thấy ngay cả các bậc chí tôn, chí thánh trên Thiên đình cũng vẫn hiện nguyên hình là những tên đốn mạt, những tên “ăn bẩn” chẳng biết kiêng dè thối tha, bẩn tưởi!  
- Lại đến thế cơ ạ?
- Ông có nhớ hai ông Phật giữ kho kinh là Ác Nang, Ca Diếp gì đó, họ được lệnh của Phật tổ Như Lai mở kho để cấp kinh cho thày trò Đường Tam Tạng. Đầu tiên họ chỉ phát kinh không có chữ. Cuối cùng thày trò nhà sư phải “nôn” cái bát vàng hằng ngày để xin cơm bố thí ra, họ mới được phát kinh có chữ đấy thôi!
- À, tôi nhớ ra rồi! Đúng là dột từ nóc dột xuống, các cụ xưa nói cấm có sai!
Hà Nội, 2019.

(1) Nhà Đường: Kéo dài 289 năm, từ năm 618 khi vương triều thành lập, đến năm 907.

Dưới Tháp Nhà thờ Đá - Tam Đảo


Tượng Ngô Vương Quyền - Thị xã Sơn Tây


Hồng


Ông hàng xóm


Lê Huy làm cùng cơ quan với tôi mấy chục năm, hơn tôi một tuổi, người Nghệ, mới học Trung cấp nhưng cuối đời phấn đấu cũng lên đến Bí thư Đảng ủy cơ quan.
Về hưu tình cờ lại là hàng xóm, tuy không phải là tri kỷ nhưng cũng dễ chịu, nên thường hay qua lại chơi bời.   
Một lần Huy đến nhà, tôi đi vắng, ông buột miệng nói:
- Cũng may, Khải nhà bà không vào Đảng!
Vợ tôi có hỏi lại là vì sao ông cựu Bí thư lại nói như vậy? Nhưng ông không nói gì thêm nữa.
Về nghe vợ kể, tôi cũng chẳng biết nói thế nào!
Suy luận mãi vẫn chẳng thông được, bèn “chốt” bừa:
- Có lẽ những đắng cay, chìm nổi trong tám mươi năm cuộc đời đã làm ông ấy quá mỏi mệt, mới nảy ra cái ý nghĩ không được “Bôn(1) sệt” này chăng? 
Huy có hai con, một trai, một gái. Con gái lớn, gả chồng giàu, coi như yên vị. Anh con trai năm nay cũng đã năm mươi, cao to, từ bé được bố ôm ấp, “hà hơi”. Hơn chục năm đi du học hết Liên Xô đến Đức, đến Ba Lan,… mà chẳng lấy được mảnh bằng nào, cũng chẳng học được một nghề nào để kiếm cơm cả. Ngoài hai mươi đã lấy vợ, có con đủ cả trai lẫn gái. Đã lớn bằng sào, bằng gậy, học hành cũng giống bố chẳng đâu vào đâu.
Huy lo lắng, có lần tâm sự với tôi:
- Chẳng biết sau này thế nào, chứ cứ nghĩ là lại thấy lo, lo!
- Lo cái gì?
- Xã hội thay đổi từng ngày, khoa học, kỹ thuật tiến bộ đến chóng mặt, hôm nay đã khác hẳn hôm qua, mà con cháu mình học hành chẳng ra sao, thì rồi làm thế nào mà tồn tại được!?
- Lo cái cóc khô gì! Của cải ông dành dụm được có mà tiêu đến mấy đời chả hết! Với lại trời sinh voi, trời sinh cỏ, lo làm gì cho mệt! Chẳng ở tỉnh thì lại về quê!
- Nhưng tôi vẫn không hiểu sao, mình ăn ở hiền lành thế mà chẳng để đức được cho con! Chúng lớn lộc ngộc rồi mà suy nghĩ chỉ như mấy đứa trẻ mới đi mẫu giáo!
- Ông có bao giờ hỏi vì sao không?
- Hỏi ai cơ?
- Ông từ một vùng quê nghèo, chó ăn đá, gà ăn sỏi, bố mẹ là cố nông, chân đất, mắt toét, làm lấm lưỡi chẳng đủ ăn. Nhà nghèo, không dựa dẫm được nên ông phải tự thân vận động cố hết sức mới lấy được cái bằng Trung cấp, thế mà vào cơ quan cần cù phấn đấu lên đến Bí thư Đảng ủy, đứng đầu cơ quan. Có quyền hành, có chức tước, kinh tế bằng mấy người bình thường chúng tôi.
Nhưng đến đời ông, ông lại “làm thay” con cái từ A đến Z, cho đi hết nước này đến nước khác mà chẳng học được một nghề gì. Đã trên năm mươi tuổi vẫn còn phải dựa dẫm vào bố mẹ, giống như một đứa trẻ chỉ có phần xác. Đấy không phải là lỗi của ông thì của ai vào đây nữa?
- Thật như thế sao?
- Thế theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Có khi ông nói đúng rồi đấy!
- Nếu như lúc đang còn có cơ hội, ông cứ cố “rướn mạnh thêm nữa” cái “đà” của mình, từ một Bí thư Đảng ủy trở thành một Bí thư Thành ủy, rồi thành một Cụ lớn trong Trung ương, thì lúc ấy chả phải lo gì cả!
- Nhưng nếu thành một Cụ lớn rồi thì tất phải có ban, có bệ, có cả một ê-kíp phục vụ nữa, lúc ấy lấy gì để nuôi nhau?
- Ông lẩn thẩn thật rồi! Khi đã thành Cụ lớn, tức khắc có người hô, kẻ hét, thiếu gì người tự nguyện hầu hạ, phục vụ ông và cả ê-kíp của ông nữa, lo gì không có cái ăn, không có cái để tiêu xài! Lúc ấy ông đánh rắm cũng có khối đứa tranh nhau hít!
- Ừ, cũng có lý! Nhưng tất cả đã muộn mất rồi!
- Thôi chờ “lần sau” vậy!


Hà Nội, 2019.
(1): Bôn: Bôn-xê-vích (đa số: tiếng Nga) chỉ Cộng sản