tháng 3 31, 2014

Địa Lan


Mầm sống


Đào gày


Nghề nói láo

Tháng Hai, năm 1979, nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biên giới phía Bắc.
Cầu Làng Giàng là chiếc cầu duy nhất nối mỏ A-pa-tít Lào Cai với tuyến đường sắt dùng chở quặng về xuôi, bị ta đánh sập để ngăn đối phương tràn sang.
Để thay thế cầu Làng Giàng, tôi được cơ quan cử đi khảo sát để rồi vừa thiết kế, vừa theo rõi thi công cầu Phố Lu, bắc qua sông Thao nằm giữa Làng Giàng và Yên Bái.
Đoàn tôi có anh Thành cán bộ kế hoạch cùng cơ quan. Anh Thành có một anh bạn học hồi phổ thông là anh Tuyên, cùng vợ con lên định cư trên này đã trên hai chục năm. Hiện giờ anh Tuyên đã là Bí thư huyện uỷ.  
Trong thời gian gần một năm nằm ở Phố Lu, anh Thành và tôi, đã nhiều lần đến chơi thăm nhà anh Tuyên, thậm chí còn ăn cơm ở đấy nữa.
Suốt một năm trời ở đây, tôi có được nghe một số chuyện rất hiếm gặp,
Nhân lúc thân mật, chén chú, chén anh tôi đã đem ra hỏi anh Tuyên. Nhưng anh ta lảng tránh. 
Tôi nghĩ bụng, Bí thư là phải như thế, phải ít mồm, ít miệng, chứ cứ bô lô, ba la như mình thì “đảm đương sao nổi trọng trách của một Bí thư huyện ủy” được!
Chuyện xúc động nhất tôi được đọc trên báo đương thời đăng là các cháu học sinh tiểu học bị giặc Tàu tràn vào sát hại hàng loạt, đứa thì bị chặt làm đôi, đứa thì bị đâm xổ ruột, chết rất thảm thương.
Bọn trẻ nhỏ tội nghiệp ấy đều được chôn ở sân vận động thị xã.
Nhân hôm có xe com-măng-ca của cơ quan đưa đi thị sát vị trí cầu, tôi nói với cậu lái xe cho ghé qua sân vận động, thắp cho các cháu mấy nén hương.
Tôi không mê tín, nhưng đã là con người, ai chẳng xót xa những chuyện như thế, biết làm sao được. Cậu lái xe còn trẻ, vâng vâng, dạ dạ rất lễ phép. Nhưng đưa chúng tôi đi lòng vòng đến quá trưa, thì đánh xe về thẳng nhà khách của tỉnh để dự cơm do ông Phó chủ tịch tỉnh chiêu đãi! Thế là lỡ việc, nắm hương tôi mua vẫn chưa thắp cho mấy cháu nhỏ đáng thương! 
Buổi tối khi mấy anh em đang ngồi pha ấm trà uống và chuyện phiếm với nhau thì tôi thấy cậu lái xe đưa đến một bác trung niên, giới thiệu:
- Đây là chú An bố cái Linh, học sinh lớp bảy, bị chặt làm đôi, xác chôn ở sân vận động, mà sáng nay các bác muốn đến thắp hương đấy!
Sau màn chào hỏi, tôi quan sát thấy anh An không lộ ra vẻ gì buồn rầu cả! Tôi thầm nghĩ, người vùng cao vốn kín đáo, sức chịu đựng cũng rất phi thường!
Trong khi trò chuyện tào lao. Tôi cố tránh không đả động đến chuyện thương tâm khủng khiếp mà anh An và gia đình đang phải chịu đựng.
Đêm đã khuya, lúc tiễn anh ra về, tới cổng anh An xiết chặt tay tôi nói:
- Cám ơn anh đã có tấm lòng với các cháu. Nhưng sự việc thì không đúng như anh đã nghe, đã đọc báo đâu. Con Linh, cháu vẫn khoẻ mạnh, năm nay cháu lên lớp tám rồi. Cháu không bị chặt làm đôi như báo chí đăng. Mà cũng chẳng có cháu nào bị giết. Sân vận động của thị xã không chôn một cái xác nào cả!
- Sao lại như thế được!?
- Quân Tàu lúc tràn vào thị xã, có gặp trẻ con, nhưng không hề động đến đứa nào. Chúng còn phát kẹo cho bọn trẻ. Nhưng đã được dặn dò rất cẩn thận từ trước, nên không đứa nào dám ăn kẹo, vì thế cũng chẳng có đứa nào bị ngộ độc cả!
Sau đó bọn tôi thử cho mấy con chó ăn, chó vẫn sống nhăn.
Bọn trẻ tiếc mấy cái kẹo cứ trách chúng tôi mãi!
- Thế là thế nào?
- Mấy ông nhà báo viết bài này có dám lên Phố Lu đâu! Các ông ấy núp ở dưới Yên Bái rồi đón lõng những nguồn tin hư hư, thực thực của mấy thằng nhát chết chạy về nói huyên thuyên. Lại thêm vào sự tưởng tượng quá phong phú của mấy ông “nhà báo nói láo kiếm ăn”. Thế mà ai cũng tin mới lạ chứ!
Mà ở đời cũng thật lạ sự dối trá bao giờ cũng dễ kể, dễ nghe hơn sự thật!
Anh An lại bắt tay tôi lần nữa thật chặt, rồi ra về.
Còn lại một mình, tôi tự véo thật mạnh vào đùi. Đau quá chảy cả nước mắt, lúc ấy tôi mới biết là mình vẫn tỉnh!
Lại một tin rất hấp dẫn nữa. Trên báo cho biết trong trận chống ngoại xâm phía Bắc, Việt nam vừa xuất hiện một anh hùng trẻ tuổi.
Một Ga-vơ-rôt(1) Việt Nam trong thời hiện đại!
Người thiếu niên anh dũng này không quản nguy hiểm, đã luôn sát cánh cùng bộ đội, dân quân, chống lại kẻ thù.
Từng tiếp tế lương thực, đạn dược, tiếp tế thuốc men cho quân ta. Cướp vũ khí của giặc về cho bộ đội.
Cậu ta đã được đi báo cáo trước bao nhiêu hội nghị từ các tỉnh Địa phương tới Trung ương.
Cùng với người anh hùng trẻ tuổi, một chị lao công nấu ăn trong một bếp ăn tập thể của mỏ A-pa-tít Làng Giàng cũng được về Trung ương báo cáo.
Truyện kể rằng, khi chị biết chồng vừa bị giặc giết hại, đầu còn đội khăn tang, vẫn nén đau thương cầm súng chiến đấu chống lại quân xâm lược.
Sau đó chị cũng như người anh hùng trẻ tuổi kia được đưa sang Cu-Ba, Vê-nê-duy-ê-la, Đức, Tiệp-Khắc,... để báo cáo những thành tích anh hùng có một không hai cho thế giới biết mà học tập!
Những sự kiện anh hùng lừng lẫy này đã xảy ra ngay trên mảnh đất tôi đang công tác. Tôi tò mò quá, cố dò hỏi những người dân bản địa cho bằng được.
Tôi hỏi một người chưa chắc lắm, tôi hỏi hai rồi ba, bốn người. Cuối cùng những sự việc mà tôi biết, làm tôi vô cùng sửng sốt!
“Thà rằng chẳng biết lại hơn,
“Biết rồi như thế quá đòn đánh đau!”
Cậu bé Ga-vơ-rốt Việt Nam thực chất chỉ là một thằng bé hư hỏng. Nó rình xem có người nào trúng đạn ngã ra không kể là ta hay địch, là mò đến lấy ví, lột nhẫn, đồng hồ,...và bất kỳ cái gì nó lấy được, kể cả từ đôi giày!
Còn “vị nữ anh hùng chồng vừa chết, chưa kịp chôn. Trên đầu còn đang chít vành khăn trắng. Đã cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược phía Bắc.”(2) Thực chất là một cô phụ bếp của công ty khai thác quặng A-pa-tit, khi nghe thấy địch đang rầm rộ kéo vào Làng Giàng, thì theo đoàn người chạy quáng quàng về Yên Bái, lạc mất cả chồng. Trên đầu chít chiếc khăn làm bếp màu trắng, vừa khóc mếu, vừa hờ gọi chồng thảm thiết, mồm lảm nhảm nói những câu chẳng ai biết được là cái gì. Mấy vị nhà báo cho đó là vành khăn tang, còn cái chuyện chồng chết, chưa kịp chôn là do “hư cấu của các nghệ sĩ viết báo mà thành!”
Lúc các nhà báo ở Yên Bái vây quanh chụp ảnh, phỏng vấn rối rít, tít mù. Họ đã phát hiện là mình nhầm lẫn bèn lột cái khăn làm bếp cô ta đang đội trên đầu ra, thay vào đó một vành khăn tang thực sự, lại khoác cho cô ta một cái áo xô nữa chứ!
Từ lúc đó cô ta chẳng biết mình là ai nữa. Người ta bảo cô nói gì thì cô nói vậy.
Sau khi cô được đi khắp các nước từ Mỹ La-tinh đến Châu Âu để gặp gỡ, giao lưu, “để kể lại những sự tích anh hùng, mà người ta “sáng tác” ra”, trở về thì lúc ấy đất nước đã yên hàn rồi.
Về đến cơ quan cũ, thì anh chồng cô vốn làm bảo vệ của nhà máy sàng tuyển vẫn còn sống lù lù, không hề mẻ một cái móng chân.
Cô mừng rỡ tíu tít chạy đến với chồng.
Nhưng thằng cha này lại là người dân tộc, vốn cũng hơi chập cheng. Đáng lẽ nó phải mừng lắm vì vợ nó giờ đã rất nổi tiếng, lại giàu có nữa. Đằng này ngược lại nó lại né cô như né một con hủi, tay xua, miệng chửi:
- Mẹ cha mày. Mày đã coi tao là ma rồi, còn để tang đi khắp nơi! Mà ma với người thì không thể ở với nhau được nữa! Tao phải bỏ mày thôi. Tao sẽ lấy một con vợ khác!
Thế là cô gái này một lúc được rất nhiều thứ: tiền bạc, tiếng tăm, nhưng lại mất một thứ: mất chồng! Chắc chỉ ít lâu sau đó, cô ta cũng lấy được một thằng chồng khác, lo gì!
Hôm chia tay với anh Tuyên. Lúc bấy giờ chúng tôi đã thân nhau lắm rồi. Anh tiễn tôi một quãng đường dài, nắm tay tôi nói:
- Cái gì cũng có hai mặt. Anh nên biết có những chuyện nói ra thì chẳng hay ho gì, mà không nói được với ai thì nó cứ ấm ức trong người, khó chịu lắm.
- Tôi biết, anh đang mang trên mình một trọng trách, đứng đầu một cơ quan Đảng của một huyện trọng điểm, nên có nhiều cái khó xử.
- Bí thư thì cũng là người chứ!
- Đành là thế! Nhưng không thể là một người bình thường như chúng tôi được!
- Ừ, cứ cho là như thế! Nhưng những chuyện tôi sắp nói ra đây là những chuyện có thật, nhưng lại không bình thường tý nào.
- Chuyện gì mà ly kỳ thế!? Tôi nói vui.
- Nhà tôi có nuôi một con lợn hơn tạ. Hôm sơ tán, vợ con chạy lên rừng để tránh giặc, làm sao tôi sơ tán được cả con lợn, vì thế đành để lại.
- Tôi có nghe chị nhà cứ tiếc mãi là bị giặc vào bắt mất con lợn.
- Không phải thế đâu!
- Không phải giặc thì là ai vào đấy chứ?
- Toàn dân phải sơ tán hết. Đấy là lệnh!
Nhưng tôi lại là Bí thư Huyện ủy, nên được ở lại quanh quẩn bám trụ, nắm tình hình giặc, còn tham mưu cho Tỉnh nữa chứ!
Ở nhà chỉ còn lại có con lợn và tôi. Hằng ngày khi nấu cơm ăn, tôi nấu dư ra một xuất cho lợn.
Hôm cuối cùng khi đang ngồi ăn cơm trên bàn, tôi nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, ngay sát vách nhà. Ngó ra tôi thấy xe treo cờ Trung Quốc. Tôi biết địch đã vào thị trấn. Tôi lấy cái lồng bàn đậy vội lên mâm cơm đang ăn dở, rồi lẻn cửa sau ra rừng.
Thế rồi hằng ngày tôi đều lẩn về để nghe ngóng và theo dõi giặc.
Có cái rất lạ là Tàu không đóng quân ở nhà nào cả, mà dựng lều ở chỗ đất trống để trú quân. Cái lạ hơn cả là lần này chỉ huy của chúng đem cả gái theo để phục vụ.
- Chắc là giúp việc cơm nước hay y tế chứ gì?
- Không chỉ có thế! Khi chúng đi rồi chúng tôi còn thấy rất nhiều những bao cao su đã dùng rồi vứt lại.
- Đấy cũng là những nhu cầu bình thường của con người thôi mà. Hơn nữa bọn chúng cũng đâu không phải là người!?
- Tôi đồng ý quan điểm ấy của anh! Chỉ có những kẻ cố tạo ra vẻ cao đạo khác người. Sợ hãi, giấu giếm những hành động bình thường, mới là những kẻ không bình thường!
- Chúng không chỉ là những kẻ không bình thường đâu, mà chúng không được liệt vào hàng con người!
- Thế chúng là gì!
- Chúng là lũ yêu quái!
- Năm ngày sau, khi chiếc xe cuối cùng của địch rút ra, tôi chạy vội về nhà. Con lợn nhà tôi tưởng đã bị giặc mổ thịt, không thì cũng chết đói rồi, nhưng nó vẫn sống. Nó đang trệu trạo nhai ngô từ một bao ngô của Tàu được rạch ra một lỗ thủng. Mâm cơm tôi ăn dở vẫn còn trên bàn, mở lồng bàn ra mọi thứ còn nguyên như cũ, chỉ có thức ăn thì thiu cả. Chiếc phích Trung Quốc mới tinh tôi vẫn thường để ở chân bàn thì nay được để ngay ngắn trên bàn. Tất cả còn y nguyên như khi tôi rời nhà vào rừng sơ tán. Tôi vô cùng mừng rỡ, khoá cửa lại. Chạy vội vào rừng để đón vợ con về. Nhân tiện tôi có chạy qua thị trấn một vòng để thị sát, thì tất cả còn gần như nguyên vẹn. Mậu dịch Bách hoá và các cửa hàng, cửa hiệu vẫn không hề suy suyển gì. Chỉ có Uỷ ban nhân dân thị trấn là bị mìn giật đổ, nhưng ảnh Bác Hồ thì được tháo ra treo ở gốc cây gần đó.
Cũng phải mất nửa ngày sau đó, cả nhà tôi mới bồng bế nhau về tới thị trấn.
Một cảnh tượng chưa từng có hiện ra trước mắt mọi người. Mậu dịch Bách hoá và các cửa hàng, cửa hiệu bị phá tan hoang, vét nhẵn như chùi. Y như có một trận Đại Hồng thuỷ vừa tràn qua!
Con lợn nhà tôi cũng không cánh mà bay, tủ bị phá tung, lục lọi và vét sạch sành sanh, kể cả mấy cái quần cũ của nhà tôi cũng mất nốt, hàng ngói rìa mới thay chưa được một tháng cũng bị lột mất.
- Thế cái phích Trung Quốc mới có mất không?
- Cái mâm nhôm còn bị chúng hất bát đĩa xuống đất rồi lấy mất nữa là cái phích!
- Thế có biết ai lấy không?
- Điều tra thì biết, nhưng phải mất thời gian. Mà có điều tra ra rồi cũng chẳng lấy lại được.
- Nhưng còn kỷ cương phép nước nữa chứ!
- Lãnh đạo chúng tôi cũng ngầm hiểu, quanh quẩn toàn là làng xóm, thân quen. Làm rõ ra, của vẫn chẳng lấy lại được, lại mất luôn cả tình thân!
Thôi thì cứ đổ cho giặc là nhanh nhất. Nghĩ thế cho nó nhẹ người!
- Chị nhà có biết sự thật không?
- Đời nào tôi lại cho biết! Cứ để cho cô ấy tức bọn Tàu còn hơn, chứ không thì cũng khổ cho cô ấy. Đã tiếc của, lại giận sang cả xóm giềng.
Sự đời nó đã như vậy, thì cho nó như vậy!
- Đúng anh thật xứng đáng là Bí thư huyện ủy!
- Hôm nay kể được cho anh nghe, tôi thấy nhẹ cả người.
- Hèn gì báo chí chả đăng ầm lên là giặc Tàu sang Việt Nam cướp cả cái váy đàn bà, dỡ từng viên ngói của dân. Thật là khốn nạn!
- Báo chí mà, “đúng là nhà báo nói láo kiếm ăn!” Chẳng ai có quyền kiểm tra. Chẳng ai dám kiểm tra bọn nó xem sai đúng thế nào!
Đấy như năm đã lâu báo Quân đội Nhân dân(!) cơ quan to nhất, đáng tin cậy nhất của cả nước ta, chẳng đăng tin là có một anh ở Cao Bằng hay Bắc Cạn gì đó bắn chết một con trăn thân to bằng cái vành xe đạp Thống Nhất.
Mấy ông Bác học Khảo cổ của nước ngoài tưởng thật, cứ nằng nặc xin sang Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu! 
Bác học cỡ thế giới còn bị mấy ông nhà báo lừa nữa là dân đen mình!                   

 Hà Nội, 2010. 


(1) Ga-vơ-rốt: Gavroche: đữa bé láu lỉnh trên đường phố Paris (nhân vật trong chuyện Những kẻ khốn khổ của Đại văn hào Pháp Victor Hugo)
(2) Cô gái phụ bếp này tên là Vũ Thị Chiên, quê Hà Nam.


Xúc động tận đáy lòng


tháng 3 26, 2014

Đến xuất bản sách


Miếng ăn


Ngập

Nhà tôi thấp,
nên mưa lâu, lần nào cũng ngập.
Nước cống rãnh tràn vào, thối hoắc,
giường kê cao, bàn ghế cũng kê cao.
Ở trong nhà, mà như ở trong ao,
một cái ao tù đầy rác rưởi!
                     ***
Nhìn thằng cháu ngủ trên bàn, đã tội,
                      con chó con cũng rón rén ngồi bên.
Đã mấy ngày rồi, mưa vẫn cứ liên miên,
                      nước còn ngập đến đâu nữa nhỉ?
                               ***
Tép tôm thì phen này thỏa chí,
                      luồn vào sâu đến tận thâm cung.
Quăng mình khoe những khéo, cùng khôn,
                      mắt lấp lánh bao ước mơ cháy bỏng!
Đội trên đầu một ‘‘bọc phân đen sẫm’’,
                      ôi ước mơ phường giá áo túi cơm!
                                ***
Ta vẫn cứ phải sống chung,
trong cái ao tù
           nước thối hoắc
                        đen ngòm!

                                               Hà Nội, 2008.


Niềm hy vọng


Áo tơi lá


Lọ hoa


Căn hầm

Hôm nọ anh em chúng tôi học lớp Cầu đường 61B Đại học Bách Khoa Hà Nội, hẹn gặp nhau sau bốn nhăm năm xa cách. Thôi thì hàn huyên đủ mọi thứ chuyện, nào ai mất, ai còn, vợ con ra sao, sức khỏe thế nào, thành tích và thăng tiến trong đời nữa.
Cùng tổ 5 với tôi, có ông Nguyễn Bá Thiện, tốt nghiệp là nhập ngũ ngay, đến lúc về hưu được phong hàm đại tá. Trước lúc nghỉ hưu, ông được cử đi Liên-Xô và có công lớn là “chép trộm” được công thức tính toán và kết cấu làm hầm chống bom nguyên tử, về để xây dựng hầm bảo vệ thi hài lãnh tụ. Hầm xây xong, ông ta được tặng thưởng huân chương cao nhất của nhà nước và được đưa vào diện đề bạt lên tướng.
Huân chương và tiền thưởng thì được lĩnh, nhưng tướng thì “không”!
Bởi huân chương và bằng khen thì chẳng ảnh hưởng đến ai! Còn tướng, thì động chạm đến nhiều “thứ” lắm, phải có vây cánh và phải đủ mạnh mới “trúng được”!
Khi biết chuyện trên, tôi có hỏi ông bạn già:
- Cái hầm mà ông “chép trộm công thức bên Liên Xô” đã xây dựng và đã được kiểm chứng chưa?
- Phải xây xong rồi mới được khen thưởng và đề bạt chứ! Mà tiền thưởng cũng chẳng nhỏ đâu, trên trăm triệu đấy, cỡ hơn ba chục lạng vàng. Nhưng ngặt một nỗi ở Hà Nội chưa có quả bom nguyên tử nào ném xuống thì lấy gì mà kiểm chứng!
Ông bạn tôi còn nhấn thêm:
- Nhưng tôi xin đảm bảo với các ông là hầm được xây dựng đúng với tiêu chuẩn tính toán và kết cấu của Liên Xô đấy!
- Thế nếu Hà Nội bị ném bom nguyên tử thật! Thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Tôi buột mồm hỏi bạn: - Mọi người đều chết hết cả. Chỉ còn lại căn hầm bê tông kiên cố và cái xác của ông lãnh tụ! Ai sẽ là người còn sót lại để tiếp tục trông nom cái xác ấy? Các vị “chủ trương cái vụ này” sao lại “sơ xuất” đến thế nhỉ?!   
- Ờ! Ông bạn tôi thảng thốt kêu lên! - Nếu hồi ấy ông mà “phản biện”(1) thì có lẽ tôi sẽ chẳng được thưởng gì sất!
- Xin lỗi ông, tôi chỉ buột mồm hỏi vậy cho vui, chứ không có ý gì cả!
Mặc dầu suýt nữa mới lên tướng, nhưng bọn tôi vẫn gọi ông là tướng Thiện!
***
Thế rồi vào một hôm mưa gió, không có việc gì làm, tôi quay ra ngủ liên miên. Chắc là do thiếu prô-tê-in(2) nên tôi đã gặp một cơn ác mộng thật khủng khiếp!
Tôi mơ thấy Hà Nội bị một quả bom nguyên tử rõ lớn ném xuống. Thành phố tan hoang, những công trình cao tầng đổ rạp về phía tâm nổ. Mọi người đều chết hết trong mọi tình huống và rất nhiều tư thế khác nhau. Có những cảnh khủng khiếp, như mất đầu, mất tay chân, xổ ruột, buột gan. Song có những cảnh lại rất nực cười, như bọn quan lại tham nhũng được ẩn nấp trong các boong-ke(3) kiên cố, chết do bị chấn động và nhiễm xạ nên vẫn toàn thây, đang phồng mang, trợn má để cố nuốt trôi nốt những gì chúng vừa cướp được của thiên hạ, thành ra trông chúng không giống như người, mà là cái “loài dị vật” gì gì ấy! Lại còn bọn tay chân bợ đỡ, chuyên nịnh nọt, cũng được chui trong hầm kín, chết trong tư thế còn cố thè lưỡi liếm đít quan trên, để cầu “tiến bộ”. 
Tôi cũng chết!
Hồn đang vơ vẩn bay theo gió. Chợt nhớ đến ông bạn suýt nữa được lên tướng của mình và cái hầm chống bom nguyên tử mà ông là tác giả và vì nó ông được giải thưởng cao nhất của nhà nước.
Hồn tôi phiêu diêu bay đến cửa hầm thì nhìn thấy nhiều vô kể những linh hồn khác. Quen có, không quen cũng có. Kẻ mất đầu, người mất mắt, mất mũi. Đang kêu rên, khóc lóc thảm thiết.
Cạnh cửa căn hầm được xây dựng cực kỳ kiên cố.
Vị Lãnh tụ, mặt mũi hồng hào, đang tươi cười an ủi:
- Đồng bào yêu quí! Sự hy sinh của đồng bào không hề uổng phí chút nào!
Ta, vị lãnh tụ kính yêu của các người vẫn được an toàn trong căn hầm bê-tông chống nguyên tử có chất lượng tuyệt vời này!
Ngay bọn Mỹ cũng đâu dám xả ngân sách, tiêu tiền thuế của dân một cách vô tội vạ như các “đồng chí” của ta, bọn chúng sẽ phải bái phục Viêt Nam chúng ta “dài dài” là cái chắc!
Ta thành thật tuyên dương và sẽ ghi công toàn thể đồng bào yêu quý của ta!
Giọng nói của Người cực kỳ ấm áp, truyền cảm và đầy mê hoặc. Làm cho người nghe cảm thấy vô cùng sung sướng, vô cùng hạnh phúc, quên ngay đi bao đau thương và mất mát mà mình vừa phải gánh chịu.
Quay sang phía phải, tôi nhìn thấy ngay cạnh đấy ông bạn Đại tá của tôi. Một tay bê cái đầu chỉ còn một nửa của mình, tay kia cầm tấm bằng khen cao nhất của nhà nước bị cháy sém nham nhở với tư thế rất tự hào!
Tôi còn đang phân vân không biết nên cười hay nên khóc nữa, thì bị ngay một cái vụt thật mạnh đập vào mông làm tôi choàng tỉnh giấc.
Tiếng gắt gỏng của bà “La sát” nhà tôi, khiến tôi ngồi bật dậy:
- Ngủ gì mà ngủ cả ngày như lợn thế! Lại còn “ngáy” sằng sặc như bị bóp cổ nữa chứ! Rõ chán mớ đời!
Mặc dù mông bị đau rát. Nhưng lại mừng vì chợt nhận ra là mình chưa chết. Mặc dù sống cũng chẳng khác gì lắm với con lợn! Mà có khi còn không bằng lợn ấy chứ! Lợn to béo còn bán được. Chưa bán cũng còn lấy phân bón ruộng! Mình có to béo mấy cũng chẳng ai mua. Phân thì không thể lấy để bón cây được!
Vì nó thối quá!
Rõ chán mớ đời!
                                                         Hà Nội, 2010.

      (1)   Phản biện: đánh giá chất lượng một công trình được đưa ra bảo vệ, trước hội đồng chấm thi
(2)   Prô-tê-in: protéine :sinh vật học, hóa học
(3)   Boong-ke: (bunker: tiếng Pháp) công sự phòng thủ kiên cố.