tháng 7 22, 2021

Cách đây hơn 52 năm - 03/1969


 

Nắng xanh


 

Các bạn & "Đội Ngự" - Ghi chép


Sau khi nhận sách từ nhà Xuất bản về, tôi biếu nhà văn Tô Hoài, một số nhà văn khác, và bạn bè quen biết. Chỉ một thời gian ngắn sau những người được biếu sách và cả những người chưa được biếu sách (đã mượn để đọc) lần lượt gửi nhận xét về cho tôi. Đặc biệt có nhà văn ở Sài Gòn chưa gặp lần nào, chưa được biếu sách, nhân dịp ra Hà Nội, đã chống gậy tìm đến tận nhà tôi trong ngõ sâu để xin một quyển truyện.

Thật là vô cùng cảm động và biết ơn mọi người.

Chỉ biết tự nhủ lòng là sẽ viết, viết đến lúc nào không còn viết được nữa.


> 7:30 AM ngày 20/8/2012 Xuân Hồng (nhà văn Sài-Gòn - qua Lưu Đình Tuân) –

Cùng đẩy xe than ở nhà máy Xi Măng Hải Phòng những năm 1959-60) viết:

“Tiên sư mày, mày viết “mướt” như thế mà sao bây giờ mày mới xuất bản! Mấy thằng bạn nhà văn của tao trong này xem, đánh giá rất cao và nói rằng mày là nhà văn chuyên nghiệp, có tay nghề “điêu luyện”, chứ không phải là “đồ nghiệp dư” như mày vẫn nhận.

Tao yêu mày!”                                                                                   

Nguyễn Xuân Hồng

 

Tôi đã trả lời ông ấy:

"Tao đã phải nịnh vợ mấy tháng để  bớt tiền ăn mới đủ tiền xuất bản đấy!"

 

> 10:00 ngày 10/09/2012 Trương Đặng Hiền

(Bạn cùng lớp PTTH Ngô Quyền Hải Phòng - Nhà văn ngụ ngôn - Hải Phòng):

Khánh đúng là nhà văn trẻ ở vào tuổi bảy nhăm, mình rất thích truyện của cậu viết. Hấp dẫn, sâu sắc mà vẫn nhẹ nhàng, dí dỏm. Mình chúc Khánh khỏe và viết nhiều hơn.

Trương Đặng Hiền.

 

>12:10 ngày 10/10/2012 Lưu Tuấn Nghị (Bạn cùng lớp PTTH Ngô Quyền Hải Phòng):

Tao rất thích những truyện mày viết. Sao lại “nảy nòi” ra một thằng khùng khùng mà lại biết viết văn mới lạ chứ! Thôi cũng già rồi chả viết thì “làm đéo gì” nữa!

Chúc mày viết nhiều hơn.

Bạn mày: Lưu Tuấn Nghị

 

> 14:37 ngày 01/12/2012 <retibin@yahoo.com> Le Thi Binh:

Chào anh Khánh, rất xin lỗi anh vì đã nhận sách của anh rồi nhận tin nhắn của anh mấy lần, mà chưa hồi đáp được chu đáo. Thực tình tôi quá bận, việc nhà, việc phường, việc câu lạc bộ thơ Haikư, việc dịch và in sách...

Tập truyện ngắn "Đội Ngự" của anh tôi đọc xong đã khá lâu nhưng đúng là không có thời gian để nhận xét, bình luận gửi anh. Vì thực ra đánh giá nhận xét cần có thời gian yên tĩnh mà tôi thì vận động suốt ngày. Vừa rồi CLB chúng tôi tổ chức đi thăm hồ Ba Bể về cùng ra 1 tâp thơ về hồ Ba Bể, hiện đang tập hợp, lại chuẩn bị ra Nội san mùa xuân nên khá bận rộn.

Tập truyện của anh tôi thấy có một số truyện sâu sắc, hấp dẫn và mang dấu ấn cuộc đời và nghề nghiệp của tác giả. Có những truyện chắc là từ sau "đổi mới" mới nói được. Chi tiết hơn thì có lẽ phải có dịp thanh thản hơn.

Chào anh, chúc anh có nhiều sáng tác mới.

Lê Thị Bình

 

> 11:00 ngày 21/05/2013 Phước (mượn truyện của Lê Hữu Chiến):

Em may mắn được gặp tác giả. Đọc truyện của anh, em không thể dứt ra được. Lối viết của anh hài hước, nhưng vẫn nhẹ nhàng vì nó trong sáng và quá thánh thiện. Em là người đọc nhờ anh Chiến, nhưng vẫn cám ơn anh nhiều.

 

> 11:00 ngày 27/07/2013 <Trần Mai Hiên (vợ góa Phạm Bá Soa):

Cám ơn anh đã tặng em quyển “Đội Ngự”, tập truyện ngắn anh viết.

Những truyện trong này em đã đọc nhiều lần. Đa số truyện em rất thích, song có những truyện rất khó hiểu mà cứ suy nghĩ mãi vẫn không lý giải được như trong truyện “Bức chân dung” thì vì sao một cô gái mới lớn lại yêu ông họa sĩ già “đến không thể gỡ được” khi cô ta không hiểu biết gì về hội họa?

Ngay như truyện “Đội Ngự” thì sao một người chồng lại bắn chết vợ mình một cách dễ dàng như thế được! Anh ta có bị “thần kinh” không?

Nhưng dù sao thì “Đội Ngự” vẫn là tập truyện mà từ lâu lắm em không thấy có quyển nào tương tự.

Xin lần nữa cám ơn anh. Chúc anh khỏe và sáng tác nhiều hơn nữa

 

> 15:20 ngày 05/10/2013 Trịnh Bá Đông:

>Tôi đã đọc “Đội Ngự” không phải chỉ một lần. Có những truyện tôi đã thuộc cả tên nhân vật. Tôi cho “Đội Ngự” là một tập truyện rất đáng đọc. Có vài truyện có tính “ngụ ngôn” là tôi không thích lắm. Mong tác giả tiếp tục viết nhiều hơn nữa. 

Cám ơn tác giả và chúc Khánh khỏe, vui và hạnh phúc.

Trịnh Bá Đông. 

18:20 ngày 11/12/2013 <thietdaogia@gmail.com> Dao Gia Thiet: (bạn học PTTH)

Bạn Khánh thân mến,

Rất vui nhận thư và cảm ơn tình cảm bạn đã giành cho tôi ,

Tôi đã đọc hết tập truyện ngắn` “ĐỘI NGỰ” của bạn, từng truyện một, trước lúc tắt đèn đi ngủ mỗi tối ..

Vì mới đọc nhanh, nên chưa dám có nhận xét sâu được, mỗi truyện mỗi khác.

Cảm nhận chung là ngòi bút của bạn rất nhẹ nhàng và nghiêm túc tả THỰC những góc khuất. mặt trái của cuộc sống, thời đại, và con người, (mà nhiều  "nhà văn" hiện nay né tránh) để người đọc tự suy ngẫm .

Riêng tôi, tập truyện này rất đáng đọc và cảm ơn bạn đã trao tặng!.

Hy vọng sẽ có dịp và thời gian trao đổi thêm với bạn bè rộng rãi, thoải mái...

Chúc bạn và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Chúc bạn có thêm nhiều tác phẩm hay!

Gửi bạn tấm ảnh chụp kỷ niệm hôm họp lớp tại Đồ sơn...

Thân mến, 

Đào Gia Thiết 

9:51 ngày 23/01/2014  Thu Meo

 Hoa tươi thắm, nhưng trên bàn để nhiều thứ quá ông nhà văn, nghệ sĩ ơi. Cháu đọc hết chuyện Đội Ngự của chú rồi. Xem tý nữa tưởng cụ Ngô Tất Tố tỉnh dậy viết tiếp.

(trên Face book)

 

09:57 ngày 23/03/2014 Quang Vinh >quangvinh1940@gmail.com

(Giáo sư dạy Anh-Pháp tại Đại học Hải Phòng - bạn cùng lớp THPT Ngô Quyền HP)

Minh mừng vì đã nhận được "mail" của Bạn kịp thời.
Về nhận xét sau khi đọc "Đội Ngự", nói chung là:
          - Bạn viết rất chắc tay, mấy tay nhà văn trẻ, kể cả một vài gương mặt có tuổi và có tiếng cũng khó bì kịp;
         - Đề tài bạn chọn và mạch văn thường đượm buồn, nên chọn đề tài và lời hành văn vui tươi, dí dỏm hơn;
         - Phần dùng tiếng Pháp thì nên tham khảo ai sành thứ tiếng đó. Ví dụ:
"ở trên kia" = la-haut, chứ không phải "en ciel" (hay là ý Bạn nói trình độ nhân vật có hạn?);
         - Ngoài ra, còn gì gặp nhau, mình sẽ trao đổi thêm.
Dịp này, đang là Kỉ-niệm 44 năm Khối tiếng Pháp, mình có gửi một bài thơ đăng báo, mạnh dạn gửi tặng Bạn (có kèm bản tạm dịch).

  

16:51ngày 24/03/2014  Phuong Nghiem Thi Lan (FTICO HN) 

Cháu chào bác,

Cháu mới đọc 2 truyện ngắn của bác. Truyện Đội Ngự và Cái Vỏ. Cháu có mấy cảm nghĩ muốn chia sẻ được ko ah? Mong bác đừng cười cháuJ

1.      Truyện khá là ấn tượng. Nếu là chuyện hư cấu thì cháu ko có ý kiến gì. Khá độc đáo, cung cấp thêm cho người đọc những con người góc nhìn.

2.      Còn nếu đây là những câu chuyện có thật thì đúng là 1 khía cạnh mà những người 8x như cháu không thể hiểu hết và khó tiếp nhận cách thức xử lý, có lẽ ko đặt hết mình được vào hoàn cảnh đó. Nếu quả là có thật, thì cháu nghĩ bác cố gắng phân tích hình ảnh và cảm xúc một cách rõ nét hơn, để chứng minh như một nhân chứng lịch sử, bức tranh hậu chiến tranh. Cháu nghĩ là nên làm sâu hơn để thế hệ sau biết được từng có những bi kịch thời chiến & hậu chiến tranh rất khủng khiếp.

Ví dụ: Đội Ngự là một người được miêu tả, chững chạc, sâu sắc, tính cách rất đàn ông, nhưng cách ông xử lý vấn đề, cháu thấy ko thuyết phục. Nếu như thực tế có con người đó, họ từng phải đối mặt và xử lý tình huống như vậy thì cháu hy vọng bác có thể miêu tả con người ông ta rõ hơn để người đọc có thể cảm thông sâu sắc hơn số phận này. Cháu chưa đủ rung động với số phận ông ấy.

Với truyện Cái vỏ: Cháu cũng ko thể hiểu nổi và chấp nhận nổi con người của cô Lanh, cũng có nhiều cảm xúc, nếu được nhận xét ngắn gọn cháu thấy một hình ảnh tội ác hậu chiến tranh rất chi là dã man.

Dù gì cháu cũng cũng thấy ấn tượng, 1 số nhân vật thật sự tàn nhẫn, những câu chuyện mà cháu chưa bao giờ có thể hình dung ra nổi, cảm ơn bác cho cháu thêm những hình về cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua, và để hiểu hơn về cuộc sống.J

Tạm thời cháu chỉ mới có 1 số “ngu ý”. Cháu sẽ đọc tiếp ah. Có gì ko phải bác bỏ qua nhé, có thể mức độ cảm thụ của cháu chỉ còn rất hạn chếJ

Cháu sẽ đọc tiếp.

Chúc bác khoẻ ah,

Cháu Phương.

 

09:18  ngày 5/05/2014 Duc Thang Trinh thangtdsi@gmail.com

Dear anh khanh,

Em đã đọc được khoảng 10 truyện của anh. Nói chung OK. Tuy có 1 vài điểm em sẽ góp ý với anh vào ngày mai.

 

14:08 ngày 06/05/2014 Duc Thang Trinh thangtdsi@gmail.com

Đọc truyện của anh em chưa đọc hêt nhưng về cơ bản là OK. Tuy nhiên có chỗ em đọc thấy chưa hết câu mà đã thấy dấu chấm câu rồi.

Ví dụ: Tại trang 106 truyện Chàng gàn có câu: “Thế mà…cái nhà nhỏ xây bằng gạch xỉ rộng hai chục m2 ông ta dựng trên đất công - tất nhiên là ông ta xin được - ở đầu cầu Hoàng Thạch đã được các đơn vị thi công mà Ban ông quản lý.” Câu này theo em nếu hiểu chữ Thi công là động từ Xây dựng thì OK, còn nếu hiểu cụm từ Đơn vị thi công là 1 đơn vị XD thì câu này chưa có động từ. Nếu rõ hơn thì ý đó là:

“Thế mà…cái nhà nhỏ xây bằng gạch xỉ rộng hai chục m2 ông ta dựng trên đất công - tất nhiên là ông ta xin được - ở đầu cầu Hoàng Thạch đã đượccác đơn vị thi công mà Ban ông quản lý xây dựng.” hoặc ““Thế mà…cái nhà nhỏ xây bằng gạch xỉ rộng hai chục m2 ông ta dựng trên đất công - tất nhiên là ông ta xin được - ở đầu cầu Hoàng Thạch đã được các đơn vị thi công mà Ban ông quản lý thi công.”

IS IT OK ?

Best Regards,

Em: T.D.Thang

 

17:33 ngày 16/09/2014 Thiet Dao <thietdaogia@gmail.com> (Bạn cùng lớp THPT)

Bạn Khánh thân mến

Cảm ơn , đã nhận được mấy email và cả blog của bạn, và cũng xin lỗi vì nay mới trả lơì .Thời gia qua sức khỏe mình không tốt lắm , xương cốt đau , mắt lại nhức  , nên  cũng lười vào máy  . Hơn một tuân nay đã đỡ nhiều mới vào máy , thông cảm nhé ! Thơ bạn nhẹ nhàng , hay .Tranh vẽ tươi mát ,.Còn truyện , đối với lứa tuổi bọn mình , đọc rất thích , vì nó gợi nhớ những bối cảnh , địa danh , con người , sự việc mà ta thấy bình thường , quen thuộc . Mình thấy hay và thích vì:

Đọc truyện ngắn 

Tuổi già hợp truyện...thấy hay

Đọc ...như  trở lại những ngày tháng qua

Đơn sơ chuyện kể quanh ta

Lướt xem nhẹ nhõm, ngẫm ra nặng nề

Sự đời còn lắm éo le

Lòng người luôn phủ màn che khó dò

Đọc rồi cũng thấy ngẩn ngơ

Hình như lảng vảng bóng xưa chính mình

Vật vờ trong cuộc mưu sinh

Bao nhiêu rào cản vô hình đè vai

Cái thời được vẽ đẹp tươi

Kẻ khôn bay bổng, người tài chìm sâu

Se lòng trước nỗi buồn đau

Từng câu truyện kể dù lâu cũ rồi

...Về già lại có niềm vui

Bạn thương gửi truyện, và mời sẻ chia

Cũng liều viêt mấy vần quê

Mở lòng gửi bạn, đừng chê rườm rà ! 

Chúc bạn khỏe và có thêm tác phẩm mới.                                     Thân mến  - Thiết

 

08:49 ngày 10/10/2014 hieu_dan Pham

Em mới giới thiệu trên facebook (anh bấm vào đường dẫn mà xem)

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=782461565133005&set=a.442054609173704.96192.100001075076895&type=1&comment_id=782510855128076


Phạm Hiếu Dân

Có anh bạn (nhưng anh hơn tuổi đến ngoài một giáp), một bữa xin tiền vợ in tập truyện ngắn "Đội Ngự". Sau khi xuất bản, thì một văn sĩ già hơn ở Sài Gòn nghe bạn bè giới thiệu, bèn lặn lội ra tận Hà Nội, gọi điện thoại hỏi đường, mò đến tận nhà xin mua tập sách. Hai ông gặp nhau hợp chuyện, kết thành bạn, ông tác giả sách muốn tặng bạn mới tác phẩm xuất bản đầu tay của mình, ông kia dứt khoát không chịu, cứ phải trả tiền bằng được mới thôi. Dúi tiền vào tay bạn xong, còn nói "tao chẳng giúp được gì mày thì thôi"... rồi thêm: "Mà tiên sư mày, mày viết hay thế từ bao lâu, sao bây giờ mày mới xuất bản!?"

Anh bạn tôi, anh Trần Quốc Khánh, thực ra là đồng nghiệp, nghề chẳng liên quan gì đến viết văn, nhưng cuộc đời anh ba chìm bảy nổi, lận đận nhiều, cuối đời đi làm, bỗng xoay ra tiêu khiển bằng viết và vẽ. Anh viết truyện ngắn là chính, nhưng thơ, họa, nhiếp ảnh mỗi thứ anh đều sành một tý.

Nhân tiết lành lạnh heo may, xin giới thiệu cảm nhận độc đáo của anh về sự cô đơn trong cảnh thu:

THU CẢM

Thu đã về sao?
                                Thật đó thu!
Cây như thay áo rũ bụi mờ.
Cúc vàng khoe sắc, heo heo lạnh,
chỉ có mình ta, vẫn sững sờ.

Chẳng biết tìm đâu, chẳng thấy đâu,
cả đời quanh quẩn, những lo âu.
Biết mấy tri âm, giờ đâu nhỉ,
biền biệt phương trời, cánh hải âu.

Chỉ sợ lòng ta giống hoa vàng,
thu về nở đón, sớm mai tàn.
Mong manh chờ mãi, trong khắc khoải
,
e nỗi hương thầm cũng vội tan.

                                              Hà Nội, 1990.


Cuốn Đội Ngự, gồm 30 truyện ngắn, có thể nói đã cuốn hút người đọc ngay từ trang đàu tiên cho tới cuối cùng bởi cách viết mộc mạc nhưng hấp dẫn và đầy ắp vốn sống. Sách dày gần 250 trang, giá 65 ngàn đồng, nhưng chỉ in có 400 cuốn, nên không dễ tìm mua, trừ khi bạn alo cho tôi hoặc chính tác giả.

Đây là một truyện ngắn trong tập truyện: Cái vỏ 
https://www.facebook.com/notes/ph%E1%BA%A1m-hi%E1%BA%BFu-d%C3%A2n/c%C3%A1i-v%E1%BB%8F/782462815132880

09:35 ngày 10/10/2014 hieu_dan Pham

Hôm qua em thấy anh lưu ở bản nháp nên đã copy truyện Cái Vỏ để đưa lên giới thiệu trên facebook cho bạn bè rồi

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=782461565133005

À mà tiện thể tìm lại truyện Đội Ngự bọn bên Mỹ nó gỡ xuống rồi anh ạ, chắc nó ngại về bản quyền sau khi anh xuất bản tập sách

 

9:43 ngày 24/10/2014 lien.khanh24@gmail.com

Cháu chào chú. 

Chuyện của chú hay lắm. Đọc "Đội Ngự" mà thấy cứ như là những chuyện vui hàng ngày đang diễn ra xung quanh mình, nhưng có chuyện đọc mà thấy bức xúc nhưng bất lực chẳng thể làm gì được, có chuyện đọc xong thấy buồn man mát, thương cho những hoàn cảnh éo le...

Chắc chú phải thêm nhân vật ông bụt hay bà tiên vào thì các nhân vật trong "Đội Ngự" mới thực hiện được những điều ước của mình. 

Chúc cô chú khỏe và chú chú sáng tác thêm nhiều chuyên hay nữa. 

Có chuyện gì mới thì gửi cho cháu xem với nhé. 

Cháu Liên. 

15:14, 26/03/2015 khanhcg19@gmail.com (Bạn học cùng lớp THPT Ngô Quyền HP)

Khánh thân!

Khánh khỏe không? Mình đã đọc cả 30 truyện ngắn của bạn. Thú thật mình không viết truyện bao giờ, chỉ thỉnh thoảng viết bài báo cho mấy tạp chí ở Hải Phòng thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình thôi! Lúc đầu nhận được tập tryện ngắn của bạn, mình chỉ cám ơn thôi, nhưng đến khi đọc thì truyện của bạn hút mình đọc một mạch trong 2 ngày liền. Đọc xong thở phào và thấy Khánh viết giỏi lắm: Khánh đi vào và vạch ra những chỗ khuất của cuộc đời + những cái chưa tốt của xã hội + kể cả đường lối và định hướng cũng không đúng. Với cái tuổi gần 80, nhìn đời đã qua, từ năm 1960 tới nay mình càng thấy những điều mà bạn đề cập tới là sự thật.

Song có đôi chỗ bạn có cường điệu quá không đấy ?

Cám ơn bạn! Có gì khác chuyển cho mình nhé!  Chào bạn! Chúc bạn khỏe!

 

13:30 ngày 04/11/2015 tqkhanh1940@gmail.com

Bác Huân thân mến,

Tôi gửi tập truyện ngắn nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2012: gồm 30 truyện ngắn để bác đọc. Tôi sẽ rất vui nếu bác đóng góp ý kiến để tôi viết tốt hơn.

Chào và chúc bác khỏe.

TQK.

13:37 Ngày 04 tháng 11 năm 2015, phanhuyhuan@gmail.com

Em đã đọc xong 2 lần tập truyện của bác, cảm ơn bác.

Bác thật sâu sắc, đa tài và cao thượng.

Theo em có lẽ đến hơn 50% là tự truyện; bác khổ nhiều quá

Em vẫn đang đi làm với các cháu ở cơ quan cũ nên lòng tốt của mình cũng được tôn trọng.

Hôm nào em sẽ đến thăm bác

 

09:38 ngày 02/03/2016 Khanh Tran Quoc <tqkhanh1940@gmail.com>

Thao thân mến,

Tôi gửi bạn 30 truyện ngắn XB 2012. Bạn đọc và cho ý kiến đóng góp nhé.

Muốn đọc nữa tôi sẽ gửi tiếp.

Cám ơn. 

TQK

9:19 ngày 02/03/2016  Thao Trần

Rất hay. Chúc mừng bạn Trần Quốc Khánh. Truyện viết đã lâu mà giờ tôi mới được đọc.

 

9:34 ngày 02/03/2016 Thao Trần

Cho mình địa chỉ trang web nhé

 

22:40 ngày 03/03/2017 Thu Meo 

Đọc nhiều truyện càng khâm fục chú Khánh. Có vài năm làm việc cùng chú mà không hề biết ông chú thi ca, nhạc họa tài hoa. Cảm thấy hào hứng khi là người gốc thành phố Nam Định cùng chú.

 

10:26 ngày 04/03/2017  Trần Quốc Khánh 

Thu Meo ơi,
Mũi Khánh vốn đã to rồi, - Phổng thêm chút nữa, có ngày vỡ bung!
Viết, với tôi giờ đây là một nhu cầu tự thân. Viết cho mình, cho bạn bè, cho người nào muốn đọc và cũng bởi vì khi mà tuổi trời sắp hết, trí lực cạn dần, không viết thì còn biết làm gì nữa!...Xem thêm

 

16:38 ngày 17/03/2017 Thao Trần

Truyện của Trần Quốc Khánh truyện nào cũng hay. Rất khâm phục tài văn, tài họa của bạn.

  

23:00 18/12/2018 Thu Meo 

Tôi đã đọc truyện " Đội Ngự" của nhà văn không chuyên Trần Quốc Khánh và thấy lại hình bóng nhà văn Nguyễn Công Hoan trong ấy.

  

12:00 19-12-2018 Nguyen Ho Nguyen 

Các truyện ngắn của anh Trần Quốc Khánh viết rất hay, có lối viết khá lạ, nhiều tình tiết, những cái kết chuyện cứ như ghim vào đầu mình!

 

17:44 ngày 27/05/2021  Hoan Dong  donghonghoan@gmail.com

(con dâu ông bà bạn học cùng lớp Ngoc-Quý, tại Ngô Quyền HP)

Thơ bác hay & khá ám ảnh... Bác đúng là người tài hoa, dù cháu cũng chưa đọc hết, cháu đang dàn trang tập thơ, nên tranh thủ  đọc được một số bài ạ... Cháu cảm ơn bác đã cho cháu cơ hội được đọc thơ bác ạ... Chúc bác & gia đình buổi tối an vui ạ.

  

20:47 ngày 27/05/2021  Hoan Dong  donghonghoan@gmail.com

(con dâu ông bà bạn học cùng lớp Ngoc-Quý, tại Ngô Quyền HP)

Truyện ngắn bác viết cũng hay & ám ảnh như thơ bác vậy. Bác viết hay lắm, cuốn hút người đọc, vì cháu cũng bận nên lười đọc, nhưng với bút pháp sắc sảo, nhân văn, xúc động... rất lôi cuốn ạ... bác thật tài hoa...

Ngày nào cháu đi làm về cũng thấy mẹ đọc đang đọc truyện của bác. Cháu rất cảm phục bác ạ...

 

09:49 ngày 28/05/2021  Hoan Dong  donghonghoan@gmail.com

(con dâu ông bà bạn học cùng lớp Ngoc-Quý, tại Ngô Quyền HP)

Cháu cảm ơn bác nhiều ạ, đọc truyện & thơ của bác (dù cháu cũng còn chưa đọc hết), cháu thấy: ngoài các sáng tác về tình yêu, tình bạn, thiên nhiên, gia đình, xã hội... bác có cái nhìn khá sâu sắc & đầy triết lý, nhân văn về cuộc sống ạ. ..

Các tác phẩm của bác vui ít, buồn nhiều ạ... Đọc truyện & thơ bác mới thấy như bức tranh sinh động, nghiệt ngã của xã hội đương thời, những cay, cực cho các tri thức thời bao cấp ạ...

 

 

tháng 7 19, 2021

Năm mốt năm ngày cưới







 

Sen hồng - Ảnh TR Dao



 

Tiến sĩ Văn học Mai Thanh & “Đội Ngự” - Ghi chép


Sau bao đắn đo, trăn trở, lựa chọn cuối cùng của tôi là đem truyện đi xuất bản.

Đầu năm 2012 nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho in tập truyện ngắn “Đội Ngự” chỉ có 30 truyện, dầy chưa đến ba trăm trang.  

Tháng 08-2012 tập “Đội Ngự” đến tay Mai Thanh, một Tiến sĩ Văn học Tốt nghiệp tại CHLB Đức.

Ông viết:

Đọc bài giới thiệu "Những người quanh ta" của Mai Thanh
          http://trithucthoidai.vn/nhung-nguoi-quanh-ta-a49625.html

"Những người quanh ta"

08-08-2012 | 04:05

Tập sách gồm 30 truyện ngắn - Ở mỗi truyện hiển thị một vài nhân vật mà ta thường gặp trong cuộc sống qua nhiều thập kỷ nay. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh, thân phận, phẩm chất và tính cách riêng.



     Đó là đội Ngự (“Đội Ngự”, tr.5 – được lấy tên đặt cho tập sách), là lính bảo hoàng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong khi, cô Mai – vợ anh lại là xã đội trưởng, phụ trách đội du kích chống càn, đánh đồn rất anh dũng. Địch bắt được Mai và chúng biết rõ Mai chính là vợ của Ngự. Tên tây lai đồn trưởng gọi Ngự đến để hai vợ chồng nhận nhau, từ đó, hy vọng Mai sẽ khai báo tất cả cơ sở bí mật của ta. Mai đưa mắt làm tín hiệu cho Ngự để họ không nhận nhau là vợ chồng và khước từ mọi yêu cầu của chúng. Tên đồn trưởng đưa khẩu súng lục cho Ngự ra lệnh cho Ngự bắn chết vợ. Ngự bàng hoàng, không thi hành lệnh. Một lần nữa, Mai lại đưa mắt nhìn Ngự, như năn nỉ “anh cứ bắn em đi; ở trên trời cao kia em hiểu anh và tha thứ cho anh!”. Trong khi đó, tên đồn trưởng la hét, giục giã Ngự làm cái việc mà ai trong hoàn cảnh ấy cũng không chịu nổi. Mai lại đưa mắt nhìn Ngự như ra lệnh – một mệnh lệnh còn hiệu lực hơn cả mệnh lệnh của tên đồn trưởng. Khẩu súng trong tay Ngự khạc ra tiếng nổ. Máu từ ngực Mai bắn ra tung tóe, cô ngã gục, Ngự cũng ngã xuống theo vợ. Sau cơn bàng hoàng, Ngự nâng vợ lên, anh gục xuống, lịm đi! “Sau khi chôn cất Mai, anh chỉ còn lặng lẽ như một cái bóng. Anh không nói gì và cũng không ai dám nói gì với anh. Anh sống vật vờ, câm lặng và đôi khi thấy anh ngước lên trời như đang tìm kiếm ai ở đó” (tr.19).

      Đó là cô Lanh (“Cái vỏ”, tr. 21) góa chồng từ khi 18 tuổi, mọi đòi hỏi ham muốn dục tình bị nén lại qua lao động như trâu húc mả, khiến cho các nhà lãnh đạo, quản lý khâm phục, rồi bồi dưỡng Lanh trở thành anh hùng lao động. Khi trở thành anh hùng lao động, Lanh lên chức như diều, trong khi ham muốn dục tình không thể nguôi ngoai, nhưng lại muốn giữ mình, nên cô thầm kín quan hệ, có khi với một nam nhân viên cấp dưới, có khi với chàng trai giúp việc trong nhà. Có thai nhiều lần, nhưng vì chức cao quyền trọng, nên cô đều phá thai. Thế rồi, đến một lần chuyện phá thai không trót lọt, Lanh bị phát hiện và bị kiểm điểm, rồi bị thi hành kỷ luật, xuống “phụ trách” trại chăn nuôi. Thân bại, danh liệt, cô ốm đau rồi chết trong một đêm mưa buồn. Nhân vật trong truyện đối thoại với Lanh giúp người đọc thấy bản chất con người Lanh: “Bản chất chị không phải là người xấu...Nhưng chị bị người ta biến thành một người khác, được bọc một cái vỏ hoàn toàn không phù hợp với con người thực của chị... Xung quanh toàn bọn tay chân nịnh bợ và vì thế chúng đã biến chị thành quái vật...Phải chăng do luyến tiếc cái vỏ hào nhoáng kia mà chị đã không gớm tay hạ thủ chính con mình đẻ ra.” (tr39).

     Đó là Ngát (“Chàng gàn” – tr.103) làm công việc kiểm tra chất lượng công trình ở một công trường nọ. Với công việc ấy, nếu anh làm qua loa, xí xóa cho  các đội xây dựng bớt xén nguyên vật liệu và làm ẩu, thì anh tất yếu được nhận những khoản “thù lao” hậu hĩnh. Nhưng, anh đã làm ngược lại, nên không những túi rỗng mà còn bị chê là gàn. Cũng bị chê là gàn, khi anh thẳng thắn đấu tranh chống lại những nếp nghĩ, những việc làm sai trái ở công trường mình. Nhiều người không chỉ chế giễu Ngát  là gàn, mà còn coi anh là cám hấp, là chập mạch, vì anh nhường suất nhà của anh - do cơ quan phân - cho người khác, trong khi hai vợ chồng anh và đứa con nhỏ đang ở nhờ dưới cái mái Tam quan vẻn vẹn gần ba mét vuông của một ngôi chùa. Người ta gọi Ngát là chàng gàn, chàng hấp, nhưng anh ý thức và tự hào về những điều anh nghĩ, những việc anh làm. Cũng vậy, vợ anh cũng ý thức và tự hào về chồng mình, Chị tâm sự với anh: “Nhiều người bảo anh là gàn, là hấp, nhưng với em, anh là một người đàn ông tuyệt diệu nhất...” (tr.123).

     Đó là Liên (“Liên”, tr.130) có một người chồng nói chung là tốt. Tuy nhiên, vì quá ham mê đọc sách đến mức gần như quên mình có vợ. Lời một nhân vật kể về cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Liên: “Bây giờ chúng nó vẫn còn rất thương nhau. Nhưng “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nó bảo anh ấy cứ đều đặn một giờ sáng trở dậy đọc sách đến bảy giờ. Lục cơm nguội, có thì ăn, không thì thôi, sau đó lặng lẽ dắt xe đi làm đến tối... Ngoài sách vở thì anh chẳng chú ý đến cái gì nữa... Nó còn bảo, có khi cả tháng anh ấy chẳng nói với nó một câu, hỏi nó một lời, cứ lặng lẽ như cái bóng... Thế rồi nó lẩn thẩn nghĩ rằng, hay là giả vờ ngoại tình để anh ấy phải chú ý đến nó. Nhưng nào ngờ giả hóa thật, thằng cha kia “cứ dính như keo, giằng không đứt, dứt chẳng ra” (tr.138). Thế là Liên sa vào nhiều cuộc ngoại tình tiếp theo; vợ chồng ly dị, Liên lấy một ông chồng hơn mình hai chục tuổi. Cô ốm yếu, rồi chết trong cảnh buồn thảm.

     Đó là vị hòa thượng trụ trì ở một ngôi chùa nọ đã có cuộc tình duyên trắc trở từ thời trai trẻ (“Báu vật”, tr.180). Chàng trai ấy khỏe mạnh, đẹp trai,  nhưng nhà nghèo và cô gái xinh xắn, nết na con nhà phú hộ giàu có yêu nhau, nhưng họ không lấy được nhau. Nàng đi lấy chồng; chàng xuất gia, lên chùa xuống tóc từ đó. Rồi một chiều mùa đông, có một cậu trai đến gặp hòa thượng mang theo một chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ dâng cho hòa thượng. Hòa thượng mở hộp hộp gỗ ra, thì đó là một con trâu đất mà thuở thiếu thời, hòa thượng đã nặn và tặng người yêu mình và cũng chính là người mẹ của cậu trai kia. Trước khi qua đời, người mẹ tội nghiệp ấy giao cho con cái hộp gỗ với con trâu đất và dặn con đến chùa dâng tận tay hòa thượng. Mắt rưng rưng, hòa thượng ngắm nhìn, tay vuốt ve con trâu đất; chào từ biệt chàng trai rồi đi vào phòng trong đóng cửa. “Hôm sau, đã muộn không thấy nhà sư trở ra, người ta đẩy cửa vào thì thấy người ngồi thiền ngay ngắn trước ban thờ Phật nhưng đã viên tịch từ lúc nào, hai tay vẫn trân trọng ôm chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ như một báu vật” (tr.189).

      Chỉ qua năm truyện ngắn trong tập, bạn đọc đã gặp quanh ta những con người muôn vẻ cuộc đời mà phần đông là hoàn cảnh, số phận bất ổn của họ.Với cả ba mươi truyện ngắn của Trần Quốc Khánh bạn đọc sẽ còn gặp nhiều hơn thế nữa những nhân vật, mà thực chất là những người quanh ta với mọi dạng vẻ như chính cuộc sống vậy đã tồn tại qua nhiều thập kỷ và còn hiện hữu cả đến hôm nay.

     Hình thức thể hiện của truyện ngắn Trần Quốc Khánh theo lối truyền thống; rất chú ý xây dựng tính cách nhân vật trung tâm, khiến người đọc cảm thấy các nhân vật trung tâm ấy càng thêm gần gũi, như họ là những người quanh ta vậy!

Mai Thanh

Họ tên: Mai Thanh – Tiến sĩ Văn học Tốt nghiệp tại CHLB Đức

Giới tính: Nam

Ngày sinh: 05/12/1952

Địa chỉ hiện tại: Bộ Thông tin và Truyền Thông

Liên hệ:           Điện thoại: 01248355940      Email: maithanh52@gmail.com

 

 

 

tháng 7 17, 2021

Hà Nội - Hà Nội


 

Yêu biết bao nhiêu các cháu của tôi


 

Được gặp bác Tô Hoài - Truyện ngắn

Sau khi tờ báo bị đóng cửa, tôi như thằng hủi, không ai dám gần. Do học lớp cuối cấp, cuối năm ấy tôi bị tống ra khỏi trường, không được thi tốt nghiệp, cũng không được học lại. Cầm quyển học bạ với lời phê của giáo viên chủ nhiệm: “Không đủ tư cách thi tốt nghiệp”! Tôi bơ vơ giữa dòng đời, lòng trống rỗng và hoang mang đến cùng cực.

Mãi đến giờ, khi đã già rồi, tôi vẫn không hiểu tại sao lại như thế? Mình lại bị như thế?

Tuy nhiên, tôi, “cái thằng không có đủ tư cách” ấy, hằng ngày vẫn phải ăn, vẫn phải tồn tại. Thế là đi làm cu-li, đẩy xe than, bơm vá xe đạp ở đầu đường. Làm đủ trăm nghề, nghề nào cũng qua, chỉ có nghề ăn cắp là chưa trải, nhưng vẫn không ngừng viết.

Chỉ có việc gửi bài viết đi cho đài, báo đăng thì dù “bố bảo cũng không dám” nữa!

Lúc đã già, trên bảy mươi tuổi thì tôi đã viết được khá nhiều. Nhưng cứ tâm niệm bụng bảo dạ là khi nào sắp chết phải dối dăng lại cho con cháu: nhớ đốt đi kẻo mang vạ vào thân!

Một hôm Hiếu Dân cậu bạn trẻ, rất giỏi vi-tính đến chơi báo cho biết là trên một trang Web (mạng toàn cầu) của nước ngoài mang tên: vantuyen. net có đăng truyện ngắn “Đội Ngự” của  tôi. Nó được xếp trang trọng dưới tiêu đề Hội ngộ Văn chương Toàn cầu. Số bạn đọc mới vài tháng, đã tới gần 6000 lượt người.

Bạn bè biết chuyện lại gọi điện đến chúc mừng. 

Hỏi ra mới biết Ngọc Hoàn có đem quyển sách của tôi viết về Hải Phòng, rồi đưa cho ông em họ là Bùi Ngọc Tấn một nhà văn có tên tuổi đọc. Ông văn sĩ già này có lẽ khoai khoái thế nào ấy, nên khi qua Mỹ thăm con, mang theo quyền sách ấy. Rồi cũng chẳng hiểu sao họ tung truyện “Đội Ngự” tôi viết lên mạng.

Còn chưa kịp mừng, thì một ông bạn làm Công an đến bảo:

- Đừng “vẫy đuôi” vội! Trong nước chưa ai biết, chưa chỗ nào đăng cả, mà truyện của ông đã được mạng ở nước ngoài đăng lên một cách trang trọng, tức là có vấn đề đấy!

Thử ví dụ thế này: Mấy “xừ” An ninh mạng, đúng lúc đang gặp chuyện gì đó bực mình, lại “liếc” vào trang Web đó, gọi ông lên cho mấy cái bạt tai thì mả bố ông chôn chỗ nào cũng phải tông tốc khai ra hết.    

Suy nghĩ kỹ thì cũng đáng lo thật. Mọi người bàn là nên gặp một nhà văn có uy tín để xin ý kiến, tôi quyết định tìm đến nhà văn Tô Hoài, người mà tôi yêu quý từ khi còn thơ bé với “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ.  

Để gặp được một nhà văn lớn, nổi tiếng, đã ở tuổi chín mươi, lại rất sợ sự quấy rầy của đủ các loại người, không phải là dễ.

Tôi không có ý định núp dưới bóng râm của cây đại thụ nào và không có ý định ra sách. Lại càng không muốn nhuộm cùng màu với bất kỳ ai.

Thế rồi đã rất kỳ công, tôi cũng đã mò mẫm mấy tháng trời mà vẫn không được gặp cụ.

Cụ bà Cúc, vợ nhà văn nói với tôi:

- “Ông ấy đã già rồi, lại lắm bệnh tật, nên không gặp bất kỳ một ai. Muốn ông ấy góp ý, thì đưa vài truyện cho ông ấy đọc. Có khỏe ông mới đọc được, vì thế cũng không thể hẹn trước. Sau đó ông ấy sẽ góp ý nhiều hay ít là tùy vào truyện. Cỡ một tháng nữa ông hãy quay lại đây”.

Tôi đã làm theo lời dặn dò của bà lão cũng chỉ kém cụ ông vài ba tuổi, đi lại ba, bốn tháng vẫn chưa được nhà văn góp ý. Lần thứ tư, tôi sững sờ khi nghe bà cụ nói:

- Tôi có giục, nhưng lần này ông ấy bảo: - “Ông này tôi phải gặp”!

***

Bà con gái cả của cụ là người gặp tôi đầu tiên ở ngoài cổng, hỏi:

- Ông có được bố tôi hẹn gặp không?

Cảm động nhất là khi nghe thấy tôi hỏi thăm đến nhà, cụ đã lần tường ra đón tôi tận cổng. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một nhà văn lớn, rất nổi tiếng ở mãi Nghĩa Tân, nhà bà con gái đầu của cụ cũng đã trên sáu mươi, làm nghề thuốc, tiện chăm sóc cho bố và cũng tiện để cụ “lánh” những cuộc gặp gỡ không cần thiết!

Đó là một cụ già đã chín chục tuổi, thấp bé, giản dị. Lần gặp gỡ này kéo dài tận hai tiếng đồng hồ, đã vài lần tôi đứng dậy xin phép cụ ra về vì sợ cụ mệt, nhưng cụ đều giữ lại. Trong chuyện trò cụ kiệm lời, nói năng nhỏ nhẹ và đặc biệt là cụ nói chuyện rất có duyên và hóm hỉnh. 

Trong khi trò chuyện, cụ đã nói với tôi:

- Nếu muốn viết và để có thể trở thành một nhà văn thì nhất thiết phải có hai thứ:

* Thứ nhất là phải giàu vốn sống.

* Thứ hai là phải giàu vốn từ.

Tôi đùa hỏi lại cụ:

- Thưa bác, thế không cần giàu tiền bạc ạ?

Cụ cười hiền lành, chỉ nhìn tôi không nói.

Khi tôi từ biệt cụ ra về, cụ nhất định tiễn tôi ra tận cổng.

Bắt tay từ biệt, cụ nói thêm một câu:

- Ở ông, có cả hai thứ đó.

- Thưa bác, bác nói cháu có cả hai thứ gì ạ?

- Cái mà tôi nói lúc nãy ấy. Hãy viết nữa đi!

Tôi dùng dằng, mãi sau mới dám nói:

- Cháu cứ nghĩ là khó mà được gặp bác, nhưng hôm nay cháu thật may mắn đã được gặp và chuyện trò với bác. Cháu xin phép hằng tháng được đến thăm bác, không biết như thế có làm phiền bác không ạ?

- Không sao. Ông không cần xin phép. Muốn đến chơi với tôi thì phải gọi trước. Bởi tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở.

Lúc mới quen cụ vẫn gọi tôi là ông, bởi dù sao tôi cũng là một ông già trên bảy mươi tuổi rồi còn gì nữa. Tôi sinh sau cụ mười chín năm.

Thế là từ đấy tôi thường đến thăm ông cụ hiền lành, giản dị nhưng cũng rất nổi tiếng ấy. Các lần sau tôi thường đưa những tác phẩm nhỏ bé của mình cho ông cụ đọc rồi xin cụ góp ý. Nhưng do rất kiệm lời nên cụ chỉ khuyên tôi:

- Anh - sau này khi đã thân mật, cụ đổi cách xưng hô gọi tôi bằng anh chứ không gọi là ông như trước nữa - nên đưa cho các tạp chí đăng bài, vừa có nhuận bút. Khi nào tập hợp được nhiều nhiều, họ sẽ xuất bản mà mình không phải bỏ vốn ra in.

- Thưa bác cháu đã đưa bài cho Tạp chí Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản, từ mấy năm nay, nhưng chỉ được họ nhận bài, khen viết tốt nhưng không thấy họ đăng.

- Nếu thế anh đưa bài sang cho Tạp chí Hội Nhà văn, ở 65 Nguyễn Du. Để tôi gọi điện thoại giới thiệu anh với Tổng biên tập. Trước tôi đã từng làm việc ở đấy.

Tôi đến địa chỉ trên, ông Tổng biên tập Nguyễn Tr. đã ra tận cổng đón, vui vẻ mời tôi vào phòng làm việc.

Cũng đi lại như đã đi lại ở Tạp chí Văn Nghệ, năm lần, bảy lượt, cũng được khen là bài viết tốt, tuy nhiên vẫn không được đăng. Lần thứ năm, thứ sáu gì đó ông Tr. mới bùi ngùi nói với tôi:

- Tạp chí chúng tôi còn nghèo lắm. Để đăng bài cho hội viên trong hội Nhà văn cũng đã chật vật lắm rồi. Bài của người ngoài hội phải được đánh giá là rất xuất sắc mới đăng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Anh thông cảm.

Ra về tôi hiểu là những bài viết của tôi tuy được khen là tốt nhưng chưa thể gọi là “rất xuất sắc” để được đăng trên tạp chí và vì “tạp chí rất nghèo”, … 

Lần sau đến thăm cụ, cụ có hỏi tôi là đã gặp ông Tr. chưa. Tôi đành nói thật:

- Không phải cháu không lo được vài triệu đưa cho Tạp chí để đăng bài. Nhưng làm như vậy, cháu cứ thấy nó hèn hèn thế nào ấy.

Cụ chỉ đăm đăm nhìn tôi mà không nói gì cả.

Cuối cùng cụ khuyên tôi:

- Chỉ còn cách đưa cho nhà xuất bản. Nhưng như vậy sẽ tốn kém đấy. Tôi thấy anh không phải là người nhiều tiền, nên phải cố gắng vậy thôi. Thời tôi còn khỏe đi làm, thì nhà xuất bản sẽ hỗ trợ cho tác giả sách mấy chục phần trăm. Nhưng bây giờ không biết có còn chế độ này nữa không?

Tôi thấy yêu mến cụ già tốt bụng này biết bao. Cứ suy từ cụ mà ra, là một nhà văn nổi tiếng với bao nhiêu giải thưởng lớn của nhà nước và của cả quốc tế, đi nước ngài trên chục lần, mà đến thăm cụ quan sát thì chung quanh cụ chỉ toàn sách là sách, sách nhiều vô kể. Một bộ bàn ghế xuềnh xoàng để tiếp khách, một cái bàn viết nhỏ quay mặt ra cái cửa sổ và một vỉa hè vắng vẻ, một cái đèn bàn rẻ tiền và một cái quạt cây cũ kỹ. Bên trong phòng ngủ có một cái giường nhỏ và một cái ti-vi cổ, đít lồi.

Hà Nội vào mùa hè có những hôm nóng đến ba tám, ba chín độ, mà chỗ ở một danh nhân không có nổi cái điều hòa!

Có một số người nói với tôi:

- Có khi cụ không chịu được điều hòa nên không lắp.

Có người còn ác ý nói:

- Có khi ông cụ “đóng kịch” đấy!

Tôi thì tôi nghĩ khác. Một người như cụ tuổi đã trên chín chục, gần đất xa trời rồi còn “đóng kịch” thì đóng để ai xem? Mà đóng kịch vì mục đích gì cơ chứ! Để tỏ ra đặc biệt khác người, để nổi tiếng à? Cụ đã chẳng phải chạy trốn “cái sự nổi tiếng” rất vất vả đó sao!

Có lần cụ đã nói với tôi:

- Nghề viết văn không làm giàu được. Muốn làm giàu thì đừng viết văn!

Nhưng viết, là cái nghiệp. Nó đã vận vào thân, gỡ cũng chẳng ra. Mà gỡ ra rồi để làm vương, làm tướng gì? Kinh doanh làm giàu à? Hay phấn đấu để trở thành “đầy tớ của dân”!

***

Cuối cùng chỉ còn cách đưa truyện cho một nhà xuất bản nào đó duyệt rồi in ra sách. Lúc ấy họa may mới tránh được tai họa.

Thế rồi phải vay mỗi nơi một ít, xin vợ bớt tiền ăn hằng tháng để xuất bản tập truyện đầu tay chỉ gồm có ba mươi truyện ngắn.

 

Hà Nội, 2021.