tháng 9 19, 2015

Đình Hoàng Mai cũ - Hà Nội


Cầu Long Biên - Hà Nội


Bình minh trên Hồ Gươm - Hà Nội


Lấy Tây

Tôi hay xem chương trình “Văn hóa - Sự kiện & Nhân vật” thường phát trên Đài  truyền hình Trung ương. Chương trình này có cô Biên tập viên kiêm MC xinh đẹp và lịch lãm.
Khách mời được cô phỏng vấn, lại chưa quen biết nhiều thì có cảm giác như đang được nghe một Tuyên huấn hay một Chính ủy Sư đoàn trò chuyện.
Tôi hỏi ông bạn hàng xóm hay sang uống nước:
- Cô MC này chắc hẳn là con nhà nòi, ông nhỉ?!
- Ông hỏi về vấn đề gì?
- Về lập trường giai cấp ấy! Bố mẹ cô ta hẳn là “Đảng cụ”!?
- Cũng có thể! Hồi tôi còn đi bộ đội, thì đồng chí Chính ủy Sư đoàn “nói” cũng không hay bằng cô này!
- Chắc hẳn cô ta được đào tạo là để nói!?
- Chính ủy của ông thì cũng chỉ làm nghề “nói”, chứ có làm gì khác đâu?!  
- Cô này hẳn được đào tạo qua trường lớp hẳn hoi, nên nói mới đúng bài bản và “lọt tai” như thế chứ!
- Thì Chính ủy cũng được đào tạo để nói cho “lọt tai” chứ khác cái “cóc khô” gì!
- Nghe cô ta nói cứ cảm thấy mình vẫn chưa làm tròn nghĩa vụ và phận sự công dân, vẫn còn nhiều thiếu sót quá, ông ạ.
Sau đó, ông chép miệng nói thêm:
- Được rồi, ông cứ để tôi về bảo thằng con tôi nó tra trên mạng thì rõ ngay ấy mà! Tên cô ta là gì ấy nhỉ?
***
Hôm sau ông hàng xóm sang chơi cùng với những thông tin mà cha con ông vừa tra trên mạng về cô Biên tập viên kiêm MC xinh đẹp, nói như “hát hay”.
Bước vào cửa ông hàng xóm chưa kịp đặt đít xuống ghế đã nói một hồi như Archimedes(1) vừa phát hiện ra định luật nổi của vật thể trong nước:
- Cô Biên tập viên này là con gái rượu của một Giáo sư Nghệ sỹ Nhân dân có tăm tiếng.
- Giáo sư về ngành gì?
- Ngành gì mà chả vậy! Bây giờ giáo sư tiến sĩ cứ nhan nhản đầy đường như chó con. Đi đâu chả chạm trán. Mà muốn làm Giáo sư Tiến sĩ thì nói năng tối thiểu cũng phải lưu loát cái đã. Còn nói cái gì, về vấn đề gì thì còn phải xem xem nó thế nào!
- Thì cũng phải là nói có nội dung gì chứ? Chẳng lẽ cứ nói vớ va, vớ vẩn chẳng đâu, vào đâu à?
- Cần quái gì nội dung. Có khối vị lên nói hàng giờ trước đám đông. Lúc xuống dưới có người hỏi: - “Ông nói cái gì mà “trang giang, đại hải”(2) thế? Tôi nghe mà chẳng hiểu ông nói cái gì nữa!? Thì ông ta liền trả lời: - “Đến tôi cũng chẳng biết tôi nói về cái gì nữa là ông! Hỏi thế mà ông cũng hỏi?!
- Thế có nghĩa là cứ “nói lấy được”, còn nội dung thì “cái cóc gì” cũng được à?
- Đúng thế!
- Hèn chi mà cô này nói năng lưu loát, chẳng hổ là “con nhà nòi”!
- Thế cứ là con Giáo sư thì nói năng lưu loát à?
- Thì ít ra nó cũng được học hành tử tế, lại thừa hưởng cái Gen thông minh và cái “ma lanh” của bố!  “Hổ phụ sinh hổ tử”(3) mà!
- Tôi thấy có một số em học sinh trên vùng cao, thi vào đại học đỗ thủ khoa kia kìa. Thế cậu học sinh này theo Gen của ai? Cái gì đẻ ra cái gì hả?
- Ông hỏi thế mà cũng hỏi? Nếu tôi bảo ông là cái con củ c… sinh ra các bậc thánh nhân thì ông có tin không?
- Ừ mà cũng đúng là như thế thật! Các bậc thánh cũng sinh ra từ đấy chứ chả lẽ chui từ lỗ nẻ nào ra?!
- Lúc nãy ông có nói, cứ nghe cô này nói thì thấy ta yêu nước mình hơn, thương dân mình hơn. Thế thì hằng ngày ta cố phải nghe cô ta nói chuyện để củng cố lòng yêu nước hơn, ông nhỉ!?
- Lòng yêu nước của ông “mong manh” đến thế cơ à?
- Sao ông lại dám bảo lòng yêu nước của tôi “mong manh”! Hả?
- Nếu không “mong manh”  thì sao lại cần củng cố thêm để làm gì?
- Nói thì cứ nói cho nó “xuôi”, chứ cả thằng bố cô ta có nói thì tôi cũng “đấm thèm” vào nghe, chứ nói gì đến cô ta!
- Sao ông lại “chậm hiểu” đến thế?
- Tôi nói để ông biết, tuy cái mồm cô ta nói yêu nước, yêu dân Việt thế thôi, chứ cô ta lại lấy một “thằng Tây to vật”!
- Ô hay, sao ông lại lẩn thẩn thế? Khi nói, cô ta dùng đến “cái mồm”, còn khi lấy chồng thì dùng đến “cái khác”. Hai cái nó chỉ “na ná” nhau thôi! Với lại từ cái nọ đến cái kia, còn phải đi qua nhiều “đường đất” lắm! Chúng có "nằm cạnh" nhau đâu mà “liên hệ lung tung” như vậy?
- Nếu lời nói chỉ từ cái mồm phụt ra, còn bên trong nó không chứa một nội dung gì, thì nghe “làm cái đếch” gì, cho rác tai!?
- Thế thì ông đừng nghe nữa!
- Lúc nãy, ông chẳng khuyên tôi là hằng ngày phải nghe cô ta nói để “củng cố thêm lòng yêu nước” là gi!?
- Đúng là tôi có nói thế! Nhưng mà ông này, lấy Tây chắc hẳn là phải sướng hơn lấy người Việt ta chứ nhỉ?!
- Đích thị rồi! Cái gì của Tây mà chả đẹp, chả to hơn của ta, nhất là cái ví tiền của nó!
- Thế thì lấy Tây là “đúng hẳn” rồi còn phải “lăn tăn” gì nữa?! Bây giờ lấy Tây mới là “mốt”, là sang, là “chảnh”(4)! Chứ có như cách đây vài chục năm, các cụ “cổ lỗ sĩ”(5) nhà ta còn quan niệm những cô lấy Tây là “me Tây”, là đĩ điếm đâu?!  

Hà Nội,2015.

(1) Archimedes: Bác học vĩ đại người Hy Lạp 287-212 TCN
(2) Tràng giang, đại hải: Lời lẽ lê thê, dài dòng
(3) Hổ phụ sinh hổ tử: Cha thế nào, con thế ấy
(4) Chảnh hay chảnh hoảnh: Kiêu căng, tự phụ
(5) Cổ lỗ sĩ: Cũ kỹ, lạc hậu  

tháng 9 01, 2015

Thả vó


Điêu khắc gốc tre


Làm giàu

Tôi có ông em họ, con bà cô, hơn tôi ba tuổi, khôn từ thuở lọt lòng. Bố chết sớm, được nhận vào bộ đội từ hồi còn nhỏ, mặt mũi ưa nhìn, lại khéo mồm, khéo miệng nên được xếp vào làm liên lạc cho một đơn vị Thông tin.
Lúc xuất ngũ, chẳng có nghề ngỗng gì ngoài việc học mót được một số việc lặt vặt như hàn đầu dây điện trong các thiết bị đơn giản, dễ làm. Nhưng luôn “khoe” từng là một chuyên viên về điện tử. Ai nhờ gì cũng sẵn sàng “làm giúp”, không bao giờ lấy tiền công, mà chỉ ở lại ăn vài bữa cơm thân mật với “khổ chủ” tính ra còn bằng mấy lấy tiền. Được “cái ưu điểm” là gia chủ làm món gì, ăn cũng thấy ngon cả và lần nào ăn cũng thật “nhiệt tình”. Có lần “ăn bữa cơm mời” như thế mà không đứng lên được nữa! Phải chống tay ngồi ưỡn bụng ra để thở, làm cho gia chủ bị một phen “thất thần” hoảng sợ, lại nghĩ là do “ngộ độc thức ăn” hay bị “trúng gió”.
Lấy vợ thì cố tìm con nhà giàu, nhưng lại “vớ nhầm” phải con buôn bán nhỏ. Cô này “chẳng có tướng, chỉ có tinh”.
Nết ăn uống cũng vào loại “ăn thùng, uống chậu”, nhưng được cái khéo nói, lại hay làm “điệu” ỏn ẻn “cọng giá cắn làm đôi”.
Khi mới “yêu” họ rủ nhau về nhà tôi chơi, cô ta không chịu tắm bằng nước máy hay nước giếng mà phải tắm bằng nước mưa, để giữ da cho mịn. Thứ nước mà ông cụ nhà tôi cầu kỳ hứng được một ít chỉ dám để phà trả.
Đúng là “một đôi trời sinh”, họ luôn coi “đồng tiền to như bánh xe bò” và chỉ có “quơ vào” chứ chưa bao giờ chịu “nhả ra” cả. Cứ xem cái tướng thì rõ, khi cười nói lộ ra hai cái răng cửa đằng trước mọc chồng hẳn lên nhau!
Đến khi sinh con, có hai đứa, thì “được cả hai”. Thằng con trai lớn luôn “tiếp bước cha ông”, chỉ biết ăn của người và nó thường gọi bà nội nó là “con đĩ già” khi bà nó làm nó khó chịu. Lớn lên nó lấy một cô gái quá lứa, hơn gần chục tuổi, để con vợ nó làm nuôi “báo cô”. Ở nhà nằm mãi chán, người khác ngứa mồm lại nói ra, nói vào, nó cũng muốn làm một cái gì đó.
Quay đúng một vòng cuối cùng nó làm nghề gõ trống trong một ban nhạc nhỏ ở quán Bar.
Đứa con gái, em nó “khôn ngoan” hơn nhiều. Cũng nhỏ nhẻ, điệu đà, nhưng cũng vào loại “ăn thùng uốn chậu” không chịu thua mẹ mấy tí.
Nó nghĩ rằng ở nước ngoài dễ kiếm ăn hơn. Thế là để đi được nước ngoài, nó chấp nhận “kết hôn giả”. Lúc bấy giờ người ta thường “dùng kiểu” này và được coi là “mốt” thịnh hành mà hữu hiệu nhất. Đầu tiên là với một người ở bên Đức, sau đến một anh ở bên Tiệp. Nó đi khắp Châu Âu chỉ bằng cái “mẹo vặt” này.
Tuy nói là “kết hôn giả”, nhưng mỗi nước nó đặt chân tới lại “tòi” ra một đứa con thật. Đến lúc đứng tuổi nó đã “gom” được rất nhiều tiền gửi tiền về Việt Nam cho cha mẹ để mua đất - cũng là “mốt” thịnh hành nhất lúc bấy giờ. Khi đã sở hữu mấy miếng đất có giá ở trong nước thì cũng là lúc nó có đến bốn, năm đứa con, từ da trắng, đến da đen, long lanh đủ loại “màu sắc”. Trai, gái có tất chẳng thiếu loại nào!
Nhưng khi gặp họ hàng, cha mẹ nó vẫn thường than thở:
- Số cháu nó vất vả lắm. một thân “lặn lội” ở xứ người, cặm cụi làm lụng một mình, đẻ con đã một mình, nuôi con cũng một mình, có ai ở bên để chia xẻ đâu!
Khi có người hỏi lại:
- Ở nước ngoài hàng mấy chục năm. Kiếm được “bộn tiền” như thế, lại có đến năm, sáu người đàn ông được “gọi là chồng”, mà vẫn chưa “toại nguyện” à? Còn muốn sung sướng đến thế nào nữa?!
- Có “ở trong chăn, mới biết chăn có rận”. Quả thật các ông, các bà không thể hiểu và thông cảm được đâu!?
- Đúng thế! Trong hàng triệu người chúng tôi cũng chẳng có ai “tháo vát” và “hiểu biết” được như nó!
- Các bác ạ. Cuộc sống không đơn giản như mọi người nghĩ đâu. Ngay như hôm nọ, bố chết, nó cũng có về để “chịu tang” bố được đâu!
- Nó bận gì, mà đến bố chết, cũng không về được thế?
- Nó vừa ký “hợp đồng mới”, nên không thể bỏ về ngay!
- Lại vừa mới ký hợp đồng với một “ông chồng” mới à?
- Sao bác biết ạ?
- Nghề của nó là “giả” lấy chồng người nước ngoài để làm giàu mà lại!
- Vâng, khổ thế đấy!
- Ông chồng mới, người nước nào thế?
- Một “đại gia” người Châu Phi.
- Châu Phi, đen một tí, nhưng chắc là nhiều tiền lắm nhỉ?
- Hôm nọ có gửi ảnh “chồng mới” nó về. Ảnh chụp ban ngày mà chẳng nhìn thấy mắt mũi ông ta đâu cả. Thấy ông ta, tóc tuy đã bạc trắng, nhưng vẫn còn to khỏe lại đứng bên cạnh một cái xe ô-tô đẹp lắm, sang lắm cơ! Cỡ phải vài chục tỷ!
- Đứng cạnh, đã chắc gì xe là của ông ta, của người khác thì sao?
- Không thể lừa được nó đâu! Vì con tôi, tôi biết. Nó khôn lắm. Có gộp “trí khôn” cả trăm người chúng ta lại, cũng chẳng bằng nó được!
Không giàu thì làm sao mà “kết hôn” được với nó cơ chứ, dù chỉ là “kết hôn kiểu hợp đồng”!



Hà Nội,2015.

Cháu nội giữa giàn hoa mướp


Điêu khắc gốc tre


Đồ rác rưởi

Độ ấy khoảng tháng sáu, tháng bảy, năm 1986 thì phải, tôi được cử làm Giám sát thi công Cầu Chương Dương, nên hằng ngày phải có mặt ở vị trí cầu, lúc thì bờ Bắc, lúc bờ Nam.
Mùa này trời còn nóng lắm. Sáng ăn một cái bánh mì kẹp miếng thịt vợ rim hơi mặn, nên giờ thấy khát như cháy cổ. Vào ngồi uống nước trong một quán nhỏ dưới chân đê Sông Hồng phía bờ Nam, khi uống sang cốc thứ hai, thì có hai cô học sinh cỡ mười lăm, mười sáu, cũng vào ngồi mua ô-mai sấu, thứ ô-mai được chế biến rất khéo chỉ có ở Hà Nội mà không mấy cô học trò nhỏ nào có thể bỏ qua được.
Vừa ngậm ô-mai hai cô bé vừa ríu rít như hai con chim vành khuyên về đủ mọi chuyện từ bài toán “hắc búa” của thày Giang cho hôm qua, đến bài Sử kiểm tra “trúng tủ” sáng nay.
Một lúc sau một cô hỏi bạn:
- Mày đã biết “thằng Sát thủ Dê già” vừa chết sáng nay chưa?
- Thế à? Mày nghe ở đâu thế?
- Bố tao nghe đài, nói thế.
- Đồ “rác rưởi”. Nó chết thì quẳng mẹ nó ra sọt rác, nhắc đến làm gì cho bẩn tai!
Sau câu nói vô tư ấy hai đứa lại cười đùa rinh rích.
Bất ngờ một anh thanh niên ngồi cuối quán xô đến, trừng mắt nói xẵng:
- Chúng mày vừa nói đến ai đấy, chúng mày gọi ai là đồ “rác rưởi”?
Hai cô học sinh tái mặt, rúm lại với nhau, không nói được gì.
- Chúng mày phải theo tao về đồn để khai cho rõ!
Hai cháu gái nhỏ tái mặt, sợ sệt.
Bà chủ quán chép miệng nói:
- Chúng nó còn trẻ con, bạ đâu nói đấy, biết gì đâu mà chú bắt nó?
- Bọn phản động này, không tha được! Anh chàng trẻ tuổi mặt quắt như “hai ngón tay chéo”, đôi lông mày rậm rịt trễ xuống che gần kín cặp mắt ti hí, láo liên như mắt một con rắn đang rình mồi, có vẻ rất tức giận càng làm cho cặp má hóp xanh tái hẳn đi.
Anh ta hùng hổ đứng dậy tiến về hai cô bé, làm cho chúng càng sợ hãi nép chặt vào nhau.
Thấy không thể im lặng được nữa, tôi trả tiền nước rồi hỏi anh ta:
- Vì sao vô cớ anh lại đòi bắt người?
- Ông là ai?
- Tôi là một công dân. Còn anh là ai?
- Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời ông!
- Sao giữa ban ngày, ban mặt, anh lại hùng hổ đòi bắt người vô cớ? Chúng nó có tội gì? Các cháu nhỏ đừng sợ, các cháu không phải đi đâu cả!
- Ông cản trở người thi hành công vụ, tôi sẽ bắt cả ông nữa!
- Tôi thách bố anh đấy! Anh tưởng anh là “cái thá gì”, hả?
 Cậu ta run bần bật, móc túi rút ra một cái thẻ đỏ gí vào mặt tôi, mặt méo hẳn đi rồi nói như quát:
- Tôi là nhân viên An ninh Chính trị, ông hiểu chưa?
- Đã chắc gì cái thẻ này là của anh? Chắc gì nó là thẻ của người ở Cục An ninh Chính trị? Anh đưa loáng qua một cái rồi cất ngay vào túi, thì làm sao mà đọc kịp! Tôi nghĩ nó chỉ là cái vỏ hộp kẹo mầu đỏ mà anh cắt ra để dạo trẻ con!
- Đây, ông xem cho kỹ rồi câm đi, đừng nói bậy, nói bạ!
- À, thì ra đây quả là thẻ Công an thật. Tên anh là Nguyễn Văn Huênh à? Bố mẹ anh đặt tên anh khéo quá, hèn gì mà anh lại huênh hoang quá vậy.
Tôi hỏi anh, tôi đã đáng tuổi bố anh chưa? Sao anh nói xấc xược như thế? Anh không nhớ lời ông Hồ Chí Minh dạy Công an các anh điều thứ tư là: “Đối với nhân dân phải: Kính trọng, Lễ phép” à?!
Tôi hỏi lại anh vì sao anh đòi bắt hai cháu học sinh này?
- Chúng nó là phản động!
- Chúng nó đã làm gì mà anh ghép chúng vào tội phản động?
- Chúng dám lăng mạ lãnh tụ. Chúng nó bảo lãnh tụ là “đồ rác rưởi”!
- Lãnh tụ nào?
- Lãnh tụ……vừa tạ thế sáng nay! Tại sao ông lại không biết?
- Lãnh tụ của các anh, chứ có phải của chúng tôi đâu mà tôi phải biết! Biết để làm gì?
- Ông dám ăn nói thế à?
- Tôi ăn nói không đúng ở chỗ nào?
- Lãnh tụ là lãnh tụ của toàn dân, mọi người đều phải yêu kính, ông hiểu chưa?!
- Anh muốn dùng “nắm đấm” để giành lấy tình yêu của mọi người à, hả anh Huênh? Muốn cho người khác yêu mình thì phải sống thế nào, chứ như “thày trò” anh thì ai mà yêu được! Có ai ở đây nghe thấy bọn trẻ chúng nó bảo lãnh tụ là “đồ rác rưởi” không? Chỉ mình anh nghe thấy thôi à, hay do anh “quá nhạy cảm” và quá yêu kính ông lãnh tụ của anh mà “suy diễn” ra như vậy?!
Lúc bấy giờ người đến xem đông nghịt kín mít cả cái quán nhỏ. Mấy cậu công nhân  trẻ ở đội cầu, mỗi người nói một câu:
- Bố ơi, nói làm gì với thằng “người rừng” này. Nó chưa thạo tiếng người đâu!
- Người ta ai cũng phải làm việc để sống, thế mà có loại chỉ chuyên lén lút, hóng chuyện người khác, về tâu hót để kiếm ăn, không biết nhục à! Đồ chó săn!
Thấy cậu Công an không còn hung hăng như trước nữa, tôi bèn nói để dàn hòa:
- Các cháu ạ, việc anh ta làm cũng là một nghề đấy. Trên giao cho anh ta việc như thế thì phải làm như thế, “ăn cơm chúa, múa tối ngày” mà, chứ biết tính sao?! Cũng là mắc bệnh nghề nghiệp thôi! Chỉ có điều anh ta “hăng hái” quá mà nhìn gà hóa cuốc. Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, cũng thấy bọn phản động. Cứ cái “kiểu cách” này thì toàn dân ta là “phản động tuốt”, chỉ có mấy thày trò anh ta mới là những nhà “yêu nước” thôi!  
Khi anh Công an nọ len lén ra khỏi quán nước, tôi thấy hai cháu học sinh đã hoàn hồn, bèn nói vui với chúng: 
- Này hai cô nàng hay nói linh tinh, lần sau ở chỗ đông người, phải giữ mồm, giữ miệng. Bác mà là phụ huynh các cháu dù không bị bắt ra đồn, thì cũng phải phạt dăm cái cốc rõ đau vào đầu hiểu chưa?  
- Chúng cháu hiểu rồi. Chúng cháu cám ơn bác ạ.  


Hà Nội, 2015.