tháng 1 25, 2018

Chim Sâu


Mèo nhà


Cấy lúa


Vợ mình tài thật!

Là thằng con trai út ra đời trong sự chờ mong của cả dòng họ nên tôi được mọi người quan tâm hơi quá đáng cũng là lẽ thường tình. Nhưng khổ một nỗi là cái lá số tử vi mà bố lấy cho lúc chào đời lại cực kỳ thảm hại. Nó đã chỉ ra cái số phận người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm của tôi. Sao chiếu mệnh thì toàn là những ngôi nhỏ li ti, mờ mịt chiu rúc dưới những đám mây đen dày đặc, chẳng mấy khi được thò cổ ra để ngó bất cứ thứ gì. Nhưng do bản tính ngang ngang từ lúc chào đời, tôi lại “đếch” quan tâm đến mấy “ông sao” chết tiệt và đen đủi ấy cho lắm.  
Tuy nhiên sau này lớn lên đến lúc đã già khú, chiêm nghiệm mãi mà vẫn chẳng hiểu ra làm sao, bởi bất kì cái gì thuộc về tôi cũng đều trục trặc và lận đận hơn hẳn ở người khác.
Hóa ra cái vận đen chết tiệt ấy là có thật, nó đã bám riết lấy tôi chẳng chịu rời cho đến tận bây giờ. Cũng bởi từ bé chẳng thằng chó nào dạy khôn và điều hành được tôi, nên nếu không “thịt” ngay được thì chúng nó cũng lăm lăm đẩy tôi vào chỗ chết! Chẳng có lần đi công tác nào mà bọn nó không “nhồi” tôi vào nơi nguy hiểm! Chẳng biết có số mệnh thật hay không, mà khi vào chốn đầy trời bom đạn, tôi đã cố tình không chui xuống hầm trú ẩn để xem nó ra thế nào?! Suốt bảy, tám năm nằm ở những vùng chiến sự ác liệt nhất, nơi máy bay Mỹ cày xới “kỹ càng” nhất tôi vẫn không “dính” vết nào. Thế có “chợn”(1) không?!  
Trong khi hai ông Kỹ sư làm cùng cơ quan tôi, mới vào tuyến lửa lần đầu đã “phăng teo”(2) ráo trọi!.
Vì thế tôi thường “coi trời bằng vung”, hay khoác lác với bạn bè:
-   Tao là thằng trời đánh không chết!
Lâu dần mọi người cũng quen với cái lối bốc phét “một tấc đến giời”, nên không ai thèm chấp. Tôi lại càng tưởng mình ghê gớm lắm, càng ngày càng nghênh nghênh.
Khi nghiêm túc suy nghĩ lại, tôi thấy mình có hàng tá tật xấu, nhưng chắc cũng phải có vài ba cái tàm tạm được nên đến giờ vợ con vẫn chưa tống khứ ra khỏi nhà!  
Lúc trẻ, còn đang đi làm, cũng đôi lần bị vợ đay nghiến:
- Chúng nó “tởm lợm” gấp mười lần ông, nhưng do khéo léo, nhẹ nhàng, nên vẫn che đậy tốt, vẫn vơ vét được nhiều lợi lộc, lại không làm cho vợ con phải khổ. Trong khi đó ông cứ bóc trần ra trước mắt thiên hạ như củ hành lột vỏ. Chưa đáng ghét, người ta đã ghét! Chưa muốn tẩy chay(3), người ta cũng phải tẩy chay!  
Ở đời, ai cũng nên thỉnh thoảng nhìn vào gương xem cái mặt mình thế nào! Đằng này lúc nào ông cũng cứ vác mặt lên như cái mặt con nghê trên nóc đình thì ai mà ưa cho được!!!
- Biết rồi! Biết rồi! Nhưng tính cách của tôi nó đã “thâm căn, cố đế”(4). Muốn thay đổi, một chốc, một nhát làm sao mà thay đổi cho được?!
- Đã biết thế thì cũng phải cố mà sửa dần đi, chứ cứ “cùn” như ông, thì có nói nữa cũng khác gì đánh bùn sang ao?
- Thôi không phải nhiều lời, ngày mai tôi mua cân hoa quả sang chơi bên thằng Bình trưởng phòng mới, ve vãn dăm câu để lấy chỗ đi lại.
- Hay dọn sang ở hẳn bên ấy, giặt quần cho vợ nó mà tiến thân!
- Xuôi không được, ngược cũng không xong! Biết thế nào để bà vừa ý bây giờ?
- Ông cứ sống đúng với thằng người thật của ông, đéo việc gì phải biến mình thành chó để mà cầu xin ân huệ!
- Khó thật, khó thật! Làm người lương thiện chẳng dễ dàng gì! Muốn làm người tử tế càng gặp nhiều trắc trở.
- Ông còn nhớ thằng Ngọc, thằng Khắc cùng làm phòng Cầu với ông, đợt vợ thằng Trọng trưởng phòng Nhân sự đẻ, đã sang nhà hầu hạ vợ chồng nó mấy tháng giời. Sau đó được thằng Trọng cho đi Đức mấy năm, về chả giàu nhất khu Tập thể Cầu Giấy là gì!
- Làm gì chả nhớ! Nhưng tôi không làm được như bọn nó! Sống như thế khổ lắm, có khác gì con chó!  
- Chó có khoác áo gấm cũng vẫn cứ là chó. Lúc ở Đức về mỗi thằng đem hơn 10 cái mô-tô Simson, mười mấy cái đầu máy khâu, xe đạp thì không kể. Nhưng chỉ ít lâu sau, chúng lại nghèo đi như cũ. Bao nhiêu của cải nhét vào mấy “cái tàu há mồm”(5) sao cho xuể được, khi cả nhà chúng chỉ toàn quân ăn tàn, phá hại! Cuối cùng chúng vẫn chỉ là mấy con chó ve vẩy đuôi trước mặt thiên hạ. Hèn hạ và đáng khinh.
- Thực ra bọn chúng cũng chỉ là những kẻ đáng thương, cũng muốn làm người đàng hoàng, tử tế đấy nhưng vì không có năng lực, đành phải bò bằng bốn chân thì mới sống được. Không mấy khi dám đứng thẳng lên.
- Lúc ở Đức mới về chúng chả đứng lên bằng hai chân sau đấy thôi, lúc ấy chúng còn cao hơn tất cả mọi người và chúng đã nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt!
- Thế nhà chúng nó chả lẽ lại không có cái gương nào để soi mặt vào à?
- Ông có thấy con chó nào soi gương không hả, đồ hấp!
***
Đến bây giờ đã già lắm rồi, quả thật tôi cũng chưa thấy con chó nào soi gương cả, thì ra vợ mình nó khôn ngoan và từng trải hơn mình nhiều lắm!
Điều quan trọng hơn cả tôi rút ra trong cả cuộc đời dài đằng đẵng của mình là không nên gọi mọi vật, mọi thứ bằng cái tên thật của nó. Đã có chuyện Tiếu lâm xưa khuyên người ta dùng những mỹ từ để gọi mọi việc, thí dụ: - “Đi ỉa thì nói là đi hái hoa đấy thôi”.
Như bọn người chó, gọi nó là lũ chó, nó chả vạc mặt ông ra! Thằng ăn cắp mà bảo nó là thằng ăn cắp là nó điên lên ngay. Những thằng tham quan, ô lại, có ai dám gọi là “đồ ăn bẩn” trước mặt chúng nó không? Nó chả cho tay chân “giã giò” bét gí ra như tờ “pơ-luya”(6) ấy chứ!
Ra bến xe thường bị “cò mồi” săn đón. Không muốn bị “chăn dắt” thì phải biết cách khước từ khéo léo nếu không cũng dễ bị bươu đầu, mẻ trán!
Có nhiều khi đang nói chuyện với ai, còn mải nghĩ, chưa chọn ra kịp những từ phù hợp, để người nghe dễ chấp nhận và nhất là để họ không tự ái sủi sùng sục lên, tôi thường ngập ngà, ngập ngọng như đang “ngậm hột thị”(7).
Thấy thế, vợ tôi thường chỉ bảo:
- Làm sao mà cứ phải “ậm à, ậm ọe” mãi thế? Chưa tìm được từ nào thích hợp thì lấy tay chỉ xuống dái sau đó chỉ vào cổ mình, rồi bảo với người ta rằng:
- “Tôi còn đang cố nuốt trôi “nó” xuống, nên chưa “ọe” được ra ngay bây giờ”!
Suy đi, nghĩ lại tôi thực lòng thán phục vợ minh.
-   “Vợ mình tài thật, tài đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo(8)”!

Hà Nội,2018.
(1)   Chợn: Có cảm giác sợ lạnh người, khi gặp nguy hiểm.
(2)   Phăng teo: Bị cắt bỏ, bị hỏng hẳn.
(3)   Tẩy chay: Cắt bỏ giao tiếp mọi mặt.
(4)   Thâm căn cố đế: Rễ sâu bám chắc, khó thay đổi.
(5)   Tàu há mồm: Tàu quân sự dùng để đổ bộ quân đội.
(6)   Giấy pơ-luya: Giấy mỏng để đánh máy (Pelure - Tiếng Pháp)
(7)   Ngậm hột thị: Ấp úng, nói không thành lời.
(8)   Tào Tháo: Danh tướng đầy mưu lược thời Tam Quốc. (mượn một câu trong truyện ngắn “Đôi Mắt” của Nam Cao).

tháng 1 08, 2018

Cổng làng Mông Phụ Đường Lâm - Sơn Tây


Giếng chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Chậu Địa Lan


Thằng em kết nghĩa

Sau khi tốt nghiệp Bách Khoa năm 1965, tôi được phân về Viện Thiết kế Giao thông, rồi về phòng Cầu - tổ Hùng Đen.
Đúng đợt này đế quốc Mỹ đánh hạn chế mà chủ yếu là đánh vào cầu đường hòng làm tắc mạch máu giao thông từ Miền Bắc chi viện vũ khí và lương thực vào Miền Nam đánh Mỹ.
Lúc ấy còn trẻ lắm, nên hầu hết bọn tôi đều mong được mang kiến thức vừa học trong trường ra áp dụng vào thực tế, ai cũng đều háo hức muốn đi hiện trường. Cuối cùng tôi cũng được đi đảm bảo giao thông trong Khu Tư, cái nút thắt cổ chai của đường giao thông Bắc Nam. Đấy là cái túi chứa bom của Mỹ ném xuống mảnh đất nhỏ bé và cằn cỗi này. Số lượng bom chỉ trong vài tháng đã bằng cả mười năm chúng ném xuống Miền Bắc. Đất bị cày xới lên bằng nhiều đợt ném đi, ném lại với đủ các loại bom, đủ các kiểu oanh kích(1) từ rải thảm đến tập trung hủy diệt. Đi bộ chân thường cũng tụt xuống hơn mười phân do đất tơi xốp hơn cả đất trồng rau Húng thơm ở Láng.
Cái sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nên gặp nhau thì chỉ cần nghe nói giọng Bắc là đã thấy thân nhau như người nhà.
Còn nhớ lần đang làm cầu tại Khe Ve ở Quảng Bình. Sáng ấy, cậu Thọ kỹ sư trẻ người Hàng Bạc, cán bộ bên Cục Quản Lý Đường Bộ, vào công tác cùng đợt với tôi bảo anh em:
-   Sáng nay tao thấy thèm thịt gà quá, thằng nào đi mua con gà về nấu cháo ăn đi.
-   Mày sắp được thay ca rồi, cố nhịn về Hà Nội hãy ăn, gà vừa rẻ, vừa ngon!
-   Cứ cố nhịn, tí nữa ra cầu, xơi bom thì sao kịp về Hà Nội ăn thịt gà nữa!
-   Mày chỉ nói gở! Thôi để tao hỏi chị hàng xóm mua một con vậy.
Nào ai ngờ sau bữa cháo gà ấy, lúc ra giám sát vị trí cầu ngoài hiện trường, Thọ đã hứng trọn một quả bom bi “cả cái”(2) đúng đầu, khi đã kịp chạy ra khỏi bãi bom tọa độ B52 và cũng đã kịp nhảy xuống một hố cá nhân đào sẵn bên đường.
Hôm vợ Thọ ẵm đứa con trai đầu lòng mới chín tháng tuổi từ Hà Nội vào an táng chồng, cảnh tượng thê thảm ấy đã làm cho tất cả anh em chúng tôi và dân địa phương, chảy nước mắt xót thương.
***
Lần này tôi cũng lại đi công tác đảm bảo giao thông trong Khu Tư. Chỉ khác là có thêm một cậu kỹ sư mới tốt nghiệp về thực tập. Đó là Nguyễn Luân, một chàng trai quê Nam Đàn, trẻ hơn tôi năm, sáu tuổi, nhanh nhẹn, tháo vát.
Hai anh em tôi làm chung một công trình, vừa tiện kèm cặp, vừa tiện giúp đỡ nhau, lại vui nữa. Tất nhiên là ăn chung nồi, ngủ chung chiếu, nên chỉ sau có ít ngày chúng tôi đã hiểu nhau và rất thân nhau.
Trưa ấy Luân suýt chết do trận bom rải thảm bất ngờ, mà bên Phòng không Không quân không kịp báo động. Chiều ấy khi đi hiện trường về, Luân vừa khóc vừa nói cho tôi biết là trước khi đi công tác cậu ta đã được Tổ chức giao nhiệm vụ theo dõi tôi. Trên cho rằng tôi là một kẻ “khó bảo” cần theo dõi từng bước đi, từng việc làm và phải báo cáo thường xuyên.   
Cậu ta còn giở cả Chứng minh thư nhân dân và cả một Chứng minh thư đỏ của Công An với chức vụ Trung úy, cho tôi xem nữa. Lương tôi bấy giờ, ra trường đã mười năm chỉ ngang với lương Thiếu úy. Tôi mới nhớ lại toàn bộ câu chuyện cũ, lúc tôi mới ra trường cũng đã được bên An Ninh có ý định đào tạo thành một người như cậu Luân.
Tôi hỏi cậu ta là lần này về sẽ báo cáo với Tổ chức thế nào?
Cậu ta chùi nước mắt nói:
-   Trưa qua không có anh kịp lật vội em từ trên võng xuống hầm thì chỉ tích tắc thôi em đã chết rồi. Đây này, cái võng em nằm lúc ấy đã bị năm, sáu viên bi xuyên thủng.  
Trong tuyến lửa, dưới gầm giường, gầm ghế ngồi hay dưới võng đều đào hầm sẵn, đề phòng trường hợp bị ném bom bất ngờ. Không gian đang yên lặng mà nghe thấy xòe xòe, là bom đang rơi rất gần chỗ ta. Tiếp sau đó nghe thấy tiếng bục rõ to là bom bi(3) mẹ đã nổ văng ra một lúc hơn 300 quả bom bi con, mỗi quả bom bi con chỉ bằng quả dứa thau tháu, đường kính từ 50-75mm chứa 350 viên bi nhỏ như bi moay-ơ(4) trước xe đạp. Bom bi con nổ, bi sẽ văng rào rào ra như vòi sen tưới cây khắp mọi nơi, tầm sát thương tới 15 mét.
Tôi biết có một anh chỉ bị một viên bi nhỏ vào bụng mà khiêng vào trạm xá đã tử vong vì chảy máu trong không cầm được.
Tôi cười bảo Luân:
-   Không may nếu cậu chết thật, lúc đó chắc chắn Tổ chức sẽ nghi là tớ đã để cho Đế quốc Mỹ sát hại cậu rồi!?  
Luân nói như khẳng định:
-   Từ giờ thằng nào nói xấu anh trước mặt em, em sẽ tọng cho vỡ mõm!
***
Thời gian sau đó, xong cầu, hai anh em trở lại cơ quan làm việc. Chả biết việc báo cáo, báo cầy của Luân với Tổ chức như thế nào mà sau đó vài tháng cậu ta bị chuyển hẳn công tác vào Ty Giao thông Hà Tĩnh.
Hôm chia tay cậu ta cứ bịn rịn mãi. Nắm chặt tay tôi, Luân ngập ngừng mãi mới nói với tôi một câu:
-   Anh ở lại hãy cẩn thận!
-   Cậu đi nhận công tác mới may mắn! Tôi cười nói để lấp liếm sự bịn rịn.
-   Em có một nguyện vọng muốn nói với anh trước lúc lên đường!
-   Nói đi! Có gì mà cứ ngập ngừng mãi thế!
-   Anh, anh à em muốn nhận anh làm anh kết nghĩa!?
-   Hả! Hả, sao cậu lại có ý nghĩ lẩn thẩn thế?
-   Anh! Anh nghĩ em là một kẻ đáng khinh lắm sao?
-   Không phải thế! Mà là tớ thấy làm như vậy rất bất lợi cho cậu!
-   Lợi, hại cái gì, em chưa hiểu?! 
-   Tớ chả phải là một kẻ cấp trên không ưa, luôn nghi ngờ, phải cử người để mắt đề phòng thường xuyên là gì?!
-   Ở với nhau sáu, bảy tháng, làm gì em chẳng rõ về anh. Anh quên là em đã được huấn luyện đủ tiêu chuẩn đứng trong hàng ngũ Béc-giê(5) à? Đối với em, anh là một người đáng nể trọng!
-   Thế à? Lại còn đáng được nể trọng nữa?
-   Anh là một kỹ sư giỏi và có trách nhiệm. Thật sự anh đáng để cho bọn chúng em gọi bằng thày. Trong cuộc sống anh giản dị, thẳng thắn, lại gần gũi với mọi người. Luôn đặt công việc lên trên hết.
-   Sao lắm ưu điểm thế! Không có khuyết điểm gì sao?
-   Anh có một nhược điểm rất không hay là nóng tính! Mà khi nóng lên thì nói năng bạt mạng không tính thiệt hơn. Như vậy chỉ tổ mang lại thiệt thòi cho mình.
-   Thôi được rồi, khen vừa vừa thôi, không mũi tớ lại nổ tung ra mất!
***
Đến lúc phải chia tay mỗi người, mỗi ngả, mà câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Năm, sáu tháng sau tôi được tin Luân đã được đề bạt làm Trưởng phòng Kỹ thuật ty Giao thông Hà Tĩnh. Cậu ấy viết cho tôi một lá thư dài nói về tình hình công tác, mức độ bắn phá ngày càng ác liệt của Mỹ, mấy lần bị thương, mấy lần suýt chết
Cuối thư cậu ta vẫn nhắc đi, nhắc lại nguyện vọng muốn nhận tôi làm anh kết nghĩa.
Nhưng điều làm tôi cứ trăn trở lớn nhất là khi biết quyết định của Luân xin thôi không làm nhiệm vụ Đặc tình Kỹ thuật đầy ưu ái mà Tổ chức đã giao cho.
Cậu ta còn khoe với tôi một tin vui nữa là mới có bạn gái. Cô ấy là Thanh niên Xung phong mới mười bảy tuổi, xinh đẹp, tóc rất dài, lại cùng quê Hà Nam với tôi.
Tôi suy nghĩ thật lâu cuối cùng quyết định viết thư cho Luân, đồng ý với yêu cầu nhận anh em kết nghĩa của cậu ta, chắc rằng khi đọc thư cậu ta sẽ vui lắm.
Thư gửi đi hơn mười hôm thì tôi nhận được tin Luân hy sinh trong một trận bom hủy diệt cực kỳ ác liệt tại Khe Núng.
Tôi xin Cơ quan cho được đi Đảm bào Giao thông lần nữa vào Quảng Bình.
Tôi được cô bạn gái xinh xắn của Luân, dẫn đến nơi hy sinh cùa thằng em kết nghĩa. Vừa khóc ngặt nghẽo Xuân vừa kể:
- Anh ấy bị một quả MK81(6) nổ ngay cạnh. Bọn em nhặt nhạnh thu gom mãi cũng chỉ được khoảng hai, ba cân thịt văng tứ tung, đem xuống suối rửa sạch sẽ, cho vào một cái chóe sành chôn ở ven đồi cây cạnh suối, nơi chiều chiều anh hay ra tắm.
Đứng cạnh mộ Luân, tôi thắp hương khấn thầm với em:
-   Anh sẽ cố sống sao cho xứng đáng với em. Một tâm hồn trong sáng.


Hà Nội, 2018.
(1)   Oanh kích: Đánh phá bằng bom hoặc pháo lớn.
(2)   Cả cái: thảy đồng xu cái trúng vào lỗ trong trò chơi đánh đáo.
(3)   Bom bi: xem ghi chú phía dưới
(4)   Moay-ơ: moyeu (tiếng Pháp): Ổ trục quay – Cơ khi
(5)   Béc-giê: Giống chó Đức to lớn, rất tinh khôn, thường được sử dụng làm trinh sát trong quân sự.
(6)   MK81: bom từ trường có trọng lượng: 113 Kg do Hải quân Mỹ sử dụng. 

Đào gày


Hoa Địa Lan


Cổng làng Mông Phụ Đường Lâm - Sơn Tây


Thiếu và thừa

Hôm nay (ngày 07/03/2013) tôi và ông bạn ngồi xem TV kênh VTV1 lúc 5h sáng (vì tuổi cao nên lúc đã dậy thì không ngủ lại được nữa). Cô BTV Việt Hà có phỏng vấn ông Trần Đình Cừ nguyên Giám đốc Viện Chiến lược Dân số của chính phủ. Ông giáo sư, tiến sĩ này cho biết đến giờ phút này Châu Á số con trai đã hơn số con gái là 117 triệu cháu. Có nguy cơ là 117 triệu cháu trai này lớn lên sẽ không lấy được vợ! 
Sau khi nghe xong, hai anh em tôi đều ngã ngửa người ra, nghĩ rằng thế là mấy thằng cháu nội mình ế đứt đuôi rồi.
Bàng hoàng một lúc lâu, tôi mới hồi lại được và hỏi nhỏ ông bạn:
- Này bác, thế ông giáo sư, tiến sĩ ấy chỉ nói đến Châu Á của ta thôi à?
- Ừ, tôi nghe loáng thoáng hình như thế.
- Nếu đúng là thế thì chắc là các nơi khác như Châu Đại dương, Châu Bắc cực, Châu Phi, … không bị tình trạng thừa trai, thiếu gái như vậy đâu nhỉ! Tôi hồ hởi nói.
Uống gần tàn tuần nước, sau một hồi suy nghĩ, cân nhắc trước sau rất kỹ, tôi bàn với ông bạn:
- Này ông ạ, thế thì tốt rồi! Ta sẽ cho mấy thằng cháu sang các nơi ấy để lấy vợ! Như thế thì lo gì không có chắt nội nối dõi tông đường!
- Thế tôi hỏi ông - Ông bạn tôi vẫn chưa thật yên tâm lắm - Nếu thằng cháu nội ông lấy một cô gái người Ca-mơ-run(1) thì thằng chắt nội ông sẽ có da màu Súc-cù-là(2), ông có “OK” không?
- Sao không OK?! Thế càng “chắc chắn”, càng “không sợ bị mối mọt”!
- Thế ra “da màu Súc-cù-là” lại chống được mối mọt à?
- Ông có thấy cái rổ, cái rá được gác gác bếp có màu Súc-cù-là đều rất bền và không bị mối mọt đó sao? 

                                                     Hà Nội, 2013.

(1)   Ca-mơ-run: Cameroon (tiếng Anh): một đất nước phía Tây vùng Trung Phi.
(2)   Súc-cù-là: Chocola (tiếng Pháp): Sôcôla