tháng 6 29, 2015

Hồ Đền Lừ Hoàng Mai - Hà Nội


Cầu Long Biên - Hà Nội


Nhà sàn trong Ecopark Văn Giang - Hưng Yên


Khám bệnh


Những mẩu trao đổi trên Email (1)

Sau khi đọc truyện ngắn “Từ với chả ngữ” tôi viết thì mấy ông bạn học đã lâu năm nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Đại học. Có ông còn “nói quá lên” là đã có cuộc sống vì nghiên cứu tiếng Pháp, trao đổi:

06:29 ngày 23/06/2015 Quang Vinh quangvinh1940@gmail.com
Khánh thân-mến,
Cho mình góp ý thêm sau khi đọc truyện của Bạn:
 - Chữ annamite là từ phát-sinh của Annam (tên nước ta khi Pháp tới);
 - Nhà thơ XD có lần nói chuyện trước Sinh Viên & Giảng Viên trường mình về từ & ngữ tiếng Việt, ông bảo:  
  - “Phàm thứ gì không chuyển động thì gọi là cái, còn thứ gì chuyển động (move, run) thì gọi là con. Bạn nghiệm xem có đúng vậy chăng?”
HP. 22.6.15.                
NQV.

7:35 ngày 23/06/2015  , Khanh Tran Quoc  tqkhanh1940@gmail.com
Cám ơn bạn đã xem truyện và góp ý. 
Chắc là ông nhà thơ XD nào đó đã “nghẻo” rồi, chứ không mình sẽ tìm kì được đến để hỏi ổng rằng nếu như ông nói:
 - “Phàm thứ gì không chuyển động thì gọi là cái, còn thứ gì chuyển động (move, runthì gọi là con.
Thế thì tại sao ông bà mình lại gọi là con dao, cái kéo? Giải thích như ông thế thì cái kéo không chuyển động à??? 
Mình nghĩ gọi là con hay cái không phải như ông nhà thơ kia nói đâu! Mà con hay cái là từ dùng phụ vào danh từ ở một số ngôn ngữ, người ta gọi đó là mạo từ. Cũng như la, le trong tiếng Pháp.
Có ai giải thích được rằng tại sao người ta lại dùng: 
* à la française: theo kiểu Pháp
hoặc 
* parler le français: nói tiếng Pháp. 
Theo như ngu ý thì đấy là thói quen và đấy chính là ngôn ngữ! 
Chào và chúc bạn khỏe.
TQK

08:42 ngày 23/06/2015 Quang Vinh quangvinh1940@gmail.com
Bạn Khánh,
Đúng như bạn nói, theo thói quen hoặc tập-tục (comme d'habitude hoặc par coutume). Ttiếng nói là sinh-ngữ (langue vivante) mà, nó gắn với cuộc sống & cả ngữ-cảnh nữa!
Chẳng hạn: nói tiếng Pháp = parler le français; kiểu Pháp = à la (mode) française; lối Victor Hugo = à la Victor Hugo,...
Đúng là thiên hình vạn trạng. Chả thế, ngày xưa, chúng ta học tiếng Anh theo quyển  L'Anglais vivant đấy thôi! 
Hẹn gặp lại nhé!
NQV.



17:15 ngày 25 tháng 06 năm 2015 ngdlan.ln@gmail.com
Tin báo Tuổi Trẻ
Ngày 25-6, ông Nguyễn Quang Minh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) cho biết tập đoàn này vừa gửi công văn đến Công an tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan đề nghị làm rõ việc mặt đường quốc lộ 1 do tập đoàn vừa thi công xong đã bị phá hoại. 
Theo ông Minh, trong ngày 23 và 24-6, tại các vị trí từ km649+600 đến km651+200, km651+887 và km 652+840 trên quốc lộ 1, đã xuất hiện hiện tượng mặt đường bêtông nhựa bị rã nhũn ra khi có xe ôtô tải trọng lớn chạy qua, do có một loại hóa chất gây ra.  
Ông Minh cho biết khi ngửi thì hoá chất này có mùi của xăng dầu, cùng một số hoạt chất khác nữa nhưng không thể xác định loại gì.
“Theo quan sát của chúng tôi, khi tiếp xúc với bêtông nhựa đường thì hoá chất này làm chảy nhựa và gây ra sự phân rã giữa nhựa và các vật liệu cấu thành bêtông nhựa khác rất nhanh chóng. Chúng tôi nghi ngờ ở đây có sự phá hoại” - ông Minh nói.
Sở GTVT Quảng Bình đã lấy mẫu hoá chất nơi mặt đường bị phá hoại để phân tích làm rõ, đồng thời cảnh báo đến các nhà thầu khác.
Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu thi công dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 đầu tiên cam kết bảo hành mặt đường với thời gian kéo dài đến 5 năm, thay vì chỉ một năm như trước đây.

18:48 ngày 25/06/2015 tqkhanh1940@gmail.com
Không biết nhựa đường nguồn gốc từ đâu mà có?
Mà ối giời đất ơi, chả nhẽ nhựa đường lai có mùi chuối kho hay mùi nhút của nhà ông Phó tổng Giám đốc ư? Chứ nhựa đường mà có mùi xăng dầu thì đúng là "đị…ch" nó phá hoại thật rồi!
TQK



Hà Nội, 2015.

tháng 6 22, 2015

Tình yêu cuộc sống

Đây không biết đã là khu Tập thể thứ chín hay thứ mười có Cán bộ Công nhân viên làm nghề Giao thông ở.
Chị Châu ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay bóp bóp đôi bàn chân đã tê cứng qua bao ngày đi bộ không ngừng nghỉ. Cứ nhìn mấy đứa con nhỏ, rách rưới, mệt mỏi, dựa quanh mẹ thì bất kỳ ai cũng thấy lòng trào lên một sự cảm thông vô hạn. Chị không khóc, vì nếu bây giờ cái “cột chống trời” duy nhất sụp xuống thì đàn con, những bốn đứa lớn nhỏ, đứa lớn nhất mới mười hai, đứa nhỏ chỉ mới ba tuổi sẽ đổ sập xuống ngay, mà rồi làm sao để vực chúng lên được nữa.
Đã gần tháng nay chị bồng bế các con lên Hà Nội để tìm chồng. Trong lưng chỉ còn tiền mua được dăm bơ gạo. Quê miền Trung năm nay hạn hán mất mùa. Thiếu đói là cái tất nhiên. Nhưng nhà người ta toàn người lớn mà đã có nhà phải mò lên rừng để đào củ mài kiếm sống. Chị cũng đã thử nhưng vì còn một đàn con nhỏ, thì làm thế nào mà vượt qua được nạn đói này được. Từ mấy tháng nay lại có chiến sự, nên thư từ không trao đổi được. Chồng không về đã đành, tiền cũng không thấy gửi về thì lấy gì mà sống, mà nuôi con, làm thế nào để vượt qua cơn “bĩ cực”(1) bây giờ?
Chị chỉ nhớ và nhớ rất rõ là chồng chị làm ở ngành Giao thông. Cơ quan đóng tại Hà Nội. Mỗi lần về quê mãi Hà Tĩnh, anh đều đi tàu hỏa. Lần nào anh về mà lũ con cái và chị chẳng ra ga đón bố, đón chồng trong niềm hân hoan bất tận.
Anh vừa là chồng, là cha, nhưng cái quan trọng hơn cả anh là nguồn sống chính duy nhất của cả gia đình này. Ở quê năm mẹ con chị chỉ quanh quẩn trông nom nhau và xới xáo mảnh vườn nhỏ để có thêm một ít rau quả cải thiện chút ít vào những khoản tiêu pha chính như gạo muối.
Đất ở đây cằn cỗi, bắt người phài chăm chút và “chiều như chiều vong” mới đền lại được chút lộc trời. Còn dăm sào ruộng có làm quần quật cũng chẳng ra được mấy ngô khoai.
Thế là để tìm cha, tìm chồng mong vượt được cơn đói khát dữ dội mà ông trời đang muốn thử thách mấy mẹ con. Chị quyết tâm ra Hà Nội để tìm đường cứu mình trước lúc mong được trời cứu.
Cứ suy ra thì biết từ Hà Nội về nhà đi tàu hỏa thì để đến được Hà Nội cứ theo đường tàu mà đi thì sẽ tới. Nghĩ thế, chị bèn gói ghém ít quần áo mang theo và bồng bế các con lên đường. Và đoàn người ấy cứ theo đường tàu mà đi ra phía chân trời hy vọng.
***
Những người chứng kiến gom góp nhau vào mỗi người một ít để qua bữa tối nay.
Họ nhường giường cho mấy đứa trẻ và cùng chị giải chiếu ra sàn nằm ngủ qua đêm. Thế này cũng còn sướng hơn bao nhiêu lần ở quê rồi. Nhưng sáng mai, khi mọi người cũng phải đi làm, thì mẹ con chị chỉ còn cách chấp nhận bồng bế nhau đến một địa chỉ mới để mà tìm hú họa. Chị cứ suy nghĩ miên man và luôn dằn vặt bản thân mình là làm sao lại đánh mất cái thư cuối cùng của chồng gửi về cách đây mới hai tháng. Trên phong bì thư có ghi địa chỉ rõ ràng của cả người gửi và người nhận. Mà tại sao cũng vô tâm không đọc đi, đọc lại để nhớ lấy địa chỉ của chồng như vậy? Ai có ngờ đâu sự thể lại diễn ra như bây giờ? Ai nghĩ là sẽ đói kém đến như bây giờ?
Cứ nghĩ đến cơ sự mấy đứa bé phải chết vì đói, hay ngược lại chị chết trước chúng, rồi con chị dắt con em nhếch nhác trên đường đời vô định. Chị lại lén lau nước mắt và dấu các con sự yếu mềm này.
***
Chị cảm ơn những người tốt bụng không quen biết đã cưu mang mẹ con chị những ngày qua và vẫn đinh ninh lời dặn dò của họ là nếu không tìm thấy chồng thì hãy quay về đây. Khi dắt con ra khỏi nơi tạm trú cuối cùng này, có một bác già đã lớn tuổi dặn thêm:
- Hay cháu hãy để các con ở đây bác trông cho, đi một mình tìm sẽ dễ dàng hơn là đìu ríu mấy mẹ con thế này.
Nhưng mấy đứa trẻ không chịu, khóc lóc, nằng nặc đòi theo mẹ bằng được.
Không thể dỗ dành được, mà làm sao chúng yên tâm ở lại đây, một nơi không quen biết để mẹ chúng đi tìm cha một mình. Nhỡ như mẹ làm sao, không về với chúng nữa, thì chúng biết làm thế nào? Thế là mẹ con lại tay xách, nách mang, bồng bế nhau lên đường.
Đời là bể khổ mênh mông, nhưng ông trời cũng không nỡ đùa cợt chúng sinh mãi.
Đến cuối ngày, khi đã mệt và đói lắm rồi, mẹ con đành ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường, cạnh cổng một Cơ quan thì một người đàn ông đi qua chợt dừng lại rồi hốt hoảng kêu lên:
- Mẹ con con Tép đấy à? Làm sao lại ra mãi đây tìm tôi?
Người đàn bà khốn khổ và kiệt sức ấy nhìn lên. Một tia sáng chói lòa vụt hiện đến trong mắt chị, khi chi nhận ra đó là chồng mình. Chị nấc lên một cái rõ mạnh rồi rũ xuống ngất xỉu đi, không nói thêm được câu gì nữa.
Bốn đứa trẻ ôm lấy mẹ kêu ré lên như xé ruột.
Người ta đã đưa người đàn bà dũng cảm ấy vào bệnh viện cấp cứu. Và cũng thật may mắn, chỉ chậm chút nữa thì không cứu được.
Chị bị suy dinh dưỡng nặng do quá cơ cực và do thường phải nhịn đói để nhường miếng ăn ít ỏi cho các con.
Anh chồng chị ấy là anh Trần Vị làm cùng phòng Cầu Bộ với tôi ở Viện Thiết kế Giao thông, từ những năm 1966.
Hôm nọ nhân ngày nghỉ, lại chưa có gia đinh, anh Vị rủ tôi lên Bắc Giang thăm vợ con anh. Đến cơ ngơi khá khang trang của gia đình anh chị, tôi càng nể phục vợ chồng anh về tình yêu cuộc sống, sự vượt khó để tồn tại và vươn lên thật mạnh mẽ.   
Tôi có kể chuyện này cho một ông bạn già nghe, ông ta bảo:
- Chúng ta yêu cuộc sống một, thì những người khốn khó yêu cuộc sống hai, ba!
- Thế chả nhẽ những kẻ ăn trên ngồi trốc, sống phè phỡn, chúng không yêu cuốc sống sao?
- Chúng không biết yêu cuộc sống, mà chúng chỉ muốn “ăn tươi nuốt sống” cuộc sống. Chúng là những kẻ đáng thương. Chúng ăn nhiều, uống lắm, nhưng vẫn luôn đói khát. Chỉ những người biết yêu cuộc sống mới biết cuộc sống thi vị và đáng sống như thế nào!

Hà Nội, 2015.

(1) Bĩ cực: sự rủi ro, long đong đến cùng cực

tháng 6 16, 2015

Trong Thành cổ Sơn Tây


Thành Cổ Sơn Tây


Cô bé phục vụ

Thời kỳ tôi đi làm Tư vấn Giám sát mười cầu Phía Bắc trên tuyến Quốc lộ 1A từ Mẹt đến Đồng Đăng khoảng năm 1999-2000. Trụ sở cơ quan đóng ở Cao Lộc, cách cầu Mai Pha khoảng bảy ki-lô-mét. Trong cái nghề làm Tư vấn Giám sát có cái hay và cũng có nhiều cái không hay cho lắm.
Thứ nhất là tôi được làm đúng cái nghề mà mình yêu thích. Tôi được đào tạo về cầu lại được làm những việc về cầu.
Thứ hai là tính tình ưa lang bạt kỳ hồ, lại có tý chập cheng, không thích bị ràng buộc, không thích bị giam lâu một nơi nào, nên quả thực tôi cũng được thỏa mãn cái thú lăng nhăng, nay đây mai đó.
Còn cái dở thì có kể cả ngày cũng không hết được.
Thứ nhất là bị nhiều người ghét bỏ, thậm chí còn căm tức. Cái lỗi là tại ông trời, chứ có khi chẳng phải do mình tạo ra. Ở chưa bén chỗ đã rục rịch ba-lô khăn gói lên đường.
Còn trẻ, chưa vợ con thì lúc đi khỏi rồi mới biết ở nơi ấy cũng có người thương, người nhớ, mà cái thói đời, không dưng ai bận tâm nghĩ ngợi làm gì. Có thương thì mới ghét, có nhớ mới giận. Có những lần cũng bị giận khá lâu, kéo dài tới vài ba năm chứ không ít.
Lúc đã đứng tuổi mới có gia đình mà cũng vẫn bị oán là lấy vợ sớm! Âu lỗi cũng tại ông trời.
Trong công việc làm ăn thì lắm lúc quả thực cũng phiền hà, phức tạp.
Khi còn trẻ, làm ở văn phòng thiết kế. Ít sai sót thì bị liệt vào loại mọt sách, suốt ngày chỉ biết “cắm mặt” vào bản vẽ. Ngoài ra chẳng biết cái “cóc khô” gì.
Còn nếu phạm phải sai sót gì thì bị coi là loại ẩu. Nếu đồ án phải sửa đi sửa lại vài lần thì lập tức nổi tiếng ngay!
Sau này đi hiện trường. Lơ là, bỏ sót vài thứ thì bị coi là đồ vô dụng. Trên không tin, dưới không nể. Chuẩn quá, “ke” quá thì coi chừng, bị bỏ đói là chuyện nhỏ, đôi khi còn bị ăn đòn hoặc “bị trả thù” “một cách rất trẻ con”, mà không biết phải tìm ai để mà “bày tỏ” nữa.
Lúc đã già thì như có trời sắp xếp, đi làm Tư vấn Giám sát các công trình Giao thông! Những công trình này đa phần do Ngân hàng nước ngoài cho vay vốn.
Nói như mấy “xừ” ở Ban Quản lý Dự án là làm Tư vấn, Giám sát chỉ việc “ngồi nhà mát, uống nước lạnh”, “nói càng ít càng tốt”. Nhưng thực tế lại không như thế.
Một lần ở cầu Mai Pha nhà thầu làm ẩu, bị bắt quả tang. Cái lỗi thì chẳng có gì đáng nói. Đổ bê-tông trụ khi rỡ côp-pha bị rỗ bóng nước. Như quy định thì “sản phẩm” làm ra thế nào, phải để Giám sát kiểm tra rồi sửa hay không sửa, sửa cách gì, phải có biên bản nghiệm thu thống nhất rồi mới được làm.
Đằng này mấy cậu kỹ sư trẻ của nhà thầu không có kinh nghiệm, cho công nhân lấy nước xi-măng quét chỗ rỗ trên thân trụ.
Thế là như miếng vá khác màu đã tố cáo sự “gian dối”. Kết quả là biên bản được lập ra không phải để bắt lỗi mấy cái bóng nước trên thân trụ, mà là sự vi phạm qui định của quy trình thi công!
Cãi nhau “đỏ mày, quay tai” cậu bạn trẻ này nhất định không chịu ký vào biên bản vi phạm. Thế là lệnh đình chỉ thi công được phát ra từ mấy ông già Giám sát!
Sự việc đột nhiên trở nên căng thẳng, nhưng cuối cùng rồi đâu cũng vào đó. Sau khi nhận thiếu sót và đã ký vào biên bản vi phạm. Đơn vị lại được thi công bình thường.
Để xoa dịu không khí căng thẳng ấy, tay đội trưởng đội cầu khôn khéo kéo bằng được mấy ông giám sát đi ăn trưa và sau đó là đi hát Ka-ra-ô-kê có tay vịn.
Quán Ka-ra-ô-kê này là một quán nhỏ, nằm mãi trong một khúc quanh, nên cũng có vẻ vắng khách. Một lúc sau mới thu xếp xong để hát và tìm được mấy cô tiếp viên.
Cô bé ngồi với tôi còn trẻ lắm, không xinh và có vẻ hơi ngây ngô. Khi bài hát đã được khởi động trên màn hình rồi mà thấy tôi không hát, cô ta cứ dục và nèo kéo mãi.
Tôi đành thú thật là không thích hát. Cô ta đành hát một mình, giọng lơ lớ như giọng một người nước ngoài nói tiếng Việt.
Tôi hỏi thì cô bé thành thật trả lời:
- Em là người Nùng ở tận Sài Hồ mới theo chị Tình lên đây được một tháng.
- Em bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười bảy.
- Sao không ở nhà với bố mế làm nương?
- Chị Tình bảo lên đây, không phải làm gì, lại được sung sướng.
- Có sung sướng hơn ở nhà không?
- Sung sướng hơn ở nhà nhiều chứ! Được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn này, lại không phải đi làm nương, làm rẫy!
- Thế không thấy nhớ nhà sao?
- Nhớ nhất là mế và thằng Lủi, mới bảy tuổi.
Một lúc sau thấy tôi không có động tác gì khác là hỏi han, trò chuyện. Cô gái chủ động cầm tay tôi đặt lên bộ ngực mới nhú của mình, rồi cười ngượng ngập nói:
- Anh không thích à?
Tôi nắm lấy tay cô bé, hỏi qua chuyện khác:
- Em tên gì?
- Ở nhà mế gọi là Len. Nhưng lên đây họ bảo đổi là Liên cho nó hay.
- Liên này, em nên về quê với mế, với em. Chịu khó làm lụng, rồi lấy chồng sinh con như bao dân bản mình ấy. Có vất vả đấy, nhưng người ta sống được, thì mình cũng sống được, có sao đâu!
- Không về được nữa đâu anh à!
- Sao thế?
- Bỏ nhà đi làm nghề này thì không quay về được nữa rồi! Bố mế giết chết!
- Thế nếu em bỏ nhà hàng này rồi ra làm một nghề nào đó để sống thì có bằng lòng không?
- Bỏ nhà hàng thì chết ngay.
- Sao thế?
- Lấy đâu ra tiền chuộc? Các anh “bảo kê” sẽ đập chết rồi lôi vào rừng vứt xác xuống khe.
- Tiền chuộc gì?
- Tiền bà chủ bỏ ra mua quần áo, mua son phấn, tiền ăn, tiền nhà, nhiều lắm.
- Thế đã ai bị đập chết chưa?
- Em chưa biết nhưng mới nghe đã sợ lắm rồi. Bọn em không dám làm thế đâu!
- Bây giờ nếu có người chuộc em ra rồi cho em đi học một nghề nào đó, em có bằng lòng không?
- Tiền chuộc nhiều lắm, chẳng ai có đủ đâu. Mà em biết học nghề gì?
***
Gần cuối dự án có chút tiền, tôi tìm gặp lại Len ở quán cũ. Cô bé thực sự ngỡ ngàng về ý đồ tôi sẽ chuộc cô ra khỏi quán Ka-ra-ô-kê. Cũng may việc thương lượng với bà chủ quán cũng khá trôi chảy, vì tôi có rủ đi cùng một ông bạn mới quen là người có chút vai vế ở địa phương.  
Sau khi ra khỏi nhà hàng, tôi cho Len lên thị trấn học nghề may, rồi mua cho cô một cái máy khâu Trung Quốc trên chợ Đồng Đăng giá chỉ dăm trăm nghìn.
Sau đó tôi đã theo dõi và động viên Len một thời gian dài.
Cô bé cũng đã cố gắng vươn lên để học nghề mới và để sống. Một cuộc sống không hề nhàn hạ như cô mơ ước khi bỏ nhà ra đi, nhưng là một nghề lương thiện.
Mấy năm sau tôi được tin Len lấy chồng. Tôi rủ vợ cùng lên Lạng để mừng cho cô bé.
Len đã khóc nức lên khi gặp lại tôi và cô đã gọi tôi là bố từ đấy.


Hà Nội, 2015.

Sân chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Nhà thờ Đá - Ninh Bình


Cầu mái - Ninh Bình


Bản Lác Mai Châu - Hòa Bình


tháng 6 15, 2015

Đứa trẻ chết đuối

- “Sáng qua em cháu đã nhịn ăn, nhường cho cháu bát cơm nguội cuối cùng, nên mới đuối sức…”
Con bé con mới mười hai tuổi nghèo đói, rách rưới, mặt mũi nhem nhuốc vừa khóc sướt mướt, vừa kể lể trước cái xác thằng em trai mới mười tuổi vừa được vớt lên từ sông lên, chỉ mặc có cái quần đùi cộc, vá chằng vá đụp, mặt mũi xám ngoét vì ngâm dưới sông đã hơn mười tiếng đồng hồ. Con bé lem luốc nắm chặt lấy tay em như không muốn rời ra nữa.
Chị em con bé này thì ở xóm ven sông ai còn lạ gì. Mẹ bị liệt, bố bỏ mẹ con nó đi từ đó. Thế là chị em nó trở thành nguồn sống chính của gia đình.
Chúng nó tuy gày bé nhưng là dân bơi lặn chuyên nghiệp. Không thế thì làm sao mà sống được, làm sao mà tồn tại được với cái nghề mò bắt cua cá ven sông này? Cứ sáng sớm chị em rủ nhau ra bãi sông lặn ngụp, mò vớt những con vật nhỏ bé gần bờ. Trưa mang ra chợ đổi lấy mấy lẻ gạo, củ khoai, củ sắn về nấu nướng cho mẹ và chị em sống qua ngày.
Mấy hôm nay có đội cầu về thi công một cái cầu dài, cầu Đọ Xá qua sông Đáy. Họ mang về một cái phao vuông rất to, mỗi chiều phải hơn chục mét, để các bác thợ cầu đưa vật liệu ra giữa sông làm việc, chiều tối lại kéo vào bờ để neo lại. Các bác thợ gọi đó là cái pông-tông(1).
Có lẽ vì thế những con vật nhỏ bé như tôm, cua cũng dùng gầm pông-tông làm nơi trú ngụ, ở đấy mát hơn, nước tĩnh hơn. Cũng từ hôm đó cứ sáng sớm hai chị em lặn mò quanh mép phao thì bắt được nhiều tôm, cá hơn nơi khác.
Thằng cu con nghĩ là nếu lặn hẳn vào sâu dưới gầm phao thì sẽ còn kiếm được nhiều cua, cá hơn. Quả nhiên đúng là như thế.
Nhưng có lẽ hơi lặn cuối cùng cậu ta đã đuối sức vì mệt, vì phải nhịn bữa sáng cho chị, nên nó đã mất phương hướng. Đến khi đuối sức phải tìm lên để lấy hơi thì lại mò vào giữa lòng phao, chứ không ra được mép phao như dự định. Lại bởi vì cái đáy pông-tông quá rộng, nên thằng bé mới hết hơi đành chìm xuống đáy nước. 
Tất cả những người chứng kiến không ai cầm được nước mắt. Nhiều người đã tự nguyện bỏ ra ít tiền để quyên góp giúp cho cháu nhỏ. Có người còn đề nghị đội cầu phải lo tang ma cho thằng bé và một khoản trợ cấp cho gia đình nó nữa.
Ông Đội trưởng đội thi công cầu đầu tiên không chịu, nói là chẳng có trách nhiệm gì mà phải làm thế! Ông có làm gì để cháu bé chết đuối đâu?
Nhưng khi có một bác già trong đội cầu nói là nếu như không có đội cầu đến thi công tại khúc sông này, không neo cái pông-tông đáy rộng trên một trăm mét vuông cạnh bờ này, thì làm sao lại xảy ra cái chết thương tâm cho cháu bé? 
Nếu như có một người hiểu biết, làm đơn khiếu nại lên các cấp, thì lúc bấy giờ có muốn trợ cấp làm phúc cũng không kịp nữa rồi!
Ông đội trưởng hỏi lại với giọng gay gắt:
- Tôi neo pông-tông để thi công cầu chứ có neo để chơi ở đây đâu mà bắt bẻ tôi?
- Tất cả các đơn vị thi công đều phải thông báo cho địa phương sở tại về cách đặt thiết bị của mình và phải có các hàng rào bảo hộ ngăn để mọi người không bị tai nạn do cách thi công và những thiết bị của mình gây ra.
Thí dụ đào một hố thi công giữa đường đang có xe lưu thông thì ngoài thông báo, phải thắp đèn báo hiệu, phải có hàng rào để ngăn người và xe cộ lưu thông qua đó không sa xuống hố. Nếu vì cái hố đào lên để thi công đó gây ra tai nạn cho người và xe cộ, thì đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm. Cũng xin nói với ông là không ai đào hố giữa đường để chơi cả.
- Ở cả vùng này làm gì có ai biết để khiếu nại như ông nói?
- Nếu địa phương không có ai biết để khiếu nại, thì tôi sẽ là người làm đơn đó!
- Ông dám à? Ông không sợ tôi đuổi việc sao? Ông đội trưởng nổi nóng nói to.
- Tôi sợ mất việc, nhưng tôi vẫn phải làm!
- Ông có bị chập cheng không thế?
- Tôi mong tất cả những con người còn chút lương tri đều chập cheng như thế! Tôi xin hỏi ông một câu.
- Ông hỏi đi.
- Chắc ông cũng có con. Nếu ai đó gây ra tai nạn làm con ông chết, ông sẽ bỏ qua chứ?
- Tôi sẽ móc mắt nó ra!
- Thế thì ở đây đã có ai nói là sẽ móc mắt ông chưa?
- Tôi thách cụ đứa nào dám dọa dẫm tôi!
- Ông suy nghĩ và ăn ở như thế thì nó không chỉ dọa đâu, mà nó sẽ móc thật đấy!


Hà Nội, 2015.

(1)   Pông-tông: ponton: từ Mỹ: phao, cầu phao – từ Pháp: ụ nổi, bến nổi 

Cầu Long Biên - Hà Nội


Cầu Long Biên - Hà Nội


Khách sạn Hilton - Hà Nội


Ban nhạc đường phố - Hà Nội


Gốm quý


tháng 6 14, 2015

Ô hay, thế là thế nào

Nhân vật chính trong “màn” này là môt ông lão đã tám mươi tuổi. Lưng đã còng, sức đã kiệt. Nhưng như một cái cây khô, héo kiệt, nhưng chưa chịu gục hẳn xuống đất đen bẩn thỉu.
Ông là con trai duy nhất của dòng họ, đi theo ông có cả một số họ hàng thân thuộc cùng đòi đến dự để khỏi phải “nghe hơi nồi chõ” như nhiều lần trước, cứ “thủng” câu này, lại “tịt” câu khác.
Trong một buổi họp có đầy đủ các ban ngành, lại có cả Thanh tra Chính phủ từ Hà Nội về dự nữa. Thật là long trọng, thật là uy nghiêm. Phòng họp chật cứng, phải có đến ba chục người. Ai cũng trang trọng, ai cũng nghiêm nghị.
Cuộc họp long trọng này dự kiến “khai mạc” lúc sáng sớm, nhưng mãi đến chín giờ mới bắt đầu được, vì còn phải đợi hai chuyên viên của Thanh tra Chính phủ từ Hà Nội xuống dự và giải đáp cho “khổ chủ”. Đồng thời để đọc Quyết định cuối cùng của Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng.
Sở dĩ buổi họp này có thêm các khâu quan trọng vì để giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại đã kéo dài hơn hai mươi năm và cái quan trọng hơn là vụ khiếu nại này lại là của một “gia đình chính sách” có công với Cách mạng, với hàng đống Huân, Huy chương cao quý, và cũng bởi vì con cháu gia đình này đếu được đi học. Chúng hiểu biết và không có ý định buông xuôi để “vụ đòi đất” rơi vào quên lãng như hằng hà sa số những gia đình khác bị nhà nước vô cớ chiếm đoạt tài sản của mình một cách cực kỳ dã man và như nhiều những câu chuyện còn rất nổi tiếng như vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng mà Thủ tướng kính yêu của dân tộc ta phải nhảy vào can thiệp, hay vụ cướp đất của cháu Đặng Ngọc Viết, cũng ở Tiên Lãng đã đẩy nạn nhân vào đường cùng là phải lấy cái chết để bày tỏ điều oan ức.(1)
Có lẽ các quan chức đã đề phòng trường hợp “quá khích” như các vụ kể trên và nhiều vụ đã xảy ra ở miền Nam nữa, nên phải rủ nhau đến họp đông đủ để nhỡ như “nạn nhận” có quẫn chí vì quá bức xúc mà “mở chốt” một quả lựu đạn trong phòng họp, thì “trạng chết, chúa cũng băng hà” chứ dại gì để khi chia chác thì không “thằng chó nào” chịu kém miếng, mà lúc chết chỉ mình mình chịu! Ngu như chó cũng còn phải so đo, nữa là các “quan chức” thời @?
Đầu tiên là ông Chủ tịch Quận thụ lý vụ án này đọc các Thông tư, Chỉ thị từ những năm xa xưa cập nhật đến ngày hôm qua. Phải có tới gần ba chục văn bản mà không có văn bản nào dưới ba trang đánh máy dầy đặc. khổ một nỗi người đọc các văn bản này lại xấp xỉ “tuổi về vườn”, đã già lại không có khí thế, thêm vào đó chữ thì mờ, mắt lại kém, thành ra “ề à” mãi mấy tiếng đồng hồ mà còn mấy văn bản nữa vẫn chưa kịp đọc.
Đến giờ nghỉ trưa thì phải nghỉ trưa chứ, đã nghỉ lại phải ăn nữa mới có sức mà họp. Do quỹ họp của quận quá mỏng nên “khổ chủ” được gơi ý khéo là “hỗ trợ kinh phí họp” cho quận. Cuối cùng để “thông cảm” với cơ quan nhà nước, “khổ chủ” đành vay bạn bè đãi “các quan lớn” “bữa trưa đạm bạc”, nhưng vẫn tốn đến vài triệu đồng!
Đấy là chưa kể đến khoản mà cơ quan Phường, Quận trước đó ít lâu đã “phải vay” của “khổ chủ” một khoản tiền kha khá cỡ hàng chục triệu đồng để “vận hành bộ máy” đang bị “khô dầu”! Có lẽ khoản “bôi trơn” ấy vẫn không đủ “đẩy” được bộ máy chính quyền nhích lên chút nào, nên đến nay nó vẫn cứ ỳ ạch như một cỗ xe mất bánh nằm chềnh ềnh giữa đường?!
Đến chiều cuộc họp lại long trọng tiếp tục rồi “đồng chí” A phát biểu về chủ trương chính sách “sáng như mặt trời” của Đảng, của Nhà nước. “Đồng chí” B phát biểu về tính “nhân đạo” của Đảng, của Nhà nước về việc đền bù phần đất bị chiếm “trái phép” mà “khổ chủ” đã kiện cáo, khiếu nại kéo dài tới hơn hai mươi năm. “Đồng chí” C nói về những “đãi ngộ” “đền ơn, đáp nghĩa” thật “ấm áp tình người” của Đảng, của Nhà nước đối với các gia đình chính sách, có công với cách mạng…
Và thế là lại mất đứt buổi chiều.
Ngày hôm sau, cuộc họp được bắt đầu từ tám giờ sáng, sớm hơn hôm trước vì không còn phải đợi ai từ Hà Nội xuống nữa.  
Đến gần trưa hôm sau thì cuộc họp được tuyên bố là kết thúc. “Khổ chủ” thở phào vì thoát được “một bữa cơm trưa bất đắc dĩ”, quá tốn kém.
Nhưng khi ông Thanh tra Chính phủ trịnh trọng đọc biên bản kết luận của Chính phủ, thì “khổ chủ” tối tăm mặt mũi gần như bị ai đột ngột phang mạnh một cái đòn gánh vào giữa mặt.
Gắng gượng mãi ông mới cố đứng lên nói phều phào, ngắt quãng mấy câu:
- Hơn hai mươi năm nay, mấy đời nhà tôi từ bố tôi, đến nay tôi cũng đã cập kề miệng lỗ theo đuổi để đòi lại mảnh đất của ông cha.
Sau bao nhiêu quay trở, vặn vẹo, chúng tôi đã phải đáp ứng hơn một trăm văn bản các loại của các cấp. Đến nay các ông đã phải thừa nhận mảnh đất ấy đích thị là của gia đình tôi, một gia đình chính sách, một gia đình có công với cách mạng, với hàng đống Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước đã ban tặng.
Thế mà đến nay đất của chúng tôi các ông không trả, với lý do là mảnh đất này nằm trong dự án xây dựng mới cực kỳ quy mô, cực kỳ hoành tráng của Tỉnh. Tiền đền bù thì bảo là chưa có, vì chưa có chủ đầu tư!
Ô hay, thế là thế nào?
Nhà nước mà lại xử sự như thế à? Cái Nhà nước mà các ông hằng ngày ra rả nói là Nhà nước của dân, Nhà nước vì dân mà lại làm cái chuyện “không còn tính người” như vậy sao?



Hà Nội, 2015.

tháng 6 12, 2015

Cầu Long Biên - Hà Nội


Chùa Trấn Quốc - Hà Nội


Mai Châu - Hòa Bình


Ông Anh hùng và chiếc vỏ chai

 Khoảng năm 197..(không nhớ rõ) tôi được Tổng Công ty cử xuống theo dõi thi công cầu Đọ Xá đường vào mỏ đá Kiện Khê, Phủ Lý.
Cầu có ba nhịp dàn thép, vì thế phải xây dựng hai trụ giữa sông. Phương pháp xây dựng lúc bấy giờ là phải tạo một vòng vây quanh vị trí trụ, rồi đổ bê-tông bịt đáy.
Vòng vây quanh trụ, người ta thường dùng cọc ván thép, cọc ván gỗ đóng sâu xuống lòng sông, liên kết với nhau tạo thành một vòng vây vững chắc, đủ sức chống với lực ép của nước. Rồi hút hết nước bên trong ra để thi công.  
Lúc bấy giờ Công ty cầu 4, thuộc Cục Công Trình II, đơn vị thi công Đọ Xá có nhiều phao SH2 (phao này do ta chế tạo rập khuôn y hệt phao LPP của Liên-Xô), nên dùng luôn phao SH2 bơm đầy nước dìm xuống làm vòng vây quanh trụ, thay cho cọc ván thép hoặc cọc ván gỗ phải đi thuê tốn tiền, lại phải mất công đóng cọc
Sau khi đổ bê-tông trụ cầu xong người ta phải rỡ bỏ các phao SH2, thu hồi vật tư và để thanh thải lòng sông.
Phương án rỡ bỏ các phao SH2 ở giữa sông được đem ra bàn tại cuộc họp kỹ thuật của đội cầu. Sự việc là như thế này, sau khi cho thợ lặn rỡ bỏ liên kết giữa các phao với nhau, Công ty phải thuê cần cẩu sông loại nào để nhấc được các phao lên mặt nước?
Ông Chủ nhiệm (tức Giám đốc) Công ty cầu 4 Lê Hải Thoại (mà sau đó ít lâu ông được phong là Anh hùng lao động) mở màn phát biểu:
- Phao LPP hay SH2 có sức nổi là 36 tấn, nên để nhấc được nó lên ta phải thuê cần cẩu sông có sức cẩu tối thiểu là gấp đôi. Vì vậy phải thuê cẩu tám mươi tấn!
Tôi giơ tay xin phát biểu:
- Tôi có ý kiến.
- Xin mời ông. Ông Thoại chủ tọa buổi họp cho phép:
- Tôi biết chiếc phao SH2 có sức nổi là 36 tấn, nói cách khác khi nó chứa đầy nước, thì có trọng lượng khoảng hơn 36 tấn. Nhưng khi xả hết nước chứa trong phao ra, trọng lượng vỏ phao chỉ còn nặng năm tấn mốt.
Khi cẩu phao lên ta mở các cửa phao ra, cẩu phao lên đến đâu nước sẽ thoát ra đến đấy. Vậy ta chỉ phải kéo lên có năm tấn mốt, chứ không phải 36 tấn là trọng lượng cả phao chứa đầy nước. Do đó theo tôi chỉ cần thuê cần cẩu sông có sức nâng 10 tấn là đủ.
- Tôi thấy ý kiến của ông kỹ sư trên Tổng không chắc chắn! Nếu chỉ thuê chiếc cẩu có sức nâng 10 tấn, khi kéo phao lên không được, nó quật cẩu xuống sông, xảy ra tai nạn lao động chết người, gãy cẩu, thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Tôi hay ông?
Để chắc ăn tôi quyết định cứ thuê cẩu 80 tấn, tốn kém một chút nhưng cho nó chắc ăn.
Khi Chủ nhiệm đã quyết định và chỉ thị đã được ghi vào biên bản cuộc họp thì không còn gì để bàn cãi và cũng không ai được bàn cãi nữa.
Cơm rượu đã sẵn rồi, mọi người vui vẻ “đánh chén”. Cuộc họp với cấp trên lần nào chẳng thế! Gần tàn bữa, tôi nói với cậu đội trưởng đội cầu:
- Lưu này, cậu kiếm cho mình một cái cân nhỏ.
- Để làm gì ạ?
- Để làm trò vui thôi!
Lưu tìm được cái cân móc mà nhà bếp đi chợ hay mang theo để khảo cân những người bán lẻ. Cân chai rượu lên được một cân tám lạng rưỡi. Cân cái vỏ chai khi hết rượu được 4,2 lạng. Mang cái vỏ chai ra hiên, múc đầy nước ở cái thùng phuy đựng nước chống cháy, cân lên được 2 cân. Đổ hết nước ra cân cái vỏ chai dìm trong nước, chỉ còn 3,1 lạng.
Mọi người đều xúm lại xem, song không ai có ý kiến gì.
Ông Chủ nhiệm hỏi tôi:
- Ông cân chai rượu rồi lại cân cái vỏ chai không là để làm gì thế?
- À, tôi uống tí rượu vào, hơi “tây tây”, nên làm trò để mọi người xem cho vui chứ chẳng có mục đích gì!
- Ông cân chai rượu đầy, lại cân chai nước đầy tại sao chúng lại nặng nhẹ khác nhau?
- Bởi rượu có tỷ trọng nhỏ hơn nước, nên một chai rượu bao giờ cũng nhẹ hơn một chai nước.
- Thế vì sao cái chai không dìm trong nước lại nhẹ hơn khi cân trong không khí?
- Vì cái chai ngâm trong nước nó chịu lực đẩy nổi Ac-chi-mét nên nó nhẹ hơn cái chai trên không.
- À thế à, cũng rắc rối ra phết nhỉ!
Lúc sắp sửa lên ô-tô về “dinh”, ông Chủ nhiệm Anh hùng còn gọi cậu đội trưởng để dặn dò thêm vài câu cho chắc:
- Cậu phải nhớ lời tôi quyết là phải thuê cẩu 80 tấn hiểu chưa! Ai nói gì cũng không được nghe theo!
- Báo cáo anh rõ!
Lúc lâu sau, Lưu nói với tôi:
- Em hiểu ý bác làm “trò vui” sau bữa ăn cơm rồi. Em sẽ chỉ thuê cẩu mười tấn thôi!
- Nhưng nếu sau đó ông ấy biết thì cậu sẽ ăn nói thế nào với Chủ nhiệm?
- Ở đây, ai dám nói với ông ấy, mà ông ấy biết!
- Nhưng nhỡ như có sự cố đổ cẩu như ông ấy nói thì cậu tính sao?
- Làm gì có chuyện đó? Em cũng được học đại học, dù chỉ là đại học hàm thụ. Em hiểu và tin ở điều bác nói. Bác làm “trò vui” cân cái chai không, nhưng đó chính là bài “thực nghiệm” rất bổ ích như hồi em còn đang đi học ở trường, được các thày hướng dẫn. Có điều bác không tiện “nói toẹt ra” sợ mất thể diện của Chủ nhiệm, đúng không?
Tôi chỉ mỉm cười, không nói gì.
***
Hơn chục năm sau, khi chúng tôi đã già và về hưu cả, lúc gặp lại nhau, sau những câu chào hỏi xã giao. Tôi hỏi ông Cựu Chủ nhiệm Anh hùng là còn nhớ cái vụ cẩu phao LPP ở cầu Đọ Xá không?
Ông hỏi lại tôi:
- Cẩu phao LPP để làm gì ấy nhỉ?
- Ông quên cái vụ dùng phao LPP thay cọc ván thép để thi công trụ cầu Đọ Xá rồi à?
- À, à, tôi nhớ ra rồi. Sau khi thi công xong trụ thì đến đoạn rỡ các phao ra, phải cẩu lên để thu hồi vật tư và thanh thải lòng sông chứ gì?
- Đúng đấy. Ông có biết là cậu Lưu đã chỉ thuê cẩu sông 10 tấn chứ không thuê cẩu sông 80 tấn như lệnh của ông không?
- Tôi biết là sau khi tôi về rồi thì thằng Lưu chỉ thuê cẩu 10 tấn. Lúc tôi ra lệnh, nó không dám cãi, nhưng vẫn làm theo ý của ông. Cũng may là không xảy ra sự cố gì! Nhưng khi làm kết toán nó vẫn tính tiền thuê cẩu 80 tấn, gấp mười lần tiền thuê cẩu 10 tấn.
- Thế ra ông biết cả rồi à?
- Tôi biết mà cứ phải ắng đi chịu cho cấp dưới nó bắt nạt, thế mới ức chứ!
- Nhưng tôi hỏi ông, nếu như cậu Lưu chỉ thanh toán tiền thuê cẩu 10 tấn thì ông sẽ xử lý thế nào? Khen thưởng hay kỷ luật cậu ta?
- Khen thưởng nó thì nhận là mình sai à? Còn kỷ luật nó, thì kể lỗi nó làm sao, chả lẽ lại là:
- “Đồng chí không làm theo mệnh lệnh của tôi! Nhưng đồng chí đã làm đúng!” Thế thì có khác gì tự nhận mình ngu, mình sai, mình không bằng một thằng đội trưởng trẻ chỉ đáng tuổi con mình! Làm thế có khác nào lấy phân bôi lên mặt, rồi tri hô ầm ĩ lên cho cả thiên hạ biết là “cái mặt tôi thối quá, không ngửi được”!
- Sai thì nhận là sai, có thế mới tiến bộ được chứ, Đảng không dạy ông thế sao?
- Ông chỉ thuộc những điều người ta bảo ông phải học thuộc lòng, chứ ông không biết rằng đó là “giáo điều” à?
Thuộc bài chỉ là một “kỹ năng sống” nhỏ thôi, nhưng ở đời phải lựa theo chiều gió mà che chắn, đó mới là cái lẽ lớn hơn. Vả lại làm lãnh đạo đôi khi phải “biết câm”, “biết điếc”. Thằng Lưu là một đội trưởng giỏi. Tôi biết dùng những “tay chân” như nó, tôi mới “làm nên sự nghiệp”!
- Thành một Anh hùng chứ gì?
- Chính xác, ông không thấy đó là một “kỹ năng sống” tuyệt vời hay sao?
- Đấy không thể gọi là “kỹ năng sống”, mà là “thủ đoạn sống”!
- Gọi là gì không quan trọng, nhưng trong đời tôi thành công nhiều hơn ông, đúng không?
Tôi hỏi lại ông Anh hùng:
- “Đỉnh cao không chỉ có đại bằng lên được, mà loài bò sát cũng lên đó được”. Ông có biết câu đó là của ai nói không?
- Của ai?
- Câu nói đó là của Na-pô- lê-ông Bô-na-pác(1): Đại tướng của các Đại tướng!
- Nhưng nghe nói ông này cuối đời bị đày ra đảo gì gì ấy, rồi chết ở đó?
- Đảo Saint Helena(2).
- Ừ đấy, ông thấy không, tôi hơn hẳn lão ta ở chỗ chẳng “thằng bỏ mẹ” nào dám động đến lông chân tôi. Đại tướng của các Đại tướng à? Tôi cần cóc khô gì, cái “hữu danh vô thực” ấy!(3)
- Chí lý thay! Cái ông cần là “hữu thực, vô danh”(4) kia, có đúng không nhỉ?

                                                                                                                             Hà Nội,2015.

(1)   Na-pô-lê-ông Bô-na-pác: Napoléon Bonapart (15 tháng 8 năm1769  5 tháng 5 năm 1821) là một nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu.
(2)   Đảo Saint Helena: Hòn đảo giữa Thái Bình Dương.
(3)   Hữu danh vô thực: chỉ có tiếng, chứ không có thực chất.
(4)   Hữu thực vô danh: đảo lại câu nói trên, có nghĩa là chỉ cần ăn (thực), không cần danh dự

Mai Châu - Hòa Bình


Bình Gốm quý


Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội


Cô vợ bé

Trong gói thầu số V này thì không ai lạ gì Thủy cô vợ bé của Giám sát viên Trần Đăng Hội.
Giám sát viên này người Hà Đông, cũng đã trên năm mươi rồi, đã có một đời vợ và hai con gái. Tuy không phải là con trưởng, nhưng cứ nằng nặc nói rằng nhất định phải có thằng chống gậy để nối dõi tông đường! Ông đã “thuyết phục” và gần như “cưỡng bức” được cả dòng họ cho ông lấy vợ bé.
Ông chưa bao giờ nhẹ nhàng với vợ, nhưng ngược lại thì cô vợ bé yêu kiều này của ông dường như không để ý nhiều đến “những điều nhỏ nhặt” ấy. Cô làm việc ở một công ty bảo hiểm bên Gia Lâm, kém ông hơn hai mươi tuổi. Khi ông đến làm ở dự án thì người ta thấy đó là một người đàn ông gày gò nhưng kỹ tính và nóng nảy.
Ông xưng hô với vợ là mày tao và hơi một tý là xửng cồ lên chửi bới, thậm chí còn bạ cái gì phang cái đó. Tuy nhiên cũng chẳng ai chiều vợ bằng ông.  Cô ta đòi cái gì là được cái nấy. Đôi vợ chồng ấy cứ như chim cu ríu rít bên nhau.
Hình như ông bị bệnh nan y thì phải, bởi không thấy ông ăn uống, sinh hoạt với mọi người bao giờ. Người thì chỉ còn có da bọc xương, bốn mùa xanh ngắt như tàu lá, nhưng được cái bạo ăn, bạo nói. Cái biết ông nói đã đành, cả những cái ông chẳng biết mô tê, răng rứa gì, ông cũng nói văng tê, bạt mạng “cứ như đúng rồi”! Mà ông đã nói là không ai dám cãi. Không kể là già trẻ, gái trai, cứ cãi ông là ông vặc lại ngay lập tức. Đã nhiều người “vấp” với ông, đều bị thảm bại ê chề. Ông không như người ta, bởi cứ tức lên là chửi ngay lập tức. Động vào ông ta ư? Có họa là “thần kinh chập mạch”! Ông ta mà lăn đùng ra, có mà mang vạ vào thân!
Ông được chủ nhiệm dự án chỉ định “đóng đô” tại cầu Mai Pha. Không phải đi đâu cả, nhưng một lần Tư vấn trưởng thấy ông quá yếu, bèn đề nghị với Kỹ sư hiện trường người Nhật điều ông về Văn phòng dự án đóng tại Cao Lộc.
Thế là ông Tư vấn trưởng già tốt bụng kia bị ông ta chửi cho một trận thật “thậm tệ”. Mãi sau gần hết dự án mọi người mới rõ nguyên nhân. Ông bị bệnh dò xương giai đoạn cuối, nhưng nhờ người quen cỡ Viện trưởng, Viện phó gì đó chạy chọt, ông vẫn được “đặc cách” đi làm. Ông sợ làm việc tại Văn phòng, tay kỹ sư người Nhật mà phát hiện ra ông bị bệnh nặng sẽ cho nghỉ. Điều thứ hai ở hiện trường thì “nằm nghỉ ngơi” càng nhiều, nhà thầu càng “ủng hộ”, càng chiều chuộng và từ đó càng nhiều tiền “bồi dưỡng” hơn để phục vụ cô vợ bé yêu kiều. Điều cuối cùng làm việc ở Văn phòng thì dù chẳng phải làm gì cũng phải đến chỗ làm đúng giờ hằng ngày, chứ không như khi ở hiện trường có ngày ông ngủ suốt sáng đến trưa, dậy ăn cơm rồi lại ngủ từ trưa đến tối.
Mọi người biết chuyện đều thương ông, đều muốn ông vượt qua được bênh tật. Nhưng nhìn ông ngày càng yếu đi thì cái tình cảm ấy cứ mất dần, thay thế bằng cảm giác sợ hãi và kinh kinh thế nào ấy.
Ông cố hết sức, nhưng vẫn không vượt qua được hết dự án. Vài tháng sau ông mất tại nhà riêng trong Hà Đông. Tôi và đoàn công tác vào viếng thì mới biết ông còn cả đại gia tộc với hai ông anh trai, ba bà chị gái, hai thằng em và cô em út. Ông còn cả vợ cả, hai cô con gái đã trưởng thành. Còn cô vợ thêm cũng đã có một bé gái mới hai năm tuổi.
Họ làm tang cho ông rất lớn.
Hỏi ra thì mới rõ vì muốn thoát khỏi cái gia tộc vĩ đại này là để cưới cô vợ bé, ông mới đi làm chứ nhà ông, có đến hết đời cháu cũng chưa hết của.
***
Mấy năm sau, tôi có dịp gặp lại Thủy, cô vợ góa của Giám sát viên Hội, cô vẫn trẻ, khỏe và nhanh nhẹn. Cô ở vậy nuôi đứa con gái côi cút, đã lớn và giống bố như đúc. Trong lúc ngồi uống nước, cô nhìn tôi thở dài, nói rằng:
- Anh có muốn biết sự thật vì sao em biết anh Hội mang trọng bệnh mà vẫn kết hôn với anh ấy không? Không phải vì anh Hội giàu có hay vì gia sản sung túc mà em ham đâu. Khi bỏ nhà cửa ra đi theo em, anh ấy chỉ mang theo mấy bộ quần áo thường để thay đổi, tiền cũng chỉ có dăm triệu thôi chứ có nhiều nhặn gì đâu?
- Nhưng vì sao hai người lại có quyết định đến với nhau trong khi anh Hội đã có gia đình, có hai con gái và nhất là chênh lệch với cô đến hơn hai chục tuổi?
- Ai lấy chồng chẳng hy vọng sẽ được đổi đời, được sung sướng. Đến lúc lấy nhau, có con rồi thì mới thấy anh chẳng có gì ngoài cái thân hình gày guộc, ốm yếu, tính cáu bẳn và lòng yêu vợ con vô bờ bến!
Đời người phụ nữ, khi đi lấy chồng, có được tình yêu thương của chồng, thì đấy là cái quý giá nhất rồi, là mãn nguyện nhất rồi, còn đòi hỏi gì nữa?!
Của cải cũng quý thật đấy, nhưng còn có cái quý hơn cả của cải. Đó là tình yêu! Mà chẳng hiểu sao, em lại yêu nhà em nhiều đến vậy?! Bất chấp tất cả để đến với anh ấy.
Thủy nói thế rồi bế con vào lòng âu yếm, vẻ mặt vô cùng mãn nguyện và thư thái.
Tôi chợt thấy chạnh lòng, nghĩ lại thấy xấu hổ vì cứ cho rằng mọi người lấy nhau, ai cũng tính toán so đo hơn thiệt!?    


                                                                                                                             Hà Nội,2015.

tháng 6 11, 2015

Đường Nắng Ecopark Văn Giang - Hưng Yên


Suối nước trong Ecopark Văn Giang - Hưng Yên


Kiến trúc Trắng Ecopark Văn Giang - Hưng Yên


Từ với chả ngữ

Chiều chủ nhật 10/05/2015, tôi ngồi xem Ti-Vi cùng mấy ông bạn già. Đến 15 giờ thì trên kênh VTV3 có chương trình “Vì bạn xứng đáng”. Đây là chương trình phi lợi nhuận do một số hãng buôn bỏ tiền tài trợ, mà một số người có “mặt mũi”, thường xuất hiện trên truyền hình đăng ký chơi một trò chơi là trả lời một số câu hỏi mà chương trình đặt ra, nhằm làm từ thiện giúp cho một số người đặc biệt khó khăn.  
Buổi này, người chơi là nam ca sĩ Lân Nhã, người dẫn chương trình là MC Trấn Thành. Đến câu thứ tư, tiền thưởng lên tới hai mươi nhăm triệu đồng.
Câu hỏi phải trả lời là “cái gì”, gợi ý đầu tiên là “động vật”.
Mấy ông già bọn tôi trợn tròn mắt nhìn nhau:
- Câu hỏi là cái gì, mà gợi ý lại là động vật! Thế là thế nào! Hay hồi anh em mình đi học, thày giáo không có trình độ như bây giờ, nên chỉ hiểu “hạn hẹp”: Cái gì chỉ là đồ vật như cái rổ, cái rá, cái bàn, cái ghế. Chứ động vật phải là con gì chứ!
Ông Thứ Hai lúc trẻ làm nghề gò nồi, gò chậu bổ sung:
- Đây là trò chơi đố chữ trên truyền hình một phương tiện truyền thông đại chúng lớn nhất. Cả ông già, cả trẻ nhỏ đều theo dõi, thế mà lại đưa cái kiểu đố “lắt léo” như thế thì trẻ nhỏ nó tiếp thu thế nào được?
Ông Thứ Ba trước làm nghề móc cống bực dọc nói:
- Câu trả lời cuối cùng của câu hỏi thứ tư này là con cá vàng! Con cá vàng mà lại là cái gì sao?
Ông Thứ Tư lúc trẻ làm nghề mua bán chè chai lông vịt thắc mắc:
- Hay cái “vị” đặt ra chương trình này là “người thiểu số”, chưa qua trình độ “xóa nạn mù chữ”, còn ngô ngô, ngọng ngọng, nên mới xảy ra cơ sự này!?
Ông Thứ Nhất không hài lòng vặn lại:
- Ông nói linh tinh gì đấy, bọn họ muốn biên tập một chương trình, thì phải là “biên tập viên”. Đã là “biên tập viên”, thì tối thiểu phải có một cái bằng tốt nghiệp đại học! Có lắm đứa còn có năm, bày bằng kia. Chả lẽ lại chưa “nạn xóa mù chữ” như ông nói à!?
Ông Thứ Tư vẫn không chịu:
- Thế ông quên cách đây ít lâu có nhiều trường học phía trong khi kiểm tra thì học sinh lớp bảy, lớp tám không đánh vần được chữ, không làm nổi mấy con tính cộng, trừ, nhân, chia.
Ông Thứ Hai kể lể:
- Nghe đâu “cái vị” phụ trách VTV3 của đài truyền hình, kênh chuyên về Thể thao, Văn nghệ và Giải trí đã có lần được “mệnh danh” là “người đàn ông nói nhiều nhất quả đất”. Đó là một người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, ai cũng “phải công nhận” ông ta là “ông biết tuốt”. Ông không những cái gì cũng biết, mà ông còn nói thạo mấy chục ngoại ngữ. Cách đây ít lâu trong một chương trình Văn nghệ giới thiệu một diễn viên đóng phim nổi tiếng người Hong-kong sang giao lưu với khán giả Việt Nam. Được cả nước nhắc mãi cái vụ ông tranh dịch với cô MC Jennifer Phạm sống ở Mỹ từ nhỏ. Và có lẽ vì vội quá ông đã dịch “tiếng Anh thành tiếng Ý”!
Ông Thứ Nhất hỏi lại:
- Cụ nhớ dai nhỉ! Thế cụ nhắc đến chuyện cũ ấy để làm gì?
Ông Thứ Tư trả lời:
- Nhắc đến để thấy một điều là “bọn nó” rất xem thường mọi người, cho độc giả chỉ là củ khoai, củ ráy, không đáng để ý. Nói sao cũng được, bảo sao cũng phải nghe, “dân ngu, cu đen mà”!
- “Dân ngu, khu đen” chứ sao lại nói thành “dân ngu, cu đen”. Ông cũng còn nói sai, lại còn trách người khác nói không chuẩn!
- Tôi không nói sai! Tôi nói “dân ngu, cu đen”. Bởi “khu” là cái “đít”. Đít đen thì “cu” nó cũng đen. Đây là tôi mới kể một “bộ phận” trong cái “khu”. Có thể “cu” nó đen nhưng “chỗ bên cạnh đó” nó “chưa đen” thì sao?! Như thế là vẫn còn hy vọng không bị “nhuốm đen tất cả”! 
Ông Thứ Hai hỏi đùa:
- Thế tôi hỏi cụ “cái l… mẹ” nó thì coi là động vật hay chỉ là đồ vật?
Ông Thứ Tư sau khi suy nghĩ thì nói với bạn mình:
- Ờ, mà nó có động đậy, mấp máy hằng ngày, thế mà lại gọi là cái!
Rồi ông tỏ ra băn khoăn nói tiếp:
- Tôi chẳng biết thế nào mà trả lời rõ ràng cho cụ được. Có lẽ lại phải “đề đạt lên” mấy ông, bà Biên tập viên hoặc Nhà báo trên Đài Truyền hình thì mới “vỡ” ra cụ nhỉ! Mình đúng chỉ là dân An-nam-mít(1) như bọn Mũi Lõ(2) nó thường gọi thôi!


                                                                                                                           Hà Nội, 2015.
(1)   An-nam-mít: người An nam (tiếng Pháp) Annamite
(2)   Mũi Lõ: người châu Âu



Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội


Đường Hoa


Cây và Đá


Người nhút nhát

Nhân ngày rỗi tôi lững thững đến chơi với ông bạn cùng cơ quan, hơn tôi hai, ba tuổi. Năm nay ông vừa bước sang tuổi tám mươi, tuy vậy ông còn minh mẫn lắm. Ông đã đến với tôi mấy lần rồi. Nên dù lười và rất ngại đi, tôi cũng cố đến thăm ông. Tôi đến ông còn vì một nỗi, ông rất mê văn học, mà rõ khổ ông lại thích truyện tôi viết.
Lúc còn đi làm, ông là người trầm tính, ít nói và thường lẩn tránh những cuộc tranh luận với đồng nghiệp kể cả khi bàn về công việc. Có những việc ông biết và nói đúng, nhưng khi có người “găng cổ lên cãi lấy được” thì ông im lặng, không nói nữa, và thế là bên “cãi cối” tự yên thấy hẫng hụt, đành im nốt.
***
Nhâm nhi bên chén chè đặc sánh, chúng tôi im lặng một lát rồi ông hỏi han những chuyện hằng ngày như bà lão nhà tôi có khỏe không, con cái có đứa nào đi xa không, cháu nhỏ học hành thế nào?
Một lúc sau ông chuyển sang nói chuyện về văn học.
Ông kể:
- Trong các truyện bác viết, tôi thấy nếu bác là người trong cuộc, hoặc bác được chứng kiến, thì bác viết rất thật, rất sống động. Tôi thích nó.
- Cảm ơn bác đã xem và có nhận xét. Tuy nhiên trong các truyện tôi viết, chỉ có một phần là sự thật, tôi dựa vào phần đó để viết, để hư cấu, hay nói một cách “dân dã” là “bốc phét” cho nó rôm rả và để lôi cuốn người đọc. Chứ trong cuộc đời này làm gì có người nào tốt đến thế, hoặc có người xấu đến thế! Vả lại không có gì ở trạng thái cực đoan mà tồn tại mãi được. Thái quá tất bất cập. Nó thường tự phá vỡ, tự tan rã, để trở lại trạng thái cân bằng. Đó là quy luật vĩnh cửu trong cuộc sống. Đó cũng chính là trạng thái cân bằng bền của vạn vật.
- Những cái mà bác cho là đặc biệt đó, có thể ta chưa gặp hoặc chưa biết được?! Cũng có thể đấy chính là điều ao ước, là niềm tin của ta vào cuộc đời, có phải không bác?
- Tôi thì cho là ở đâu cũng có những góc khuất mà ta chưa biết hoặc chưa có điều kiện nhìn thấy, nhiều khi còn không thể nhìn thấy. Những góc khuất ấy có nhiều cái cực kỳ kinh tởm, cực kỳ gớm ghiếc, song cũng có những cái rất hay, rất đẹp.
Người ta thường phải có một cái đích để mà hướng tới chứ, chả lẽ ta chỉ ao ước mấy bữa ăn hằng ngày, một manh chiếu để ngả lưng và một xó xỉnh để chợp mắt?
- Bác có dám nói ra cái đích mà bác định hướng tới không?
- Cái đích mà tôi hướng tới, không có gì trái với đạo lý, trái với quy luật sinh tồn của cộng đồng. Vì vậy tôi sợ gì mà không dám nói?
- Không đơn giản như bác nghĩ đâu! Nói thí dụ, bác thấy ông tổ trưởng dân phố lèm nhèm hay vòi vĩnh, làm khó cho mọi người trong tổ. Thế là xấu, phải không ạ? Bác có dám vạch những điều xấu ấy ra để góp ý trong một buổi họp đông người không?
- Sao tôi lại không dám nói!
- Bác cứ nói đi, xem nó thế nào? Ông tổ trưởng ấy sẽ tìm kẽ hở của bác để “chơi lại bác”. Mà trong cuộc đời ai không có kẽ hở? Ông ta lại có nhiều người ủng hộ và tất nhiên ông ta có thế lực hơn bác, vì ông ta là tổ trưởng.
- Thật như vậy à?!
- Bác quả thật rất ngây thơ, vì thế trong cả cuộc đời, bác đã gặp bao nhiêu trở ngại, bao nhiêu khó khăn, mặc dù bác sống rất tốt, làm việc rất chăm chỉ, hiệu quả.
- Tôi chưa hẳn tin như thế!
- Bác chỉ sướng hơn chúng tôi là dám nói cái điều bác nghĩ. Dám làm những việc bác thích.
- Thế bác thì sao?
- Chúng tôi không như bác, chúng tôi nói những cái người ta bảo chúng tôi nói. Chúng tôi làm những việc được người khác sắp xếp dù chúng tôi không muốn làm.
- Thế ra bác chỉ hành động như một cỗ máy?
- Tất nhiên.
- Vì sao?
- Vì ai chẳng phải sống, ai chẳng muốn sống!
- Bác nói vậy là nghĩ rằng tôi không muốn sống?
- Bác sống khác chúng tôi!
- Khác ở chỗ nào?
- Bác bất cần tất cả, còn chúng tôi cái gì cũng cần, “có méo mó hơn không”! Đến bây giờ bác đã hiểu vì sao bác không có những cái chúng tôi có?!
- Cụ thể là cái gì?
- Quyền hành và vật chất!
- Thế thì vì sao bác lại cho rằng tôi sướng hơn bác?
- Bác dám làm cái bác thích, dám nói cái bác nghĩ và đặc biệt là bác dám sống trong thiếu thốn mà không có chút áy náy, băn khoăn gì! Thực ra bác sướng là sướng mỗi cái mồm!
- Vậy ai nhút nhát hơn ai, ai khổ hơn ai?
- Chúng tôi là những người nhút nhát, không chịu được khổ!
- Nếu đánh đổi cho nhau bác có đổi không?
- Ai dại gì mà đổi!
- Bác bảo tôi sướng mà không muốn đổi để lấy “cái sự sung sướng” ấy à?
- Bác chỉ sướng cái mồm! Sướng về tinh thần, còn vật chất thì không!
- Cái nào đáng quý hơn cái nào?
- Tinh thần thì chỉ có tác dụng làm người ta vui vẻ, sảng khoái hơn. Còn vật chất mới làm cho người ta khỏe hơn, mạnh hơn.
Tôi cần no cái bụng trước, còn “vui vẻ hay buồn rầu” một chút cũng vẫn có thể chịu đựng được, nó chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới “hòa bình thế giới”!
- Tại sao vậy?
- Chúng tôi là người nhút nhát! Nhưng chúng tôi là người “được ăn ngon” hơn, còn bác thì chỉ “được ngủ ngon” hơn thôi!  
  

                                                                                                                          Hà Nội, 2015.