tháng 8 09, 2020

Ký họa chì than - 1997

 

Những năm mới mười chín đôi mươi

 

Tự leo cao

             Hai ông bà giáo già cạnh nhà tôi thỉnh thoảng cũng căng thẳng ra trò. Nói là ông bà giáo thực thì chỉ có ông dạy học, chứ bà giáo, người ta gọi là gọi theo chồng, bởi bà mới học xong lớp bốn trường làng, từ bé chỉ làm ruộng lớn lên lấy chồng rồi theo ông ra tỉnh chứ đọc chưa thông, viết chưa thạo thì dạy được ai mà gọi là bà giáo?

          Trong bữa cơm chiều, đột nhiên bà vợ nói giọng kẻ cả với ông chồng hơn bà gần chục tuổi:

- Tôi nghe người ta nói: “Ở với nhau chỉ vì nghĩ đến những cái tốt đẹp ngày xưa, chứ cả như bây giờ, thì …!”

- Vâng, đúng vậy!

- Tôi nói là nói ông đấy!

- Tôi cũng hiểu là bà nói tôi mà!

- Người đâu như cái thớt gỗ nghiến, cứ trơ trơ ra!

- Thế bây giờ tôi phải làm thế nào thì bà mới hài lòng?

- Người ta ở đời nên có liêm sỉ!

- Hóa ra là tôi không có liêm sỉ?

- Phải nghe người ta nói mà suy ngẫm!

- Thế bà đã nghe ai nói, mà về cứ sồn sồn lên thế?

- Bà Yến vợ cụ Tư già nói với tôi khi đi tập thể dục ngoài sân đình đấy!

- Thế à, theo tôi biết lúc trẻ, bà Yến là một cô thuyết minh trong rạp chiếu bóng trên phố Hàng Chiếu, còn cụ Tư là giám đốc rạp. Lúc đó cô Yến có dám nói những lời xấc xược kiểu bề trên như thế với ông giám đốc không?

Bà nên hiểu người nói lời này là người tự cho mình đứng trên những người khác, nhưng họ lại quên là không nhìn lại chính bản thân mình!

Ai cũng muốn leo lên cao tít ngọn cây, thì họ sẽ nhìn thấy những người đứng dưới đều thấp bé cả!

 Nhưng họ không biết rằng khi họ coi mình cao hơn người khác, tức là họ đã tự mình tụt xuống thấp hơn trước rồi đấy!

 

   Hà Nội, 2020.

 

 

 

tháng 8 01, 2020

Cháu nội


Phong cảnh


Hệ quả

Ông bạn tôi năm nay đã trên tám mươi mà vẫn không ngày nào được thanh thản. Gia cảnh không lấy gì làm khó khăn cho lắm. Lao động, dành dụm cả đời cũng để ra được một chút, con cái cũng ít, chỉ có một đứa con trai năm nay đã năm mươi tuổi và một đứa con gái năm nay bốn bảy.

Trông từ ngoài vào thì ai cũng bảo thế là viên mãn lắm rồi. Nhưng như cái số phận nó đã định, lúc nào ông cũng buồn.

 Ông sống và suy nghĩ độc lập. Ngoài ba mươi tuổi ông mới kết hôn, nhưng lại kết hôn tùy hứng, thích thì lấy bừa một cô nông dân ít học, gia đình cô ta vào loại cố nông. Ai can cũng không được. Bố mẹ thì ghét bỏ, chị em cũng xa lìa. Thành ra ông đã vất vả từ nhỏ, nay lại bị cô lập đến già. Ông cô độc, nhưng không buông xuôi cả đờì phấn đấu, cả đời học hỏi, đến nay ông đã sở hữu đến ba, bốn cái bằng đại học.

Hôm nọ đến chơi, mới được ông giãi bày:

- Tôi có mỗi thằng con nên đặt kỳ vọng vào nó. Những cái mà trong đời tôi chưa làm được, tôi mong nó sẽ làm tiếp. Nhưng đến nay đã trên năm mươi tuổi mà nó vẫn chưa chịu lớn, vẫn chưa trưởng thành. Đã không học hành đến nơi, đến chốn, lại rất hỗn hào không coi ai ra gì. Bố mẹ cũng sẵn sàng đánh chửi.

Nói rồi ông giở những ghi chép cho tôi xem.

Tôi xem đi xem lại những ghi chép của ông bạn mà lòng cảm thấy thật tiếc, y như lỡ tay đánh vỡ một cái bình quí.

Hết chầu nước tôi chia tay bạn ra về.

Xót xa thay bạn, tôi nói với ông:

- Ông có muốn nghe một lời khuyên chân thành, dù trái tai không?

- Ông cứ nói, tôi đã già rồi, bây giờ còn không nghe thì bao giờ mới nghe!

- Ông là người luôn hành động tùy hứng. Cái cung cách ấy là lối sống của những người vĩ đại. Họ chỉ chăm chú ngước nhìn lên phía cao, cho nên trong cuộc đời thực của họ, hơn chín chục phần trăm là bất hạnh. Đã thế họ lại không coi trọng vật chất, ít quan tâm đến bản thân, luôn đắm chìm trong đam mê và sáng tạo. Nhưng cũng chính vì vậy mà họ đã có thể để lại cho đời sau những tác phẩm vĩ đại!

Không biết ông có phải là vĩ nhân không và các tác phẩm của ông có vĩ đại hay không, nhưng tôi vẫn yêu quý ông, bởi sự chân thành và ngây ngô của ông!?

Lại nói đến thằng con ông, do ông quá kỳ vọng vào nó, nên khi không được như ý, ông đã thất vọng, rồi dẫn đến tuyệt vọng!

Từ trạng thái cực đoan này, nhẩy sang trạng thái cực đoan khác, từ chỗ đầy hy vọng, sang chỗ thất vọng quá sâu, ông mất phương hướng, đâm ra tuyệt vọng, chứ trong thiên hạ đã có mấy đứa trẻ vươn lên cao hơn chính bản thân chúng!

Lúc còn trai trẻ, ông sống, sáng tác và kết hôn rất tùy hứng, không nhìn trước ngó sau, không chọn lựa, lại bỏ qua mọi lời can gián của mọi người!

Còn điều này, chắc ông chưa thấu hiểu được đâu: bà mẹ ấy chỉ có thể sinh ra thằng con ấy! Cái này là hệ quả tất yếu của cái kia!

Ông còn nhớ câu cao dao xưa:

Trứng rồng(1) lại nở ra rồng,

Liu điu(2) lại nở ra dòng liu điu.

Hà Nội, 2020.

(1)                Rồng: con vật tưởng tượng và là thần tượng của nhiều người.

(2)                Liu điu: rắn thân nhỏ, có nọc độc, đẻ con.