tháng 7 28, 2022

Lọ hoa hồng


 

Hà Nội - Hà Nội


 

Sống ảo

           Cô gái này là em gái út ông bạn tôi, kém tôi hơn chục tuổi, không xinh, nhưng hay làm điệu. Uống rượu ngang ngửa với đàn ông, nhưng cái đặc điểm nổi nhất của cô ta là nói năng văng tê, bạt mạng, không biết kiêng nể một ai!.

Sáng qua tôi và ông bạn đang ngồi uống nước ngoài hè, thì cô ta đi qua nói trống không:

- Chuyện gì mà ngày nào mấy ông cũng nói mãi không hết thế! Cứ tào lao mãi có no bụng được không?

Tôi chưa kịp nói, thì ông bạn đã chép miệng phân trần:

- Nó sinh thiếu tháng, từ bé đã yếu đau quặt quẹo, không lúc nào rời niêu thuốc Bắc của bố tôi. Cả nhà thương hại, không ai chấp nên nó quen ăn nói chất chưởng như thế, ông đừng để ý!

- Ừ, hơi đâu mà để ý! Tôi đành xuê xoa cho xong chuyện.

- Từ nhỏ nó đã quen ăn nói thế, không ai sửa, đến giờ thì thành tật, có muốn sửa cũng không sửa được nữa!

Rồi ông nói tiếp:

- Khổ thế, giờ đã có tuổi vẫn chẳng chồng con. Sống cô độc nên ngày càng ngang ra như cua, chả biết làm sao nữa!

- Chả nhẽ chỉ vì mọi người nuông chiều quá mà hóa ra như thế ư? Tôi thấy vẫn chưa thuyết phục lắm.

- Có một chuyện chắc ông chưa biết, hồi cách đây cũng đã lâu, lúc nó mới gần hai mươi tuổi, chẳng hiểu sao một hôm nó bỗng làm một bài thơ, cả nhà thấy cũng là lạ, vì cả nhà tôi, tám, chín anh em đều làm nông, chứ có ai biết thơ thẩn gì đâu. Lúc ấy mọi người trong nhà thấy cũng bình thường nhưng con chị trên nó, có chút nhan sắc, đang “đi lại” với một anh có chút địa vị trên huyện, có lẽ chúng nó để “lấy lòng” nhau thế nào ấy, anh này đưa bài thơ đó cho một ông nhạc sĩ tầm tầm phổ nhạc.

Bài hát ấy được một ca sĩ vặn vẹo biểu diễn trong dịp mà người ta đang ra sức ca ngợi phụ nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Thế là mọi người biết đến nó, nói đến nó. Những người sành thơ và cả những người chưa bao giờ biết đến thơ, hùa nhau ca ngợi quá lên, làm như nó là một nhà thơ lớn, thiên phú bẩm sinh.

Nhưng cái khổ lớn nhất là bản thân nó cũng lại nghĩ rằng mình đúng là một nhà thơ vĩ đại mà mọi người đã không biết đến, đã quên lãng bao nhiêu năm qua.

Tôi hỏi:

- Thế rồi sau đó các hội hè ở làng với cả ở địa phương, có ai tìm đến để “đưa nó” vào hội không?

- Có, cũng có mời nó vào hội văn nghệ để “gây thanh thế cho phong trào” địa phương!

- Tốt quá rồi còn gì!

- Tốt cái gì! Đó chẳng qua chỉ là những dịp đàn đúm cho mấy ông, bà “văn nghệ sĩ nghiệp dư”! Hội họp, tổ chức ăn uống say sưa bét nhè. Họ ra sức “ca ngợi” nhau, “tâng bốc” nhau, đưa nhau lên tận mây xanh, để thỏa mãn cái cá nhân mình và để tự lừa dối chính mình. 

- Ông đừng quá nghiêm khắc! Nhưng hoạt động “vất vả” thế có thu được đồng nào không, và hàng tháng có được trên bồi dưỡng gì không?

- Tôi đã chẳng nói là để “đàn đúm” đấy thôi! Ăn uống thì bỏ tiền túi ra, chứ hội đào đâu ra tiền?

- Nếu thế thì không ổn rồi. Địa phương cũng không hỗ trợ gì à?

- Khi nào khéo léo mời được mấy ông bà quan chức địa phương đến dự thì cũng được các ông bà ấy bố thí cho một ít, nhưng chẳng bõ bèn gì!

- Riêng cô em ông cứ ngơ ngơ thế, thì sau này khi ông bà mất rồi, ai nuôi?

- À, tôi có cho đi học một lớp đào tạo công nhân cơ khí, sau đó xin cho vào làm ở một công ty nhỏ ngay làng bên. Thỉnh thoảng có người nào ốm đau sơ sơ, lại đi bấm huyệt chữa các bệnh thông thường như đau nhức xương khớp, đau bụng kinh nguyệt cũng có tí tiền.

- Biết cả bấm huyệt nữa?

- Ông quên bố tôi là lang y nổi tiếng cả vùng này à, chả thế cụ nuôi được cả nhà tám, chín đứa con?

- À, ra thế!

- Cả nhà tôi, ai cũng lo cho nó, chăm chút nó, chỉ lo sau này yếu đuối thế, mà lại không kiếm ra đồng nào thì bấu víu vào đâu mà sống?

Khổ nỗi dù chỉ là cô thợ quèn, không được học hành gì, nhưng nó lại sống “say sưa”. trong cái bong bóng ảo tưởng ấy. Nó cắm cúi “làm thơ” và khi gom góp được đồng nào là đem đi xuất bản rồi mang đi tặng khắp nơi cho mọi người trong hội thơ của nó và cả những người chưa biết thơ là gì. Bên cạnh đó cũng lại “nẩy nòi” ra một số “đầu nậu” chuyên “buôn bán các hội hè” thổi nó lên rồi bám vào đó mà kiếm sống.

Ông bạn tôi ngừng lại trầm ngâm một lúc, rồi nói:

- Mà ông cũng thấy đấy, khi có người mang tặng mình một cái gì đó, thì dù cái đó có dùng được hay không, ai cũng thường tỏ ra cảm kích, xúc động.

Khổ nỗi các loại hội hè cứ động đến thơ ca, hò vè là thế nào nó cũng có mặt, cũng tham dự thật nhiệt tình, từ đầu chí cuối.

Ngày qua ngày nó cứ sống “nửa tỉnh, nửa mê” như thế. “Cao không tới, thấp không thông”. Không ai được nó coi là xứng tầm với mình. Và thế rồi nó đã bỏ qua rất nhiều dịp những người khác giới tìm đến. Mà cũng phải có đến hàng chục lần chứ không ít.

Có một thời kỳ nó như động cỡn bắt nhân tình bừa với một tay lính hải quân người miền trong đã có gia đình, đóng ở Đồ Sơn. Có con với hắn ta nhưng không nuôi được. Cũng may sau đó gia đình thằng nọ cũng không đến đánh ghen, còn hắn cũng đột nhiên lăn cổ ra chết, nên không có chuyện gì xảy ra nữa.

- À, đấy là đòi hỏi thông thường của thời tiền mãn kinh ấy mà! Tôi giải thích vớ vẩn.

- Giờ thì đã quá muộn rồi đành cô quạnh suốt đời, đêm ngày thở than cho số phận hẩm hiu của mình!

Rồi ông bạn tôi đưa ra nhận xét buồn buồn khi đã đúc kết cả một quá trình sống:

 - Thế mới biết, khi thành công đến quá sớm, lại được “tâng bốc quá đà lên tận mây xanh”, làm cho mình mụ mẫm đi, không biết mình là ai nữa, đôi khi làm người ta mắc phải một chứng bệnh cự kỳ khó chữa, như bệnh dây thì sớm mà một số cô bé đã mắc phải (precocious puberty symptoms).

Chúng tôi ngồi thật lâu bên cạnh bàn nước đã nguội ngắt. Rồi để nhắc lại một kỷ niệm chẳng mấy vui, ông bạn tôi chầm chậm nói:

- Trước lúc mất, mẹ tôi vẫn không yên lòng về nó, vẫn lo lắng cho nó, đã thều thào dặn dò kỹ mấy anh em chúng tôi:

- “Kể như con Thanh nó không biết làm thơ thì đời nó đã không khổ như bây giờ! Các con phải để tâm đùm bọc lấy em, thì mẹ mới thanh thản ra đi được!”.

 

                                                                                                       Hà Nội, 2022.