tháng 2 24, 2017

Đầm sen


Đầm sen 

Đầm sen giờ lấp mất rồi, 
thành đường, thành chợ, thành nơi bán hàng. 
Hương sen vẫn thoảng mơ màng, 
như còn vương vấn bên hàng phi lao. 

                                                   Hà Nội, 2011.

tháng 2 18, 2017

Cháu nội


Cảm hoài


Nghề bí truyền

Cách đây gần bốn mươi năm, khoảng năm một nghìn chín trăm tám mốt, tám hai gì đó, lúc ấy mẹ tôi đã trên tám mươi tuổi bị liệt nửa người, nằm điều trị ở bệnh viện Đông y Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn sáu tháng không khỏi.
Bố tôi đã phải gọi vợ chồng tôi đang ở Cầu Giấy lên:
- Bố biết vợ chồng chúng mày cũng đã vất vả lắm rồi, nhưng mẹ các con giờ nằm một chỗ, một mình bố không thể nâng giấc được. Các con xem thu xếp lên đây để chăm mẹ giúp bố.
Nghe thế chúng tôi xót xa đến đứt ruột. Đã trên tám mươi tuổi rồi, không ngờ bố mẹ còn vất vả thế này.
Ngay tuần sau chúng tôi bồng bế nhau lên Lắp Ghép Trương Định để chăm mẹ.
Với căn nhà mười ba mét vuông, tiêu chuẩn phân phối chỗ ở cho một gia đình Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng tôi loay hoay mãi vẫn không thể nào “nhồi nhét” được sáu người vào một căn buồng chỉ nhỏ như cái chuồng chim ấy, (khu nhà Lắp ghép kiểu này, dân Hà Nội gọi là “khu nhà chuồng chim”).  
Cứ “chui” được đầu vào thì chân lại “tòi” ra ngoài, sau nhờ có ông Vụ phó gì đó tên Bình mua nhà cho vợ bé nhưng chưa dùng, cho “ngủ nhờ”, nên mới tạm ổn một chút.
Ít lâu sau đó ông Cung bạn tôi lên Hà Nội có việc, đến nhà thấy vậy hỏi:
-   Đã tìm đến thằng Dư chưa?
-   Dư nào?
-   Dư đang làm ở Sở Giao thông Hà Nội ấy.
-   Nó làm giao thông thì tìm nó làm gì?
-   Nó có nghề bấm huyệt chữa được khối bệnh đấy!
Tôi tìm đến chỗ Dư thì mới hay Dư biết bấm huyệt thật. 
Dư đến bấm huyệt cho mẹ tôi chỉ hơn mười ngày là mẹ tôi lại đi lại được bình thường. Nhưng lạ hơn là có một thằng bé ở nhà đầu dãy đã bị bại liệt mấy năm, một bên mông đã teo hẳn, “đi vạt tép”, tôi mách tìm đến với Dư, anh ta chỉ bấm có bảy ngày mà thằng bé khỏi hẳn. Nói thực trước đó tôi không tin vào chuyện chữa bệnh bằng Đông Y và nhất là cái trò châm cứu, bấm huyệt. Nhưng từ sau lúc mẹ tôi khỏi, tôi đã thay đổi hẳn cách nhìn nhận đó. Tôi tìm đọc các sách hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt của các danh y như Nguyễn Tài Thu và một số sách dạy chữa bệnh bằng châm cứu của Quân Đội. Nên một số bệnh thông thường như đau đầu, nhức mỏi chân tay, tôi có thể bấm huyệt chữa cho người trong nhà.
***
Cách đây hơn hai chục năm khoảng 1996, chị ba tôi phải vào bệnh viện nằm chữa bệnh. Tôi vào thăm thì thấy cạnh giường chị nằm có một cậu thanh niên chừng dưới ba mươi tuổi mới bị bại liệt, đã chữa trị nhiều ngày mà không thuyên giảm. Tôi hỏi chuyện mới biết Đông Y Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã trả về, giống như trường hợp của mẹ tôi trước đây.
Tôi nhớ đến Dư và liền ngay sau đó tôi cùng cậu em vợ đi tìm. Phải hơn nửa tháng trời mới tìm được đúng nhà Dư ở khu P Thành Công.
Chúng tôi vẫn nhận ra nhau, sau gần ba mươi năm không gặp lại, nhưng có cảm giác như nhầm người. Đúng vẫn là con người này, mà giờ đây nó cứ khang khác thế nào ấy!
Tôi và cậu em vợ thì mừng ra mặt, còn Dư thì không ra mừng, cũng không ra không, nó cứ nhàn nhạt như người lạ mới gặp nhau lần đầu vậy.
Quan sát mới hiểu ra rằng anh ta bây giờ đã là một người khác hẳn, từ quần áo, đến bộ bàn ghế, cái xe ô-tô con đắt tiền mới mua để trước cửa.
Tôi vồ vập hỏi:
-   Tôi có nghe nói anh được đề bạt lên lãnh đạo, đi nước ngoài thường xuyên, vừa được phân nhà ở số đặc biệt trên Trần Hưng Đạo, sao giờ lại chuyển về đây?
-   À, tôi được phân một phòng trên trăm mét vuông trên tầng hai ở 104 Trần Hưng Đạo, nhưng sau do căn nhà này có kiện cáo, tranh chấp gì đó. Tôi lại chuyển về đây. Vừa rộng hơn, thoáng mát hơn, lại ở tầng một có ga-ra để ô-tô.
-   Ồ, thật là kỳ diệu!
-   Anh bảo sao?
-   Tôi đang ca ngợi anh. Bây giờ anh thật là kỳ diệu!
-   À, tất nhiên thôi!
Ngồi một lúc lâu, tôi uốn lưỡi mãi mới nói được thành lời:
-   Hôm nay đến đây, trước là để thăm anh, sau có một việc nhỏ xin trình bày, mong anh giúp đỡ.
-   Anh cứ nói.
-   Cách đây mấy chục năm, anh đã cứu mẹ tôi khỏi bại liệt, cái ơn ấy tôi không bao giờ dám quên. Hôm vừa rồi, tôi gặp một cháu thanh niên bị bại liệt trong bệnh viện Bạch Mai. Nó chỉ là người hàng xứ. Nhưng tôi biết nếu không được chữa chạy kịp thời, để lâu sẽ thành tàn phế. Nó là thợ điện mới trên ba mươi tuổi, vừa lấy vợ và mới có đứa con ba tuổi. Nếu tàn tật cả đời thì biết lấy gì nuôi vợ con! Thật tội nghiệp, mong anh giúp đỡ.
-   Rất tiếc, Dư ngừng lại một lúc lâu rồi mới nói tiếp:
-   Tôi không thể giúp được. Ba, bốn ngày nữa tôi phải đi Thụy Sĩ để Hội thảo về Giao thông của Hà Nội những năm Hai nghìn hai mươi.
-   Bây giờ mới là năm một nghìn chín trăm chín nhăm, sao đã thảo luận những vấn đề xa xôi cách ba, bốn chục năm như thế?
-   À, những người bình thường thì làm sao có tầm nhìn để hiểu được vấn đề như thế!
Một lúc sau, khi đã uống hết chén nước thật ngon, thật thơm, tôi rụt rè nói:
-   Anh ạ, nếu quả thật anh bận, thì xin anh truyền cho tôi mấy cái huyệt mà ngày xưa anh đã cứu mẹ tôi khỏi liệt. Tôi cóp nhặt cả đời chỉ có được một nghìn Đô-la Mỹ, xin biếu anh để được anh dạy cho. Tôi thấy cháu thanh niên bị liệt thì động lòng trắc ẩn, chứ không có ý định hành nghề bấm huyệt.
-   Bây giờ bận trăm công, nghìn việc, lại toàn việc quan trọng của Chính phủ giao phó thì tôi làm sao còn nhớ được mấy cái huyệt vớ vẩn ấy nữa!
Biết có ngồi thêm cũng chẳng được việc gì nữa, hai anh em tôi kính cẩn chào ông bạn nghèo khổ ngày xưa và là người quen mới giàu sang bây giờ, ra về mà lòng buồn rười rượi.
Đi một quãng xa cậu em vợ mới dám gợi chuyện:
-   Lúc bà bị liệt, thì anh Dư chắc cũng nghèo như anh em mình bây giờ, anh nhỉ?
-   Anh quen anh ấy qua anh Cung. Lúc ấy anh Dư làm ở Sở Giao thông Hà Nội cạnh Vân Hồ, hai cha con họ phải trú tạm trên một cái chiếu nghỉ cầu thang trong nhà vệ sinh của cơ quan. Ngoài giờ họ phải quấn thuốc lá điếu để kiếm thêm tiền cho sinh hoạt.
-   Thế sao anh ấy đột nhiên được đề bạt lên làm quan chức cao cấp và giàu có khủng khiếp đến thế?
-   Không có cái gì đột nhiên cả, nghe kể chuyện này thì cậu hiểu ra ngay.  
Sau khi mẹ anh khỏi bệnh, anh có sang Bắc Ninh để thăm và cám ơn gia đình anh ấy. Khi nói chuyện mới biết bố anh Dư với bố anh cùng tuổi, tuổi Giáp Thìn(1).
-   “Ông cụ bảo:
-   “Tuổi tôi với tuổi bố anh, không có con trai!” 
-   “Thế cháu với anh Dư, không là con trai, thì là con gái à?” 
-   “Nếu là con trai, thì phải tàn tật mới sống được. Xã này có hơn mười ông cũng Giáp Thìn đều thế cả, con trai không mù thì câm!” 
-   “Cháu què thì rõ rồi, nhưng anh Dư có sao đâu?” 
-   “Anh chỉ què một tay, nhưng thằng Dư què cả hai tay!”
Lúc ấy Dư giơ tay lên thì quả thật cả hai tay đều bị gãy. Cái vòng lên, cái vòng xuống, do hai lần cưỡi trâu ngã.
Trong khi chuyện trò tôi biết, nghề bấm huyêt là do ông nội Dư truyền lại. Bố Dư chỉ làm ruộng. Khi Dư lớn, nhờ người dịch sách của ông để lại mới biết nghề. Ngoài bại liệt thì còn hai bệnh nữa là rò xương và thuật tránh thai Dư cũng chữa rất giỏi. Nhưng cái chính vẫn là bại liệt.
Ông bố Dư có hai vợ. Bà cả không có con. Dư và các anh em đều là con bà hai.
Đến khi thành phố quyết định lấy tên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương(2) Nguyễn Văn Cừ(3) để đặt tên một con đường trong Thị trấn Gia Lâm. Người ta về Bắc Ninh để tìm họ hàng còn lại của ông thì mới biết bà vợ cả của bố Dư lại là bà chị ruột Tổng Bí thư Cừ. 
Lập tức tổ chức cuống cuồng bổ lên Hà Nội đi tìm “hậu duệ”(4) của ông. Tất nhiên mọi người từ thôn, xã đến thành phố cũng rất dễ dàng chấp nhận Dư là cháu ruột của Tổng Bí thư Cừ. Còn Dư cũng không bỏ lỡ dịp may hiếm có ấy.
Những việc tiếp theo thì các vị trong ban tổ chức cứ thế mà làm “theo đúng trình tự của quy trình”. Đầu tiên là việc kết nạp Dư vào Đảng (bởi vì chẳng ai có thể chấp nhận được rằng cháu ruột của Tổng Bí thư lại không phải là đảng viên!) - Kế đó là đề bạt Dư lên Phó phòng, tháng sau là Trưởng phòng. Tháng sau nữa lên Phó Giám đốc Sở, nhưng nghe đâu Dư không quen điều hành công việc nên người ta lại phải lờ đi vậy.
Phân nhà ở cho những người quan trọng như thế chỉ còn là chuyện nhỏ và cũng là việc làm “theo đúng trình tự trong quy trình”.
Liên tiếp sau đó là những chuyến đi tham quan, đi du lịch hay hội thảo và tất cả những lần đi nước ngoài không cần đến kiến thức, không cần có nghiệp vụ thì Dư đều có mặt đầy đủ.
Mà mỗi lần đi nước ngoài, chỉ cần đem về một vài thứ có giá trị thì nhà không giàu lên nhanh mới là lạ! Hiện giờ Dư đã đưa cả vợ và mấy đứa con từ Bắc Ninh lên định cư tại Hà Nội. Các con đều được học ở trường chuyên, lớp chọn.
Đồ đạc, tiện nghi trong nhà đều được các trợ lý xem xét và chọn lựa rất kỹ càng.
***
Rời nhà Dư ra về, hai anh em tôi lại bàn nhau tìm đến Trương Gia Hải là bạn học chí thân, đã từng cắp tráp theo Dư đi chữa bệnh gần năm, sáu năm trời, chắc chắn là phải nắm được chút ít nghề này chứ. Nhưng khi gặp Hải, chúng tôi mới “vỡ lẽ ra rằng” Hải không học được một tí gì. Khi phụ giúp cho Dư làm các việc linh tinh thì được, nhưng khi bấm huyệt thì “ông bạn vàng quý hóa” thường sai khéo Hải làm cái gì đấy hoặc đi ra chỗ khác!
Tôi đành than thở với cậu em vợ:
-   Coi như thằng cháu không quen biết bị bại liệt trong bệnh viện không gặp may rồi!
***
Hôm rồi cũng là tình cờ tôi và Dư lại gặp lại nhau. Dư vẫn sang trọng, béo tốt nhưng đã yếu lắm rồi, phải ngồi xe lăn.
Vẫn nhận ra nhau, nhưng Dư đã chậm chạp mồm cứ phải uốn éo mãi, lắp bắp mãi mới nói được, phải cái tội lại cứ thích nói nhiều.
Đúng là các cụ dạy cấm có sai: “ Điếc hay ngóng, ngọng hay nói!”
Dù còn thính tai mà mãi một lúc lắng nghe tôi mới hiểu được là Dư vẫn có ý định đi Pháp hoặc Ý vài lần nữa để làm nốt những việc mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao phó!
Ra về tôi than thở với cậu em vợ:
-   Ông trời không cho ai mọi thứ, cũng không lấy của ai tất cả!
-   Câu ấy xưa lắm rồi! Đến trẻ con cũng thuộc lòng anh ạ.


Hà Nội, 2017.

(1)   Tuổi Giáp Thìn: sinh vào năm 1904.
(2)   Vào những năm 1938 – 1940.
(3)   Nguyễn Văn Cừ người Bắc Ninh 1912 – 1941
(4)   Hậu duệ: Con cháu cùng dòng dõi của người đã chết