tháng 5 12, 2020

Mẹ tôi


Cháu gái


Hoa hồng


Lời hứa không giữ được

                                      (Kính tặng hương hồn anh trai tôi)

Nghỉ hưu đã lâu, tôi thành một tỷ phú thời gian, lúc rỗi rãi chẳng biết làm gì cho hết ngày nên thường giở mớ ký ức đã xa xôi ra gậm nhấm.  
Hầu hết những chuyện trải qua trong đời, giờ đây không thể sắp xếp lại cho trật tự được nữa, quên nhiều hơn nhớ. Nhưng có vài chuyện muốn quên, thì lại không làm sao mà quên đi được! Có lẽ là do “cái bản tính nó dính vào người” như mấy ông bạn tôi đùa thường nói vậy.
Mấy năm trước vào Hà Đông chơi thăm ông bạn. Khi về, tôi hỏi vu vơ:
- Ở Hà Đông lâu, ông có biết một bà bộ đội già trước làm Y tá quân đội nào không?
- Ông hỏi thế thì đến bố thổ công cũng chịu!
- Hỏi bâng quơ, may ra thì được ấy mà!
- Bà ta là thế nào với ông?
- Chả là ông anh cả tôi đi bộ đội từ năm 45, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 54. Năm ấy anh mới có 22 tuổi. Nghe người ta nói lại không biết thực hư thế nào là khi nằm xuống anh được bà Y tá ấy vuốt mắt cho! Chỉ mang máng nghe là bà ấy ở vùng Hà Đông này. Nếu còn, thì năm nay cũng phải trên dưới tám mươi rồi!
- Thế thì ông phải tìm đến Thành đội mà hỏi, may ra mới biết được!
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra!
- Để tôi bảo đứa con dâu thứ hai đang làm ở Thành đội nó hỏi cho!
- Vâng, thế thì quý hóa quá!
Mấy hôm sau tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của cô con dâu ông bạn. Có một bà bộ đội tên là Hòa, sinh năm 1937, đang ở Ba La, quá thị xã Hà Đông, trước có tham gia bộ đội chống Pháp ở Trung Đoàn 36, Đại Đoàn 308. 
         Tôi mừng quá, vì đó chính là phiên hiệu đơn vị của ông anh tôi.
                                                                         ***
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà bà Hòa trong một ngõ nhỏ cuối phố Ba La vào một buổi xế chiều. Ra ngõ đón là một bà già nhỏ bé, hiền lành.
Bước vào căn nhà cấp bốn cũ kỹ chưa đến hai chục mét vuông, vẻ trống vắng. Ngoài cái giường gỗ tạp, một cái bàn nhỏ trên để bộ ấm chén rẻ tiền, cái Ti-vi nhỏ đít lồi cũ kỹ. Phía sau nhà là căn bếp nhỏ hãy còn dùng than tổ ong. Ngay giữa gian nhà có đóng trên cao sát mái là cái xích-đông dùng làm ban thờ. Ảnh thờ vẽ một anh bộ đội còn rất trẻ, đeo quân hàm Thượng sĩ, phảng phất có những nét quen quen, chắc do một họa sĩ ngoài thị xã vẽ qua lời kể lại của bà chủ nhà.   
Bà Hòa chậm chạp rót nước mời, chăm chú nhìn tôi rồi hỏi:
- Ông có phải là ông Khánh không ạ?
- Vâng tôi là Khánh, em ruột anh Phúc.
- Thế là gần năm mươi năm, tôi vẫn nhớ được tên ông qua lời kể của anh ấy.
- Thưa bà, bà được mấy anh chị rồi ạ? Tôi gợi ý vì thấy vẻ quạnh quẽ của ngôi nhà.
- Cám ơn ông hỏi thăm, tôi có hai con, đứa đầu là gái đã gần năm mươi, bây giờ cháu cùng gia đình đang ở Mỹ, thằng út mới lấy vợ, ở với bố cháu ngoài Hà Nội.
- Sao bà không ra ở với ông và cậu nhà cho vui ạ?
- Tôi vẫn đinh ninh là có ngày hôm nay, ngày mà người nhà anh Phúc đến tìm, nên tôi cứ nấn ná chưa đi.
- Cám ơn bà đã có ý nán lại chờ chúng tôi tìm đến!
- Tôi cũng mừng là đã đợi được! Chắc ông muốn tìm tôi là để hỏi lại những kỷ niệm của anh Phúc trước lúc hy sinh phải không?
- Vâng, thật may mắn là hôm nay lại được gặp bà.
- Không có gì! Các cụ xưa chẳng đã nói: “Có duyên ắt sẽ gặp mặt mà!”
- Thưa bà, dù thời gian đã trôi đi gần nửa thế kỷ mà vẫn còn người tìm đến để hỏi lại những kỷ niệm đã qua. Hy vọng không làm phiền bà nhiều!
- Những ngày lửa đạn ác liệt ấy, tôi là người luôn bên cạnh anh Phúc. Anh là người có văn hóa cao nhất Trung Đoàn, đã có bằng Thành trung hồi Pháp thuộc, được Trung Đoàn Bộ giữ lại làm trợ lý cho chỉ huy, nhưng anh vẫn muốn xin ra trực tiếp chiến đấu.
Trong đời thường anh là người hiền lành và tình cảm, được anh em trong đơn vị vô cùng quý mến, nhưng trong chiến đấu, anh lại là một Tiểu đội phó rất dũng cảm.
Anh là người được Chỉ huy giao trực tiếp chỉ huy trận truy kích tàn quân Pháp rút chạy từ Điện Biên sang Thượng Lào, tháng Giêng, năm 1954.   
Do lực lượng ta quá mỏng nên trong trận đánh không cân sức ấy, khi vượt qua một thung núi, anh bị một viên đạn của địch bắn trúng ngực, máu phun ra xối xả. Lúc bấy giờ y tế ta còn thô sơ lắm, nghèo nàn lắm, tôi là Y tá lâu năm cũng chỉ biết băng bó cầm máu rồi chờ tiếp viện của Trung Đoàn lên hỗ trợ chuyển về tuyến sau.
Trận đánh vẫn không dừng lại, Trung đoàn cũng không lên kịp để hỗ trợ. Vết thương của anh mất máu nhiều, tuy rất mệt anh vẫn tỉnh táo đến phút chót. Lúc biết mình không qua khỏi được, trước lúc ra đi anh nắm tay tôi dặn dò:
- Sau này nếu còn sống, em hãy tìm gặp người nhà anh để đưa cho họ lá thư cuối cùng này. Rồi đắn đo mãi anh mới nói lời nhắn nhủ: - “Hãy cố quên anh đi, mà sống cho thanh thản”. Tôi gật đầu trong nước mắt và hứa là sẽ thực hiện lời hứa đó. Anh vẫn có vẻ chưa thật yên lòng, cuối cùng tôi phải thề. Anh đã mỉm cười lặng lẽ ra đi trong vòng tay tôi.
Tiếng thét xé lòng của tôi cùng với tiếng khóc nghẹn ngào của đồng đội, lẫn vào tiếng mưa rơi xối xả như trút nước của rừng già.
Đã bao nhiêu năm qua đi, đến nay khi đã già rồi tôi vẫn không thực hiện được lời hứa ấy. Ông không biết đâu trong chiến tranh, lời thề với người thân trước lúc hy sinh là thiêng liêng lắm. Thế mà tôi không thực hiện được. Tôi đã không làm sao quên được anh!
Bà Hòa giở chiếc khăn tay cũ kĩ ra lau hai hàng nước mắt chảy dòng dòng.
Tôi cuống quýt nói:
- Thực không phải, xin bà thông cảm, vì người thân, tôi đến tìm gặp, làm bà lại phải ôn lại những kỷ niệm đau xót đã qua.
- Ông nói thế là xúc phạm đến vong linh của người đã mất đấy!
Lúc lâu sau, tôi ngập ngừng mãi mới dám hỏi:
- Tôi xin phép gọi bà bằng chị, xưng em không biết có được không ạ?
- Tôi rất sung sướng khi được ông xưng hô như thế. Đã bao năm qua tôi đã mong mỏi gặp được người nhà anh ấy để trao lại bức thư cuối cùng này. Thế mà hôm nay thật may mắn tôi đã gặp được ông và đã hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy!
                                                                            ***
Ít lâu sau bà Hòa đã rời căn nhà trong Hà Đông ra sum họp cùng chồng và gia đình cậu con trai ở phố Đường Thành gần chợ Hàng Da. Tôi có qua lại thăm ông bà vài lần. Thì ra ông chồng bà Hòa cũng cùng đơn vị với anh tôi, là liên lạc viên của Trung đoàn, quê cũng ở Lý Nhân, Hà Nam nên họ thân nhau lắm!
Tôi cũng kể cho ông bà nghe về việc tìm mộ của anh Phúc(1) cách đây 20 năm từ cái đơn gửi Sở Thương binh Xã Hội thành phố Điện Biên ngày 21/04/2004. Cái thư phúc đáp của Sở Thương binh Xã Hội thành phố Điện Biên bằng Công văn số: 258 / CV-LĐTBXH ngày 26/05/2004 là:
Qua nội dung đơn đề nghị Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên trả lời ông như sau:
Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên đã tra cứu sổ vàng ghi tên các liệt sỹ và danh sách các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và sổ ghi tên các liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam đi làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả đã hy sinh bên nước bạn Lào, nay đã được quy tập về nước và an táng tại nghĩa trang Tông Khao(2) tỉnh Điên Biên. Song hiện nay liệt sỹ Trần Hạnh Phúc chưa có tên trong sổ vàng cũng như trong danh sách các liệt sỹ do Sở quản lý.
Vậy, đề nghị ông viết đơn và cung cấp các thông tin về liệt sỹ Trần Hạnh Phúc kèm theo bản phô-tô giấy báo tử hoặc bằng Tổ quốc ghi công gửi Cục chính sách - Tổng Cục chính trị - Bộ Quốc phòng để được trả lời.
Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
                                                                                  ***
Sau đó ngày 01 tháng 06 năm 2004, tôi cũng đã viết đơn lên Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc  phòng, kèm theo một tập hồ sơ dầy, nào là Giấy Báo tử, Bằng Tổ Quốc Ghi công, Thư thăm hỏi và Úy lạo của Trung Đoàn, Đại Đoàn,… không thiếu thứ gì cả!
Nhưng chờ mãi tôi vẫn không được trả lời, tôi lại viết tiếp, nhưng vẫn không được trả lời. Mấy năm sau tôi chán nản đành thôi không viết nữa.
Ngẫm nghĩ càng thấm thía câu của một Triết gia nào đó nói:
“Người sống trong túp lều tranh suy nghĩ khác với người sống trong cung điện!”
Hòa chăm chú nghe câu chuyện tìm mộ anh trai của tôi, ngồi lặng đi một lúc sau mới chậm rãi nói:
- Trong chiến đấu, khi ngã xuống liệt sỹ ta chỉ được chôn cất sơ sài lắm, số hy sinh lại đông, không kịp làm mộ chí, không có vật gì để đánh dấu cả, chỉ dăm ngày sau là không còn nhớ ai đã được chôn ở chỗ nào. Trận đánh cứ ào ào cuốn đi, người vừa chôn đồng đội mình cũng không có dịp quay lại chỗ cũ, hoặc ngay sau đó người ấy cũng hy sinh, có khi sau chiến tranh đã chết già ở quê rồi.  
Đằng này sau một thời gian dài hàng mấy chục năm, Tổ chức mới có điều kiện quy tập mộ liệt sĩ từ Thượng Lào về nước thì đúng là không ai còn có thể xác định chính xác mộ của các liệt sỹ nữa. Vì thế chúng ta không thể tìm thấy cụ thể mộ anh Phúc là điều dễ hiểu và cũng là điều phải chấp nhận thôi.
Bây giờ theo Sở Lao Động - TBXH tỉnh Điện Biên, chúng ta đã biết hài cốt của anh Phúc và các đồng đội anh đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao thì cũng đã là may mắn lắm rồi!
Tôi nghĩ rằng anh vẫn tồn tại trong lòng chúng ta mới là điều đáng quý nhất!
Mọi người cuối cùng cũng đều đồng ý với ý kiến của bà Hòa.
Mà muốn khác đi cũng đâu có dễ gì làm được!
                                                                                                                              Hà Nội, 2020.
(1): Kèm theo sau đây là những lá đơn trình bày của Tác giả.
(2): Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Điên Biên được xây dựng năm 1982, là nơi an nghỉ của hơn 2.700 liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Lào.








Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
-----***-----

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2004.


Kính gửi:        Sở Thương Binh Xã Hội
                                                                   thành phố Điện Biên.

Tôi là Trần Quốc Khánh, sinh 1-1940, chứng minh thư số : 010035144 cấp tại Hà Nội ngày 6/12/2001, cán bộ kỹ thuật về hưu, hiện ngụ tại số 4-160/31/3 đường Hoàng Mai, tổ 61, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, làm đơn này gửi lên Sở Thương Binh Xã Hội thành phố Điện Biên, trước hết xin gửi tới Quý Sở lời chào kính trọng, sau có một nguyện vọng mong muốn được trình bày cùng các đồng chí:
Tôi là em ruột còn lại duy nhất, người vinh dự được hương khói cho liệt sỹ chống Pháp: Trần Hạnh Phúc, nhập ngũ 01/04/1947, cấp bậc Tiểu đội phó thuộc Ban Quân Khí E36, sư đoàn 308 đã hy sinh ngày 20/01/1954 tại Điện Biên Phủ, thi hài mai táng tại bản Hát Kham, Thượng Lào, (theo giấy báo tử trận số 16/B4 của Phòng Tham Mưu Sư Đoàn 308 do ông Đào ngọc Hạnh, trưởng ban Quân lực F 308, ký ngày 01/10/1963, và giấy báo tử trận số 59 của Trung Đoàn 36, do ông Nguyễn Xuân Luật, Trưởng tiểu ban Quân Lực E36 - F 308 ký ngày 26/11/1963).
Do chiến tranh liên miên, do đi lại khó khăn và do không biết đích xác thi hài liệt sỹ Trần Hạnh Phúc được mai táng tại đâu, nên gia đình chúng tôi chưa có cơ hội tới thăm, thắp cho người thân nén hương tưởng niệm.
Vừa qua con dâu tôi làm việc tại Đài Truyền hình TƯ, nhân dịp lên công tác tại Điện Biên Phủ, có trình bày nguyện vọng của gia đình với các đồng chí, thì được biết thi hài các liệt sỹ của ta đều đã được chuyển về an táng tại Điện Biên Phủ, Việt Nam.
Tôi làm đơn này trình bày cùng Quý Sở, rất mong được biết thi hài liệt sỹ Trần Hạnh Phúc được an táng tại nghĩa trang nào, thuộc bản nào của Điện Biên Phủ. Muốn lên thắp nén hương tưởng niệm người thân, thì liên hệ với ai, cụ thể thế nào là tiện lợi nhất vì chúng tôi đã về hưu, đã ở tuổi 66 rồi, sức khỏe và tiền bạc đã rất hạn chế.
Rất mong được sự giúp đỡ và chỉ dẫn của Quý Sở.
Cuối cùng xin gửi tới các đồng chí lời chào trân trọng và biết ơn.

                                                         
Địa chỉ liên hệ                                                                    Người làm đơn
Trần Quốc Khánh - nhà số 4
ngõ 160/31/3 đường Hoàng Mai                                           
Quận Hoàng Mai - Hà Nội.    
Tel: 04.6621232                                   
                                                                                     Trần Quốc Khánh.





UBND LÂM THỜI TỈNH ĐIỆN BIÊN               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
        SỞ LAO ĐỘNG - TBXH                                               Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
                    -----------                                                                           -----***-----

            Số: 258 / CV-LĐTBXH
     V/v trả lời đơn thư tìm mộ liệt sỹ                                         Điện Biên, ngày 26 tháng 5 năm 2004.




          Kính gửi ông:  Trần Quốc Khánh
Số 4-160/31/3 đường Hoàng Mai, tổ 61
P. Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội


Ngày 28 tháng 4 năm 2004 Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên nhận được đơn thư của ông hỏi về phần mộ chí củ liệt sỹ Trần Hạnh Phúc:
          - Quê quán: Khu Thượng Lý, Hải Phòng
          - Nhập ngũ: 01/4/1947
          - Cấp bậc: Tiểu đội phó thuộc Ban quan khí E36, Sư đoàn 308
          - Hy sinh: ngày 20/01/1954, tại Bản Hát Kham, Nậm U, Thượng Lào

Qua nội dung đơn đề nghị Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên trả lời ông như sau:
Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên đã tra cứu sổ vàng ghi tên các liệt sỹ và danh sách các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và sổ ghi tên các liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam đi làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả đã hy sinh bên nước bạn Lào, nay đã được quy tập về nước và an táng tại nghĩa trang Tông Khao tỉnh Điên Biên. Song hiện nay liệt sỹ Trần Hạnh Phúc chưa có tên trong sổ vàng cũng như trong danh sách các liệt sỹ do Sở quản lý.
Vậy, đề nghị ông viết đơn và cung cấp các thông tin về liệt sỹ Trần Hạnh Phúc kèm theo bản phôtô giấy báo tử hoặc bằng Tổ quốc ghi công gửi Cục chính sách - Tổng Cục chính trị - Bộ Quốc phòng để được trả lời.
Kính chúc ông và gia đinh mạnh khỏe, hạnh phúc.

Nơi nhận:                                                   Giám Đốc Sở Lao Động - TBXH tỉnh Điện Biên
- Như kính gửi.                                                                        K.T. Giám đốc
- Thanh tra Sở.                                                                         Phó Giám đốc
- Lưu VP- CS.                                                     

                                                                                             Trần Thanh Nghị
                                                                                             (ký tên đóng dấu)



Nguyễn Thanh Sơn – Giam đốc sở LĐ-TB&XH Tỉnh Điện Biên
LH: 0965001222 – Tông Hao NTLS – 165 Xã Đàn Hà Nôi



Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
-----***-----

                                                      Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2004.
      
         Kính gửi:     Cục chính sách - Tổng cục Chính trị
                                                                            Bộ Quốc phòng

Tôi là Trần Quốc Khánh, sinh 1-1940, chứng minh thư số : 010035144 cấp tại Hà Nội ngày 6/12/2001, cán bộ kỹ thuật về hưu, hiện ngụ tại số 4-160/31/3 đường Hoàng Mai, tổ 61, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, làm đơn này gửi lên:
Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, trước hết xin gửi tới Quý Cục lời chào kính trọng, sau có một nguyện vọng mong muốn được trình bày cùng các đồng chí:
Tôi là em ruột còn lại duy nhất, người vinh dự được hương khói cho liệt sỹ chống Pháp: Trần Hạnh Phúc, nhập ngũ 01/04/1947, cấp bậc tiểu đội phó thuộc Ban Quân Khí E36, sư đoàn 308 đã hy sinh ngày 20/01/1954 tại Điện Biên Phủ, thi hài mai táng tại bản Hát Kham, Thượng Lào, (theo giấy báo tử trận số 16/B4 của Phòng Tham Mưu Sư Đoàn 308 do ông Đào ngọc Hạnh, trưởng ban Quân lực F 308, ký ngày 01/10/1963, và giấy báo tử trận số 59 của Trung Đoàn 36, do ông Nguyễn Xuân Luật, Trưởng tiểu ban Quân Lực E36 - F 308 ký ngày 26/11/1963).
Do chiến tranh liên miên, đi lại khó khăn và do không biết đích xác thi hài liệt sỹ Trần Hạnh Phúc được mai táng tại đâu, nên gia đình chúng tôi chưa có cơ hội tới thăm, thắp cho người thân nén hương tưởng niệm.
Ngày 21/04/2004, tôi đã làm đơn trình bày cùng Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên. Ngày 31/05/2004, tôi nhận được thư trả lời của Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên, (số: 258/CV-LĐTBXH)  nội dung cho biết là:
Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên đã tra cứu sổ vàng ghi tên các liệt sỹ và danh sách các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và sổ ghi tên các liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam đi làm nhiệm vụ Quốc tế cao cả đã hy sinh bên nước bạn Lào, nay đã được quy tập về nước và an táng tại nghĩa trang Tông Khao tỉnh Điên Biên. Song hiện nay liệt sỹ Trần Hạnh Phúc chưa có tên trong sổ vàng cũng như trong danh sách các liệt sỹ do Sở quản lý.
Tôi viết đơn này gửi lên Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, mong các đồng chí lưu tâm tìm kiếm giúp thi hài liệt sỹ Trần Hạnh Phúc được an táng tại nghĩa trang nào, thuộc bản nào của Điện Biên Phủ. Muốn lên thắp nén hương tưởng niệm người thân, thì liên hệ với ai, cụ thể thế nào là tiện lợi nhất vì chúng tôi đã về hưu, ở vào tuổi 66 rồi, sức khỏe và tiền bạc cũng rất hạn chế.
Rất mong được sự giúp đỡ và chỉ dẫn của Quý Cục.
Cuối cùng xin gửi tới các đồng chí lời chào trân trọng và biết ơn.
                                                                                                

Địa chỉ liên hệ                                                                        Người làm đơn
Trần Quốc Khánh - nhà số 4
ngõ 160/31/3 đường Hoàng Mai                                           
Quận Hoàng Mai - Hà Nội.    
Tel: 04.6621232                                                                    Trần Quốc Khánh.