tháng 12 24, 2017

Bà cháu


Thiếu nữ khỏa thân


Địa Lan


Nhà học giả và cô vợ xinh đẹp

Khi tôi khoác ba-lô, khăn gói lên Công trường 74 nhận nhiệm vụ, thì được ông Chủ nhiệm(1) Nguyễn Chiến niềm nở đón tiếp. Chiều tôi sang trình diện ông Phó chủ nhiệm Lê Bộ Phụ trách Kỹ thuật công trường.   
Công trường này được Bộ Giao thông thành lập năm 1974, nên gọi tắt là công trường Bảy Tư, cùng với Đội Xây dựng Hồ Chí Minh của Cu-Ba do đích danh Chủ tịch Fidel Castro thành lập và đưa sang giúp đỡ Việt Nam xây dựng cầu đường.
Công trường Bảy Tư đóng trên một quả đồi cạnh quả đồi của Đội Xây dựng Cu-Ba tại thị xã Xuân Mai, có nhiệm vụ làm mới con đường từ Xuân Mai đến Ba Vì dài trên 30 ki-lô-mét và 13 chiếc cầu nhỏ và trung nằm trên đó.
Sau này tôi còn biết thêm ông Lê Bộ Phó chủ nhiệm là con út bà vợ hai một nhà Giáo dục lớn và cũng là nhà Biên khảo Việt Nam có tiếng của nước ta.     
Ông Bộ luôn đĩnh đạc, trên tay không mấy khi rời quyển từ điển Anh-Việt Việt-Anh dày xấp xỉ 2000 trang, nặng trịch. Tất cả mọi người đều kính nể sự “uyên bác” của ông và đều gọi ông là nhà học giả. Chẳng cứ tôi, mà ai cũng quan niệm chỉ những học giả mới có chiều dày kiến thức đến hai nghìn trang như thế!
Khổ nỗi mấy tủ hồ sơ lớn chật cứng tài liệu kỹ thuật lại toàn bằng chữ Tây Ban Nha. Vì thế quyển từ điển Anh-Việt dày kia chẳng có tác dụng mấy ngoài việc tô điểm thêm cho “bức chân dung học giả” được toát lên ở ông.
Mãi sau, ông biết tôi cũng có biết chút tiếng Anh và nhất là sau khi tôi khai thác được đống tài liệu đồ sộ bằng tiếng Tây Ban Nha, ông đã hỏi han tôi thân mật hơn tí chút. Tôi vui vẻ trả lời vị lãnh đạo rằng tiếng Tây Ban Nha có nhiều phần giống tiếng Pháp, mà tiếng Pháp thì bọn học trò tuổi ông, tuổi tôi làm gì chẳng biết một ít. Từ đó ông mới thôi không cắp quyển từ điển to, dày ấy nữa. Cũng may sau đó ông không tỏ ra giận dỗi hay thù ghét gì tôi cả.
***
Việc tôi không nhận chức vụ ở Công trường sau cũng gây ra không ít phiền toái.
Chả là lần về nhà vợ tôi phải cấp cứu vì suy tim, không kịp chạy ngay lên công trường để xin phép nghỉ được.
Tôi vội viết lá đơn xin nghỉ phép gửi Bưu điện lên cho mấy ông chỉ huy, nhưng trong lòng vẫn áy náy, chưa thật yên tâm lắm.
Hôm đón vợ về nhà, tôi vừa cọc cạch đạp xe đến Xuân Mai, thì ông Phó chủ nhiệm phụ trách Kỹ thuật, “chủ nhân ông” quyển từ điển nặng trịch gần hai nghìn trang, gọi tôi vào, pha nước uống rồi đưa lá đơn xin nghỉ phép tôi viết ra cho tôi xem.
Tôi chột dạ biết lỗi, vội trình bày:
- Xin lỗi chỉ huy, đáng lẽ tôi phải lên đây xin được phép rồi mới nghỉ, nhưng do hoàn cảnh ngặt quá. Tôi viết đơn gửi qua Bưu điện. Thế là có lỗi, tôi xin lỗi anh.
- Tôi không nói về cái chuyện anh xin nghỉ phép lại gửi đơn qua Bưu điện. Nhưng anh thử đọc lại cái đơn anh viết xem nó thế nào?
- Có chỗ nào sai sót xin anh chỉ bảo.
- Anh định “chơi” tôi phải không?
- Sao anh lại nặng lời thế ạ?
- Anh viết cái đơn xin nghỉ phép mà lại để tên tôi và tên thằng Đoàn cùng chỗ.
- Ơ hay, anh là chỉ huy tối cao về kỹ thuật ở công trường, còn anh Trần Đoàn là trưởng phòng Kỹ thuật. Chả nhẽ chỉ là một lá đơn xin nghỉ phép, có hai anh lãnh đạo, tôi lại viết thành hai lá. Vả lại trong đơn tôi đã xếp anh phía trên đấy thôi ạ!
- Nhưng thằng Đoàn chỉ là Trung cấp.
- Trung cấp, nhưng anh Đoàn vẫn là trưởng phòng tôi.
- Anh coi tôi ngang như thằng Đoàn!
- Anh là anh, còn anh Đoàn là anh Đoàn, về tuổi tác và chức vụ anh đều hơn anh Đoàn. Mà sao anh lại hỏi tôi thế? Hay trong lá đơn này có chỗ tôi viết sai chính tả?
- Tôi cũng chẳng hiểu sao khi Tổ chức bố trí anh là Phó Chủ nhiệm công trường anh nhất định không nhận, để bây giờ anh phải viết đơn xin phép một thằng Trưởng phòng mới học trung cấp?
- Về việc này tôi đã báo cáo với Đảng ủy Công trường rồi, mong anh hiểu cho ạ.
- Nói vậy thôi, chứ cùng học Bách Khoa, cũng “xêm, xêm(2) tuổi nhau, tôi với anh vẫn là bạn mà.
- Tôi chưa bao giờ coi anh là bạn.
- Thế anh coi tôi là gì?
- Anh là Phó Chủ nhiệm Công trường. Anh là cấp trên của tôi.
- Cấp trên cũng có thể là bạn chứ!
- Chưa bao giờ.
- Tại sao?
- Tôi thấy tôi không thể!
Thế rồi vì không thể là bạn của nhau nên chỉ ít lâu sau đó tôi không còn nhớ gì đến ông Phó chủ nhiệm công trường ấy nữa.
Ông Phó Chủ nhiệm Lê Bộ gốc người Hà Tĩnh, nhưng bố ông đã ra Hà Nội từ những năm 1930 nên ông sinh ra đã là người Hà Nội. Chẳng bao giờ ông nhắc đến quê hương Hà Tĩnh cũ. Cái đó cũng chẳng lấy gì làm lạ, nhiều người trước có dính dáng đến Hà Nội tí chút thì dù đã đi khỏi Hà Nội mấy đời, khi nói người ta vẫn nhắc đến là đã từng ở Hà Nội. Nhưng nếu đó là quê nghèo thì dù chỉ vừa đi khỏi cũng chẳng ai muốn nhắc đến vùng quê đó nữa, chả cứ gì ông!
Ông Bộ là một người đàn ông cân đối, dáng rất chuẩn nhưng có lẽ do ông ăn mặc quá chỉn chu gọn gàng. Áo quần luôn được là thật phẳng phiu, áo bao giờ cũng cắm thùng tử tế vì thế nên người ngoài nhìn có cảm giác hơi là lạ, y như thấy cặp chân dài quá so với cái thân bên trên ngắn quá.
Ông luôn chỉn chu thế nên vợ ông nên tất nhiên phải là người đàn bà đẹp và rất hoàn chỉnh.
Vợ ông, cô Thi là một cô giáo dạy Nga văn cấp 3 giỏi có tiếng ở Hà Nội. Một cô giáo dạy giỏi tại Thủ đô nên tất nhiên cô phải giao lưu, tiếp xúc với rất nhiều loại người, rất nhiều các tầng lớp trong xã hội. Trong đó có đủ các hạng người, tốt có, xấu có. Mà bao giờ xấu cũng nhiều hơn tốt.
Ở đời cũng chẳng ai lạ gì bao giờ thằng xấu cũng giàu hơn thằng tốt, nên trong khi ông còn đang vất vả “tạo dáng” với quyển từ điển nặng trịch trên công trường, thì học trò bắt gặp “cô giáo xinh đẹp và đáng kính” của chúng cặp kè với mấy ông “người xấu” nhiều tiền. Một lần chúng còn thấy cô giáo tay trong tay một ông Liên-Xô to vật vào Hô-theo(3) nghỉ nữa. Tất nhiên ở đời không ai cấm được ai “nghĩ bậy” về việc đó.
Sự việc này sau hình như cũng đến tai ông, ông chả biết tâm sự với ai nên một hôm tự nhiên ông lại ngồi kể lể với tôi:
- Nhà tôi là một nhà giáo giỏi có tiếng, nên hay phải giao tiếp với quan khách các cấp và nhiều đối tượng, kể cả người nước ngoài. Nên nếu chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài một cách hời hợt rồi suy diễn thì làm sao mà thấu hiểu được cái nội dung sâu xa bên trong được!  
 - Tất nhiên! Nhìn bên ngoài thì thấy thế nào được những cái ở bên trong! Tôi vội vàng hùa theo ý kiến của cấp trên một cách rất hào hứng.
***
Mấy năm sau cô giáo Thi được sang Nga thực tập để “nâng cao nghiệp vụ”! Ông sang thăm vợ, chẳng may bị mấy thằng “đầu trọc”(4) đánh nhầm, chết ở bên ấy.
Khi nào nhớ đến ông tôi cũng nghĩ, ông sinh ra phải là người Nga thì hợp hơn là người Việt ta.

Hà Nội, 2017.
(1)   Chủ nhiệm: Người đứng đầu một tổ chức hoặc một cơ quan.
(2)   Xêm, xêm: Tiếng Anh: same: giống như nhau, cũng vậy, cũng như thế.
(3)   Hô-theo: Hotel Tiếng Anh: nhà nghỉ, khách sạn
(4)   Mấy thằng đầu trọc: Bọn Ma-fi-a Nga 

tháng 11 22, 2017

Phố nhỏ, ngõ nhỏ - Nhà tôi ở đó...


Lúc cháu gái (gọi bằng cậu) mới hơn hai tuổi


Đường làng


Điếc đặc

Tôi biết vợ chồng nhà này từ những năm 1961-1962. Cũng lập thân từ con số không tròn vành vạnh. Nhưng do ở mãi tận Sơn Tây nên dù sao cũng ít nhiễm cái “thói thị thành” như ngoài Hà Nội.
Hồi đó, có bằng Đại học thì dù ở đâu cũng vậy, chẳng cứ là tận Sơn Tây cũng đã gần như “nhất khoảnh” rồi.
Lúc đó đi lại còn khó khăn, “cái sự văn minh” chưa “tràn vào”, nên khi mới đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, mọi người trong nhà đã bắt cậu ta phải lập gia đình. Sau đó chỉ còn biết làm hùng hục như trâu để nuôi con và để…“đẻ”. Cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa, sống vất vả, khổ sở là thế mà vợ chồng nhà này đẻ đến bảy đứa.   
Sau này có hỏi thì mới rõ vì bốn đứa đầu là gái nên cố để “ra cho được” một thằng chống gậy! Ra một thằng, vẫn “chưa chắc ăn lắm” thế là thêm, rồi thêm nữa. Đến thằng thứ bảy thì hai vợ chồng không mở được mắt ra nữa, cơm phải chia xuất để bọn trẻ không “tranh giành, đánh nhau đến chết”! Quần áo không đủ mặc, ốm không thuốc thang, cố cho con đi học là may lắm rồi.
Được cái con nhà nghèo, bọn trẻ vừa ngoan, vừa chịu khó và đặc biệt, trời phú cho chúng đều khỏe mạnh và đều học giỏi.
Cái lương kỹ sư Cầu cống lúc bấy giờ làm sao mà cáng được chín miêng ăn, vì vậy hai vợ chồng không dám từ nan một việc gì. Ngoài giờ làm ở cơ quan, anh chồng làm kem cốc(1) ăn dỗ tiền trẻ con ở cổng trường tiểu học, chị vợ đi chợ xa mua mẻ tôm, mẻ tép về bán lấy lời. Ai thuê làm bất kỳ cái gì, sửa chữa bất kỳ cái gì, đều làm tất, chưa bao giờ dám lắc đầu từ chối!
Có đận, các cán bộ Quản lý Thị trấn đã cắt gạo của cả nhà vì cho rằng họ có tham gia buôn bán và sản xuất nhỏ, nên hộ này đã được “nâng thành phần” lên tiểu thương. Mà đã là tiểu thương thì làm sao nhà nước phải cấp gạo tiêu chuẩn nữa!?
Đến bây giờ họ vẫn còn ứa nước mắt khi nhắc đến giai đoạn cực kỳ khốn khổ ấy.
Họ kể trong nước mắt:
- Hai vợ chồng nghèo nuôi bảy đứa con mà bị cắt gạo thì có khác gì bị “kết án tru di”? Nhiều lúc đã tưởng không làm thế nào vượt qua được. Chỉ còn một cách là cả nhà cùng uống thuốc chuột thì mới hết khổ được. 
May sao sau đó bà nhà tôi nghĩ ra cách biếu ông Trưởng phòng Lương thực thị trấn mấy cái áo len nhà dệt, nên tháng sau lại được cấp lại sổ gạo.
Tôi nói chen vào để câu chuyện đỡ nghẹn ngào:
- Lúc ấy mà đã có máy dệt len là “oách xà-lách” rồi, còn gì!?
- Đói đầu gối phải bò mà! Cứ thấy cái gì có thể kiếm ra gạo nuôi con là làm ngay tắp lự! Mà cũng chỉ là cái máy dệt đẩy tay, nhỏ đặt trên bàn của Miền Nam thải ra.
- Thế là vừa làm kem cốc, vừa dệt len à?
- Mấy cháu lớn đi học về phải phụ với bố, mẹ. Đứa lớn phải ra chợ bán tép cùng mẹ, mấy đứa nhỏ thì dệt len, làm kem cùng bố. Con cháu lớn hiện công tác tại Công an Sơn Tây, cũng đã năm mấy tuổi rồi, giờ đã là một lãnh đạo cấp hàm Đại tá mà mỗi khi nhắc đến giai đoạn khổ cực ấy vẫn chảy nước mắt thương bố mẹ và các em.
Được cái ông trời cũng chưa triệt đường sống của ai cả, trải qua mấy chục năm, giờ đây cả bảy đứa đều trưởng thành. Đã có gia đình, con cái, nhà cửa đàng hoàng, công ăn, việc làm tử tế. Đứa nào cũng có một hai cái ô-tô riêng. Có vài đứa đã làm đến quan đầu tỉnh. Khi sáp nhập Sơn Tây vào Hà nội thì hai thằng út ít cũng chuyển ra công tác tại Hà Nội. Thằng út giờ cũng đã là Thiếu tá Công an rồi. Tất cả các con đều hiếu đễ, tận tình chăm sóc bố mẹ và thương yêu anh em trong nhà.
Nhìn vào cái ảnh chụp toàn cảnh gia đình ông bà hôm kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới, cả con, cả cháu chắt phải đến gần sáu chục người xếp hàng tư mà kéo dài hết cỡ làm cho người xem lầm tưởng là ảnh của một hội nghị cấp cao nào đó của tỉnh vừa “kết thúc tốt đẹp”!
***
Hôm nọ ông ấy ốm mệt, có nhắn tôi lên chơi. Đã trên tám mươi, bị phổi thì phải, nên luôn bị cái bệnh khó thở hành hạ. Cũng đã đi nước ngoài điều trị mà không dứt.
Lúc ngồi uống nước với nhau, tôi nói đùa:
- Ai bảo đẻ cho lắm vào, ai bắt phải nai lưng ra cầy cuốc nuôi con. Cả đời không biết du lịch là gì, giải trí là gì. Ở Sơn Tây mà có khéo rủ mới đi đến Đường Lâm cách nhà chục cây số, nơi mà ai ai từ đẩu, từ đâu cũng mò đến tham quan đất hai vua nổi tiếng như cồn này.
Tuy đang khò khè mà ông ấy vẫn cười khơ khớ nói:
- Đẻ nhiều có cái khổ của đẻ nhiều, nhưng bây giờ một năm vợ chồng tôi đi nghỉ mát bốn, năm nơi vẫn chưa hết xuất! Muốn khám bệnh ở bệnh viện nào cũng có tiêu chuẩn. Muốn đi đâu không phải chỉ một đứa xin đưa đón. Tôi có tới mười bốn đứa cả dâu, rể cơ mà!
Bà vợ cũng xấp xỉ tám mươi, còn khỏe hơn chồng một chút, nhưng phải cái điếc đặc.
Con cái cũng đã đưa mẹ đi khám bệnh khắp nơi, nước ngoài, nước trong đủ cả. Các giáo sư hàng đầu chẩn đoán bà bị viêm tai giữa thể sùi, có cholesteatoma(2) phẫu thuật cũng không mấy hy vọng khỏi. Cách tốt nhất là uống thuốc kháng sinh hỗ trợ.
Tất cả các loại máy trợ thính đắt tiền của các nước tiên tiến giá đến hàng mấy chục triệu đồng cũng không làm “suy suyển” cái “lỗ nhĩ” bướng bỉnh của bà!
Ông chồng được đặc cách ngồi bên vợ để ghé sát vào tai mà truyền đạt lời người khác nói.
Con cái được dịp trêu bố mẹ là các cụ cứ tranh thủ thơm nhau suốt ngày!
Tuy “điếc đặc”, nhưng bà vẫn là “nhạc trưởng” của cái “dàn hợp xướng” vĩ đại này. Lời bà nói ra là mệnh lệnh, đến ngay ông cũng chẳng dám “ho he” ý kiến, ý cỏ gì, chứ đừng nói gì đến những đứa khác!
Bọn trẻ thường bôi bác: “Một vị chỉ huy thật vĩ đại, chỉ phải cái điếc đặc”!
Bây giờ họ đã an nhàn, vật chất không thiếu đã đành, đến tình cảm trong gia đình và bè bạn cũng tràn trể, đầy đặn.
Không chỉ có những người quen biết mà hầu hết dân trong cái thị trấn rộng lớn này đều nể phục và ngưỡng mộ họ.
***
Hằng ngày đến giờ uống thuốc, ông chồng có nhắc nhở, thì nhiều lần bị bà ấy vặc lại:
-   Tôi làm gì có tai giữa mà viêm! Sao phải uống thuốc cho tốn kém!
Ông ấy chép miệng nói với tôi:
-   Nghe bà ấy nói thế vừa buồn cười, vừa thấy tội nghiệp. Có lẽ một thời gian khổ vẫn chưa phai nhạt trong ký ức, bà ấy luôn nghĩ rằng đến cơm cũng chẳng đủ ăn, lấy đâu ra tiền mua thuốc để uống cho lãng phí!

Hà Nội, 2017.

(1)     Kem cốc: Đổ hỗn hợp bột đã nấu chín và đường vào một ống nhỏ hình trụ bằng kim loại, đặt trong một thùng gồm đá lạnh đập nhỏ trộn muối. Dùng tay quay ống trụ có hỗn hợp đến khi đông lại thành kem, múc vào cốc thủy tinh nhỏ bán cho học sinh ở cổng trường tiểu học.
(2)     Viêm tai giữa thể sùi, có cholesteatoma: một thể viêm tai nặng khó chữa.

tháng 11 18, 2017

Tam Cốc Bích Động - Ninh Bình


Đôi cá


Cát Bà - Hải Phòng


Tự sự về một món nợ

Ngõ Đền Đống Đóm, một xóm nghèo bên cạnh nhà máy Xi măng Hải phòng, là nơi cư ngụ của những con người bị bần cùng, không sống nổi ở quê nhà phải ra thành thị kiếm ăn, trở thành những cu ly, chui rúc trong những căn lều quanh năm phủ đầy bụi than, bùn lầy, nước đọng.
Bạn tôi: ông Trần Quốc Khánh, sinh ra và lớn lên ở đó.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cùng học một lớp với nhau ở trường Ngô Quyền, Hải Phòng tôi thường sang nhà ông chơi. Năm 1959, mấy anh em chúng tôi đều bị đánh trượt lớp 10, (lớp cuối cấp 3 đầu tiên của Hải Phòng lúc bấy giờ), do không “cùng cạ” với thày hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa, mặc dù chúng tôi học đâu có đến nỗi tồi!
Tự ái chúng tôi không chịu học đúp. Tôi xin đi dạy học ở Sở Công an Hải Phòng, còn ông Khánh thì đi đẩy xe than ở nhà máy Xi măng.
Năm 1960 chúng tôi quyết tâm vừa đi làm vừa ôn tập để thi hết cấp, chúng tôi đã tốt nghiệp kỳ thi năm đó một cách dễ dàng.
Những ngày ôn thi tôi thường đến nhà ông Khánh để cùng học, đã chứng kiến cuộc sống của gia đình ông như thế nào.
Cụ ông co mình cam phận với cái “chức” nhân viên Phòng thí nghiệm nhà máy Xi măng. Cụ bà hàng ngày kẽo kẹt với gánh hàng vặt bên chân cầu. Bà Hiền vất vả với ông chồng bệnh tật, bên ngoài luôn chì chiết, nhưng bên trong lại rất mực yêu thương các em, giống hệt với tính cụ bà.
Bà Dung lấy ông Luận “nghệ sĩ”, cả đời không đóng nổi một cái đinh. Ông Khánh vẫn say thơ tình da diết với màu xanh trong mơ và những bức tranh đồng quê yên ả, bên những nhọc nhằn của kiếp cu li.
Năm 1961, cả mấy anh em chúng tôi cùng thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, chuyên ngành Cầu đường bộ.
Sau 4 năm rưỡi học tập, ông Khánh về công tác tại Viện Thiết kế Bộ Giao thông, còn tôi vào phục vụ trong quân đội. Ông Khánh gắn bó với nghề suốt đời, còn tôi thì lông bông cái gì cũng làm được, cái gì cũng làm qua nhưng chẳng có cái gì giỏi cả.
Tuy không phải là ruột thịt, có chênh nhau chút ít về tuổi tác, nhưng quan hệ thì bình đẳng, chí tình, chí nghĩa, tri âm, tri kỷ.
Có một việc từ năm 1993 tôi còn nợ ông Khánh, đó là việc đòi lại mảnh đất nhà ông. Vì vậy đến nay tôi cố gắng trả xong món nợ này.
Thú thực với ông, năm đó mải mê với công việc Nhà nước giao cho, sự hiểu biết của tôi cũng còn nông cạn về lĩnh vực đất đai, nên khi được giải thích là người ta đã có thông báo đền bù mà mình không đến lấy thì mình cũng có lỗi, lủi thủi ra về cũng không nghĩ đến việc yêu cầu họ xác nhận vào đơn.
Chắc là hồi đó họ cũng chỉ quen lý giải bằng mồm, tôi đưa trả lại đơn cho ông và viết vài dòng chữ vào một mảnh bìa để ông tin, coi như thế là xong!
Sự việc thế rồi rơi vào quên lãng, dòng đời cứ trôi. Các cụ lần lượt ra đi cả, ông Huyên, ông Luận, bà Dung cũng đã đi theo các cụ. Chúng tôi đã nghỉ hưu, cũng đã là những ông lão tóc bạc, nhưng răng chưa long, vẫn ham vui và vẫn thích nhiều thứ.
Ngoài việc đi làm để kiếm tiền thêm cho gia đình, ông vẫn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ, vui thú với những cái chẳng kiếm ra đồng nào: vẽ vời, làm thơ, chụp ảnh, viết văn châm biếm.
Còn tâm hồn tôi có lẽ đã khô cứng nên chẳng có thơ, chẳng có văn, không mấy lúc có thời gian mở cửa để đón nàng thơ và vẫn thích phiêu du trên những nẻo đường, đi tìm những cái đã mất trong đời.
Tôi chợt nhớ về món nợ năm xưa khi ông nhắc tới, nghĩ tới sự ấu trĩ hồi nào cứ cho rằng nhà mới là tài sản của mình, đất là của nhà nước. Nhà mình không còn, thì đất nhà nước thu về giao cho cơ quan nhà nước dùng là lẽ đương nhiên. Sự ấu trĩ của tôi cũng là sự ấu trĩ của rất nhiều người, trong đó có ông. Chúng ta đã bị chính sách ngu dân đẩy vào vòng tăm tối, u mê.
Lúc này đã có luật đất đai, tôi yêu cầu ông tìm thật được Nghị định 181 để đọc và đã thấy khả năng đòi lại đất, cùng ông làm đơn khiếu nại với tia hy vọng mong manh.
Càng đọc những văn bản trả lời của đối phương, những văn bản luật, được sự giúp đỡ tận tình của các ban (ông Thanh, ông Duyệt, ông Lân, ông Viên) chúng tôi đã thu được những tài liệu quý giá, trói chặt và buộc đối phương phải trả lại tài sản cho ông.
Công ty Xi măng Hải phòng chiếm đất nhà ông có theo pháp luật nào đâu, thế mà ngày nay người ta lại bảo phải giải quyết theo pháp luật? Thực là “chua xót”
Ông Khánh ơi, chúng ta đã sờ thấy cái kim dưới đáy biển rồi, nhưng không biết “vớt lên” sẽ ra sao.
Cầu mong vong linh các cụ phù hộ kim vàng long lanh dưới ánh mặt trời, tôi cũng toại nguyện đã trả xong món nợ.


Hải phòng, ngày 4 tháng 7 năm 2006
                                            Đỗ Bảo Cung

TB: Tôi đưa bản viết này cho bà Lộc nhà tôi xem. Tôi hỏi:
- Viết có được không ?
Bà tủm tỉm cười:
- Được
Là một nhà văn không biết ông đánh giá thế nào, chứ với giọng văn này cách đây trên 40 năm, bà Lộc đã bị tôi chinh phục vì nó xuất phát từ tấm lòng mộc mạc chân thực của con người./.


Hải Phòng, 2006.

tháng 11 14, 2017

Tam Đảo


Trước giá vẽ


Trọi trâu Đồ Sơn


Thằng Đạo

Tôi có thằng em họ xa, kém tôi hơn hai chục tuổi, ít học, nhưng cái gì cũng biết, hoặc tỏ ra là biết.  Lém lỉnh, nhanh trí và đặc biệt đón ý người khác rất nhạy! Phải cái hay trí trá, mười chuyện nó nói dù được thề thốt hẳn hoi thì cũng chỉ nên tin nửa chuyện!
Nó thuộc týp(1) người: “nói dối không chớp mắt, ăn cắp chẳng run tay”! Tôi đùa gọi nó là thằng Đạo.
Nó hỏi lại:
-   Bố mẹ đặt tên em là Riu, sao anh lại gọi em là Đạo?
-   Tên Riu, không hay. Gọi là Đạo hay hơn.
-   Thế Riu là gì?
-   Là cái riu để bắt tép, bắt tôm,..
-   Thế Đạo là gì?
-   Đạo là đạo lý, là tôn giáo, còn có nghĩa là…ăn trộm, là chôm chỉa(2)!
-   Em khoái cái tên Đạo hơn, vì em không mấy khi nói thật, lại thích chôm chỉa!
-   Ờ! Ở đời biết mình là người thế nào cũng đáng nể lắm đấy!
-   Thật thế ạ?
-   Đúng vậy! Nhiều kẻ chỉ muốn sống trong hư ảo, không thích cái gì rõ ràng cả.
-   Thế ra em vẫn còn hơn một số người khác à?
-   Đúng thế!
-   Ở chỗ nào cơ, anh nói rõ hơn đi!
-   Ở chỗ cậu đểu, thích trí trá, mà biết là mình đểu, mình hay nói dối. Còn đa số những người khác sống, đối xử thì thật đểu, thật tồi, nhưng luôn nghĩ rằng mình ăn ở đàng hoàng, tốt đẹp. Có khi chính họ cũng không biết đó là dối trá nữa và rồi mình tự huyễn hoặc mình, tự mình lừa dối mình. Họ là những người mắc chứng mộng du.
-   Theo anh thì nên sống thế nào? Đểu hay không đểu?
-   Cậu cứ sống đúng với con người của cậu. Cậu sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Có một ông triết gia nào đó đã nói:
-   “Dám làm các việc mình thích, đấy là tự do. Được yêu những việc mình làm, đấy là hạnh phúc”!
***
Một hôm Đạo đến nhà tôi uống rượu, rồi nằm kềnh ra ghế ngủ. Cúc áo tuột ra tôi thấy cổ nó đeo một cái thẻ như thẻ của phóng viên. Lúc dậy, tôi hỏi thì nó tụt hẳn ra đưa tôi xem và khoe:
- Em làm cái thẻ này đeo vào cho nó “oách xà-lách” anh ạ. Dọa khối thằng són đái ra quần đấy.
Tôi cầm xem kỹ cái thẻ thì thấy đó là cái thẻ ghi Ban Thời Sự THVN BC191, đứng tên Trần Chích, còn cả ảnh chụp chân dung nó rất chững chạc nữa.
Tôi hỏi:
-   Sao cậu lại có cái thẻ này?
-   À em làm theo thẻ của bọn Phóng viên Đài Truyền hình ấy mà!
-   Cậu có biết thế là phạm pháp không?
-   Đến trẻ con nó cũng biết! Nhưng anh không hiểu được đâu. Trộm cắp hoặc lừa dối được người khác, nó làm cho ta sung sướng lắm. Các cụ chẳng đã có thử nghiệm và kết luận là ăn vụng vẫn ngon hơn ngồi ăn đàng hoàng đấy thôi. Hôm nọ đi quá tốc độ, nhờ có cái thẻ này mà em không bị phạt đấy.
-   Nếu bị phạt thì bị phạt bao nhiêu?
-   Từ năm triệu đến sáu triệu đồng!
-   Sao nhiều vậy?
-   Ô-tô mà!
-   Cậu cũng có ô-tô à?
-   Sao anh lại lẩn thẩn thế. Của ai thì ảnh hưởng gì đến “Hòa bình thế giới”!
-   Vớ bẫm rồi còn gì! Tôi khen.
- Vừa qua ngồi với đám đông bạn bè, em có nói thế này:
- “Nạn đạo chích(3) bây giờ tràn lan khắp cả xã hội! Cụ Trần Trọng Kim từng đã luận rất chính xác về dân tộc ta thế này”:
“Người An-nam ta vốn tính cần cù, nhưng có tật hay nói dối và ăn cắp vặt”!
Lập tức có thằng đã nổi xung lên vặc lại:
-   “Thế bố mẹ ông ấy không phải là người An-nam à”?
-   “Dù đó là bố mẹ mình, mà là lưu manh thì không thể nói rằng bố mẹ mình là người thực thà được”!
-   “Thế thì bọn họ ở đâu chui ra”?
-   “Bố mẹ thì mình phải quý hóa, nhưng không vì thế mà đen bảo thành trắng”!
-   “Thế thì làm gì còn đạo lý nữa”!?
-   “Nếu coi đó là đạo lý thì đó chỉ là đạo lý của bọn trẻ con”!
Tôi liền cắt ngang lời Đạo:
-   Cậu nghĩ thế nào về đạo lý!
-   Đạo lý chính là cái dám nhìn vào sự thật và nói đúng về nó!
-   Chính xác!
***
Thời gian cứ qua đi, giờ tôi đã già, xấp xỉ tám mươi, lụ khà, lụ khụ, lẩm cẩm lắm rồi. Riu cũng đã về hưu tuy còn dăm năm nữa mới đến sáu mươi.
Hôm nọ nó đưa khoe tôi cái sổ hưu, lương trên sáu triệu tháng.
Tôi bảo:
-   Lương cậu cao nhỉ?
-   Thế là bình thường!
-   Tôi là kỹ sư mà chỉ được bốn triệu…
-   Anh thắc mắc sao lương hưu thằng thợ nguội mà lại hơn lương kỹ sư chứ gì?! Thế hóa ra anh vẫn còn chậm hiểu quá!
-   …Đúng thế, tôi vẫn chưa hiểu?!
-   Nếu cứ theo đường thẳng thì em chưa được về hưu, mấy năm nữa về thì lương chỉ hơn hai triệu!
-   Thế tức là không theo đường thẳng?
-   Anh khôn hơn một tí rồi đấy!
-   Thì ra biết dối trá cũng có lợi thật!
-   Lại khôn hơn tí nữa! Đạo nhận xét.

Hà Nội, 2016.
(1)   Týp: (tiếng Anh: type) loại, kiểu.
(2)   Chôm chỉa: Trộm cắp.
(3)   Đạo chích: Kẻ trộm, ăn cắp vặt.

tháng 10 31, 2017

Đình Hoàng Mai năm 2000


Thiếu nữ


Tò mò

Phòng thí nghiệm Cơ học đất và Nền móng của trường Đại học Bách Khoa đã được thành lập từ lâu lắm rồi. Qua nhiều năm, trang thiết bị sắm sanh cũng đã gần như đầy đủ mà toàn là thứ được lựa chọn kỹ càng, đa phần là đứng đầu bảng, bởi dù sao đây cũng là trường Đại học Khoa học Kỹ thuật lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Công việc cũng đã vào nề nếp, hằng ngày cứ tuần tự nhi tiến(1). Cụ thể là làm thí nghiệm cơ học đất khi đội khoan đem mẫu đất đá từ hiện trường về. Khoan ép các mẫu đá, phân tích, sắp xếp thành phần cấu tạo các loại hạt và vê giun(2) đối với đất dẻo. Sau đó thí nghiệm ép, cắt(3) các loại vật liệu. Cuối cùng thống kê số liệu cấp cho bên thiết kế công trình.
Phòng Thí nghiệm gồm ba phòng nhỏ, chủ yếu đã để các máy móc gần chật kín cả. Cán bộ chuyên môn thì có một trưởng phòng là nữ, tốt nghiệp Tiến sĩ bên Nga và bốn nhân viên, hai trung cấp, đã lớn tuổi, hai nhân viên còn lại là công nhân trẻ.
Minh tốt nghiệp loại giỏi của trường Đại học Mỏ, Địa chất Hà Nội, vừa được bổ sung về phòng làm việc từ tháng sáu năm ngoái. Anh chàng này quê tận phía Bắc huyện Võ Nhai sát với Nà Rì tỉnh Bắc Cạn. Tuổi mới hăm tư, hăm lăm, khỏe mạnh, ưa nhìn nhưng nhút nhát và hơi ngô ngố.
Trưởng phòng Mỹ Vân đã trên ba mươi, chưa lập gia đình. Cô là một cô gái khỏe mạnh và đặc biệt rất bạo dạn. Là trưởng phòng, nên cô buộc phải gần gũi, kết thân với các nhân viên khác. Ai cô cũng tỏ ra thân mật, nhưng chẳng hiểu vì sao mỗi lần phải làm việc với Minh cô vẫn cảm thấy không được tự nhiên lắm.
Có những hôm, vì phải làm nốt công việc nào đấy, trong phòng chỉ còn hai chị em ở lại khuya khuya một chút, Vân thường lo từ miếng cơm, ngụm nước, cái khăn lau rất chu đáo còn hơn cả mẹ ở nhà. Minh thì nghĩ chị Vân làm như vậy cũng là lẽ tự nhiên thôi, nên cũng “cứ vô tư”. Ngược lại trong công việc thí nghiệm, khi chỉ có hai chị em thì dù sao Minh cũng là đàn ông nên những việc nặng đều dành làm cả. Đôi lần Minh cũng nhận thấy ánh mắt trìu mến “rất sâu”của chị Vân nhìn mình. Lúc bấy giờ cậu ta cũng chỉ nghĩ là “bà chị” có tình cảm với “thằng em” cũng là chuyện bình thường! Hai chị em “cùng chiến tuyến”, cùng làm một việc, thân nhau thì có gì mà phải “lăn tăn” cơ chứ?!
Thời gian cứ thế trôi đi, sự gần gũi làm cho tình cảm của cả hai người nẩy nở như một mầm non giâm xuống mảnh đất luôn “được chăm chút” hằng ngày. Đối với Minh thì đó cũng chỉ là điều tự nhiên như nó vốn phải thế, nhưng đối với Mỹ Vân thì nó không bình thường chút nào cả, cô luôn cảm thấy rạo rực trong người.
***
Rồi cái gì phải đến sẽ đến, giống như quy luật tất yếu của vạn vật. Sự tiến triển theo quy luật ấy nó âm thầm nhưng dai dẳng và bởi vì nó đã “nằm trong quy luật” mất rồi.
Một hôm Minh thấy trong cặp của mình có một quyển tạp chí Playboy(4) rất đẹp. Anh hỏi mọi người xem có ai để nhầm vào cặp của mình không, nhưng không người nào nhận. Sau đó, lúc rảnh rỗi Minh tò mò giở ra xem và đã đỏ mặt lên vì những hình ảnh phô diễn rất gợi cảm, rất táo bạo của những người mẫu xinh đẹp phương Tây.
Mới đầu còn là lạ, sau đó cứ như mặc nhiên và rồi Minh “nghiện xem” lúc nào không biết. Đôi lúc còn đắm đuối ngắm đi, ngắm lại mãi không thôi. Lâu lâu không có bộ ảnh mới nào, lại cứ như thấp thỏm mong mong.
Vào một buổi tối như bao buổi tối bận rộn khác. Minh và chị Vân phải ở lại làm thêm giờ. Cũng đã muộn rồi, sau khi hai chị em ăn nhẹ bữa tối thì đột nhiên chị Vân đưa cho Minh một tập Playboy mới tinh.
Minh vồ lấy hồ hởi:
-   Thế hóa ra từ trước tới giờ những quyển tạp chí này là của chị bỏ vào cặp của em à?
-   Ừ, có thích không?
-   Thích, thích lắm!
-   ………..
-   ………..
-   Tội gì mà phải xem đồ giả?
-   Nhưng em đã có vợ đâu, làm sao …!
-   Thế có muốn xem đồ thật không?
-   Ở đâu ạ?
-   Trong này! Vào đây!
-   ………..?!
Hai người dìu nhau vào phòng trong kín đáo hơn. Chẳng biết trong căn phòng nhỏ ấy đã diễn ra việc gì mà ở ngoài chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp và những tiếng rên rỉ nho nhỏ của hai người vọng ra.
Sau đó tự nhiên người ta thấy hai chị em lại “siêng năng” hơn trước, thường xuyên “phải làm thêm giờ” buổi tối.
Và rồi cái phải đến đã đến!
Khoảng đến quá nửa năm sau, khi cái bụng của Vân đã nổi lên không thể che giấu được nữa. Hai người đành công khai quan hệ và cũng khoảng hai, ba tháng sau thì họ tổ chức đám cưới.
Việc xảy ra cũng theo lẽ tự nhiên thôi, chẳng thế thì nòi giống làm sao mà “kéo dài” mãi ra được.
Mặc dầu cũng có lời ra, tiếng vào một ít lâu nữa. Nhưng chẳng sao, chuyện nào ra chuyện nấy, mà cũng có ai làm “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới” đâu mà sợ!?


Hà Nội, 2017.
(1)   Tuần tự nhi tiến: Tiến hành đúng trình tự công việc.
(2)   Vê giun: Vê đất dẻo thành hình con giun trong các thí nghiệm.
(3)   Ép, cắt: Các phương pháp thí nghiệm vật liêu xây dựng.
(4)   Tạp chí Playboy: Playboy là một tạp chí dành cho đàn ông của Mỹ được thành lập ở Chicago, Illinois bởi Hugh Hefner. Nó sử dụng hình ảnh khỏa thân trang nhã hấp dẫn và mang tính nghệ thuật ở trang bìa nhằm thu hút độc giả.

tháng 10 27, 2017

Hoa Quỳnh


Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm Sơn Tây


Flamenko


Bắc Kế

Tốt nghiệp Bách khoa tôi được Viện Thiết Kế Bộ Giao thông lấy về làm việc năm 1965, đúng vào dịp chiến dịch “đánh hạn chế” của máy bay Mỹ vào Miền Bắc. Tháng sáu năm 1966, Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, Hải Phòng, thì khoảng tháng tám năm ấy, cơ quan Viện sơ tán về làng Bắc Kế, Hương Canh, An Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc.
Muốn đến Bắc Kế thì đi tàu hỏa xuống ga Hương Canh rồi bồng bế nhau vào. Cũng phải hơn bốn cây số đường đất rộng chạy ô-tô được, chỉ có gần cây số nữa là phải đi bộ.
Bắc Kế là một thôn nhỏ, thuần nông chỉ trông vào trồng cấy, nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Trong làng chủ yếu là nhà tranh vách đất, có nhà tường lại được xây bằng các phế liệu của gốm Hương Canh như vại, hũ, lu và cả tiểu sành nữa. Vữa xây chỉ là bùn, họa hoằn lắm mới được trộn thêm ít vôi. Có dăm nhà khá giả hơn thì tường được xây bằng gạch đá ong. Đường làng nhỏ hẹp, lồi lõm, mưa xuống thì lầy lội, lõng bõng nước và phân trâu bò bẩn thỉu. Đi lại rất ngại.
Phụ nữ và trẻ em gái đa phần đi đất, mặc mấn(1) và chưa biết đến đồ lót là gì!
Do đời sống trong làng lạc hậu nên kiêng cữ ngặt lắm.  
Còn nhớ ông Trung tiến sĩ, giáo sư trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thỉnh thoảng ghé vào thăm vợ là chị Vi, kỹ sư Phòng Cầu, mà đến vào buổi chiều thì phải ngồi ngoài hè cả đêm đợi giời sáng. Hôm sau còn ở lại chơi, thì nhà chủ sẽ để một người nghỉ làm đồng ngồi nhà trông chừng.  
Phòng làm việc của Phòng Cầu được đặt ở nhà ông Quang tận cuối làng (phong tục ở đây chủ nhà được gọi bằng tên con giai, dù còn nhỏ như thằng Quang mới chín tuổi). Nhà này xây gạch đá ong thoáng rộng, kê thêm được ba, bốn cái bàn làm việc và cái phản nhỏ để tôi nằm ngủ sát góc nhà.  
Ông Quang là một người đàn ông cao to, trạc trên bốn mươi, là tổ trưởng tổ rau của Hợp Tác Xã, nên thu nhập có khá hơn các hộ khác chỉ làm lúa. Vợ cả ông đã qua đời đã lâu. Bà này là bà hai, sinh được hai bé gái rồi đến thằng Quang. Đặc biệt ông Quang thích nấu rượu, mà hồi đó nhà nước gọi là rượu lậu, còn cấm ngặt lắm, vì thế cứ đến đêm ông mới dám “hành sự”.
Được mẻ đầu, bao giờ ông cũng đánh thức tôi dậy để nếm. Hai người đàn ông, nửa lít rượu, một nắm rau cần nhà trồng, được ông xào rất khéo với nửa lạng thịt trâu, rau vừa chín tới, thịt vẫn còn mềm, thơm nức mùi hành, tỏi, đặt vào môi là trôi vào cổ. Những lúc được ngồi nhâm nhi như thế trong căn bếp nhỏ, bên chén rượu ngon, chút đồ ăn hợp vị, tôi cho rằng để bay bổng lên chín tầng mây cũng chẳng khó khăn, tốn kém là bao. Đâu có ghê gớm như người ta thường bàn tán!   
Ở lâu lâu, tôi được ông Quang quý hóa, coi như người thân trong nhà. Nhớ nhất là cái tết năm ấy, do được nghỉ dài ngày, mọi người đều về cả, tới mồng năm mới phải đi làm. Trở lại làm việc, tôi được ông Quang để dành cho một bát tiết canh làm từ hôm ba mươi tết trên ban thờ nhỏ sát tường.
Mới trông thấy bát tiết canh tôi đã sợ toát mồ hôi hột, nói dối rằng từ bé chưa từng ăn được tiết canh, lại nói rằng ăn tiết canh sẽ bị dị ứng, nhưng không thể từ chối lòng yêu mến của ông chủ nhà tốt bụng “một cách không thể từ chối được”. Ông cứ ép đi, ép lại mãi, đến lúc biết không ăn, không được, tôi đành làm một ngụm rượu rõ lớn rồi nhắm mắt, nuốt lấy được bát tiết canh. Thực ra thường ngày, tiết canh là “món khoái khẩu” của tôi, nhưng “nuốt trôi” được bát tiết canh đã để từ sáu ngày trước thì quả thật là “phi phàm”. May mà không xảy ra chuyện gì. Sau hôm đó cái bất ngờ lớn nhất là ông Quang nhất định nhận tôi làm “anh em kết nghĩa”!  
Thế rồi cũng phải “trình làng” với mấy anh em cùng phòng một bữa túy lúy.
Tuy là làng nghèo, nhưng phong cảnh lại rất đẹp. Cạnh làng là một khu vườn rộng trồng khuynh diệp và sau đó làng để cơ quan làm nhà cho cán bộ công nhân viên ngay trong khu vườn đó.
Cạnh làng có một dòng suối nhỏ trong vắt uốn éo chảy qua, chỗ sâu nhất cũng chỉ hơn một mét, nơi hằng đêm bọn tôi lôi nhau ra tắm táp, nô nghịch thỏa thích, kể cả những đêm lạnh nhất giữa mùa đông. Bây giờ nhớ lại thì lại bảo nhau rằng mùa đông năm ấy không lạnh lắm, nhưng ai cũng hiểu rằng mọi người lúc ấy còn trẻ, còn rất trẻ, mà cái sức nóng của tuổi trẻ đã coi cái giá lạnh của mùa đông không là gì!
Làng có một cái trại nhỏ ngay gần đó trồng rau gọi là Trại Cúc. Đi bộ mất dăm phút là tới. Bên trại này có vỡ ít đất màu trồng rau, chủ yếu là rau cúc, cũng chỉ có dăm ngôi nhà tranh nho nhỏ.
Sau do chật chội, cơ quan chuyển một số phòng sang bên Trại Cúc làm việc. Tất nhiên mấy phòng chính, phòng lớn và bếp ăn tập thể vẫn phải để bên Bắc Kế.
***
Hai năm sau khoảng năm 1968, tôi được Viện cử đi dạy lớp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tại chức tận Quế Võ, thuộc Hải Dương, cách Hà Nội khoảng bảy, tám mươi cây số, cách Bắc Kế cũng cỡ trăm cây.
Mấy năm sơ tán về cái làng nhỏ bé này, tôi đã có bạn gái. Đó là một cô nhân viên phòng Can In, quê tận Hà Nam. Cứ chủ nhật tôi đạp xe từ Quế Võ về Bắc Kế với cô bạn gái quê mùa của mình. Có lần trên đường gặp mẻ cá ngon, tôi mua rồi treo lên ghi-đông(2) xe đạp. Tới nơi mới biết bạn đã về Hà Nội họp Đoàn. Thế là tôi lại đạp xe về Hà Nội. Đến Hà Nội mới biết cuộc họp đã kết thúc mấy tiếng trước, cô ấy đang trên đường lên Bắc Kế. Lại đạp xe ngược lên Bắc Kế… Tính ra ngày hôm đó tôi đã đạp xe trên hai trăm cây số như một cua-rơ(3) đường dài chuyên nghiệp! Mẻ cá tươi trên ghi đông xe đã khô quắt, thành mẻ cá khô!
Bây giờ lắm lúc tự hỏi chả biết hồi ấy lấy đâu ra nhiều sức lực thế? Có lẽ là nhiệt tình, nhưng có lẽ là tuổi trẻ thì đúng hơn! Chứ như bây giờ thì chỉ cần đi lại dăm cây số thôi là lập tức “đầu hàng vô điều kiện”!
***
Trong thời kỳ sơ tán về đây đã xảy ra một việc cực kỳ lạ lùng. Phòng Y Tế cơ quan có ba, bốn người, ông Linh Y sỹ là trưởng phòng. Ông là một người chững chạc, được đào tạo trường lớp tử tế, giỏi nghiệp vụ và có uy tín trong cơ quan lúc bấy giờ. Tất nhiên ông phải là Đảng viên rồi.
Bỗng mấy ngày liền ông bị sốt cao đến mê sảng, luôn mồm cầu xin ai đó đừng giết mình.
Không ăn uống chút gì và luôn mồm lẩm bẩm:
- Xin tha cho tôi. Tôi còn vợ con và cả mẹ già đã trên tám mươi. Xin hãy buông tha cho tôi!
Những ngày ấy người trong phòng Y tế không ai làm gì được việc gì, cứ phải phân công nhau chăm sóc, trông chừng ông. Sau thấy không thuyên giảm, họ bàn nhau phải đưa ông Linh về Hà Nội chữa trị.
Đùng một cái, ông Linh biến mất. Sáng ra không thấy đâu.
Tìm khắp nơi chẳng ăn thua gì, chả lẽ cơ quan lại phải đi báo Công an để tìm người ốm mất tích!?
Tối ấy, sau giờ làm việc, bọn tôi kéo nhau ra suối tắm như thường lệ, thì một cậu quờ phải một người nào đó nằm dưới đáy.
Vớt lên thì là ông Linh.
Ai cũng cho là ông sốt mê sảng đã mò mẫm ra suối tắm, chẳng may sẩy chân chết đuối.
Cơ quan làm thủ tục rồi cử người về quê đón gia đình ông lên để làm lễ mai táng. Ai cũng bùi ngùi và cảm thông với gia đình người xấu số.
Việc ấy rồi cũng đã dần dần chìm xuống.
Nhưng bốn, năm ngày sau đó, bỗng thấy một xe Com-măng-ca(4) chở năm, sáu đồng chí Công an đến làm việc với lãnh đạo.
Người ta cho khai quật mộ ông Linh lên để xét nghiệm. Thời kỳ này cơ quan bận nhiều việc lắm, ngày đêm phải “vắt chân lên cổ” để thiết kế đảm bảo giao thông do giặc đánh phá chủ yếu vào cầu đường.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là phong tục tập quán ở địa phương coi việc đào mồ lên là việc rất kiêng kỵ, chưa từng xảy ra bao giờ.
Nhưng lúc bấy giờ Công an với Bộ đội muốn làm gì mà chả được! 
Là nhân viên mới của cơ quan, nên suốt từ sáng sớm tôi đã phải vác súng đứng gác cho kíp(5) mổ. Cũng chẳng biết làm thế nào, cơ quan đã giao việc, thì cái gì mà chả phải chấp hành.
Dù đã khôn lỏi, đốt mấy nắm hương thật to, căm tứ tung quanh vị trí giải phẫu và chọn đứng phía đầu gió, nhưng xác đã ngâm nước hai ngày lại chôn xuống đất dăm ngày nữa, nên đã phân hủy sâu. Mùi hôi thối nồng nặc, bốc ra xung quanh hàng dăm chục mét, một mùi hôi thối thật khủng khiếp, không thể tả được mà từ bé tôi chưa “được thưởng thức” bao giờ.
Bữa trưa đó nhà bếp nấu cơm đặc biệt để bồi dưỡng cho mấy thằng gác xác mà không thằng nào nuốt được, mặc dù trông thấy cái ăn ngon cũng thèm lắm.
Lúc đó tôi đứng ngay cạnh viên sĩ quan phụ trách kíp mổ. Anh ta vừa quan sát vừa đọc cho một cô cảnh sát trẻ ghi chép biên bản. Dù đã tốt nghiệp ngành công an mà cô này cũng nôn thốc, nôn tháo ba, bốn bận, ra cả mật xanh, mật vàng trông rất tội nghiệp. Lúc ấy tôi cũng còn trẻ, mới hai sáu, hai bảy, tai còn thính lắm nên nghe gần như trọn vẹn biên bản ghi về cái chết của ông Linh.
Thì ra ông ta bị giết, chứ không phải chết đuối như mọi người đã đoán lúc trước. Kết hợp với những lời van xin tha mạng thốt ra lời của ông trước khi bị giết thì đến chín chín phần trăm đúng là án mạng!
Nhưng vì sao ông Y sỹ Linh lại bị giết? Ai đã giết ông, để làm gì? Không ai biết thực hư. Hỏi ai bây giờ? Mà ai người ta nói cho mình biết. Thế là mười đồn trăm, trăm đồn nghìn. Người nào cũng tự tưởng tượng ra một câu chuyện mà mình cho là hợp lý, rồi kể lại với người khác y như mình đã “tận mắt thấy, tai nghe” vậy.
Chỉ biết lãnh đạo cơ quan lại thì thầm ra lệnh cho kíp gác xác là ban đêm không được đi đâu ra ngoài một mình, có việc buộc phải ra ngoài thì phải đi vài ba người cầm đèn đuốc đàng hoàng. 
Tôi lại còn được cơ quan phát cho một khẩu súng trường cổ của Pháp mà có lẽ nó được sản xuất từ lúc Nã-phá-luân(6) còn cởi chuồng! Đồng thời cử thêm anh Trần Hải một cán bộ Miền Nam tập kết, to con đến ngủ chung cho chắc! Nhưng sau đó anh ta “nêu lý do” là có một số việc đang làm dở(!) không sang ngủ chung được. Có lẽ thằng cha này sợ “đầu chả phải, phải tai”, nên đã viện cớ từ chối khéo!
Cũng có lẽ do mọi người đã thần hồn, nát thần tính(7), người này dọa người kia, hoặc tự mình dọa mình, thành ra không khí trong làng, ngoài ngõ cứ căng lên như dây đàn đã được lên dây hết cỡ.
Tôi nghĩ rằng khẩu súng cổ không có đạn này thì có tác dụng gì, nên không nhận. Nhưng lệnh là lệnh, cứ phải cầm lấy, lại còn phải ký nhận vào sổ nữa chứ. Biết chuyện này ông Quang nằng nặc bắt tôi gối đầu giường một con dao phay to rất sắc. Tôi đành chiều ông vậy. Tối ấy trước khi ngủ tôi đã cố tình để ghế lung tung, nếu không quen vào nhà tối mò mò thế này, thế nào cũng xô đổ ghế, phát ra tiếng động.
Tôi đã ngủ được một giấc thì nghe thấy tiếng kẹt cửa nho nhỏ. Từ nhỏ tai đã thính như tai chó, nên tôi thức dậy ngay. Thầm hỏi sao chó trong nhà lại không sủa?! Như vậy đây là người quen rồi! Mở mắt nhìn mờ mờ trong tối thì thấy một bóng đen to lớn đang len qua các hàng ghế rất khéo léo mò vào phía giường tôi nằm không một tiếng động. Tôi hoảng sợ thật sự nghĩ rằng những điều cơ quan đã cảnh báo phải đề phòng là không thừa.  
Tôi nhẹ nhàng, ngồi dậy phía cuối giường thủ thế, tay cầm chắc con phay giơ lên sẵn sàng bổ xuống kẻ “đột nhập nguy hiểm” kia!  
Bóng đen nhẹ nhàng kéo màn phía đầu giường. Đích thị nó muốn chẹt cổ mình đây mà! Không thể chần chừ được nữa!
Tuy nhiên từ bé tôi chưa chém ai bao giờ thành ra cứ đắn đo nửa “hạ thủ”, nửa không. Cuối cùng sợ hãi quá tôi đã hét tướng lên trong đêm vắng:
-   Ai? Ai???
-   Tôi đây, tôi đây, Hải, Hải đây!!!
Thì ra là anh Hải. Tiếng hét của tôi đã làm cho vợ chồng ông Quang bật cả dậy. Đèn được thắp lên hai, ba cái, sáng trưng. Tôi vẫn giơ con dao mà người run lên bần bật.  
Tôi sẵng giọng, hỏi:
-   Có việc gì mà giờ này anh lại sang phòng làm việc thế?
-   Mai mình có việc về Hà Nội sớm, sợ không báo kịp cho cậu.
-   Sao không gọi hay lên tiếng. Nếu tôi bổ một nhát vào đầu thì anh sẽ ra sao hở?
-   Mình lên tiếng, sợ mọi người mất ngủ! Cũng may mà cậu chưa bổ…
-   Anh làm thế này thì mọi người ngủ được à?
-   Ừ, mình sơ ý quá! Mình xin lỗi!
Về sau hỏi lại thì chẳng phải chỉ mình tôi run đâu, mà vợ chồng ông Quang ngủ trong buồng cũng còn run đến sáng!
Chuyện ấy rồi cũng dần chìm xuống, nhưng nó lại biến tướng thành một câu chuyện khác hẳn:
- “Anh Trần Hải nửa đêm mò vào chỗ ngủ của tôi. Bị bắn một phát đạn văng mất “bìu khiu” phải đưa về Hà Nội cấp cứu ngay đêm đó”.
Mọi người không ai dám hỏi han gì, nhưng cứ lấm lét nhìn tôi dò xét.
Mãi sau có một cô cấp dưỡng bạo miệng nhất ở cơ quan rụt rè hỏi:
-   Em hỏi khí không phải, hôm nọ có phải anh đã bắn văng mất của anh Hải…
-   Cho chết, ai bảo nửa đêm mò vào giường tôi định…
-   Định làm gì hở anh???
-   Còn định làm gì nữa!?
-   Eo ơi! Sao lại ghê thế nhỉ??? Nhưng mà anh Hải định làm gì hở anh???
-   Làm, làm cái con khỉ. Cô chưa biết chuyện gì mà đã eo ơi hả? Nếu có chuyện nổ súng trong đêm thì mọi người phải nghe thấy chứ! Thế đêm qua cô có nghe thấy tiếng nổ nào không?
-   Không! Em tưởng em ngủ say không nghe thấy. Thế anh Hải không sao chứ ạ?
-   Súng có đạn đâu mà nổ! Anh Hải vẫn còn nguyên vẹn, được chưa nào!? Mà này sao cô lại quan tâm đến anh Hải nhiều thế?
-   Bao giờ? Em thèm vào quan tâm đến anh ấy!
-   Nhưng nếu tôi bắn văng …của anh Hải thì cô có bắt tôi đền không?
-   Phải gió cái nhà anh này nữa! Nói xong cô ta bịt mồm lại cười khinh khích rồi lúc lắc chạy đi.
Cái mông cứ ngoáy đi, ngoáy lại trông thật là ngoạn mục.


Hà Nội, 2017.

(1)   Mấn: cái váy (từ cổ)
(2)   Ghi đông: (Guidon: tiếng Pháp): tay lái, ghi-đông xe đạp
(3)   Cua-rơ: (tiếng Pháp: Coureur): Vận động viên đua xe đạp
(4)   Com-măng-ca: (tiếng Anh: Command-car) - xe dã chiến quân sự loại nhỏ.
(5)   Ê-kíp: (Équipe: tiếng Pháp) nhóm người cùng làm chung một nhiệm vụ với nhau.
(6)   Nã-phá-luân: Napoléon Bonaparte (15-08-1769 mất 05- 05- 1821): Hoàng đế Pháp vĩ đại nhất. Được mọi người tôn vinh là Hoàng đế của các Hoàng đế.
(7)   Thần hồn nát thần tính: nỗi lo sợ quá cao làm mình hoảng hốt tăng lên.