tháng 9 05, 2020

Hoa Xương rồng


 

Cháu nội


 

Tâm tư


 

Tâm linh

      Về hưu rỗi rãi, tôi sang ông bạn hàng xóm, tán gẫu và uống với nhau ấm trà. Chẳng còn chuyện gì là không đem ra “tâm sự”, từ chuyện gia đình, người thân rồi đến hàng xóm, láng giềng, cuối cùng đến cả chuyện chó mèo, gà lợn.   

Ông hơn tôi ba tuổi, luôn tỏ ra là người lớn, chững chạc hơn, thường nhường không cố chấp với “thằng em bất trị”! Tôi ngầm biết vậy và cũng hơi “chờn chợn về cái sự nhường nhịn” ấy, nên dù có “ngang cành bứa” cũng luôn kịp “phanh lại”!

Ấm chè đã nhạt lắm rồi, mà vẫn nấn ná chưa về, mãi sau tôi mới hỏi:

- Ông có tin vào tâm linh, số kiếp không?

Ông hàng xóm cười hiền lành:

- Không, tôi không tin!

- Vậy người ta có linh hồn không?

- Tôi cũng không tin!

- Thế chả lẽ chết là hết à? Tôi cố gặng.

- Chết mà chưa hết! Thế nếu còn, thì còn cái gì?

- Linh hồn! Nếu không còn linh hồn thì hằng năm vào ngày giỗ ông bà, cha mẹ, ta cúng bái ai, cúng bái làm gì? Tôi hỏi vẻ chưa chịu.

Ông thủng thẳng:

- Chuyện cúng bái theo tôi là đạo lý. Con, cháu phải nhớ đến người đã sinh thành ra mình. Phương Đông lấy chuyện cúng giỗ để tưởng niệm đến ông bà, cha mẹ và lấy cúng giỗ để thể hiện sự biết ơn ấy. Qua nhiều năm tháng nó được pha trộn thêm vào những chuyện có màu sắc tâm linh, làm cho người ta thêm tôn kính các đấng sinh thành hơn.

- Nói vậy, tôi thấy chưa xuôi lắm!

- Ngoài châu Á (mà nguồn gốc là từ Trung Quốc), thì ở các nơi khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, mà ngay ở Việt Nam, thì đạo Tin lành, đạo Gia tô cũng không cúng giỗ. Lúc ấy linh hồn cha mẹ, ông bà họ đói khát, cầu bơ, cầu bất cả à?

Mà mình cúng giỗ, nhiều lắm cũng chỉ cúng đến ông bà, thế còn các cụ, các kỵ sinh ra ông bà thì mấy ai nhớ được mà cúng giỗ?

Nếu chết chưa phải là hết, mà vẫn tồn tại, ừ cứ cho chỉ là linh hồn thôi, thì từ tít tắp xa xưa tới nay, hằng hà sa số những linh hồn ấy trú ngụ ở đâu, những linh hồn ấy đang làm gì, sẽ làm gì để tồn tại? Ai còn nhớ đến họ, ai là người còn cúng giỗ họ nữa?

- Ừ nhỉ! Thế còn số kiếp? Tôi hỏi tiếp.

- Hình như có một danh nhân nào đã nói: …Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo thành số phận! Đã là số phận thì thì làm sao mà thay đổi được! Đã không thay đổi được thì cựa quậy làm gì cho trầy vảy! Ông có nghe ông bà ta thường bảo: chạy trời không khỏi số à?!

Bây giờ tôi xin kể ông nghe vài mẩu chuyện người thật, việc thật mới xảy ra với tôi:

1-

Cách đây tám năm 24 năm (1996) bà chị thứ ba của tôi mất, các con bà ấy đưa vong mẹ lên chùa TM Hà Nội.

Tôi nói với các cháu:

- Theo quan niệm người xưa, khi không có con cái, mới đưa vong lên chùa để ăn mày cửa Phật, chứ mẹ các cháu có đến bốn đứa con thì sao lại phải đưa vong lên chùa? 

- Chúng cháu thấy người ta nói đưa vong lên chùa là chắc nhất, con cái giỗ bố mẹ thì giỗ, phải khi con cái nó vì cái gì đó không cúng bái, giỗ chạp gì nữa thì vong vẫn còn có chỗ đi về, dù chỉ là ăn mày nơi cửa Phật vẫn còn hơn không cậu ạ!

- Theo cậu, đưa vong của cha mẹ lên chùa là mở ra một con đường để con cái ăn ở bất nhân, bất nghĩa, không còn cần phải nhớ đến cha mẹ nữa, cái ấy mới là cái quan trọng!

Nhưng mọi trật tự bây giờ đều đảo lộn, nên con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy! Thôi cũng đành theo sự sắp xếp của các cháu vậy!

Hôm ấy có cả bà chị thứ Hai tôi từ Hải Phòng lên. Cúng đến trưa thì cả nhà tôi phải chứng kiến cảnh một cô sư thày cỡ năm chục tuổi, to cao lừng lững, phóng ào cái mô-tô phân khối lớn vào sân chùa. Vừa bước xuống xe, hỏi dăm câu, rồi túm lấy tát thật lực mấy cháu tiểu nữ, chắc là các cháu đã quên chưa làm việc gì cô ta dặn lúc trước!

Mấy cháu nhỏ, mới chỉ mười một, mười hai tuổi ôm cái má sưng vù, nước mắt chẩy ròng ròng mà không dám khóc, không dám kêu! Tôi nóng gáy định xông ra, nhưng bà chị tôi cản lại. Bà là người sùng đạo mà khi về nhà vẫn không sao hiểu được sự việc ấy!

Bà nói như để tự an ủi:

- Có lẽ, chỉ ở trên Hà Nội này mới có cảnh hành hạ trẻ nhỏ trong chùa như vậy!

- Không phải đâu bác à, ở đâu chả thế, chỉ là ta có nhìn thấy hay không thôi! Bác hỏi thằng cháu của bác đây này, nó kể bác nghe về chuyện cái xe của nó!

2- 

- Cách đây hơn năm, cháu bị một thằng sư thày ở chùa…, gần chùa Trấn Quốc lừa định cướp cái xe mô-tô GL của cháu. Nó gạ đổi cái xe cháu đứng tên chính chủ để lấy cái xe Dream cũ không có giấy tờ của một tay nào đó đánh bạc thua gán nợ cho nó.  

Nó đã rủ cháu vào phòng riêng của nó ở trong chùa cho ăn nghỉ, ở đó có sa-lông, có giượng đệm, có điều hòa, có bia rượu và cả gái nữa.

Khi biết bị lừa, cháu đòi mãi không được. Sau phải mất tiền cho Bọn Xã hội, mới lấy lại được xe về đấy bác ạ! 

- Thế kia à?

- Đúng đấy ạ!

3-

- Bác thấy không, bây giờ xã hội đã thay đổi nhiều rồi, như cái chùa HM cạnh nhà em hôm nọ bác lên chơi, có ra lễ Phật và đã gặp Ni cô trụ trì đàm đạo.

Trong chùa này vừa có một bà sư thày. Bà này rất đặc biệt, không có nhà nào quanh chùa là không chửi nhau, cãi lộn, thậm chí còn cậy vào mấy anh Công an địa phường để đe dọa, bắt nạt dân. Con Ỉn nhà em đã đặt tên cho bà ta là “mụ sư Ác Bá”!

Ở lâu, hỏi ra mới biết trước đây bà ta từng là một người đàn bà đã có gia đình, có tới bốn đứa con ở trong HĐ, bị chồng bắt quả tang đang ngoại tình. Họ hàng đã nghi ngờ từ lâu, bắt đi thử ADN thì mới tóe loe ra mỗi đứa con sở hữu một cội nguồn riêng biệt. Thật là một loại trốn chúa, lộn chồng điển hình. Mọi người trong họ phẫn nộ, đè xuống cạo đầu bôi vôi rồi đuổi ra khỏi làng.

Tiện có cái đầu trọc, mụ ta lần mò mẫm tới chùa này, rồi rêu rao lên là có duyên với cửa Phật, xin vào trú ngụ trong chùa, chả biết làm thế nào mà bà ta lại được nhà chùa thu nhận. Rồi cũng chả biết tu hành kiểu gì mà mới được vài năm đã thành một vị sư thày đáng kính, được cai quản mọi việc thu, chi trong chùa.

Nghe nói, bà ta vừa gửi tiền về cho thằng con lớn trong quê xây nhà, lấy vợ!  

Bà ta mua bất kỳ cái gì ở chợ đi xe ôm về đến cổng chùa là đã có mấy người chạy vội đến đỡ xuống xe. Đi tới đâu cũng có người đứng lại, chắp tay, lầm rầm vái lạy.

Không ai cấm tự do tín ngưỡng, nhưng một mụ đàn bà, như mụ này có đáng cho mọi người thành kính đến vậy không?   

***

Chúng tôi lại tiếp tục nói về đề tài Tâm linh.

Ông hàng xóm nói với tôi:

- Mà ông ạ từ xưa ông cha ta cũng có tin vào mấy trò lạy lục cúng bái đâu?

- Tôi tưởng các cụ xưa mới sùng tín chứ!

- Ông có nhớ đến Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đạị vương Trần Quốc Tuấn(1) vị anh hùng có công lao và sự nghiệp vô cùng to lớn, một người yêu nước chân chính, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân lên trên hết, một vị thánh cả đời sống trong gian khổ, nhưng lại cực kỳ khiêm nhường. Ông đã một lòng vì đất nước mà công lao và đức độ chưa có người nào từ xưa tới nay có thể so sánh được, thế mà khi sắp mất, ông đã dặn con cháu rằng: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau phục". Như thế có nghĩa là cụ không tin vào tâm linh, vào kiếp sau. Cụ được nhân dân cả nước, đâu đâu cũng nhắc nhớ. Thế mới là thánh, thế mới là sống mãi trong lòng nhân dân, cần gì phải đền đài, miếu mạo, hương khói cúng giàng!

Nếu cúng bái mà được thần phật phù hộ, tích được nhiều phúc đức thì bọn nhà giàu và bọn thày cúng, lễ lạt suốt ngày để đâu cho hết phúc, hết lộc! Còn người nghèo lo ăn từng bữa, không có gì để cúng bái, thì dễ hẳn không được thần phật đoái hoài đến ư?

 

Tú Xương sống trước ta hơn trăm năm đã không hề tin vào thần phật. Ông đã từng viết :

*** Khi chống ngoại xâm, thì thần phật đi đâu chẳng hiển linh?

Tụng kinh cứu khổ ba trăm quyển 
          Ý hẳn còn quên một phép phù?

*** Cảnh tụng niệm của sư sãi như một trò hề:

Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe,

Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha!

Tu lâu có lẽ lên sư cụ,

Ngất ngưởng tòa sen, nọ đó mà,…

*** Khi thi trượt gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, ông đã thốt lên:

Lúc túng toan lên bán cả Trời,

Thế mà Xuân Diệu một nhà thơ nổi tiếng, khi nói về Tú Xương, đã mặc định:

Ông Nghè, ông Cống(2) vô mây khói,

Đứng lại văn chương một Tú tài(3)!

Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, năm 1907 lúc đã 72 tuổi cũng cố lọm khọm chống gậy đến tiễn nhà thơ Tú Xương mất mới 37 tuổi bằng câu đối viếng để đời:

Kìa ai chin suối xương không nát, 

Ắt hẳn nghìn thu, tiếng vẫn còn!

***

Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng được rất nhiều người sùng tín, cúng lạy suốt ngày, thế mà dưới lăng kính của bà cũng chỉ là mấy cảnh đáng đem ra bỡn cợt, chỉ đáng coi như trò đùa của bọn phàm phu tục tử!

Đúng là “mục hạ vô nhân”!

 

Chùa Hương

Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm, 
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. 
Người quen cõi Phật chen chân xọc, 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. 
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, 
Con thuyền vô trạo cúi lom khom. 
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại, 
Rõ khéo trời già đến dở dom.

 

Chùa Quán Sứ

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo, 
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo? 
Chày kình tiểu để suông không đấm, 
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo. 
Sáng banh không kẻ khua tang mít, 
Trưa trật nào người móc kẽ rêu. 
Cha kiếp đường tu sao lắt léo, 
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.

 

Chùa Xưa

Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?

Nhưng cũng chính bà, chính ngòi bút thần diệu ấy đã để lại cho chúng ta cả một kho tàng văn học vô giá!

***

Ông thử nghĩ xem nếu có sự linh thiêng của thần phật, thì khi bị coi thường như thế, các vị thần phật đâu dễ để yên cho các danh nhân ấy tồn tại, còn đâu mạng sống mà sáng tác những tác phẩm bất hủ nữa?

Nghe ông bạn thuật lại vài chuyện mắt thấy tai nghe và cả những sự đánh giá lịch sử về các danh nhân, tôi thở phảo:

- Nếu có tâm linh thì làm sao lại có chuyện xảy ra như vậy, ông nhỉ?

- Nếu có thần phật và có sự linh ứng thật thì kẻ gây ra tội ác phải gặp ác giả, ác báo chứ làm sao mọi việc làm sai trái, ác độc lại phải trông cậy vào pháp luật để trừng trị? Bọn buôn ma túy, giết người, tội rất nặng, có thể bị tử hình, thế mà chúng có sợ đâu! Rõ ràng những kẻ gây tội ác không sợ bị báo ứng, tức là chúng không tin là có thần phật, không có tâm linh nào cả?!

- Đúng thế! Nếu có thần phật thật thì bọn lợi dụng vào lòng tin của mọi người để kiếm ăn và để bôi nhọ thần thánh sẽ bị quật ựa mì hai tôm(4) ra ấy chứ, ông nhỉ?!

- Ông thử nghĩ xem người nghèo thì khổ đã đành, muốn ăn no cũng không có, nhưng cứ nghĩ ngược lại mà xem bọn giàu sụ thì ăn hết bao nhiêu, bữa có ăn hết cân thịt, đấu gạo không? Ông lão ăn mày nghèo thì gầy gò, vua quan thì béo tốt. Nhưng khi chết thì ông vua béo với lão ăn mày gầy cũng chỉ là những món ăn khác nhau trên cùng một bàn tiệc của loài ròi bọ!(5)

Tôi nghĩ là nếu còn thì hãy sống cho nó đúng với đạo lý của người lương thiện(6).

Cái phòng ở cũng chỉ hơn chục mét vuông là đủ, cái giường để nằm ngủ cũng chỉ đến một vài mét vuông là rộng rãi!

Cốt sao được thoải mái như các cụ thường nghĩ về người lương thiện:

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch,

Người quân tử(7), ăn chẳng cầu no.

Đêm năm canh an giấc ngáy o o!

Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ!?

Có phải thế không ông?

Tôi ra về, vừa đi vừa nghĩ thầm: “Thì ra người hơn tuổi cũng có khôn hơn thật”!

 “”

Hà Nội, 2020.

 

(1)  Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn: (1232? - 1300) là danh tướng thời nhà Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông.

(2) Ông Nghè, ông Cống: Người đỗ tiến sĩ, hương cống thời phong kiến.

(3)  Tú tài: Người đỗ đạt thứ bậc thấp nhất thời Phong kiến.

(4)  Câu này là câu cửa miệng của một ông bạn già làm nghề khâu giày.

(5)  Câu trong kịch… của William Shakespeare.

(6)  Lương thiện: người ngay thẳng, không gian dối.

(7)  Quân tử: người có nhân cách cao thượng, đức độ.