tháng 12 24, 2017

Bà cháu


Thiếu nữ khỏa thân


Địa Lan


Nhà học giả và cô vợ xinh đẹp

Khi tôi khoác ba-lô, khăn gói lên Công trường 74 nhận nhiệm vụ, thì được ông Chủ nhiệm(1) Nguyễn Chiến niềm nở đón tiếp. Chiều tôi sang trình diện ông Phó chủ nhiệm Lê Bộ Phụ trách Kỹ thuật công trường.   
Công trường này được Bộ Giao thông thành lập năm 1974, nên gọi tắt là công trường Bảy Tư, cùng với Đội Xây dựng Hồ Chí Minh của Cu-Ba do đích danh Chủ tịch Fidel Castro thành lập và đưa sang giúp đỡ Việt Nam xây dựng cầu đường.
Công trường Bảy Tư đóng trên một quả đồi cạnh quả đồi của Đội Xây dựng Cu-Ba tại thị xã Xuân Mai, có nhiệm vụ làm mới con đường từ Xuân Mai đến Ba Vì dài trên 30 ki-lô-mét và 13 chiếc cầu nhỏ và trung nằm trên đó.
Sau này tôi còn biết thêm ông Lê Bộ Phó chủ nhiệm là con út bà vợ hai một nhà Giáo dục lớn và cũng là nhà Biên khảo Việt Nam có tiếng của nước ta.     
Ông Bộ luôn đĩnh đạc, trên tay không mấy khi rời quyển từ điển Anh-Việt Việt-Anh dày xấp xỉ 2000 trang, nặng trịch. Tất cả mọi người đều kính nể sự “uyên bác” của ông và đều gọi ông là nhà học giả. Chẳng cứ tôi, mà ai cũng quan niệm chỉ những học giả mới có chiều dày kiến thức đến hai nghìn trang như thế!
Khổ nỗi mấy tủ hồ sơ lớn chật cứng tài liệu kỹ thuật lại toàn bằng chữ Tây Ban Nha. Vì thế quyển từ điển Anh-Việt dày kia chẳng có tác dụng mấy ngoài việc tô điểm thêm cho “bức chân dung học giả” được toát lên ở ông.
Mãi sau, ông biết tôi cũng có biết chút tiếng Anh và nhất là sau khi tôi khai thác được đống tài liệu đồ sộ bằng tiếng Tây Ban Nha, ông đã hỏi han tôi thân mật hơn tí chút. Tôi vui vẻ trả lời vị lãnh đạo rằng tiếng Tây Ban Nha có nhiều phần giống tiếng Pháp, mà tiếng Pháp thì bọn học trò tuổi ông, tuổi tôi làm gì chẳng biết một ít. Từ đó ông mới thôi không cắp quyển từ điển to, dày ấy nữa. Cũng may sau đó ông không tỏ ra giận dỗi hay thù ghét gì tôi cả.
***
Việc tôi không nhận chức vụ ở Công trường sau cũng gây ra không ít phiền toái.
Chả là lần về nhà vợ tôi phải cấp cứu vì suy tim, không kịp chạy ngay lên công trường để xin phép nghỉ được.
Tôi vội viết lá đơn xin nghỉ phép gửi Bưu điện lên cho mấy ông chỉ huy, nhưng trong lòng vẫn áy náy, chưa thật yên tâm lắm.
Hôm đón vợ về nhà, tôi vừa cọc cạch đạp xe đến Xuân Mai, thì ông Phó chủ nhiệm phụ trách Kỹ thuật, “chủ nhân ông” quyển từ điển nặng trịch gần hai nghìn trang, gọi tôi vào, pha nước uống rồi đưa lá đơn xin nghỉ phép tôi viết ra cho tôi xem.
Tôi chột dạ biết lỗi, vội trình bày:
- Xin lỗi chỉ huy, đáng lẽ tôi phải lên đây xin được phép rồi mới nghỉ, nhưng do hoàn cảnh ngặt quá. Tôi viết đơn gửi qua Bưu điện. Thế là có lỗi, tôi xin lỗi anh.
- Tôi không nói về cái chuyện anh xin nghỉ phép lại gửi đơn qua Bưu điện. Nhưng anh thử đọc lại cái đơn anh viết xem nó thế nào?
- Có chỗ nào sai sót xin anh chỉ bảo.
- Anh định “chơi” tôi phải không?
- Sao anh lại nặng lời thế ạ?
- Anh viết cái đơn xin nghỉ phép mà lại để tên tôi và tên thằng Đoàn cùng chỗ.
- Ơ hay, anh là chỉ huy tối cao về kỹ thuật ở công trường, còn anh Trần Đoàn là trưởng phòng Kỹ thuật. Chả nhẽ chỉ là một lá đơn xin nghỉ phép, có hai anh lãnh đạo, tôi lại viết thành hai lá. Vả lại trong đơn tôi đã xếp anh phía trên đấy thôi ạ!
- Nhưng thằng Đoàn chỉ là Trung cấp.
- Trung cấp, nhưng anh Đoàn vẫn là trưởng phòng tôi.
- Anh coi tôi ngang như thằng Đoàn!
- Anh là anh, còn anh Đoàn là anh Đoàn, về tuổi tác và chức vụ anh đều hơn anh Đoàn. Mà sao anh lại hỏi tôi thế? Hay trong lá đơn này có chỗ tôi viết sai chính tả?
- Tôi cũng chẳng hiểu sao khi Tổ chức bố trí anh là Phó Chủ nhiệm công trường anh nhất định không nhận, để bây giờ anh phải viết đơn xin phép một thằng Trưởng phòng mới học trung cấp?
- Về việc này tôi đã báo cáo với Đảng ủy Công trường rồi, mong anh hiểu cho ạ.
- Nói vậy thôi, chứ cùng học Bách Khoa, cũng “xêm, xêm(2) tuổi nhau, tôi với anh vẫn là bạn mà.
- Tôi chưa bao giờ coi anh là bạn.
- Thế anh coi tôi là gì?
- Anh là Phó Chủ nhiệm Công trường. Anh là cấp trên của tôi.
- Cấp trên cũng có thể là bạn chứ!
- Chưa bao giờ.
- Tại sao?
- Tôi thấy tôi không thể!
Thế rồi vì không thể là bạn của nhau nên chỉ ít lâu sau đó tôi không còn nhớ gì đến ông Phó chủ nhiệm công trường ấy nữa.
Ông Phó Chủ nhiệm Lê Bộ gốc người Hà Tĩnh, nhưng bố ông đã ra Hà Nội từ những năm 1930 nên ông sinh ra đã là người Hà Nội. Chẳng bao giờ ông nhắc đến quê hương Hà Tĩnh cũ. Cái đó cũng chẳng lấy gì làm lạ, nhiều người trước có dính dáng đến Hà Nội tí chút thì dù đã đi khỏi Hà Nội mấy đời, khi nói người ta vẫn nhắc đến là đã từng ở Hà Nội. Nhưng nếu đó là quê nghèo thì dù chỉ vừa đi khỏi cũng chẳng ai muốn nhắc đến vùng quê đó nữa, chả cứ gì ông!
Ông Bộ là một người đàn ông cân đối, dáng rất chuẩn nhưng có lẽ do ông ăn mặc quá chỉn chu gọn gàng. Áo quần luôn được là thật phẳng phiu, áo bao giờ cũng cắm thùng tử tế vì thế nên người ngoài nhìn có cảm giác hơi là lạ, y như thấy cặp chân dài quá so với cái thân bên trên ngắn quá.
Ông luôn chỉn chu thế nên vợ ông nên tất nhiên phải là người đàn bà đẹp và rất hoàn chỉnh.
Vợ ông, cô Thi là một cô giáo dạy Nga văn cấp 3 giỏi có tiếng ở Hà Nội. Một cô giáo dạy giỏi tại Thủ đô nên tất nhiên cô phải giao lưu, tiếp xúc với rất nhiều loại người, rất nhiều các tầng lớp trong xã hội. Trong đó có đủ các hạng người, tốt có, xấu có. Mà bao giờ xấu cũng nhiều hơn tốt.
Ở đời cũng chẳng ai lạ gì bao giờ thằng xấu cũng giàu hơn thằng tốt, nên trong khi ông còn đang vất vả “tạo dáng” với quyển từ điển nặng trịch trên công trường, thì học trò bắt gặp “cô giáo xinh đẹp và đáng kính” của chúng cặp kè với mấy ông “người xấu” nhiều tiền. Một lần chúng còn thấy cô giáo tay trong tay một ông Liên-Xô to vật vào Hô-theo(3) nghỉ nữa. Tất nhiên ở đời không ai cấm được ai “nghĩ bậy” về việc đó.
Sự việc này sau hình như cũng đến tai ông, ông chả biết tâm sự với ai nên một hôm tự nhiên ông lại ngồi kể lể với tôi:
- Nhà tôi là một nhà giáo giỏi có tiếng, nên hay phải giao tiếp với quan khách các cấp và nhiều đối tượng, kể cả người nước ngoài. Nên nếu chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài một cách hời hợt rồi suy diễn thì làm sao mà thấu hiểu được cái nội dung sâu xa bên trong được!  
 - Tất nhiên! Nhìn bên ngoài thì thấy thế nào được những cái ở bên trong! Tôi vội vàng hùa theo ý kiến của cấp trên một cách rất hào hứng.
***
Mấy năm sau cô giáo Thi được sang Nga thực tập để “nâng cao nghiệp vụ”! Ông sang thăm vợ, chẳng may bị mấy thằng “đầu trọc”(4) đánh nhầm, chết ở bên ấy.
Khi nào nhớ đến ông tôi cũng nghĩ, ông sinh ra phải là người Nga thì hợp hơn là người Việt ta.

Hà Nội, 2017.
(1)   Chủ nhiệm: Người đứng đầu một tổ chức hoặc một cơ quan.
(2)   Xêm, xêm: Tiếng Anh: same: giống như nhau, cũng vậy, cũng như thế.
(3)   Hô-theo: Hotel Tiếng Anh: nhà nghỉ, khách sạn
(4)   Mấy thằng đầu trọc: Bọn Ma-fi-a Nga