tháng 10 02, 2016

Cầu ao


Nhành hoa Loa Kèn


Mùa xuân đã về với hai bà cháu


Ước ao & Tan vỡ




ƯỚC AO 
 Cháu tôi giâm một cành khô, 
Cháu chăm, cháu bón mong chờ cây xanh. 
Cháu ơi, trong cõi ngũ hành, 
Ước ao nho nhỏ, có thành được không? 
                                              
                                                      6-2016. 


 TAN VỠ 
Ước mơ của cháu không thành, 
Lòng ông tan nát, chồi xanh héo rồi. 
Thời gian cứ thế dần trôi, 
Ông không còn nữa, cháu rồi về đâu?! 

                                                    25-08-2016.

Giâm cành khô


Đó là đứa cháu nội đích tôn duy nhất của tôi. Từ khi sinh cháu bị bệnh tự kỷ không chữa được hết bệnh và theo lời thày thuốc thì phải chung sống với nó suốt đời. Năm nay cháu mới mười tuổi. Có đi học, nhưng theo lớp, theo bạn rất khó khăn, được cái cực kỳ thông minh nhưng lại rất hay tủi thân.
Trước đó một thời gian khá lâu như đã có linh cảm thấy sự tan vỡ của gia đình, nên nó hay hỏi ông bà những câu: 
-   "Bố mẹ cháu chẳng chịu nói chuyện với nhau, có khi nào bố mẹ cháu bỏ nhau không hả ông?"
Hay:
- “Bà ơi thế li dị là gì hở bà?”
- “Li dị là không ở với nhau nữa, là bỏ nhau cháu ạ.”
- "Bà ơi, thế bố mẹ cháu ly dị, thì cháu sẽ ở với ai hả bà?"
- “Cháu ở với ai là tùy bố mẹ cháu, nhưng ở với bố thì thiếu mẹ, mà ở với mẹ thì thiếu bố!” 
Một hôm cùng cháu vào chơi trong trang trại của ông em vợ tôi trong Hà Đông, tôi thấy nó hì hục đào đất rồi giâm một cành cây xuống hố. Xách nước tưới tắm như tưới cho một cây đang mọc tốt trong vườn.
Thấy tôi đến gần nó ngước lên hỏi:
- Ông ơi, cháu trồng cành này xuống, liệu nó có sống không hở ông?
Tôi thương cháu đành an ủi nó:
- Cháu giồng một cái cây đã khó sống rồi, bây giờ giâm một cành cây thì lại càng khó sống hơn. Nhưng nếu cháu có niềm tin thì cũng có khi cành cây vẫn sống!
- Cháu trồng cái cành này, cầu mong cho nó sống.
Ngừng một lúc nó nói:
- Cháu cũng cầu mong cho bố mẹ cháu đừng bỏ nhau!
Tôi đã vội quay đi để mình không chảy nước mắt trước cháu. Tôi cũng thầm cầu mong như nó, cầu mong cành cây kia sống được, cầu mong cho gia đình cháu không tan vỡ.
Nhưng rồi sự việc đau lòng ấy vẫn xảy ra.
Hôm bố mẹ chúng đưa nhau ra tòa, hai chị em nó đã khóc, nhưng chỉ khóc rấm rứt, trong khóe mắt đầy vẻ van vỉ, cầu mong người lớn hãy nghĩ lại.
***
Từ đấy nó càng thêm lầm lì ít nói hơn, thường ra ngồi một góc vắng, mắt nhìn xa xăm, vô cảm.
Thật tội nghiệp! Thật đau lòng! 
Không biết cuộc đời của cháu sau này sẽ ra sao khi tôi không còn nữa.


Hà Nội, 2016.

tháng 10 01, 2016

Bãi biển Đồ Sơn dưới nắng thu


Chùa Đồng Thiện Hải Phòng - 1963


Bãi biển Đồ Sơn dưới nắng thu


Hai ông già "ngứa vảy"

Hơn một năm làm Tư vấn Giám sát mười cầu lớn trên đất Lạng Sơn. Ở gói V mà tôi công tác, có hai bác già cùng văn phòng. Tuổi tác hơn tôi đã đành, chức vụ khi còn đang làm việc cho nhà nước của hai bác cũng đều cao “lên đến đỉnh”. Cụ Hòa “khan” nguyên là Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội, còn ông Soa nguyên là Bí thư Đảng đoàn Viện Thiết kế. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà Ban Quản lý Dự án lại cứ nhất định “gí” tôi “chân” Tư vấn trưởng.
Tôi cũng đã “biết thân”, từ chối năm lần, bảy lượt nhưng vẫn không sao thoát được. Nhận mà trong lòng vẫn cứ “lo ngay ngáy”. Quả thật nỗi lo sợ vu vơ ấy chẳng “vô lý” chút nào.
Đầu tiên là lời ra tiếng vào:
- Đã không có Đảng, chẳng có tý chức vụ nào, lại không phải là nhiều tuổi nhất gói, mà “lại đòi” chỉ huy chúng tớ à?
- Thử xem rồi “trụ” được bao lâu!?
Mà khốn khổ cái chức vụ “tư vấn trưởng” “hữu danh vô thực” này y hệt như cái “thùng rác” công cộng, chứ có hay hớm gì đâu:
* “Sếp”(1) trực tiếp lúc ấy là Kỹ sư hiện trường Ichiro Tanaka, người Nhật, cần gì, gọi vào sai bảo.
* “Sếp” bực bõ gì, gọi vào mắng mỏ và trút giận! Thậm chí lỗi của người khác, mình cũng vẫn bị gọi vào mắng như thường.
* Ngay như cô đầu bếp có “khúc mắc" gì cũng tìm đến tôi “tâm sự” và “đòi giải quyết” cho bằng được. Việc “sếp” bắt cô ta đi khám phụ khoa, rồi lại cái thói quen của “sếp” đang tắm mà cứ “nhông nhông” chạy ra, chạy vào tự nhiên như ruồi, trong khi cô ta đang dọn bếp ngay cạnh đó (“Cứ y như gợi ý ấy!” Đấy là lời cô ta nói).
* Còn nhà thầu thì tất nhiên rồi. “Hỉ”, “Nộ”, “Ai”, “Lạc”, bất kỳ cái gì cũng tìm “tư vấn trưởng” để “cằn nhằn và nạt nộ”! Khi họ hài lòng thì không sao, những khi không hài lòng như vụ ông Huy “Tiến sỹ” từng dạy trường Đại học Xây Dựng, “ninh cháo điện thoại” với “cô bồ nhí” ở Sài Gòn mỗi tối mấy tiếng, làm cho bảng thanh toán tăng tếu lên(2), gấp rưỡi lương của cả đội thi công ba, bốn chục con người thi công cầu Mai Pha.  
Ông Thuận Tổng Giám đốc Điều hành Dự án bên Nhà thầu tức “sùi bọt mép”, chạy sang la lối om sòm đến lạc cả giọng, y như ăn  nhầm phải cả một nồi khoai ngứa.  
Đủ các thứ phiền toái, thế mà lương của tôi có hơn các ông làm cùng Văn phòng xu nào đâu!
Nhưng đã nói đi cũng phải nói lại! Bởi cũng có vài ba người sợ bóng, sợ gió cái “hữu danh vô thực” ấy. Nhà thầu, hết giờ làm việc thì rình đón “tư vấn trưởng” đi ăn, đi Ka-ra-ô-kê(3) cho bằng được, còn mấy bác già Tư vấn ở cùng tổ lại cũng thích rủ “tư vấn trưởng” đi chơi gái.
***
Từ xưa đến giờ, chẳng có thằng đàn ông nào không thích gái. Ngay đến mấy nhà tu hành đức độ cao chót vót cũng còn ham “mò mẫm” nữa là!
Như bác Hòa từng làm đến Giám đốc mà còn phải thốt ra là:
-   Tôi tuy không ẩn tuổi “Lợn”, vợ tôi cũng không ẩn tuổi “Hùm”, mà chẳng hiểu sao khi đứng trước mặt vợ, tôi cứ “ấp a, ấp úng như ngậm hột thị”. Bà ấy chỉ cần đằng hắng nhỏ một cái là “linh hồn đã vãi ngay ra” và rồi có cái gì ở đâu cũng “tông tốc” lôi ra khai cho bằng hết.
Tôi từ lúc sinh ra đã nhút nhát, thường lẩn thẩn nghĩ mình đã có tuổi, lỡ như có chuyện gì thì ăn nói thế nào với mọi người chung quanh, nhất là với bà vợ già!
Cứ thử nghĩ mà xem, bà vợ tôi mà biết là tôi đã đi chơi gái thì “ôi thôi, còn đâu đường về quê mẹ”! Vì thế có những tối hai ông bạn già rủ rê kiểu gì, thậm chí còn hứa là sẽ “bao cho miễn phí”, tôi cũng chưa lần nào dám mạnh dạn “theo hầu các chiến hữu”.
Tuy vậy “nghề chơi cũng lắm công phu”, đôi khi cũng gặp vài sự cố hy hữu xảy ra như “gái” mò vào tận khu nhà của Tư vấn để đòi tiền “bo”(4) như lời hứa của mấy “sếp” lúc đang được em ôm trong lòng cùng nhau bồng bế nhau bay “lơ lửng lên chín tầng mây”.
Bảo vệ làm um lên. Nhưng rồi chuyện đâu lại vào đó, có vấn đề gì to tát đâu! Lần nào các “sếp” cũng hứa sống, hứa chết là lần này xin chừa, nhưng lần sau vẫn vậy.
Cụ Tú Xương xưa chẳng đã nói:
“Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào hay cái đó!
Có chăng chừa rượu, với chừa trà!”
Thành ra hai ông bạn Tư vấn già vẫn chứng nào tật ấy. Bảo vệ lại vẫn làm um lên. Cả Văn phòng lại được cười một trận cười ngả nghiêng “không phải mua vé vào cửa”. Hai cụ vẫn đều đặn mò mẫm tìm đường lên “cõi niết bàn”, chứ không phải là tìm đường cứu nước đâu ạ!
Nói như cụ Tú xưa là rất chí lý, làm sao mà chừa được! Mà chừa để làm gì?
Bởi vì:
Chơi đi kẻo nữa "về" già!
Ngồi trên nóc tủ, ngắm gà khỏa thân.


Hà Nội, 2016.

(1)   Sếp: khẩu ngữ từ cũ, nghĩa cũ: Chef: tiếng Pháp: người đứng đầu cơ quan.
(2)   Phí điện thoại nhà thầu phải trả cả cho Dự án và cả cho Tư vấn dùng
(3)   Ka-ra-ô-kê: Tiếng Anh Karaoke: Hát theo lời bài hát trên màn hình, có nhạc đệm thu sẵn.
(4)   Tiền bo: Tiền thưởng thêm. Pourboire: tiếng Pháp