tháng 10 14, 2017

Đinh Xuyên

Trong trận máy bay Mỹ đánh hủy diệt vào Hà Nội hồi tháng 12 năm 1972, thì Viện Thiết Kế Giao thông, cơ quan hai vợ chồng tôi công tác sơ tán về làng Đinh Xuyên(1), huyện Chương Mỹ, lúc bấy giờ thuộc Hà Đông. 
Làng Đinh Xuyên là một làng nhỏ, nằm cạnh quốc lộ 21B, gần cầu Tế Tiêu đường ra Phủ Lý.
Mặc dù nó cách Hương Sơn chưa đến nửa dặm đường. Nhưng Đinh Xuyên không thơ mộng như câu hát:
“…Cách động Hương Sơn nửa dặm đường…
Có suối nước trong tuôn róc rách…
Có hoa bên suối ngát đưa hương…”

Ông Dũng trưởng phòng Hành chính, phân gia đình tôi đến ở nhờ nhà bà Ân. 
Đinh Xuyên là một làng quê giống như bao làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ: nghèo, tốt bụng nhưng còn mang nặng màu sắc của những tập tục cổ xưa lạc hậu.
Từ lâu làng đã có lệ bất kỳ ai đến nhà, ngay cả là người nhà, họ hàng đi nữa, vợ chồng cũng không được ngủ chung một nơi. Họ quan niệm rằng nếu người đến nhà mà ở chung, chẳng may vợ chồng “sinh chuyện” lỡ mang thai thì nhà chủ sẽ gập đen đủi, thậm chí còn “mất người nhà” để “bù lại con số” mà Nam Tào đã duyệt cho “từng hộ” dưới trần gian này!
Lúc bấy giờ tôi mới có cháu đầu lòng hai tuổi nên hai mẹ con nó được ở lại đây. Tôi thì phải đi ở nơi khác dành cho mấy ông đàn ông. Thế là cứ đến trưa và tối tôi lại về nhà bà Ân để ăn cơm. Ăn xong lại lặng lẽ về nơi quy định mà ngủ chứ không được ở lại với vợ con, dù trời hôm ấy có mưa, bão to đến mấy.
Nhà bà Ân cũng rộng rãi, mát mẻ, không đông người lắm, bà mới khoảng ngoài bốn mươi, còn ông thì đã “đi xa” lâu rồi, vợ chồng anh con cả khoảng hai mốt, hai hai cũng mới có một cháu bé trên một tuổi và thằng út mười ba, mười bốn.
Ngoài nghề nông năng suất thấp thì làng còn có nghề phụ là làm nón lá, giống như làm nón lá ở Chuông cách đó mấy cây số về phía Hà Nội, nhưng nghề nón ở đây kém sự tinh xảo như nón Chuông.  
Đàn ông, đàn bà đều biết khâu nón nhanh thoăn thoắt. Sơ tán gần năm nên các khâu như là lá, tẩy trắng lá, xếp lá lên khuôn, chằm lá tôi đều được xem đi, xem lại nhiều lần.
Ngoài nghề khâu nón, làng còn nghề cào hến trên sông Đáy ngay cạnh làng.
Quan sát chằm nón đã thấy thú vị lắm rồi, nhưng quan sát cào hến trên sông thì thấy còn thú vị hơn nhiều. Chẳng biết do dòng nước trên sông không chảy xiết lắm, hay do vị ngọt ngào của dòng nước, mà hến dưới sông ở đoạn này nhiều vô kể. Chỉ cần một con thuyền nhỏ, người chèo, người cào hến như cào bùn dưới sông mà loáng cái đã được lưng thuyền. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây những sản vật không thật quý hiếm nhưng rất thiết thực với đời sống thường ngày của họ.
Hến rẻ lắm, có khi còn xin nhau được vài bơ. Mua ở chợ hến đã sạch lắm rồi. Luộc ít nước, chỉ vài hào lửa(1), đem ra chậu nước đãi như đãi gạo. Bơ hến cũng được miệng bát ăn cơn ruột, nấu canh với mẩu bí đao hay vài quả su-su hoặc đem xào với củ hành thì thật tuyệt vời, ăn cơm vào lắm, mà lại có nhiều chất bổ không kém gì hải sản cả.
Chợ búa ở đây cũng rẻ hơn Hà Nội nhiều, nên ít lâu sau dân địa phương khó chịu nói với nhau:
- “Bọn sơ tán” đến đây, làm cho giá chợ tăng lên đến bực mình! Vì “bọn sơ tán” nói bao nhiêu họ cũng lấy. 
Tất nhiên người bán thì thích, nhưng người mua lại khó chấp nhận. Nhưng có ai đi chợ mà chỉ bán không mua, nên quanh đi quẩn lại vẫn thế thôi, chỉ có hàng hóa thì chạy hơn trước nhiều. Chợ sầm uất tấp nập hơn hẳn.
Sau đó ít ngày gia đình tôi dọn sang nhờ nhà cụ Bằng, vì cụ đã nói với cơ quan không đồng ý cho chị Hồng ở nữa.
Chị Hồng là phiên dịch Trung văn của cơ quan mà lại là một phụ nữ đẹp. Chả thế ngày trẻ ông Phúc Viện trưởng đã có thời chết mê, chết mệt.
Có lẽ ông trời đã cho ai sắc đẹp, thì lại bớt đi của họ sự khiêm nhường và chăm chỉ! Ở nhờ nhưng chưa bao giờ chị Hồng quét được cái nhà lại còn hay dưỡn dẹo, làm duyên, làm dáng quá đáng khi có mấy ông đàn ông đến chơi. Bà lão chủ nhà đã trên sáu mươi mà cứ phải xách nước về cho cô “sơ tán” ở nhờ còn trẻ, khỏe hơn tắm giặt thì “bố ai mà chịu được”!    
Theo dân làng kể lại thì cụ Bằng là một người đàn bà già cô độc và khó tính nhất làng. Thời xưa, cụ là một cô gái đẹp, nhà giàu. Kết hôn từ năm mười sáu tuổi với một doanh nhân thành đạt. Cụ chỉ sinh được một cô con gái. Lớn lên con gái cụ cũng kết hôn với môt người giàu có trong làng. Sinh cho cụ một thằng cu con bụ bẫm.
Ít năm sau cụ ông mất còn anh con rể lại phụ tình vợ, bỏ lên Hà Nội với nhân tình. Cô gái gửi con lại cho bà ngoại để lên Hà Nội bán buôn và hy vọng tìm gặp lại được chồng. Ở nhà chỉ còn lại một bà già lão, một cháu nhỏ dại mới bốn năm tuổi đầu, chẳng may cháu tha thẩn thế nào rơi xuống bể phân chết. Ở làng này, nhà nào cũng xây một bể phân, không mái, rất to, dùng trữ phân bón ruộng mầu. Mẹ cháu như điên, như dại và cuối cùng chết đuối ngoài sông. Thế là bà lão chỉ còn lại một mình trong căn nhà ngói rộng rãi, trống vắng. Đúng là một gia đình bất hạnh. Vì vậy ai cũng cho là bà già khó tính.  
Nhưng khi có ở mới biết, cụ là người rất nhân hậu và chu đáo.  
Sang ở nhà cụ Bằng được hơn tháng, một chiều đang ngồi ăn cơm với vợ con thì tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và rồi một quầng lửa từ trên cao rơi xuống ngay đỉnh đầu. Ngẩng nhìn lên biết không thể chạy kịp ra hầm ở góc sân nữa, tôi đành ngồi nép vào nhau chấp nhận cái khoảnh khắc kinh hoàng đang ập xuống. Nhưng chẳng hiểu sao lần ấy một nửa cái máy bay của Mỹ vào đánh Hà Nội bị trúng đạn rơi đâu mất một nửa đuôi, còn nửa đầu thì lạng về tận Đinh Xuyên mới rơi xuống. Khi hoàn hồn xem lại thì mảnh đầu máy bay này rơi cách chỗ chúng tôi chưa đầy mười mét, vào giữa khu vườn có cái miếu thờ Thần. Làm cháy chiếc nhà tranh nhỏ cạnh đó và giết chết một cháu bé mới mấy tháng tuổi nằm ngủ trong nhà.
Gần như cả cơ quan nghĩ là gia đình tôi đã bị xóa sổ, bèn đổ xô đến. Lúc thấy chúng tôi không sao mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau hôm ấy cụ chủ nhà bảo vợ chồng tôi ra thắp hương để tạ Thần. Cụ còn cho một búp hương và nải chuối trong vườn, nên cũng không phải ra chợ mua bán gì cả.
Có lẽ thấy thằng con nhỏ tôi bi bô, tập đi, tập nói mà cụ Bằng nhớ đến thằng cháu bất hạnh của mình nên đặc biệt yêu chiều nó.
Một lần cụ đang thắp hương trên ban thờ có để nải chuối chín. Thằng con tôi cầm tay cụ chỉ lên nải chuối rồi bi bô hỏi:
- Bà ơi, bà bầy cái gì trên ban thờ đấy?
- Nải chuối đấy cháu ạ!
- Thế có ăn được không hở bà?
Không ngờ bà lão cầm nải chuối xuống bẻ cho thằng bé mấy quả chín nhất. Vợ tôi kể lại, khi thấy thế đã sợ “tái mào”, và nghĩ rằng cụ Bằng sẽ đuổi không cho ở lại trọ nữa. Nhưng chuyện đó không xảy ra.
Một hôm ăn cơm tối xong thì trời đổ mưa sầm sập, tôi mặc áo mưa chuẩn bị về nơi quy định để ngủ, thì không ngờ cụ Bằng gàn lại nói:
-   Mưa gió thế này, bác giai ở lại đây mà ngủ với cháu cho khỏi ướt.
-   Dạ, cháu không dám.
-   Sao thế, tôi không kiêng thì ai vào đây mà cấm?!
-   Nhưng lệ làng…
-   Ối dào, người ta sợ chủ nhà gặp đen đủi chứ gì? Nhưng tôi đã già lão, đen đủi đến thế này rồi, còn đen đủi hơn thế nào được nữa?
Thế là tối ấy tôi được “đặc ân” ngủ lại với vợ con sau bao ngày bị “cách ly”. Và con cháu thứ hai cũng được “hình thành” từ đêm đó.
Khi yên hàn sau vụ B52 đánh phá vào Hà Nội, cơ quan tôi lại dọn về phố Hàng Bột cũ để làm việc, tất nhiên chúng tôi cũng phải bồng bế nhau về.
Lúc chia tay, cụ Bằng đã bế thằng con nhỏ của tôi khóc mãi mới trả cho mẹ nó, rồi bọc thêm nải chuối, gói cà, mẻ dưa muối vàng rộm. Thời kỳ sơ tán về đây nhà tôi mới biết muối cà, muối dưa rất ngon theo cách làm của cụ Bằng.
***
Đã hơn bốn chục năm qua đi, do bận rộn lo kiếm sống trên khắp các nẻo đường, thời gian và công việc cứ cuốn đi nhanh vùn vụt, không một phút nghỉ ngơi, không một giây yên tĩnh. Ký ức thi thoảng cũng hiện về, nhưng không cho phép tôi dừng lại. Mãi tới hôm nọ hai vợ chồng có việc đi về Hương tích, khi qua gần Đinh Xuyên, cũng có ý ghé thăm lại cụ Bằng, bà Ân, nhưng bà nhà tôi bảo:
-   Nếu còn, thì cụ Bằng phải trên trăm tuổi, bà Ân cững phải ngoài chín mươi rồi.
-   Làm gì đến thế!? Tôi cãi.
- Thì ông cũng đã tám mươi rồi còn gì nữa! Thằng con ông đã gần năm mươi thôi!
-  Ờ nhỉ!
- Thôi ông ạ, trong lòng mình vẫn còn nhớ đến những ân nhân cũ là được rồi. Mong các cụ thông cảm mà đại xá!

Hà Nội, 2017.
1- Đinh Xuyên: tên cũ là Đanh Xuyên 
2- Vài hào lửa: phương ngữ, có nghĩa chỉ đun sôi sục lên là được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét