tháng 8 22, 2021

Chiều tà - ảnh mạng


 

Ảo vọng - Thơ

 

Dẫu biết là ảo vọng

Sao cứ mãi đắm chìm.

Trái tim không có mắt,

Lần tìm gì trong đêm?

***

Hào quang ánh lung linh,

Rực rỡ bao quyến rũ!

Trong ảo vọng mong manh,

Ta thấy mình tan vỡ.


                                                   Hà Nội, 2021.

Bảo gia chi mệnh - Truyện ngắn

Nghe tin ông bạn ốm đã mấy ngày, hôm nay tôi mới sắp xếp qua thăm được.
Thấy ông bạn có vẻ không vui nên khi đã uống tàn hai chầu nước, gợi ý mãi lão mới chịu thổ lộ bằng cái giọng buồn buồn, ngắt quãng:
- Tôi cứ chần chừ mãi, không biết có nên kể chuyện này ra không! Mỗi lần cứ nghĩ đến là như có dao cứa vào ruột, vừa xót xa, vừa ngậm ngùi, không muốn ôn lại nữa.
- Chuyện gì mà ông cứ phải đắn đo mãi thế!
- Là chuyện của nhà tôi, ông chơi với tôi trên dưới năm chục năm, nên chẳng lạ gì.
- Thì vưỡn. Chuyện gì mà nói ra được, cũng nhẹ người. Ông chả nghe người ta thường bảo: “nỗi buồn sẻ đôi, vơi đi một nửa” đấy sao!
Mãi một lúc sau bạn tôi mới chậm rãi kể:
- Bố mẹ tôi sinh được bốn anh em. Năm 1945 anh cả trốn nhà đi bộ đội rồi hy sinh trong trận đánh cuối cùng , năm 1954 tại Điện Biên Phủ. Bố tôi cũng bỏ nhà đi hoạt động cách mạng. Mẹ bị Tây bắt bỏ tù vì có chồng con là Việt Minh. Ba chị em lưu lạc 6-7 năm trời, mãi sau mới may mắn gặp lại mẹ. Lúc ấy mẹ tôi nghèo lắm, mới ở tù ra, đi đội than ở nhà máy Xi Măng, nên chỉ mình tôi được đi học, hai chị phải ở nhà.
Lúc ba chị em còn lang thang cơ nhỡ, vạ vật đầu đường, xó chợ, tôi mới chỉ là một thằng bé sáu tuổi đầu. Những năm lưu lạc đói khát ấy, chị còn hơn cả mẹ. Các chị đã nhường nhịn từng miếng ăn, nếu không tôi đã chẳng tồn tại đến giờ. Tình thân của ba chị em tôi vì vậy cũng thân thiết hơn chị em những nhà bình thường khác.
Lớn lên, chị hai tôi kết hôn với một công nhân lái xe ở Cảng Hải Phòng, đẻ một loạt bốn đứa con, hai trai, hai gái. Hơn hai chục năm sau chồng chị bị tai biến, nằm liệt một chỗ. Thế là toàn bộ gánh nặng cơm áo đè nặng lên đôi vai chị. Chị phải gồng mình lên, không việc gì là không làm để tồn tại, để nuôi ông chồng ốm và bốn đứa con còn nhỏ dại. Đến nay bốn đứa con chị đã trưởng thành, tuy không có tài năng gì đặc biệt nhưng đều là những người lương thiện.
Bọn trẻ nhà chị bây giờ cũng đã đầy đàn con cháu. Nhờ âm đức của tổ phụ, những đứa cháu của bà chị tôi có đứa đã trở nên rất giàu có, rất tài năng.
Có lẽ do ông bà, cha mẹ chúng tuy nghèo nhưng đều sống lương thiện.
Ngừng lại, nghỉ một lúc, rồi ông bạn tôi lại ngập ngừng kể tiếp:
- Chi thứ ba tôi hiền lành hơn. Lấy một anh công an rất tài hoa, nhưng phóng túng.
Đến lúc về hưu anh rể tôi cũng được phong hàm Trung tá. Họ cũng sinh được bốn con, hai trai, hai gái. Các cháu đều sáng láng, thông minh. Thằng út đặc biệt nhất, rất sáng dạ. Khi chị tôi đi xem bói thì thày bói phán rằng sau này nó sẽ là “bảo gia chi mệnh”, tức là sau này nó sẽ thành quý tử sẽ là người nuôi nấng bố mẹ, bảo bọc gia đình và sẽ làm rạng danh dòng họ!
Ai cũng tin là như thế.
Nhưng có lẽ bố mẹ chúng đã sống không được chuẩn mực cho lắm, không lương thiện cho lắm, nên cái của quý ấy, cái “bảo gia chi mệnh” ấy chẳng chịu học hành, lại còn “sáng tạo” ra nhiều trò hư đốn mà trong xã hội lúc bấy giờ còn chưa xuất hiện, hoặc nếu đã xuất hiện thì cũng không mấy ai theo kịp!
Năm cháu mới học lớp bảy, bị đình chỉ học tập vì những trò quậy phá tai quái trong lớp. Cô giáo bất lực, nhà trường đã từ chối giảng dạy. Tôi mang cháu xuống nhà tôi tại khu tập thể Cầu Giấy để tách khỏi môi trường cũ và xin cho học lai cùng với thằng con giai tôi.
Nhưng với mọi biểu hiện không hề thay đổi, nó thành lập mội đội ngũ mới hoat động còn “siêu” hơn cả “đội” cũ.
Khi chỉ còn hai cậu cháu, tôi đã tâm tình nói với nó:
- “Cháu lỡ sa chân xuống hố, cậu kéo cháu lên thì cháu cũng nên nắm lấy tay cậu để thoát ra, đằng này cháu cứ ghì lại, thì làm sao cậu có thể kéo cháu lên được?!”
Nó cũng đã rất cảm kích nói với tôi rằng:
- “Cháu rất yêu cậu vì cậu lương thiện, lại chịu khó và chăm chỉ. Nhưng với cháu thì sống phải giẫm lên đầu người khác mà đi. Không làm gì mà vẫn được ăn ngon.
Tôi đã rất ngạc nhiên nói với cháu thế này:
- Cả đời cậu cặm cụi làm việc, nhưng nhiều khi có làm mà vẫn không có ăn đâu cháu ạ. Thế thì làm thế náo để không làm gì vẫn có ăn, mà lại được ăn ngon hả cháu?
- Đấy chính là chỗ khác biệt giữa cháu và những người như cậu!
Cháu cám ơn vì cậu đã cố giúp cháu, nhưng cháu không thể sống giống cậu được!”
Cháu cho rằng lương thiện chỉ dành cho những kẻ ngu dốt và hèn hạ!
Hai cậu cháu ngậm ngùi chia tay nhau. Bấy giờ nó chỉ là thằng bé mới 13-14 tuổi đầu!
***
Bố mẹ tôi thương cặp vợ chồng anh chị ba nhất vì chị hiền lành, anh lại rất biết cách lấy lòng bố mẹ vợ. Khi bố mẹ tôi còn sung túc, các cụ đã mua cho họ một ngôi nhà.
Trong ba chị em nhà chúng tôi thì gia đình chị ba là khá giả nhất. Chồng là Trung tá, lương và bổng lộc nhiều, lại cộng thêm cái tính hay tắt mắt, đã có lần bị cơ quan phát hiện, lột sạch cả quân hàm, quân hiệu, hạ xuống hàng binh nhất. Sau nhờ mánh khóe của một cao thủ gốc khu Tư, cứ xoay như chong chóng, nên lúc ra quân cũng leo lên tới hàm Trung tá.
Thời kỳ bao cấp họ sống đã rất ung dung, hơn hẳn gia đình chị hai và gia đình tôi.
- Tôi còn lạ gì ông bà Trung tá ấy nữa! Không nhất cũng nhì ở khu này.
- Ông nói nhất nhì là nhất nhì về cái gì cơ? Ông bạn tôi hỏi lại.
- Về kinh tế, về tiếng tăm lừng lẫy nổi như cồn, ông ấy còn chạy cho thằng con giai lớn đi Liên Xô nữa. Sau ba, bốn năm đi học nước ngoài lúc về cũng chỉ mang có cái ba-lô rách và đôi dép mòn.
- Sang đấy nó có học hành gì đâu, đàn đúm chơi bời với bọn trẻ hư đốn, ăn cắp, buôn lậu, bị Công An Liên Xô truy bắt và giam cầm suốt, cuối cùng họ trục xuất về nước. Còn mang cái thân nguyên vẹn về được là may rồi!
Thế rồi từ đấy thành nếp, hai đứa con trai ngọc ngà của chị ba tôi, đầu tiên là ăn trộm của gia đình, của họ hàng, của người quen.
Hôm mẹ tôi, tức là bà ngoại nó mất, sang nhà tôi nó cũng “khoắng” cái điều khiển TV.
Giá như ông Trung tá anh rể tôi đừng đến từng đồn công an để chạy chọt, để dọa nạt những người thụ lý án, để xin cho bằng được con không bị pháp luật trừng trị, mà cứ mặc cho thiên hạ dạy dỗ thì chúng có lẽ đã không đến nỗi nào.
Hai thằng bé đẹp như tranh ấy đã từng là niềm tự hào của cả dòng họ, cứ từ sai lầm này bước ngày càng sâu vào các sai lầm tiếp theo lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Cuối cùng chúng sa vào nghiện hút ma túy. Khi không cung cấp đủ các yêu cầu thường ngày của chúng, chúng đã không ngần ngại dìm đầu bố nó xuống bể nước chỉ để moi tiền mua một vài “bi” sái (viên nhỏ của sái thuốc phiện).
Bố cháu thấy cháu bị bắt, thế nào cũng lên đồn xin xỏ, mấy anh thụ lý án thường phải bỏ đi chỗ khác cho đỡ rắc rối. Không ai muốn giây dưa với ông Trung tá Công an về hưu hay gây gổ và thường vỗ ngực khoe là từ bộ trưởng trở xuống không có ai ông không quen biết.
Tội cậy một cái “cốp” xe mà bị bắt, nếu là lần đầu, nếu chưa có tiền án, tiền sư, thì nhiều khi chỉ bị một vài cái tát tai rồi thả về. Thế mà lần cách đây sáu năm, cũng chỉ cậy một cái “cốp” xe, thằng bé phải lĩnh bảy năm tù giam. Hai đứa con trai cao lớn, đẹp như ngọc ấy cứ thay nhau ra vào tù. Đứa này ra, thì đứa kia vào như thay phiên, như cơm bữa.
Cái mất mát lớn nhất của gia đình chị ba tôi là có hai thằng con giai thì hỏng cả hai!
Mẹ chết hai đứa cũng còn đang ở trong tù, không về vái mẹ được một vái, đến khi bố chết cũng vậy. Hai con chị gái đành đưa bố mẹ lên chùa!
Đến giờ đã năm mươi tuổi, thằng út mới vừa được ra tù. Thằng lớn năm ba, năm tư tuổi rồi lại vẫn lĩnh cái án mới mười bảy năm tù giam nữa.
***
Chẳng biết phải an ủi thế nào cho bạn tôi đỡ buồn, ngồi chán chê đành chia tay ra về mà lòng tôi nặng trĩu.
Cách đây vài ngày, tôi sang rủ ông đi dạo quanh cho khuây khỏa, chúng tôi tình cờ gặp lại ông thày xem tướng số ngày trước.
Ông ta cũng đã tám sáu, tám bảy tuổi rồi, nhưng còn tinh nhanh lắm. Lão vẫn nhận ra chúng tôi là người quen.
Ông bạn tôi hỏi lão:
- Lão bảo thằng cháu tôi là “bảo gia chi mệnh” mà sao cứ đi tù suốt! Ra vài bữa lại quay vào tù là thế nào?
Lão thử giải nghĩa câu “bảo gia chi mệnh” thế nào nghe cho nó xuôi nhỉ?
- Thằng nào? Thằng anh hay thằng em?
- Lão vẫn nhớ tôi có hai thằng cháu à?
- Ông quên là tôi làm nghề tướng số à? Làm nghề này không có trí nhớ tốt thì làm thế đếch nào được, có mà bốc “ruốc”!
- Cả hai thằng đều thay nhau tù tội!
- Ờ mà cũng lạ thật! Cả hai thằng đều có phúc tướng. Nếu thuận thiên cơ thì hai thằng cháu ông bét ra cũng phải làm từ bộ trưởng trở lên. Chắc “thiên cơ” có gì “trục trặc” đây?
- Nhưng mà cũng lạ! Trong tù chúng đều làm “đại bàng” hay “đại ca” gì đấy!
- Đấy! Tôi đoán có bao giờ trật đâu!
- Thế tức là chúng nó “bảo gia chi mệnh” trong tù à?
- Có gì khác nhau đâu kia chứ? Ngoài này với trong tù cũng chỉ là hai xã hội khác nhau cái tên gọi! Ông kém hiểu biết lại hay vạch vòi và còn bị một số người nhồi sọ, nên thường ngộ nhận cho mình là người tự do, cho mình là người hạnh phúc!.
Tôi hỏi lại ông, ông có tự do không? Có hạnh phúc không?
Ông nên suy nghĩ cho thấu đáo, nhiều khi sống bên ngoài này không yên ổn và sung sướng bằng sống trong tù đâu ông ạ?!
***
Chia tay ông lão tướng số ra về, chúng tôi hoang mang thật sự. Tôi đưa tay lên bứt tóc để xem mình đang tỉnh hay mê.
Không biết mình đích thị là ai nữa, đang ở trên trần hay đang ở dưới âm ty?!
Rồi tôi lẩn thẩn quay sang hỏi bạn:
- Ông à, không biết nên ở ngoài “tự do” này hay nên xin vào tù để sống ông nhỉ?

. Hà Nội, 2021.
Trần Quốc Khánh