tháng 11 22, 2017

Phố nhỏ, ngõ nhỏ - Nhà tôi ở đó...


Lúc cháu gái (gọi bằng cậu) mới hơn hai tuổi


Đường làng


Điếc đặc

Tôi biết vợ chồng nhà này từ những năm 1961-1962. Cũng lập thân từ con số không tròn vành vạnh. Nhưng do ở mãi tận Sơn Tây nên dù sao cũng ít nhiễm cái “thói thị thành” như ngoài Hà Nội.
Hồi đó, có bằng Đại học thì dù ở đâu cũng vậy, chẳng cứ là tận Sơn Tây cũng đã gần như “nhất khoảnh” rồi.
Lúc đó đi lại còn khó khăn, “cái sự văn minh” chưa “tràn vào”, nên khi mới đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, mọi người trong nhà đã bắt cậu ta phải lập gia đình. Sau đó chỉ còn biết làm hùng hục như trâu để nuôi con và để…“đẻ”. Cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa, sống vất vả, khổ sở là thế mà vợ chồng nhà này đẻ đến bảy đứa.   
Sau này có hỏi thì mới rõ vì bốn đứa đầu là gái nên cố để “ra cho được” một thằng chống gậy! Ra một thằng, vẫn “chưa chắc ăn lắm” thế là thêm, rồi thêm nữa. Đến thằng thứ bảy thì hai vợ chồng không mở được mắt ra nữa, cơm phải chia xuất để bọn trẻ không “tranh giành, đánh nhau đến chết”! Quần áo không đủ mặc, ốm không thuốc thang, cố cho con đi học là may lắm rồi.
Được cái con nhà nghèo, bọn trẻ vừa ngoan, vừa chịu khó và đặc biệt, trời phú cho chúng đều khỏe mạnh và đều học giỏi.
Cái lương kỹ sư Cầu cống lúc bấy giờ làm sao mà cáng được chín miêng ăn, vì vậy hai vợ chồng không dám từ nan một việc gì. Ngoài giờ làm ở cơ quan, anh chồng làm kem cốc(1) ăn dỗ tiền trẻ con ở cổng trường tiểu học, chị vợ đi chợ xa mua mẻ tôm, mẻ tép về bán lấy lời. Ai thuê làm bất kỳ cái gì, sửa chữa bất kỳ cái gì, đều làm tất, chưa bao giờ dám lắc đầu từ chối!
Có đận, các cán bộ Quản lý Thị trấn đã cắt gạo của cả nhà vì cho rằng họ có tham gia buôn bán và sản xuất nhỏ, nên hộ này đã được “nâng thành phần” lên tiểu thương. Mà đã là tiểu thương thì làm sao nhà nước phải cấp gạo tiêu chuẩn nữa!?
Đến bây giờ họ vẫn còn ứa nước mắt khi nhắc đến giai đoạn cực kỳ khốn khổ ấy.
Họ kể trong nước mắt:
- Hai vợ chồng nghèo nuôi bảy đứa con mà bị cắt gạo thì có khác gì bị “kết án tru di”? Nhiều lúc đã tưởng không làm thế nào vượt qua được. Chỉ còn một cách là cả nhà cùng uống thuốc chuột thì mới hết khổ được. 
May sao sau đó bà nhà tôi nghĩ ra cách biếu ông Trưởng phòng Lương thực thị trấn mấy cái áo len nhà dệt, nên tháng sau lại được cấp lại sổ gạo.
Tôi nói chen vào để câu chuyện đỡ nghẹn ngào:
- Lúc ấy mà đã có máy dệt len là “oách xà-lách” rồi, còn gì!?
- Đói đầu gối phải bò mà! Cứ thấy cái gì có thể kiếm ra gạo nuôi con là làm ngay tắp lự! Mà cũng chỉ là cái máy dệt đẩy tay, nhỏ đặt trên bàn của Miền Nam thải ra.
- Thế là vừa làm kem cốc, vừa dệt len à?
- Mấy cháu lớn đi học về phải phụ với bố, mẹ. Đứa lớn phải ra chợ bán tép cùng mẹ, mấy đứa nhỏ thì dệt len, làm kem cùng bố. Con cháu lớn hiện công tác tại Công an Sơn Tây, cũng đã năm mấy tuổi rồi, giờ đã là một lãnh đạo cấp hàm Đại tá mà mỗi khi nhắc đến giai đoạn khổ cực ấy vẫn chảy nước mắt thương bố mẹ và các em.
Được cái ông trời cũng chưa triệt đường sống của ai cả, trải qua mấy chục năm, giờ đây cả bảy đứa đều trưởng thành. Đã có gia đình, con cái, nhà cửa đàng hoàng, công ăn, việc làm tử tế. Đứa nào cũng có một hai cái ô-tô riêng. Có vài đứa đã làm đến quan đầu tỉnh. Khi sáp nhập Sơn Tây vào Hà nội thì hai thằng út ít cũng chuyển ra công tác tại Hà Nội. Thằng út giờ cũng đã là Thiếu tá Công an rồi. Tất cả các con đều hiếu đễ, tận tình chăm sóc bố mẹ và thương yêu anh em trong nhà.
Nhìn vào cái ảnh chụp toàn cảnh gia đình ông bà hôm kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới, cả con, cả cháu chắt phải đến gần sáu chục người xếp hàng tư mà kéo dài hết cỡ làm cho người xem lầm tưởng là ảnh của một hội nghị cấp cao nào đó của tỉnh vừa “kết thúc tốt đẹp”!
***
Hôm nọ ông ấy ốm mệt, có nhắn tôi lên chơi. Đã trên tám mươi, bị phổi thì phải, nên luôn bị cái bệnh khó thở hành hạ. Cũng đã đi nước ngoài điều trị mà không dứt.
Lúc ngồi uống nước với nhau, tôi nói đùa:
- Ai bảo đẻ cho lắm vào, ai bắt phải nai lưng ra cầy cuốc nuôi con. Cả đời không biết du lịch là gì, giải trí là gì. Ở Sơn Tây mà có khéo rủ mới đi đến Đường Lâm cách nhà chục cây số, nơi mà ai ai từ đẩu, từ đâu cũng mò đến tham quan đất hai vua nổi tiếng như cồn này.
Tuy đang khò khè mà ông ấy vẫn cười khơ khớ nói:
- Đẻ nhiều có cái khổ của đẻ nhiều, nhưng bây giờ một năm vợ chồng tôi đi nghỉ mát bốn, năm nơi vẫn chưa hết xuất! Muốn khám bệnh ở bệnh viện nào cũng có tiêu chuẩn. Muốn đi đâu không phải chỉ một đứa xin đưa đón. Tôi có tới mười bốn đứa cả dâu, rể cơ mà!
Bà vợ cũng xấp xỉ tám mươi, còn khỏe hơn chồng một chút, nhưng phải cái điếc đặc.
Con cái cũng đã đưa mẹ đi khám bệnh khắp nơi, nước ngoài, nước trong đủ cả. Các giáo sư hàng đầu chẩn đoán bà bị viêm tai giữa thể sùi, có cholesteatoma(2) phẫu thuật cũng không mấy hy vọng khỏi. Cách tốt nhất là uống thuốc kháng sinh hỗ trợ.
Tất cả các loại máy trợ thính đắt tiền của các nước tiên tiến giá đến hàng mấy chục triệu đồng cũng không làm “suy suyển” cái “lỗ nhĩ” bướng bỉnh của bà!
Ông chồng được đặc cách ngồi bên vợ để ghé sát vào tai mà truyền đạt lời người khác nói.
Con cái được dịp trêu bố mẹ là các cụ cứ tranh thủ thơm nhau suốt ngày!
Tuy “điếc đặc”, nhưng bà vẫn là “nhạc trưởng” của cái “dàn hợp xướng” vĩ đại này. Lời bà nói ra là mệnh lệnh, đến ngay ông cũng chẳng dám “ho he” ý kiến, ý cỏ gì, chứ đừng nói gì đến những đứa khác!
Bọn trẻ thường bôi bác: “Một vị chỉ huy thật vĩ đại, chỉ phải cái điếc đặc”!
Bây giờ họ đã an nhàn, vật chất không thiếu đã đành, đến tình cảm trong gia đình và bè bạn cũng tràn trể, đầy đặn.
Không chỉ có những người quen biết mà hầu hết dân trong cái thị trấn rộng lớn này đều nể phục và ngưỡng mộ họ.
***
Hằng ngày đến giờ uống thuốc, ông chồng có nhắc nhở, thì nhiều lần bị bà ấy vặc lại:
-   Tôi làm gì có tai giữa mà viêm! Sao phải uống thuốc cho tốn kém!
Ông ấy chép miệng nói với tôi:
-   Nghe bà ấy nói thế vừa buồn cười, vừa thấy tội nghiệp. Có lẽ một thời gian khổ vẫn chưa phai nhạt trong ký ức, bà ấy luôn nghĩ rằng đến cơm cũng chẳng đủ ăn, lấy đâu ra tiền mua thuốc để uống cho lãng phí!

Hà Nội, 2017.

(1)     Kem cốc: Đổ hỗn hợp bột đã nấu chín và đường vào một ống nhỏ hình trụ bằng kim loại, đặt trong một thùng gồm đá lạnh đập nhỏ trộn muối. Dùng tay quay ống trụ có hỗn hợp đến khi đông lại thành kem, múc vào cốc thủy tinh nhỏ bán cho học sinh ở cổng trường tiểu học.
(2)     Viêm tai giữa thể sùi, có cholesteatoma: một thể viêm tai nặng khó chữa.

tháng 11 18, 2017

Tam Cốc Bích Động - Ninh Bình


Đôi cá


Cát Bà - Hải Phòng


Tự sự về một món nợ

Ngõ Đền Đống Đóm, một xóm nghèo bên cạnh nhà máy Xi măng Hải phòng, là nơi cư ngụ của những con người bị bần cùng, không sống nổi ở quê nhà phải ra thành thị kiếm ăn, trở thành những cu ly, chui rúc trong những căn lều quanh năm phủ đầy bụi than, bùn lầy, nước đọng.
Bạn tôi: ông Trần Quốc Khánh, sinh ra và lớn lên ở đó.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cùng học một lớp với nhau ở trường Ngô Quyền, Hải Phòng tôi thường sang nhà ông chơi. Năm 1959, mấy anh em chúng tôi đều bị đánh trượt lớp 10, (lớp cuối cấp 3 đầu tiên của Hải Phòng lúc bấy giờ), do không “cùng cạ” với thày hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa, mặc dù chúng tôi học đâu có đến nỗi tồi!
Tự ái chúng tôi không chịu học đúp. Tôi xin đi dạy học ở Sở Công an Hải Phòng, còn ông Khánh thì đi đẩy xe than ở nhà máy Xi măng.
Năm 1960 chúng tôi quyết tâm vừa đi làm vừa ôn tập để thi hết cấp, chúng tôi đã tốt nghiệp kỳ thi năm đó một cách dễ dàng.
Những ngày ôn thi tôi thường đến nhà ông Khánh để cùng học, đã chứng kiến cuộc sống của gia đình ông như thế nào.
Cụ ông co mình cam phận với cái “chức” nhân viên Phòng thí nghiệm nhà máy Xi măng. Cụ bà hàng ngày kẽo kẹt với gánh hàng vặt bên chân cầu. Bà Hiền vất vả với ông chồng bệnh tật, bên ngoài luôn chì chiết, nhưng bên trong lại rất mực yêu thương các em, giống hệt với tính cụ bà.
Bà Dung lấy ông Luận “nghệ sĩ”, cả đời không đóng nổi một cái đinh. Ông Khánh vẫn say thơ tình da diết với màu xanh trong mơ và những bức tranh đồng quê yên ả, bên những nhọc nhằn của kiếp cu li.
Năm 1961, cả mấy anh em chúng tôi cùng thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, chuyên ngành Cầu đường bộ.
Sau 4 năm rưỡi học tập, ông Khánh về công tác tại Viện Thiết kế Bộ Giao thông, còn tôi vào phục vụ trong quân đội. Ông Khánh gắn bó với nghề suốt đời, còn tôi thì lông bông cái gì cũng làm được, cái gì cũng làm qua nhưng chẳng có cái gì giỏi cả.
Tuy không phải là ruột thịt, có chênh nhau chút ít về tuổi tác, nhưng quan hệ thì bình đẳng, chí tình, chí nghĩa, tri âm, tri kỷ.
Có một việc từ năm 1993 tôi còn nợ ông Khánh, đó là việc đòi lại mảnh đất nhà ông. Vì vậy đến nay tôi cố gắng trả xong món nợ này.
Thú thực với ông, năm đó mải mê với công việc Nhà nước giao cho, sự hiểu biết của tôi cũng còn nông cạn về lĩnh vực đất đai, nên khi được giải thích là người ta đã có thông báo đền bù mà mình không đến lấy thì mình cũng có lỗi, lủi thủi ra về cũng không nghĩ đến việc yêu cầu họ xác nhận vào đơn.
Chắc là hồi đó họ cũng chỉ quen lý giải bằng mồm, tôi đưa trả lại đơn cho ông và viết vài dòng chữ vào một mảnh bìa để ông tin, coi như thế là xong!
Sự việc thế rồi rơi vào quên lãng, dòng đời cứ trôi. Các cụ lần lượt ra đi cả, ông Huyên, ông Luận, bà Dung cũng đã đi theo các cụ. Chúng tôi đã nghỉ hưu, cũng đã là những ông lão tóc bạc, nhưng răng chưa long, vẫn ham vui và vẫn thích nhiều thứ.
Ngoài việc đi làm để kiếm tiền thêm cho gia đình, ông vẫn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ, vui thú với những cái chẳng kiếm ra đồng nào: vẽ vời, làm thơ, chụp ảnh, viết văn châm biếm.
Còn tâm hồn tôi có lẽ đã khô cứng nên chẳng có thơ, chẳng có văn, không mấy lúc có thời gian mở cửa để đón nàng thơ và vẫn thích phiêu du trên những nẻo đường, đi tìm những cái đã mất trong đời.
Tôi chợt nhớ về món nợ năm xưa khi ông nhắc tới, nghĩ tới sự ấu trĩ hồi nào cứ cho rằng nhà mới là tài sản của mình, đất là của nhà nước. Nhà mình không còn, thì đất nhà nước thu về giao cho cơ quan nhà nước dùng là lẽ đương nhiên. Sự ấu trĩ của tôi cũng là sự ấu trĩ của rất nhiều người, trong đó có ông. Chúng ta đã bị chính sách ngu dân đẩy vào vòng tăm tối, u mê.
Lúc này đã có luật đất đai, tôi yêu cầu ông tìm thật được Nghị định 181 để đọc và đã thấy khả năng đòi lại đất, cùng ông làm đơn khiếu nại với tia hy vọng mong manh.
Càng đọc những văn bản trả lời của đối phương, những văn bản luật, được sự giúp đỡ tận tình của các ban (ông Thanh, ông Duyệt, ông Lân, ông Viên) chúng tôi đã thu được những tài liệu quý giá, trói chặt và buộc đối phương phải trả lại tài sản cho ông.
Công ty Xi măng Hải phòng chiếm đất nhà ông có theo pháp luật nào đâu, thế mà ngày nay người ta lại bảo phải giải quyết theo pháp luật? Thực là “chua xót”
Ông Khánh ơi, chúng ta đã sờ thấy cái kim dưới đáy biển rồi, nhưng không biết “vớt lên” sẽ ra sao.
Cầu mong vong linh các cụ phù hộ kim vàng long lanh dưới ánh mặt trời, tôi cũng toại nguyện đã trả xong món nợ.


Hải phòng, ngày 4 tháng 7 năm 2006
                                            Đỗ Bảo Cung

TB: Tôi đưa bản viết này cho bà Lộc nhà tôi xem. Tôi hỏi:
- Viết có được không ?
Bà tủm tỉm cười:
- Được
Là một nhà văn không biết ông đánh giá thế nào, chứ với giọng văn này cách đây trên 40 năm, bà Lộc đã bị tôi chinh phục vì nó xuất phát từ tấm lòng mộc mạc chân thực của con người./.


Hải Phòng, 2006.

tháng 11 14, 2017

Tam Đảo


Trước giá vẽ


Trọi trâu Đồ Sơn


Thằng Đạo

Tôi có thằng em họ xa, kém tôi hơn hai chục tuổi, ít học, nhưng cái gì cũng biết, hoặc tỏ ra là biết.  Lém lỉnh, nhanh trí và đặc biệt đón ý người khác rất nhạy! Phải cái hay trí trá, mười chuyện nó nói dù được thề thốt hẳn hoi thì cũng chỉ nên tin nửa chuyện!
Nó thuộc týp(1) người: “nói dối không chớp mắt, ăn cắp chẳng run tay”! Tôi đùa gọi nó là thằng Đạo.
Nó hỏi lại:
-   Bố mẹ đặt tên em là Riu, sao anh lại gọi em là Đạo?
-   Tên Riu, không hay. Gọi là Đạo hay hơn.
-   Thế Riu là gì?
-   Là cái riu để bắt tép, bắt tôm,..
-   Thế Đạo là gì?
-   Đạo là đạo lý, là tôn giáo, còn có nghĩa là…ăn trộm, là chôm chỉa(2)!
-   Em khoái cái tên Đạo hơn, vì em không mấy khi nói thật, lại thích chôm chỉa!
-   Ờ! Ở đời biết mình là người thế nào cũng đáng nể lắm đấy!
-   Thật thế ạ?
-   Đúng vậy! Nhiều kẻ chỉ muốn sống trong hư ảo, không thích cái gì rõ ràng cả.
-   Thế ra em vẫn còn hơn một số người khác à?
-   Đúng thế!
-   Ở chỗ nào cơ, anh nói rõ hơn đi!
-   Ở chỗ cậu đểu, thích trí trá, mà biết là mình đểu, mình hay nói dối. Còn đa số những người khác sống, đối xử thì thật đểu, thật tồi, nhưng luôn nghĩ rằng mình ăn ở đàng hoàng, tốt đẹp. Có khi chính họ cũng không biết đó là dối trá nữa và rồi mình tự huyễn hoặc mình, tự mình lừa dối mình. Họ là những người mắc chứng mộng du.
-   Theo anh thì nên sống thế nào? Đểu hay không đểu?
-   Cậu cứ sống đúng với con người của cậu. Cậu sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Có một ông triết gia nào đó đã nói:
-   “Dám làm các việc mình thích, đấy là tự do. Được yêu những việc mình làm, đấy là hạnh phúc”!
***
Một hôm Đạo đến nhà tôi uống rượu, rồi nằm kềnh ra ghế ngủ. Cúc áo tuột ra tôi thấy cổ nó đeo một cái thẻ như thẻ của phóng viên. Lúc dậy, tôi hỏi thì nó tụt hẳn ra đưa tôi xem và khoe:
- Em làm cái thẻ này đeo vào cho nó “oách xà-lách” anh ạ. Dọa khối thằng són đái ra quần đấy.
Tôi cầm xem kỹ cái thẻ thì thấy đó là cái thẻ ghi Ban Thời Sự THVN BC191, đứng tên Trần Chích, còn cả ảnh chụp chân dung nó rất chững chạc nữa.
Tôi hỏi:
-   Sao cậu lại có cái thẻ này?
-   À em làm theo thẻ của bọn Phóng viên Đài Truyền hình ấy mà!
-   Cậu có biết thế là phạm pháp không?
-   Đến trẻ con nó cũng biết! Nhưng anh không hiểu được đâu. Trộm cắp hoặc lừa dối được người khác, nó làm cho ta sung sướng lắm. Các cụ chẳng đã có thử nghiệm và kết luận là ăn vụng vẫn ngon hơn ngồi ăn đàng hoàng đấy thôi. Hôm nọ đi quá tốc độ, nhờ có cái thẻ này mà em không bị phạt đấy.
-   Nếu bị phạt thì bị phạt bao nhiêu?
-   Từ năm triệu đến sáu triệu đồng!
-   Sao nhiều vậy?
-   Ô-tô mà!
-   Cậu cũng có ô-tô à?
-   Sao anh lại lẩn thẩn thế. Của ai thì ảnh hưởng gì đến “Hòa bình thế giới”!
-   Vớ bẫm rồi còn gì! Tôi khen.
- Vừa qua ngồi với đám đông bạn bè, em có nói thế này:
- “Nạn đạo chích(3) bây giờ tràn lan khắp cả xã hội! Cụ Trần Trọng Kim từng đã luận rất chính xác về dân tộc ta thế này”:
“Người An-nam ta vốn tính cần cù, nhưng có tật hay nói dối và ăn cắp vặt”!
Lập tức có thằng đã nổi xung lên vặc lại:
-   “Thế bố mẹ ông ấy không phải là người An-nam à”?
-   “Dù đó là bố mẹ mình, mà là lưu manh thì không thể nói rằng bố mẹ mình là người thực thà được”!
-   “Thế thì bọn họ ở đâu chui ra”?
-   “Bố mẹ thì mình phải quý hóa, nhưng không vì thế mà đen bảo thành trắng”!
-   “Thế thì làm gì còn đạo lý nữa”!?
-   “Nếu coi đó là đạo lý thì đó chỉ là đạo lý của bọn trẻ con”!
Tôi liền cắt ngang lời Đạo:
-   Cậu nghĩ thế nào về đạo lý!
-   Đạo lý chính là cái dám nhìn vào sự thật và nói đúng về nó!
-   Chính xác!
***
Thời gian cứ qua đi, giờ tôi đã già, xấp xỉ tám mươi, lụ khà, lụ khụ, lẩm cẩm lắm rồi. Riu cũng đã về hưu tuy còn dăm năm nữa mới đến sáu mươi.
Hôm nọ nó đưa khoe tôi cái sổ hưu, lương trên sáu triệu tháng.
Tôi bảo:
-   Lương cậu cao nhỉ?
-   Thế là bình thường!
-   Tôi là kỹ sư mà chỉ được bốn triệu…
-   Anh thắc mắc sao lương hưu thằng thợ nguội mà lại hơn lương kỹ sư chứ gì?! Thế hóa ra anh vẫn còn chậm hiểu quá!
-   …Đúng thế, tôi vẫn chưa hiểu?!
-   Nếu cứ theo đường thẳng thì em chưa được về hưu, mấy năm nữa về thì lương chỉ hơn hai triệu!
-   Thế tức là không theo đường thẳng?
-   Anh khôn hơn một tí rồi đấy!
-   Thì ra biết dối trá cũng có lợi thật!
-   Lại khôn hơn tí nữa! Đạo nhận xét.

Hà Nội, 2016.
(1)   Týp: (tiếng Anh: type) loại, kiểu.
(2)   Chôm chỉa: Trộm cắp.
(3)   Đạo chích: Kẻ trộm, ăn cắp vặt.