tháng 11 28, 2015

Cháu ruột


Hoa tím ngoài thềm


Hoa hồng màu sen


Như tiên

Năm anh em sàn sàn nhau rỗi rãi rủ nhau đi “phượt”(1). Tới một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, mót đi đái, đứng quay vào phía núi đái.
Đang đái thì có một nàng trẻ đẹp như tiên đi từ xa tới nhìn thấy, hỏi:
- Chào năm chàng trai, mọi người đang làm gì đấy?
- Không biết sao mà còn hỏi?
- Biết thì ta đã chẳng hỏi!
- Đái!
- Tức là làm gì?
- Đái, chứ còn làm gì nữa! Thế cô không đái bao giờ à?!
- Không!
- Hay thật đấy, đến bây giờ mới nghe thấy có người nói là không đái bao giờ! Thế cô là người hay là cái cây hả?
- Không phải là cái cây, mà ta là tiên!
- Thế tiên thì không đái bao giờ à?
- Không!
- Thật thế à?
- Thế đái là để làm gì? Các người hãy giải thích rõ hơn, cho dễ hiểu có được không?
- Ăn, uống, sau khi tiêu hóa rồi thì phải thải ra. Uống nước vào thì phải đái ra nước, gọi là đái. Ăn thức ăn vào thì phải ỉa ra cứt, gọi là ỉa.
- Trong “cõi tiên” chúng ta, chỉ có nhận lễ phẩm của Phật tử thập phương dâng lên cúng giàng, chứ không hề thải ra cái gì cả. Đấy, các người có ai nghe nói là ở “cõi tiên” lại có chỗ để đái, để ỉa chưa?
- Hèn chi người ta ai cũng bảo ở “cõi tiên” chỗ nào cũng thơm tho, không có chỗ nào thối tha, bẩn thỉu cả. Để được như vậy thì trong “cõi tiên” ai cũng chỉ biết “nhận vào”, chứ không ai chịu “nhả ra” bất kể là cái gì, kể cả các “cặn bã”?
- Chính xác! Thế trong “cõi người”, có nơi nào giống như thế không?
- Có chứ! Trong xã hội loài người chúng ta, chỉ có bọn cầm quyền “ăn trên, ngồi trốc” thì mới “xử sự” như vậy.
- Thế mọi người cho rằng bọn “ăn trên, ngồi trốc” ấy giống như tiên chúng ta à?
- Giống gì cũng không quan trọng. Nhưng ở đời chỉ biết “nhận vào” mà không biết “nhả ra”, kể cả cặn bã! Thì dân gian họ bảo rằng đó là loại “ăn cả cứt, đéo cả ma”! Bọn đó không được ai gọi là người!
- Thế thì gọi bọn nó là gì?
- Chó!

Hà Nội, 2015.
(1)   Phượt: Đi chơi không có mục đích.


tháng 11 09, 2015

Ngựa


Thiếu nữ ngồi


Thiếu nữ


Đôi cá


Học vẽ

Từ hồi còn nhỏ, mới học tiểu học, tôi đã thích vẽ. Cứ sểnh ra là vẽ. Vẽ bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào. Một hôm ngồi học Vật lý, thấy trong sách giáo khoa có chân dung nhà bác học Ga-li-lê(1). Tôi lấy giấy bút ra hý hoáy vẽ lại.
Chợt tôi nghe thấy tiếng cụ Tính sát ngay sau lưng ghế:
- Cái thằng này vẽ được đấy, giống và đẹp lắm, để tôi giới thiệu cho một người quen là họa sỹ bậc nhất dạy cho. Biết đâu sau này thành tài cũng nên.
Cụ Tính là bạn của bố tôi, hai cụ qua lại chơi với nhau từ hồi còn trẻ.
Tôi quay sang nhìn bố. Nét mặt cụ không lộ ra vẻ gì. Có lẽ vì nể bạn nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Thưở nhỏ bị lưu lạc đến mười ba tuổi tôi mới được đi học. Bố tôi cho rằng chỉ nên chuyên tâm vào học chữ. Còn lại các thứ khác đều không quan trọng và không nên để ý.
Được đi học, tôi rất cố gắng và vì đã lớn hơn các bạn, nên thường đứng nhất, nhì lớp. Thấy bố đã yên tâm về chuyện học hành của mình, tôi tìm đến nhà cụ Tính để nhờ cụ giới thiệu với ông thày dạy vẽ.
Cụ Tính nhìn tôi, hỏi:
- Bố cháu có đồng ý cho cháu học vẽ không?
- Dạ, có ạ. Tôi nói dối.
- Được, để bác dắt sang nhà ông Dư bên Cát Dài.
Tôi học ở trường Ngô Quyền, phố Mê Linh nên qua phố Cát Dài chỉ có một đoạn. Vì vậy sau giờ học ở trường, tôi sang đó học vẽ, cũng không xa là mấy.
Hôm sau cụ Tính dắt tôi sang Cát Dài giới thiệu với thày Nguyễn Dư, một người đàn ông cao, gày và rất đẹp, cũng cỡ tuổi cụ Tính và bố tôi.
Thày đưa cho tôi một tấm bìa cứng, một tờ giấy vẽ và một cái bút chì, rồi nói:
- Con hãy vẽ cái đèn dầu này để thày xem, nếu được thày mới nhận vào lớp học chính thức.
Bức tranh vẽ cái đèn dầu đầu tiên ấy, bây giờ tôi vẫn giữ gìn cẩn thận như một kỷ vật quý báu.
Sau khi được nhận vào lớp, tôi mới biết là làm sao có tiền để đóng học phí, tiền mua các dụng cụ để học. Rất nhiều thứ chứ không ít, nào là giấy, bút, tẩy, bảng gỗ cứng,..
Đúng lúc tưởng là phải bỏ cuộc. Nếu nói với bố thì thế nào cũng ăn đòn vì chưa được bố đồng ý cho học vẽ. Chả lẽ lại đi xin tiền cụ Tính?!
Nhưng chẳng hiểu sao ở tôi, lần nào cũng vậy, cứ khi nào bị dồn vào chân tường thì thế nào cũng có kẽ hở thoát ra được.
***
Học được bốn, năm tháng vì tôi học hành tấn tới, tranh tôi vẽ đã được thày treo lên bảng để khen và cho các bạn cùng xem. Rồi với sự ưu ái đặc biệt, thày đã không lấy tiền học phí nữa mà còn cho tôi các vật liệu để vẽ đắt tiền như than(2), phấn vẽ của Pháp, chì than,… rồi có lần tôi còn được cộng tác với thày vẽ áp-phích(3) xi-nê(4) và các phim âm bản để quảng cáo.  
Đến khi học vẽ đến người thì quả là một thời kỳ thật sự khó khăn. Nhưng chúng tôi đã được thày Dư dạy những phần cơ bản nhất là Giải phẫu học về cơ thể con người(5). Từ xương, đến cơ, đến dây chằng. Ngón tay, ngón chân. Các chi tiết nhỏ nhất đều được thày giảng giải cặn kẽ và bắt vẽ đi, vẽ lại nhiều lần.
Vì thế sau này vẽ người chúng tôi thuộc từng tỷ lệ và không bị những lỗi sơ đẳng như quần áo không bay lẹm vào xương như một số tranh của các họa sỹ đã tốt nghiệp ở các trường chính qui vẫn phạm phải.
Đến khi vẽ cả người, thì đầu tiên là vẽ khỏa thân. Trong các mẫu gồm thanh niên, thiếu nữ, trẻ em, ông già,..Khó nhất là mẫu trẻ em, chúng không thể im lặng được một lúc. Ngồi hay đứng cũng vậy, đầu tiên là mười lăm phút, rồi mười phút, rồi tám phút, thế nào chúng cũng ngọ nguậy, thế là lại phải chỉnh sửa lại với dáng ban đầu. Về sau rút kinh nghiệm chúng tôi lấy phấn để đánh dấu từng chi tiết nên thời gian chỉnh sửa cũng nhanh hơn chút ít.
Háo hức nhất vẫn là mẫu thiếu nữ. Lần đầu trong đời, bọn học sinh mới lớn chúng tôi được nhìn thấy thiếu nữ khỏa thân, hầu như các học viên trong đó có tôi, cả tuần không vạch được một nét chì nào lên giấy.
Thày đã thông cảm và không một lời nhắc nhở.
Sau quen đi, chúng tôi cũng đã vẽ được như các mẫu khác.
Chủ nhật thày thường đưa chúng tôi đi vẽ phong cảnh ở các làng ven thành phố.
Có lắm hôm chúng tôi tụ tập trước cửa, thày mới dậy rửa mặt, cạo râu, thành ra có hôm vì vội thày chỉ cạo có một bên râu quai nón, còn lại một bên má vẫn xanh rì.
Nhiều bức tranh vẽ hồi ấy tôi vẫn giữ được đến giờ. Màu sắc trong sáng, nét bút ngây ngô, mà giờ đây khi tôi đã vẽ tranh bán cho người nước ngoài, vẫn không sao vẽ lại được. Nó mang trong lòng cả không gian, thời gian, cả sự hồn nhiên của thời thơ ấu, không bao giờ còn trở lại. Những kỷ vật đó đối với tôi vô cùng quý giá.
Sau này đã có người mặc cả mua với giá cao, rất cao, nhưng tôi không nỡ xa nó. Cứ mỗi lần tần ngần trước những bức tranh “ngây ngô” ấy, tôi như lại trở về với quá vãng xa xôi, trong sáng và ngọt ngào.
Nhớ nhất lần nhà hàng xóm giáp gianh rỡ mái ra lợp lại, thấy cả tập bản vẽ người của tôi giấu ở đó. Vì tập vẽ có tên, nên họ mang sang trả.
Đi học về đến nhà, thấy bố nhìn hằm hằm, hỏi xẵng giọng:
- Của mày phải không?
Rồi không đợi trả lời, cụ đã túm đánh tôi một trận nhừ tử.
Sau đó cụ nặng nhọc, nói trong giận dữ:
- Tao nuôi mày ăn học, mà sao mày lại đổ đốn ra thế này?
- Con có làm gì đâu ạ, con đi học vẽ tại nhà thày Dư ở Cát Dài. Chính cụ Tính giới thiệu con đến học. Đây chỉ là các bài vẽ tập của con!
- Mày hãy nhìn lại xem mày vẽ những cái gì?
- Các bài này học vẽ về người, ngoài bức vẽ thiếu nữ, còn có cả ông già, trẻ em nữa mà.
- Tao đã cho phép mày học vẽ chưa? Tao vẫn bảo là chỉ học chữ cho tốt cơ mà!
- Thì ở lớp con vẫn học tốt!
- Ai cho tiền mày đi học vẽ?
- Anh Huyên ạ.
Hồi ấy khoảng năm 1955 thì phải, thời điểm mà bà chị hai tôi chuẩn bị lấy chồng. Ông anh rể tương lai đang ra sức lấy lòng cậu út, nên đã bỏ tiền ra để “bao trọn gói” tiền học vẽ cho tôi.
Sau khi kiểm tra kỹ rồi, cụ gọi đến nói là tháng tới sẽ cho tiền để tôi học vẽ.
Vài năm sau, tôi đã vẽ vài bức tranh được thày Dư treo lên làm mẫu cho cả lớp. Bức hoa Lay-ơn(6) khá đẹp thày treo đã lâu, khi có tranh mới thay thế, nó được hạ xuống và thày nói với tôi là đem về nhà để giữ. Bức tranh đó tôi không dám ghi tên. Mấy lần cụ Tính đến chơi thăm lớp cứ nhầm là tranh của thày vẽ, thành ra sau thày lấy bút chì ghi tên tôi nho nhỏ ở phía dưới.
Đem về tôi lặng lẽ đặt trên bàn chứ không dám khoe với bố.
Cụ đi làm về giở ra xem, khen đẹp và bảo tôi treo lên cái khung giữa nhà. Hôm cụ Tính đến chơi nhìn thấy tranh tôi được treo lên, phấn khởi nói với bạn:
- Tranh thằng con ông vẽ, treo lên trông cũng đẹp ra trò!
- Nó làm sao vẽ được như thế!
- Ông thử nhin kỹ xem, chả tên nó ghi ở phía dưới thì tên ai đấy?!
Bố tôi quay lại hỏi:
- Sao tranh mày vẽ, mà không ghi tên rõ ràng?
- Con sợ.
Cụ không nói gì, nhưng thái độ của cụ đã “mềm” lắm rồi, chứ không còn “căng” như khi phát hiện ra tập tranh vẽ người của tôi hồi trước nữa.
Thế rồi sau đó bức tranh Hoa Huệ ra đời. Bức này tôi vẽ tại nhà và được thày Dư khen. Nó được treo trang trọng giữa nhà từ đó đến nay.
Sau đó có một lần họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung về nhà máy Xi Măng Hải Phòng lấy công nhân làm mẫu vẽ. Lúc ấy tôi cũng đang đẩy xe than trong nhà máy, gặp và mời cụ về nhà chơi.
Cụ Cung xem bức Hoa Huệ rất lâu, rồi khuyên tôi nên thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội. Cụ còn dặn khi nào lên thi thì nhớ đến qua nhà số 13 Lê Đại Hành báo cho cụ biết. Mãi sau này tôi mới biết lúc đó cụ đang là một họa sỹ hàng đầu Việt Nam và giữ chức Bí thư Đảng ủy trường Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1960 tôi lên Hà Nội thi vào hai trường Đại học, trường Bách Khoa và trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nhưng do tuổi trẻ còn nhiều tự ái, nên tôi đã không đến báo cho cụ Cung biết.
Khi trường gọi nhập học, các bạn khuyên tôi:
- “Một bức tranh, người khen đẹp, kẻ chê xấu, làm gì có “chuẩn mực”. Mày học tự nhiên giỏi, vào Bách Khoa mà học. Hai với hai là bốn, ai dám bảo là không đúng!”
Tôi cho là có lý và vào học ở Bách Khoa. Nay đã về hưu, đã già lắm rồi, mà thấy hai với hai vẫn không hẳn là bốn.  
Muốn sống tốt hơn, sung sướng hơn cái khả năng mình có, thì luôn phải nhớ rằng hai với hai “là bao nhiêu cũng được”, miễn là “cấp trên” gật đầu đồng ý!
Lúc đầu tôi cũng đã vẽ thử một số tranh đem gửi bán, song không ai dám nhận vì nhà nước ta “coi trọng hiền tài”! Tranh là tài sản văn hóa vô giá của Quốc gia. Bán cho nước ngoài là để “chảy của quí của đất nước” ra ngoài mất.
“Phí”!
Tốt nghiệp Bách Khoa, tôi được điều về Viện Thiết kế Bộ Giao thông. Công việc thì cứ đều đều, nhưng hồi ấy lương kỹ sư không đủ nuôi gia đình, vợ con. Tôi đã xoay giở đủ bốn phương, tám hướng như quấn quạt, quấn sut-vôn-tơ(7), chữa xe đạp, xe máy, để cải thiện thêm cho đời sống.
Một hôm chủ nhật, anh Nguyễn Hải, kỹ sư Địa chất giỏi nhất của Viện Thiết kế, cùng cơ quan, đem xe máy đến nhờ tôi sửa. Sau bữa trưa, anh nằm trên giường để nghỉ, ngửa mặt lên thấy cái tranh tôi vẽ đôi cá trê, phỏng theo tranh thủy mặc(8) của Tàu.
Anh khen:
- Mày có cái tranh cổ đẹp nhỉ!
- Tranh tôi vẽ đấy!
- Bốc phét! Mày mà vẽ được thế?!
- Nói thật không tin, thì ra ai cũng thích nghe “nói láo”!
- Mày tháo xuống tao xem. Nếu đúng là tranh của mày, tao sẽ nhờ vợ tao bán hộ.
- Chị ấy bán tranh ở đâu?
- Souvenir du Vietnam(9) Hàng Bài.
Không ngờ rằng đấy lại chính là “vận hội vàng” đến với tôi.
Sau khi xem bức tranh của tôi, chị Yến - vợ anh Hải gọi tôi đến nói:
- Tranh anh vẽ, có thể bán được. Nhưng nếu thể hiện trên lụa thì sẽ có giá hơn.
Khổ một nỗi thày dạy tôi vẽ lại từ Pháp về, nên ông không dạy vẽ lụa. Thế là tôi lại mày mò mua lụa về tập vẽ.
Cái khó là độ mịn của lụa không sao bằng độ mịn của giấy, nên khi đặt bút lên là màu, mực nhòe tứ tung. Tôi đã tìm “trăm phương, nghìn kế” mà vẫn không sao khắc phục được “cái nhòe” của lụa. Anh Trịnh Bá Đông bạn cùng phòng nghe kể, dẫn tôi đến ông bác anh là họa sỹ khóa một trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương(10) đang vẽ tranh lụa gửi sang Pháp.  
Nhưng suốt buổi gặp gỡ, ông già giữ nghề không chịu phổ biến kỹ năng vẽ lụa.
Về nhà “nổi máu tự ái” lên, tôi tự nhủ rằng: “Học Bách Khoa khó thế còn học được, sao bây giờ lại chịu “bó tay” với cái vụ “lụa nhòe” này nhỉ?”
Thế rồi từ hồ lụa bằng nước cơm, bột lọc đến cồn A-ra-bic(11), từ loãng đến đặc. Rồi sau đó lại đến cái đoạn “khử mốc” cho tranh. Dù sao lụa tơ tằm vẫn chỉ là chất hữu cơ, mà cái độ ẩm ở nước ta có mùa lên đến trên 90%, thì như một nhà thơ nào đó nói đến “tâm hồn còn bị mốc”, huống chi là lụa!
Sau lại đến cái đoạn bồi tranh, tức là dán lụa lên giấy sao cho hai thứ dính nhau làm một. Chỉ bị bong bằng hạt đỗ xanh là phải bỏ cái tranh đi. Trên Hàng Mã, họ có nghề, nên làm rất “nghệ”, nhưng công lấy khá đắt bằng nửa tiền bán tranh. Hai vợ chồng lại mầy mò làm mãi. Sau vợ tôi trở thành người bồi tranh vào loại số một.
Cứ thế dần làm, dần tìm cách khắc phục những sơ xuất mà bức tranh sau hoàn thiện hơn bức trước.
Tôi vẽ bức nào bán hết bức ấy. Ông họa sỹ già và cô con gái vẽ lụa gửi sang Pháp, sau cũng phải nhờ “cửa gửi” của tôi ở  Hàng Bài để bán tranh.
Một hôm, chị Yến cho gọi tôi đến bảo:
- Anh phải vẽ thêm các đề tài khác, chứ họa sỹ gì mà chỉ có mỗi bức tranh cá trê! Hôm nay tôi gọi anh đến, cho anh xem các họa sỹ Hà Nội vẽ những gì. Đây là điều cấm kỵ. Anh phải giữ kín việc này. Nếu cửa hàng biết, tôi sẽ bị đuổi việc ngay.
Về ngẫm nghĩ tôi hiểu rằng:
“Tất cả “những đỉnh” đều có “cao nhân” “chiếm lĩnh” rồi. Người Hà Nội tài hoa lắm, nên không còn chỗ hở nào cho tôi có thể len chân vào được.
Tôi thấy chỉ còn mỗi mảng tranh đen trắng là còn “bỏ ngỏ”. Nhưng đây là mảng “khó nhằn” nhất. Vẽ đã khó, lại dễ lộ nhược điểm và đặc biệt không hấp dẫn bằng tranh vẽ nhiều màu sắc.
Tuy nhiên phải chấp nhận vì cái sự “sinh sau, đẻ muộn” của mình thôi.
Chị Yến còn cho tôi biết đối với những nước văn minh, người ta đều yêu vẻ đẹp mạnh mẽ, thông minh của ngựa và nét quyến rũ của tranh thiếu nữ khỏa thân.
Tôi quyết tâm đi vào hai đề tài này, ở mảng tranh đen trắng.
Cũng rất may, về hình họa(12) tôi đã được thày Dư dạy rất kỹ, nên tranh của tôi được chấp nhận ngay. Chỉ riêng về ngựa thì quả thực tôi chưa biết gì.
Bức phác họa ngựa đầu tiên đã làm tôi khó quên, khi nghe thằng con nhỏ chạy lại khoe với mẹ:
- Mẹ ơi! Bố vẽ một đàn chó rất đông!
Tôi vừa buồn cười vừa xấu hổ về lời nó nói. Thế rồi các chủ nhật sau, tôi đèo vợ con trên chiếc xe đạp duy nhất vào Hà Đông chơi với ông bạn cùng phòng của vợ, có chú em làm nghề xe ngựa để quan sát và ký họa(13).
Ít lâu sau tôi đã có tranh vẽ ngựa vào loại nhất nhì trong các cửa hàng. Có một lần đi qua phố Bà Triệu, tôi thấy một nghệ nhân bày tranh và thư họa ra hè. Tôi ghé mua một bức thư họa thì ông ta cứ giới thiệu đi, giới thiệu lại tranh vẽ ngựa của ông ta.
Tôi góp ý về tranh ngựa, rồi đưa danh thiếp thì ông ta tỏ ra rất nể và không dám lấy tiền bức thư họa tôi mua nữa.
Tôi đã cảm động nói với ông ấy:
- Tôi còn chưa khổ bằng bác. Sao bác phải biếu tôi!?
Sau này đi lại mới biết, ông là Thanh người Thanh Hóa, làm ở Bảo tàng Nhà nước, thông thạo bốn ngoại ngữ. Giờ về hưu ra đường bán chữ nuôi con học đại học.
Tranh tôi vẽ, con gái đi đưa mà có ngày nó phải đi về vài lượt để giục giã. Tôi đã có tiền để sửa lại căn nhà xập xệ của mình.
Có một lần bà Lan ở số 5 ngõ Đoàn Nhữ Hài, nơi tôi gửi bán tranh, cùng chỗ gửi tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, đã nói với con gái tôi:
- Sau này, bố chị chết thì thế nào cũng nổi tiếng.
Tôi đến gặp, thì bà nói:
- Đã có một số người Pháp, sưu tầm tranh của ông, có hỏi địa chỉ, nhưng tôi không nói. Ông thông cảm, tôi mà nói, thì tôi không nhận được tiền chênh lệch.
Về nhà tôi đùa với con gái:
- Hay bây giờ bố chết, để trở thành nổi tiếng. Tranh sẽ bán được giá hơn.
Nó tưởng thật, đã òa khóc:
- Con không cần sự “nổi tiếng”, con không cần tiền. Con chỉ cần có bố thôi.
Giờ tôi cũng đã già, tay đã run, mắt đã kém. Con gái đi lấy chồng và đã trở thành bà ngoại rồi, không có ai đi giao tranh cho tôi nữa.
Tôi vẫn giữ được hơn hai trăm bức tranh nguyên bản.
Mấy lần khách đến đòi mua, trả giá rất cao, nhưng con gái tôi ngăn lại.
Nó chảy nước mắt nói:
- Bố đã già rồi, không còn vẽ được nữa. Sau này con sẽ không giữ gì ngoài những bức tranh bố vẽ.
Thì ra trên đời vẫn còn có người coi tranh là của quý.

Hà Nội, 2015.

(1)    Ga-li-lê: Glileo Galilei: nhà thiên văn, vật lý, toán và triết học người Ý: 15/02/1564-08/01/1642.  .Cha đẻ của khoa học 
         cận đại
(2)    Than: Fusain
(3)    Áp-phích: Affiche (tiếng Pháp) bảng quảng cáo
(4)    Xi-nê: Viết tắt từ Cinéma (tiếng Pháp) chiếu bóng
(5)    Giải phẫu học về con người: Anatomie de l’homme
(6)    Hoa Lay-ơn: Hoa tuổi trẻ: La Jeune (tiếng Pháp)
(7)    Sút-vôn-tơ: cái tăng áp (tiếng Pháp) survolteur
(8)    Tranh thủy mặc: Tranh vẽ bằng mực Tàu
(9)    Souvenir du Vietnam: Cửa hàng bán tranh và đồ lưu niệm Viêt Nam
(10) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: L’école des Baux-Art de L’Indochine (Yết Kiêu)
(10) Cồn A-ra-bic: Cồn dính làm từ nhựa cây của Ả-Rập
(11) Hình họa: Thể loại hội họa không sử dụng màu. Chủ yếu là vẽ người
(12) Kí họa: Tranh vẽ nhanh để ghi lại