tháng 4 02, 2020

Cúc trắng


Quê nội - Hà Nam



KHÔNG QUÊ

Ta về Phù Long(1) thăm quê ngoại, 
Xuân cũng về theo, nắng dát vàng. 
Mùa lụt, bơi thuyền thăm quê nội, 
Nước ngập trắng đồng, phủ Nam Sang(2). 

 Ai chẳng có quê tự tuổi thơ, 
Cái cò, cái vạc lượn trong mơ. 
Giá như ta vẫn còn quê nhỉ? 
Chẳng phải nhớ mong đến tận giờ. 

                                                         Hà Nội, 2006. 

 (1) Phù Long: Nam Định 
(2) Nam Sang: Hà Nam

Cái giá của lương thiện

Nghe tin ông bạn thân ốm, tôi vội vã đến thăm.
Nhà ông trong tận một ngõ sâu, mất năm chục nghìn tiền xe ôm mới tới.
Mấy hôm nay ông khật khừ, ăn kém, ngủ kém, mắt thâm quầng. Đã có tuổi, nhưng do cơ địa khỏe mạnh nên ông vẫn minh mẫn lắm.
Chơi với nhau đã lâu, tôi biết rõ tính cách hơi ngang ngang khác người của ông ấy. Ông không coi trọng vật chất. Sinh hoạt cũng giản dị, xuềnh xoàng.
Bà vợ ông nói: “Ông ấy nuôi dễ lắm! Chỉ miếng cháy, vài hột lạc rang mặn cũng qua bữa. Cứ nhìn ông ấy ăn, người khảnh mấy cũng tưởng là món ăn ngon lành lắm”!   
Uống với nhau gần hết tuần nước mới biết thì ra ông đang giận đời, giận mình!  
Hỏi ra thì cũng chẳng có gì ghê gớm cả, song ở đời đôi khi chỉ vì những cái vặt vãnh lại làm cho người ta đổ gục xuống như một cây chuối bị phạt gốc.
Mãi một lúc lâu sau, ông mới giãi bày:
- Tôi đang phải trả giá cho những ấu trĩ trong cuộc đời mình.
- Ông rỗi rãi, chả có việc gì làm ngoài việc ngồi viết lách, lại là người cả nghĩ, chứ có chuyện gì đâu mà buồn đến phát ốm lên vậy?
- Ông ạ, cứ tưởng mình cứ sống thật với mình, thật với đời, dám nói ra những điều tâm huyết, không lươn lẹo, không giả dối, thì lòng mình sẽ được thanh thản!
- Thì ông chẳng đã sống như vậy đấy thôi?
- Ông ạ, đến lúc đã già rồi mới biết mình còn ấu trĩ lắm, còn nông cạn lắm.
- Lúc còn trẻ ông có chịu đầu hàng trước khó khăn nào đâu? Cái gì cho là đúng, ông dám theo đuổi đến cùng, thế là đã hơn đứt bọn tôi rồi, còn gì!
- Hơn các ông cái nỗi gì?
- Bọn tôi cũng không mụ mẫm đến mức không biết cái gì đúng, cái gì sai! Nhưng dù biết việc đó đúng trăm phần trăm đi nữa, cũng phải liếc nhìn xung quanh xem có nhiều người gật gù không đã? Nếu chỉ có ít người đồng tình thôi, thì tốt nhất là ngồi im không động đậy, coi như không thấy. Điều gì có nhiều người công nhận, thì cũng chỉ dám gật đầu nhè nhẹ thôi!
Lặng yên trong bóng tối là biện pháp an toàn nhất, đó là chỗ ẩn nấp tốt nhất của hầu hết những người được cho là khôn ngoan!
Đằng này, ông không thế, cái gì đúng ông dám ngang nhiên hưởng ứng, cái gì sai ông dám vạch trần chúng ra giữa thanh thiên bạch nhật, mặc dù ông biết có nhiều ánh mắt cau có, cả những lời đe dọa và sau đó là các kiểu trù úm bẩn thỉu, kiểu phân công đểu cáng của bọn lãnh đạo cơ quan lúc bấy giờ.
Chỗ nào khó khăn nguy hiểm là họ đẩy ông vào. Thí dụ như tháng Hai, năm 1979, ta “huých nhau” với Tàu ở biên giới phía Bắc, cầu Làng Giàng trên Lào Cai bị giật sập, thì ngay sau đó, tháng Mười chúng bắt mình ông khăn gói lên đấy thị sát để làm cầu. Ông phải đi. Mà không đi thế nào được? Ông là kỹ sư cầu, cử ông lên đó làm cầu thì có gì là không đúng chứ? Nhưng vì sao lại không phải là ai khác?
Lần ấy đi từ Phố Lu đến Lào Cai để thị sát, mấy lần ông bị bắn tỉa mà không chết. Rồi cả đến những lần khác khi ông vác ba-lô lên vai đi công tác là vợ con tái mặt lo âu, đồng nghiệp thì nín hơi không dám thở. Chỉ cần một sơ sót nhỏ lọt vào mắt họ là cái ách kia sẽ quàng vào vai mình lập tức!
Vào những năm 1964, khi Mỹ đánh phá hạn chế, số bom đạn mấy tháng chúng ném xuống Khu Tư nhiều gấp hơn mười lần số bom đạn chúng ném xuống toàn Miền Bắc trong mười năm. Ông cũng “được chọn đi công tác” Khu Tư. Nằm trong đó hơn sáu năm, suýt chết không biết bao nhiêu lần!    
Thời kỳ chiến tranh, người nào “được cử đi công tác” vào vùng có chiến sự là ngang với bị kết án tử hình.    
- Thế ông quên à, lần ấy cũng có ông ở đấy, đồng chí Phạm Kiên, Viện phó  mới học xong lớp Bốn trường làng, phụ trách nhân sự Viện khi đưa cho tôi tờ “Công lệnh”(1) cử đi công tác Khu Tư đã nói:  
- “Cử một mình đồng chí đi công tác, chúng tôi tin tưởng hơn cử năm đồng chí khác!”. Trên đã tin tưởng mình, thì mình cũng “phải cố gắng” để xứng đáng chứ!
- Đành rằng chuyên môn của ông tốt hơn nhiều đồng nghiệp khác, lại chịu đi công tác bất cứ đâu, nhưng sao khi xét nâng lương, họ lại quên ông luôn mấy kỳ liền? Người khác chỉ ba đến bốn năm, ông có kỳ trên mười năm mới được xét đến lương?
- Tại đồng chí phụ trách Nhân sự với đồng chí trưởng phòng Tiền lương có quen biết nhau đâu! Làm gì mà chả có nhầm nhọt?!
- Nói như cứt! Thế mà vẫn còn đùa được!
- Ông à, lại nói tới việc dám đương đầu với hiểm nguy, tôi cũng sợ chết lắm chứ, nhưng ở vào cái thế không đi, không được! Cái “can đảm đến liều mạng” kia cũng chỉ là khí tiết của kẻ dũng phu. Nhưng để làm một con người trọn vẹn cho đúng nghĩa thì ngoài việc can đảm ra, còn cần phải biết suy nghĩ, chứ nếu không cũng chỉ là một kẻ a-dua, a-tòng, suốt đời chỉ biết bám theo đuôi người khác!
Thuở còn non nớt ngây ngô ấy, có những cái mình mới thấy lần đầu, cho là đúng, chưa kịp phân tích nông sâu, phải trái đã hăm hở xông vào làm với tất cả nhiệt huyết, thì đó lại là cuồng tín.
Suốt cả tuổi trẻ, tôi cũng đã sống và hành xử như một kẻ cuồng tín!
Cuối cùng mới biết là mình cũng chỉ giống một con chuột chũi. Đào cái lỗ chui vào và cứ thế hăm hở đào tiếp. Chung quanh tối om om, không nhìn thấy cái gì cả! May thì tìm được lối thoát ra, không thì sẽ đắm chìm trong bóng tối cho đến chết!
Thứ hai là trong cuộc sống tôi cứ cố vươn tới sự lương thiện, không mánh khóe, không thủ đoạn. Tưởng là tốt, song đó lại chính là nhược điểm chí mạng, làm cho không ai ưa được mình, không ai muốn gần gũi mình! Cậu Lê Vĩnh Thiệu kỹ sư trẻ cùng phòng rất quí tôi mà cũng phải thốt lên: “Anh thật có tài làm cho người ta ghét!”
- Biết thế, sao ông không thay đổi đi?
- Nếu tôi chỉ biết nịnh bợ, quen dối trá, liệu ông có còn chơi với tôi không?
- Tất nhiên là không!
- Tôi đã muốn đánh đổi tất cả để sống, dù có bị người khác ghét bỏ, nhưng không để ai khinh mình!
- Hóa ra ông cũng “sĩ thối” phết!
- Đó không phải là “sĩ thối”!
- Tôi hiểu chứ! Muốn trêu ông tí thôi!
- Tôi lại còn tật cố hữu, biết là dở mà mãi chưa sửa được!
- Là gì?
- Cố chấp!
- Cụ thể là gì?
- Cái gì cũng muốn rạch ròi, đúng sai, lại thường hay gân cổ lên cãi lấy được!
- Thế là tốt chứ sao!
- Không đâu! Ở đời ai cũng nghĩ là mình mới đúng, nên nếu có người phản bác lại là họ sẽ nổi khùng lên ngay. Mình bảo vệ ý kiến của mình, thì người khác cũng biết bảo vệ ý kiến của họ chứ!
Chả thế mà Sô-crat(2) đã từng khuyên: “Nếu muốn đứng được giữa trời đất, thì phải biết cúi đầu”!
- Nhưng đấy vẫn chưa phải là dở nhất, cái dở nhất ở ông là gì, ông biết không?
- Là gì?
- Là ông không chịu tôn thờ “thần tượng”(4) nào, trong lòng ông chẳng phục ai cả!
- Có chứ! Thực ra khi mới nghe chuyện gì bao giờ tôi cũng chỉ tin một nửa, sau khi kiểm chứng lại tôi mới tin thật sự! Khi đã tin là tin đến chết luôn.  
- Thí du?
Như chuyện anh hùng trẻ tuổi Lê Văn Tám, mới tí tuổi đầu đã đủ dũng khí tẩm săng vào người, châm lửa cháy bùng lên rồi chạy mấy chục mét vào thiêu hủy cả kho săng lớn của địch ở Thị Nghè! Tôi cứ suýt soa “thán phục” mãi, đến khi chính ông tác giả(3) trước lúc chết đã thừa nhận là bịa ra chuyện này để tuyên truyền cách mạng( !) chứ không thể có một thằng bé dù anh hùng mấy đi nữa khi toàn thân bốc cháy như ngọn đuốc mà vẫn còn đủ sức chạy mấy chục mét nữa. Khi “sáng tác”  chuyện, ông ta còn quên mất một chi tiết cực kỳ quan trọng là ở một kho săng lớn nhất nhì Miền Nam lúc bấy giờ lại không có một tên lính gác nào để cản ông anh hùng trẻ này lại? Thế mà mọi người vẫn hoàn toàn tin vào câu chuyện bịa đặt phi lý ấy. Họ lấy tên Lê Văn Tám để đặt cho rất nhiều trường học và nhiều công viên nữa! 
Ngoài chuyện ông anh hùng trẻ tuổi này ra, đến bây giờ khi đã cập kề miệng lỗ, tôi vẫn chưa thấy có việc gì, chuyện gì hoàn toàn chân thực cả! Cái gì cũng lập lờ, luôn được cài cắm ý đồ này nọ vào đó để vụ lợi. Cái lợi đó nếu không phải là những mớ vật chất thô thiển thì cũng nhằm để “thổi phồng tên tuổi” của họ!
Nhưng dù là mục đích hay ý đồ gì thì đó vẫn là sự dối trá, là không trung thực, là bịp bợm! 
Sau những chuyện ấy tôi đã hoài nghi tất cả! Không tin ai và không “thần tượng” một ai nữa!
- Có một người đã nói: “Không có tiền, không đáng sợ bằng không có tri thức!” Và vì không có tri thức, không hiểu biết, nên rất dễ để người khác lừa gạt, rất dễ bị người khác dắt mũi lôi đi như con trâu, con bò!
- Nguyên văn câu nói đó là: “Vô sản, không đáng sợ bằng vô học”!
- Có phải đó là câu trả lời của Học giả Hoàng Xuân Hãn trả lời ông Lãnh tụ Việt Nam khi ông này sang Pháp mời Trí thức Viêt Nam về nước xây dựng đất nước sau khi cướp chính quyền năm 1946 không?
- Có lẽ thế! Ông thấy đấy ngoài xã hội thì dối dá, bịp bợm, trong gia đình thì con đánh cha, vợ chửi chồng, không còn tôn ti trật tự gì nữa, không còn đạo lý gì nữa!
- Xã hội đổi mới thì cái đạo lý như ông quan niệm nó cũng phải đổi khác đi chứ!
- Con người khác con vật vì nó có ý thức, có đạo lý, chứ nếu không thì khác gì một bầy súc vật? Ông phải biết con vịt chỉ có thể đẻ ra quả trứng vịt, chứ không bao giờ có thể đẻ ra quả trứng gà! Mặc dù thoạt nhìn thì hai quả trứng này rất giống nhau, có chăng chúng chỉ to nhỏ hơn nhau tí chút, đã nhiều người nhầm trứng gà cồ với trứng vịt cỏ.
Bởi vậy vật chất bao giờ cũng có trước, rồi ý thức mới có sau, sinh ra sau!
- Đấy, đấy chính là gốc rễ của vấn đề. Người ta rất dễ quay về thời kỳ ăn lông, ở lỗ. Chỉ cần có cái để nhét vào dạ dày, chứ thiếu đạo lý, chưa thấy ai chết ngay!
Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến việc không mấy ai cần phải học!
- Và đấy cũng chính là sự khác nhau của các từng tầng lớp người trong xã hội!
- Thế mà sao mãi bây giờ ông mới nói ra?!
- Vâng, bây giờ lúc đã già rồi tôi mới hiểu được hết ngóc ngách câu nói đó!
- Thế thì rút kinh nghiệm đi!
- Có mà rút vào lỗ!!!
- Biết rút kinh nghiệm thì không bao giờ là muộn cả!
- Có lẽ phải đợi kiếp sau, nếu như có kiếp sau!
- Theo tôi cứ phiên phiến đi mà sống thì có lẽ sẽ thấy dễ chịu hơn, ông ạ!
- Ừ! Có lẽ thế!
- Thí dụ đi ngoài đường, thấy có người bị cướp giật, thì tốt nhất là làm như không nhìn thấy!
- Thế à?
- Bởi nếu ông hay tôi mà can thiệp vào thì không những chẳng giải quyết được việc gì mà thậm chí còn làm phiền cho người khác nữa!
- Sao lại thế?
- Một lão già như tôi, như ông sẽ bắt được tên ăn cướp hay sẽ bị nó đánh cho, không chết thì cũng bị thương?
- Nhưng cũng phải có động thái gì chứ ai lại chỉ như một cục đá vất bên đường?
- Theo ông thì nên làm thế nào?
- Không bắt được tên cướp, cũng phải cản nó lại hoặc hô hoán lên chứ!
- Ông không sợ nó đập cho vỡ đầu à?
- Cũng sợ, nhưng nín lặng còn khổ hơn!
- Người Tàu có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời!” Đúng thật!
- Ông nói thế là ý gì?
- Có nghĩa ông vẫn chỉ có thể là một người lương thiện! Khó sống đấy!
- Thế chả lẽ để dễ sống, thì không nên lương thiện nữa à?
- Cũng có lẽ! Nếu không “phấn đấu để thành một thằng bất lương” thì cũng nên bớt lương thiện đi!
Từ biệt ông bạn già, ra về tôi cứ suy nghĩ miên man mãi, như ông ấy đã cố sống cho lương thiện mà sao vẫn gặp bao nhiêu tai họa? Chả nhẽ lương thiện với tai họa lại là hàng xóm sát vách với nhau sao? Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông ấy lại mất lòng tin, mới buồn rầu và suy sụp đến thế! Một sự việc không hề có mà người ta còn bịa thành một câu chuyện anh hùng sáng chói bắt mọi người phải cúi đầu thờ phụng, thì các việc khác chỉ cần bé xíu như hạt vừng, cũng có thể biến nó trở thành một sự kiện vĩ đại hoặc thành kiệt tác to lớn vô biên.
Rồi tôi cũng “đổ theo” suy nghĩ của bạn mình:
- Trên đời “Chẳng có đếch “thần tượng” nào cả! Chỉ là thằng này lừa thằng khác có “ngoạn mục” hay không mà thôi!”
Trong cái xã hội “hỗn mang” này, cái gì là thực, cái gì là giả cứ luôn “lộn tùng phèo lên ráo trọi”!
Rồi lại “lẩm cẩm” tự nhủ rằng:
“Đừng lương thiện quá, mà mang vạ vào thân”!


                  Hà Nội, 2020.

(1) Công lệnh: Giấy đi đường = Lệnh đi công tác.
(2) Sô-crat (Socrates) = triết gia Hy Lạp cổ đại.
(3) Gs Trần Huy Liệu (trang 567 trong File này)
(4) Thần tượng: Cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng một cách si mê.