tháng 11 23, 2020

Danh ngôn


 

Thiếu nữ - Bột màu 2006


 

Nhân ngày nhà giáo 20-11


 

Về một bài thơ của Đặng Dung.

Nguyên tác:

感懷

世事悠悠奈老何

無窮天地入酣歌

時來屠釣成功易

運去英 雄飲恨多

致主有懷扶地軸

洗兵無路挽天河

國讎未報頭先白

幾度龍泉戴月磨

Phiên âm Hán-Việt:

Thuật hoài:

Thế sự du du[2] nại lão hà?

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.[3]

Thời lai đồ điếu[4] thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chủ[5] hữu hoài phù địa trục,[6]

Tẩy binh[7] vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo[8] đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền[9] đới nguyệt ma.

Chép theo Ngữ văn 10 (nâng cao), sách đã dẫn. Có bản chép khác: Thế lộ (câu 1), Nhập thù ca (câu 2), Sự khứ (câu 4), Trí chúa hữu tâm (câu 5), vị phục (câu 7).

 

Dịch nghĩa

Cảm hoài:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?

Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.

Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,

Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.

Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,

Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.

Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,

Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

 

Bản dịch của Tản Đà

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chửa trả,

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Bản dịch của Phan Kế Bính:

Việc đời bối rối tuổi già vay,

Trời đất vô cùng một cuộc say.

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

 

Bản dịch của Nguyễn Văn Trình

Việc đời dặc dặc tuổi già đây

Trời đất miên man nhịp hát hay

Bần tiện gặp thời thành nghiệp dễ

Anh hùng lỡ vận hận căm đầy.

Mong xoay trái đất lo phù chúa

Muốn rửa sông trời khó kéo mây.

Thù nước chưa đền đầu đã bạc

Mài gươm dưới nguyệt mấy thu rày.

***

Việc đời bối rối tuổi già vay

Trời đất vô cùng một cuộc say

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay

Vai khiêng trái đất mong phò chúa

Giáp gột sông trời khó vạch mây

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.[14]

 

Bản dịch của Trần Quốc Khánh:

Thế sự quấy chi mãi lão này,

Mênh mang trời đất hát vì say.

Gặp thời, bần tiện thành công dễ,

Lỡ vận, anh hùng những nuốt cay.

Chí lớn những mong xoay trục đất,

Gột giáp vẫy vùng khắp trời mây.

Nợ nước chưa đền đầu vội bạc,

Mang gươm mài mãi dưới trăng gày.

 

Hà Nội, 2020.

 

 

  

tháng 11 13, 2020

Thiếu nữ - Bột màu - 1997


 

Đồ sơn - Hải Phòng - 2019


 

Về một người thày

            Hôm rồi ông bạn học cùng lớp, có việc lên Hà Nội, ghé đến cho tôi quyển hồi ký về một người thày giáo do con trai ông biên soạn.  

Quyển hồi ký không dầy được in trang trọng trên giấy tốt, bìa cứng đóng rất đẹp, lấy tiêu đề: “NGƯỜI ĐẶT TÊN TRƯỜNG”

Đó là quyển hồi ký viết về thày giáo của chúng tôi, thày Nguyễn Văn Bái.

Thày sinh 1912, quê Yên Mỹ, Hưng Yên, trong một gia đình nhà nho nghèo. Ở trường Ngô Quyền chúng tôi được thày dạy các môn Sinh vật, Toán và Vẽ.

Tôi và mấy người bạn yêu vẽ từ nhỏ, đã mày mò tìm thày học mà không hề biết thày đã học và tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux Arts de L’Indochine khóa IX: 1933-1938) cùng khóa với họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Lập Ngôn, sau khóa các họa sỹ lừng danh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí. Được Nhà nước Cộng Hòa Pháp cấp chứng chỉ tốt nghiệp ngày 30 tháng 09 năm 1938.

Sau đó thày có tham gia dạy tại các trường Mỹ nghệ Huế và trường Mỹ nghệ Hà Nội. Tác phẩm của thày đã được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hồi đó mua với giá rất cao. Phủ Toàn Quyền Đông Dương đã mời thày vào trang trí nội thất. Vua Bảo Đại đã đích thân ban thưởng gắn mề đay và thẻ ngà cho thày.

Trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có nhiều bức tranh của thày được trưng bày. Năm 1947 chuẩn bị chuyển 10 bức tranh rất hoành tráng của thày sang Pháp triển lãm, nhưng chiến tranh đã ập đến phá đi tất cả!

Năm 1948, để đổi tên trường Bình Chuẩn mà trước đó khởi đầu là trường Bonnal (từ 1920) cho phù hợp. Sau sự trình bày và phân tích rất thuyết phục của thày, Hội đồng Thành phố và Ban Giám hiệu đồng ý đổi tên thành trường Ngô Quyền như ngày nay.

Thày còn là một Kiến trúc sư tài ba, người thiết kế chính cho cụm kiến trúc cổng trường Ngô Quyền. Cái cổng trường rất giản dị và hài hòa ấy đã gắn bó suốt những năm tuổi thơ của chúng tôi.

Hơn 28 năm dạy học tại trường THPT Ngô Quyền Hải Phòng với chúng tôi thày Nguyễn Văn Bái hằng ngày lên lớp dạy các môn Sinh vật, Toán và Vẽ cho học sinh mà vẫn gần gũi và thân thương như một ông giáo trường làng!

Một con người uyên bác, tài năng, nhưng lại cực kỳ khiêm nhường, giản dị.

Mới biết chỉ có những bậc học giả mới sống và làm được như thế!

***

Tôi học thày chỉ khoảng ba, bốn năm gì đó. Lúc ấy còn nhỏ, còn ngây ngô, chưa biết gì, chỉ nhớ hằng ngày cắp sách đến trường, đến tiết học nào thì lấy vở môn ấy ra nghe giảng và ghi chép.

Đến giờ già rồi đã trên tám mươi tuổi, mà vẫn còn nhớ được một lần không thuộc bài môn Sinh vật thày dạy, bị phạt cấm túc (consigne), tức là chủ nhật phải đến nhà thày chép lại năm mươi lần bài học đó. Cặm cụi từ sang đến trưa, tôi cũng chỉ chép được gần hai chục lượt thì tay đã mỏi, mắt đã díp vào, đom đóm đã chập chờn bay quanh đầu, thì thày đến vỗ vai bảo đi rửa mặt rồi vào ăn cơm cùng gia đình.

Tôi lúng túng cứ loanh quanh mãi không biết phải làm thế nào thì thày dịu dàng bảo:

- Thôi thày tha lỗi cho, lần sau nhớ phải học thuộc bài, con xuống rửa mặt cho tỉnh táo rồi vào ăn cơm, còn về nhà để cha mẹ khỏi mong!

Tôi cứ nhớ mãi cái cảm xúc lúc đó, thày thật giống như một người cha hơn. Nghiêm khắc nhưng cũng thật bao dung, gần gũi.

Được làm học trò thày mà không thành người tử tế thì thật là có tội!

Hà Nội, 2020.