tháng 10 20, 2014

May mắn

Tôi chỉ là một cây bút tự do, viết thì viết cũng đã lâu rồi, từ hồi còn niên thiếu. Nhưng do một tai nạn nghề nghiệp. Nói huênh hoang cho oai một tý, chứ lúc bấy giờ mới là một “cậu nhóc” mười sáu, mười bảy tuổi thì làm gì đã có “nghề” mà gọi là “tai nạn nghề nghiệp”!
Còn nhớ lúc ấy còn là một học sinh phổ thông trung học đã “ngứa nghề” muốn viết. Như bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương từng viết: “Ong non, ngứa nọc…”, tính lại tàng tàng, không chịu gửi cho cho một tờ báo thông thường, mà lại đem gửi cho tờ báo tiếng tăm nhất lúc bấy giờ. Nào ngờ bài viết ấy được đăng. Bạn mừng, thày mừng, lớp mừng, trường mừng.
Nhưng các cụ đã  nói: “trong may, có rủi”! Giống như câu chuyện Tái Ông mất ngựa. Mấy tháng sau, đùng một cái tờ báo ấy bị “đóng cửa”. Lý do thì thiếu gì lý do. Lấy ví dụ cho dễ hiểu là buổi sáng dậy sớm, vội vã ra mở cửa. Do “mở cửa sớm quá”. Gió lạnh ùa vào thế là đau bụng. Đã đau bụng thì phải đi vệ sinh. Nói cho dễ hiểu là khi đã muốn “bới bèo ra bọ” thì cứt thằng nào mà chả thối. Thế là từ chỗ được mọi người ngưỡng mộ chuyển sang ai cũng dè bỉu, chê bai. Họ cách li như cách li với một người bị bệnh truyền nhiễm. Đa phần là do nhút nhát, còn lại là do đố kỵ, “không ai muốn giây với hủi”!
Thế là bạn ghét, thày ghét, lớp ghét, trường ghét. Cuối năm ấy tôi bị tống ra khỏi trường, do đã học lớp cuối cấp. Không được thi tốt nghiệp. Cầm quyển học bạ với lời phê của giáo viên chủ nhiệm: “Không đủ tư cách thi tốt nghiệp”! Tôi bơ vơ giữa dòng đời, lòng trống rỗng và hoang mang cùng cực. Mãi sau này, khi đã già rồi, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao lại như thế?
Tuy nhiên, tôi, “cái thằng không có đủ tư cách” ấy, hằng ngày vẫn phải làm mọi việc để tồn tại. Làm cu-li, đẩy xe than, bơm vá xe đạp ở đầu đường. Làm đủ trăm nghề, nghề nào cũng qua, chỉ có nghề ăn cắp là chưa trải, vẫn không ngừng viết. Chỉ có việc gửi đi cho đài, báo đăng là “bố bảo cũng không dám” nữa.
Lúc đã già, trên bảy mươi tuổi rồi, thì lúc ấy đã viết khá nhiều. Nhưng cứ tâm niệm bụng bảo dạ là khi nào sắp chết còn kịp dối dăng lại cho con cháu: nhớ đốt đi kẻo mang vạ vào thân!
Có một ông bạn học cùng lớp phổ thông ngày xưa đã từng làm đến Tổng Giám đốc, song cũng đã từng bị xích tay và đã từng ăn cơm tù hơn mười năm, đến chơi để cảm ơn vì khi ngồi sau song sắt ăn cơm nhạt với cá mắm thối, ngoài tôi thì chẳng có thằng chó chết hay con bạn đểu nào lai vãng, mặc dù khi làm ăn được thì sao mà lắm bạn bè thân đến thế.
Ông này có chút năng khiếu về văn học, ngồi uống nước vô tình đọc tập truyện của tôi viết. Ông ta nói là tôi viết được, rồi khích lệ tôi nên đưa đi xuất bản.
Hỏi đi hỏi lại mấy lần, tôi vẫn không tin lắm. Như con chim bị bắn trượt, sợ cả cành cây cong, nhưng cái chính là do cái tật hay thụt thò “bỏ thì thương, vương thì tội”. Đắn đo mãi, tôi mới nảy ra ý định là sẽ tìm đến một nhà văn lớn để xin được góp ý.
Sau khi suy nghĩ và chọn lựa, tôi quyết định tìm đến nhà văn Tô Hoài, người mà tôi đã yêu quý từ khi còn thơ bé với “Dế mèn phiêu lưu ký” của cụ.
Để gặp được một nhà văn lớn, nổi tiếng, đã ở tuổi chín mươi, lại rất sợ sự quấy rầy của đủ các loại người, không phải là dễ.
Tôi không có ý định núp dưới bóng râm của cây đại thụ nào và không có ý định ra sách. Lại càng không muốn nhuộm cùng màu với bất kỳ ai.
Thế rồi đã rất kỳ công, tôi cũng đã mò mẫm mấy tháng trời mà vẫn không được toại nguyện.
Cụ bà Cúc, vợ nhà văn nói:
- “Ông ấy đã già rồi, lại lắm bệnh tật, nên không gặp bất kỳ một ai. Muốn ông ấy góp ý, thì đưa vài truyện cho ông ấy đọc. Có khỏe ông mới đọc được, vì thế cũng không thể hẹn trước. Sau đó ông ấy sẽ góp ý nhiều hay ít là tùy vào truyện. Cỡ một tháng nữa ông hãy quay lại đây”.
Tôi đã làm theo lời dặn dò của bà lão cũng chỉ kém cụ ông vài ba tuổi, đi lại ba, bốn tháng vẫn chưa được nhà văn góp ý. Lần thứ tư, tôi sững sờ khi nghe bà cụ nói:
- Tôi có giục, nhưng lần này ông ấy bảo tôi: - “Ông này tôi phải gặp”!
***
Bà con gái cả của cụ là người gặp tôi đầu tiên ở ngoài cổng, hỏi:
- Ông có được bố tôi hẹn gặp không?
Cảm động nhất là khi nghe thấy tôi hỏi thăm đến nhà, cụ đã lần tường ra đón tôi tận cổng. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một nhà văn lớn, rất nổi tiếng ở mãi Nghĩa Tân, nhà bà con gái đầu của cụ cũng đã trên sáu mươi, làm nghề thuốc, tiện chăm sóc cho bố và cũng tiện để cụ “lánh” những cuộc gặp gỡ không cần thiết!
Đó là một cụ già đã chín chục tuổi, thấp bé, giản dị. Lần gặp gỡ này kéo dài tận hai tiếng đồng hồ, đã vài lần tôi đứng dậy xin phép cụ ra về vì sợ cụ mệt, nhưng cụ đều giữ lại. Trong chuyện trò cụ kiệm lời, nói năng nhỏ nhẹ và đặc biệt là cụ nói chuyện rất có duyên, rất hóm hỉnh.  
Trong khi trò chuyện, cụ đã nói với tôi:
- Nếu muốn viết và để có thể trở thành một nhà văn thì nhất thiết phải có hai thứ:
* Thứ nhất là phải giàu vốn sống.
* Thứ hai là phải giàu vốn từ.
Tôi đùa hỏi lại cụ:
- Thưa bác, thế không cần giàu tiền bạc ạ?
Cụ cười hiền lành, chỉ nhìn tôi không nói.
Khi tôi từ biệt cụ ra về, cụ nhất định tiễn tôi ra tận cổng.
Bắt tay từ biệt, cụ nói thêm một câu:
- Ở ông, có cả hai thứ đó.
- Thưa bác, bác nói cháu có cả hai thứ gì ạ?
- Cái mà tôi nói lúc nãy ấy. Hãy viết nữa đi!
Tôi dùng dằng, mãi sau mới dám nói:
- Cháu cứ nghĩ là khó mà được gặp bác, nhưng hôm nay cháu thật may mắn đã được gặp và chuyện trò với bác. Cháu xin phép hằng tháng được đến thăm bác, không biết như thế có làm phiền bác không ạ?
- Không sao. Ông không cần xin phép. Muốn đến chơi với tôi thì phải gọi trước. Bởi tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Lúc mới quen cụ vẫn gọi tôi là ông, bởi dù sao tôi cũng là một ông già trên bảy mươi tuổi rồi còn gì nữa. Tôi sinh sau cụ mười chín năm.
Thế là từ đấy tôi thường đến thăm ông cụ hiền lành, giản dị nhưng rất nổi tiếng ấy. Các lần sau tôi thường đưa những tác phẩm nhỏ bé của mình cho ông cụ đọc rồi xin cụ góp ý. Nhưng do rất kiệm lời nên cụ chỉ khuyên tôi:
- Anh - sau này khi đã thân mật, cụ đổi cách xưng hô gọi tôi bằng anh chứ không gọi là ông như trước nữa - nên đưa cho các tạp chí đăng bài, vừa có nhuận bút. Khi nào tập hợp được nhiều nhiều, họ sẽ xuất bản mà mình không phải bỏ vốn ra in.
- Thưa bác cháu đã đưa bài cho Tạp chí Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản, từ mấy năm nay, nhưng chỉ được họ nhận bài, khen vài câu nhưng không thấy họ đăng.
- Nếu thế anh đưa bài sang cho Tạp chí Hội Nhà văn, ở 65 Nguyễn Du. Để tôi gọi điện thoại giới thiệu anh với Tổng biên tập. Trước tôi đã từng làm việc ở đấy.
Tôi đến địa chỉ trên, ông Tổng biên tập Nguyễn Tr. đã ra tận cổng đón, vui vẻ mời tôi vào phòng làm việc.
Cũng đi lại như đã đi lại ở Tạp chí Văn Nghệ, năm lần, bảy lượt, cũng được khen là bài viết tốt, tuy nhiên vẫn không được đăng. Lần thứ năm, thứ sáu gì đó ông Tr. mới bùi ngùi nói với tôi:
- Tạp chí chúng tôi còn nghèo lắm. Để đăng bài cho hội viên trong hội Nhà văn cũng đã chật vật lắm rồi. Bài của người ngoài hội phải được đánh giá là rất xuất sắc mới đăng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Anh thông cảm.
Ra về tôi hiểu là những bài viết của tôi tuy được khen là tốt nhưng chưa thể gọi là “rất xuất sắc” để được đăng trên tạp chí và vì “tạp chí rất nghèo”, …  
Lần sau đến thăm cụ, cụ có hỏi tôi là đã gặp ông Tr. chưa. Tôi đành nói thật:
- Không phải cháu không lo được vài triệu đưa cho Tạp chí để đăng bài. Nhưng làm như vậy, cháu cứ thấy nó hèn hèn thế nào ấy.
Cụ chỉ đăm đăm nhìn tôi mà không nói gì cả.
Cuối cùng cụ khuyên tôi:
- Chỉ còn cách đưa cho nhà xuất bản. Nhưng như vậy sẽ tốn kém đấy. Tôi thấy anh không phải là người nhiều tiền, nên phải cố gắng vậy thôi. Thời tôi còn khỏe đi làm, thì nhà xuất bản sẽ hỗ trợ cho tác giả sách mấy chục phần trăm. Nhưng bây giờ không biết có còn chế độ này nữa không?
Tôi thấy yêu mến cụ già tốt bụng này biết bao. Cứ suy từ cụ mà ra, là một nhà văn nổi tiếng với bao nhiêu giải thưởng lớn của nhà nước và của cả quốc tế, đi nước ngài trên chục lần, mà đến thăm cụ quan sát thì chung quanh cụ chỉ toàn sách là sách, sách nhiều vô kể. Một bộ bàn ghế xuềnh xoàng để tiếp khách, một cái bàn viết nhỏ quay mặt ra cái cửa sổ và một vỉa hè vắng vẻ, một cái đèn bàn rẻ tiền và một cái quạt cây cũ kỹ. Bên trong phòng ngủ có một cái giường nhỏ và một cái ti-vi cổ, đít lồi.
Hà Nội vào mùa hè có những hôm nóng đến ba tám, ba chín độ, mà chỗ ở một danh nhân không có nổi cái điều hòa!
Có một số người nói với tôi:
- Có khi cụ không chịu được điều hòa nên không lắp.
Có người còn ác ý nói:
- Có khi ông cụ “đóng kịch” đấy!
Tôi thì nghĩ khác. Một người như cụ tuổi đã trên chín chục, gần đất xa trời rồi còn “đóng kịch” thì đóng để ai xem? Mà đóng kịch vì mục đích gì cơ chứ! Để tỏ ra đặc biệt khác người, để nổi tiếng à? Cụ đã chẳng phải chạy trốn “cái sự nổi tiếng” rất vất vả đó sao!
Có lần cụ đã nói với tôi:
- Nghề viết văn không làm giàu được. Muốn làm giàu thì đừng viết văn!
Nhưng viết, là cái nghiệp. Nó đã vận vào thân, gỡ cũng chẳng ra. Mà gỡ ra rồi để làm vương, làm tướng gì cơ chứ? Kinh doanh làm giàu à? Hay phấn đấu để trở thành “đầy tớ của dân”!
***
Tôi ra sách, cũng từ một “tai nạn” khác. Thì các cụ xưa đã chẳng nói: “Họa vô đơn chí” có nghĩa là tai họa không chỉ đến một lần là gì. Nguyên do là thế này, cái ông bạn có chút năng khiếu văn học đã nói ở trên xin kỳ được một quyển truyện tôi tự in ra để đọc, rồi đem truyền tay cho người này, người nọ. Thế rồi quyển truyện đó lọt vào tay một ông văn sĩ già, có người thân ở Mỹ. Một lần sang Mỹ, ông ta tung lên mạng cho vui. Thế là một truyện ngắn của tôi được đưa lên mạng với số người xem lên tới gần mười nghìn người, và kèm những lời ngợi khen hơi quá đáng.
Tôi có một ông bạn làm nghề công an chức vụ tới chức Thượng tá sau khi xem xét sự việc, đã cảnh báo là việc này chẳng có gì đáng mừng cả, vì chẳng may “cái truyện ngắn được đăng lên mạng ở nước ngoài thuộc phe thù địch” lọt vào “tầm ngắm” của một “đồng chí” công tác ở bộ phận An ninh chính trị. Thì rất có thể tác giả sẽ được đồng chí ấy gọi lên, “tặng cho” hai, ba cái tát. Lúc ấy mả bố có táng trên cung trăng cũng phải lên mà đào xuống.
Quá lo sợ, lại thêm lời khuyên của nhiều người, tôi bèn bàn với vợ là chỉ còn cách đưa truyện cho một nhà xuất bản nào đó duyệt rồi in ra sách. Lúc ấy họa may mới tránh được tai họa.
Cuối cùng thì cũng phải vay mỗi nơi một ít để xuất bản tập truyện đầu tay chỉ gồm có ba mươi truyện ngắn.
***
Trong những lần gặp gỡ thân mật, cụ đã cho tôi biết những điều rất riêng tư mà không mấy người được nghe cụ kể:
- Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, chẳng được học hành nhiều. Trò chơi lúc bé chỉ là đúc dế ven sông Tô Lịch để đem chọi cho vui. Từ thơ ấu thiên nhiên, cỏ cây, sinh vật đối với tôi thật gần gũi và thân thiết, vì thế mà khi mới mười bảy, mười tám tôi đã viết “Con dế mèn”, lúc đầu mới có ba chương.
Đưa cho báo Tân Dân đăng được trả mười đồng nhuận bút và kèm một lời khuyên của ông Chủ báo:
- “Cậu viết được đấy, nhưng ngắn quá. Viết dài hơn, tiền nhuận bút sẽ nhiều hơn”.
Và thế là sau đó “Dế mèn phiêu lưu ký” dài mười chương ra đời vào khoảng năm 1941 gì đó.
Đưa cho Nhà báo, tôi được trả ba mươi đồng nhuận bút. Lúc bấy giờ ba mươi đồng lớn lắm. Nhưng sau khi “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời, cái tôi thu được không phải chỉ là gấp ba số tiền trước, mà là tôi đã có một vị trí trên văn đàn. Lúc bấy giờ tôi mới hai mốt tuổi và rồi tôi đã được cô con gái ông Chủ báo để ý đến. Thực ra tôi cũng có cảm tình với cô ấy. Nhưng sự khác biệt giữa hai bên quá lớn. Khi ông Chủ biết chuyện đã lôi phắt cô con gái rượu về Hà Nội để gả chồng (ngày ấy Nghĩa Tân được coi là vùng quê ngoại thành).
Hôm đám cưới tôi cùng mấy người bạn thân như Nguyễn Bính, Nguyễn Huy Tưởng,.. có đến mừng.
Giọng ông cụ bỗng chùng xuống:
- Nhưng chẳng hiểu sao, chỉ tháng sau thì cô ấy mất.
Có ba mươi đồng nhuận bút từ báo Tân Dân, tôi đi du lịch vào phía Nam. Thế rồi ở Dầu Tiếng, tôi đã gặp bà Phượng. Hai người chúng tôi rất tâm đầu ý hợp và có ý định đi tới hôn nhân.
Sau đó tôi trở ra Bắc. Nào ngờ cuộc chia tay ấy đã kéo dài hơn bốn mươi năm. Chúng tôi xa nhau, chỉ còn những lá thư qua lại. Thư từ hồi ấy phiền toái lắm, hàng tháng, có khi vài, ba năm mới tới. Đường đi của lá thư cũng rất gian nan, từ Pháp sang Liên Xô rồi mới vòng về Hà Nội. Nếu từ Hà Nội thì lại đi theo đường qua Căm-pu-chia rồi mới đến Sài-Gòn.
Năm 1975 bà Phượng theo gia đình sang Pháp rồi sau đó mới lập gia đình. Bà kết hôn với một người Pháp, rồi người chồng ấy mất sớm. Tôi vẫn viết thư đều đặn cho bà Phượng, dù hy vọng rất mong manh. Lần nào đi nước ngoài, tôi cũng nhờ người này, người nọ tìm kiếm. Sau khi Việt Nam thống nhất, từ Pháp, bà Phượng thông qua hội Việt kiều hỏi han tin tức của tôi.
Không hiểu sao, sau bao năm bặt vô âm tín, bà Phượng vẫn luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ có ngày được gặp lại người mình yêu dấu. Có lần, hú họa, bà gửi cho tôi một bức thư mà bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn hai dòng chữ:
Người nhận: Nhà văn Tô Hoài - Địa chỉ: Hội Văn nghệ Hà Nội.
Nhưng chẳng hiểu sao, cả Hà Nội rộng mênh mông là thế, nhưng Hội Văn nghệ Hà Nội dù không đề địa chỉ, thư vẫn đến được với tôi. Đó là vào những năm 1980. Kể từ đó, hai người chúng tôi nối lại được liên lạc với nhau qua thư từ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà Phượng với tôi không thành vì bà về Hà Nội đột ngột, còn tôi lúc đó lại đang đi công tác. Bà không thể nán lại Hà Nội lâu hơn để chờ. Rồi một thời gian sau, tôi và bà Phượng chính thức gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách. Khi đó, cả hai chúng tôi đã già, nhưng tình cảm vẫn còn mặn mà, nồng hậu. Bà nhiều lần muốn đón tôi sang Pháp dưỡng già, nhưng tôi đều từ chối vì tuổi đã cao. Đều đặn hàng năm bà Phượng trở về Việt Nam để gặp lại tôi. Chúng tôi đã cùng nhau đi du lịch Hạ Long, Sài Gòn. Có đợt, tôi và bà Phượng đã cùng nhau sống trong chùa ở Long Thành, Vũng Tàu, hàng tháng trời.
Bỗng nhiên cụ trầm giọng xuống:
- Nhưng bà Phượng cũng đã mất cách đây vài năm rồi.
Sau khi tôi trở ra Bắc được ít lâu, tôi gặp bà Cúc và đấy là người đàn bà, người vợ trung thành, tận tụy với tôi, đã cùng tôi đi cho đến cuối cuộc đời.
Ông cụ kể về ký ức đã qua của đời mình với một giọng nhỏ nhẹ nhưng truyền cảm và thật sâu sắc, làm cho tôi ngồi nghe mà như nuốt lấy từng lời.
***
Hôm sinh nhật cụ lần thứ chín mươi, tôi có làm bài thơ ngắn để chúc mừng:
Năm nay bác chín mươi rồi,
Mà sao sừng sững giữa trời một cây.
Bão giông chẳng thể lung lay,
Vẫn sum suê lá, vẫn đầy tiếng chim.
Cụ xem xong cười và cám ơn. Rồi cụ nói với tôi:
- Thực ra tôi cũng không đích xác biết ngày sinh của mình đâu, tôi chỉ nhớ lúc mẹ tôi còn, có lần cụ nói: - “Ăn rằm trung thu hôm trước, thì hôm sau tao đẻ mày”. Nhà nghèo nên cũng chẳng làm giấy khai sinh như người khác.
Tra lịch ra thì cụ sinh ngày 27/09/1920 – tức ngày 16/8 đủ năm Canh Thân.
Hôm Hội Nhà văn tổ chức sinh nhật cụ tại trụ sở Hội, cụ có bảo tôi đến dự, nhưng tôi nói:
- Cảm ơn bác, nhưng cháu chẳng là gì, đến lại phải giới thiệu với người này, người no, cháu ngượng lắm.
- Nhưng tôi mời anh cơ mà.
Cuối cùng tôi cũng không dám đến, mặc dù rất quý cụ.
***
Từ cuộc sống nghèo khổ, cụ đã vươn lên và trở thành một nhà văn lớn nhất Việt Nam và cống hiến cho đời bao tác phẩm có giá trị. Đấy là một cuộc đời thật có ý nghĩa, thật lớn lao và không uổng phí như bao người khác chỉ “sống để mà ăn” mà nào có khác gì cái “giá áo túi cơm”.
Hồi 11:45 ngày 06/07/2014 tức 10/06 - Giáp Ngọ cụ Tô Hoài đã bỏ chúng ta lên đường phiêu lưu sang một thế giới mới. Chắc chắn đó phải là một chân trời đầy hoa thơm, cỏ lạ.
Tôi yêu kính cụ Tô Hoài không phải chỉ ở cái văn tài lớn lao mà còn ở cả cái nhân cách ít gặp trong đời.
Thật may mắn là tôi đã được gặp bác Tô Hoài, dù chỉ là một thời gian rất ngắn.  



Hà Nội, 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét