tháng 6 18, 2021

Tháp Hòa Phong (cạnh Hồ Gươm Hà Nội)


 

Đường làng - Bột màu - 1957


 

Lọ & Hoa


 

Nửa mừng nửa lo - Truyện ngắn

Hồi trẻ mới 16, 17 tuổi đang học lớp 10 cuối cấp Phổ thông Trung học trường Ngô Quyền Hải Phòng, tôi đã trót dại viết bài gửi cho một tờ báo tiếng tăm nhất lúc bấy giờ, khốn nạn thay bài viết ấy lại được đăng. Sáu tháng sau tờ báo này bị “đóng cửa” chì vì đã muốn “mở cửa” quá sớm. Tôi thì “không đủ tư cách thi tốt nghiệp” và thế rồi phải đi đẩy xe than trong nhà máy Xi Măng mấy năm.  

Từ đấy tôi như con chim bị bắn trượt, sợ cả cành cây cong. Nhưng vì cái tật cố hữu “bỏ thì thương, vương thì tội”, tôi vẫn âm thầm viết.

Lúc trên bảy mươi, tôi đã viết được khá nhiều. Nhưng cứ luôn “bụng bảo dạ” rằng trước khi chết nhớ kịp dối dăng lại cho con cháu là phải đốt ngay đi, kẻo mang vạ vào thân, mang vạ cho cả dòng họ! 

Nhưng mà cứ y như cái duyên, cái số nó vận vào thế nào ấy! Một hôm Ngọc Hoàn, ông bạn học cùng lớp, làm đến Tổng Giám đốc một Công ty Xây dựng to nhất Hải Phòng, đã “trót dại” cùng tay Sán Giám đốc Sở Lương thực rủ rê bán thóc dự trữ Quốc gia để chia nhau.

Sau hơn mười năm đi tù, đến tôi chơi để cảm ơn vì khi ngồi trong song sắt ăn cơm nhạt với cá mắm thối, ngoài tôi ra chẳng có thằng chó chết hay con bạn đểu nào lai vãng, mặc dù khi Hoàn đang làm ăn được, bọn bạn đã bám quanh ông ta khá đông.   

Hoàn có chút năng khiếu về văn học, sau bữa cơm, ngồi uống nước vô tình thấy tập truyện của tôi viết tự in, xem vài truyện, nói là tôi viết được, rồi xin bằng được quyển sách ấy.

***

Một hôm Hiếu một cậu bạn trẻ, giỏi về Tin học đến chơi báo cho biết là trên một trang Web (mạng toàn cầu) của nước ngoài mang tên: vantuyen. net có đăng truyện ngắn “Đội Ngự” của  tôi. Nó được xếp trang trọng dưới tiêu đề Hội ngộ Văn chương Toàn cầu. Số bạn đọc mới vài tháng, đã tới gần 6000 lượt người.

Bạn bè biết chuyện gọi điện đến mừng. 

Hỏi ra mới biết Hoàn có đem quyển sách của tôi viết về Hải Phòng, rồi đưa cho ông em họ là Bùi Ngọc Tấn một nhà văn có tên tuổi đọc. Ông văn sĩ già này có lẽ khoai khoái thế nào ấy, nên khi qua Mỹ thăm con, có mang theo quyền sách này. Rồi cũng chẳng hiểu sao họ tung truyện “Đội Ngự” tôi viết lên trang Web trên (do một nhóm người thực hiện: Bùi Ngọc Tô, Huệ Thu, Tuấn Nguyễn, Phương Nguyễn, Tú Phương, Tâm Thơ, Long Nguyễn, Đăng Lê, Trần Thanh, Ngô Nguyễn Trần tại Hoa Kỳ - Pháp - Đức - Áo - Úc - Hoà Lan - Việt nam, Email: buitongoc@gmail.com : Chuyên mục truyện ngắn)

Hội ngộ văn chương toàn cầu

vantuyen.net xin giới thiệu đến bạn đọc: Nhận diện truyện ngắn "Vàng lửa" qua yếu tố văn hóa
Thể loại: Phê bình
Tác giả: Đặng Văn Sinh

Xin lưu ý: Nếu bạn đọc nào thấy bài bình luận của mình bị xoá, có nghĩa là BQT vantuyen cảnh cáo lần thứ nhất và ghi cảnh cáo cùng IP trên bài viết đó. Nếu còn tái phạm thì bắt buộc chúng tôi phải khoá IP của bạn đọc đó vĩnh viễn. Chân thánh cám ơn


 

» Tác giả: Trần Quốc Khánh
» Dịch giả:
» Thể lọai: Truyện ngắn
» Số lần xem: 5528     
 (10/01/2013)

  

Đội Ngự 

Ở cái làng Lê nhỏ bé ven thành Nam này ai mà không biết Đội Ngự. Đó là một ngườiđàn ông già, độc thân và nghèo nhất làng.

        Thực thì chẳng thiếu gì người nghèo, mà đã nghèo thì thường độc thân. Nhưng vì sao lại nói đến chuyện Đội Ngự.
        Đó là một câu chuyện đã xẩy ra hơn bốn chục năm trước. Tôi là rể của làng nên khi tôi biết thì Đội Ngự đã già.
        Một buổi chiều khi tôi và ông bố vợ đang nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả, thì thấy Đội Ngự đi ngang. Ông bố vợ tôi gọi giật lại:
        - Ngự, Ngự vào đây đã.
        Ông ta dừng lại và rẽ vào sân, miệng chỉ mỉm cười không nói. Tôi gật đầu chào và nhìn kỹ ông ta. Đó là một người đàn ông đã trên sáu chục tuổi, dỏng cao, chắc lẳn, tóc cắt ngắn gọn gàng và còn đen nhánh, không một sợi bạc. Khuôn mặt cân đối nếu không nói là đẹp, nhưng trầm lặng, u uất. Ông mặc một chiếc quần đùi đụp trước đụp sau, vai vắt một cái áo cánh cũ vá tứ tung, để lộ một thân hình khỏe mạnh, cân đối và đen bóng.
        Ba người chúng tôi ngồi xuống chõng hút thuốc lào và uống nước chè tươi. Lúc lâu sau chưa ai nói với ai câu nào. Đội Ngự đã uống hết hai bát nước chè và hút liền một lúc bốn, năm điếu thuốc. Cứ nhìn ông uống nước và hút thuốc, ta tự nhiên thấy thèm, thấy thích. Nó không vội vã như một người đói khát, cũng không rón rén như một kẻ xin ăn. Cái điếu cày trong tay ông rung lên bần bật như một khẩu tiểu liên bắn hết cỡ, một bụm khói to đặc quánh được nhả từ từ rất duyên dáng bên miệng uốn éo lên cao. Ông chiêu một ngụm nước, ngồi ngả ra sau, ẩn hiện trong quầng khói thuốc đậm đà lơ lửng, ta thấy những tia mắt lấp lánh như cười và hàm răng đều đặn lộ ra sau cặp môi cân đối cũng như cười. Cứ quan sát ông, người ta thấy đó là một ông già đĩnh đạc, đàng hoàng chứ không thể nghĩ rằng đó lại là một nông dân cực kỳ nghèo khổ, áo quần rách nát, không một chỗ trú thân khi mưa nắng, quanh năm chỉ biết đi làm thuê để đổi lấy mấy miếng cơm ăn.
        Đội Ngự không mấy khi không cười. Ông cười lúc làm nặng nề nhất, lúc trời nắng đổ lửa cũng như lúc mưa giông. Ông cười sau khi làm việc cả ngày chỉ được ăn vài vực cơm tương mắm, ông cười cả những lúc gặp kẻ tồi còn quỵt cả bữa cơm độc nhất trong ngày, mà ông đã phải làm việc cật lực cả ngày trời cho họ. Chỉ có điều ông chỉ mỉm cười, mà không cười thành tiếng.
        Ông khỏe mạnh, cần cù, làm việc miệt mài ít nghỉ ngơi, vì thế công việc cứ đi băng băng. Việc họ nhờ ông đều là việc nặng nhọc, bẩn thỉu đến nhà nông cũng ngại. Công việc phải vất vả để bõ bữa cơm mà người ta đã trả cho ông.
        Lúc lâu sau, ông bố vợ tôi bảo ông Ngự:
        - Này, mai có rỗi gánh hộ ít phân.
        - Mai đi cày cho bà Lạng rồi.
        - Thế ngày kia?
        - Chưa biết.
        - Ừ, nếu ngày kia xong ruộng bà Lạng thì ra đây sớm nhớ.
        - Ừ.
        Bố vợ tôi và ông Ngự trao đổi với nhau như hai người bạn vì thực ra hai ông cũng chỉ chênh nhau có dăm tuổi lại là người cùng làng với nhau.
        Bố vợ tôi quay sang tôi nói như giới thiệu:
        - Ông Ngự ngày xưa đi lính cho Pháp đã đóng đến Đội.
        - Ừ, xéc-giăng - Ông Ngự bổ sung không chút do dự.
        - Ông ấy rất giỏi tiếng Tây - Rồi bố vợ tôi hỏi luôn - Ăn cơm là gì?
        - Măng-giê.
        - Thế chào ông?
        - Bông-giua me-xừ.
        Thấy vẻ ngạc nhiên thích thú của tôi, ông bố vợ của tôi hào hứng kể:
        - Vợ ông Ngự là cô Mai con bà cụ Minh làng Vọc, một con chiên ngoan đạo, xinh đẹp và hát hay nhất xứ đạo, cô còn là một xã đội trưởng du kích gan dạ và dũng cảm của xã Mỹ Thịnh ta đấy. Hồi địch tạm chiếm, cô Mai là mối lo ngại ngày đêm của giặc Pháp ở cả cái vùng chiêm trũng này.
        Tôi ngạc nhiên hỏi lại ông Ngự:
        - Thế bà nhà đâu rồi ạ?
        - Ở trên trời (Ăng-si-en). Ông Ngự ngước lên trời thản nhiên trả lời và quen mồm thêm cả tiếng Pháp vào.
        Tôi hiểu là bà ấy đã chết, vì thế để lảng sang chuyện khác, tôi hỏi:
        - Bây giờ ông đi đâu ạ?
        - Ra kho.
        - Ông đang làm ngoài kho?
        - Không, ra ngủ!
        Tôi nhìn bố vợ tôi ngầm hỏi vì sao lại ra kho ngủ, mà lại ngủ từ bây giờ, vì lúc đó mới độ bốn năm giờ chiều.
        Bố vợ tôi biết ý trả lời:
        - Ông Ngự ngủ nhờ ở kho hợp tác xã vì không có chỗ nào ngủ tốt hơn ở đấy. Ông ấy thì có chỗ ngủ mà hợp tác lại không phải cử tự vệ canh thóc.
        Bố tôi hỏi ông Ngự:
        - Sao ngủ sớm thế, không ăn cơm à?
        - Ăn trưa rồi.
        Tôi hiểu rằng, dù có làm cả ngày thì người ta cũng chỉ trả ông có một bữa mà thôi. Ăn trưa thì thôi tối. Kể ra thì cũng chẳng đáng trách, vì cái anh đi thuê cũng có dư dật đâu mà hậu hĩ. ở cái vùng này, nông dân làm quần quật một nắng, hai sương cũng chỉ đủ ăn là may rồi nói chi đến dư dật. Làng này ông bố vợ tôi vào loại khá giả, có miếng ăn, miếng để, vả lại hai ông lại biết nhau từ hồi còn trẻ cùng làng cùng xã, nên cũng ưu ái ông Ngự hơn người khác. Lý do nữa, tôi là rể về chơi, nên nhân thể ông nhạc cũng muốn tỏ ra là mình tốt hơn người khác.
       - Ở đây ăn cơm đã rồi hãy về kho ngủ - Ông mời ông Ngự.
       - Không ăn.
       - Sao không ăn?
       - Không làm, không ăn.
       - Nhưng tôi mời.
       - Không ăn.
       - Gàn bỏ mẹ! Thôi, không ăn cơm thì ngồi uống nước, hút thuốc!
       - Ừ- Ông Ngự hút thêm hai điếu thuốc nữa, uống một bát nước đầy rồi cầm áo đứng dậy nói:
       - Tôi về. Ông nói và đưa tay dắt một vê thuốc nữa lên mang tai.
       - Nhớ đấy, ngày kia không làm cho bà Lạng thì sang sớm bên này gánh phân đấy - Bố vợ tôi dặn với.
       - Ừ. Vừa nhận lời ông Ngự vừa đi.
       Khi ông Ngự vừa đi khuất, bố vợ tôi giải thích thêm với tôi:
       - Thằng cha này làm khỏe bằng hai, bằng ba người khác. Không biết nói dối, không trộm cắp, cho thì lấy không thì thôi, không đòi hỏi. Anh có chú ý lúc về lão ta dắt thêm một vê thuốc lào nữa vào mang tai để tối có thèm bứt lá chuối hút đấy, chứ tịnh không lấy của ai từ quả chuối, bắp ngô, không làm không ăn, mời cũng khó.
       - Thế còn lúc không có ai thuê mướn? - Tôi hỏi thêm.
       - Hợp tác xã cũng cho mỗi tháng dăm cân thóc. Lúc đói nhờ sát rồi nấu cháo mà húp.
       - Thật tội nghiệp! Ông ta không còn ai thân thích nữa hả bố?
       - Không còn ai cả. Kể ra thì cũng đáng đời, nhưng nghĩ lại thì cũng đáng thương. Nhưng có thương cũng chịu. Bây giờ ốc chẳng mang nổi mình ốc, làm sao mà cưu mang nhau được nữa. Vì thế ông ấy cũng ngày no, ngày đói, lại cũng đã già, đến lúc không còn làm được nữa thì lấy gì mà sống. Nói rồi bố vợ tôi thở dài se sẽ.
       Hai hôm sau ông Ngự đến rất sớm gặp bố vợ tôi, ông hỏi:
       - Gánh phân chuồng nào? Bỏ ruộng nào?
       - Gánh hết chuồng sau bếp, rồi đến chuồng cạnh cầu ao, bỏ cả ở ruộng cánh đồng Cỏ Lác.
       - Miếng chéo ấy à? Ông Ngự hỏi lại.
       - Ừ.
       Sau khi ăn dăm củ khoai luộc, uống một bụng nước, hút thật đã thuốc lào, ông Ngự vắn thừng tìm đòn, thúng trên nóc chuồng lợn thành thuộc như người nhà, đoạn ông cởi áo lội vào cào xúc. Ông làm cũng như cái nết ăn, nết uống. Khỏe, miệt mài, nhưng không hùng hục. Gánh phân của ông phải sáu bảy chục cân mà gọn gàng, nhẹ nhõm như người ta gánh ba bốn chục cân thôi.
        Quá trưa nghỉ ăn cơm. Lúc giục ông Ngự rửa tay để đi ăn, ông khựng lại một chút, ngỡ ngàng, rồi thản nhiên làm theo yêu cầu của nhà chủ.
        Mấy hôm sau tôi phải về cơ quan làm việc và rồi cũng quên chuyện ông Ngự mà đã dấp dính mấy lần cứ định hỏi ông bố vợ tôi.
        Bốn năm sau, tôi lại có dịp về quê vợ dăm ngày dự cưới cậu em út nhà tôi, và tôi lại có dịp gặp ông Ngự. Ông không khác đi mấy tý, nhưng gầy và chậm chạp hơn.
        Một ý nghĩ day dứt về ông, một con người gần bẩy chục tuổi đầu, tứ cố vô thân, không nơi nương tựa, không người thân thích, không có ngày mai, hàng ngày vẫn phải nai lưng làm lụng cực nhọc để sống đắp đổi qua ngày.
        Tôi cố đợi một dịp thuận tiện để tìm hiểu kỹ về ông, và rồi thật may ông bố vợ tôi đã giành một buổi để kể về Đội Ngự cho tôi nghe:
        “Bố biết đội Ngự từ những năm ba nhăm, ba bẩy. Lúc đó anh ta còn là một thanh niên trẻ, khỏe mạnh, con nhà khá giả, con ông Khán Thành bên Mỹ Thuận, đã học hết thành chung, mà hồi ấy như thế là phải ăn khao hàng huyện rồi. Ông bố cũng muốn cho anh ta học lên nữa để rồi làm quan. Nhưng do anh gặp rồi mê cô Mai bên Vọc, nên nhất quyết không chịu lên tỉnh học nữa, để được quanh quẩn gần nhà, gần người yêu.
        Khổ nỗi cô Mai lại là con chiên của xứ đạo, mà gia đình chỉ có một mình cô, nên bố mẹ cô nhất quyết không gả cho người bên lương. Đã có lần bố mẹ Mai nói nếu Ngự bỏ Lương theo đạo thì cho làm rể. Nhưng bố mẹ Ngự lại nghĩ gia đình mình khá giả, con trai lại học hành nhất nhì huyện mà phải bỏ cả thờ cúng để theo yêu cầu nhà gái thì mất thớ quá nên cũng khăng khăng không chịu. Và thế là thiên tình sử của đôi trai tài, gái sắc ấy đã có hồi lâm ly, bi đát như cải lương vậy.
        Cô gái xinh ngoan ấy đã có lần định tự tử để dâng trọn tấm tình cho người mình yêu dấu. Còn cậu thanh niên giỏi giang này thì phẫn chí xung vào lính bảo an mà dân quê thường gọi là lính bắt gà, chứ nhất định không chịu lên tỉnh học nữa.
        Họ vẫn lén lút gặp nhau chờ một cơ hội thuận tiện để có thể nhẩy qua được cái hàng rào tôn giáo mà ở cái vùng thôn quê hẻo lánh này nó nặng nề và cố chấp biết bao.
        Do có trình độ văn hóa lại là người tháo vát, nhanh nhẹn nên dăm năm sau Ngự đã được thăng cấp chỉ huy lên tới Đội.
        Đội Ngự về làng ăn khao và nói với bố mẹ sang xin Mai lần nữa.
        Do thế lực nhà trai mà bấy giờ đến Chánh, Lý cũng phải kính nể, lại do thái độ đúng mực chân tình của Ngự, mối tình đẹp đẽ của đôi trai gái ấy đã thuyết phục được bên nhà gái khó tính. Và thế là chỉ ít lâu sau một đám cưới rất to, rất vui được tổ chức.
        Mãi lâu sau đó người ta còn nhắc tới cái vui, cái ngồ ngộ của đám cưới lương - đạo này. Có cái bên này cấm, có cái bên kia kiêng nhưng rồi đâu cũng vào đấy, nó vẫn được diễn ra hết sức tốt đẹp. Thế mới biết yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội...”
        Ông bố vợ tôi kết một câu rồi vớ lấy cốc nước để uống, tôi đưa điếu và châm đóm cho ông. Ông rít một hơi thuốc, ngồi trầm ngâm, khói thuốc vương vấn, vương vấn mãi không bay làm bầu không gian huyền ảo lung linh như trong một câu chuyện cổ.
        - Chắc là họ hạnh phúc lắm? Tôi gợi ý.
        - À, cái đó thì đã hẳn - Ông bố vợ tôi bừng tỉnh - Đấy là một cặp vợ chồng đẹp đôi và hạnh phúc. Họ sống bên nhau như một cặp uyên ương, nhưng họ chỉ đồng tâm chứ không đồng chí.
        - Vì sao ạ? Tôi ngạc nhiên hỏi dồn.
        - À, cô Mai là người bên đạo, nhưng lại là thành phần cốt cán nên tổ chức kháng chiến đã tin tưởng ở cô, giao cho những nhiệm vụ quan trọng. Do sự nhậy cảm và tinh tế của một phụ nữ đẹp lại thông minh, cô đã hoàn thành suất sắc những nhiệm vụ trên giao. Cô đã được kết nạp vào Đảng và lĩnh một trách nhiệm hết sức nặng nề, xã đội trưởng du kích của cả cái vùng ven hết sức phức tạp này, lẫn lộn Tây với ta, lương với giáo.
        - Thế chồng cô có biết không ạ? Tôi hỏi.
        - Chắc là có biết vì họ rất gắn bó với nhau. Nhưng như hai đường tầu hỏa cứ chạy bên nhau mà chẳng bao giờ gặp nhau được. Họ ở hai chiến tuyến, hai phía đối địch, mà tình yêu dù đẹp đến mấy cũng không thể làm cho họ trở thành đồng chí của nhau được.
        - Thế sao mình không giáo dục để cải tạo anh ta quay trở lại?
        - À, đấy là chuyện trên sân khấu hoặc của mấy anh văn sĩ bã mía. Họ có thể ép duyên quỉ dữ với thánh thần, chứ còn trên thực tế làm sao lại có chuyện cải hóa con người giống phép thần thông của Tôn Ngộ Không như thế được! Ai cũng có cái lý của mình và đều cho mình là đúng, cũng chính vì họ có văn hóa, họ lại tôn trọng nhau nên không ai nỡ áp đặt cho ai cả.
        Tôi đỏ tai vì câu nói vô tình của ông cụ và cũng thật may lúc bấy giờ chiếc đèn dầu vặn nhỏ không đủ tố cáo rõ sự nông cạn và ấu trĩ của tôi.
        Tôi vờ uống nước và gợi ý:
        - Thế rồi chắc cô Mai đã hy sinh trong một trận chống càn oanh liệt?
        - Ấy đấy, kể cứ như vậy thì cũng đã làm cho Đội Ngự đau đớn đến mất tỉnh táo rồi.     Đằng này chuyện lại xẩy ra hết sức thương tâm, mà đến bây giờ cứ nhắm mắt lại là bố vẫn thấy hiện lên rất rõ cái quang cảnh buổi sáng khủng khiếp ấy - Ông cụ dừng một lát rồi kể tiếp - Cô Mai không chết trong trận càn quy mô năm 1952 ấy, còn địch lại rất cay cú vì những trận đánh mìn phá cả một đoàn xe quân sự của Pháp khi chúng đang chạy trên tỉnh lộ 21. Nhưng cũng rất không may cho cô Mai là trong xứ đạo có một tên chó má. Đó là thằng Mỳ, anh họ xa của Mai, đã có thời mê cô ta như điếu đổ, nhưng những cuộc chinh phục của hắn đều thất bại.
        - Thế hắn theo Tây ạ? - Tôi hỏi.
        - Trước thì hắn cũng là một dân quân dưới quyền chỉ huy của cô Mai. Nhưng do ấm ức về những quyền lợi, những chức vụ mà hắn cứ tưởng người ta sẽ trao cho hắn nhưng đánh đùng lại thấy người khác nhận. Nhưng ấm ức nhất vẫn là cuộc kết hợp lương giáo rất hạnh phúc của vợ chồng Ngự, cứ như một mũi dao đâm thẳng vào tim hắn, làm cho hắn chẳng làm sao mà sống yên ổn được. Sự đố kỵ, sự ghen ghét gậm nhấm hắn và dần biến hắn từ một du kích thành một tên chỉ điểm.
        Không ai ngờ trong một lần đi thị sát địa bàn để bố trí đánh đồn chợ Mạng, cô Mai và hai đồng đội nữa đã bị bắt. Hai du kích kia bị bắn ngay sau đó. Còn Mai thì địch giữ lại để khai thác. Và do tên Mỳ cung cấp tin, địch đã biết Mai là vợ Đội Ngự nhưng lại là một Đảng viên, và là người xã đội trưởng mà chúng cay cú nhất.
        Người ta kể lại rằng, cô Mai đã không để lộ một chút tin tức gì cho địch, và cũng không nhận là vợ Đội Ngự.
        Đội Ngự thì vừa để bảo vệ cho mình, cho vợ, và cho cả cách mạng nữa, cũng không thừa nhận một điều gì, kể cả nhận vợ nữa.
        Điều ấy làm cho địch bực tức. Chúng đã nhiều lần tra tấn Mai ngay trước mặt Ngự.   Sau biết không thể khai thác và khuất phục được người nữ du kích xinh đẹp và dũng cảm ấy, địch đã quyết định đem xử bắn Mai.
        Bố nhớ rõ đó là một sáng đầu thu. Trời mát mẻ nhưng âm u. Mọi người bị xua ra bãi Nổi giữa đồng từ tờ mờ đất. Trường bắn được thành lập rất nhanh, có đến trung đội lính Tây Đen vũ trang đầy đủ, do một tên quan hai lai Pháp chỉ huy.
        Cô Mai được lôi từ xe căm-nhông xuống. Mái tóc đen dài như một chiếc khăn voan rất đẹp xõa tung trên đôi vai trần mà chiếc áo nâu đã bị rách toác và bết máu không còn che kín được. Khuôn mặt Đức Bà với cặp môi sưng mọng, bầm dập và cặp mắt trẻ thơ ngơ ngác như không hiểu được vì sao Chúa Trời đã chịu đóng đanh câu rút để chịu tội thay cho thế gian mà nhân loại vẫn còn phạm nhiều tội ác đến thế.
        Mai phải dựa vào tay hai tên lính Âu Phi để lê ra cột bắn.
        Chúng định bịt mắt cô, nhưng không biết cô nói gì chúng lại thôi không làm nữa.
        Đội Ngự đứng ngay gần đó, mặt đờ đẫn, tái dại nhìn vợ như cố thu thật hết hình ảnh cuối cùng của cô.
        Tên quan hai Tây lai nhếch mép cười đểu cáng, hết nhìn Mai lại nhìn Ngự. Hắn hỏi xỏ xiên:
        “Thế nào, hai người có nhận ra nhau không? Nếu đúng là vợ chồng thật, tôi có thể xem xét lại”.
        Mai uể oải lắc đầu.
        “Thế còn “me-xừ” Ngự. Cô Mai có phải là vợ ông không? Nếu đúng là như vậy tôi có thể hoãn lệnh thi hành án”.
        Ngự đưa mắt nhìn Mai, Mai lại uể oải lắc đầu. Ngự cứ đứng lặng như một chiếc cột gỗ.
        “Thế nào?” Thình lình tên Tây lai thét lên làm Ngự giật mình và như một phản xạ tự nhiên anh ta cũng uể oải lắc đầu miệng lẩm bẩm:
        “Không, không phải”.
        “Thế thì được. Tên Tây lai bực tức nói - Anh là sĩ quan của quân đội Liên hiệp Pháp, còn con kia là một tên Việt Cộng nguy hiểm. Nếu không có quan hệ gì thì tôi ra lệnh cho anh: hãy bắn nó đi!”
        Nghe đến đấy Đội Ngự toát mồ hôi đầy mặt, chân tay luống cuống, lảo đảo cả người. Tên Tây lai lôi phắt khẩu súng sáu của hắn ra khỏi bao, lên đạn rồi nhét vào tay Ngự hét lên:
        “Bắn! Anh hãy bắn nó đi!”
        Đội Ngự tay cầm súng cứ rũ xuống như con gà rù, nặng nhọc thở, mặt tái mét. Tên Tây lai sấn đến lôi khẩu súng ngắn của Ngự đeo bên sườn anh ra, chĩa vào thái dương anh mà nói:
        “Mày hãy nghe đây. Tao đếm đến ba mày không nổ súng thì tao sẽ bắn mày, rồi sau tao sẽ giết nó...”
        Rồi hắn đếm 1... 2... Thời gian trôi đi nặng nề và im ắng như không còn có ai dám thở nữa.
        Bỗng Mai đột ngột đứng thẳng dậy, hất mạnh mái tóc về phía sau. Đôi mắt mở to nhìn thẳng vào Ngự, cô nói rõ ràng:
        “Anh Ngự, đằng nào thì em cũng bị chúng giết, không thể thoát được. Anh hãy bắn em đi và hãy bắn trúng vào tim để em được chết nhanh nhất. Đừng để chúng nó bắn em”. Rồi cô chợt liếc nhìn xuống bụng se sẽ thở dài.
        Câu nói đó làm Ngự bừng tỉnh. Anh đứng thẳng lên đôi mắt sáng quắc, nẩy lửa. Nhưng tên Tây lai đã chủ động trước anh. Anh liếc nhìn khẩu súng kề sát thái dương mình mà tên Tây lai đang từ từ kéo cò. Cái kim hỏa đã ngửa ra sau đến một phần ba hành trình của nó.
        “Không kịp rồi, không kịp rồi!” Anh tự nhủ.
        “Hãy nổ súng đi anh Ngự. Mai giục giã. Rồi cô ngước lên cao nói thêm. Ở trên kia em sẽ tha thứ cho anh!”
        Ngự giơ súng lên không ngắm - Một tiếng nổ - Người ta thấy Mai giật mình một cái rồi khụy xuống. Một tia máu từ ngực trái của người nữ du kích vọt ra trúng vào giữa mặt tên Tây lai, loáng một cái đã biến mặt nó thành đỏ lòm, loang lổ như bị vỡ thành mấy mảnh.
        Thằng Tây bình tĩnh rút khăn tay ra lau mặt, nhét trả khẩu súng vào bao của Ngự và cầm lấy khẩu súng vừa giết người của nó từ tay Ngự, thản nhiên tra vào bao, miệng khen ngợi:
        “Biêng. Tre biêng (Tốt. Rất tốt)”.
        Không biết nó khen tài bắn của Ngự hay nó tự khen màn bắn Việt Cộng mà nó dàn dựng vừa lâm ly, vừa khủng khiếp.
        Rồi như một ân huệ cuối cùng nó bảo Ngự:
        “Ông Đội ở lại thu dọn trường bắn, tôi về trước. Ô-voa (Tạm biệt)”.
        Nó nhẩy lên chiếc xe Jeep cùng mấy tên vệ sĩ nổ máy rồi phóng như bay về tỉnh lộ.
Ngự cho trung đội lính Âu Phi ra về, chỉ giữ lại mấy tên lính bảo an.
        Anh chậm chạp tiến đến quỳ xuống đỡ Mai, cởi trói cho cô và để cô ghếch lên đùi mình đến khi cô chết hẳn. Anh từ từ vuốt mắt cho cô, rồi bàn tay anh xoa nhẹ trên cái bụng đã lùm lùm của vợ. Đoạn bế thốc cô dậy, đi về phía chiếc quan tài đã được chuẩn bị sẵn, nhẹ nhàng đặt cô vào.
        Lúc đứng dậy, ngực áo anh cũng đỏ lòm những máu. Người ta không thấy anh khóc, nhưng mặt thì sắt lại như làm bằng đá.
        Sau khi chôn cất Mai xong, anh chỉ còn lặng lẽ như một cái bóng. Anh không nói và không ai dám nói với anh. Anh cứ sống vật vờ, câm lặng và đôi khi thấy anh ngước nhìn lên trời như đang tìm kiếm ai ở trên đó.
        Nghe đâu ba tháng sau thì có quyết định thăng cho anh lên chức Quản (Ách chi đằng). Nhưng gọi anh lên văn phòng để nhận quyết định thì anh không lên, còn khi đưa quyết định xuống đơn vị thì anh không cầm. Vì vậy người ta vẫn gọi anh là Đội Ngự.
        Ít lâu sau đó người ta tìm thấy xác tên Mỳ nằm chết gục trong một vũng bùn lẫn phân trâu sau ngòi, quắt queo bẩn thỉu như xác một con chó.
        Chả biết để xử tội tên Việt gian phản bội mà Việt Minh giết nó, hay để trả thù cho vợ mà Đội Ngự giết nó. Chẳng có ai quan tâm tìm hiểu làm gì.
        Sau đình chiến 1954, quân đội Liên hiệp Pháp và tay sai rút vào miền Nam, người ta thấy Đội Ngự vẫn ở lại.
        Chính quyền mới về. Lúc đầu cũng có người định đưa Đội Ngự ra đấu tố, ghép vào tội này tội nọ. Nhưng sau xét lại - Nếu Đội Ngự có tội đáng chết thì đem giết quách đi, còn chưa đến tội có đem đi cải tạo thì đến bao giờ Ngự mới tỉnh táo, mới nhận thức được những cái mà người ta muốn nói, muốn truyền đạt.
        Vì thế người ta không nói đến Đội Ngự nữa. Nhưng Đội Ngự vẫn cứ sống, vẫn cứ phải ăn và vẫn cứ tồn tại vật vờ như một nhân chứng sống của một kiếp người đau khổ.

                                                                                                                2004-04-06 12:16:07

***

Thực hiện:   Bùi Ngọc Tô, Huệ Thu, Tuấn Nguyễn, Phương Nguyễn, Tú Phương, Tâm Thơ, Long Nguyễn, Đăng Lê, Trần Thanh, Ngô Nguyễn Trần
(Hoa Kỳ - Pháp - Đức - Áo - Úc - Hoà Lan - Việt nam)

vantuyen.net/index.php/index.php?view=author&id=984 - Estonia

 vantuyen.net “Đội Ngự” Trần Quốc Khánh => Enter 

Văn Tuyển hoan nghênh đón nhận các thể loại văn chương (truyện, ký, tùy bút v.v..) của Việt Nam và thế giới. Ban biên tập xin được dành quyền tuyển chọn đăng tải trong thời hạn ngắn nhất có thể được. Theo ý kiến của đa số độc giả, bài vở sẽ được lưu giữ hay gỡ bỏ.
Trân trọng.


Gửi bài:
1. Các thể loại văn chương (truyện, ký, tùy bút v.v..) Văn Tuyển I & II - vantuyen.net, quanvan.net
Xin gửi về: Bùi Ngọc Tô - Email: buitongoc@gmail.com 

2. Các thể loại THƠ - Quán Thơ - quantho.net, trasonthidan.com
Xin gửi về: Huệ Thu - Email: saimonchunhan@gmail.com

3. Các bài về tin tức, thời sự - Báo Tổ Quốc - baotoquoc.com
Xin gửi về Báo Tổ Quốc - Email: baotoquoconline@yahoo.com

4. Các file âm thanh (thơ nhạc, thơ ngâm, clip v.v...) Quán Thơ - quantho.net
Xin trả lệ phí 10usd cho mỗi file.
Xin gửi về: Tuấn Nguyễn - Email: baotoquoconline@yahoo.com

Email: vantuyen.net@gmail.com đã bị hack nên chúng tôi không còn xử dụng nữa.

 

*Trong trường hợp quý khách hàng muốn chúng tôi bảo trì và trợ giúp thường xuyên (chi phí cho mỗi tháng là 200usd)

*Trong trường hợp quý khách hàng muốn chúng tôi đăng bài hoặc đăng những quảng cáo của khách hàng của quí vị lên trang nhà. Giá dịch vụ như sau:

1. Đăng 1 trang + 1 hình = 1.50usd ( thêm 0.50usd cho mỗi tấm hình thêm trong 1 trang)
2. Đăng 1 trang quảng cáo = 10usd (mỗi lần thay đổi vẫn tính thêm 10usd)

*Mỗi lần thay đổi giao điện hoặc chỉnh sửa trang nhà (như bị hack hoặc bị error v.v...). Giá từ 200usd - 500usd.


Phạm Hiếu Dân:

Anh nói nó tự gỡ bài đăng "Đội Ngự" rồi mà sao em thấy vẫn còn nguyên đây, còn thêm cả ảnh minh họa.

Chắc là anh yêu cầu sửa một từ trong truyện rồi thì không khác gì đã chấp thuận đăng trên trang của nó với y/c sửa lại cho đúng bản gốc!

Đường dẫn:

http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=10748

 

19:27 Ngày 19 tháng 5 năm 2011, Khanh Tran Quoc
<tqkhanh1940@gmail.com> đã viết:

Kính gửi Tòa soạn Văn Tuyển,

Tôi là Trần Quốc Khánh tác giả truyện ngắn “Đội Ngự”.

Tôi chưa có hân hạnh được quen biết tòa soạn và ông Bùi Ngọc Tô.

Nay tòa soạn đưa truyện ngắn Đội Ngự của tôi lên mạng. (Cũng không biết nguyên do từ đâu). Dù sao tôi cũng xin cảm ơn quí vị.

Để có thể trao đổi, tôi gửi mấy dòng này, xin cho ý kiến.

Riêng trong truyện Đội Ngự, tòa soạn có sửa câu:

...“Thế thì được. Tên Tây lai bực tức nói - Anh là sĩ quan của quân đội Liên hiệp Pháp, còn con kia là một tên Việt cộng nguy hiểm. Nếu không có quan hệ gì thì tôi ra lệnh cho anh: hãy bắn nó đi!”   

Trong nguyên bản:

...- Thế thì được. Tên Tây lai bực tức nói - Anh là sĩ quan của quân đội Liên hiệp Pháp, còn con kia là một tên Việt Minh nguy hiểm. Nếu không có quan hệ gì thì tôi ra lệnh cho anh: hãy bắn nó đi!” 

Và:

...Không biết nó khen tài bắn của Ngự hay nó tự khen màn bắn Việt Cộng mà nó dàn dựng vừa lâm ly, vừa khủng khiếp.

Trong nguyên bản:

...Không biết nó khen tài bắn của Ngự hay nó tự khen màn bắn Việt Minh mà nó dàn dựng vừa lâm ly, vừa khủng khiếp.

Nếu tôi không nhầm thì từ Việt Cộng chỉ xuất hiện sau năm 1954, khi Mỹ đã vào miền Nam. Trước đó Pháp không dùng từ này.

Cuối cùng xin kính chào & chúc tòa soạn và ông Bùi Ngọc Tô khỏe.

Trần Quốc Khánh

07:51 Ngày 20 tháng 5 năm 2011, Tongoc Bui <buitongoc@gmail.com> đã viết:

Chính tôi cũng chưa đọc bài này! Có lẽ VT chọn post từ lâu, khi tôi chưa phụ trách (từ 5/2009).
Dù sao tôi cũng chuyển thư ông cho BBT để sửa chữa. Cám ơn ông,
                                                                                                                      BNTÔ

***

Thế mà họ sửa thật.

Tôi chưa kịp hiểu ra thế nào, thì có một ông bạn làm Công an đến bảo:

- Đừng vội mừng! Trong nước chưa ai biết, chưa chỗ nào đăng cả mà truyện của ông đã được mạng ở nước ngoài đăng lên một cách trang trọng, tức là có vấn đề đấy! Thử ví dụ thế này: Mấy “xừ” (ông: tiếng Pháp) An ninh mạng, chẳng may đúng lúc đang gặp chuyện gì đó bực mình, lại “liếc” vào trang Web này, gọi ông lên cho mấy cái bạt tai thì mả bố ông chôn chỗ nào cũng phải tông tốc khai ra hết. 

Lúc đầu tôi cũng “chí phèo” cãi:

- Cùng lắm là chết chứ gì! Có khi được chết bên cạnh vợ con, người thân, cũng đã là điều viên mãn lắm rồi!

Nói mạnh mồm vậy chứ trong lòng cũng lo lắm, vợ con cũng lo lắm, cả nhà cũng lo lắm. Đi tù lúc nào không biết! Với  cái thể trạng ốm o, với cái bản lĩnh nhút nhát, với cái tính cách “vừa đái, vừa nhòm” của mình, tôi gày sọp đi như một lão già bị suy nhược đã lâu ngày.

Vợ con lo sợ thì run rẩy, bạn bè cảm thông thì thương xót, hàng xóm thì xì xào lo sắp phải đóng góp phúng viếng cho đám ma tôi sắp tới. 

Cũng may là “bọn đế quốc sài lang” mãi tận bên Mỹ, bên Đức ấy tuy rất láo toét, không biết phép tắc là gì, chưa xin phép tác giả đã in phứa truyện của tôi, một “công dân vĩ đại”, của một đất nước vĩ đại có chủ quyền trên thế giới hẳn hoi!

Tuy nhiên bọn mất dạy này rất mất dạy, nhưng chưa đủ lưu manh thêm bớt một số câu vào để bôi nhọ, gây phương hại đến tổ quốc vĩ đại này, chứ không thì có khi người “công dân vĩ đại” là tôi cũng dễ bị xích tay như bỡn!   

Thế là trải qua nhiều ngày tháng thấp thỏm nửa mừng, nửa lo, cuối cùng chỉ còn lại nỗi lo ngay ngáy, cứ xoáy vào tim gan, phèo phổi.

Tôi gày rộc đi vì sợ hãi, thì may quá (tôi luôn có quý nhân phù trợ mà) vợ tôi đã nảy ra một “phát kiến” vĩ đại nhất thế kỷ là nên tìm một nhà văn lớn nào đó mà xin ý kiến xem thế nào!!!  


Hà Nội, 2021.

 

 

 


tháng 6 14, 2021

Con là tất cả - Trên mạng


 

Tự họa - Lụa 2012


 

Hồng Bạch - Bột màu 1958


 

Bức vẽ cũ - Truyện ngắn

           Nhân ngày giỗ ông bạn học, tôi đăng bức chân dung ông lên mạng Xã hội (FaceBook), để các bạn cùng lớp xem, coi như nhắc bạn bè nhớ về kỷ niệm một thời còn cắp sách.

Bức vẽ tôi vẽ đã lâu lắm, từ năm 1960.  

Không ngờ có một cô gái nổi tiếng, người đã đứng ra tập hợp một dòng họ lớn ở Hải Phòng, xin làm quen.

Cô đã vào trang FaceBook của bà bạn tôi, bà Tống Thị Qúy. Cô viết:

“Cháu chào bác ạ!

Cháu là Hoan Dong.

Cháu là con dâu của bố mẹ Qúy Ngọc ạ.

Nhìn bức vẽ của bác về bố cháu ngày trẻ, mẹ con cháu đều xúc động ạ...

Nếu bác cho phép, có dịp nào đi Hà nội, cháu sẽ đến thăm bác & xin phép được xem bản gốc ạ...

Nếu bác đồng ý, gia đình cháu xin mua bức ký hoạ, làm kỷ niệm về bố cháu ạ.

Cháu cảm ơn bác rất nhiều ạ.

Kính chúc bác & gia đình sức khỏe ạ..,”

Qúy Ngọc là vợ chồng ông bạn học cùng lớp với tôi ở trường P.T.T.H. Ngô Quyền Hải Phòng vào những năm 1952-1959.

Tôi cũng mừng, không phải vì sắp bán được tranh, mà là vì khi tuổi đã trên tám mươi, không còn vẽ nữa, cũng không còn gửi tranh vào các Gallery (phòng trưng bày tranh), mà vẫn có người muốn mua tranh tôi vẽ!

Còn nhớ mấy đứa con đã từng nói với tôi:  

- “Ông chỉ còn giữ được có hơn hai trăm bức tranh gốc. Ông cần tiền tiêu vặt chúng con biếu để ông tiêu. Chúng con muốn ông giữ lại những bức tranh …Chúng con không cần tiền bạc và tài sản ông để lại, mà chỉ muốn được ông cho những bức tranh ấy…!”

Tôi đã xúc động nói với mấy đứa nó:

- "Bố rất mừng vì các con biết yêu tranh, nhất là tranh bố vẽ…!”

Lần này thì có khác một chút, tôi mừng vì tranh tôi vẽ ông bạn từ hồi còn trẻ cách đây đã hơn sáu chục năm, mà người nhà vẫn còn nhận ra được, vẫn muốn mua để giữ làm kỷ niệm, chứ không như cụ họa sĩ nhân vật trong truyện “Trấn Đa Tài” (trang 80) tôi viết năm 2007:

“- …Có lần cụ được thuê vẽ ảnh bố một nhà phú hộ trong làng để thờ, cả nhà ông ta thì bảo là không giống, bố tôi thì lại cứ cãi là giống.

Lằng nhằng mãi không lấy được tiền, lúc về ra đến cổng bố tôi cay cú mới “móc đểu” một câu:

- Ông lão này lúc sống chắc chẳng ra gì, nên lúc chết xuống âm phủ bị bọn quỷ sứ nó hành hạ đến con cháu cũng không còn nhận ra được!

- Rồi sau thế nào ạ?

         - Còn thế nào nữa, bị bọn người nhà phú hộ lôi vào “sửa” cho một trận cẩn thận, lại xé toang cả quần áo, tô hô lần về. Vợ con phục thuốc 6 tháng sau mới lò dò đi được, từ đó ông cụ không dám đến gần ngõ nhà giàu kia nữa, ai vô ý nói đến từ “vẽ” là ông cụ giận rõ lâu.”

Tôi không lo bị ăn đòn hoặc xé toang áo quần khi vẽ chẳng giống ai như nhân vật trên!

Nói cho vui thế thôi, chứ tôi thực sự mừng vì mấy ngày lục trong đống bản vẽ đồ sộ và bề bộn, tôi đã tìm thấy bản gốc của bức tranh tôi vẽ chân dung ông bạn lúc trẻ còn nguyên vẹn.

Hồi ấy còn là học sinh nghèo không có tiền để mua họa phẩm cao cấp hơn nên bức vẽ ấy chỉ là bức vẽ than (fusain) trên giấy in báo, nên bức tranh rất giản dị mộc mạc.

Từ chuyện cô con dâu ông bạn, tôi quen bắc cầu sang một nhà thơ nữ nổi tiếng, bà Tảo tác giả bài thơ “cho ngày chị sinh”.Thế là tự dưng tôi được làm quen với những người nổi tiếng!

Trong trao đổi, cô bạn trẻ còn khoe là được mẹ chồng (bà Qúy) cho cô một bức tranh bột màu tôi vẽ lọ hoa hồng bạch từ năm 1958, lúc đang là học sinh lớp tám, lớp chín Phổ thông Trung học ở Hải Phòng.

Còn nhớ khoảng năm 1974-1975, khi tôi đang là kỹ sư thiết kế Cầu tại Viện Thiết kế Giao thông Hà Nội, vừa vẽ tranh, gửi các Gallery bán cho người nước ngoài, nhằm cải thiện đời sống quá eo hẹp của các gia đình cán bộ, công nhân viên hồi ấy.

Sau giờ làm việc, tôi miệt mài vẽ và cũng đã tạo được dấu ấn trong thị trường tranh Hà Nội. Ngày nào cô út cũng phải vòng về nhà vài lần dục bố vẽ nhanh lên, tôi vẽ không kịp bán.

Tôi chẳng nhớ là đã vẽ được bao nhiêu, bán được bao nhiêu, cho bạn bè bao nhiêu tranh, nhưng quả thật, lượng thu nhập do bán tranh gấp ba, bốn lần lương kỹ sư của tôi lúc ấy.

Tôi đã có tiền sửa nhà, vào năm 1976 còn mua được 2 cái xe mô-tô 67. Mỗi cái xe mô-tô này lúc ấy có giá ngang với một ngôi nhà loại trung bình.

Lần tôi về Phòng, vào nhà ông bà bạn Ngọc Qúy chơi, thấy cái tranh Hồng Bạch tôi vẽ, được treo trang trọng nơi đẹp nhất trong phòng khách thì ngỏ ý, xin đổi cho ông N. cái tranh khác. Nhưng ông bạn đã thẳng thừng từ chối, xin mượn về vẽ lại, không cho mượn, đến khi chỉ xin chụp lại tranh cũng không cho chụp nữa.

Kể ra cũng mừng, thì ra tranh mình vẽ cũng có người thích thật, quý thật, chứ không như một ông bạn của tôi thường dè bỉu:

- Ông vẽ cho vui, chứ bán được cho ai, có chó nó mua!   

Nhưng hóa ra trong số các bạn bè lúc bấy giờ, ông là người xin tôi nhiều tranh nhất!

Tôi hiểu ông ấy nói thế không có ý chê tranh tôi vẽ không ra gì, mà ngụ ý mấy chục cái tranh ông xin cũng chẳng làm tôi “hao tổn” là bao, (vì có chó nó mua!?) và từ đó ông chẳng phải áy náy gì nhiều!

Ông chê vẫn chê, nhưng xin vẫn xin!

***

Tôi thương lượng với cô con dâu bà bạn:

“Cháu vừa nhắc đến cái tranh hoa hồng bác vẽ từ hồi còn đi học T.H.P.T. tặng bố mẹ chồng cháu. Sinh thời ông Ngọc quý cái tranh này lắm, bác xin đổi tranh khác ông ấy không đổi, xin chụp lại không cho chụp. Bây giờ cháu đang là chủ sở hữu bức tranh đó. Bác muốn nhờ cháu, cháu mang ra hàng thuê họ Scan lại, rồi gửi File Scan (tài liệu được quét lại, được chụp lại) vào Email (hòm thư điện tử) của bác. Bác sẽ in ra giữ làm kỷ niệm!”

Sau đó ít lâu tôi có đươc bản Scan bức tranh Hồng Bạch mà tôi vẽ từ năm 1959!

Có dịp, tôi sẽ đưa lên FaceBook để các bạn cùng xem cho vui.

 

Hà Nội, 2021.



                                      Bạn học cũ: Hoàng Hoài Ngọc - Fusain 1960