tháng 3 12, 2020

Hà Nội - Hà Nội


Sân Đình Hoàng Mai - Hà Nội.


Chị hai tôi


Tri kỷ 2


1-
Có lẽ cũng phải mươi năm chúng tôi chưa gặp lại nhau. Sau lần chia tay ấy, tôi theo vợ về Hà Nam làm ruộng, hắn thì về với vợ hắn ở Bắc Giang trồng vườn.
Cách nhau mới chừng mươi năm, thế mà khi vừa gặp lại, thoạt nhìn thấy hắn tôi hơi sửng sốt. Không gầy đi mấy, nhưng trông hắn như đã già đi mấy chục tuổi. Tôi hồ hởi vồ lấy hắn, còn hắn lại dửng dưng nhìn tôi như người lạ mới gặp lần đầu!
-  Cậu sao thế, ốm à?
- Không ốm, nhưng không thiết sống nữa!
- Sao, hay vợ con gặp chuyện gì?
-  Ừ! Vợ tớ mất rồi!
-  Sao thế?
-   Bị tai nạn giao thông!
-   Ở tít trong vùng hẻo lánh ấy, đi đâu mà lại bị tai nạn giao thông?
-   Chính vì ở sâu quá, ít khi ra đường, không quen với xe cộ nên mới thế!
-   Lâu chưa?
-   Bốn năm nay rồi.
-   Thôi cũng là vận hạn, xin chia buồn!
-   Lại cả hai đứa đi theo mẹ!
-   Sao lại cả hai đứa nữa?
-   Dắt nhau lên Thị trấn sắm tết!
-   Thế bây giờ còn…?
-   Còn hai đứa, nhỏ lên năm, lớn mới tám!  
Tôi rủ hắn về Hà Nam, nhưng hắn bảo không đi, còn hai đứa nhỏ chưa biết làm gì, chỉ như mấy con chim non chưa rời tổ, hằng ngày há mỏ đợi bố tha mồi về mớm. Đi thì chúng chết đói nốt à?
Tôi chảy nước mắt xót xa cho bạn. Không ngờ hắn lại vỗ vai tôi nói:
-   Đừng khóc, bây giờ mà khóc thì chỉ muốn đâm đầu vào ô-tô mà chết nốt!
-   Đang làm gì để sống?
-   Trông nom mấy sào vườn, tre pheo, rau nhợ, củ khoai, cái bắp, lại thả thêm ít cá. Kể ra thì cọ quanh cũng đủ sống, nhưng nhìn cái cảnh nhà trống huếch, trống hoác, quanh ra, quẩn vào chỉ có mấy bố con, chẳng ai buồn mở mồm nói với ai câu gì mà héo cả ruột!
-   Hay là xem có ai lỡ dở, đưa về trông nom nhà cửa cho đỡ quạnh hiu!
-   Không đành lòng!
-   Người ta vẫn làm thế mà!
-   Cứ thấy hai đứa còn ngây ngô, vừa mới mất mẹ xong, giờ lại phải tiếp nhận một bà dì ghẻ!? Chả biết thế nào, nhưng không đành lòng nhìn con khổ!
-   Cũng có người thế này, người thế khác chứ! Chả lẽ ai là dì ghẻ cũng xấu cả à?!
-   Cứ nhìn bọn nó còn non nớt, thương lắm, không nỡ!
-   Năm nay cũng chưa đến năm mươi nhỉ?!
-   Ừ, mới bốn bảy!
-   Chẳng lẽ ở vậy suốt đời à?
-   Muốn gì cũng phải thư thư đã. Đợi chúng trưởng thành, có gia đình rồi tính!
-   Lúc ấy già khú rồi còn chó nó thèm đến với!
-   Cũng đành thôi chứ biết sao bây giờ?

2-
 Về nói chuyện lại với vợ, thế là mụ đùng đùng đòi khăn gói lên Bắc Giang thăm bố con hắn bằng được. Biết là có cản cũng không được, đành gửi nhà cửa hàng xóm ít bữa, rồi tay xách, nách mang đủ những thứ lỉnh kỉnh có thể mang theo được ra tầu đi Bắc Giang.
Gặp nhau, hắn không tỏ ra mừng rỡ nhiều, mấy bố con lặng lẽ mang xếp gọn mấy thứ vợ con tôi mang lên, rồi cũng lặng lẽ đi bắt gà làm cơm đãi khách, chỉ có con bé út là còn sà vào chơi với các chị từ Hà Nam tới. Con tôi lớn hơn, đứa mười lăm, đứa mười ba, là con gái nên nó khéo làm thân với trẻ con hơn. Hai đứa con lớn hắn không mất thì cũng trạc tuổi mấy đứa nhà này. Vì thế lúc mới gặp, hắn sững ra một lúc mới định thần lại được.
Ở chơi dăm hôm, rồi cũng phải chia tay ai về nhà nấy. Hôm vợ chồng con cái tôi về Hà Nam. Lần đầu tiên hắn tỏ ra bịn rịn, gói ghém, đùm bọc mỗi thứ một ít đến nỗi vợ tôi gắt lên mới không phải nhận thêm nữa. Đưa chúng tôi đến ga, lúc tầu gần chạy, hắn nắm tay tôi như không muốn rời ra, chỉ đăm đăm mà không nói gì cả. Con bé út nằng nặc đòi theo các chị về Hà Nam. Vợ tôi có bàn với với tôi hay nuôi đỡ hắn một đứa, nhưng tôi bảo:
-   Mới mất người, nhà còn hiu quạnh lắm, mang thêm một đứa đi sợ càng buồn.
Từ đấy cứ vài ba tháng bố con hắn lại về Hà Nam với gia đình tôi một lần còn tôi cứ đều đặn hai tháng lại lên Bắc Giang với cha con hắn. Không phải họ hàng mà tự nhiên gắn bó như anh em cùng một mẹ sinh ra.
3-
Vợ tôi có bà chị họ góa chồng từ lúc còn trẻ, đẹp gái, không con cái, cũng ở Bắc Giang. Tôi bàn hay ghép cho họ thành đôi, nhưng bị vợ gắt um lên phản đối:
-   Chị ấy là con nhà giàu, có học, lại đẹp thế, trẻ thế, ai lại đi lấy một ông góa vợ, đã luống tuổi, nặng gánh con cái, lại nghèo,…
-   Ừ, cứ giữ lấy mà làm mắm! Sao tôi cũng nghèo mạt mà bà vẫn lấy?
-   Tại tôi mù, mới vớ phải ông! Chuyện chồng con của chị ấy không khiến ông phải lo!!!
-   Ờ, cứ kho mặn lên mà để dành, kẻo thiu mất! Tôi cố tình trêu lại.
Nhưng chẳng hiểu thế nào, ít lâu sau lại chính là bà vợ tôi chủ động kết nối để hai người gặp gỡ. Họ không ra Uỷ ban làm đăng ký kết hôn, nhưng đi lại, gắn bó thương nhau còn hơn khối các cặp vợ chồng có đăng ký đàng hoàng! 
Ít lâu sau họ sinh thêm một đứa con gái kháu khỉnh. Chúng tôi bàn nên đi đăng ký, để đứa trẻ sau này đi học được thuận lợi hơn. Họ đã phải họp gia đình, cả vợ chồng tôi cũng có mặt để bàn xem ý kiến của hai đứa lớn thế nào. Không ngờ hai đứa trẻ nghĩ chưa thấu, tủi thân, khóc ngặt nghẽo, rồi ôm ảnh mẹ bỏ nhà đi.
Hắn không ăn, không ngủ đi tìm bằng được con về, ôm hai con khóc lóc, thề sẽ không bao giờ làm điều gì khiến các con buồn nữa.
Mấy năm sau khi con út đến tuổi đi học thì gặp rất nhiều trở ngại, trầy trật mãi vẫn không xin học được ở đâu, thì lại chính hai đứa lớn bấy giờ đã trưởng thành đứng ra tổ chức đám cưới cho bố và mẹ Hai, dắt bố mẹ đi đăng ký kết hôn tại Ủy ban địa phương. Chùng đã thông cảm với bố, nhưng cái chính là đã thấy thương mến mẹ Hai và con em Út như người ruột thịt thật rồi.
Họ là những mảnh vỡ ghép lại, nhưng lại là một tổng thể thật hoàn mỹ.

Hà Nội, 2020.