tháng 4 09, 2016

Hình họa


Cầu Thê Húc trên Hồ Gươm - Hà Nội


Nhà lá nhỏ


Người bán chữ

Năm đó khoảng 1997 thì phải, tôi vừa ghé đến mấy cửa hàng gửi bán tranh trên phố Tràng Thi, Hàng Gai,... Thật giật mình khi biết giá tranh của mình được các cửa hàng “thét lên” đến chín, mười lần giá cha con tôi ký gửi. Ngày thường tôi chỉ cặm cụi vẽ ở nhà, còn tranh thì con gái tôi lúc đó chưa lấy chồng, nó giúp tôi đem tranh đi gửi ở các cửa hàng tranh (gallery) trên phố có nhiều người nước ngoài qua lại.
Tôi cứ trăn trở mãi về sự chênh lệch giữa giá bán và giá đặt tranh. May mà sau đó có ông bạn thân đến chơi giảng giải cho mới vỡ lẽ:
- Bao giờ chả vậy. Có thế người ta mới nuôi sống được cửa hàng. Cái tranh của ông phải gánh hàng lô các loại chi phí kèm theo như: tiền thuê cửa hàng, tiền thuế má, tiền điện nước, tiền mượn người làm, tiền bôi trơn cho bộ máy quản lý nhà nước...Cuối cùng lại phải có lãi để nuôi gia đình, bản thân, rồi còn tích lũy nữa chứ!
- Nhưng sao chênh lệch nhiều đến như vậy?
- Thế ông chưa nghe câu: “Một vốn bốn lời” à?
- Hèn chi các cụ bảo: “Phi thương bất phú” quả là chí lý! Công việc làm của mình chỉ là đổi mồ hôi lấy miếng ăn hàng ngày thôi!
- Chính xác!
***
Từ Bờ Hồ tôi đạp xe về nhà ở gần chợ Mơ theo đường Bà Triệu. Đến ngang Đại sứ quán Pháp mà bên hè kia là trụ sở Đoàn Thanh niên thì thấy trên hè có một dãy tranh và thư họa đang bày bán.
Tôi thấy mấy bức thư họa đẹp mà nhà lại chưa có bức nào, bèn dừng xe dắt vào xem. Người bán hàng cũng trạc độ tuổi tôi, thấy có khách thì đon đả:
- Mời ông vào xem tranh, tôi có mấy bức tranh ngựa, đẹp lắm!?
-  Ông cứ để tôi tự nhiên.
Trong khi thấy tôi cắm cúi xem bức thư họa viết bài Đường Thi nổi tiếng “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế thì ông ta cố nài nỉ tôi xem mấy cái tranh ngựa.
Tôi hỏi thành thực:
-  Tranh này ông vẽ, có tham khảo tranh của ai không?
-  Em có đi xem, nhưng không có nhiều tài liệu để tham khảo.
-  Tranh khác thư họa. Nét nào cũng rõ ràng, sắc sảo thì tranh thiếu mềm mại,...
-  Tranh ngựa ở Hà Nội này chỉ có của Trần Khánh. Hôm nọ em có đi xem ở mấy cửa hàng tranh ở Hàng Khay, nhưng không đủ tiền mua.
- Tôi là Trần Khánh đây.
-  Thật không?
-  Thật! Tôi đưa chứng minh thư ra cho xem, thì ông tỏ ra hết sức vui mừng.
-  Em xin nhận anh làm anh.
-  Ông tên gì và tuổi thế nào?
-  Em tên Lê Thanh người Thanh Hóa, tuổi Mậu Dần.
-  Thế là ông còn hơn tôi một tuổi, tôi đẻ Kỷ Mão. Thôi ta là bạn, không anh em gì cho phiền.
-  Vâng, em xin nghe lời anh.
-  Đấy lại anh em rồi. Nếu xưng em, thì phải là tôi chứ không phải ông.
Khi tôi mua bức thư họa bài thơ của Trương Kế. Ông ta nói:
-  Ngày mai bác qua đây. Đêm nay về, tôi sẽ viết một bức thật ưng cho bác.
-  Thế bức này chưa ưng lắm à?
-   Đúng thế! Chưa thật hoàn hảo.
Chia tay nhau ra về và y hẹn hôm sau tôi đến vỉa hè nơi ông Thanh bán hàng. Ông đưa cho tôi một bức thư họa mới. Tôi nhìn kỹ thì thấy bức này, quả có “phiêu” hơn bức trước.
Tôi hỏi:
-  Tại sao bức này lại “bay” hơn bức cũ?
-  Trước khi viết, tôi thường tắm gội vì đã phải “phơi xác” ở vỉa hè cả ngày, quá bụi bậm, bẩn thỉu. Sau đó ăn chút gì đó, làm một cốc rượu nhỏ. Trong lòng có “phiêu phiêu” thì viết mới “bay” được. Nhưng để có bức này tôi đã xé đi năm bức viết trước đó, vì chưa thật ưng lắm.
Rồi ông cuộn bức họa lại, đưa tôi trịnh trọng nói:
-  Bức này xin tặng bác để kỷ niệm dịp chúng ta quen nhau.
-   Bác đã phải ngồi ở vỉa hè kiếm sống, khổ hơn tôi rồi, sao phải tặng?
-  Không, đã nói tặng là tặng!
-  Thôi không nói chuyện này nữa. Bác có viết được chữ Nôm không?
- Tôi ở viện Hán Nôm hơn ba chục năm, làm đến chuyên viên sáu, làm sao không viết được chữ Nôm?
-  Thế bác viết giúp tôi bài thơ Nôm Cảm Hoài của Nguyễn Trãi mai tôi đến lấy.
-   Cụ Nguyễn Trãi viết nhiều lắm. Tôi không nhớ hết, bác ghi vào quyển sổ này cho tôi để tôi viết.
Hôm sau tôi đến lấy bức thư họa Cảm Hoài của Nguyễn Trãi chỉ gồm có bốn câu:
Nỗi lòng một sự yêm chưng một,
Đèn khách mười thu lạnh hết mười.
Phượng vẫn tiếc cao, diều hãy lượn,
Hoa thì hay héo cỏ thường tươi.
Thì không ngờ ông Thanh lại ghi cả tên tôi vào mép bức thư họa đó.
Tôi nói:
-  Một bài thơ của danh nhân, mà sao ông lại viết cả tên tôi vào thế!
-  Bác nhớ được bài thơ này, nên cũng đáng ghi vào đấy lắm chứ, như người viết thư họa, cũng viết tên mình vào cạnh bức thư họa đấy thôi.
Liền sau đó có bốn năm ông già đến xem và mỗi ông đặt mua một bức thư họa của cụ Trãi.
 Ngay lúc đó có một chiếc mô-tô ba bánh chở mấy anh Công an phóng ào đến, nhảy xổ vào, xẵng giọng hỏi ông Thanh:
-  Ai cho phép ông bày bán mấy thứ linh tinh này ở vỉa hè?
-  Tôi nghĩ vỉa hè rộng nên bày bán mấy bức tranh, thêm tiền nuôi con ăn học!
-   Học hành gì? Ông theo chúng tôi lên đồn để nộp phạt vì đã vi phạm trật tự giao thông đường phố!
-  Các anh thông cảm. Vỉa hè rộng hơn mười mét, tôi ngồi nép ở phía trong, treo mấy cái tranh lên bờ rào của tường, không vướng bận gì đến người qua lại, chứ có làm gì vi phạm đến trật tự giao thông đâu ạ?
-  Không nói nhiều, mời ông lên đồn giải quyết! Miệng ra lệnh còn tay thì vơ các bức tranh và thư họa rồi nhét bừa vào thùng của chiếc xe mô-tô ba bánh.
Những người có mặt tại đó rất bất bình.
Tôi không nhịn được nói lớn:
-  Các anh thật vô văn hóa. Tranh và thư họa mà các anh coi như rác, vơ ộn thành một mớ rồi nhét bừa vào thùng xe thì nó nhăn nhúm hết, sau đó chỉ có vứt vào sọt rác chứ còn dùng lại làm sao được?
-   Ông này, ông bảo ai là vô văn hóa?
-   Tôi nói thế đấy, đây là các sản phẩm văn hóa mà các anh coi như rác rưởi! Việc làm của các anh thật là vô văn hóa!
-   Ông nữa, ông phải theo chúng tôi lên đồn.
-   Tại sao tôi lại phải lên đồn?
-   Ông lăng mạ và cản trở người đang thi hành công vụ!
-  Còn các anh thì coi thường và lăng mạ nhân dân. Phá hoại thành quả lao động của dân. Các anh không nhớ câu mà Lãnh tụ của các anh dạy là đối với dân phải tôn trọng, lễ phép? Ông ta còn nói thêm rằng: nhân dân làm chủ, còn các anh chỉ là công bộc. Các anh có biết công bộc là gì không? Công bộc là đày tớ. Có đời thửa nào đày tớ đối với ông chủ lại mất dạy như các anh không? Hay là các anh không được đi học và cũng không coi lời dạy của Lãnh tụ các anh ra gi!
Lúc bấy giờ mọi người quanh đấy ồn ồn lên phản đối, lại còn giằng co với mấy tay Công an nữa.
Tôi thấy cảnh tượng chẳng ra sao, bèn đến bảo bọn họ:
- Các anh không sợ Sứ Quán bên kia đường họ quay cảnh các anh đang áp chế dân. Bóc trần cái “màn Dân chủ giả hiệu” rồi tung lên mạng cho cả Thế giới người ta “chiêm ngưỡng” à?  
Bọn chúng nhìn sang phía Sứ quán Pháp có mấy cái cửa số đang mở rộng, thấy quả là bất lợi nên bảo nhau bỏ ra về và ông Thanh cũng không bị bắt lên đồn nữa. thấy quả là bất lợi nên bảo nhau bỏ ra về và ông Thanh cũng không bị bắt lên đồn nữa.
Tôi an ủi ông:
-  Khổ cho bác, tự nhiên lại mất của!
-  Không sao đâu! Coi như bị bọn ăn cắp móc mất ví thôi mà. Đã ngồi kiếm sống ở vỉa hè, thì phải chấp nhận “tủi buồn” thôi!
Đến giờ tôi vẫn treo trang trọng hai bức thư họa của ông Thanh viết ở phòng khách. Ông là người viết Thư họa đẹp thứ nhì chỉ sau cụ Lê Xuân Hòa ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Nhiều người xin chụp lại để in ra chơi vì chỉ ít lâu sau đó ông Thanh không may bị một cơn tai biến, liệt nửa người không còn đem tài năng và sở nguyện để cống hiến cho đời được nữa.
Tôi có đến thăm ông một, vài lần tại một ngõ nhỏ trên đường Quần Ngựa.
Người đàn ông tài hoa biết thông thạo bốn ngoại ngữ, về hưu còn cố ra đường bán chữ để nuôi bốn người con học đại học.


Hà Nội, 2016.