tháng 12 01, 2015

Chân dung vợ


Bên nhau


Duyên dáng


Đồng lõa

Tôi đạp xe áp tải(1) hai cái xích lô chở lặc lè đầy giấy chất cao đến mức che khuất cả mặt người ngồi đạp đằng sau, làm cho hai người đàn ông to khỏe ấy cứ phải nghến lên lấy đà đạp rướn và để nhìn thấy đường phía trước.
Phố xá đã lên đèn, bóng của hai người phu xe và hai cái xe làm thành những miếng đen nhăn nhúm, xô lệch cứ liên tục rúm nhỏ lại rồi lại giãn ra trên mặt đường nhựa đen bóng. Đến địa điểm đổ hàng ở trong một ngõ nhỏ, vắng vẻ và tối mò mò thì cũng đã gần mười một giờ đêm.
Tuy chẳng phải đạp xe chở nặng mà tôi cũng thấy mệt phờ, vì sau giờ làm ở cơ quan mới “đi giúp” cho ông Hiệu, ông em con bà cô ruột lớn hơn tôi ba tuổi. Với những lời chỉ dẫn quá cặn kẽ và có vẻ rất quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm cho người nghe dù “gan cóc tía” cũng cảm thấy cứ “gai gai” thế nào ấy.
 Trước khi đi, ông ta đưa cho tôi mẩu giấy ghi địa điểm và cả sơ đồ chỗ đến đổ hàng. Sau đó lại lấy lại, đốt đi. Dù ông ta nói đây chỉ là một vụ vận chuyển hàng thông thường, nhưng tôi có cảm giác ở đây có gì khuất tất(2) nên mới phải đi đêm, về hôm và dặn dò cẩn thận đến vậy.
Khi có người ra nhận hàng tôi mới biết chỗ hàng này đến hơn sáu tạ giấy trắng, chưa rọc được chở từ nhà Xuất bản của tạp chí Quân đội số 4 phố Lý Nam Đế tới đây.
***
Khoảng ba tháng sau trong bữa giỗ bà nội, tôi có gặp cô Thoa, em ruột ông Hiệu, cô Thoa cũng lớn hơn tôi một tuổi, cô ấy hỏi tôi:
- Thế sau khi chở giấy, ông Hiệu chia cho anh bao nhiêu?
- Chia cái gì kia?
- Tôi có mua ít giấy ở nhà Xuất bản tạp chí Quân đội, nhờ anh Hiệu chở, nhưng anh ấy nói là bận nên nhờ anh giúp. Tôi đã đưa cho anh ấy hơn một trăm đồng(3) để bồi dưỡng hai người, thế anh ấy không đưa cho anh đồng nào à?
- Không! Làm gì có!
- Thằng khốn!
- Cô bảo ai là thằng khốn? Tôi sửng cồ vặc lại.
- Không! Tôi không nói anh!
- Thế số giấy ấy là thế nào?
- À, chỗ giấy ấy là tôi mua, nhưng bận không chở được, nhờ anh Hiệu anh ấy theo xe giúp. Hôm nọ hỏi lại thì anh ấy nói là cũng bận nên nhờ anh đi theo. Đây tôi đưa anh năm chục vậy.
- Là họ hàng giúp nhau chứ sao cô lại đưa bồi dưỡng nhiều như vậy? Cô đưa tiền như thế là không tôn trọng tôi.
- Anh thôi cái giọng “quân tử Tàu” ấy đi. Làm thì phải có thù lao chứ, chẳng ai làm không cho ai bao giờ?
- Tôi không hiểu. Nếu là họ hàng giúp nhau đưa thế là quá nhiều. Nhưng nếu thuê tôi đi ba, bốn tiếng đồng hồ trong đêm để áp tải theo mấy xe hàng không rõ nguồn gốc, thì thế lại là quá rẻ mạt.
- Anh biết gì mà dám nói bừa rằng đó là hàng không rõ nguồn gốc. Tôi mua giấy thanh lý của nhà xuất bản về thuê xén ra đóng vở bán cho trẻ em đi học.
- Nếu cô mua thì phải có hóa đơn, vì sao không lấy hàng lúc sáng sủa. Đợi đến đêm mới chở đi là sao? Thế hóa đơn mua hàng của cô đâu?
- Tôi còn giữ tờ hóa đơn ấy làm gì?
- Nếu không còn hóa đơn thì để mai tôi lên gặp Nhà xuất bản hỏi lại.
- Anh định làm thế thật à?
- Sao không thật!
- Anh làm thế là tống anh Trung - chồng tôi vào tù đấy!
- Thì ra đấy là hàng ăn cắp. Các người ăn trộm mà không có gan lấy hàng ra. Lại lợi dụng tôi như một tên đồng lõa.
- Anh không nên ăn nói hàm hồ(4) như thế! Làm gì có chuyện trộm cắp ở đây?!
- Bây giờ tôi mới rõ. Nếu mấy xe giấy ấy bị bắt, thì cả hai người không ai có liên quan. Tôi bỗng nhiên trở thành tội phạm, trở thành tên ăn cắp. Nếu đi tù thì mình tôi chịu. Nếu thoát thì các người thí cho tôi ít tiền, thế là “sòng phẳng” rồi. Ngay như ông Hiệu còn quỵt luôn cả tiền “bồi dưỡng” cho tôi như cô vừa nói lúc nãy. Thật là “món tiền nhơ bẩn”. Cô cầm lại, tôi không khi nào nhận những đồng tiền này đâu.
- Tại sao anh lại cố chấp và cố tình hiểu sai vấn đề đi như vậy?
- Tôi không hiểu sai đâu. Tôi cũng thật không ngờ, đồng tiền đã biến các vị thành những người mất hết nhân tính, dùng ngay người nhà làm “vật thí thân”(5) để làm ăn phi pháp.
***
Nhưng dù có nói gì thì bản chất của mấy vị em họ này vẫn “chó đen giữ mực”, nên dù chẳng ai mong, mà có mong cũng chẳng được, chỉ khoảng ít lâu sau thì ông thiếu tá Trung, chổng cô Thoa, cán bộ của nhà Xuất bản Tạp chí Văn nghệ quân đội bị bắt quả tang khi “đang thực thi” một “phi vụ” khác.
Cô Thoa xuống nhà tôi khóc mà nói rằng:
- Anh Trung nhà em chẳng may gặp vận hạn, đã bị bắt. Chỉ nay mai họ sẽ đến khám nhà. Em xuống nói với anh, chị cho chúng em gửi một ít đồ.
- Cô còn có hai ông anh giai, sao không đem đến đấy mà gửi, cho nó chắc?
- Trong cả hai họ nhà ta, em chỉ tin được mình  anh.
- Cô nói gì mà lạ vậy? Sau vụ ăn cắp giấy tôi đã sợ cô lắm rồi. Cô cũng thông cảm mà tha cho tôi. Chứ nếu họ mò đến khám nhà, thì tôi biết nói với họ thế nào?
- Làm sao họ dám đến nhà anh? Anh có phải là bộ đội đâu mà bên Quân cảnh có thể đến khám xét! Anh mà không cho em gửi em cũng đành coi như mất hết mà thôi.
Nói rồi cô em họ giàu có ngồi khóc ròng ròng, làm tôi cuối cùng dù không muốn cũng đành gật đầu nhận vậy.
Khi hàng đem xuống gửi thì mới thấy ngay kẻ ăn cắp cũng rất giàu có. Mấy ki-lô-gam vàng, nhét trong một đoạn xăm ô-tô tải được dán kín lại, dăm cái ti-vi màu mà hồi ấy khoảng năm 1975-1976 thì nhà nào có cái ti-vi đen trắng đã là oách lắm rồi.
Vợ tôi đã phải bỏ cả quần áo trong tủ ra để nhét hàng chục ki-lô-gam len Bon-Pasteur(6) thượng hạng và cả những súc gấm vóc mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới nhìn thấy và cầm nắn vuốt ve nó.
Ông thiếu tá em rể họ của tôi được “triệu tập đi học tập” ở Bất Bạt(7) đâu bốn tháng thì được thả về. Tuy bị tước cả Quân tịch lẫn Quân hàm, nhưng do khi khám nhà Ban Kiểm tra Quân đội chẳng bắt được “tang chứng, vật chứng” gì để kết tội cả. Và cũng theo lời khai rất “thành khẩn” của một Đảng viên Cộng sản thì đây là lần đầu tiên “trót dại”!
Thì ra “lưu manh” cũng “mưu lược” ra phết, chả trách chúng giàu là phải.


Hà Nội, 2015.
(1)   Áp tải: Đi kèm theo để theo dõi hay bảo vệ
(2)   Khuất tất: Không rõ ràng, minh bạch
(3)   Một trăm đồng hồi đó bằng hai tháng lương kỹ sư của tôi
(4)   Hàm hồ: Nói thiếu căn cứ, bạ đâu nói đấy, không kể đến lý lẽ
(5)   Vật thí thân: Vật thay thế để làm việc liều mạng, nguy hiểm
(6)   Len Bon Pasteur: Loại len tốt nhất và đắt nhất của Pháp lúc bấy giờ
(7)   Bất Bạt: Trên đất Sơn Tây có một trại cải tạo của quân đội