tháng 9 21, 2023

NÓC PHỐ - Bột màu 1997


 

THÁP HÒA PHONG - Cạnh Hồ Gươm Hà Nội


 

DÒNG SỮA - Truyện ngắn

 

Khoảng cuối 2018, hôm ấy có viêc ra đồn Công An phường để xin cái giấy chứng nhận, tôi gặp một cậu thanh niên đang bị giữ tại đấy, vì giao hàng đi vào đường ngược chiều.

Nhìn thấy tôi, anh ta nhanh nhảu hỏi:

- Chào ông. Ông không nhận ra cháu à?

- Chào anh. Anh là ai thế?

- Cháu là Bá đây!

- Bá nào nhỉ?

- Bá ở Đội II Thi hành án thuộc Cục Thi hành án, có họ xa với ông đấy!

- Chuyển ngành à? Đang làm việc nhẹ lương cao sao lại xin ra quân thế?

- Sau lần phải bắn một cô gái năm trước. Cháu không chịu được, đã xin ra khỏi ngành.

- Anh đã bắn bao nhiêu người rồi, sao đến cô này lại quyết định bỏ nghề?

- Cháu không nhớ xuể. Nhưng cũng phải đến hơn chục người.

- Cô ta xinh quá hay sao mà lại làm anh rẽ ngang như thế?

- Cô ấy còn rất trẻ lắm, mới chỉ hăm hai tuổi, lại là mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ.

Trước khi bị bắn, cô ta xin phép Đội cho con bú lần cuối. Thằng bé còn bé lắm, vừa bú vừa nghịch vú mẹ. Cô ta tốt sữa nên sữa về tràn trề, con bú không xuể, sữa thấm ra ướt đầm cả vạt áo kẻ sọc.

Một lúc sau đã no, thằng bé nhả vú ra rồi ôm lấy cổ mẹ, gà gà ngủ.

Mẹ thì khóc ròng, con lại trong sáng như một thiên thần, ai thấy cũng xót xa.

Lúc sau khi mấy viên đạn xuyên vào ngực, đầu cô ta gục xuống. Máu xối xả trào ra lẫn với dòng sữa làm cái áo tù ướt xũng.

Chứng kiến cảnh đó, lúc bế thằng bé và cả cốc sữa nhỏ mẹ nó đã nặn ra để lại, trao cho người nhà tội nhân, cháu không biết mình đã nói những gì.

Nhưng trong lòng thì đã quyết là bỏ nghề, dù có phải đi ăn trộm để sống.

 

                                                                                           Hà Nội, 2023.   

HỒNG VÀNG


 

HOA LAU - Bột màu 2001


 

CHUYỆN VỀ LỄ THANH MINH - Truyên ngắn


Đúng lúc cuộc cãi vã đến đoạn căng thẳng nhất giữa tôi và chú em về việc tổ chúc cho cả nhà đi Thanh minh, tức là thắp hương cho mồ mà tổ tiên hằng năm, thì ông bạn thân của tôi đến chơi.

Ông là giáo sư khao học của một trường Đại học danh tiếng nhất nhì Anh quốc, trường Cambridge. Ông không những giỏi về chuyên ngành ông nghiên cứu: ngành khoa học vũ trụ, mà các lĩnh vực khác ông cũng rất uyên thâm.

Sau chào hỏi, pha nước mời khách, chúng tôi lại quay lại đề tài cũ. Chú em tôi nhân có khách thì cũng tranh thủ phân trần:

- Bác Tạc nói xem có phải từ xưa các cụ đã dạy là thanh minh trong tiết tháng ba không? Thế mà ông anh em lại nói chưa đúng, chưa phải là thế nào?!

- Thế ông Kha thì nói sao? Ông quay lại hỏi tôi.

- Câu thanh minh trong tiết tháng ba là câu trích trong truyện Kiều, chứ không phải câu của các cụ dặn!

- Câu trích trong truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du cũng là chuẩn lắm rồi, còn phải xem xét lại gì nũa!

- Chú nói chỉ đúng có một phần, chứ không chuẩn hẳn!

- Bác nói có cái gì chưa chuẩn? Ông bạn tôi hỏi lại.

- Các tình tiết trong truyện Kiều, đều là của Tàu, thuộc về Tàu từ hơi thở đến nội dung, hãy đọc hai câu trong Kiều:

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,  (câu 9)

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.   (câu 10)

Việt Nam ta làm gì có triều Minh? Hai kinh là Bắc kinh, Nam kinh ở bên Tàu, chứ có phải ở ta đâu?

Do thời tiết bên Tàu rất lạnh, mùa Đông và mùa Xuân tuyết phủ dầy khắp nơi, nên mới phải đợi đến tháng ba tuyết tan mới dọn dẹp và quét tước mộ phần được.

Vì thế nên trong Kiều mới có câu:

Thanh minh trong tiết tháng ba,  (câu 43)

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh.  (câu 44)

Vì thế, nếu rập khuôn theo truyện Kiều của Tàu thì lúc đó thời tiết bên ta, tháng Ba đã sang đầu hè rồi, trời bắt đầu nóng rồi, đi tảo mộ là không thích hợp nữa.

- Vậy theo ông thì tảo mộ vào lúc nào là hợp? Ông bạn tôi vừa cười vừa hỏi.

- Rất nhiều người Việt Nam ta thường giáp tết lên quét dọn mộ phần rồi làm lễ mời người thân đã khuất về sum họp, ăn tết với gia đình, con cháu là hợp nhất, hợp lý nhất, Việt Nam nhất.

- Thế bác Kha cháu nói thế, có đúng không ạ? Chú em tôi hỏi lại ông bạn uyên bác của tôi.

- Bác Kha nói thế là đúng đấy, có lý đấy. Ta nên theo cái tập tục của ta, chứ sao lại đi lệ thuộc vào một câu chuyện của Tàu, ở bên Tàu.

Cuối cùng theo tôi biết thì truyện Kiều, không phải là sáng tác của cụ Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Du chỉ là người biên dịch truyện Đoạn trường Tân thanh truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (người Tàu) từ văn xuôi chữ Hán sang tiếng Việt theo thể thơ lục bát. Mặc dầu cụ Nguyễn Du là người rất giỏi, rất tài năng, biên dịch rất hay, thậm chí bản biên dịch của cụ còn hay hơn nguyên bản.

Và cũng bởi cụ Nguyễn Du không thể sinh vào thời nhà Minh và là đồng bào cùng thời với Mã Giám Sinh, với Thúc Sinh và Từ Hải,... được.

Ông em tôi đã bảy mươi nói vội như đã hiểu ra vấn đề.

- Nếu các bác nói rõ ràng ngọn ngành ngay từ đầu, thì em cãi các bác làm gì!

 

                                                                                                                    Hà Nội, 2023.

 



Một số suy ngẫm về “Kiều Việt” và “Kiều Tàu”!

Tản mạn – Hoài Nguyễn

***

Trong nền văn học Việt Nam, có lẽ ai cũng từng đọc qua hoặc nghêu ngao vài câu lục bát trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du và có khi cũng nghĩ đó là một câu chuyện “thuần Việt”!

Thực ra thì cụ Tố Như – Tiên Điền đã “vay mượn” hầu như toàn bộ một truyện thuộc thể tiểu thuyết chương hồi tận bên Tàu – đó là tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” (Đoạn trường tân thanh) của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả đời nhà Minh viết khoảng đầu thế kỷ XVII.

Cái tuyệt vời của cụ Nguyễn Du là từ câu chuyện văn xuôi bằng chữ Hán, ông đã chuyển thể thành truyện thơ viết theo thể lục bát chữ Nôm, và từ đó “Truyện Kiều” đã đi vào tâm hồn người Việt hơn ba trăm năm…

Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, còn có một số bút danh khác là Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt. Theo nhiều tư liệu, sử sách chép ông sinh năm 1521, mất năm 1593, đương thời với ca kỹ tên Vương Thúy Kiều và thủ lĩnh cướp biển Từ Hải. Ông quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang, học giỏi, hiểu biết rộng, nhưng đi thi không đỗ, bèn làm mặc khách của Hồ Tông Hiến.

Sinh thời, đã có lần Thanh Tâm Tài Nhân thảo tờ biểu “Dâng hươu trắng” cho vua nên trở thành nổi tiếng.

Các tư liệu cho biết Thanh Tâm Tài Nhân đã dựa vào bản ghi chép tay của Mao Khôn (1512 - 1601) ghi chép lại trong cuốn sách Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt, vì Mao Khôn đã từng phục vụ trong quân ngũ của Hồ Tôn Hiến và ghi chép lại sự việc như một trang kỷ yếu ghi chép thời giao tranh để hư cấu thêm thắt các nhân vật và viết thành thể loại tiểu thuyết cổ điển chương hồi.

Bản của Mao Khôn chép:

“Vương Thúy Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nụy khấu đánh Giang Nam, bắt Thúy Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thúy Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thúy Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết.”

Thanh Tâm Tài Nhân cũng thêm thắt từ một vài nguồn khác khi miêu tả “Thúy Kiều thành một người đẹp đa tài, trang nhã, đáng kính, đáng yêu nhưng bạc mệnh…” miêu tả “Từ Hải là một người có chí lớn, hảo sảng, một đại trượng phu có phong vận, là anh hùng tuy bị lừa nhưng vẫn chiến đấu quyết liệt….” rồi viết thành tiểu thuyết có 20 hồi… Cứ hết một hồi thì … “ xem tiếp hồi sau sẽ rõ” (Ai từng xem truyện Tàu thì ắt biết câu cuối hồi này!)

Kết cấu của tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân được miêu tả theo tuyến tính thời gian, trình tự diễn biến của sự kiện và quá trình hành động của nhân vật chính. Tác phẩm kèm nhiều lời bình giảng, giáo huấn đạo lý; bên cạnh đó là việc sử dụng rất nhiều điển tích, điển cố, nhân vật Thúy Kiều gặp cảnh ngộ vui buồn, éo le đều thường làm thơ, tứ, kệ, hoạ đàn… nhân đó mà bày tỏ tâm trạng, tình cảm của mình khiến cho văn chương trong Kim Vân Kiều càng đậm nét cổ.

Truyện Tàu “Kim Vân Kiều” này tôi đọc từ thời tiểu học, lâu lắm rồi, cùng thời với Phong Thần, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du ký, Tam Quốc chí, Thủy Hử…và cũng chỉ nhớ cái cốt chuyện chứ không mấy nhớ chi tiết!

Tuy vậy, mới đây nhân viết bài thơ “Kiều khúc”, tìm thấy lại cái truyện “Kim Vân Kiều” nên đọc lại xem sao thì ngẫm ra “Kiều Việt” của cụ Nguyễn Du đúng là “nhân từ ” hơn hẳn cái nàng “Kiều Tàu” của cụ Thanh Tâm Tài Nhân bên ấy nhiều quá!

Cụ Nguyễn Du khi “chuyển thể” cốt truyện Kim Vân Kiều của Tàu thành “Đoạn trường tân thanh” của người Việt theo tôi, cụ Tiên Điền muốn mượn “hồn Kiều” mà trải nỗi lòng của cụ!

Cụ Nguyễn Du (1766-1820) sinh ra, trưởng thành sống mấy đời từ thời Lê mạt, Trịnh Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi binh rồi Triều Nguyễn khởi nghiệp đã chứng kiến biết bao cảnh loạn lạc, nhiễu nhương, bể dâu…

Mang một tâm trạng hoài cổ từ thời còn cha ông sống trong nhung lụa đến khi sa cơ thất thế lưu lạc cõi trần ai, Nguyễn Du thấy cảm thương thân phận của nàng Kiều bên Tàu, vốn dĩ cũng chỉ là một ả gái điếm, ca kỹ có chút tài sắc, lọt vào mắt xanh của tên cướp biển Từ Hải vốn là sư Minh Sơn bỏ chùa đi giang hồ!

Gửi gắm tâm trạng của mình và nàng “Kiều Tàu”, với ngòi bút sắc sảo tài hoa và tâm hồn Việt, cụ Nguyễn đã “thuần hóa” nàng ca kỹ mà nếu ai đã đọc “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân miêu trả trong tiểu thuyết chương hồi này thì rất khác biệt!

Đương nhiên ta hiểu khi chuyển thể từ văn xuôi thành thơ thì cụ Nguyễn Du hết sức chắt lọc, cô đọng cho ngôn ngữ súc tích mà người đọc vẫn vẫn hiểu ý tứ. Còn văn xuôi đương nhiên với ngôn ngữ đối thoại thì có vè “trần trụi” hơn là điều không tránh khỏi!

Những tên nhân vật trong “Kim Vân Kiều truyện” hầu hết được Nguyễn Du giữ nguyên, có điều điều chỉ biến đổi một ít…

Chẳng hạn như bọn mối lái Chung Sự, mụ Hàm thì chỉ nói chung chung là bọn “dẫn mối”. Còn Người họ Mã vốn tên là Mã Quy thì chuyển luôn thành Mã Giám sinh vì tên này vốn là chân giám sinh, kết thân với mụ đầu tên là Mã Tú, trước kia cũng trong làng son phấn, nay đã hết duyên gọi là Tú bà. Nhân dịp một người gái đĩ tòng lương được món tiền chuộc mình là ba trăm lạng, tự mình lại góp thêm hai trăm lạng nữa để Mã Quy vào Kinh mua người nên giả vờ đóng kịch hỏi Kiều về làm vợ và phỗng tay trên “gái trinh” mà mụ Mã Tú giao hẹn với giá năm trăm lạng bạc mà thực chất Mã Quy “ăn chặn” bớt năm chục lạng.

Đoạn này Nguyễn Du miêu tả:

“Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm…”

(Nói thêm: Lâu nay các GV dạy Văn cứ đinh ninh dạy cho HS - Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm là không đúng với nguyên bản chữ Nôm khi chuyển chữ Quốc ngữ. Thời ấy bên Tàu người ta mua bán bằng bạc chứ không phải bằng vàng. Còn “Vâng” tức là sau khi “cò kè…” thì Mã Giám sinh định “ăn chặn” nhiều hơn nhưng phía nhà Thúy Kiều “đòi thách cưới” cao hơn cho xứng với con gái mình nên Mã Giám sinh mới mới “thuận giá” bốn trăm rưỡi lạng bạc (… vâng ngoài bốn trăm) và hắn ta kiếm lời được năm mươi lạng, còn xài được “gái trinh” đến nỗi mụ Tú bà kêu trời – “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!”)

Có ý kiến cho rằng chuyện “mua bán” Kiều khi qua Truyện Kiều của Nguyễn Du đã “chuyển bạc thành vàng” thì cũng có lý để nâng giá trị “tài sắc vẹn toàn” của Kiều vì rõ ràng giá trị của bạc làm sao bằng giá trị của vàng!

Nguyễn Du đã mấy lần nhắc đến “vàng”. Mở đầu, Mã Giám sinh hỏi; mụ mối đưa cao giá:

“Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường ?

Mối rằng: đáng giá nghìn vàng

Gấp nhà nhờ lượng người thương dám nài.” .

Thách giá “nghìn vàng” thì chí ít phải bán khoảng trên dưới 400 lạng vàng chứ sao lại hạ xuống 400 lạng bạc?

Lại ở đoạn kết thúc :

“Mái ngoài họ Mã vừa sang

Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao

Trăng già độc địa làm sao ?

Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên…”.

Rõ ràng câu thơ là “cân vàng” chứ chẳng phải là bạc. Chữ “vàng” chữ Nôm ở đây rất rõ, một bên bộ “kim”, một bên chữ “hoàng”!

Thực ra giá trị nghệ thuật của truyện “Kiều Việt” cao hơn nhiều so với “Kiều Tàu” khi chính Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được người Nhật thời ấy mang về nước và dịch thành tiếng Nhật trong khi chính “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân thì kể cả những nhà học thuật của Tàu cũng chưa từng biết đến!

Nguyễn Du đã thay đổi rất nhiều sự việc, thay đổi tính cách nhân vật, cắt bỏ nhiều tình tiết truyện…: Tên nhân vật Kế thị, mẹ Hoạn Thư chẳng hạn đã lược bỏ… Kế thị trong buổi Kiều xử án của Thanh Tâm Tài Nhân: vì sợ quá mà chết liền tại chỗ, phải kéo xác ra ngoài… thì Truyện Kiều của Nguyễn Du lại không có chi tiết này. Hoạn thư trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: bị lột trần, mình chỉ còn cái khố, cột tóc treo lên đánh đến róc cả da ra, người chẳng còn chỗ nào lành lặn… thì trong Truyện Kiều, Kiều lại xử rất nhẹ nhàng :

“…Tha ra thì cũng may đời

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen

Đã lòng tri quá thì nên

Truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay…”.

Trong truyện Tàu trước Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều chỉ là Mã Kiều nhi, con hầu tầm thường trong kỹ viện nhưng với Nguyễn Du lại là nhân vật tài sắc tuyệt vời. Từ Hải chỉ là tên tướng cướp biển lại trở nên:

“…Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài

Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.

Giang hồ quen thói vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo…”

Khi đọc đến đoạn trả ơn , trả thù trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, có lẽ người đọc rùng mình với những hình phạt thảm khốc dã man mà “Kiều Tàu” đã dành cho những tên trước kia hãm hại nàng như sau:

- Bạc Hạnh: Lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn, chặt từ chân lên đầu thành hơn trăm đoạn, thành một đống thịt như bùn.

- Bạc Bà: Đem chặt đầu bêu lên cây

- Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển: Ra chém bêu đầu

- Hoạn Thư: Lột hết áo quần, chỉ chừa lại một cái khố, tóc buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ cầm roi ngựa đồng loạt ra tay, một người đánh từ trên đánh xuống, một người đánh từ dưới đánh lên, đánh như con chạch rơi trên đống tro, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn giãy giụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn

- Tú Bà: Lấy dầu bách tưới đẫm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, như ngọn đèn trời, cuốn thành một cây sáp lớn, châm lửa

- Mã Bất Tiến (Mã Quy – Mã Giám sinh) thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho thẳng căng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc. Quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Mã Bất Tiến lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Bất Tiến rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng xác ra biển cho cá ăn để đền tội bạc tình.

- Sở Khanh: Nấu một nồi tùng hương trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy chum nước lớn để bên, đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu tùng hương đun sôi tưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo. Bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì da đã bị dầu tùng ăn loét ra, chẳng cần dùng đao kiếm, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái bọt lớn. Chỉ trong chốc lát đã rữa nát thành mủ máu, rớt thịt trơ xương mà chết.

Còn “Kiều Việt” của Nguyễn Du mặc dù cũng “báo ân, báo oán” nhưng qua những câu thơ lục bát thì vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều, thấm đẫm tính nhân đạo đối với kẻ thù của một tâm hồn “thuần Việt”.

Ngày nay, có lẽ nhiều người Việt dù có đọc Kiều nhưng có lẽ ít nhận thấy tính nhân văn của tác phẩm này, chưa thấy hết cái luật “nhân quả”, thuyết “tài mệnh tương đố”…

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”

Không biết tự bao giờ, những “tâm hồn Việt” đã lai căng, chuyển hóa thành “hồn Tàu” mà ngày nay “cái Ác” dần dần lấn áp “cái Thiện” và hiện diện khắp đất nước này!

Không tin cứ mở báo ra mới xem cái tít báo chạy thì cứ ngỡ là ở nước Việt nhưng đọc hết thì xảy ra bên Tàu và ngược lại!

Một buổi chiều cũng đã hết Tết, có dịp đọc lại “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu và suy ngẫm những cái cốt lõi trong “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du, có một chút tản mạn về hai “nàng Kiều” của hai nước “tương lân” và cũng để kết thúc bài này xin mượn hai câu thơ của cụ Tố Như:

“Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

Hoài Nguyễn - 09/02/2022.


Xem thêm bài của Nguyễn Hải Nhu viết và đăng ngày 19/11/2023 dưới tiêu đề "Bài văn nghị luận truyện Kiều 01 điểm của học sinh..."                                                                             


 

 

CÚC ĐẠI ĐÓA


 

HONG TÓC - Chì 1992


 

CHƯA CHẮC SỰ THẬT ĐÃ TỐT - Truyên ngắn

 

Anh ta ngúc ngắc cái đầu vẫn còn ù ù và quay tít, mọi vật trước mắt mờ mờ không thể định hướng được. Mãi lúc sau anh mới nhìn rõ, thì ra thằng con trai anh đang đứng chống nạnh nhìn anh ta hằm hằm:

-          Tôi hỏi lần nữa, ông có ký vào bản di chúc này không?

-          Di chúc nào? Ai lập di chúc, lập di chúc cho ai?

-          Tìm hiểu làm gì nhiều thế?  Cho ai cũng vậy, không cần tìm hiểu, ký đi!

-          Không ký thì sao?

-          Thì no đòn!

-          Đã no đòn rồi còn ăn làm sao được nữa?

-          Ăn đến khi nào chịu ký mới thôi!

Tôi cũng vô tình nghe và thấy được cái cảnh chẳng đáng chiêm ngưỡng tí nào của cha con anh hàng xóm.

Anh ta kém tôi hơn chục tuổi, làm công nhân phụ động xây dựng, cũng có vợ, có con, có gia đình như bao người khác, sống bằng đồng lương ít ỏi mà như nhiều bà vợ cứ kêu rõ to cho cả làng biết là chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền. Nhiều người nghe không thủng cứ tưởng anh ta yếu sinh lý không làm cho vợ thỏa mãn mà kêu lên để chọc tức chồng, nhưng có ở lâu mới biết thì ra mọi cái đều lộn tùng phèo, tức là đều ngược lại ráo cả.

Anh ta là thợ nhưng sức vóc thì lại sở hữu cái sức vóc của một lực sĩ. Cứ nhìn hai bắp tay cuồn cuộn, hai bắp đùi hộ pháp thì không ai dám nói là anh ta yếu sinh lý được. Còn chị vợ thì tong teo như một cọng rau héo, cho nên mọi người sau mới hiểu ra là kiếm tiền ít, chứ không phải là sức lực yếu đâu ạ.

Nhưng, ở đời luôn có chữ nhưng. Đấy là một hôm đi làm như bình thường, ngang tầm anh thấy nóng ruột cái gì đấy bèn xin phép chỉ huy cho về nhà, thì anh bắt được vợ rước giai về nhà và khi cô ta đã nhận ra chồng đứng bên cạnh vẫn không dừng lại được, vẫn cứ nhẩy tưng tưng như ngựa đang phi nước đại.

Do không kìm chế được, anh ta túm lấy thằng đàn ông đang cưỡi lên bụng vợ mình tát một cái rõ mạnh. Cái tát ấy đã đưa anh vào tù vì nó quá mạnh không có chừng mực gì, làm cho tên gian phu kia chỉ kịp ặc lên một tiếng rồi lập tức lên đường đi Tây Trúc về với ông bà ông vải.

Ở tù được vài tháng vì không chịu thua thằng nào bắt nạt mình, anh bị bọn đầu gấu chùm chăn dùng gậy phang gẫy cả hai ống đồng.

Thế là tàn đời. Sau thật bất ngờ anh được nhà tù thả ra do được một ông luật sư, trước kia là chới với bố anh, biết hoàn cảnh đã cãi để giảm án.

Không còn đi làm được ở đâu nữa, anh đành cọ quậy làm bất kỳ việc gì để sống tạm qua ngày với lòng thương hại của bà con xóm giềng và một số người hảo tâm biết chuyện.

Vợ anh thì bỏ đi theo một thằng nhân tình mới, ít hơn cô ta sáu tuổi ngay ngày hôm sau, để lại cho anh thằng con trai mới mười ba tuổi dở dở, ương ương, không sao dậy nổi.

Đầu tiên thằng bé ăn cắp vặt của mọi người quen quanh xóm, rồi sau đến người lạ. Nó nhanh nhẹn và chạy trốn rất giỏi. Người không thể chạy được là anh. Thế là mọi giận dữ của mọi người lại đổ lên đầu anh như cơm bữa.

***

Cái cảnh thằng con khảo bố để bắt anh ký vào di chúc để nó bán nhà đi đánh bạc và hút chích thì anh đã mường tượng ra từ lâu rồi. Thế rồi cái gì đến nó đã đến.

Mấy hôm sau anh phải chống gậy tập tễnh bước ra khỏi nhà để chủ mới đếnnhận.

Nhưng,… lại là nhưng, anh lại được ông luật sư nhân đạo quen cũ cưu mang và làm đơn kiện ra tòa về việc bán và chiếm đoạt đất trái phép.

Chả biết ông ta làm những gì mà anh lại được trở về căn nhà nhỏ cũ nát chứ không phải ra cư ngụ tại bãi rác cuối làng nữa.

Thằng con trai anh bị vào trại cải huấn vì mới mười lăm tuổi mà đã phạm tội hằng ngày. Ít lâu sau thì không ai biết nó chuyển đi đâu, về đâu nữa.

Mấy năm sau đó anh được ông luật sư đưa đi bệnh viện để nối lại ống đồng.

Anh đi lại được, xin việc làm, và chẳng ai ngờ, tối tối anh ta lại ngồi ôn bài vở cũ. Và thật bất ngờ mấy năm sau anh thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng trong cả nước.

Ra trường anh về một cơ sở làm viêc lớn nhất nhì Thủ đô. Anh trở nên một chuyên gia giỏi. Kinh tế ổn định. Thì bỗng một hôm cô vợ cũ, bây giờ tàn tạ, gày quắt, gày queo, tìm về xin anh tha lỗi.

Thằng con trai anh sau khi ở tù gần mười năm, bị đồng bọn bắt chịu đủ mọi cực hình, chúng cắt tai, cắt mũi và một chân. Bây giờ nó gày còm, nghiện oặt, tập tểnh, nhảy lò cò trên cái chân còn lại và cái gậy tre buộc bên hông. Nó mới được ân xá sau tết vừa rồi, cũng tìm về chỗ anh nương tựa. Bây giờ thì nó không còn sức lực để quậy phá và càng không còn sức để lao động kiếm ăn hằng ngày nữa. Cuối cùng anh đành nhận nó về nuôi vậy chứ biết làm sao?

Với cô vợ, thì anh nói là để còn suy nghĩ lại đã. Nhưng đến giờ anh đã ngoài bảy chục tuổi rồi anh vẫn chưa quyết định rõ ràng thế nào cả. Anh vẫn độc thân ở trong căn nhà rộng mênh mông thường ngồi nghĩ lại các biến động của cuộc đời mà ngẫm nghĩ, mà tiếc nuối, ao ước rằng giá như hiện tại không phải là sự thật.

Hai vợ chồng đến với nhau từ lúc còn rất trẻ, còn rất nghèo khó, với hai bàn tay trắng, thế mà qua sóng gió và biến cố của cuộc đời, giờ họ đã già rồi vẫn không thể ở cạnh nhau, không thể chia ngọt sẻ bùi với nhau được nữa.

Một hôm có việc ra ngoài, lúc trở về hỏng xe, ông đứng dưới gốc cây hút thuốc đợi tài xế mở nắp ca-pô sửa cái gì trong đó thì vô tình thấy một bóng người ngồi run rẩy cạnh gốc gần đó. Ông bước lại định hỏi han đôi câu, khi bật đèn pin lên thì giật mình nhận ra đó là vợ mình, đang co ro trong mảnh bạt nhỏ bẩn thỉu.

Ông đã lại bên kéo bà ta dậy, nói:

- Tôi nghĩ lại rồi, tôi đã cho người tìm khắp nơi mà không thấy bà, nay may thấy rồi, bà hãy về nhà cùng tôi để sống những ngày cuối đời bà nhé.

- Tôi không còn mặt mũi nào về với ông nữa. Ông không cần thương hại tôi!

Cuối cùng không làm thế nào để bà ta nguôi tủi hổ, ông đành quay về một mình. Ông sai người theo dõi, chu cấp cho bà vợ già khốn khó, nhưng bà kiên quyết không nhận một thứ gì.

Mãi sau đến hàng năm, có người bày cho ông , bảo thằng con đi tỉ tê với mẹ nó. Không ngờ kế ấy lại thành công.

Qua bao sóng gió gia đình ông lại được xum họp mặc dù nó không còn toàn vẹn, tròn trịa như xưa nữa.

 

                                                                                              Hà Nội, 2023.