tháng 12 08, 2020

Chân dung tự họa - Chì than 1960


 

Hồng xanh


 

Bèo dạt, mây trôi - Truyện ngắn

Chiều đông rét khan. Buốt như cắt.

Tan ca làm, từ công trường về nhà, hắn vừa đi, vừa nhẩy lò cò cho đỡ lạnh, rẽ theo đường tắt cạnh bãi rác. Hình như có âm thanh gì nho nhỏ từ một cái ổ đặt sát lối đi. Hắn dừng lại rồi dùng mũi giày đá nhẹ vào cái vòm cong cong làm thành từ một cái chiếu cuộn lại. Có tiếng rên phát ra từ đó. Hắn cúi xuống kéo mép chiếu thì thấy ló ra một cái đầu người được chụp trong một cái túi dứa còn mới. Kéo cái túi dứa lên thì thấy lộ ra một khuôn mặt tóc tai bù xù của một cô gái còn rất trẻ. Miệng bít bằng băng dính đang hổn hển thở, chỉ có đôi mắt là vẫn mở ra hấp háy, chân tay bị trói chặt..    

Hắn lột cái băng dính trên miệng, rồi vỗ nhẹ vào đầu thì thấy cô ta thều thào nói:

-   Anh đừng động đến tôi, hãy tránh xa nơi này ra!

-   Thế làm sao cô lại bị trói bỏ ở đây?

- Tôi đang bị một băng nhóm truy sát. Chúng tưởng tôi chết, mới vứt ra đây. Nếu chúng biết còn sống thế nào cũng quay lại giết không tha! Anh hãy đi đi, mặc tôi!

-   Không biết thì thôi, đã biết thì làm sao bỏ mặc được! Hắn nói tỉnh bơ.

- Tôi đã cảnh báo rồi, không nghe, đừng có hối hận!

Hắn đã “nhặt” cô gái từ bãi rác đầu ô về như thế đó.  

Đến nhà, hắn rửa ráy, chạy chữa cô ta trong khả năng và điều kiện của mình. Cô ta bị bầm dập khắp người, nhưng cũng may nội tạng không bị tổn thương nghiêm trọng. Do tuổi trẻ và đầy sức sống, nên cô ta đã hồi phục rất nhanh và cũng thật không ngờ, đó lại là một cô gái xinh xẻo và còn biết nấu ăn khéo nữa.  

Do còn trẻ và vẫn còn nhiều nhân tính. Họ lặng lẽ tựa vào nhau!

Từ hôm ấy đi làm về hắn không phải ăn “cơm hàng cháo chợ” nữa.

Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng chỉ rộng dăm mét vuông mà hắn đã mua lại của người quen, rẻ như cho. Không gian chật chội ra đụng vào chạm, nhưng được cái cả hai cùng kiệm lời, có khi cả ngày họ chẳng nói với nhau câu nào.

Cô ta rất ít ra ngoài, bất đắc dĩ phải đi đâu cũng bịt bùng, che đậy kín mít. Ở với nhau hơn một năm, hắn vẫn chưa biết cô ta từ đâu đến, làm cái gì và bị ai đuổi giết. Thậm chí đến tên tuổi, quê quán cô ta, hắn cũng không biết nốt.

Hắn biết có hỏi, cô ta cũng chẳng nói, có nói thì cũng nói dối! Vì vậy hắn chẳng hỏi gì!

May hắn còn chưa có gia đình vợ con, lại làm quản đốc công trường, nên cũng đủ sức “cáng” “cô vợ nhặt”! Cũng lạ, ở với nhau đã lâu mà cô ta cũng chưa bao giờ hỏi han gì về hắn?

Một đêm cô ta tự tìm sang chỗ hắn nằm, thế rồi từ đấy họ gần gũi nhau hơn.

***

Một hôm cô ta bỗng bỏ đi đâu mất hút. Trong nhà chẳng có gì suy suyển!

Gần tháng sau cô ta mới trở về, đem theo một cái ba-lô to chặt cứng tiền và cả một khẩu súng nhỏ còn mới coóng.

Hắn có ý thắc mắc nhưng cô lắc đầu bảo:

- Chuyện cũ anh đừng để ý, mà cũng đừng kể cho ai biết, nguy hiểm chết người đấy!

Ít lâu sau đi làm thì nghe anh em trong công trường bàn tán một chuyện gì lạ lắm. Hình như có một tổ chức làm ăn phi pháp bị Công an truy bắt, tóm gần trọn ổ, chỉ sót vài tên, đặc biệt là trong đó là một nữ thủ lĩnh rất khát máu và lì lợm.

Hình như do ăn chia không đều hay có mâu thuẫn gì lớn lắm, không thể giải quyết được nên “một thủ lĩnh” đã bị đồng bọn đập chết rồi quăng ra bãi rác.

Tuy nhiên người ta không thấy Công an lùng sục gì cả. Mà chắc gì đã có ai chết, nếu không thì thế nào chả rùm beng lên! Án mạng chứ đùa đâu? Nhưng từ đấy bọn lưu manh hay lảng vảng quanh đây bỗng “lặn” sạch, không thấy mống nào lai vãng đến gần bãi rác nữa!

Đôi ba lần hắn có hỏi về lời đồn đại, nhưng cô nàng đều trả lời qua quýt, còn nếu không lấp liếm được thì đều bị bịt miệng bằng môt nụ hôn, thế là hòa cả làng!

Đến lúc bụng cô bạn đã phưỡn lên to bằng quả bưởi thì cô ta mới nói với hắn là đã mua một căn nhà ở một tỉnh vùng cao, muốn cùng nhau dọn lên đó để rời bỏ hẳn quá khứ không mấy tốt đẹp vừa qua. Cô ta bảo là đã lo chu tất công ăn việc làm cả rồi. Vả lại quê hắn cũng chẳng phải ở đây, đi đâu mà chả vậy!

Rời bỏ một nơi có nhiều dấu ấn không mấy tốt đẹp này để ra đi cũng chẳng làm hắn lưu luyến gì nhiều!

Mấy năm sau, hắn bỗng nhiên trở thành một ông chủ thầu Xây dựng giàu có và là một ông chủ gia đình có đứa con trai kháu khỉnh và cô vợ xinh đẹp, khéo léo, đặc biệt là rất bản lĩnh!

***

Bỗng một hôm hắn nhớ đến bố mẹ già ở quê đã lâu ngày không về, hắn nói với vợ là để hắn đi một mình, vì đường sá khó đi. Nhưng có lẽ cái chính là mặc cảm gia đình mình quá nghèo, bố mẹ lại quê mùa, già nua, lẩm  cẩm.

Hơn tháng sau mới trở lại, thì nhà hắn đã đổi sang chủ mới, không còn chút dấu vết gì nhắc nhở đến cái Công ty mà hắn đã từng làm ông chủ nữa.

Hỏi thăm xóm láng, cả chủ nhà mới, thì mỗi người nói một phách, không ai biết vợ con hắn vì sao bán nhà và họ đã bồng bế nhau đi đâu.

Ít lâu sau Bưu điện báo hắn đến để nhận tiền, một khoản tiền lớn, nhưng không có địa chỉ người gửi và không có một lời nhắn nào cả.

Tuy nhiên nỗi nhớ vợ con làm hắn cồn cào. Hắn đã bổ đi mọi ngả để tìm kiếm. Không hiểu tại sao tất cả gia đình, vợ con đột nhiên vụt tan biến đi như bong bóng xà-phòng?!

Không còn là ông chủ nữa, hắn trở về với việc làm Đốc công trong một Công trường xây dựng. Lại sống tạm bợ, lại cơm hàng cháo chợ như hơn chục năm về trước.

Nhưng trong lòng thì không còn yên tĩnh như trước được nữa, có cái gì cứ gợn lên luôn làm hắn dằn vặt, thấp thỏm. Muốn đi tìm vợ con, nhưng chẳng biết đi đâu và làm như thế nào!

***

Nhiều năm qua đi, khi tóc đã hoa râm, hắn vẫn cứ sống trong đơn độc trong buồn bã. Cũng mong mình nghiện một thứ gì đấy như nghiện rượu chẳng hạn, nhiều người nói là khi say thì người ta rơi vào quên lãng, nhưng chẳng hiểu thế nào, hắn càng uống, lại càng tỉnh táo, càng buồn khổ hơn.  

Một chiều đang chầm chậm đi từ Công trường về nơi trọ, hắn thấy một thanh niên trẻ cứ lẽo đẽo theo sau. Dừng lại hỏi, thì nó nói nó là con mẹ Lan đến đây tìm bố.

- Thế bố cháu là ai, tên gì?

- Mẹ nói bố tên Hà, làm kỹ sư xây dựng ở vùng này!

- Thế mẹ đâu, sao để cháu đi một mình?

- Mẹ cháu không đi lại được nữa!

- Thế cháu có gì để chứng minh là con bố Hà?

- Cái bớt nhỏ sau tai trái cháu đây ạ! Vừa nói nó vừa vạch tai lên.

Hắn đã nấc lên rồi ôm chặt thằng bé vào lòng. Hai cha con khóc ngất mừng mừng, tủi tủi.

Mãi sau hắn mới hỏi con:

- Sao con biết ta đúng là bố mà đi theo?

- Con đã đi theo bố gần một tuần nay rồi! Đã dò hỏi những người quanh đây, khi đã chắc chắn mới dám đến nhận.

***

Gia đình họ đoàn tụ trong niềm vui sướng vô bờ bến. Lại nghèo khổ, nhưng hạnh phúc. Hắn lại đi làm nuôi vợ như đã làm cách đây mấy chục năm.

Khi đã thật yên ổn rồi, vợ hắn mới kể:

- Em đã cố lẩn trốn mà không được, bọn chúng vẫn tìm ra. Cũng may lúc ấy anh đi vắng chứ không thì cũng bị chúng sát hại rồi!

Khi bọn chúng sắp giết mẹ con em, em bèn nói với tên cầm đầu:

- Bọn mày giết hai mẹ con tao thì chúng mày cũng chẳng lấy được một đồng xu nào cả! Nếu chúng mày tha mẹ con tao, tao sẽ chuyển toàn bộ tài sản cho bọn mày!

Sau khi bàn bạc, bọn chúng đã thống nhất không giết mẹ con em để đổi lấy tiền, vì đấy là phương án tối ưu nhất, nhưng chúng bắt em phải cắt gân chân để đề phòng hậu họa!

Tất cả sự việc diễn ra trong chớp nhoáng!

Em đã giết và làm hại quá nhiều người, đổi lại mất mát thế này cũng vẫn còn là nhẹ, chỉ khổ anh và con bị vạ lây!

- Được cùng người thân gánh vác lúc khó khăn cũng là hạnh phúc mà! Hắn an ủi vợ.  

 


tháng 11 23, 2020

Danh ngôn


 

Thiếu nữ - Bột màu 2006


 

Nhân ngày nhà giáo 20-11


 

Về một bài thơ của Đặng Dung.

Nguyên tác:

感懷

世事悠悠奈老何

無窮天地入酣歌

時來屠釣成功易

運去英 雄飲恨多

致主有懷扶地軸

洗兵無路挽天河

國讎未報頭先白

幾度龍泉戴月磨

Phiên âm Hán-Việt:

Thuật hoài:

Thế sự du du[2] nại lão hà?

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.[3]

Thời lai đồ điếu[4] thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chủ[5] hữu hoài phù địa trục,[6]

Tẩy binh[7] vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo[8] đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền[9] đới nguyệt ma.

Chép theo Ngữ văn 10 (nâng cao), sách đã dẫn. Có bản chép khác: Thế lộ (câu 1), Nhập thù ca (câu 2), Sự khứ (câu 4), Trí chúa hữu tâm (câu 5), vị phục (câu 7).

 

Dịch nghĩa

Cảm hoài:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?

Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.

Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,

Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.

Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,

Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.

Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,

Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

 

Bản dịch của Tản Đà

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Phò vua bụng những mong xoay đất,

Gột giáp sông kia khó vạch trời.

Đầu bạc giang san thù chửa trả,

Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Bản dịch của Phan Kế Bính:

Việc đời bối rối tuổi già vay,

Trời đất vô cùng một cuộc say.

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.

Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

 

Bản dịch của Nguyễn Văn Trình

Việc đời dặc dặc tuổi già đây

Trời đất miên man nhịp hát hay

Bần tiện gặp thời thành nghiệp dễ

Anh hùng lỡ vận hận căm đầy.

Mong xoay trái đất lo phù chúa

Muốn rửa sông trời khó kéo mây.

Thù nước chưa đền đầu đã bạc

Mài gươm dưới nguyệt mấy thu rày.

***

Việc đời bối rối tuổi già vay

Trời đất vô cùng một cuộc say

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay

Vai khiêng trái đất mong phò chúa

Giáp gột sông trời khó vạch mây

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.[14]

 

Bản dịch của Trần Quốc Khánh:

Thế sự quấy chi mãi lão này,

Mênh mang trời đất hát vì say.

Gặp thời, bần tiện thành công dễ,

Lỡ vận, anh hùng những nuốt cay.

Chí lớn những mong xoay trục đất,

Gột giáp vẫy vùng khắp trời mây.

Nợ nước chưa đền đầu vội bạc,

Mang gươm mài mãi dưới trăng gày.

 

Hà Nội, 2020.

 

 

  

tháng 11 13, 2020

Thiếu nữ - Bột màu - 1997


 

Đồ sơn - Hải Phòng - 2019


 

Về một người thày

            Hôm rồi ông bạn học cùng lớp, có việc lên Hà Nội, ghé đến cho tôi quyển hồi ký về một người thày giáo do con trai ông biên soạn.  

Quyển hồi ký không dầy được in trang trọng trên giấy tốt, bìa cứng đóng rất đẹp, lấy tiêu đề: “NGƯỜI ĐẶT TÊN TRƯỜNG”

Đó là quyển hồi ký viết về thày giáo của chúng tôi, thày Nguyễn Văn Bái.

Thày sinh 1912, quê Yên Mỹ, Hưng Yên, trong một gia đình nhà nho nghèo. Ở trường Ngô Quyền chúng tôi được thày dạy các môn Sinh vật, Toán và Vẽ.

Tôi và mấy người bạn yêu vẽ từ nhỏ, đã mày mò tìm thày học mà không hề biết thày đã học và tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux Arts de L’Indochine khóa IX: 1933-1938) cùng khóa với họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Lập Ngôn, sau khóa các họa sỹ lừng danh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí. Được Nhà nước Cộng Hòa Pháp cấp chứng chỉ tốt nghiệp ngày 30 tháng 09 năm 1938.

Sau đó thày có tham gia dạy tại các trường Mỹ nghệ Huế và trường Mỹ nghệ Hà Nội. Tác phẩm của thày đã được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hồi đó mua với giá rất cao. Phủ Toàn Quyền Đông Dương đã mời thày vào trang trí nội thất. Vua Bảo Đại đã đích thân ban thưởng gắn mề đay và thẻ ngà cho thày.

Trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có nhiều bức tranh của thày được trưng bày. Năm 1947 chuẩn bị chuyển 10 bức tranh rất hoành tráng của thày sang Pháp triển lãm, nhưng chiến tranh đã ập đến phá đi tất cả!

Năm 1948, để đổi tên trường Bình Chuẩn mà trước đó khởi đầu là trường Bonnal (từ 1920) cho phù hợp. Sau sự trình bày và phân tích rất thuyết phục của thày, Hội đồng Thành phố và Ban Giám hiệu đồng ý đổi tên thành trường Ngô Quyền như ngày nay.

Thày còn là một Kiến trúc sư tài ba, người thiết kế chính cho cụm kiến trúc cổng trường Ngô Quyền. Cái cổng trường rất giản dị và hài hòa ấy đã gắn bó suốt những năm tuổi thơ của chúng tôi.

Hơn 28 năm dạy học tại trường THPT Ngô Quyền Hải Phòng với chúng tôi thày Nguyễn Văn Bái hằng ngày lên lớp dạy các môn Sinh vật, Toán và Vẽ cho học sinh mà vẫn gần gũi và thân thương như một ông giáo trường làng!

Một con người uyên bác, tài năng, nhưng lại cực kỳ khiêm nhường, giản dị.

Mới biết chỉ có những bậc học giả mới sống và làm được như thế!

***

Tôi học thày chỉ khoảng ba, bốn năm gì đó. Lúc ấy còn nhỏ, còn ngây ngô, chưa biết gì, chỉ nhớ hằng ngày cắp sách đến trường, đến tiết học nào thì lấy vở môn ấy ra nghe giảng và ghi chép.

Đến giờ già rồi đã trên tám mươi tuổi, mà vẫn còn nhớ được một lần không thuộc bài môn Sinh vật thày dạy, bị phạt cấm túc (consigne), tức là chủ nhật phải đến nhà thày chép lại năm mươi lần bài học đó. Cặm cụi từ sang đến trưa, tôi cũng chỉ chép được gần hai chục lượt thì tay đã mỏi, mắt đã díp vào, đom đóm đã chập chờn bay quanh đầu, thì thày đến vỗ vai bảo đi rửa mặt rồi vào ăn cơm cùng gia đình.

Tôi lúng túng cứ loanh quanh mãi không biết phải làm thế nào thì thày dịu dàng bảo:

- Thôi thày tha lỗi cho, lần sau nhớ phải học thuộc bài, con xuống rửa mặt cho tỉnh táo rồi vào ăn cơm, còn về nhà để cha mẹ khỏi mong!

Tôi cứ nhớ mãi cái cảm xúc lúc đó, thày thật giống như một người cha hơn. Nghiêm khắc nhưng cũng thật bao dung, gần gũi.

Được làm học trò thày mà không thành người tử tế thì thật là có tội!

Hà Nội, 2020.

tháng 10 06, 2020

Ngựa


 

Thơ ngây


 

Chậu Mai


 

Cô con gái của người thợ sửa ống nước


Khi người ta gom cả đám đánh nhau vào đồn Công an chợ Giời(1) để giải quyết, thì cũng phải có đến bốn, năm người. Người nào cũng tỏ vẻ hằm hằm, hung hãn.

Anh Công an trực ban sau khi ổn định trật tự thì giở quyển sổ ra để ghi biên bản. Lúc bấy giờ người ta mới chú ý đến những người bị bắt. Ba anh thanh niên tóc tai dựng ngược nhuộm đủ màu xanh, đỏ, có người còn cạo trọc lốc, mặt và cổ họ săm đầy những hình thù kỳ quái. Một người đàn ông trung niên, có vẻ là thợ cơ khí, tay chân nhọ nhem, mồm hơi méo cặp mắt sợ sệt luôn cụp xuống, bị đánh vỡ đầu, tay ôm chặt lấy vết thương vẫn còn rỉ máu, chỉ được bịt sơ sài bằng miếng vải nhỏ màu hoàng yến loang lổ. Cuối cùng là một cô gái đang lớn, cỡ mười lăm, mười sáu bị lột trần như nhộng, hai bàn tay xòe ra cố che đi bộ ngực còn trinh nguyên mà vẫn không sao kín được. Nước mắt tràn mi đang lăn dài trên má, miệng méo xẹo đi mà không sao khóc được!

Anh Thiếu úy trực ban còn trẻ măng, cảm thấy vô cùng bứt rứt, nhưng cố làm ra bộ trịnh trọng, dõng dạc nói:

- Áo xống cô đâu mà vào đồn ăn mặc thế kia, cứ nồng nỗng như chỗ không người, không thấy xấu hổ à?

- Dạ…dạ…

- Dạ, dạ cái gì?...

- Dạ,…các anh ấy không cho mặc ạ!!!

- Ai không cho cô mặc áo?

- Dạ, là các anh ấy ạ!...

- Bây giờ vào đây rồi, cô hãy mặc áo vào, không sợ gì cả!

- Nhưng các anh ấy lấy mất áo rồi ạ!

Anh Công an xẵng giọng hỏi mấy thanh niên:

- Các anh, ai lấy áo của cô này?

- Dạ, không ai cả!

- Sao lại không ai lấy mà cô ấy lại mất áo?

- Đúng đấy ạ, không ai lấy đâu ạ!

- Thế thì sao bỗng dưng cô ta lại mất áo mặc?

- Cô ta tự cởi áo ra chứ không ai lột áo cô ta đâu ạ!

- Có đúng thế không? Anh Công an quay sang hỏi cô gái.

- Vâng, đúng ạ!

- Sao tự nhiên cô lại tự cởi áo ra ở giữa chợ?

- Các anh ấy bảo thế!

- Cô có bị “thần kinh” không mà ở giữa chợ người ta bảo cởi áo ra là cởi áo, thế cô không biết ngượng à?

- Xấu hổ lắm ạ, nhưng em thương bố em hơn, nên…!

- Nói rõ xem thế nào, tôi chả hiểu gì cả?

- Bố em bị các anh ấy đánh vỡ đầu mà vẫn chưa tha, đến khi thấy em ra can, thì các anh ấy bảo nếu cởi áo ra thì các anh ấy không đánh nữa,…

Anh Công an quay lại hỏi mấy thanh niên:

- Tại sao các anh đánh người thành thương giữa chợ?

- Anh ta mặc cả mua đồ sửa ống nước thành giá rồi lại “đánh tháo” không mua nữa!

- Các anh có biết như thế là phạm pháp không?

- Có ạ, nhưng làm ăn buôn bán đang ế “chảy thây” ra, lại gặp tay “ám quẻ”, nên có nhỡ nóng đánh vài cái cho bõ tức thôi ạ!

- Thế còn vụ bắt cô gái cởi áo giữa chợ thì là thế nào?

- Cũng chỉ là “đùa nghịch cho vui” thôi ạ!

- Nếu vợ, con các anh cũng bị người ta bắt cởi quần áo trước đám đông thì các anh có “thấy vui” không?

- Không ạ!

- Các anh có biết tội hạ nhục người khác bị phạt thế nào không?

- Không ạ!

- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.(22 thg 4, 2020)

- Anh cho chúng em xin lỗi ạ!

- Sao các anh lại xin lỗi tôi, mà là phải xin lỗi cô gái này!

- Em cho bọn anh xin lỗi! Mấy thanh niên quay sang nói với cô gái.

- Tôi không cần các anh xin lỗi, mà tôi cần cái áo…

- Thế các anh có biết đánh người thành thương thì bị xử lý thế nào không?

- Không ạ!

- Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc hây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng các mức phạt khác nhau(2)...Anh Thiếu úy trực ban nói tiếp:

- Còn cô này hãy mặc tạm cái áo của tôi đã…Anh Thiếu úy trực ban cởi cái áo đang mặc ra khoác lên vai cô gái.

- Đồng chí không sợ làm thế là vi phạm quy định của ngành ư. Người đang xử lý công vụ tại công sở, mà lại cởi trần? Đúng lúc ấy Đại úy trưởng đồn bước vào hỏi.

- Thưa thủ trưởng tôi xin chịu kỷ luật, nhưng không thể “chịu được” khi thấy một cô gái bị “lột trần” trước đám đông người như thế này ạ!

- Nói thế! Chứ tôi đồng ý với cách xử lý của đồng chí trực ban!

Ông Đại úy già cười hiền hậu. Rồi ông nói tiếp với đám thanh niên kia:

- Bây giờ các anh phải lập tức đưa người bị các anh đánh vào bệnh viện để chữa trị, đồng thời thực hiện đúng những cam kết trong biên bản do Thiếu úy trực ban lập. Hay các anh để chúng tôi áp dụng luật đã ban hành để thi hành đúng như quy định? Hở?

- Tất nhiên là bọn cháu sẽ làm đúng như lời bác chỉ dạy rồi ạ!

Hà Nội, 2020.

(1): Chợ Giời:  Chợ Giời, hay chợ Trời, là tên gọi dân dã của chợ Hoà Bình, Hà Nội. Đây là nơi buôn bán đủ loại hàng, từ cái nhỏ nhất như cái đinh, cục pin đồng hồ đến cái lớn như xe máy, hàng điện tử, điện lạnh.

Địa chỉ: 33 Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

(2): Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc hây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng các mức phạt khác nhau. Theo quy định của pháp luật, về cơ bản, thì hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 134 nếu mức độ thương tích từ 11% đến 30%. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi gây thương tích mà có một trong các các điều kiện được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì dù mức độ thương tích dưới 11% vẫn có thể bị khởi tố hình sự.

Như vậy, trong trường hợp này nếu các anh và ông kia có những dấu hiệu kể trên thì rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134. Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Sở dĩ các anh cũng phạm vào tội này vì trong trường hợp này các anh có tư cách là đồng phạm. Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.

Khi xác định được đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này. Việc áp dụng hình phạt sẽ do cơ quan tố tụng xem xét, quyết định. Bên cạnh việc có thể phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật thì họ còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại tức là người phụ nữa bị đánh kia do sức khỏe bị xâm phạm. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Nếu chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, thì các anh sẽ bị xử lý hành chính.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình thì: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.


tháng 9 05, 2020

Hoa Xương rồng


 

Cháu nội


 

Tâm tư


 

Tâm linh

      Về hưu rỗi rãi, tôi sang ông bạn hàng xóm, tán gẫu và uống với nhau ấm trà. Chẳng còn chuyện gì là không đem ra “tâm sự”, từ chuyện gia đình, người thân rồi đến hàng xóm, láng giềng, cuối cùng đến cả chuyện chó mèo, gà lợn.   

Ông hơn tôi ba tuổi, luôn tỏ ra là người lớn, chững chạc hơn, thường nhường không cố chấp với “thằng em bất trị”! Tôi ngầm biết vậy và cũng hơi “chờn chợn về cái sự nhường nhịn” ấy, nên dù có “ngang cành bứa” cũng luôn kịp “phanh lại”!

Ấm chè đã nhạt lắm rồi, mà vẫn nấn ná chưa về, mãi sau tôi mới hỏi:

- Ông có tin vào tâm linh, số kiếp không?

Ông hàng xóm cười hiền lành:

- Không, tôi không tin!

- Vậy người ta có linh hồn không?

- Tôi cũng không tin!

- Thế chả lẽ chết là hết à? Tôi cố gặng.

- Chết mà chưa hết! Thế nếu còn, thì còn cái gì?

- Linh hồn! Nếu không còn linh hồn thì hằng năm vào ngày giỗ ông bà, cha mẹ, ta cúng bái ai, cúng bái làm gì? Tôi hỏi vẻ chưa chịu.

Ông thủng thẳng:

- Chuyện cúng bái theo tôi là đạo lý. Con, cháu phải nhớ đến người đã sinh thành ra mình. Phương Đông lấy chuyện cúng giỗ để tưởng niệm đến ông bà, cha mẹ và lấy cúng giỗ để thể hiện sự biết ơn ấy. Qua nhiều năm tháng nó được pha trộn thêm vào những chuyện có màu sắc tâm linh, làm cho người ta thêm tôn kính các đấng sinh thành hơn.

- Nói vậy, tôi thấy chưa xuôi lắm!

- Ngoài châu Á (mà nguồn gốc là từ Trung Quốc), thì ở các nơi khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, mà ngay ở Việt Nam, thì đạo Tin lành, đạo Gia tô cũng không cúng giỗ. Lúc ấy linh hồn cha mẹ, ông bà họ đói khát, cầu bơ, cầu bất cả à?

Mà mình cúng giỗ, nhiều lắm cũng chỉ cúng đến ông bà, thế còn các cụ, các kỵ sinh ra ông bà thì mấy ai nhớ được mà cúng giỗ?

Nếu chết chưa phải là hết, mà vẫn tồn tại, ừ cứ cho chỉ là linh hồn thôi, thì từ tít tắp xa xưa tới nay, hằng hà sa số những linh hồn ấy trú ngụ ở đâu, những linh hồn ấy đang làm gì, sẽ làm gì để tồn tại? Ai còn nhớ đến họ, ai là người còn cúng giỗ họ nữa?

- Ừ nhỉ! Thế còn số kiếp? Tôi hỏi tiếp.

- Hình như có một danh nhân nào đã nói: …Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo thành số phận! Đã là số phận thì thì làm sao mà thay đổi được! Đã không thay đổi được thì cựa quậy làm gì cho trầy vảy! Ông có nghe ông bà ta thường bảo: chạy trời không khỏi số à?!

Bây giờ tôi xin kể ông nghe vài mẩu chuyện người thật, việc thật mới xảy ra với tôi:

1-

Cách đây tám năm 24 năm (1996) bà chị thứ ba của tôi mất, các con bà ấy đưa vong mẹ lên chùa TM Hà Nội.

Tôi nói với các cháu:

- Theo quan niệm người xưa, khi không có con cái, mới đưa vong lên chùa để ăn mày cửa Phật, chứ mẹ các cháu có đến bốn đứa con thì sao lại phải đưa vong lên chùa? 

- Chúng cháu thấy người ta nói đưa vong lên chùa là chắc nhất, con cái giỗ bố mẹ thì giỗ, phải khi con cái nó vì cái gì đó không cúng bái, giỗ chạp gì nữa thì vong vẫn còn có chỗ đi về, dù chỉ là ăn mày nơi cửa Phật vẫn còn hơn không cậu ạ!

- Theo cậu, đưa vong của cha mẹ lên chùa là mở ra một con đường để con cái ăn ở bất nhân, bất nghĩa, không còn cần phải nhớ đến cha mẹ nữa, cái ấy mới là cái quan trọng!

Nhưng mọi trật tự bây giờ đều đảo lộn, nên con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy! Thôi cũng đành theo sự sắp xếp của các cháu vậy!

Hôm ấy có cả bà chị thứ Hai tôi từ Hải Phòng lên. Cúng đến trưa thì cả nhà tôi phải chứng kiến cảnh một cô sư thày cỡ năm chục tuổi, to cao lừng lững, phóng ào cái mô-tô phân khối lớn vào sân chùa. Vừa bước xuống xe, hỏi dăm câu, rồi túm lấy tát thật lực mấy cháu tiểu nữ, chắc là các cháu đã quên chưa làm việc gì cô ta dặn lúc trước!

Mấy cháu nhỏ, mới chỉ mười một, mười hai tuổi ôm cái má sưng vù, nước mắt chẩy ròng ròng mà không dám khóc, không dám kêu! Tôi nóng gáy định xông ra, nhưng bà chị tôi cản lại. Bà là người sùng đạo mà khi về nhà vẫn không sao hiểu được sự việc ấy!

Bà nói như để tự an ủi:

- Có lẽ, chỉ ở trên Hà Nội này mới có cảnh hành hạ trẻ nhỏ trong chùa như vậy!

- Không phải đâu bác à, ở đâu chả thế, chỉ là ta có nhìn thấy hay không thôi! Bác hỏi thằng cháu của bác đây này, nó kể bác nghe về chuyện cái xe của nó!

2- 

- Cách đây hơn năm, cháu bị một thằng sư thày ở chùa…, gần chùa Trấn Quốc lừa định cướp cái xe mô-tô GL của cháu. Nó gạ đổi cái xe cháu đứng tên chính chủ để lấy cái xe Dream cũ không có giấy tờ của một tay nào đó đánh bạc thua gán nợ cho nó.  

Nó đã rủ cháu vào phòng riêng của nó ở trong chùa cho ăn nghỉ, ở đó có sa-lông, có giượng đệm, có điều hòa, có bia rượu và cả gái nữa.

Khi biết bị lừa, cháu đòi mãi không được. Sau phải mất tiền cho Bọn Xã hội, mới lấy lại được xe về đấy bác ạ! 

- Thế kia à?

- Đúng đấy ạ!

3-

- Bác thấy không, bây giờ xã hội đã thay đổi nhiều rồi, như cái chùa HM cạnh nhà em hôm nọ bác lên chơi, có ra lễ Phật và đã gặp Ni cô trụ trì đàm đạo.

Trong chùa này vừa có một bà sư thày. Bà này rất đặc biệt, không có nhà nào quanh chùa là không chửi nhau, cãi lộn, thậm chí còn cậy vào mấy anh Công an địa phường để đe dọa, bắt nạt dân. Con Ỉn nhà em đã đặt tên cho bà ta là “mụ sư Ác Bá”!

Ở lâu, hỏi ra mới biết trước đây bà ta từng là một người đàn bà đã có gia đình, có tới bốn đứa con ở trong HĐ, bị chồng bắt quả tang đang ngoại tình. Họ hàng đã nghi ngờ từ lâu, bắt đi thử ADN thì mới tóe loe ra mỗi đứa con sở hữu một cội nguồn riêng biệt. Thật là một loại trốn chúa, lộn chồng điển hình. Mọi người trong họ phẫn nộ, đè xuống cạo đầu bôi vôi rồi đuổi ra khỏi làng.

Tiện có cái đầu trọc, mụ ta lần mò mẫm tới chùa này, rồi rêu rao lên là có duyên với cửa Phật, xin vào trú ngụ trong chùa, chả biết làm thế nào mà bà ta lại được nhà chùa thu nhận. Rồi cũng chả biết tu hành kiểu gì mà mới được vài năm đã thành một vị sư thày đáng kính, được cai quản mọi việc thu, chi trong chùa.

Nghe nói, bà ta vừa gửi tiền về cho thằng con lớn trong quê xây nhà, lấy vợ!  

Bà ta mua bất kỳ cái gì ở chợ đi xe ôm về đến cổng chùa là đã có mấy người chạy vội đến đỡ xuống xe. Đi tới đâu cũng có người đứng lại, chắp tay, lầm rầm vái lạy.

Không ai cấm tự do tín ngưỡng, nhưng một mụ đàn bà, như mụ này có đáng cho mọi người thành kính đến vậy không?   

***

Chúng tôi lại tiếp tục nói về đề tài Tâm linh.

Ông hàng xóm nói với tôi:

- Mà ông ạ từ xưa ông cha ta cũng có tin vào mấy trò lạy lục cúng bái đâu?

- Tôi tưởng các cụ xưa mới sùng tín chứ!

- Ông có nhớ đến Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đạị vương Trần Quốc Tuấn(1) vị anh hùng có công lao và sự nghiệp vô cùng to lớn, một người yêu nước chân chính, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân lên trên hết, một vị thánh cả đời sống trong gian khổ, nhưng lại cực kỳ khiêm nhường. Ông đã một lòng vì đất nước mà công lao và đức độ chưa có người nào từ xưa tới nay có thể so sánh được, thế mà khi sắp mất, ông đã dặn con cháu rằng: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau phục". Như thế có nghĩa là cụ không tin vào tâm linh, vào kiếp sau. Cụ được nhân dân cả nước, đâu đâu cũng nhắc nhớ. Thế mới là thánh, thế mới là sống mãi trong lòng nhân dân, cần gì phải đền đài, miếu mạo, hương khói cúng giàng!

Nếu cúng bái mà được thần phật phù hộ, tích được nhiều phúc đức thì bọn nhà giàu và bọn thày cúng, lễ lạt suốt ngày để đâu cho hết phúc, hết lộc! Còn người nghèo lo ăn từng bữa, không có gì để cúng bái, thì dễ hẳn không được thần phật đoái hoài đến ư?

 

Tú Xương sống trước ta hơn trăm năm đã không hề tin vào thần phật. Ông đã từng viết :

*** Khi chống ngoại xâm, thì thần phật đi đâu chẳng hiển linh?

Tụng kinh cứu khổ ba trăm quyển 
          Ý hẳn còn quên một phép phù?

*** Cảnh tụng niệm của sư sãi như một trò hề:

Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe,

Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha!

Tu lâu có lẽ lên sư cụ,

Ngất ngưởng tòa sen, nọ đó mà,…

*** Khi thi trượt gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, ông đã thốt lên:

Lúc túng toan lên bán cả Trời,

Thế mà Xuân Diệu một nhà thơ nổi tiếng, khi nói về Tú Xương, đã mặc định:

Ông Nghè, ông Cống(2) vô mây khói,

Đứng lại văn chương một Tú tài(3)!

Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, năm 1907 lúc đã 72 tuổi cũng cố lọm khọm chống gậy đến tiễn nhà thơ Tú Xương mất mới 37 tuổi bằng câu đối viếng để đời:

Kìa ai chin suối xương không nát, 

Ắt hẳn nghìn thu, tiếng vẫn còn!

***

Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng được rất nhiều người sùng tín, cúng lạy suốt ngày, thế mà dưới lăng kính của bà cũng chỉ là mấy cảnh đáng đem ra bỡn cợt, chỉ đáng coi như trò đùa của bọn phàm phu tục tử!

Đúng là “mục hạ vô nhân”!

 

Chùa Hương

Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm, 
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. 
Người quen cõi Phật chen chân xọc, 
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm. 
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót, 
Con thuyền vô trạo cúi lom khom. 
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại, 
Rõ khéo trời già đến dở dom.

 

Chùa Quán Sứ

Quán sứ sao mà cảnh vắng teo, 
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo? 
Chày kình tiểu để suông không đấm, 
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo. 
Sáng banh không kẻ khua tang mít, 
Trưa trật nào người móc kẽ rêu. 
Cha kiếp đường tu sao lắt léo, 
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.

 

Chùa Xưa

Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?

Nhưng cũng chính bà, chính ngòi bút thần diệu ấy đã để lại cho chúng ta cả một kho tàng văn học vô giá!

***

Ông thử nghĩ xem nếu có sự linh thiêng của thần phật, thì khi bị coi thường như thế, các vị thần phật đâu dễ để yên cho các danh nhân ấy tồn tại, còn đâu mạng sống mà sáng tác những tác phẩm bất hủ nữa?

Nghe ông bạn thuật lại vài chuyện mắt thấy tai nghe và cả những sự đánh giá lịch sử về các danh nhân, tôi thở phảo:

- Nếu có tâm linh thì làm sao lại có chuyện xảy ra như vậy, ông nhỉ?

- Nếu có thần phật và có sự linh ứng thật thì kẻ gây ra tội ác phải gặp ác giả, ác báo chứ làm sao mọi việc làm sai trái, ác độc lại phải trông cậy vào pháp luật để trừng trị? Bọn buôn ma túy, giết người, tội rất nặng, có thể bị tử hình, thế mà chúng có sợ đâu! Rõ ràng những kẻ gây tội ác không sợ bị báo ứng, tức là chúng không tin là có thần phật, không có tâm linh nào cả?!

- Đúng thế! Nếu có thần phật thật thì bọn lợi dụng vào lòng tin của mọi người để kiếm ăn và để bôi nhọ thần thánh sẽ bị quật ựa mì hai tôm(4) ra ấy chứ, ông nhỉ?!

- Ông thử nghĩ xem người nghèo thì khổ đã đành, muốn ăn no cũng không có, nhưng cứ nghĩ ngược lại mà xem bọn giàu sụ thì ăn hết bao nhiêu, bữa có ăn hết cân thịt, đấu gạo không? Ông lão ăn mày nghèo thì gầy gò, vua quan thì béo tốt. Nhưng khi chết thì ông vua béo với lão ăn mày gầy cũng chỉ là những món ăn khác nhau trên cùng một bàn tiệc của loài ròi bọ!(5)

Tôi nghĩ là nếu còn thì hãy sống cho nó đúng với đạo lý của người lương thiện(6).

Cái phòng ở cũng chỉ hơn chục mét vuông là đủ, cái giường để nằm ngủ cũng chỉ đến một vài mét vuông là rộng rãi!

Cốt sao được thoải mái như các cụ thường nghĩ về người lương thiện:

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch,

Người quân tử(7), ăn chẳng cầu no.

Đêm năm canh an giấc ngáy o o!

Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ!?

Có phải thế không ông?

Tôi ra về, vừa đi vừa nghĩ thầm: “Thì ra người hơn tuổi cũng có khôn hơn thật”!

 “”

Hà Nội, 2020.

 

(1)  Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn: (1232? - 1300) là danh tướng thời nhà Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông.

(2) Ông Nghè, ông Cống: Người đỗ tiến sĩ, hương cống thời phong kiến.

(3)  Tú tài: Người đỗ đạt thứ bậc thấp nhất thời Phong kiến.

(4)  Câu này là câu cửa miệng của một ông bạn già làm nghề khâu giày.

(5)  Câu trong kịch… của William Shakespeare.

(6)  Lương thiện: người ngay thẳng, không gian dối.

(7)  Quân tử: người có nhân cách cao thượng, đức độ.