tháng 8 21, 2015

Nắng và hoa


Đường nắng


Ven đường - Ecopark Văn Giang Hưng Yên


Những mẩu trao đổi trên Email (2)

07:07 ngày 13/08/2015  ngdlan.ln@gmail.com

Bác Khánh tôi gửi cho bác một mẩu trích trong bài viết của Phùng Quán.

Người dựng kỳ đài Ngày Độc lập 2/9

Ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) từng bị thực dân Pháp bắt từ 1930, tham gia Mặt Trận Dân chủ Đông Dương (1937-1939), Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), phong trào Văn Hóa Cứu Quốc (1943-1946), Ủy Ban Giải phóng Dân Tộc tại Tân Trào 1945. Ông là người tổ chức ngày lễ 2-9-1945, xây dựng khán đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội.
Trích đoạn bài của Phùng Quán (1932-1995):
Tôi là người viết văn nhưng lại đặc biệt say mê nghệ thuật kiến trúc...[Ở nhà tôi, ngoài hình ảnh những] Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, Đền Ăngco, Chùa Vàng Miến Điện, Cố cung, Tháp Eiffel, Khải hoàn môn... tôi có chừng vài chục tấm hình cắt ra từ các báo như Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Hà Nội Mới... chụp cảnh Lễ đài Độc lập với tổng thể Vườn hoa Ba Đình trong ngày Mồng hai tháng năm Một nghìn chín trăm bốn lăm.
Mỗi lần ngắm nhìn cái công trình kiến trúc mỏng manh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ đồng hồ – nếu chậm lại một giờ là hỏng – rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ...
Ai có thể tái tạo công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập cùng với tổng thể kỳ vĩ đó? Không một ai! Kể cả thánh thần... Theo ngu ý của tôi, lễ đài Độc lập là cái cột mốc giữa đêm dài một trăm năm nô lệ và bình minh của Độc lập Tự do của cả dân tộc. Kể từ khi trên mặt cỏ nắng Ba Đình mọc lên cái cột mốc gỗ này, số phận của cả dân tộc thay đổi, và số phần nhỏ bé, hèn mọn của cả thằng tôi cũng thay đổi...
Vậy ai là tác giả cụ thể công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập?...Cách đây ba năm, tôi được một người bạn tặng tôi những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử mồng 2 tháng 9/1945 anh vừa tìm thấy trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và kho Lưu trữ Quốc gia. Trong số những bản sao chụp, có mấy tư liệu tôi đặc biệt chú ý:
“Thư của Bộ tuyên truyền có tiêu đề VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ đề ngày 31.8.1945 gửi Thị trưởng Hà Nội, về việc tổ chức Ngày Độc lập (Đây là bản chính được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130 mm x 210 mm, đóng dấu tròn với giòng chữ Ngày Độc lập và C.P.C.H D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên giòng chữ BAN TỔ CHỨC).
Nội dung thư:
Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Bộ tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2.9.1945 một “Ngày Độc lập”.
Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập. Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”.
Một thư khác của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền, đề ngày 31.8.1945. Hình thức và con dấu giống như trên. Nội dung thư:
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội
Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.
Kính thư, Nguyễn Hữu Đang”.
Một bức thư khác, hình thức, tiêu đề và con dấu giống hai bức thư trên, với nội dung:
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội
Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2.9.1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán hội Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.
Kính thư, Nguyễn Hữu Đang”.
Sau khi đọc kỹ những tư liệu trên, tôi suy luận: ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập, vậy chắc ông phải biết ai là tác giả của công trình kiến trúc Lễ đài. Cần phải tìm gặp ông để hỏi cho ra.
Anh Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được chuyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đầu không khiến mà chân cứ rụt về đúng thành tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm lính trinh sát mỗi lần được Chính uỷ Sư đoàn hỏi chuyện.
Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của Đất nước: 2-9-1945.

Gặp điều trắc trở?

Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “ Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. “– Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó? ”. “– Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu, thấy bản dịch đã in sai nhiều quá” .
Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi lo lắng hỏi nhau: “ Không biết anh Đang có gặp phải chuyện gì trắc trở dưới đó?”.
Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về quê thăm anh, mặc dầu đã gần giáp tết. Tôi nói khó với vợ: “ Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này, lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang...”. “– Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”.
“– Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá... đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mì nh...” . “– Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”.
“– Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “– Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”.
“– Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”. Vợ tôi đành trao cho tôi một nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhịn nhẫn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào việc không đâu! Tôi nhét vội mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.
Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp... sáng 26 tết, tôi có mặt ở thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở văn hoá và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai.
Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ. “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó... ”. Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen được với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “– Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó nổi tiếng, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, [chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc] số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đã đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ đứng bật dậy, nói khẽ với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc ông biết”.
Tôi vội níu tay anh lại dặn nhỏ: “– Cậu nhớ đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “– Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”. Anh bạn trẻ đi đến gặp ông ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi:
“Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ được bao nhiêu tuổi ạ? ”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “– Cảm ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi rồi đồng chí ạ”.
“– Trước cụ có làm công tác ở đâu không ạ?”. “– Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội... về hưu đã gần được chục năm rồi”.
“– Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “– Tôi có quen biết gì với ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác gíáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc gửi biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...”
Anh cán bộ cười: “ Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương... cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về tới đó cũng vất vả đấy...”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “– Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy [cách đây mấy năm, ông Đang này tự tiện đi] sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về... ”.
Tôi tỏ ý sợ hãi, gãi đầu gãi tai: “Chà... biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... đem tiền về trả lại thôi...”. Anh cán bộ xuê xoa:
“ Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu ở trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào ly rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...
Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường như cũng bớt xa... Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp I, II xã Vũ Công – nơi anh Đang tá túc – tôi vào cái quán bên đường uống li rượu cho ấm bụng.
Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà Nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu tràn li và nói: “– Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đấy, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tằn tiện khét tiếng cái xã Vũ Công này. Mới cách đây dăm hôm, ông ấy đèo sau xe cái giỏ tre ràng buộc rấ t kỹ. Ông ấy kể với tôi, tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phè phè, bò vào nhà. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên huyện bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá...”.
Tôi bật phì cười: “Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mini những mười cây số để đổỉ lấy mấy lạng mỡ lá... Vui thật! Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ, mới nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt lại hiện ra trong trí nhớ tôi: Cuộc đời vui quá không buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm li rượu nữa, giọng hào hiệp: “– Li này tôi đãi cụ!... Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ tam xà!”. Tôi cười ngất.

Tiếng lục lạc làm đỡ cô đơn

Anh Đang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi:
“– Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết... ”. Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra gần sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như hai vòng cùm sắt; chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng xuống hình chữ C viết nghiêng... Tôi chợt nhớ cách đây rất lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể.
Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn HữuĐang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như một công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất cứ một nhà tư sản Hà Nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh, là trao tận tay cho Cách mạng...
Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ không con, không cửa không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ – chẳng hiểu để làm gì – như người bõ già trong truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp Tất niên...
Miên man nghĩ vậy và tôi bật phì cười... “ Anh Đang!”, tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chóp mắt, răng vàng xỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng... “ Phùng Quán! Chú về đây từ lúc nào thế?”. Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ...
Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Động vào chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai.
Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh thiếu niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu – trâu gõ mõ, chó leo thang – anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém...Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ đơn độc.
Chính giữa gian chái kê cái chiếc tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như khoá cửa nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp áo quần cũ làm gối... Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Mặt bàn lát bằng nan tre.
Anh nói, giọng Lão Trang:
“Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn lại hai chân, nó thành một con người”. Trên mặt bàn xếp kín những chai lọ, vỏ đồ hộp, hai [...mất nửa dòng... ] vài con dao làm bằng mẩu [... mất một dòng...] thuyết minh viên giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng nghệ thuật: “Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ, sức nặng và độ bền của nó làm các loại chuột, mối, dán phải vị nể”.
Bây giờ thì tôi đã hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì. Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ... Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lượt bụi tro. Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói.
Anh giải thích: “Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang – anh cười – Chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng. Trong việc dở nào cũng có việc hay, và ngược lại”. “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn...”. “ – Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam xuất khẩu hẳn hoi, quà của Hội nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái... Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”.
Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khoá tủ tìm chai rượu. Tôi liếc mắt nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách... ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ bia lon, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi lục tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa. “Đây rồi! Bây giờ già hoá lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quý tộc Nga thời Sa hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quý cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quý”.
Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: “Anh chơi sưu tập thuốc lá à? Thế mà em [... mất một dòng...] vì phải dọn nhặt đem đốt”. Anh kêu lên: “– Thế có tiếc không! Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô ấy, có vỏ bao thuốc lá ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy...”, “– Hàng đối lưu?” , tôi ngạc nhiên hỏi. “– Để tôi dọn cơm cho ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học”.
Tôi ngắm nhìn bao quát căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi:
“– Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?”. “– Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôỉ, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó một thời gian. Nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với việc trông coi trạí. Mỗi mùa Hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai ba tạ thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết, Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà Nội biếu các chú... Khi tôi bắt tay vào việc dịch thuật lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, tiếng lợn kêu ầm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn”.
Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ dán: “– Đây là bàn ăn – anh giới thiệu, và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng – Còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt như thế này mà đem quẳng bụi tre... Tôi nhặt về cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồí thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”.
Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào mỗi đĩa, giới thiệu thực đơn: [“– Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái. Nhờ ăn] thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khoẻ, còn khoẻ hơn cả chú”.
Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn mất một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc. “Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường đổ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh tuý của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật là phí phạm”. “– Nhưng cóc nhái đâu mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?”, tôi hỏi. “– Ấy, chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá , nhất là các loại vỏ bao đẹp. Mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc, nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số (0) đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái. Các loại khác 2 cóc, 3 nhái. Bởi vậy tôi mới gọi nó là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng, tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao thuốc lá là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp. Hôm nào chú về tôi gửi bíếu cô, chú Cung (00) mỗi nhà mấy viên nếm thử!. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét! ”.
Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi: “– Chú đi đâu mà lặn lội về tận đây, vào lúc tết nhất sắp đến nơi? ”. “– Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà Nội, chúng em rất lo. Không biết anh đau ốm gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khoẻ mạnh, em rất mừng... Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi gì cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được...”. Tôi lấy đưa anh xem một số tư liệu liên quan đến ngày Đại lễ mồng 2 tháng 9 năm 1945, vừa sao chụp: [“ Em suy luận ra anh là Trưởng ] ban Tổ chức Ngày Độc lập như trong tư liệu hiện còn giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỷ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất... mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin” .

Ngày Lễ Độc lập

Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành... Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:
“Thấm thoát thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua... Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8... Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một... Năm đó tôi bước vào cái tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào... Hôm đó, tôi có việc cần giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ, chụp lấy tay tôi, nói: “– Anh vào ngay đi, Cụ Hồ đang ngồi đợi anh trong đó”.
Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ áo quần chàm, tay chóng lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “– Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một thoáng vớí cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha rất giống giọng Cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “– Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không? ”. Tôi tính rất nhanh trong đầu : tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn có 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong một phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi đó mình chỉ có hai bàn tay trắng.
Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là [quá khó, vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”]” Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.
“– Như chú biết đấy – giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông Cụ động viên, động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy, lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kỳ tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “– Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy, con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”.
Cụ Hồ đứng lên bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “– Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”. Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng ở đó. Cụ hỏi ngay: “– Chú còn cần gì nữa? ”. “– Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “– Quyền gì chú cứ nói đi!”. “– Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho việc tổ chức buổi lễ, về người cũng như về của...”. “– Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.
Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn – anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa, rồi kể tiếp – Nội dung như sau : ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng chữ tít thật lớn chạy hết trang báo [... mất một dòng...] ngoài chật kín Hội quán.
Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận:
“– Biết bao nhiêu anh hùng, liệt nữ góp xương máu cho nền độc lập, đâu có lấy giấy biên nhận”, họ nói vậy. Tôi mời m ọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc Lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt ở đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?
Một người trạc ngoài ba mươi tuổi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là hoạ sĩ Lê Văn Đệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến để ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay hoạ sĩ, nói: “– Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc Lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt được những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể... Nói ví dụ nếu không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần có một kiến trúc sư phối hợp với anh”.
Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (2), cùng hoạt động trong Hội văn hoá cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải rộng cuộn giấy can cầm sẵn trong tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát...
Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt vào bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh:
"Ban tổ chức quyết định giao công trình này cho hai anh [Các anh cần gì, chúng tôi] sẽ lo chạy đầy đủ. Hiện chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ (000), cần dùng bao nhiêu, các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng chín, tôi sẽ đến nghiệm thu lễ đài. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.
Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng Hai tháng Chín sắp tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
“– Ông Đang ơi! ông Đang!” , tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé trạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “– Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ bát đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “– Các cháu định đổi như thế nào?”. “– Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói và dáng bộ của anh đã chuyển hẳn sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi thì ông đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi!” .
Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm cái vỏ bao xem lại cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.
Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ...”.
Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỷ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây...
Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những sự việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo bản Tuyên ngôn Độc lập cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu... Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản Tuyên ngôn, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng... như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo làng Lịch sử, không có bản thảo Tuyên ngôn Độc lập... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổỉ đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”...
Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp:
“ Chú có biết điều lo lắng nhất hiện nay của tôi là gì không?” không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “ Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thầy cô giáo, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết. Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”
Tôi theo anh ra đứng lên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “ Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dày lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”.
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là vì bị cảm... Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:
                                              ... Mặt ra giông chớp
 Rạc mái phong lưu
 Gót nhọc men về thung cũ
 Quỳ dưới chân quê 
Trăm sự cúi đầu
 Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn!
                                                               Tháng 12.1992
                                                               Phùng Quán

09:17 ngày 13/08/2015  tqkhanh1940@gmail.com

Bác Lân thân mến,
Cảm ơn bác đã gửi cho tôi một bài viết của Phùng Quán. Một bài viết rất hay. Đọc xong chợt nhớ đến một chuyện thời Xuân Thu Chiến quốc (trong Đông Chu Liệt Quốc).
Đó là chuyện phục quốc của Việt vương Câu Tiễn và cách ứng xử của ông ta với các công thần.
Sau khi phò tá Việt vương Câu Tiễn (520-465 TCN) đánh bại nước Ngô và giết chết Ngô Phù Sai khôi phục được nước Việt sau ba năm bị Ngô vương đánh chiếm và biến họ thành nô dịch. Hai công thần lớn nhất lúc bấy giờ là Phạm Lãi và Văn Chủng (công lớn át cả vua).
Sau khi hai ông được ban thưởng hậu hĩnh và yến tiệc linh đình, Phạm Lãi nói với Văn Chủng:
- Tôi sẽ xin cáo quan về ở ẩn!
- Sao lại thế? Ông cứ cả nghĩ! Ông với tôi công trùm thiên hạ. Ông đã sang bên Ngô, chịu xuống sống ở chuồng ngựa quét phân. Chính ông đã bày ra kế cho Việt vương nếm cứt Ngô Phù Sai để cứu vua Việt. Ông lại phải cắn răng đem cả người yêu là Tây Thi hiến cho vua Ngô dùng làm kế ly gián. Còn tôi ở lại đất nước chăm chỉ luyện quân, trồng lúa. Bây giờ vua Việt đã lấy lại được giang sơn. Công ấy chính là do ông với tôi tạo dựng. Lúc này là lúc chúng ta cùng vua hưởng vinh hoa, phú quí. Hà cớ gì bây giờ ông phải cáo quan về nghỉ? Văn Chủng không nhất trí căn vặn lại Phạm Lãi.
Phạm Lãi tâm sự rằng:
- Ông hãy nhìn kỹ xem, vua ta mặt choắt, trán dô, mắt khỉ, tai chồn(1). Với hạng người ấy chỉ có thể “cộng khổ”, chứ không “đồng cam” được. Vì thế tôi quyết giã từ mà ra đi, không thể luyến tiếc!
Sau đó Phạm Lãi treo ấn từ quan. Lén đem theo Tây Thi, bơi thuyền trốn vào Hồ Động Đình, rồi sau đó đi đâu mất không ai hay biết nữa.
Văn Chủng ở lại, một lòng thờ vua, giúp nước, nhưng vì công lao quá lớn nên bị bọn nịnh thần sàm báng. Trong lòng buồn bực, không vui. Một hôm vì mệt mỏi cáo ốm không vào chầu.
Sau buổi chầu đó vua tới thăm ông, lúc về Việt vương cố tình “để quên” thanh gươm vẫn đeo bên mình lại trên kỷ.(2)  Văn Chủng hiểu rằng vua đã “ban cái chết” cho mình.
Ông ta bèn ngửa cổ mà than rằng:
- Ta đã quá ngu dại, không nghe lời Phạm Lãi mà giờ đành phải chết ở đây! Đáng lắm thay, ngu lắm thay! Nói xong liền cắt cổ tự vẫn.
Bài học đó chẳng bao giờ cũ cả. Người hiểu biết thì chiêm nghiệm mà hay. Kẻ ngu tối có “cố đấm ăn xôi” thì sẽ phải ôm nhiều điều ấm ức trong lòng.
Có biết bao người công lao hơn Nguyễn Hữu Đang rất nhiều mà còn bị "quên" chứ Đang mới chỉ có chút công lao đã lấy gì làm nhiều mà hậm hực, buồn phiền cho khổ?! 

(1) Có sách chép rằng: Phạm Lãi nói với Văn Chủng: “Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng lúc lo hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?”
(2) Có sách chép rằng: Sau buổi chầu Văn Chủng ốm không đến được. Câu Tiễn cầm theo kiếm đến gặp Văn Chủng và nói:
"Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương (ở dưới suối vàng) xem sao".
Câu Tiễn ra về. Văn Chủng biết ý vua Việt muốn sát hại (giết) mình nên đã dùng gươm tự sát. Còn một thuyết là ông bị Câu Tiễn giết chết. 

Hoa hồng xanh


Hoa xương rồng trong vườn nhà


Cúc nhỏ trong vườn nhà


tháng 8 20, 2015

Người thừa phúc

Tôi có ông bạn là Phạm Dư Phước, cùng học phổ thông với nhau cách đây sáu mươi năm. Chiết tự(1) mà nói là ông Thừa Phúc họ Phạm. Giờ thì ông đã về với tổ tiên, mong linh hồn ông được siêu thoát.
Chả biết các cụ khi sinh ra ông có xem tướng số, hay cúng bái ở đâu để ông được hưởng phúc, mà suốt đời ông luôn không chỉ được hưởng phúc, mà là phúc lộc tràn đầy!
Các cụ sinh ra ông có sản nghiệp nhất nhì ở Hải Phòng, nên khi nhỏ ông được sống trong nhung lụa. Tính tình ông lại hòa nhã, nhẹ nhàng, không nổi nóng, to tiếng, đặc biệt không làm ai phật ý bao giờ.
Học xong Phổ thông Trung học ở Hải Phòng ông thi vào Sư Phạm Hà Nội. Lúc bấy giờ ở Hải Phòng chưa có trường Đại học. Ai đã qua Trung học mà muốn học nữa đều phải lên Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học ông được cử lên Lạng Sơn để dạy học.
Ít lâu sau ông làm quen với một cô nhà báo địa phương và thành hôn cùng nàng. Đẻ một loạt bốn mụn con gái. Lương giáo viên không cao, nhưng cơ bản là ông vẫn giữ cái “nề nếp gia phong” khi còn ở với bố mẹ: sáng cà-phê, tối rượu thuốc, không bao giờ bỏ qua, không bao giờ sơ suất. Vì thế ông không đỡ đần cho vợ được đồng kẽm nhỏ nào.
Lương nhà báo, chứ có phải lương nhà buôn đâu mà kham được cái cảnh một người làm, năm, sáu người ăn. Vì thế nổ ra bất đồng, xảy ra lủng củng là tất nhiên, là không thể dẹp yên đi được! 
Cuối cùng họ đành chia tay nhau. Anh một đàng, ả một nẻo. Từ chỗ “đầu gối tay ấp”, cô “nhà báo kiêm chủ quán phở bò” ngon nổi tiếng Lạng Sơn thề đến chết không thèm nhìn mặt anh chồng cũ “chán ngắt” này nữa!
Ông bạn tôi quay về Hà Nội, chứ không về Hải Phòng nữa, vì các cụ thân sinh ở Hải Phòng đã mất cả rồi. Trước khi ra đi các cụ vẫn nhớ đến ông con trai yêu quí của mình và để lại cho ông một khối tài sản kếch xù. Ông trở thành người giàu có nhất trong tất cả những người mà tôi từng quen biết.
Nhưng dù giàu có đến đâu, mà không làm việc để có thu nhập đều đều dù nhỏ thì cũng không mấy mà trắng tay. Các cụ chẳng đã nói: “miệng ăn, núi lở” đấy thôi. Mấy năm sau tiền trong “két”(2) đã cạn, ông đành vay xổi ít tiền, nhờ người quen chạy chọt xin cho đi dạy học lại.
Dăm năm sau do tính cách của ông, do cách ứng xử rất nhẹ nhàng, tế nhị và sự hiểu biết nhiều mặt của ông, bà vợ ông Giám đốc Sở Giáo dục mê ông như điếu đổ. Bà tình nguyện “biếu không” cho ông một cậu con trai và thề thốt sẽ “theo” ông suốt đời.
Sự việc bị vỡ lở, ông buộc phải về “mất sức”. Bà vợ ông Giám đốc Sở Giáo dục bấy giờ cũng đành nuôi con một mình, chứ còn biết tính sao? Dù còn rất yêu nhau, họ cũng không thể về ở với nhau được. Một bà “mệnh phụ phu nhân” thất thế bị hất ra vỉa hè cùng với một ông giáo “mất sức” lương không đủ chi dùng hằng ngày, thì khó có thể ghép thành một tổ ấm hạnh phúc được!
Để tồn tại, ông bạn tôi mở lớp dạy tiếng Pháp, dạy Đăng-sanh(3) và đi làm phụ cho một “ông lang băm rất nổi tiếng” ở Bờ Hồ, ông lang này quảng cáo “rùm beng” là có thể chữa lành tất cả các bệnh trên đời. Vì thế ông ta cực kỳ đông khách, từ đó thu nhập của ông bạn tôi cũng khá. Thế rồi như gặp phải cái “dớp” cũ. Bà vợ ông lang kia cũng lại “lăn xả” vào ông bạn tôi. Cũng may bà ta chưa kịp “biếu” thêm cho ông đứa con nào thì đã bị phát hiện.
Chưa gây ra “hậu quả gì nghiêm trọng”, nhưng ông thì phải nghỉ việc là dĩ nhiên rồi. Đang phải “bóp bụng” bữa ăn, bữa nhịn để “chờ thời cơ”, thì ông tình cờ gặp được một cô gái cực kỳ tháo vát, học rất giỏi, biết một lúc ba, bốn ngoại ngữ nhưng phải cái tính tình lại táo tợn như một anh đàn ông thô thiển, bất kể gì cũng “văng tê, bạt mạng”, chưa biết kiêng nể một cái gì.
Vì quá “mảng chơi” nên cô đã sắp sửa bước sang “thì quá khứ”(4). Rồi khi chán nản cô đang có ý định “xuống tóc đi tu”.
Ông ngỏ lời và không ngờ cô gái kia “Uẩy me-xừ”(5) đánh “cốp” một cái.
Thế là ông lại có người “đầu gối, tay ấp” lần thứ tư.
Cô Tư của ông đã thử qua nhiều việc, từ dạy học đến buôn bán nhưng thấy chẳng đâu vào đâu cả. Cuối cùng cô ngồi nhà viết sớ. Đúng khi dân mình đã dần có bát ăn bát để, dân trí lại thấp, nạn mê tín quàng xiên tràn lan như một nạn dịch. Vì vậy cô kiếm từ nghề viết sớ này không chỉ đủ ăn, mà còn xây được cả nhà giữa Hà Nội nữa. Khi về sống với nhau, cô không bao giờ thèm “đếm xỉa” đến “mấy đồng lương bọ” của một giáo viên về mất sức như ông. Ông thì vẫn giữ “nếp nhà” “tối rượu Săm-banh(6), sáng sữa bò” đều đặn.
Cô vợ thứ tư của ông lại là em gái một ông bạn thân của tôi ở cơ quan. Thành ra chúng tôi cũng hay qua lại chơi bời với nhau. Một hôm đến thăm nhà mới của hai người, tôi được cô vợ khoe là vừa làm ngôi nhà bốn tầng này hết ngần này tiền, cô cho đón thằng con riêng của chồng về nuôi, và cho hẳn nó một tầng riêng.
Trong khi uống nước, nói chuyện, cô kể vui với tôi:
- Bác xem em phải thuê ba, bốn người viết sớ, mà em nhờ anh Phước giúp, anh ấy nhất định không làm!
- Sao thế? Tôi hỏi lại bạn cho có chuyện.
- Tôi đã có lương mất sức rồi, việc gì phải làm thêm nữa, cho mệt!
- Lương dù cao, ăn không hết, cũng nên cất nhắc chân tay giúp vợ con một tí chứ. Tôi nói đỡ vào.
- Có mà ăn không hết! Cô vợ bĩu môi nói. - Lương mất sức có một trăm bốn bảy nghìn. Tiền học thêm của thằng con đã là một trăm nghìn. Còn bốn bảy nghìn, một tháng hai cha con ăn làm sao hết được, bác nhỉ?!
- Không thèm chấp với đàn bà! Ông bạn tôi nói vừa đủ để chỉ có hai người nghe được, rồi lại cười nói vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra cả.
Cặp vợ chồng mới này có thêm một cô con gái rất xinh đẹp và thông minh. Cô bé sở hữu cái gen xinh xắn và nhỏ nhẹ của cha, cộng cái gen thông minh, tháo vát của mẹ.
Cô bé học rất giỏi và là niềm tự hào của cả gia tộc.
Thằng con giai duy nhất học giỏi tự nhiên, nhưng khi thi vào Đại học thì nó lại xin thi vào khoa Trung văn. Khi ra trường nó giúp Dì Tư làm sớ. Với kiến thức đã qua Đại học của nó, việc viết sớ được nó phát triển thành một dịch vụ phục vụ cho rất đông khách hàng cả Bắc, Trung, Nam.
Nó kiếm tiền cho bố mẹ và khi lấy vợ, nó đã mua được nhà riêng cho mình và chỉ ít lâu sau mua một ngôi nhà khác cho mẹ đẻ, một cách đàng hoàng.
Bỗng một hôm, bà Hai, bà vợ cũ của Giám đốc Sở Giáo dục, người đã “biếu không” cho ông một cậu con trai “miễn phí”, đến mách với Dì Tư là có một cô ế chồng, khá xinh xẻo, tuổi cỡ băm, gần chỗ bà ở, đang dính với ông Phước “như keo”. Nếu không có “biện pháp phòng bị”, lỡ có gì sơ sẩy, thì khó mà “lường được hậu họa”!   
Dì Tư rất bình tĩnh đến gặp cô gái nọ, ôn tồn hỏi:
- Em đã “phải lòng” anh Phước nhà chị rồi phải không?
- Chị đã “thẳng thắn” và “chơi đẹp”, em cũng xin “cởi ruột, cởi lòng” cùng chị! Vâng em yêu anh Phước với tất cả tình yêu em có trên đời này. Em quyết “theo” anh đến tận “chân trời, góc biển”. Không trở lực nào có thể chia rẽ được chúng em!
- Em yêu anh Phước nhà chị vì cái gì vậy?
- Em chính là học viên lớp “đăng-sanh” đầu tiên do anh Phước dạy cách đây đã mấy năm trước. Từ đó trong em chỉ có bóng hình anh, dáng bước nhịp uyển chuyển, cách ôm eo hờ hững mà thân thiết! Rồi điệu nhạc du dương đến mê hồn: điệu Van Ba-lat(7) Dòng Đa- nuýp xanh(8) của Johann Strauss II(9).     
- Nếu em đã quá “nặng tình và say đắm” anh Phước đến như thế, thì chị xin tình nguyện nhượng lại. Nhưng em hãy hứa với chị là phải chăm sóc anh cho thật chu đáo. Nếu để anh ấy khổ, thì chị sẽ tìm đến “hỏi chuyện” em đấy! Lúc ấy không sẽ dễ chịu chút nào đâu!
Sau buổi gặp gỡ ấy, cô gái trẻ quá “nể” “chất cao thượng và chịu chơi” của Dì Tư, nhưng cái chính có lẽ là cái số của ông chỉ có đến Bốn Bà, nên đành gút-bai(10) ông bạn tôi trong nuối tiếc. Vì thế ông đã “hạ cánh an toàn”, ông lại trở về với vợ con và vẫn nguyên là “kiểu mẫu” một người cha, người chồng rất mực đức độ, ngoan hiền! 
***
Năm rồi ông yếu hơn, bà vợ lo từ cốc sữa buổi sáng, đến bát phở buổi trưa. Cái khăn mặt lau mặt cũng vợ đưa đến tận tay. Ông cứ ngồi một chỗ, thành ra ít lâu sau đi lại rất khó khăn.
Chiều hôm nọ đến chơi, thấy ông ngồi xổm trên một cái phản gỗ tạp, kê ở một xó cửa nửa sáng, nửa tối, bao quanh nào là cốc, chén, phin pha cà phê. Thân hình gày guộc, đầu gối quá tai, lại chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi rộng, nên tôi “nhòm” thấy cả “bộ tam sự” còn khá “hoành tráng” cứ “thập thò” như cố tình chọc tức người đối diện!
Tôi hỏi đùa:
- Nhà cửa khang trang, giường chiếu sạch sẽ ông không nằm, sao lại ra đây ngồi trên tấm phản ở xó cửa như thằng nghiện vậy?
- Nói mãi mà có được đâu bác! Ông ấy giở chứng chết hay sao ấy, cứ nằng nặc đòi bằng được ra nằm ở đấy, nói là cho nó thoải mái! Bà vợ vội phân trần.
Tôi hỏi bạn:
- Thật thế sao?
Ông bạn tôi cười rồi nhỏ nhẹ nói:
- Suy nghĩ của “bậc trượng phu” thì làm sao những “kẻ phàm phu” hiểu được!?
- Thế ngồi ở đây thì “ngài trượng phu” thấy thế nào, có gì khác hơn khi nằm trên cái đệm sang trọng đằng kia không?
- Ngồi trên phản cứng, ở chỗ “tranh tối, tranh sáng”, ta sẽ nhìn mọi vật rõ ràng hơn, khách quan hơn!
- Quả thật là “tầm cỡ” của một bậc “vĩ nhân”! Tôi thốt lên kinh ngạc.
Ông vẫn vui vẻ kể chuyện trên trời, dưới bể, nói là dạo này đã yếu lắm rồi nên không đi thăm các bạn bè được nữa.
Tôi nói vui với ông:
- Tôi cũng biết một ít về y thuật. Chỉ quan sát qua cũng biết bệnh của ông!
- Thế tôi bị bệnh gì? Hôm kia bà vợ tôi đã đưa tôi đi khám tổng thể ở Khoa Lão Viện Y học Trung ương. Các Giáo sư đầu ngành cũng đã hội chẩn và có kết luận rằng tôi bị lão hóa tổng thể chỉ được tĩnh dưỡng, tránh suy nghĩ  và vận động!?
- Tôi thì không nghĩ vậy!
- Thế theo ông thì tôi bị bệnh gì? Có chữa trị được không?
- Ông mắc chứng “lười bẩm sinh”. Làm sao mỗi ngày ông không đi lại nửa tiếng vào buổi sáng được chứ? Đi lại máu huyết mới lưu thông, ăn mới ngon, ngủ mới sâu! Ông cứ thử nghe tôi độ nửa tháng là sẽ thấy sức khỏe tốt hơn hẳn.
- Ông chỉ được cái “tào lao”. Giáo sư bảo là hạn chế vận động. Ông thì lại bảo là phải vận động?! Nghe ông có “đổ thóc giống” ra mà ăn à?!
- Mấy “me-xừ”(11) giáo sư này chỉ chữa cho người bệnh bình thường được thôi, còn ông là một “con bệnh đặc biệt”! Rất đặc biệt, ông có biết không?
- Sao ông lại nói về bệnh tật của tôi y như ông làm trong ngành y tế lâu năm thế!
- Tôi không giỏi chữa bệnh, mà tôi giỏi chữa tật!
- Tật gì?
- Tật lười biếng và ỷ lại.
Tôi giả sử thôi, bây giờ không có vợ nuôi. Lại có người ra điều kiện cho ông, hằng ngày ông phải đi từ đây đến Bờ Hồ, mới cho ông ăn, thì ông có làm được không?
- Chết thì chịu vậy, chứ đi từ nhà ra chợ ngay cạnh đây còn khó khăn, thì làm sao đi đến tận Bờ Hồ được!?
- Thế sao cách đây ít lâu ông vẫn hằng ngày đạp xe lên làm cho ông lang băm Cứu Thế tận Bờ Hồ?
- À, đấy là chuyện đã qua.
- Ông không nhớ câu: “đói đầu gối phải bò” à? Bây giờ ông không bị đói đấy thôi!
- Cũng có thể?
Ông cứ sống như thế dăm năm nữa, với sự nâng giấc, hầu hạ của vợ , dù hằng ngày phải nghe vợ nói như chì chiết. Ông không hề nao núng và chẳng bao giờ “vùng lên đấu tranh” cả.
Thế rồi ông “ra đi”, ở tuổi bảy mươi tám với sự thương xót của những người thân, của bốn bà vợ và sáu đứa con.
Bốn cô con gái lớn đã trưởng thành và cực kỳ thành đạt, từ Lạng Sơn về Hà Nội, nói với Dì Tư:
- Dì cho phép chúng con đứng ra lo toàn bộ tang lễ cho cha.
Cả bốn bà lúc khách đến viếng đều khóc ngất và đều nói “những lời có cánh” về ông chồng thân yêu của họ:
- Nhà em sống hiền lành, hết lòng yêu thương vợ con, chưa bao giờ biết nói dối và chưa bao giờ biết “cãi lại” vợ!
Tôi ngước nhìn lên bàn thờ, qua làn khói hương nghi ngút thấy ông như mỉm cười ghi nhận!
Bạn bè ông và cả tôi đều nghĩ rằng trên đời này chẳng ai sung sướng và hạnh phúc bằng ông. Có ai đươc cả bốn người phụ nữ thương yêu hết mực, được cả sáu đứa con hiếu kính như vậy không?
Ông đúng là ông Thừa Phúc!    

Hà Nội, 2015.

(1)    Chiết tự: Phân tích chữ Hán ra từng yếu tố.
(2)    Két: Tủ, hòm bằng sắt từ chữ Caisse (tiếng Pháp): hòm, thùng
(3)    Đăng-sanh: Dancing: Tiệm nhày đầm (tiếng Pháp)
(4)    Thì quá khứ: Động từ của các nước như Anh, Pháp đều chia. Trong đó thì quá khứ là thì đã qua
(5)    Uẩy me-xừ: Oui monsieur (tiếng Pháp): Vâng, đồng ý, vâng thưa ông
(6)    Rượu Săm-banh: Bouteille de Champagne (tiếng Pháp)
(7)    Van ba-lát: Valse Ballade (tiếng Pháp) Điệu nhảy trữ tình
(8)    Dòng sông xanh: The Blue Danube: Dòng Đa-nuýp xanh của Johann Strauss II
(9)    Johann Strauss II: nhạc sĩ thiên tài người Áo. (10/1825 - 06/1899)
(10)  Gút-bai: (tiếng Anh); Good by: Tạm biệt, từ biệt
(11)  Me-xừ: Monsieur (tiếng Pháp): Ông, ngài

Cháu đích tôn


Chân dung - 2014


Công nhân đẩy xe than - 1958


Quán tắm xông hơi ở Mai Pha

Tôi làm Tư vấn Giám sát Mười cầu trên tuyến Quốc lộ 1A một thời gian khá lâu, nên cũng thông thuộc nhiều điểm Dịch vụ tại địa bàn làm việc.
Một lần anh em dắt đi tắm xông hơi. Có nhiều kiểu tắm xông hơi trên cái đất Lạng Sơn này lắm. Xông hơi rồi mát-xa(1), tắm xông hơi rồi…
Lần này có cậu bạn trẻ thân và cũng biết “gu”(2) của tôi nên đã đưa tôi vào cửa  hàng tắm xông hơi do Tỉnh Ủy mở. Mà cũng lạ để làm dịch vụ kiếm tiền, đến ngay Tỉnh ủy cũng mở cửa hàng mat-xa. Cũng may trong khi mat-xa không thấy các bí thư, hoặc phó bí thư đến giảng hay đọc các nghị quyết!
Cô bé xoa bóp cho tôi đã lớn tuổi cỡ phải hăm bảy, hăm tám, ngăm ngăm đen không đẹp nhưng nói chuyện có duyên ra phết.
Trong khi làm các thao tác của mat-xa rất thuần thục cô ta khoe cô ta tên là Thảo, đã học xong Phổ thông Trung học, nhưng vì nhà nghèo nên cô bỏ không thi Tốt nghiệp nữa. Sợ đỗ mà không có tiền học tiếp thì xót lắm. Cô cũng đã được Tiệm cho đi học một khóa về mat-xa, nên giờ mới thạo như vậy.
Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế cháu đã có gia đình chưa?
- Em còn trẻ mà. Ở làng bao nhiêu đám đến dạm. Nhưng em chưa ưng. Với lại em có người yêu rồi, em đã thề là sẽ chung thủy với anh ấy. Mà anh à, ở đây không ai là cháu, là con, anh có hiểu không?
- Người yêu công tác ở Tỉnh ủy à?
- Không đời nào!
- Sao thế, lấy một Tỉnh ủy viên chẳng bằng chán vạn người thường à!
- Ai bảo anh thế? Lấy về để suốt ngày nghe “giáo huấn” mình, suốt ngày nghe nó nói về chỉ thị, nghị quyết à?
- Nhưng đã “nghiêm chỉnh” hơn bao nhiêu người khác, không mấy khi vướng vào các thói hư tật xấu, như rượu chè, cờ bạc, trai gái. Lương cao lại được mọi người nể trọng.
- Anh nghĩ thật thế à?
- Thật đứt đuôi đi ấy chứ!
- Anh là đảng viên chưa, sao tuyên truyền cho đảng hay như thế!?
- Chưa, anh chưa được vào đảng.
- Tóc đã bạc cả rồi, mà vẫn chưa được vào đảng, là sao!?
- Phấn đấu mãi mà vẫn chưa đạt yêu cầu!
- Thành phần xấu, thuộc loại phản động, hay do địch cài lại?   
- Ngược lại! Bố là đảng viên năm ba mươi, anh ruột là liệt sỹ Điện Biên Phủ, bản thân lao động từ năm mười bảy tuổi, từng là bí thư Liên chi đoàn trên một nghìn đoàn viên. Bản thân có hai huân chương kháng chiến! Như thế liệu có làm phản động được không?
- Nếu thế thì thuộc “loại bất trị” rồi!
- Có thể coi là như thế! Là loại mất dạy. Không ai “xỏ mũi” được!
- Thế thì sao anh lại lên Lạng làm cán bộ lãnh đạo?
- Anh lên Lạng để làm về kỹ thuật Cầu Đường. Mà sao em biết anh là lãnh đạo?
- Làm gì chả biết! Cứ nhìn cách mọi người tôn trọng anh là em biết ngay!
- Anh chỉ chuyên về nghiệp vụ Cầu Đường, còn các cái khác anh mù tịt!
- Tại sao ở Biên giới này lại không cử một đảng viên giỏi nghiệp vụ chỉ huy?
- Bởi đã là đảng viên rồi thì phải luôn chăm lo tu dưỡng tư tưởng, ít thời gian để rèn luyện về nghiệp vụ. Vì thế nghiệp vụ không thể chuyên bằng những người ngoài đảng. Em không nghe có câu: “Xay thóc thì khỏi bế em à”?
- Nhưng em thì lại không thích những người như thế! Chỉ giỏi múa môi!
- Thế em thích loại người nào?
- Loại người như anh!
- Chớ, chớ, “dính với” loại người ấy, em sẽ khổ suốt đời.
- Thà phải khổ còn hơn lấy loại người chỉ biết vâng dạ, chỉ biết làm vừa lòng người khác để kiếm miếng ăn. “Miệng thì nam mô, nhưng bụng một bồ dao găm”!
- Nhưng loại người này dễ sống hơn. Bởi họ dễ thích nghi với hoàn cảnh.
- Toàn một lũ ươn hèn. Dùng lưỡi để bò, để sống!
- Cũng có người tốt, cũng nhiều người có nhân cách chứ!
- Loại có nhân cách như anh nói, em chưa gặp. Có gặp, cũng không làm quen được. Làm quen rồi cũng không thể “gắn bó” được!
- Sao thế?
- “Bầu dục, đâu đến bàn thứ tám. Cám đâu đến mõm lợn sề”? Đời nào họ lại chọn một người như em để gần gũi?!
- Em thì sao?
- Một con bé ít học, nhà nghèo thì dựa vào đâu để họ tiến thân!?
Thấy cứ “cò cưa” kiểu này, không “lành” tý nào. Nhỡ như bị người của Tỉnh ủy cài vào tạo bẫy thì nguy hiểm, tôi bèn lảng sang chuyện khác.
- Thế em nói em đã có người yêu rồi. Anh ấy ở đâu?
- Anh ấy đã có vợ và hai con, mới ly dị xong.
- Nhiều tuổi chưa?
- Bốn mươi.
- Làm việc ở đâu?
- Hà Nội.
- Ở cơ quan nào, khi nào về, tiện anh có thể đến chơi.
- Tự do.
- Cái gì, cái gì tự do.
- Nghề tự do.   
- Cụ thể là nghề gì?
- Xe ôm.
Thấy tôi không nói gì, cô gái hỏi thêm:
- Anh có coi thường những người như thế không?
- Sao lại coi thường!? Xe ôm cũng là một nghề mà. Chỉ có điều đó là một nghề lao động nặng nhọc và vất vả.
Anh có biết ở Hà Nội nhiều người làm xe ôm mà nuôi được mấy đứa con học Đại học đấy! Anh cũng có một ông bạn làm nghề này.
- Thì ra anh cũng biết nhiều nhỉ. Hèn nào mà tóc đã bạc cả!
Làm xe ôm mà lương thiện thì còn đáng nể trọng hơn một kẻ “quyền cao chức trọng” mà “bất lương”, phải không anh nhỉ!?
Tôi không hiểu đó là một lời khen ngợi hay một câu giễu cợt!
***
Sau đó, tôi không gặp lại Thảo lần nào nữa, nhưng cứ suy nghĩ về cô gái ít học làm nghề dịch vụ không lấy gì làm “oách” cho lắm ở cái tỉnh sát biên này. Làm sao cô ta lại có cách suy nghĩ thiết thực và lành mạnh đến thế.
Một ý nữa cũng cùng lúc nổi lên trong tôi, sao Hà Nội lại thiêng liêng đến thế, đáng yêu đến thế! Bao nhiêu người chiêm ngưỡng và chết mê, chết mệt đến như thế!?

Hà Nội, 2015.

(1)   Mat-xa: Massage: Xoa bóp (từ tiếng Pháp)
(2)   Gu: Gout: Sở thích (từ tiếng Pháp)


Nhà nhiếp ảnh đại tài


Tuổi thơ


Bạn đồng nghiệp - Phạm Hiếu Dân


tháng 8 17, 2015

Hộp thuốc tồn lại của vợ ông Chủ nhiệm Khoa

Ông bạn già của tôi, đã trên bảy mươi mà còn nhanh nhẹn lắm. Thỉnh thoảng anh em đùa nhau, cứ thường ví ông “nhanh như kẻ cắp chợ Đồng Xuân”!
Một lần ông đi xe máy đến cơ quan, thế mới lạ, ông vẫn tham gia mấy công ty cổ phần và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới tài chứ, không may bị một cô thanh nữ chân dài “tông”(1) ngang vào xe rất mạnh. Hai xe đổ kềnh, cô gái thì nằm đè lên người ông, còn cái xe máy của ông cũng không chịu kém cạnh, lấy cái “bô”(2) nông giãy đè lên chân ông.
Trong khi cái cổ chân ông đang cháy xèo xèo ở bên dưới, ông chưa cảm thấy đau, thì cái mùi nước hoa đắt tiền từ cơ thể thanh nữ thoang thoảng bay ra lại làm ông ngây ngất.
Thành ra mãi sau khi những người đi đường gỡ hộ hai cái xe và đỡ ông dậy, thì ông bị bỏng ở cổ chân mất rồi.
Vì ông có tiền lại có chức vụ, người ta đưa ông vào Bệnh viện Bỏng thành phố. Sau gần hai chục ngày trị vết thương đã lành, song nhìn chưa được đẹp lắm! Thế là ông lên Hà Nội để vào trị thương ở Viện Bỏng Quốc gia. Ông được một nữ bác sỹ xinh đẹp và trẻ trung điều trị. Chẳng biết ông có bị cô ta bỏ bùa ngải gì không, mà vết thương đã hoàn hảo, nhưng lại ngứa như “có bọ”. Gãi ngày chưa đủ, phải tranh thủ gãi đêm.
Ông đành lên Hà Nội lần nữa. Lần này ông được ông Viện phó, kiêm Chủ nhiệm Khoa trực tiếp điều trị. Xong đâu đấy, trước lúc ra về ông được ông “lương y như từ mẫu” “để lại” cho một tuýp thuốc “đặc trị” của Pháp, giá đến hơn hai triệu đồng. Sau khi về nhà và bôi thứ thuốc “đặc biệt” này, thì vết thương không ngứa nữa, nhưng cứ tạo vẩy như vẩy cá, hết đợt này đến đợt khác trông rất kinh sợ. Bóc mãi mỏi tay, làm đủ mọi cách mà “lũ vẩy cá kia” không hề thuyên giảm.
Ông đành lên Viện Bỏng Quốc gia lần thứ ba, để các chuyên gia chẩn trị.
Sau khi được đưa ra hội đồng các Bác sỹ đầu ngành xem xét thật tỷ mỷ, kèm theo lời khai của bệnh nhân. Mọi người mới “té ngửa ra” cái tuýp thuốc mà ông Viện phó kiêm Chủ nhiệm Khoa “để lại” với giá cắt cổ là thứ thuốc mà bạn ông ta từ Pháp gửi về biếu dùng để bôi vào…. lúc “hành sự” có tác dụng tránh thai, mà bà vợ già của ông Viện phó giờ đã “quá đát”(3) không “cần” dùng đến nữa. Ông Viện phó kiêm Chủ nhiệm Khoa bèn nghĩ ra cách để lại cho ông bạn tôi, “cho khỏi phí của trời”!
Sau khi lau rửa sạch loại thuốc không thích hợp trên, chả cần chữa trị gì thêm, vết thương của ông bạn tôi không ngứa, không lên vẩy nữa.
Tính ra cái “bô” xe máy đã “hành hạ” ông đến hai tháng trời hết Viện này đến Viện khác và tốn kém gần hai chục triệu đồng, chứ chả ít.
Hại thật!  


Hà Nội, 2015.
(1)   Tông: đâm rất mạnh
(2)   Bô: Pot (tiếng Pháp) chậu, bình - ở đây là ống xả: tuyau d’échappement:.
(3)   Quá đát: Quá hạn sử dụng (Date: ngày tháng - tiếng Pháp)

Cầu Long Biên - Hà Nội


Cầu Long Biên - Hà Nội


Cầu Thê Húc