tháng 10 19, 2019

Tranh quạt


Bến đò dưới trăng


Hoàng Lan


Hè về


Cứ mỗi dịp hè về, trẻ con được nghỉ học, buổi tối Đài Truyền hình thường cho chiếu lại phim Tây Du Ký. Tôi lọ mọ sang cụ giáo già hàng xóm, hơn tôi đúng một giáp, mượn bộ truyện để xem và để kể lại cho mấy đứa chắt nhỏ chỉ thích vòi cụ vừa xoa lưng, vừa kể chuyện hơn là ngồi xem phim.
Đưa cho tôi tập truyện, cụ giáo hỏi:
- Ông đã đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân lần nào chưa?
- Thưa cụ, đọc thì đọc rồi, nhưng không nhớ được trọn vẹn!
- Ai nhớ được trọn vẹn bộ truyện dài cả một trăm hồi ấy?
- Nhưng ít ra cũng phải nhớ được cái cốt truyện của nó chứ, cụ nhỉ!?
- Nhớ cái cốt truyện để làm gì? Nhưng ta phải hiểu cái ẩn ý của tác giả Ngô Thừa Ân khi viết ra bộ tiểu thuyết toàn tưởng tượng nhưng lại rất thật này! Cụ giáo phẩy tay giảng giải.
- Tôi thì chỉ thấy nó hay và hấp dẫn thôi.
- Ông có thấy thày trò Đường Tăng chật vật, gian nan, đi mấy nghìn dặm đường đầy chông gai từ Đông Thổ Đại đường đến tận Tây Trúc xa xôi để thỉnh kinh. Họ đang khai phá một con đường đi tìm chân lý trong một xã hội còn lạc hậu, còn mông muội. Đó phải chăng cũng là công việc cực kỳ cần thiết cho mọi xã hội!
Ngoài những việc vất vả như phải vạch lối, tìm đường, còn phải hàng yêu, phục quái, chiến đấu chống lại với bao loài ác thú, yêu ma. Trải qua tám mươi mốt kiếp nạn mới lấy được kinh từ Tây Trúc về!
- Mà cũng lạ cụ nhỉ? Các ác thú, yêu ma đa số đều là các “đệ tử” của các vị Bồ Tát trên Thiên đình trốn xuống trần gian gây tai họa, giống hệt như cái cảnh trong xã hội bây giờ, bọn tội phạm đa phần là dây mơ, rễ má của các “trưởng Cái bang” cả!
- Có thế mà ông không hiểu à?
- Hiểu cái gì ạ? Tôi hỏi lại cụ giáo.
- Ông với tôi có tham nhũng được không, có đi bắt chẹt người khác được không?
- Tham nhũng thế đếch nào được mà đòi tham nhũng!? Tôi phùng má lên cãi.
- Muốn tham nhũng, muốn bắt chẹt người khác được thì phải có quyền hành!
- Mà muốn có quyền hành thì phải có chức vụ!
Cụ giáo gật gù:
- Ông đã hiểu dần ra rồi đấy! Mà muốn có “chức sắc” để sau này có cơ “tham nhũng” được, thì phải chạy chọt, luồn lọt, đút lót!
- Cụ ạ, cứ xem như tay tổ trưởng dân phố mình thôi, bề ngoài không khác gì với dân chúng, nhưng quyền lợi ẩn sau lại là rất nhiều thứ như vợ hắn được mở quán nước đầu làng, những xuất đi nước ngoài để tham quan, học tập, con em chúng đều dành hết, chứ đâu đến lượt con em dân đen bọn mình, cụ nhỉ! Tôi bổ sung.
- Chính xác! Nhưng ông có hiểu vì sao ta không dám vạch trần, không dám nói toẹt các tệ nạn xã hội dù nhỏ nhất ấy ra không?
- Ở cái thể chế hở một chút là tra xét, hở một chút là bắt bớ này, nói toẹt ra thì chỉ một lúc sau Công an sẽ “đến thăm” ngay. Tôi khẳng định.
- Thế à, đến thăm để làm gì vậy? Cụ giáo nheo mắt nhìn tôi hỏi đùa.
- Đầu tiên là đến nhà hỏi thăm sức khỏe gia chủ. Sau đó “người hay bới móc” có thể còn được các đồng chí Công an chăm sóc, rước ra xe đặc chủng đưa về nghỉ ngơi tại trạm “điều dưỡng” đặc biệt nào đó, mang tên từ số 1 đến số N...Tôi cũng đùa lại.
- Chả lẽ hệ thống chính trị của ta bây giờ không bằng cái hệ thống chính trị đời Đường(1) cách đây hai nghìn năm ư?! Cụ giáo trầm ngâm hỏi tôi.
- Cụ hỏi thế là có ý gì ạ?
- Hệ thống chính trị bây giờ hiện đại hơn hẳn hệ thống chính trị đời Đường cách đây hai nghìn năm chứ, cụ thể là bây giờ ta có ô-tô, máy bay và cả In-tơ-net… nữa! Thế thì tại sao tác giả Ngô Thừa Ân lại không bị “các đồng chí công sai” đến “thăm hỏi” chứ gì? Cái tài tình của cụ là ở đấy. Cụ đã “phù phép” cho một tác phẩm lớn như Tây Du ký thực chất là một thiên phóng sự điều tra, một tác phẩm hiện thực, phê phán trác tuyệt thành một câu chuyện nhuốm đầy màu sắc tâm linh, mịt mù khói hương tôn giáo.
Thời ấy mọi người chắc là mê tín hơn bây giờ. Nói đến Thần Phật là chỉ biết cúi đầu thuần phục, nên khi muốn bới ra các đống rác bẩn thỉu, thối tha trong xã hội đương thời, cụ đã khéo léo biến nó thành những câu chuyện thần thoại, yêu ma.
Ông thử nhớ lại mà xem, cứ đúng lúc bọn yêu ma vừa giết hại người vô tội, sắp bị “chính nghĩa” vạch trần, sắp bị “pháp luật” trừng trị, thì thường đột ngột xuất hiện một vị “Bồ tát đáng kính” nhận con quái thú kia là “đồ đệ yêu” của Ngài, đã từng có công phục vụ Ngài rất đắc lực?  
Ngô Thừa Ân đã vạch trần cái xã hội lạc hậu đến man rợ, đâu đâu cũng đầy bọn đầu trâu, mặt quỉ ăn xương, uống máu người không tanh. Nhưng tất cả bọn chúng lại được tin yêu, được đặc quyền trấn giữ khắp các nẻo đường “đi tìm chân lý”, mọi nẻo đường đi tìm lối thoát cho xã hội mà thày trò Đường Tam Tạng đang phải đi qua.
Một điều không thể xem nhẹ trong Tây Du ký là sự châm biếm, hài hước của tác giả Ngô Thừa Ân cũng vào loại bậc thày thiên hạ!
Hình ảnh mấy thày trò Đương tăng đi thỉnh kinh cũng cực kỳ nhố nhăng, nó đại diện cho xã hội thu nhỏ trong mọi thời đại. Ông sư phụ là ngọn cờ, đáng lẽ phải là người minh mẫn, giỏi giang, thế mà ở đây ông ta chỉ là một lão già lẩm cẩm, ba phải, không phân biệt nổi tốt xấu, đúng sai, đúng là “tam toạng thánh hiền”. Người có công, vất vả làm mọi việc như Tôn Ngộ Không luôn bị răn đe và xử phạt. Hình phạt cũng cực kỳ độc ác, đó là bài chú Kim Cô từ miệng ông sư phụ ngu dốt kia đọc làm cho cái vòng vàng xiết chặt vào óc của học trò, đau đớn không sao kể xiết. Trư Bát Giới đầy tật xấu như lười nhác, tham ăn, nhìn thấy gái là tít mắt lại, nhưng luôn được tin tưởng, ngợi khen. Ngô Thừa Ân đã làm ta nhìn rõ hơn, hiểu rõ hơn cái trật tự nhố nhăng, cách sắp xếp nhố nhăng trong các xã hội lạc hậu. Những thằng ngu thường leo lên cao để nắm đầu người khác đã trở thành quy luật mất rồi!
Tác phẩm tuyệt vời Tây Du ký của Ngô Thừa Ân không những không bị hệ thống chính trị Phong kiến lạc hậu cách đây mấy nghìn năm ngăn chặn, cấm đoán mà còn được truyền bá rộng rãi, được phổ cập trong mọi tầng lớp, như một thứ kinh sách, mà ai xem cũng đều thích thú ngợi ca.
Bằng tài tưởng tượng phi phàm và với con mắt quan sát tinh tế đặc biệt, tác giả còn vạch trần cho ta thấy ngay cả các bậc chí tôn, chí thánh trên Thiên đình cũng vẫn hiện nguyên hình là những tên đốn mạt, những tên “ăn bẩn” chẳng biết kiêng dè thối tha, bẩn tưởi!  
- Lại đến thế cơ ạ?
- Ông có nhớ hai ông Phật giữ kho kinh là Ác Nang, Ca Diếp gì đó, họ được lệnh của Phật tổ Như Lai mở kho để cấp kinh cho thày trò Đường Tam Tạng. Đầu tiên họ chỉ phát kinh không có chữ. Cuối cùng thày trò nhà sư phải “nôn” cái bát vàng hằng ngày để xin cơm bố thí ra, họ mới được phát kinh có chữ đấy thôi!
- À, tôi nhớ ra rồi! Đúng là dột từ nóc dột xuống, các cụ xưa nói cấm có sai!
Hà Nội, 2019.

(1) Nhà Đường: Kéo dài 289 năm, từ năm 618 khi vương triều thành lập, đến năm 907.

Dưới Tháp Nhà thờ Đá - Tam Đảo


Tượng Ngô Vương Quyền - Thị xã Sơn Tây


Hồng


Ông hàng xóm


Lê Huy làm cùng cơ quan với tôi mấy chục năm, hơn tôi một tuổi, người Nghệ, mới học Trung cấp nhưng cuối đời phấn đấu cũng lên đến Bí thư Đảng ủy cơ quan.
Về hưu tình cờ lại là hàng xóm, tuy không phải là tri kỷ nhưng cũng dễ chịu, nên thường hay qua lại chơi bời.   
Một lần Huy đến nhà, tôi đi vắng, ông buột miệng nói:
- Cũng may, Khải nhà bà không vào Đảng!
Vợ tôi có hỏi lại là vì sao ông cựu Bí thư lại nói như vậy? Nhưng ông không nói gì thêm nữa.
Về nghe vợ kể, tôi cũng chẳng biết nói thế nào!
Suy luận mãi vẫn chẳng thông được, bèn “chốt” bừa:
- Có lẽ những đắng cay, chìm nổi trong tám mươi năm cuộc đời đã làm ông ấy quá mỏi mệt, mới nảy ra cái ý nghĩ không được “Bôn(1) sệt” này chăng? 
Huy có hai con, một trai, một gái. Con gái lớn, gả chồng giàu, coi như yên vị. Anh con trai năm nay cũng đã năm mươi, cao to, từ bé được bố ôm ấp, “hà hơi”. Hơn chục năm đi du học hết Liên Xô đến Đức, đến Ba Lan,… mà chẳng lấy được mảnh bằng nào, cũng chẳng học được một nghề nào để kiếm cơm cả. Ngoài hai mươi đã lấy vợ, có con đủ cả trai lẫn gái. Đã lớn bằng sào, bằng gậy, học hành cũng giống bố chẳng đâu vào đâu.
Huy lo lắng, có lần tâm sự với tôi:
- Chẳng biết sau này thế nào, chứ cứ nghĩ là lại thấy lo, lo!
- Lo cái gì?
- Xã hội thay đổi từng ngày, khoa học, kỹ thuật tiến bộ đến chóng mặt, hôm nay đã khác hẳn hôm qua, mà con cháu mình học hành chẳng ra sao, thì rồi làm thế nào mà tồn tại được!?
- Lo cái cóc khô gì! Của cải ông dành dụm được có mà tiêu đến mấy đời chả hết! Với lại trời sinh voi, trời sinh cỏ, lo làm gì cho mệt! Chẳng ở tỉnh thì lại về quê!
- Nhưng tôi vẫn không hiểu sao, mình ăn ở hiền lành thế mà chẳng để đức được cho con! Chúng lớn lộc ngộc rồi mà suy nghĩ chỉ như mấy đứa trẻ mới đi mẫu giáo!
- Ông có bao giờ hỏi vì sao không?
- Hỏi ai cơ?
- Ông từ một vùng quê nghèo, chó ăn đá, gà ăn sỏi, bố mẹ là cố nông, chân đất, mắt toét, làm lấm lưỡi chẳng đủ ăn. Nhà nghèo, không dựa dẫm được nên ông phải tự thân vận động cố hết sức mới lấy được cái bằng Trung cấp, thế mà vào cơ quan cần cù phấn đấu lên đến Bí thư Đảng ủy, đứng đầu cơ quan. Có quyền hành, có chức tước, kinh tế bằng mấy người bình thường chúng tôi.
Nhưng đến đời ông, ông lại “làm thay” con cái từ A đến Z, cho đi hết nước này đến nước khác mà chẳng học được một nghề gì. Đã trên năm mươi tuổi vẫn còn phải dựa dẫm vào bố mẹ, giống như một đứa trẻ chỉ có phần xác. Đấy không phải là lỗi của ông thì của ai vào đây nữa?
- Thật như thế sao?
- Thế theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Có khi ông nói đúng rồi đấy!
- Nếu như lúc đang còn có cơ hội, ông cứ cố “rướn mạnh thêm nữa” cái “đà” của mình, từ một Bí thư Đảng ủy trở thành một Bí thư Thành ủy, rồi thành một Cụ lớn trong Trung ương, thì lúc ấy chả phải lo gì cả!
- Nhưng nếu thành một Cụ lớn rồi thì tất phải có ban, có bệ, có cả một ê-kíp phục vụ nữa, lúc ấy lấy gì để nuôi nhau?
- Ông lẩn thẩn thật rồi! Khi đã thành Cụ lớn, tức khắc có người hô, kẻ hét, thiếu gì người tự nguyện hầu hạ, phục vụ ông và cả ê-kíp của ông nữa, lo gì không có cái ăn, không có cái để tiêu xài! Lúc ấy ông đánh rắm cũng có khối đứa tranh nhau hít!
- Ừ, cũng có lý! Nhưng tất cả đã muộn mất rồi!
- Thôi chờ “lần sau” vậy!


Hà Nội, 2019.
(1): Bôn: Bôn-xê-vích (đa số: tiếng Nga) chỉ Cộng sản

tháng 9 29, 2019

Tượng


Hồng Bạch


Hà Nội - Hà Nội.


Lời nguyền


Ngày nào tôi cũng thấy một anh chàng to con nằm ngủ trên chiếc ghế đá trong vườn chùa. Trời tạnh ráo thì còn đỡ, nhưng có những hôm mưa lăn phăn vẫn thấy anh ta nằm ngủ vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Tôi cứ băn khoăn không biết gia đình anh ta ở đâu mà không thấy ai đến đón về, chứ cứ để vạ vật thế thì chả mấy mà ốm. Mấy năm trước tôi đã từng gặp anh ta trong bãi rác lớn đầu ô, quần áo lếch thếch, râu tóc bù xù.
Nghe đồn nhà anh ta ở mãi trên phố lớn, phố Phạm Đình Hồ song song với Hàng Chuối và là con trai độc nhất của một vị quan đầu tỉnh.
Ông này từ ngoài vùng Tự do về tiếp quản Thủ đô năm 1954-1955. Tuy là lãnh đạo tỉnh mà chưa đến bốn mươi. Ông ta nói thì con cua trong lỗ bò ra, lại còn rất phong độ nữa thì làm gì mà các mệnh phụ phu nhân trong thành không chết mê, chết mệt.
Sau khi thẩm định rất kỹ các vệ tinh ngày đêm bay lượn vo ve quanh mình. Cuối cùng thì một cô nàng thương gia giàu có nhất, trẻ trung nhất, còn rất ngọt nước đã lọt vào con mắt nửa xanh, nửa xám của ông ta. Bằng những lời hứa hẹn lấp lánh, béo bở của ông nhân tình đầy quyền lực, cô đã vét trọn những áp-phe(1) béo bở vô tiền, khoáng hậu(2).
Cô ta về nhà không ngại ngần “đá” ngay anh chồng cù lần đã ăn ở cùng cô hơn mười năm, đã có cùng cô một đứa con gái mười bốn tuổi xinh xắn, ngoan hiền. Anh chồng tội nghiệp kia quá bế tắc, đã lần đến một cái miếu hoang giữa cánh đồng, dùng một sợi dây thừng thật chắc để kết liễu cuộc đời hẩm hiu và bạc bẽo của mình.
Càng rảnh thân, từ đấy cô ung dung trở thành một mệnh phụ phu nhân không chính thức, luôn đứng áp sát ngay sau lưng ông quan đầu tỉnh. Tuy không được cùng vị quan lớn kia khoác tay trong các buổi giao tiếp long trọng toàn những ông bà tai to, mặt lớn nhưng vẫn đầy quyền uy mà mỗi mệnh lệnh của cô ban ra đều được thuộc cấp của ông thực thi cực kỳ nhanh chóng, hiệu quả.
Mục đích của cô đã thành hiện thực. Của cải và lộc lá cứ đổ vào nhà như nước vỡ đê. Cô giàu lên nhanh chóng và đang nhẩm tính cho con gái đi du học ở Mỹ hay một nước Châu Âu giàu có nào đó.
Nhưng ít lâu sau cô phát hiện mình có nhiều vết loét, ngứa ngáy quanh bộ phận sinh dục. Cô đi khám ở chỗ những thày thuốc Da Liễu đầu ngành trong nước. Họ kết luận là cô bị Giang mai thời kỳ thứ ba, thời kỳ không thể hồi phục. Tuy nhiên ở giai đoạn này, bệnh thường không lây nữa mà bắt đầu gây ra “cơn ác mộng” tồi tệ nhất cho người bệnh. Cô không an tâm, bay ra nước ngoài để kiểm tra lại, nhưng những xét nghiệm của Y tế các nước tiên tiến ấy lại có kết luận còn tồi tệ hơn thế nữa!
Họ kết luận giai đoạn này vô cùng nguy hiểm, xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập vào các cơ quan phủ tạng, gây giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, ,…
Cô đành chép miệng thở dài, rồi cay đắng kết luận: “Thì ra ở đời không ai cho không ai cái gì”!
Nhưng vì là con nhà buôn, nên cô rất thạo tính toán lỗ lãi, cô thấy trong vụ áp-phe này cô là người bị thua lỗ mà còn bị thua lỗ rất lớn nữa!
Gần đây bé Mỹ Linh có những biểu hiện thất thường, biếng ăn và hay hâm hấp sốt về chiều.
Khi đi khám sức khỏe để làm thủ tục cho chuyến xuất ngoại như mong đợi, thì cô mới biết thêm một tin sét đánh nữa Mỹ Linh đã bị Giang Mai thời kỳ đầu.
Cô ngất lịm đi, khi tỉnh táo lại cô đã dỗ dành con bé thì mới biết thằng nhân tình đốn mạt của cô đã ăn nằm với nó nhiều lần rồi.
Cô uất nghẹn nghĩ đến việc trả thù kẻ tán tận lương tâm(3) kia.
Cô căm hận nghĩ rằng tên đốn mạt này thật không bằng loài cầm thú.  
Nhưng làm gì để trả thù được nó, khi nó có quyền hành cao ngất, đang nắm vận mệnh hàng chục triệu người trong thành phố? Cô nảy ra ý định là sẽ dụ dỗ thằng con trai duy nhất của nó sa ngã, rồi đổ bệnh cho thằng này. Nhưng cứ nghĩ mình đã chung chạ với cha nó, giờ lại ăn nằm với nó, thì mình cũng lại là loài cầm thú có khác gì mấy thằng khốn nạn này đâu?
Trong cơn uất hận, cô uống rượu rất say và không còn thiết sống nữa. Rồi như có một thế lực vô hình nào đó dẫn dắt cô mò đến đúng cái miếu hoang giữa cánh đồng, nơi anh chồng cũ của cô mấy năm trước đã treo cổ lên bằng một sợi dây thừng.
Trước khi tròng sợi dây vào cổ để rồi đạp đổ cái ghế dưới chân, treo mình lủng lẳng trên cành cây trước miếu, cô đã thắp mấy ném hương cắm vào bát hương trên ban thờ, khóc lóc, khấn vái và lẩm nhẩm nguyền những lời nguyền gì đó rất lâu.
Không ai nghe thấy lời nguyền đó thế nào và cũng không biết nó có linh ứng hay không? Chỉ biết ít lâu sau đó thằng đàn ông đầy quyền lực và đốn mạt kia bị giang mai ăn mất cả môi, cả mũi, trơ hai cái hốc mũi ghê sợ và cả hai hàm răng khấp khểnh hoen ố, bẩn thỉu. Y như một xác chết đang thối rữa, vừa đội mồ đứng dậy.
Nghề chính của hắn là làm chính trị, là sống nhờ vào cái miệng lưỡi lọc lừa, nhưng cái hình thù ghê tởm như thế thì còn tiếp súc với ai được nữa, còn lừa bịp ai được nữa. Thế là hắn đành lui vào bống tối! Ma quỷ có chỗ dành riêng cho ma quỷ!
Rồi chẳng biết sao nữa thằng con trai còn lại duy nhất của hắn cũng bỗng trở nên ngơ ngẩn, đi không tìm được đường về, không nhận được bố mình là ai nữa.
Cũng đã mấy lần nó được người ta đưa vào trại Điều dưỡng Tâm thần, được cắt tóc gọn gàng, thay quần áo lành lặn, nhưng chỉ mấy hôm sau lại thấy nó vật vờ, vô định khắp nơi. Bạ đâu nằm đấy, kiếm được gì ăn cái đó, không phá phách, không gây gổ, nhưng bẩn thỉu, nhếch nhác đến tội nghiệp.
Đúng là đời có vay, có trả chẳng thể trốn đâu thoát được, chẳng ai có thể “ăn quịt” được với ông trời.


Hà Nội, 2019.
(1) Áp-phe: Vụ làm ăn (affaire: Tiếng Pháp).
(2) Vô tiền, khoáng hậu: Điều mà trước đây chưa có và sau này cũng không xảy ra.
(3) Tán tận lương tâm: không còn chút tình người.


tháng 9 07, 2019

Vợ chồng cháu ngoại


Đêm Đồ Sơn - Hải Phòng


Cát Bà - Hải Phòng 2016


Đĩa thịt quay

Còn nhớ, lúc tôi đang theo học Bách Khoa Hà Nội khoảng 1961-1962 thì phải, tôi ở nôi trú vì gia đình, bố mẹ và các chị đều ở Hải Phòng cả, nên mỗi dịp được nghỉ về nhà là ngay trên đường đi tôi đã nghĩ ngay đến bữa cơm thật ngon do mẹ nấu, trên đó thế nào cũng phải có đĩa thịt quay béo ngậy.
Lúc đó tôi đang vào tuổi sung sức nhất và cũng là lúc “bị đói khát” nhất.
Bọn sinh viên chúng tôi hay truyền miệng câu: “ăn như sư, ở như phạm” để nói về trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, hoặc “ăn sư phạm, ở bách khoa” để nói về cung cách ăn ở trong hai trường Đại Học Sư Phạm và Bách Khoa Hà Nội…
Nói thế chứ phạm nhân trong tù ăn ở “vất vả” hơn bọn tôi là cái chắc, họ làm sao dám so sánh với những cử nhân tương lai của Dân tộc anh hùng ta chứ!?  
Còn nhớ rất rõ những bữa cơm tập thể hằng ngày tiêu chuẩn mười tám đồng một tháng mà nhà bếp bắt nộp. Một mâm sáu người có một bát to bí đỏ nấu muối, chắc cũng có chút mỳ chính hay bột ngọt mà mỗi người múc được một muôi là hết, anh nào tham thì chan đầy, anh sau sẽ phải chan vơi. Một đĩa thịt hay đậu phụ dim mặn, mỗi anh chỉ có một miếng (gắp thêm là không được), một soong canh toàn quốc (canh toàn nước).
Có một chuyện không bao giờ phai mờ là trong mâm tôi có một bạn to khỏe cùng ở Hải Phòng với tôi lên học, anh ta đã thửa một cái bát sắt tráng men của quân đội, gọi là bát “B52”, to gần gấp rưỡi cái bát tráng men khác. Thường thì mỗi người chỉ được xới hai lần xới là hết cơm, ở với nhau bốn, năm năm làm gì chả nhớ. Bát đầu anh ta xới lưng lưng, chan canh húp đến soạt một phát là hết, đến bát thứ hai là bát cuối thì anh ta xới thật đầy, chan bí đỏ một muôi cũng thật đầy, đến nỗi nó chảy tràn ra mép bát. Anh ta dùng lưỡi liếm quanh bát cho sạch rồi và lấy, và để. Tuy ăn nhanh như thế, nhưng vẫn không bao giờ quên mất phần thịt của mình.
Bữa nào anh ta cũng ăn kiểu ấy nên phải nhiều gấp rưỡi bọn tôi. Lớp tôi học có gần nửa là học sinh Miền Nam tập kết. Họ được gọi là những kiêu binh, họ ham chơi và thích gây gổ đánh nhau hơn ham học. Đã mấy lần họ bẻ đũa ông bạn người Hải Phòng của tôi. Đến lúc tìm được đũa thì mâm cơm đã sạch như chùi. Nhưng chứng nào, tật nấy anh ta chẳng bỏ được cái nết tham ăn cố hữu ấy. Đến giờ đã già rồi, có thời gian nghĩ lại, thì mới hiểu rằng, nhỏ con như mình còn đói rã họng ra, thì to xác như anh ta tất phải đói hơn mình là cái chắc! Cũng chỉ là đấu tranh sinh tồn!
Các chị nhà bếp còn tận dụng “các thức ăn dư thừa” trong bếp để nuôi lợn cải thiện mức sống chút ít, nên cháy không đến lượt bọn tôi (vì theo lời phổ biến của các nhà Khoa học nào đó thì không nên ăn cháy, sẽ có hại cho dạ dày, mà sinh viên lại là của quý của Đất Nước, nên càng không được ăn cháy). Nhưng khi bụng còn đang rất muốn được ăn thêm, nhìn những miếng cháy chảo gang mỏng tang, ròn ngậy mà nhà bếp đã bỏ vào chảo nước gạo, dành phần cho lợn. Miếng cháy nào nhô lên trên mặt nước chưa bị ướt, là lập tức được chúng tôi khéo léo bẻ lại để chén thật ngon lành.
 Nhớ nhất là lần bị chị nhà bếp chửi tục vì bị mất bát con thịt để cho vào xuất cháo dành cho sinh viên ốm, mà đến giờ tôi vẫn không sao quên được.
Chả là thế này, hôm nào có sinh viên ốm, báo cháo. Xuất cháo chỉ được một muôi cháo trắng và được hai miếng thịt dim. Tất nhiên bát thịt dim này phải để riêng, khi lĩnh cháo mới được gắp vào bát cháo. Nói chung chỗ thịt dim này không mấy khi suy suyển. Nhưng một lần có một cậu xin thêm ít muối, chị nhà bếp quay vào chạn lấy muối thì vì thấy bát thịt để gần ngay đấy ngon quá, không kìm chế được. Thế là gắp một miếng đút tỏm vào mồm, cậu bên cạnh thấy thằng này ăn vụng được một miếng, cũng không nhịn được nhón một miếng nữa. Quay đi, quay lại bát thịt nhỏ hết sạch. Chị nhà bếp quay lại thấy thế la toáng lên và sỉ vả thậm tệ tất cả bọn tôi.
-   Bọn bay là sinh viên có học mà khốn nạn thế à, có phải thịt của chúng mày đâu mà chúng mày ăn? Bây giờ tao lấy đâu ra thịt để chia cho mấy đứa ốm???
Ăn cái thịt l… bà đây này!
Tuy không dám nhón vụng một miếng thịt nào, mà tôi cũng thấy uất nghẹn đến ứa nước mắt và vẫn nhớ như in nỗi tủi hổ ấy cho đến bây giờ. 
***
Dăm tháng mới về nhà một lần, lúc gặp mẹ, tôi thường vòi vĩnh:
- Mẹ ơi, mẹ mua cho con thịt quay nhé, mà phải mua thật nhiều vào ấy!
Mẹ nhìn tôi âu yếm, hỏi lại:
- Ừ, ăn hết bao nhiêu mà phải dặn?
- Mẹ ơi con thèm lắm, mẹ cứ mua hai cân ăn cho bõ thèm, mẹ nhá!
Khi chợ về, mẹ bầy lên mâm tôi chỉ thấy có một đĩa cỡ hai lạng thịt quay, tuy không nói nhưng tôi tỏ vẻ không hào hứng lắm.
Nhìn ánh mắt, mẹ hiểu ngay, chửi yêu:
- Tiên nhân nhà anh, chỉ được cái mắt to hơn người! Cứ ăn hết rồi tôi lại mua, chứ mua đẫy vào, để ôi ra ai ăn?
Quả thật lúc ấy dù rất thèm thuồng, dù rất háu ăn, nhưng tôi không sao ăn hết hai lạng thịt quay béo ngậy ngon nhất chợ!

Nhớ ánh mắt mẹ xót xa ngồi nhìn lúc tôi ăn ngốn ngấu những miếng thịt quay mẹ mua về, mà giờ đây dù đã trên tám chục tuổi đầu, dù mẹ đã đi xa hơn hai mươi năm, tôi vẫn thấy như mẹ đang ngồi nhìn tôi âu yếm! 
Ánh mắt ấy cả cuộc đời này tôi không còn tìm thấy bất kỳ ở đâu nữa!


Hà Nội, 2019.

Lay-ơn vàng


Chùa Một Cột - Hà Nội


Bình minh Đồ Sơn - Hải Phòng


Bức thư không gửi

Xem đi xem lại bức thư mấy lần, khi đã ưng ý, không còn muốn viết gì thêm, vả lại cũng đã mệt rồi, anh không thể gắng gượng thêm. Đưa phong thư lên miệng liếm vào mép phong bì dán bức thư lại cẩn thận, định nhờ thằng bé hàng xóm hay sang chơi đem bỏ hộ vào thùng thư đặt cạnh cửa hàng tạp hóa ngoài phố Chợ, nhưng sau đắn đo thế nào anh lại cất phong thư vào ngăn kéo.
***
Sau tang lễ anh, người ta dọn dẹp lại căn buồng rồi lục thấy một bức thư đã dán tem trong ngăn kéo có ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ người nhận. Theo thói quen người ta bỏ nó vào thùng thư ngoài phố.
Nhận được thư, cô cuống lên, nhưng vì thư không ghi tên và địa chỉ người gửi, chỉ có nét chữ quen thuộc và với cái giọng quen thuộc đã lôi cô về dĩ vãng. Chỉ có thể là anh ấy, chỉ là anh thì mới biết về cô và thời thơ ấu của cô rành rọt đến thế!
Cô muốn nhờ chồng tìm hộ địa chỉ người gửi thư, đã không ghi trên phong bì. Nhưng anh là Chủ tịch Huyện, bận trăm công nghìn việc, nên anh chỉ ậm ừ trả lời qua loa cho xong chuyện.
May mà có cậu thư ký trẻ nhiệt tình tìm hộ.
Anh ta suy nghĩ:
- “Có quái gì đâu mà khó nhỉ, ra bưu điện nơi gửi thư đi có đóng dấu trên phong bì, tra một phát là ra ngay tắp lự! Mà mả bố thằng Bưu điện nào dám ấm ớ với Thư ký Chủ tịch Huyện khi anh ta muốn tra xem lá thư này gửi từ đâu, gửi ngày nào?”
***
Bà hàng xóm cho biết, anh trở về làng từ mặt trận phía Tây, vào dịp cô đang tíu tít bận rộn chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng.
Anh là thương binh loại 1/4, loại nặng nhất (tức là chỉ còn 1/4sức lao động), có thừa tiêu chuẩn ở lại trại nuôi dưỡng thương binh, nhưng chẳng hiểu vì sao anh lại nằng nặc xin về địa phương với đồng trợ cấp ít ỏi.
Xóm giềng chẳng còn ai thân thích, lâu lắm anh không đi đâu xa, nên mọi việc anh đều phải cố làm lấy cả, chỉ có thằng bé con hàng xóm là hay qua lại la cà chỗ anh và thỉnh thoảng mua bán giúp anh vài thứ.
Thực ra giữa cô và anh ấy cũng chẳng có gì sâu nặng, gắn bó lắm, vì thế cũng chẳng có gì phải áy náy nhiều, nhưng không rõ vì đâu cô cứ thấy nó lấn cấn trong lòng một cái gì đó.
Trong thư chỉ nhắc đến một số kỷ niệm xa xưa của hai người từ thời còn thơ ấu ở cái làng quê nghèo khó và những câu chuyện mà chỉ có hai người mới biết, như lần hai đứa tát cá ở ven đìa, cô bị đỉa cắn vào đùi đã sợ hãi khóc tu tu, anh phải dỗ dành mãi mới nín.
Trong phong bì còn có cái nhẫn cỏ mà cô bện và đã tặng anh ngày lên đường ra mặt trận. Trong thư không thấy có một lời nhắc nhở nào, nhưng cô thì vẫn còn nhớ như in lời cô đã hứa là sẽ đợi anh, chờ anh mãi mãi.
Mặc dù cả hai người đều biết đấy chỉ là những lời xúc động khi chia tay nói ra, chứ trong cuộc đời này chẳng mấy ai giữ được!
Tuy anh không nhắc lại, nhưng chẳng rõ vì sao lời hứa cô nói lúc chia tay vẫn cứ hiện hữu trong lòng cô mãi không nguôi.
Cuối thư là lời chúc phúc của người bạn cũ đến cô.
Hà Nội, 2019.

tháng 7 25, 2019

Phong lan


Vườn chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Nón quai thao


Cành hoa trắng

Mới mờ mờ sáng Tư đã cướp được cái bánh bao ở hàng bà Định.
Vừa đi, vừa ăn, chưa bao giờ nó thấy móm ăn nào ngon như thế. Đến cửa đình làng thì ăn hết miếng cuối cùng. Dừng lại một lúc nó chợt nảy ra ý định quay lại cướp thêm cái nữa, nhưng khi nhìn thấy cái que to tướng dựng bên nồi bánh bao hấp nóng đang bốc hơi lên nghi ngút thì ý đồ định ăn cướp lần nữa bỗng vụt tan biến đi ngay.
Chậm chạp quay về nhà để ngủ vì cả đêm qua hắn lang thang vô định khắp các ngõ ngách nên đến giờ hai con mắt đã díp lại rồi. Đường đi trước mắt nó cứ chập chà, chập chờn không còn rõ nữa. Đến lối rẽ vào bãi rác đầu lô quen thuộc thì không còn đi vững được nữa, nó đổ kềnh lên mớ giẻ ai mới vứt  tối qua, ngay lối vào rồi ngủ say như chết.
Đến gần trưa mới thức giấc, hắn đã thấy một bát to cơm trên có miếng cá kho mẹ đã để ngay cạnh đầu mà mấy con chuột cống to bằng nửa con mèo đang tranh nhau ăn quá nửa. Xua lũ chuột đi, hắn thản nhiên xúc chỗ cơm còn lại ăn hết ngon lành rồi bước vào căn lều riêng của nó chỉ được cắm sơ sài bằng mấy cái que tre, trên phủ lên mấy manh chiếu và mấy mảnh áo mưa rách của người ta đã vứt đi để che mưa nắng.
Cách đây mười sáu năm, chẳng biết ai đã sinh ra nó, rồi mang vứt ở bãi cát ven sông. Một bà chè chai, đồng nát bới rác nhặt được mang về nuôi. Trộm vía được cái nó khỏe mạnh, mặt mũi cân đối, đẹp như tượng. Lớn lên đi học, bao giờ nó cũng đứng đầu lớp, nhưng lấy đâu ra để mà đi học mãi, khi mà chỉ có một mình mẹ phải kiếm tiền nuôi cả nhà, ba đứa con đẻ với một ông chồng mù, nay lại thêm nó nữa.
Cuối năm khi thi đỗ thủ khoa vào cấp 3 một trường chọn, thì đột ngột nó bỏ học đi làm phụ vữa. Mẹ và các anh ai cũng tiếc. Các anh thì không học được, nên muốn cho nó học thêm nữa. Nó cũng hiểu điều đó nhưng nó còn hiểu rằng thiếu kiến thức đã khổ, nhưng thiếu tình thương, thiếu nhân cách thì còn khổ hơn nhiều.
Mẹ nó tuổi đã cao, sức đã yếu, mà vẫn phải trằn lưng để cáng một gánh nặng quá sức thì quả thực là bất nhẫn.
Phải bỏ học đi làm phụ vữa tuy quá với sức vóc học trò của nó, nhưng khi đã có quyết tâm, khi đã có tình yêu với những người thân thiết thì nó thấy vẫn có thể vượt qua được.
Từ khi nó đi làm thì gia đình cũng đỡ khó khăn hơn nhiều, mẹ và các anh cũng quý nó hơn, nể nó hơn.
Nhưng bỗng một hôm, người ta chạy vội về báo với mẹ, nó bị tai nạn lao động. Bị cả cái rầm gỗ to nặng rơi trúng đầu. Vào bệnh viện, người ta cứu được mạng nó, nhưng không cứu được bộ óc vốn rất thông minh của nó.
Nó vẫn cứ lớn lên theo năm tháng nhưng trí khôn thì không phục hồi được nữa. Nó vẫn sống, vẫn đi làm, nhưng đôi lúc lẩn thẩn một chút, làm những việc không chủ động một chút.   
Ít lâu sau, bệnh của nó ngày càng nặng thêm, nó bỏ đi lang thang, nhiều hôm không về nhà, ăn uống cũng vậy, bữa đực, bữa cái, vớ được cái gì, ăn cái đó, có nhiều hôm không kiếm được gì thì đành ôm đầu nằm ngủ ở xó xỉnh nào đó. Chẳng biết làm thế nào khác đi được.
Mới đầu khi bỏ đi dăm bữa, mẹ còn sai các anh đi tìm, sau mãi thành quen, không ai còn thời gian đi tìm nữa, muốn đi thì đi, muốn về thì về.
Lại cũng đã lớn rồi, chẳng ai ăn thịt mất đâu mà sợ.
Có hôm nhớ đường tìm về bãi rác, gặp được mẹ thì mẹ cho củ khoai, củ sắn hoặc bát cơm.
Hôm nào không gặp mẹ, nó loanh quanh một lúc rồi lại bỏ đi tha thẩn.
***
Một sáng người ta đến báo cho bà chè chai, đồng nát là thằng Tư bị chết đuối ngoài sông. Bà mẹ và các anh chạy ra đến nơi thì người ta đã vớt nó lên bờ rồi.
Nắm lấy tay đứa con bất hạnh nước mắt người mẹ chảy ròng ròng không dứt, mãi sau bà mới nghẹn ngào nói với nó được một câu:
- Tư ơi, mẹ đã nhặt được con về, đã nuôi con bằng chính dòng sữa trong bầu vú mẹ. Những mong sau này con lớn lên thành người, nhưng mẹ nghèo quá, không nuôi con được chu đáo. Khiến con đã phải bươn chải, vất vả từ khi còn thơ bé, giờ con lại phụ mẹ, bỏ mẹ ra đi. Con làm tan nát lòng mẹ rồi, Tư ơi!
Nấm mộ đơn sơ và nhỏ bé trong nghĩa trang đầu làng, người ta thấy hôm nào cũng có một cành hoa trắng của mẹ cắm trên.


Hà Nội, 2019.