tháng 3 18, 2015

Xuống nước

Tôi vừa tắm xong, về phòng mặc cái áo chuẩn bị đi ăn cơm. Mở cửa vào thì đã thấy ông Gị ngồi trong phòng tự lúc nào.
Ông Gị là Viện phó phụ trách Kỹ thuật Viện Thiết kế Bộ GTVT. Cơ quan cũ mà tôi đã công tác gần hai chục năm và là Đồng Chủ nhiệm đồ án Cầu Quả trên tuyến Xuân Mai Ba Vì.
Tuyến Xuân Mai Ba Vì dài trên ba mươi ki-lô-mét có mười lăm cầu nhỏ đến cầu trung nằm rải đều trên toàn tuyến. Toàn bộ các công trình cầu và đường đều được Cu Ba thiết kế từ những năm 1970 của thế kỷ trước.
Cu Ba là một đất nước nằm ở vùng Đảo Ca-ri-bê giữa biển Ca-ri-bê và Bắc Đại Tây dương, cách Key West, Florida của Mỹ 150 km về phía Tây. [Diện tích hơn: 110 km vuông có hơn mười một triệu dân chủ yếu là là người da màu (51%) và da đen có đến (11%)].
Cầu Quả được hai kỹ sư bà Elsa và ông Gị đồng chủ nhiệm thiết kế.
Đơn vị thi công là Đội Xây dựng Hồ Chí Minh của Cu Ba, còn Công trường 74 của Việt Nam là đơn vị giám sát.
Đội Xây dựng Hồ Chí Minh đóng trên một quả đồi ở ngay thị trấn Xuân Mai cạnh con sông Bùi. Còn Công trường 74  đóng quân ở quả đồi bên cạnh.
Do ở sát cạnh Mỹ nên văn hóa, giáo dục và mọi tập quán của Cu Ba rất Mỹ.
Bà kỹ sư Elsa còn trẻ, mới khoảng ba mươi, da trắng, cao to, cỡ phải chín chục ký. Bà thường vận áo thun, quần Jean bó sát người. Mỗi khi hứng trí lên bà thường bá cổ ông Chuẩn phó chỉ huy công tường và tôi mà đu lên. Ông phó chỉ huy còn to con chịu được, chứ tôi lần nào cũng khuỵu xuống làm bà ta thích thú cười rú lên.
Xong cái trò đu cổ, bà ta bèn móc trong túi quần bó sát bẹn lấy ra mấy cái kẹo trứng chim xanh đỏ, cái thì cho vào mồm ăn cái thì nhét vào mồm bọn tôi, mà không há mồm ra cũng không được với bà ta.
***
Cầu Quả bắt đầu thi công, đang ở giai đoạn đóng cọc mố thì phải dừng lại vì gặp sự cố. Đúng lúc ấy bà Elsa lại phải về nước chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt, một tháng hành kinh đến ba lần do múi giờ chênh lệch và khí hậu thay đổi.
Ông kỹ sư mới, ông Micheal gốc Ăng-lô-xắc-xông(1), người sang thay thế cho bà Elsa, luôn tự hào về nguồn gốc của mình. Ông đã phát biểu trong một buổi họp cỡ Nhà nước:
- Tôi là một kỹ sư có kinh nghiệm, được đào tạo chính quy, tôi mong các ông hãy tin tưởng vào những ý kiến sau đây của tôi. Trong trường Đại học La Habana tôi là thày giáo của kỹ sư Elsa. Nói rồi ông đi phát cho mỗi người ngồi họp một tập tính toán mà ông đã kỳ công chuẩn bị từ mấy ngày trước.
Một lúc sau ông nói thêm:
- Các ông được giáo dục theo kiểu Nga, học và thiết kế theo quy trình của Nga. Còn Cu Ba chúng tôi được học kiểu Mỹ và thiết kế theo quy trình của Mỹ, vì thế khi tính toán số liệu không thể giống nhau được.
Có người hỏi lại:
- Thưa ông kỹ sư, quy trình nào cũng vậy, Mỹ hay Nga thì cũng phải thiết kế sao cho công trình an toàn để phương tiện đi lại mà không gây ra sự cố hay sập đổ.
- Tất nhiên!
- Xin hỏi ông mố của chiếc cầu này, tính toán chịu được bao nhiêu tấn.
- Một nghìn tấn.
- Theo đồ án thiết kế thì móng mố được đóng ba mươi chiếc cọc Bê-tông cốt thép tiết diện 30x30cm. Vậy tính nhanh thì mỗi cọc chịu được khoảng gần ba nhăm tấn.
- Chúng tôi đã thiết kế để khi đóng đến độ sâu thiết kế cọc chịu được đến năm mươi tấn.
- Xin hỏi ông kỹ sư, độ sâu thiết kế là ở độ sâu nào?
- Sâu mười bốn mét so với mặt đất, đúng với độ sâu khi cọc chạm vào tầng sỏi sạn. Vì thế chúng tôi mới cho đúc cọc dài mười lăm mét.
- Nhưng đơn vị thi công cho nối hai cọc lại, chiều dài đã lên tới ba mươi mét mà đóng vẫn không thấy chối!
- Thế là thế nào? Đơn vị thi công đâu? Có đúng thế không?
- Đây, tôi là Nguyễn Hải Thoại chủ nhiệm Đội cầu 14. Đúng như ông kỹ sư trưởng Việt Nam vừa nói, chúng tôi đã cho nối hai cọc lại mà vẫn không thấy chối.
- Thế thì cho đúc cọc dài hơn!
- Thế hơn trăm cọc dài mười lăm mét đã được đúc theo lệnh của các ông, đang nằm trên bãi cọc mà hôm qua ông vừa kiểm tra dùng để làm gì? Bỏ đi à? Ai sẽ chịu chi phí cho những cọc bỏ đi này?   
- Việc sai sót này do Khảo sát Địa chất đã cung cấp số liệu không chính xác cho bên thiết kế. Bên Khảo sát Địa chất phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại!
 Bên Kháo sát Địa chất lập tức giãy lên như “kiến đốt dái” phát biểu không còn kiêng nể gì nữa:
- Này ông kỹ sư gốc Anh kia, ông nên nhớ là sau khi khoan kiểm tra lại lần thứ hai, theo yêu cầu của chủ nhiệm đồ án là bà Elsa và ông Đỗ Văn Gị. Tài liệu vừa mới in ra đang nằm trong tay ông một bộ đấy.
Các số liệu giữa lần khoan thứ nhất và lần kiểm tra này hoàn toàn trùng khớp. Vậy ông nói do khoan thăm dò Địa chất sai thì sai ở chỗ nào?!
- Nếu vậy các ông cứ cho đóng toàn bộ chỗ cọc đã đúc dài mười lăm mét rồi cho đổ bệ coc như đồ án đã thiết kế là được.
- Được là được thế nào? Cọc đóng sâu ba mươi mét mà khi đặt đầu búa đóng cọc DJ.2 nặng chưa đầy sáu trăm ki-lô-gam lên đầu, cọc vẫn lún. Thế thì ba mươi cọc dài mười lăm mét làm sao để chịu được hơn một nghìn tấn như thiết kế?! Một người học chưa qua Tiểu học cũng có thể hiểu ra điều này.
Ông Micheal sững lại, chợt tái mặt và rồi ông đi thu lại các bản tính ông đã phát cho mọi người lúc đầu cuộc họp.
Hôm sau ông lên máy bay về nước. Bà Elsa thì chưa khỏi bệnh. Ở đây chỉ còn lại một mình đồng chủ nhiệm Đỗ Văn Gị.
Vì thế tôi mới gặp ông Gị ở công trường. Sau hơn ba năm sang Cu Ba để cùng bà Elsa thiết kế cầu Quả về đến nhà ông được Bộ Giao Thông Vận Tải đề bạt lên chức Viện phó Viện Thiết Kế.
Thiết kế sai làm đổ công trình, thì “me-xừ” này “có nhiều kinh nghiệm rồi”. Bởi dù ông được đào tạo ở trường chính quy hẳn hoi, nhưng ông không chịu nghe cái mà các thày giáo truyền đạt, có lẽ trong giờ học ông ngồi tơ tưởng đến mấy cô gái thường õng ẹo đi lại quanh ký túc xá, chứ những con số không làm ông bận tâm mấy.
Khi ra trường được ít lâu ông được giao thiết kế mấy cầu nhỏ, đó là cầu Vằng cầu Hổ ở Thanh Hóa. Ông cũng thiết kế “lộn tùng phèo”. Cầu đổ, trước sự luận tội của tòa án, ông đã thân thẩn "giãi bày":
- Tôi xin nhận là tôi thiết kế sai. Cầu đổ. Tôi có lỗi. Nhưng do trình độ còn hạn chế, nên tôi mong nhà nước cho tôi được đi đào tạo thêm ở nước ngoài.
Mọi người có mặt trong phiên tòa ấy cười ồ cả lên. Nhưng cấp trên lại rất cảm động với anh kỹ sư trẻ có dũng khí nhận lỗi và lời đề nghị rất chân thành như những lời nói tận đáy lòng của một công dân gương mẫu và cũng có vẻ như hơi “hâm hấp” ấy.
Và nào ai có thể ngờ rằng sau đó anh ta được đi đào tạo ở Liên-xô mấy năm thật.
Khi về nước anh ta được đề bạt lên trưởng phòng Cầu Bộ và đến năm 1969-1970 anh ta lại được cử đi Cu Ba để thiết kế cùng Bạn cầu Quả trên tuyến Xuân Mai Ba Vì.
Chả hiểu trình độ của mấy “xừ” kỹ sư Cu Ba được đào tạo theo quy cách của Mỹ, lại áp dụng quy trình Mỹ này ở cái “khẩng” nào mà “siêu” vậy!
Còn “đồng chí” Viện phó Gị thì khỏi phải bàn. Vụ cầu Vằng, cầu Hổ bị đổ “lộn tùng phèo” trong thâm tâm chưa làm cho đồng chí “lưu tâm” mấy, vả lại cái “mốc” mà đồng chí cố gắng leo lên để “cống hiến” cho cách mạng, đến đây coi như cũng đã “viên mãn” lắm rồi. Có cố cũng chẳng lên cao hơn được nữa!
Với lại những thú vui trong các hộp đêm ở La Habana đã làm cho đồng chí không còn thời gian đâu để nghĩ đến cây cầu với những thứ liên quan đến nó nữa. Những ký ức sau đợt sang “công tác” Cu Ba mà đồng chí mang về “để chia sẻ” với các đồng nghiệp ở nhà là những hình ảnh của những đường cong tuyệt mỹ và những sự “đụng chạm” đã làm cho người ta có cảm giác ấm áp hơn nhiều so với khi phải tiếp xúc những chiếc cầu cứng nhắc, khô khan.
***
Câu đầu tiên ông Gị là hỏi thăm tôi. Lại vẫn cái câu mà tôi đã quen nghe từ mấy chục năm trước, lúc tôi mới tốt nghiệp về Viện, chưa có vợ.
Nhưng lần này thì “chuẩn không cần chỉnh”:
-  Chị với cháu có khỏe không?
Rồi để đỡ mất thời gian ông nói luôn:
- Chúng ta đã quen thân nhau từ lâu, mình hôm nay đến gặp cậu để mong cậu ủng hộ mình.  
- Cám ơn anh đã thăm hỏi. Chúng ta đã biết nhau từ rất lâu, nên tôi rất hiểu anh. Tất nhiên tôi sẽ ủng hộ anh, khi anh đúng. Còn khi anh chưa đúng tôi cũng không có ác ý moi móc đâu. Anh cứ yên tâm đi. 
- Nếu thế thì còn nói làm gì!
- Thế chẳng nhẽ anh lại muốn tôi ủng hộ cả cái sai của anh?
- Mong cậu nhẹ tay với những…
- Anh chẳng cần phải “giãi bày”. Tôi cũng đã hiểu cả. Với lại anh cũng thừa biết tôi chỉ là một Giám sát viên công trường, lại chưa được kết nạp đảng.
- Nhưng tiếng nói của cậu bây giờ, nhiều người nghe.
- Chính vì tôi không bao giờ nói sai, nên mới có nhiều người nghe. Nhưng anh cứ yên tâm đi. Tôi đâu có lương tâm làm hại anh cơ chứ.


                                                                                                                                                                                        Hà Nội, 2015.

(1) Ăng-lô-xăc-xông: Anglo Saxon (tiếng Pháp): người gốc Anh
                           
                                                                                                                             


tháng 3 17, 2015

Ngày cháu lấy chồng



NGÀY CHÁU LẤY CHỒNG 

Lớn khôn cháu phải lấy chồng, 
Dẫu rằng biết vậy, nhưng ông vẫn buồn.

                                      Hà Nội ngày 21/03/2015.