tháng 1 13, 2016

Cúc trắng


Bến đò


Cầu ao


Làm thợ điện

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, giữa năm 1965, được điều về Viện Thiết kế Giao thông, hơn bốn năm sau tôi mới lấy vợ. Vợ tôi cũng làm việc ở đó. Năm sau thì có con. Có công ăn việc làm hẳn hoi, lại ở một cơ quan lớn mà chúng tôi không mua nổi  một cái quạt “con cóc”(1). Mùa hè chỉ có quạt nan, quạt giấy. 
Nghe người ta nói mua một cái đi-na-mô(2) xe đạp ở chợ Giời về dùng hạ áp(3) xuống ba hay sáu vôn(4) (không nhớ nữa). Tạo một cái cánh quạt hai hoặc ba cánh bằng nhôm hoặc bằng nhựa mỏng, gắn vào đầu đi-na-mô rồi búng mạnh thì quạt sẽ quay. Tôi hì hục mãi và trời chẳng phụ người. Cái quạt đi-na-mô ấy đột nhiên quay tít, tạo một luồng gió thoang thoảng nhưng vô cùng quý giá đối với một gia đình kỹ sư giữa thủ đô Hà Nội như gia đình tôi. Cái quạt đi-na-mô ấy trở thành vật quan trọng và quý giá thứ nhì sau cái xe đạp Thống Nhất, được cơ quan phân phối, ưu tiên cho những cán bộ hay phải đi công tác, trừ dần vào lương tháng tháng.
Tất nhiên cái quạt quý giá ấy phải được ưu tiên dành cho vợ và đứa con trai đầu lòng nhỏ bé, chứ đâu đến lượt mình! Tôi thì “thuộc họ nhà Bờm” rồi nên chỉ được dùng quạt mo, quạt nan thôi.
Cả nhà hể hả. Nhưng vào một hôm đầu hè, do ngủ say, vợ tôi chạm chân vào cánh quạt. Cái quạt đứng lại, nóng dần và rồi “cháy”. Cái khái niệm “cháy” ở đây phải hiểu là dây đồng cách điện quấn bên trong cái đi-na-mô bị cháy mất lớp cách điện.
Cái quạt quý bị vứt vào một xó vì các hàng điện không ai chịu sửa cả.
Ông bạn thân của tôi, cùng học với nhau từ bé, tốt nghiệp Bách Khoa xong vào bộ đội đóng tận bên Lào về Việt Nam thăm gia đình ở Hải Phòng thì chẳng lần nào không ghé qua tôi. Gặp đúng hôm nóng ông bảo tôi cắm cái quạt cho mát. Đưa cái quạt nan cho bạn tôi vừa ngượng, vừa áy náy. Ông bạn tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi:
- Nhà ông không có cái quạt nào à?
- Chả cái quạt là cái gì ông đang cầm trên tay ấy? Tôi cãi chầy.
- Một gia đình kỹ sư, cả hai vợ chồng cùng có công ăn, việc làm mà đến thế này ư?
- Lương người ta trả cho anh là để anh đong gạo, ăn mà làm việc chứ ai trả để cho anh “vung phí” mua quạt!
- Thật khốn nạn!
- Sao chỉ vì không có quạt điện, mà tôi trở thành thằng khốn nạn?
- Tôi không bảo ông!
- Thế là cái quạt khốn nạn à? Tôi tếu táo cho đỡ căng thẳng.
- Chúng ta, chúng ta thật khốn nạn.
- Có lẽ thế. Nhưng phải nói ngược lại cho thuận là thật khốn nạn cho chúng ta!
Sau bữa cơm, tôi ngồi tâm sự:
- Thật ra thì tôi cũng đã “chế” ra một cái quạt đi-na-mô xe đạp. Mát phết. Nhưng hôm nọ bị cháy mất rồi, chưa sửa lại được. Mà cũng chẳng có chỗ nào chịu sửa.
- Học Đại học còn học được, thì sửa cái đi-na-mô xe đạp lại chịu à?
- Bọn mình học Cầu đường, chứ có biết cóc khô gì điện đóm đâu mà đòi sửa!
- Phải học thêm, không biết thì hỏi sẽ biết?
Hôm sau ông bạn bảo tôi tháo đám dây quạt cháy ra, nhớ đếm xem nó có bao nhiêu vòng. Chiều về ông kiếm cho tôi một nắm dây điện còn sáng lớp mạ ê-may(5) rồi nói:
- Người ta dặn dỡ ra bao nhiêu vòng, thì quấn lại bấy nhiêu, nhớ chưa!
- Được rồi.
Rồi không ngờ cái quạt lại quay và thế là tôi biết làm điện từ cái đi-na-mô xe đạp như thế đấy.
Sau đó do phấn khích và do bạn cổ vũ thêm, tôi mua  một cái đi-na-mô gạt nước trên xe com-măng-ca(6) ở Chợ Giời, hì hục quấn thành quạt 110 vôn như mạng điện thành phố lúc bấy giờ. Nhưng sự chuyển đổi này không hề đơn giản chút nào. Vì cái đi-na-mô gạt nước chạy điện một chiều 6 vôn của ắc-qui ô-tô, nên cấu tạo khác khá xa với loại quạt thông thường. Lõi nó làm bằng các lá sắt dầy, vì chạy điện một chiều, không cần làm mỏng để cản dòng Fu-cô(7). Thêm nữa là chạy điện một chiều, nó tự định hướng chiều quay của của nó do hai cực của ắc-qui.
Thế là khi cải tạo cái đi-na-mô thành cái quạt tôi phải giải quyết mấy vấn đề sau: Thứ nhất là quấn lại dây trong quạt - tất nhiên là phải mua dây mới ở Chợ Giời rồi. Thứ hai là phải xác định mỗi cuộn dây trong quạt là bao nhiêu vòng, kích cỡ dây như thế nào. Tôi tìm đến ông Khái, bạn của bố tôi và là thày dạy điện cho anh cả tôi ngày trước, đang mở hiệu điện ngay cạnh cổng cơ quan làm để hỏi, nhưng ông già đã giấu nghề không nói. Loay hoay mãi thì may mắn thay anh Ngọc thợ điện cùng cơ quan, trước đã từng học Trường Công Nghệ thực hành(8) của Pháp, rất giỏi về điện đã chỉ dẫn tận tình, thậm chí còn dẫn ra Chợ Giời để mua hộ dây. Sau đó lại còn phải xẻ rãnh định hướng trong lõi quạt.
Sau này tôi chân thành cám ơn anh và tôn anh làm thày, nhưng anh không nhận.
Anh nói:
- Từ nhỏ tôi cũng được bao nhiêu người giúp đỡ. Chỉ dẫn cho cậu vài điều nhỏ có đáng gì mà gọi là thày. Tôi không nhận đâu.
- Các cụ đã nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (9), anh không nhớ à?
- Có nhớ. Nhưng nếu thế thì trong đời chúng ta có hàng trăm người đáng tôn lên làm thày.
- Đúng đấy anh ạ! Vì trong cuộc đời còn nhiều người tốt lắm, đáng tôn trọng lắm!
Cái quạt đi-na-mô gạt nước tôi giữ dùng mãi hàng năm, bảy năm trời. Sau cho lại anh bạn thân của tôi cũng là kỹ sư Bách khoa mà nhà không mua nổi một cái quạt điện.
Tôi quấn cái thứ hai, thứ ba để bán rẻ cho những người, ít tiền và sản phẩm của tôi làm ra lấy thương hiệu là “Đồ khốn nạn”.
Có người hỏi tôi sao không lấy cái tên mỹ miều mà đặt lại lấy cái tên không hay như thế?
Tôi nói rằng:
- Đến Chí Phèo còn tự biết hắn là “Một kẻ không lương thiện”, chả lẽ mình được học hành lại vô sỉ hơn hắn hay sao?
Cứ thế tôi mày mò làm điện, quấn sut-vôn-tơ(10), quấn quạt trần, rồi đến cả biến áp hàn loại nhỏ rất thuận tiện cho thợ dùng tại nhà dân, không bị sụt áp, không phải dùng điện ba pha, lại tiện cả cho việc mang vác, di chuyển nữa.
Các con tôi ngoài giờ học cũng phải quây vào làm điện để cải thiện thêm.
Một kỹ sư Cầu đường có hạng ở Viện Thiết kế, làm nhiều công trình trọng điểm cỡ quốc gia, nhưng nếu không có nghề phụ thì gia đình vẫn không khỏi thiếu đói.
Cái thương hiệu hãng điện “Đồ khốn nạn” tồn tại khá lâu, mãi sau này còn truyền lại nghề cho con cái và nhiều bạn bè nghèo khổ của tôi nữa.
Các cụ có nói “Thời thế tạo anh hùng”! Đúng quá đi rồi.
Cái thời thế khốn nạn sẽ tạo ra một, hai thế hệ cũng khốn nạn như nó.


Hà Nội, 2015
(1)   Quạt con cóc: Quạt điện nhỏ chỉ bằng vốc tay, hình dáng giống một con cóc.
(2)   Đi-na-mô: Dynamo (tiếng Pháp) Máy phát điện một chiều
(3)   Hạ áp: Hạ điện áp xuống 3 hoặc 6 vôn
(4)   Vôn: Tiếng Pháp Voltage đơn vị điện áp
(5)   Mạ Ê-may: Đó là dung dịch cồn cánh kiến có tính cách điện thường để mạ dây đồng làm dây cách điện.
(6)   Com-măng-ca: Xe ô-tô quân sự loại nhỏ (tiếng Anh: command car)
(7)   Dòng Fu-cô: Đòng điện quẩn trong lõi các thiết bị điện, sinh nhiệt làm nóng.
(8)   Trường Công Nghệ thực hành của Pháp: École Pratique
(9)   “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: một chữ là thày, nửa chữ cũng là thày
(10)  Sut-vôn-tơ: Cái tăng áp. Tiếng Pháp Survolteur


Địa Lan


Hoa Súng


Hoa Càng Cua



HOA CÀNG CUA 

 Mẹ đặt tên em Hoa Càng Cua, 
Cái tên dân dã, gọi như đùa. 
Cỏ cây tíu tít phô hương sắc, 
Em khép phận mình, chẳng dám đua. 

 Chớ ngắm nhìn lâu, em thẹn rồi, 
Má hồng rực rỡ tựa gương soi. 
Nâng niu đón lấy luồng ánh sáng, 
Ấm áp bao nhiêu tặng cho đời. 
                
                                    Hà Nội, 2016.

Xái nhị

Hương kể chuyện về mình mà cứ thân thẩn như kể chuyện về một người nào đấy. Cô là góa phụ trẻ mới trên bốn mươi, to cao lừng lững. Cũng chẳng hiểu vì sao cô ta lại muốn trút bầu tâm sự với tôi, khi mới quen sơ sơ trên sân đình trong những buổi tập thể dục buổi sáng.
- Cháu nói thật, với sức khỏe của cháu, chấp mười thằng đàn ông “to gộc” cũng không “hạ gục” được!
- Thế à? Tôi đá đưa cho có chuyện.
- Chẳng đêm nào thiếu đàn ông mà cháu ngủ được cả!
- Ừ, nó do cơ địa của từng người.
- Thế hả ông? Chứ không phải là do cháu “dâm dê” quá à?
- Cũng một phần.
- Thằng chồng cháu lúc sống thường nói là “Mày dâm dê thế này, thì ai mà “kham”(2) nổi! Tao cũng đến “ngoẻo”(3) sớm với mày thôi!” Không ngờ lời nói ấy ứng nghiệm quá ông ạ.
- Ứng nghiệm như thế nào? Tôi hỏi không mấy hào hứng.
- Chỉ năm, sáu tháng sau lão ta chết ngay trên bụng cháu.
- Tại chị không biết cách cứu chồng đấy thôi, chứ trong trường hợp ấy người ta dùng một cái kim…
- Cháu biết cái “mẹo” này từ năm cháu mới mười lăm, mười sáu tuổi cơ. Nhưng cháu không làm.
- Sao thế?
- Cứu sống một lão “vô tích sự” như thế để mà hầu à? Chẳng dùng được vào việc gì nữa! Mà hồi trẻ lão ta cũng gần tám mươi cân đấy chứ có yếu đuối gì đâu!
- Thế chị có mấy cháu rồi? Tôi lảng chuyện.
- Cám ơn ông, cháu có ba đứa, hai gái đầu, thằng út đã mười bảy tuổi. Hôm nọ cháu đã lo cho nó đi nước ngoài rồi.
- Đi học hay sang làm việc.
- Học hành gì ông. Họ nhà cháu toàn “đầu đất”, mà cũng có nghề ngỗng gì mà làm việc!
- Thế sang nước nào?
- Sang Lào. Rồi nhằm nhằm lấy mẹ nó một con người Lào, sinh con đẻ cái sống ở bên đó là xong. Về nước làm gì nữa!
- Sao lại không về nước nữa?
- Ở đâu chẳng sướng hơn ở đất nước này!
- Mà chị cũng giỏi thật.
- Ông bảo cháu giỏi cái gì?
- Mẹ góa con côi mà có tiền chạy cho con đi nước ngoài là quá giỏi còn gì nữa?
- Cháu có mất xu nào đâu.
- Thế thì phải “cược”(4) cái gì chứ. Chẳng ai cho không ai bao giờ?
- Tất nhiên!
- Có bí mật không?
- Cháu là người “ruột để ngoài da”(5) mà. Có cái gì phải giấu.
- Thế à!
- Cháu đem giấy tờ lên quận xin cho con đi tham quan bên Lào. Cứ thấy cái cung cách “hau háu” của tay cán bộ duyệt hồ sơ, là cháu hiểu ngay. Ông cũng biết là cháu “dồi dào cái khoản gì" rồi. Cháu OK luôn.
- Sau vụ “đánh đổi” đó, con trai chị đi nước ngoài ngay chứ?
- Vâng. Mà ông ạ, hôm ấy suýt nữa thì cháu gặp lôi thôi to đấy.
- Vợ ông ta biết à?
- Không. Lão ta cũng chết cứng trên bụng cháu. Nhưng cháu mới cho một cú “chích” nhẹ vào xương cụt là lão ấy đã vùng dậy luôn.
- Giỏi thật!
- Mà đấy mới là “xái nhị” thôi đấy, chứ nếu là “xái nhất” thì có đâm gãy kim cũng chẳng tỉnh nổi đâu!
- Sao lại là “xái nhị”?
- À, trước đó cháu đã “xả xì-trét”(6) với một thằng hộ pháp(7) ở gần nhà rồi, nên cũng đã giảm bức xúc đi nhiều. Chứ không thì có mà “trời cứu”!

Hà Nội, 2015
(1)   Xái: Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại – Xái nhị: xái thứ nhì
(2)   Kham: Có thể chịu đựng được.
(3)   Ngoẻo: Chết, toi.
(4)   Cược: Tiền hoặc vật đưa ứng trước cho một việc gì đó
(5)   Ruột để ngoài da: Người thật thà, nghĩ gì nói nấy.
(6)   Xì-trét: tiếng Anh Stress: sự căng thẳng
(7)   Hộ pháp: Hai thần to lớn đặt hai bên cửa chính của chùa



tháng 1 01, 2016

Danh ngôn


Sương mù


Đề phòng


Chụp ảnh

Lúc tranh bán đã kha khá chạy. Bạn bè, người quen muốn xin một cái làm kỷ niệm hay mua vài, ba bức làm quà cho khách, khi họ có dịp ra nước ngoài công tác, họ yêu cầu tôi là nên làm triển lãm hay có Ca-ta-lôc(1) để giới thiệu cho tiện. Làm triển lãm thì phải có khá tiền, lại phải chạy đây, chạy đó cũng phiền ra phết. Suy nghĩ rồi tôi đi mua một cái máy ảnh loại trung bình để chụp tranh.
Chưa được cầm cái máy ảnh bao giờ. Tôi dò la hỏi những người quen đã chơi máy lâu năm có kinh nghiệm rồi mới mua.
 Lúc bấy giờ mới khoảng năm 1970 ở ta chỉ có máy cơ, chứ chưa có máy kỹ thuật số như bây giờ. Mà chụp tranh cũng phải có những phụ kiện kèm theo chứ không đơn giản như chụp người hay chụp phong cảnh. Phài có giá căng tranh, có chân máy, có dây mềm bấm máy(2) để tránh rung, lại phải có cả đèn rọi,…
Nhưng tính tôi nó “phổi bò” nên nếu để sắm đủ ngần ấy thứ thì không chịu được. Đã định là làm ngay. Tôi giải tranh ra chỗ sáng rồi cầm máy hướng song song với tranh mà chụp. Lúc đầu chụp mười pô(3) chỉ hỏng một, hai cái. Thế là “thỏa mãn bần cố nông” rồi còn đòi hỏi gì nữa. Sau quen đi tôi chụp là được. Ham quá thành sau tôi mua đến bốn máy ảnh các cỡ, cả ống tê-lê(4) dài ngoẵng, có thể thu hình ảnh từ xa hàng trăm mét lại.
Có bộ ảnh chụp toàn bộ tập tranh của mình, tôi cũng chẳng in ra ca-ta-lô làm gì nữa, phiền hà, tốn tiền. Mang tập ảnh đi theo cũng chẳng nặng nề gì.
Rồi tôi nảy ra ý đồ. Thuê mẫu khỏa thân, chụp ở nhiều tư thế. Sau chọn lọc lại, tìm một vài tư thế đẹp nhất, làm mẫu để vẽ. Như vậy vừa đỡ tốn thời gian, vừa đỡ tốn tiền. Bởi mẫu khỏa thân thuê rất đắt, cứ một giờ làm mẫu thì giá trong hội Mỹ thuật đã gần một tháng lương của một kỹ sư cao cấp. Mà vẽ thì phải qua tất cả mọi bước như chọn bố cục, chọn màu chủ đạo, rồi phác thảo, cũng kỹ lắm, chứ không thể “sơ sài” mà bỏ qua bước nào được.   
Một số họa sỹ không thích cái kiểu làm việc này. Họ cho rằng đấy không phải là sáng tác mà là vẽ theo ảnh và nó không tạo thành cảm xúc như vẽ người thật.
Quả thật thì vẽ kiểu này không nhiều cảm xúc và không thật như được vẽ trước người mẫu. Nhưng khi chụp ảnh thì lúc đó cũng đã “hóa thân” thành một nghệ sỹ rồi, cũng đầy cảm xúc để sáng tác rồi còn gì. Tâm hồn cũng lúc lắc ra trò rồi còn đòi thêm cảm xúc gì nữa? Có mà đứt mẹ nó giây thần kinh duy nhất, thì xong!
Thế là tôi lại học thêm được cái nghề “phó nháy”(5) nữa.
Đầu tiên chỉ có mục đích chụp tranh, sau tôi nảy ra chụp cảnh, chụp người và còn nhớ hồi đi Dự án Tư vấn Giám sát Cầu đường mãi Lạng Sơn tôi mang máy đi chụp cảnh và thỉnh thoảng “nổ” vài “pô” về công trình về “cúng” cho “sếp”. Thấy thế ông kỹ sư hiện trường người Nhật “sướng lên” bắt cô Sơn chánh văn phòng hàng tháng cấp cho tôi mấy cuộn phim và phải trả cả tiền rửa ảnh nữa. Ít lâu sau ông ta về Nhật thăm gia đình mua cái máy kỹ thuật số nho nhỏ mà lúc ấy đã có giá mấy nghìn đô-la Mỹ giao cho tôi mỗi khi tôi ra hiện trường. Từ chối kiểu gì cũng không được, tôi phải lấy lý do, nhỡ như làm hỏng máy thì tôi không có tiền đền!  
Ông ta cười nói:
- Tôi không bắt ông đền đâu, lương tôi gần ba mươi nghìn đô-la Mỹ một tháng thì cái máy ảnh này đáng kể gì! Vả lại tôi cũng đã được Jibic(5) thanh toán cho hai phần ba tiền mua máy rồi, đừng lo!  
Cứ thế, nhiều năm cầm máy tôi đã chụp được những tấm ảnh trông cũng khá “lọt mắt”. Tôi được anh em trong “ê-kíp”(7) yêu, ngoài cách ăn ở gần gũi với mọi người còn vì khi đi hiện trường tôi thường đem theo cả ống “tê-lê” để chụp xa và đặc biệt cho anh em trẻ đang “tuổi ăn, tuổi lớn” nhìn trộm các cô gái thiểu số tắm ở bến sông xa. Họ đã yêu mến gọi tôi là “nhà nhân đạo học”! Hồi trẻ thì tôi cũng háo hức “nhòm” lắm, nhưng giờ già rồi, độ ham muốn chẳng còn là mấy nữa!
Tuy nhiên chụp máy cơ thì phải nắm vững được mấy yếu tố như cự ly, ánh sáng và tốc độ. Lúc đầu chụp cũng khó khăn ra phết. Phải ước lượng tương đối chính xác khoảng cách từ đối tượng định chụp đến máy, (và để chắc ăn thì phải có người đo hộ). Độ mở ống kính (tức là ánh sáng) cũng phải có kinh nghiệm (nếu có máy đo sáng thì chắc ăn hơn)(8). Trời nắng, ánh sáng nhiều, phải khép ống kính nhỏ lại, ngược lại trời tối hoặc chụp trong râm thì mở ống kính to ra (người ta thường ví độ mở của ống kính như con mắt người). Cuối cùng là tốc độ chụp. Tốc độ gắn liền rất mật thiết với độ mở của ống kính, ví như đi xe máy tay côn, tay ga phải phối hợp nhịp nhàng. Vì thế người chụp máy cơ thuần thục thường được ví là nghệ sỹ!
Để chụp được một tấm ảnh, thường không khó, nhưng để chụp được một tấm ảnh đẹp thì cũng rất khó. Người chụp ảnh chuyên nghiệp đầu tiên phải nhuần nhuyễn các bước kỹ thuật nói trên. Nhưng khi giơ ống kính lên để bấm máy còn phải biết “chớp lấy” thời cơ. Vì thế muốn có ảnh đẹp và tự nhiên phải nói là “chộp” ảnh mới đúng.
Bây giờ với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật máy ảnh kỹ thuật số đã giải quyết hầu hết các kỹ năng phức tạp trên, tạo ra nhiều thuận lợi. Có thể không cần đến các bước chụp như khi dùng máy ảnh cơ. Mua một cái máy dạng trung trung, ngắm cho đối tượng chụp lọt vào khuôn hình, giữ cho vững tay là có thể bấm máy. Nó lại có cái tiện nữa là không cần tốn tiền mua phim, không phải chọn loại phim phù hợp cho đối tượng chụp từ 100 ASA đến 500 ASA(9) như dùng cho máy cơ. Cái lợi lớn nhất là không tốn chỗ lưu trữ phim. Tất cả có thể “lưu” vào một thẻ nhớ, hoặc trong bộ nhớ của máy tính. Chỉ cần một thẻ nhớ có dung lượng nhỏ là 2GB(10) đã chứa được 400-500 ảnh rồi. Đặc biệt hơn cả là mọi người đều có thể chụp ảnh, từ con trẻ đến bà già, không cần “điêu luyện” như một “nghệ sỹ” như khi chụp ảnh bằng máy cơ.
Nhưng vẫn phải nhắc lại là để chụp được ảnh đẹp thì phải biết chọn đối tượng để chụp và phải biết “chộp” lấy hình.   

Hà Nội, 2015
(1)     Ca-ta-lôc: Danh sách giới thiệu hàng hóa. (tiếng Anh: Catalogue)
(2)     Dây mềm bấm máy: Tiếng Pháp: Déclencheur souple - Anh: Cable release
(3)     Pô: pose (tiếng Pháp): Kiểu ảnh
(4)     Tê-lê: ống kính chụp xa
(5)     Phó nháy: người chụp ảnh
(6)   Jibic: Tập đoàn Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực Xây dựng ở Việt Nam xây dựng các công   . trình  Giao thông mà ông Tanaka là thành viên làm kỹ sư hiện trường quản lý công trình
(7)   Ê-kíp: Đội ngũ cùng làm chung một việc với nhau. Tiếng Pháp: Esquipe.
(8)     Máy đo sáng: Tiếng Pháp: Commande du posemètre (cellule couplée) – Tiếng Anh:  Exposure meter (needle-matching)
(9)   ASA (hoặc ISO): độ nhạy sáng của phim chụp - Tiếng Anh
(10) GB: Gi-ga-bai= 1.024 mê-ga-bai (Tin học)