tháng 3 29, 2017

Ngày cháu lấy chồng


Lớn khôn cháu phải lấy chồng, 
Dẫu rằng biết vậy,nhưng ông vẫn buồn. 

                                                  03/2015.

Sông Kỳ Cùng - Lạng Sơn


Hoa Lau


Mong manh in bóng sườn non, 
trắng trong như thuở vẫn còn ban sơ. 
Non xanh thấp thoáng bông tơ, 
rung rinh vẫy gọi, thẫn thờ lãng du! 

                                                                                                  Đồng Đăng, 1999.

Những mẩu chuyện cũ

Cung, Lân và tôi, hồi nhỏ đang còn học Phổ thông, thường cứ dính nhau như sam(1). Sau này học Đại học cũng vậy. Cả ba nhà, bố mẹ chúng tôi đều là dân thợ thuyền hoặc chạy chợ, nên đời sống bình dân, coi mấy thằng chúng tôi như con cái trong nhà. Chúng tôi hay sang nhà nhau ở vài, ba hôm là chuyện bình thường. Học cũng sàn sàn như nhau, sở thích lại giống nhau, thằng này thích cài này thì hai thằng kia cũng thích cái đó, nên gắn bó với nhau cho đến nay đã tám chục tuổi vẫn còn giữ được cái nếp cũ ấy. 
Hôm nào gặp nhau, ngồi ôn chuyện cũ, chúng tôi như được sống lại những ngày khi còn là mấy cậu học sinh nhỏ.
***
Hôm ấy Cung và tôi cùng gia đình Lân đang ngồi ăn cơm trưa, bỗng cụ bà hỏi cụ ông:
-   Ông này, giờ tình hình diêm thuốc lào ra sao, hả ông?
Chúng tôi cứ nghĩ các cụ đang hỏi biến động giá cả của diêm thuốc lào vì cả hai cụ đều hút thuốc lào, nên không ai để ý đến câu hỏi ấy.
Không ngờ, cụ ông ngừng ăn, thủng thẳng nói:
-   Bà bây giờ cũng quan tâm đến thời sự quá nhỉ! Người ta nói là Pa-thét Lào(2), chứ sao bà lại gọi là diêm thuốc lào!
Thế là cả mâm bật cười phun hết cả cơm ra.
Cụ thân sinh ra Lân là thợ thiếc số một của Hải Phòng. Hồi năm 1952-1953 gì đó đã gửi sản phẩm của mình đi thi tại nhà Đấu Sảo do người Pháp tổ chức được giải nhất tỉnh. Cụ bà buôn bán chè chai, đồng nát, lúc về già chỉ muối vại cà, vại dưa bán mà nuôi được cả gia đình. Hai anh em Lân đều được học hết đại học. Ông Tòng, anh Lân, là giáo viên dạy chuyên Toán nổi tiếng Hải Phòng. Lân thì tốt nghiệp Bách khoa Cầu đường từ 1965, sau có học thêm trên Đại học mà bây giờ gọi là Thạc sĩ và làm đến Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Hải Phòng.
Năm 1959, chúng tôi học lớp mười đầu tiên ở Hải Phòng, tại trường cấp ba duy nhất Ngô Quyền. Tuy học giỏi, nhưng vì bướng bỉnh nên cả ba thằng chúng tôi bị thày hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa “cho” trượt thi tốt nghiệp. Cả ba anh em chúng tôi đều đi làm. Cung dạy học, tôi đẩy xe than ở nhà máy Xi Măng Hải Phòng, riêng Lân vào Hợp tác xã nghề thiếc lớn nhất nhì Hải Phòng mà chúng tôi hay gọi đùa là Hợp tác xã “Phèng Phèng”, làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, cũng là người có tay nghề nhất nhì ở đấy. Lúc bấy giờ dù còn trai trẻ mà nhìn vào cái lưỡi cưa do Lân cắt từ thép đề-sê(3), hàng mấy trăm răng cưa li ti đều tăm tắp, chúng tôi cũng chỉ biết cúi đầu thán phục. Năm sau chúng tôi thi tự do và đều tốt nghiệp cấp ba. năm sau nữa vừa làm vừa học lại thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Còn nhớ lúc chúng tôi đang học năm thứ hai Đại học, gia cảnh mấy đứa quá nghèo, bố mẹ đã quá già, không còn kiếm được đồng ra, đồng vào nữa. Bố Lân ốm, phải về quê Hà Nội, chỉ thèm có ngụm chè mà mấy thằng phải xoay xở mãi mới kiếm được gói chè bồm ba hào ngoài chỗ chị Dung tôi ở Yên Phụ cho ông cụ. Nghĩ đến đây lòng tôi chua xót như có muối xát. Hôm ông cụ mất, ba anh em tôi vẫn còn đang học, đã cùng gia đình lo toan tang lễ như những đứa con trong nhà. Cảm động nhất là Cung đã kéo tôi ra trái nhà đứng khóc.
Tôi đùa nói để đỡ bùi ngùi: - “Chưa được làm con rể cụ mà đã khóc trước à?”
Chả là Lân có cô em gái út rất xinh, kém Lân ba tuổi lúc đó đang học trung cấp Mỹ thuật, nên dù Lân ít tuổi nhất trong ba đứa vẫn được gọi là Đại ca.
***
Không phải hai ông bạn tôi không có họ hàng hay người quen ở Hà Nội. Nhưng những khi Cung ở Lào, còn Lân ở Đoàn 559 về thăm nhà, rồi lại từ nhà lên đơn vị thì đều lấy chỗ tôi làm nơi tạm trú. Nhớ những sáng tinh mơ đèo bạn đến cổng Trạm Trung chuyển để về đơn vị, nhìn bạn đeo ba-lô lủi thủi đi sâu vào trong. Không lần nào tôi không cảm thấy rưng rưng, hụt hẫng như vừa bị mất đi cái gì thân thiết nhất.  
Ông Lân ở Hải Phòng lên Hà Nội học cao học hơn sáu tháng cũng đến ở chỗ tôi. Năm trước vì quá chật chội nên bố mẹ tôi đã mua rồi dọn lên khu nhà nhỏ Lắp ghép Trương Định mà dân thường gọi là “kiểu nhà chuồng chim”, nên mới có chỗ cho bạn. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, thằng con nhỏ gửi nhà trẻ, nên ở đây tuy có khổ hơn nhưng được cái thoải mái.   
Sự khăng khít của chúng tôi làm cho hàng xóm nghi ngờ, người thân khó chịu. Khi về Hải Phòng tôi cũng thường ở nhà bạn, làm bà Hiền chị tôi khó chịu, cay ca.
***
Cứ nhớ lại, thấy chuyện cũ ấy như mới xảy ra ngày hôm qua.
Viết đến đây lại nhớ hôm mới rồi, hai đứa kéo nhau đến nhà Lân, phởn quá đứng ngoài gọi toáng lên:
-   Đại ca, đại ca ơi!
Hai thằng tôi liền bị vợ Lân, một đảng viên mẫu mực chỉnh luôn:
-   Anh ấy có phải là người cầm đầu băng cướp nào đâu mà gọi anh ấy là Đại ca?  
Nhớ các cụ quá, nhớ cái tình thân thời thơ trẻ đã qua vô cùng.
Cung vào bộ đội rồi sau này chuyển sang Công an, về hưu với hàm Thượng tá được xếp vào hàng ngũ cán bộ trung, cao cấp trong lực lượng vũ trang cứ tưởng phải là “mặt sắt đen sì”, thế mà lại rất mau nước mắt.
Cách đây ít lâu, bà Hiền chị hai tôi, ở Hải Phòng đã hơn tám nhăm tuổi, bị ngã gãy xương đùi. Tôi ở Hà Nội về thăm chị vội quá không báo cho hai bạn. Mấy hôm sau hai ông biết tin đến thăm chị đã khóc.
Thằng cháu Hiếu con út bà Hiền nay cũng năm ba, năm tư tuổi, ở Đức gần bốn mươi năm, biết tình hình của mẹ. Nó đã gọi điện từ Đức về cho tôi, vừa kể vừa sụt sùi:
- Cậu ạ, cháu tha phương cầu thực, sang xứ người để kiếm ăn, nghe tin mẹ ốm mà không về thăm được, trong lòng vô cùng áy náy. Chị Thủy cháu có gọi điện báo các cậu đến thăm mẹ cháu. Cậu Cung, cậu Lân thương mẹ cháu mà chảy nước mắt!
Cháu tự hỏi tình bạn trên sáu mươi năm của các cậu và những giọt nước mắt ấy tiền nào có thể mua được?!


Hà Nội, 2017.

(1) Sam: Động vật chân đốt ở biển, vỏ cứng đuôi dài, nhọn. Chồng lên nhau thành đôi đực, cái mà đi.
(2) Pa-thét Lào: Lực lượng quân giải phóng của Lào.
(3) Đề-sê: Déchet (tiếng Pháp): Mảnh phế thải từ vật liệu đó. Thép thải.




tháng 3 14, 2017

Địa Lan


Hoa Hồng


Giỗ tổ họ Trần Khắc (bên vợ)


Vũ điệu Tăng-gô

Tôi đang chạy xe trên phố Lê Đại Hành để tìm đến chỗ anh chàng sửa xe quen nằm trong ngõ Vân Hồ II, thì cái xe bỗng ặc một cái rồi đứng khựng lại. Xe của tôi là cái xe Peugoet 102 giẻ rách mà có lẽ người Phú-lang-sa(1) sản xuất từ thời Nã-Phá-Luân(2) còn mặc quần thủng đít. Rất hay giở chứng, hệt như một tiểu thư quá lứa, cứ động một tý là lại ngúng nguẩy giận dỗi.
Người đi xe phía sau huých nhẹ vào đít xe tôi, nổi cáu:
-   Đi kiểu gì thế, muốn vỡ mặt à?
-   Xin lỗi! Tại cái xe nó giở chứng, tôi không biết làm thế nào.
Có lẽ thấy tôi râu tóc đã bạc phơ, nên anh ta không thèm chấp.
Đến chỗ anh chàng sửa xe đon đả hỏi han. Khi biết tôi vừa bị mắng do cái xe tự chết máy, thì vằn mắt lên hỏi:
-   Ông còn nhớ mặt thằng đó không, ông lên xe con đèo đi tìm nó.
-   Tìm làm gì?
-   Con cho nó đến khoa xương bệnh viện Bạch Mai điều trị!
-   Tôi xin, đang chạy vỡ mặt để lo giấy tờ nhà đất còn chưa đâu vào đâu, lại còn gây thêm rắc rối nữa để được lên “nghỉ” trên Đài Hóa thân Hoàn vũ(3) à?
-   Con nghe nói chính sách năm nay đã mở toang kể cả những hộ mua bán nhà cửa chỉ có giấy viết tay cũng được cấp sổ đỏ cơ mà ông?!
-   Chính sách vưỡn biết là thế. Nhưng cụ thể thì cũng phải trải qua bao nhiêu đoạn trường(4), cũng nhiều khúc nhôi(5) lắm.
-   Thật thế hả ông?
-   Đây là tập hồ sơ mà tôi đang cầm đây này. Đã đủ dày chưa. Từ nhà đến Ủy ban Phường hơn ba cây số tôi chạy đi, chạy lại trên mười lượt vẫn chưa nộp được hồ sơ cho họ.
-   Thế là cái quái gì?
-   Mỗi lần đến làm việc với Ủy ban, phải xếp hàng cũng mất tối thiểu hai chục phút mới đến lượt mình. Hỏi xong một việc cũng mất dăm mười phút, chưa kịp nắm được những câu dặn dò của cán bộ, những người xếp hàng sau đã ồn ồn lên thúc dục. Nếu hỏi lại một điều gì đấy, lập tức bị mọi người phàn nàn. Chen ra ngoài về nhà bổ sung vào hồ sơ, đến Ủy ban lại xếp hàng. Xem qua lại vẫn bị chê là còn thiếu cái này, thiếu cái này nữa.
-   Mới lại có khi họ dặn một đằng, cụ lại xằng một nẻo, không nắm được nên mới phải bổ sung. Thế bác mới mua nhà này à? Anh Quang hỏi lại.
-   Nhà của bố tôi mua từ 1978, nhà nước bán có giấy tờ, dấu má hẳn hoi.
-   Thế sao đến giờ gần bốn mươi năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ?
-   Có trời mới trả lời được câu anh hỏi!
-   Hay bác không chịu trình báo, kê khai?
-   Tổng cộng không dưới một trăm lần ra vào trình báo. Quận có, phường có. Hồ sơ cũng tập dầy, tập mỏng! Thời gian quá nửa kiếp người rồi cơ mà!
-   Phải có lý do gì chứ?
-   Mỗi lần thiếu một tí, bổ sung rồi vẫn thiếu một tí nữa!
-   Phải biết là kê khai những mục gì và phải làm những giấy tờ gì chứ? Sao bác không hỏi cặn kẽ một lần để kê khai cho đầy đủ!
-   Đấy thì như cái chuyện làm sổ đỏ lần này cũng vậy. Tờ khai có đến gần chục trang đánh máy kín mít. Ngay luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ cũng không thể nào kỹ càng tỷ mỷ đến thế. Tôi làm Thiết kế bốn mươi năm, thường ngày phải nhìn, phải soát bản vẽ, bản tính dầy đặc mà nhìn thấy bản khai này cũng còn choáng, mãi mới định thần lại được. Miệt mài mà kê hết các mục trong đó cũng phải mất dăm tiếng đồng hồ. Các ông già, bà cả mắt kém, chữ nọ đụ mẹ chữ kia thì phải mất vài ngày, thậm chí cả tuần mới kê xong. Kê rồi chưa chắc đã đúng.
-   Sao các cụ không sai con cháu nó làm hộ?
-   Anh con tôi năm nay đã năm mươi tuổi, bận bù đầu vào việc kiếm sống khi biết việc này, nó không những không chịu giúp, lại còn nói ngang.
-   Nói gì ạ?
Nó nói:
-   “Tưởng chính sách nhà đất đã thoáng như lời các ông ấy nói, thì hãy làm. Bố là chuyên viên kỹ thuật mà đi lại gần trăm lần vẫn chưa kê xong. Mấy lần ngã trầy cả đầu gối, hỏng cả xe. Bố ạ, nhà đây là nhà của mình. Mình không mua, không bán, không có tiền xây lại. Gia đình mình lại là gia đình chính sách. Vậy làm sổ đỏ để làm gì? Mấy chục năm rồi từ ngày ông con mua có làm sao đâu. Kệ mẹ nó đấy, đỡ phải đóng thuế đất”!
-   “Chính sách của nhà nước ban hành ra như thế, mình là công dân không làm theo “sự chỉ dạy của bề trên” thì cứ áy náy thế nào ấy. Anh không làm thì tôi làm.
-   “Làm sổ đỏ cho dân vừa thu được tiền thuế vừa quản lý được đất đai. Gây khó khăn cho dân thì đã mất cả chì lẫn chài. Bọn nó thật là “Ngu toàn tập”!”             
-   Đến nay đã hòm hòm chưa bác? Anh Quang hỏi chen vào.
-   Vẫn còn vài lượt nữa, như đem bản chính của các giấy tờ để họ đối chiếu.
-   Thế sao khi phô-tô giấy tờ bác không đem đi Công chứng?
-   Có, có Công chứng nhưng vẫn phải đối chiếu với bản chính?
-   Nhà nước lập ra cơ quan Công chứng lại vẫn không tin, thế thì có khác gì nhổ bãi nước bọt lên trời, nó lại rơi vào mặt?
-   Tôi nghĩ rằng nếu như các ông ấy lập ra một điểm có mấy cái bàn để kê khai toàn bộ giấy tờ cho dân rồi tính phí một ít. Tôi chắc ai cũng hoan nghênh vui vẻ nộp vài trăm nghìn để đỡ phải đi lại, để đỡ phải bổ sung mỗi lần vài chi tiết.
-   Bác ơi cháu có một anh bạn làm Công an, cháu hỏi sao những nhà ven đường cái nhô ra, cái thụt vào cứ như người có hàm răng mọc lẫy! Bác có biết anh ta trả lời thế nào không?
-   Không!
-   “Đến đứa trẻ con nó cũng biết đóng hai cái đinh căng một sợi dây ta sẽ có một đường thẳng. Nhưng nếu làm như thế thì làm sao “còn dịp” để chỉnh cái nhà này lui vào, cái nhà kia nhô ra nữa?”
-   “Và chính cái “công việc chỉnh sửa” ấy mới “móc được tiền” của dân”?
-   “Chính xác!”
-   Chẳng lẽ việc nào cũng thế ư?
-   Hiển nhiên là thế rồi!
-   Hôm nọ bức xúc quá, tôi đã phải lấy hết can đảm để gõ vào cánh cửa phòng của bà Chủ tịch Phường để được giải thích vài việc nho nhỏ.
-   “Tôi xin phép được gặp bà một phút để hỏi vài câu.”
-   “Vâng bác cứ nói.”
-   “Tại sao không lập ra một điểm dịch vụ kê khai giúp dân rồi thu phí, tránh cho dân vất vả đi lại, còn viết sai, kê hỏng?
-   “Chúng tôi cũng biết vậy, nhưng trên chưa cho chủ trương, nếu Phường cứ tự động làm thì sẽ bị phê bình, bị kỷ luật!”
-   “Tôi nghĩ mỗi việc, mỗi nơi cũng đều có cách làm riêng. Cốt sao cho nhanh, cho tốt, có lợi cho dân.  Đấy mới là sáng tạo chứ.”
-   “Cám ơn bác đã góp ý. Chúng tôi sẽ xin chỉ thị của Lãnh đạo.”
-   “Nhà của chúng tôi đã được Địa chính cũng do Phường đã đo hai lần từ những năm trước. Không có thay đổi gì, sao lần này vẫn phải đo lại?”
-   “Giấy đo của Địa chính cũ không còn giá trị nữa.”
-   “Vì sao?”
-   “Chỉ thị của trên yêu cầu làm giấy Đo đạc mới, chúng tôi phải chấp hành thôi.”
-   “Tôi làm ở khảo sát thiết kế bốn mươi năm, xin hỏi vì sao đo có bốn cái góc nhà mà lấy phí tới một triệu hai trăm nghìn đồng, bằng phần ba tháng lương hưu một kỹ sư hết bậc như tôi.”
-   “Trên đã cân đối và đã cho quyết định như vậy, chúng tôi chỉ biết chấp hành.”
-   “Trước hết tôi cám ơn bà Chủ tịch đã tiếp và giải thích cho tôi một số điều dù tôi chưa được thông lắm. Tôi xin lỗi phải nói thật điều này, dù bà có cho bảo vệ bắt vì nói lung tung, nhưng không sao vì tôi cũng đã tám chục tuổi rồi, sống cũng đã quá đủ. Câu nói sau đây tôi đã cân nhắc rất kỹ: Chúng ta làm Cách mạng, chúng ta cướp chính quyền rất nhanh, rất giỏi, nhưng làm kinh tế và quản lý thì như cứt!”
-   “Sao bác lại có thể nói như vậy được?”
-   “Nhớ khi còn nhỏ, khoảng năm bốn nhăm Nhật Bản bại trận chẳng hơn gì ta, Xiêm La tức là Thái Lan ta coi dưới tầm mắt, Triều Tiên mà bây giờ gọi là Hàn Quốc cũng không dám so sánh với ta, Lào với Căm-pu-chia thì không dám ngước nhìn lên. Vậy mà trải qua mấy chục năm, bây giờ Việt Nam nhiều mặt không thể so sánh với Lào. Ai có cái quần lót Thái Lan thì lấy làm quý hóa. Được đi lao động hay nói dân dã hơn là “đi ở” bên Hàn Quốc cũng phải lo “chạy chọt” mất hàng dăm chục triệu đồng. So sánh với Nhật Bản, với Hàn Quốc thì ta thua họ đến mấy trăm năm?”
-   “Ta đang mò mẫm tìm đường tiến lên mà bác.”
-   “Tiến lên Trời hay xuống Địa ngục?”
Anh Quang thấy tôi kể đến đoạn đó, vội vàng hỏi:
-   Thế bác không bị bắt chứ?
-  Nhà tù có lớn đến đâu cũng không thế giam giữ hết những người dân bức xúc. Mà nếu bị bắt rồi thì sao tôi còn đến đây để anh chữa xe được!
-   Chuyện bác kể cháu nghe mà thấy mọi việc như đang nhảy múa theo điệu Tăng-gô(6) hai tiến, ba lùi của Tây-ban-nha(7). Bọn họ đúng là một lũ tâm thần.
-   Chưa hẳn thế, mà chỉ là một đám người ấu trĩ(8).
-   Cũng có thể ta cực đoan, lẩm cẩm tí chút chăng!? Anh thợ sửa xe vẫn còn chút băn khoăn.

-   Tôi đang đi làm Tư vấn cho một số Dự án nước ngoài, chưa đến nỗi lú lẫn như anh nghĩ đâu, bởi vì Tây nó không ngu đến nỗi đi thuê một lão già lẩm cẩm làm việc.

Hà Nội, 2017.
(1)   Phú-lang-sa: Pháp (Française)
(2)     Nã-Phá-Luân: Napoléon Bonaparte Hoàng đế nước Pháp (sinh: 15/08/1769, tại Ajaccio, Corsica, nước Pháp - Mất: 05/05/1821)
(3)     Đài Hóa thân Hoàn vũ: Nơi thiêu xác để thay thế cho việc chôn cất người chết.
(4)     Đoạn trường: Đau xót như đứt từng khúc ruột.
(5)     Khúc nhôi: Nỗi niềm khó nói.
(6)   Tăng-gô: Tango một điệu nhảy có nhịp điệu rất sôi động.
(7)   Tây-ban-nha: Quốc gia ở Tây nam Âu châu.
(8)   Ấu trĩ: Còn non nớt về kinh nghiệm cuộc sống.