tháng 10 31, 2017

Đình Hoàng Mai năm 2000


Thiếu nữ


Tò mò

Phòng thí nghiệm Cơ học đất và Nền móng của trường Đại học Bách Khoa đã được thành lập từ lâu lắm rồi. Qua nhiều năm, trang thiết bị sắm sanh cũng đã gần như đầy đủ mà toàn là thứ được lựa chọn kỹ càng, đa phần là đứng đầu bảng, bởi dù sao đây cũng là trường Đại học Khoa học Kỹ thuật lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Công việc cũng đã vào nề nếp, hằng ngày cứ tuần tự nhi tiến(1). Cụ thể là làm thí nghiệm cơ học đất khi đội khoan đem mẫu đất đá từ hiện trường về. Khoan ép các mẫu đá, phân tích, sắp xếp thành phần cấu tạo các loại hạt và vê giun(2) đối với đất dẻo. Sau đó thí nghiệm ép, cắt(3) các loại vật liệu. Cuối cùng thống kê số liệu cấp cho bên thiết kế công trình.
Phòng Thí nghiệm gồm ba phòng nhỏ, chủ yếu đã để các máy móc gần chật kín cả. Cán bộ chuyên môn thì có một trưởng phòng là nữ, tốt nghiệp Tiến sĩ bên Nga và bốn nhân viên, hai trung cấp, đã lớn tuổi, hai nhân viên còn lại là công nhân trẻ.
Minh tốt nghiệp loại giỏi của trường Đại học Mỏ, Địa chất Hà Nội, vừa được bổ sung về phòng làm việc từ tháng sáu năm ngoái. Anh chàng này quê tận phía Bắc huyện Võ Nhai sát với Nà Rì tỉnh Bắc Cạn. Tuổi mới hăm tư, hăm lăm, khỏe mạnh, ưa nhìn nhưng nhút nhát và hơi ngô ngố.
Trưởng phòng Mỹ Vân đã trên ba mươi, chưa lập gia đình. Cô là một cô gái khỏe mạnh và đặc biệt rất bạo dạn. Là trưởng phòng, nên cô buộc phải gần gũi, kết thân với các nhân viên khác. Ai cô cũng tỏ ra thân mật, nhưng chẳng hiểu vì sao mỗi lần phải làm việc với Minh cô vẫn cảm thấy không được tự nhiên lắm.
Có những hôm, vì phải làm nốt công việc nào đấy, trong phòng chỉ còn hai chị em ở lại khuya khuya một chút, Vân thường lo từ miếng cơm, ngụm nước, cái khăn lau rất chu đáo còn hơn cả mẹ ở nhà. Minh thì nghĩ chị Vân làm như vậy cũng là lẽ tự nhiên thôi, nên cũng “cứ vô tư”. Ngược lại trong công việc thí nghiệm, khi chỉ có hai chị em thì dù sao Minh cũng là đàn ông nên những việc nặng đều dành làm cả. Đôi lần Minh cũng nhận thấy ánh mắt trìu mến “rất sâu”của chị Vân nhìn mình. Lúc bấy giờ cậu ta cũng chỉ nghĩ là “bà chị” có tình cảm với “thằng em” cũng là chuyện bình thường! Hai chị em “cùng chiến tuyến”, cùng làm một việc, thân nhau thì có gì mà phải “lăn tăn” cơ chứ?!
Thời gian cứ thế trôi đi, sự gần gũi làm cho tình cảm của cả hai người nẩy nở như một mầm non giâm xuống mảnh đất luôn “được chăm chút” hằng ngày. Đối với Minh thì đó cũng chỉ là điều tự nhiên như nó vốn phải thế, nhưng đối với Mỹ Vân thì nó không bình thường chút nào cả, cô luôn cảm thấy rạo rực trong người.
***
Rồi cái gì phải đến sẽ đến, giống như quy luật tất yếu của vạn vật. Sự tiến triển theo quy luật ấy nó âm thầm nhưng dai dẳng và bởi vì nó đã “nằm trong quy luật” mất rồi.
Một hôm Minh thấy trong cặp của mình có một quyển tạp chí Playboy(4) rất đẹp. Anh hỏi mọi người xem có ai để nhầm vào cặp của mình không, nhưng không người nào nhận. Sau đó, lúc rảnh rỗi Minh tò mò giở ra xem và đã đỏ mặt lên vì những hình ảnh phô diễn rất gợi cảm, rất táo bạo của những người mẫu xinh đẹp phương Tây.
Mới đầu còn là lạ, sau đó cứ như mặc nhiên và rồi Minh “nghiện xem” lúc nào không biết. Đôi lúc còn đắm đuối ngắm đi, ngắm lại mãi không thôi. Lâu lâu không có bộ ảnh mới nào, lại cứ như thấp thỏm mong mong.
Vào một buổi tối như bao buổi tối bận rộn khác. Minh và chị Vân phải ở lại làm thêm giờ. Cũng đã muộn rồi, sau khi hai chị em ăn nhẹ bữa tối thì đột nhiên chị Vân đưa cho Minh một tập Playboy mới tinh.
Minh vồ lấy hồ hởi:
-   Thế hóa ra từ trước tới giờ những quyển tạp chí này là của chị bỏ vào cặp của em à?
-   Ừ, có thích không?
-   Thích, thích lắm!
-   ………..
-   ………..
-   Tội gì mà phải xem đồ giả?
-   Nhưng em đã có vợ đâu, làm sao …!
-   Thế có muốn xem đồ thật không?
-   Ở đâu ạ?
-   Trong này! Vào đây!
-   ………..?!
Hai người dìu nhau vào phòng trong kín đáo hơn. Chẳng biết trong căn phòng nhỏ ấy đã diễn ra việc gì mà ở ngoài chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp và những tiếng rên rỉ nho nhỏ của hai người vọng ra.
Sau đó tự nhiên người ta thấy hai chị em lại “siêng năng” hơn trước, thường xuyên “phải làm thêm giờ” buổi tối.
Và rồi cái phải đến đã đến!
Khoảng đến quá nửa năm sau, khi cái bụng của Vân đã nổi lên không thể che giấu được nữa. Hai người đành công khai quan hệ và cũng khoảng hai, ba tháng sau thì họ tổ chức đám cưới.
Việc xảy ra cũng theo lẽ tự nhiên thôi, chẳng thế thì nòi giống làm sao mà “kéo dài” mãi ra được.
Mặc dầu cũng có lời ra, tiếng vào một ít lâu nữa. Nhưng chẳng sao, chuyện nào ra chuyện nấy, mà cũng có ai làm “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới” đâu mà sợ!?


Hà Nội, 2017.
(1)   Tuần tự nhi tiến: Tiến hành đúng trình tự công việc.
(2)   Vê giun: Vê đất dẻo thành hình con giun trong các thí nghiệm.
(3)   Ép, cắt: Các phương pháp thí nghiệm vật liêu xây dựng.
(4)   Tạp chí Playboy: Playboy là một tạp chí dành cho đàn ông của Mỹ được thành lập ở Chicago, Illinois bởi Hugh Hefner. Nó sử dụng hình ảnh khỏa thân trang nhã hấp dẫn và mang tính nghệ thuật ở trang bìa nhằm thu hút độc giả.

tháng 10 27, 2017

Hoa Quỳnh


Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm Sơn Tây


Flamenko


Bắc Kế

Tốt nghiệp Bách khoa tôi được Viện Thiết Kế Bộ Giao thông lấy về làm việc năm 1965, đúng vào dịp chiến dịch “đánh hạn chế” của máy bay Mỹ vào Miền Bắc. Tháng sáu năm 1966, Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, Hải Phòng, thì khoảng tháng tám năm ấy, cơ quan Viện sơ tán về làng Bắc Kế, Hương Canh, An Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc.
Muốn đến Bắc Kế thì đi tàu hỏa xuống ga Hương Canh rồi bồng bế nhau vào. Cũng phải hơn bốn cây số đường đất rộng chạy ô-tô được, chỉ có gần cây số nữa là phải đi bộ.
Bắc Kế là một thôn nhỏ, thuần nông chỉ trông vào trồng cấy, nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Trong làng chủ yếu là nhà tranh vách đất, có nhà tường lại được xây bằng các phế liệu của gốm Hương Canh như vại, hũ, lu và cả tiểu sành nữa. Vữa xây chỉ là bùn, họa hoằn lắm mới được trộn thêm ít vôi. Có dăm nhà khá giả hơn thì tường được xây bằng gạch đá ong. Đường làng nhỏ hẹp, lồi lõm, mưa xuống thì lầy lội, lõng bõng nước và phân trâu bò bẩn thỉu. Đi lại rất ngại.
Phụ nữ và trẻ em gái đa phần đi đất, mặc mấn(1) và chưa biết đến đồ lót là gì!
Do đời sống trong làng lạc hậu nên kiêng cữ ngặt lắm.  
Còn nhớ ông Trung tiến sĩ, giáo sư trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thỉnh thoảng ghé vào thăm vợ là chị Vi, kỹ sư Phòng Cầu, mà đến vào buổi chiều thì phải ngồi ngoài hè cả đêm đợi giời sáng. Hôm sau còn ở lại chơi, thì nhà chủ sẽ để một người nghỉ làm đồng ngồi nhà trông chừng.  
Phòng làm việc của Phòng Cầu được đặt ở nhà ông Quang tận cuối làng (phong tục ở đây chủ nhà được gọi bằng tên con giai, dù còn nhỏ như thằng Quang mới chín tuổi). Nhà này xây gạch đá ong thoáng rộng, kê thêm được ba, bốn cái bàn làm việc và cái phản nhỏ để tôi nằm ngủ sát góc nhà.  
Ông Quang là một người đàn ông cao to, trạc trên bốn mươi, là tổ trưởng tổ rau của Hợp Tác Xã, nên thu nhập có khá hơn các hộ khác chỉ làm lúa. Vợ cả ông đã qua đời đã lâu. Bà này là bà hai, sinh được hai bé gái rồi đến thằng Quang. Đặc biệt ông Quang thích nấu rượu, mà hồi đó nhà nước gọi là rượu lậu, còn cấm ngặt lắm, vì thế cứ đến đêm ông mới dám “hành sự”.
Được mẻ đầu, bao giờ ông cũng đánh thức tôi dậy để nếm. Hai người đàn ông, nửa lít rượu, một nắm rau cần nhà trồng, được ông xào rất khéo với nửa lạng thịt trâu, rau vừa chín tới, thịt vẫn còn mềm, thơm nức mùi hành, tỏi, đặt vào môi là trôi vào cổ. Những lúc được ngồi nhâm nhi như thế trong căn bếp nhỏ, bên chén rượu ngon, chút đồ ăn hợp vị, tôi cho rằng để bay bổng lên chín tầng mây cũng chẳng khó khăn, tốn kém là bao. Đâu có ghê gớm như người ta thường bàn tán!   
Ở lâu lâu, tôi được ông Quang quý hóa, coi như người thân trong nhà. Nhớ nhất là cái tết năm ấy, do được nghỉ dài ngày, mọi người đều về cả, tới mồng năm mới phải đi làm. Trở lại làm việc, tôi được ông Quang để dành cho một bát tiết canh làm từ hôm ba mươi tết trên ban thờ nhỏ sát tường.
Mới trông thấy bát tiết canh tôi đã sợ toát mồ hôi hột, nói dối rằng từ bé chưa từng ăn được tiết canh, lại nói rằng ăn tiết canh sẽ bị dị ứng, nhưng không thể từ chối lòng yêu mến của ông chủ nhà tốt bụng “một cách không thể từ chối được”. Ông cứ ép đi, ép lại mãi, đến lúc biết không ăn, không được, tôi đành làm một ngụm rượu rõ lớn rồi nhắm mắt, nuốt lấy được bát tiết canh. Thực ra thường ngày, tiết canh là “món khoái khẩu” của tôi, nhưng “nuốt trôi” được bát tiết canh đã để từ sáu ngày trước thì quả thật là “phi phàm”. May mà không xảy ra chuyện gì. Sau hôm đó cái bất ngờ lớn nhất là ông Quang nhất định nhận tôi làm “anh em kết nghĩa”!  
Thế rồi cũng phải “trình làng” với mấy anh em cùng phòng một bữa túy lúy.
Tuy là làng nghèo, nhưng phong cảnh lại rất đẹp. Cạnh làng là một khu vườn rộng trồng khuynh diệp và sau đó làng để cơ quan làm nhà cho cán bộ công nhân viên ngay trong khu vườn đó.
Cạnh làng có một dòng suối nhỏ trong vắt uốn éo chảy qua, chỗ sâu nhất cũng chỉ hơn một mét, nơi hằng đêm bọn tôi lôi nhau ra tắm táp, nô nghịch thỏa thích, kể cả những đêm lạnh nhất giữa mùa đông. Bây giờ nhớ lại thì lại bảo nhau rằng mùa đông năm ấy không lạnh lắm, nhưng ai cũng hiểu rằng mọi người lúc ấy còn trẻ, còn rất trẻ, mà cái sức nóng của tuổi trẻ đã coi cái giá lạnh của mùa đông không là gì!
Làng có một cái trại nhỏ ngay gần đó trồng rau gọi là Trại Cúc. Đi bộ mất dăm phút là tới. Bên trại này có vỡ ít đất màu trồng rau, chủ yếu là rau cúc, cũng chỉ có dăm ngôi nhà tranh nho nhỏ.
Sau do chật chội, cơ quan chuyển một số phòng sang bên Trại Cúc làm việc. Tất nhiên mấy phòng chính, phòng lớn và bếp ăn tập thể vẫn phải để bên Bắc Kế.
***
Hai năm sau khoảng năm 1968, tôi được Viện cử đi dạy lớp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tại chức tận Quế Võ, thuộc Hải Dương, cách Hà Nội khoảng bảy, tám mươi cây số, cách Bắc Kế cũng cỡ trăm cây.
Mấy năm sơ tán về cái làng nhỏ bé này, tôi đã có bạn gái. Đó là một cô nhân viên phòng Can In, quê tận Hà Nam. Cứ chủ nhật tôi đạp xe từ Quế Võ về Bắc Kế với cô bạn gái quê mùa của mình. Có lần trên đường gặp mẻ cá ngon, tôi mua rồi treo lên ghi-đông(2) xe đạp. Tới nơi mới biết bạn đã về Hà Nội họp Đoàn. Thế là tôi lại đạp xe về Hà Nội. Đến Hà Nội mới biết cuộc họp đã kết thúc mấy tiếng trước, cô ấy đang trên đường lên Bắc Kế. Lại đạp xe ngược lên Bắc Kế… Tính ra ngày hôm đó tôi đã đạp xe trên hai trăm cây số như một cua-rơ(3) đường dài chuyên nghiệp! Mẻ cá tươi trên ghi đông xe đã khô quắt, thành mẻ cá khô!
Bây giờ lắm lúc tự hỏi chả biết hồi ấy lấy đâu ra nhiều sức lực thế? Có lẽ là nhiệt tình, nhưng có lẽ là tuổi trẻ thì đúng hơn! Chứ như bây giờ thì chỉ cần đi lại dăm cây số thôi là lập tức “đầu hàng vô điều kiện”!
***
Trong thời kỳ sơ tán về đây đã xảy ra một việc cực kỳ lạ lùng. Phòng Y Tế cơ quan có ba, bốn người, ông Linh Y sỹ là trưởng phòng. Ông là một người chững chạc, được đào tạo trường lớp tử tế, giỏi nghiệp vụ và có uy tín trong cơ quan lúc bấy giờ. Tất nhiên ông phải là Đảng viên rồi.
Bỗng mấy ngày liền ông bị sốt cao đến mê sảng, luôn mồm cầu xin ai đó đừng giết mình.
Không ăn uống chút gì và luôn mồm lẩm bẩm:
- Xin tha cho tôi. Tôi còn vợ con và cả mẹ già đã trên tám mươi. Xin hãy buông tha cho tôi!
Những ngày ấy người trong phòng Y tế không ai làm gì được việc gì, cứ phải phân công nhau chăm sóc, trông chừng ông. Sau thấy không thuyên giảm, họ bàn nhau phải đưa ông Linh về Hà Nội chữa trị.
Đùng một cái, ông Linh biến mất. Sáng ra không thấy đâu.
Tìm khắp nơi chẳng ăn thua gì, chả lẽ cơ quan lại phải đi báo Công an để tìm người ốm mất tích!?
Tối ấy, sau giờ làm việc, bọn tôi kéo nhau ra suối tắm như thường lệ, thì một cậu quờ phải một người nào đó nằm dưới đáy.
Vớt lên thì là ông Linh.
Ai cũng cho là ông sốt mê sảng đã mò mẫm ra suối tắm, chẳng may sẩy chân chết đuối.
Cơ quan làm thủ tục rồi cử người về quê đón gia đình ông lên để làm lễ mai táng. Ai cũng bùi ngùi và cảm thông với gia đình người xấu số.
Việc ấy rồi cũng đã dần dần chìm xuống.
Nhưng bốn, năm ngày sau đó, bỗng thấy một xe Com-măng-ca(4) chở năm, sáu đồng chí Công an đến làm việc với lãnh đạo.
Người ta cho khai quật mộ ông Linh lên để xét nghiệm. Thời kỳ này cơ quan bận nhiều việc lắm, ngày đêm phải “vắt chân lên cổ” để thiết kế đảm bảo giao thông do giặc đánh phá chủ yếu vào cầu đường.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là phong tục tập quán ở địa phương coi việc đào mồ lên là việc rất kiêng kỵ, chưa từng xảy ra bao giờ.
Nhưng lúc bấy giờ Công an với Bộ đội muốn làm gì mà chả được! 
Là nhân viên mới của cơ quan, nên suốt từ sáng sớm tôi đã phải vác súng đứng gác cho kíp(5) mổ. Cũng chẳng biết làm thế nào, cơ quan đã giao việc, thì cái gì mà chả phải chấp hành.
Dù đã khôn lỏi, đốt mấy nắm hương thật to, căm tứ tung quanh vị trí giải phẫu và chọn đứng phía đầu gió, nhưng xác đã ngâm nước hai ngày lại chôn xuống đất dăm ngày nữa, nên đã phân hủy sâu. Mùi hôi thối nồng nặc, bốc ra xung quanh hàng dăm chục mét, một mùi hôi thối thật khủng khiếp, không thể tả được mà từ bé tôi chưa “được thưởng thức” bao giờ.
Bữa trưa đó nhà bếp nấu cơm đặc biệt để bồi dưỡng cho mấy thằng gác xác mà không thằng nào nuốt được, mặc dù trông thấy cái ăn ngon cũng thèm lắm.
Lúc đó tôi đứng ngay cạnh viên sĩ quan phụ trách kíp mổ. Anh ta vừa quan sát vừa đọc cho một cô cảnh sát trẻ ghi chép biên bản. Dù đã tốt nghiệp ngành công an mà cô này cũng nôn thốc, nôn tháo ba, bốn bận, ra cả mật xanh, mật vàng trông rất tội nghiệp. Lúc ấy tôi cũng còn trẻ, mới hai sáu, hai bảy, tai còn thính lắm nên nghe gần như trọn vẹn biên bản ghi về cái chết của ông Linh.
Thì ra ông ta bị giết, chứ không phải chết đuối như mọi người đã đoán lúc trước. Kết hợp với những lời van xin tha mạng thốt ra lời của ông trước khi bị giết thì đến chín chín phần trăm đúng là án mạng!
Nhưng vì sao ông Y sỹ Linh lại bị giết? Ai đã giết ông, để làm gì? Không ai biết thực hư. Hỏi ai bây giờ? Mà ai người ta nói cho mình biết. Thế là mười đồn trăm, trăm đồn nghìn. Người nào cũng tự tưởng tượng ra một câu chuyện mà mình cho là hợp lý, rồi kể lại với người khác y như mình đã “tận mắt thấy, tai nghe” vậy.
Chỉ biết lãnh đạo cơ quan lại thì thầm ra lệnh cho kíp gác xác là ban đêm không được đi đâu ra ngoài một mình, có việc buộc phải ra ngoài thì phải đi vài ba người cầm đèn đuốc đàng hoàng. 
Tôi lại còn được cơ quan phát cho một khẩu súng trường cổ của Pháp mà có lẽ nó được sản xuất từ lúc Nã-phá-luân(6) còn cởi chuồng! Đồng thời cử thêm anh Trần Hải một cán bộ Miền Nam tập kết, to con đến ngủ chung cho chắc! Nhưng sau đó anh ta “nêu lý do” là có một số việc đang làm dở(!) không sang ngủ chung được. Có lẽ thằng cha này sợ “đầu chả phải, phải tai”, nên đã viện cớ từ chối khéo!
Cũng có lẽ do mọi người đã thần hồn, nát thần tính(7), người này dọa người kia, hoặc tự mình dọa mình, thành ra không khí trong làng, ngoài ngõ cứ căng lên như dây đàn đã được lên dây hết cỡ.
Tôi nghĩ rằng khẩu súng cổ không có đạn này thì có tác dụng gì, nên không nhận. Nhưng lệnh là lệnh, cứ phải cầm lấy, lại còn phải ký nhận vào sổ nữa chứ. Biết chuyện này ông Quang nằng nặc bắt tôi gối đầu giường một con dao phay to rất sắc. Tôi đành chiều ông vậy. Tối ấy trước khi ngủ tôi đã cố tình để ghế lung tung, nếu không quen vào nhà tối mò mò thế này, thế nào cũng xô đổ ghế, phát ra tiếng động.
Tôi đã ngủ được một giấc thì nghe thấy tiếng kẹt cửa nho nhỏ. Từ nhỏ tai đã thính như tai chó, nên tôi thức dậy ngay. Thầm hỏi sao chó trong nhà lại không sủa?! Như vậy đây là người quen rồi! Mở mắt nhìn mờ mờ trong tối thì thấy một bóng đen to lớn đang len qua các hàng ghế rất khéo léo mò vào phía giường tôi nằm không một tiếng động. Tôi hoảng sợ thật sự nghĩ rằng những điều cơ quan đã cảnh báo phải đề phòng là không thừa.  
Tôi nhẹ nhàng, ngồi dậy phía cuối giường thủ thế, tay cầm chắc con phay giơ lên sẵn sàng bổ xuống kẻ “đột nhập nguy hiểm” kia!  
Bóng đen nhẹ nhàng kéo màn phía đầu giường. Đích thị nó muốn chẹt cổ mình đây mà! Không thể chần chừ được nữa!
Tuy nhiên từ bé tôi chưa chém ai bao giờ thành ra cứ đắn đo nửa “hạ thủ”, nửa không. Cuối cùng sợ hãi quá tôi đã hét tướng lên trong đêm vắng:
-   Ai? Ai???
-   Tôi đây, tôi đây, Hải, Hải đây!!!
Thì ra là anh Hải. Tiếng hét của tôi đã làm cho vợ chồng ông Quang bật cả dậy. Đèn được thắp lên hai, ba cái, sáng trưng. Tôi vẫn giơ con dao mà người run lên bần bật.  
Tôi sẵng giọng, hỏi:
-   Có việc gì mà giờ này anh lại sang phòng làm việc thế?
-   Mai mình có việc về Hà Nội sớm, sợ không báo kịp cho cậu.
-   Sao không gọi hay lên tiếng. Nếu tôi bổ một nhát vào đầu thì anh sẽ ra sao hở?
-   Mình lên tiếng, sợ mọi người mất ngủ! Cũng may mà cậu chưa bổ…
-   Anh làm thế này thì mọi người ngủ được à?
-   Ừ, mình sơ ý quá! Mình xin lỗi!
Về sau hỏi lại thì chẳng phải chỉ mình tôi run đâu, mà vợ chồng ông Quang ngủ trong buồng cũng còn run đến sáng!
Chuyện ấy rồi cũng dần chìm xuống, nhưng nó lại biến tướng thành một câu chuyện khác hẳn:
- “Anh Trần Hải nửa đêm mò vào chỗ ngủ của tôi. Bị bắn một phát đạn văng mất “bìu khiu” phải đưa về Hà Nội cấp cứu ngay đêm đó”.
Mọi người không ai dám hỏi han gì, nhưng cứ lấm lét nhìn tôi dò xét.
Mãi sau có một cô cấp dưỡng bạo miệng nhất ở cơ quan rụt rè hỏi:
-   Em hỏi khí không phải, hôm nọ có phải anh đã bắn văng mất của anh Hải…
-   Cho chết, ai bảo nửa đêm mò vào giường tôi định…
-   Định làm gì hở anh???
-   Còn định làm gì nữa!?
-   Eo ơi! Sao lại ghê thế nhỉ??? Nhưng mà anh Hải định làm gì hở anh???
-   Làm, làm cái con khỉ. Cô chưa biết chuyện gì mà đã eo ơi hả? Nếu có chuyện nổ súng trong đêm thì mọi người phải nghe thấy chứ! Thế đêm qua cô có nghe thấy tiếng nổ nào không?
-   Không! Em tưởng em ngủ say không nghe thấy. Thế anh Hải không sao chứ ạ?
-   Súng có đạn đâu mà nổ! Anh Hải vẫn còn nguyên vẹn, được chưa nào!? Mà này sao cô lại quan tâm đến anh Hải nhiều thế?
-   Bao giờ? Em thèm vào quan tâm đến anh ấy!
-   Nhưng nếu tôi bắn văng …của anh Hải thì cô có bắt tôi đền không?
-   Phải gió cái nhà anh này nữa! Nói xong cô ta bịt mồm lại cười khinh khích rồi lúc lắc chạy đi.
Cái mông cứ ngoáy đi, ngoáy lại trông thật là ngoạn mục.


Hà Nội, 2017.

(1)   Mấn: cái váy (từ cổ)
(2)   Ghi đông: (Guidon: tiếng Pháp): tay lái, ghi-đông xe đạp
(3)   Cua-rơ: (tiếng Pháp: Coureur): Vận động viên đua xe đạp
(4)   Com-măng-ca: (tiếng Anh: Command-car) - xe dã chiến quân sự loại nhỏ.
(5)   Ê-kíp: (Équipe: tiếng Pháp) nhóm người cùng làm chung một nhiệm vụ với nhau.
(6)   Nã-phá-luân: Napoléon Bonaparte (15-08-1769 mất 05- 05- 1821): Hoàng đế Pháp vĩ đại nhất. Được mọi người tôn vinh là Hoàng đế của các Hoàng đế.
(7)   Thần hồn nát thần tính: nỗi lo sợ quá cao làm mình hoảng hốt tăng lên.  


tháng 10 16, 2017

Khi cháu mới tròn một tuổi


Chùa cổ Trấn Quốc - Hà Nội


Trong trắng


Cô gái lo xa

Đức là kỹ sư vừa tốt nghiệp, được phân về thực tập ở Đại học Bách Khoa Thái Nguyên. Mới hai tư, hai nhăm, người Hà Nội, đẹp trai, lại là con nhà khá giả, nên Đức thường tỏ ra sành điệu trong mọi việc.
Riêng chuyện ăn chơi và tán gái thì cậu ta được xếp vào loại “số dách”(1).
Cả phòng đều chiều Đức, bởi không chỉ vì cậu ta đẹp đẽ, cao ráo mà trong giao tiếp cậu ta luôn biết cách ứng xử, hào phóng, lễ phép với người lớn tuổi, biết chiều chuộng phụ nữ và đặc biệt với mấy em nhỏ tuổi thì cậu chăm sóc chu đáo như em mình ở nhà vậy.
Phòng này cũng khá đông nhân viên, đến hơn hai chục người chứ không ít, phụ nữ lại chiếm đa số. Những “kẻ muốn bắn hạ” Đức cũng phải tới bốn, năm cô. Ai cũng sở hữu “những chiêu cực độc” và luôn được “bảo mật tới cùng”.  
Đức không phải không biết, nhưng thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo thành số phận đúng như một nhà hiền triết nào đó đã nói, nên anh vẫn không muốn thay đổi lối sống đã quá quen thuộc của mình. Mà chính cái đó nó cũng làm cho cậu ta nẩy sinh ra “sự kiêu hãnh ngầm” “cái sướng âm ỉ” của những kẻ được nhiều người “rình bắn”.  
Với lại “việc đếch gì” phải thay đổi “cái đếch gì” cơ chứ!
Trong “đội nữ xạ thủ” của phòng thì Loan là được mọi người gọi vui là “Chung Vô Diệm”(2) tái thế.
Phải nói công bằng là cô quả có xấu hơn các bạn, nhưng Loan lại được trời bù lại cho cô trí thông minh hơn người. Năng lực làm việc nổi trội. Việc gì khó, hoặc là việc trọng điểm của phòng đều được giao cho cô giải quyết. Chưa lần nào phòng phải ân hận vì đã quá tin tưởng khi giao việc cho cô.
Ngoài ra những việc mà phụ nữ thường “độc quyền” như nữ công gia chánh, thì cô lại là một chuyên gia. Những khi phòng có tổ chức liên hoan, liên hỉ hay Tổng Công ty tổ chức “Thi nấu ăn” để kỷ niệm ngày trọng đại nào đó, bao giờ Loan cũng được phòng giao cho làm “sếp”(3) chỉ huy cả một dàn “đầu bếp”.
Nhưng nói đến Loan thì ưu điểm nổi bật của cô lại là sự khiêm tốn, thường nhường nhịn đồng nghiệp. Đặc điểm này khiến người ta tự nhiên coi Loan là bà chị ngoan hiền của cả phòng. Các bác lớn tuổi đều rất quý hóa và thương cô.
Đã luống tuổi rồi mà Loan vẫn chưa được chàng trai nào nhòm ngó tới thành ra cũng tỏ ra lo lắng, nhưng biết làm sao được!
Đức trở thành thần tượng quá tầm” đối với cô. Nhưng ao ước vẫn làm cô luôn trăn trở, bởi ước ao bao giờ chẳng là những giấc mơ đẹp đẽ luôn làm ta muốn sống hơn, nhìn đời đẹp đẽ hơn.   
Thế rồi “đúng như ông trời sắp đặt”. Một ngày mọi người phải lên họp tại hội trường của Tổng Công ty, chỉ còn lại Đức là thực tập sinh ngoài biên chế, mà phòng cũng phải có một người trực. Tình cờ Loan được Lãnh đạo chỉ định ở lại.
Đến trưa, Đức đi mua cơm hai người cùng ăn.
Trong khi ăn Đức thấy Loan tỏ vẻ buồn bã bèn hỏi han qua loa cho có chuyện:
-   Có chuyện gì mà cô Loan buồn buồn thế?
-   Không có gì đâu ạ!
-   Nếu có chuyện gì, nói ra để cùng chia sẻ. Biết đâu mình giúp được thì sao!
-   Thế anh Đức có sẵn sàng chia sẻ cùng Loan không?  
-   Hứa!
-   Nếu nuốt lời thì sao…?!
-   Đứa nào nuốt lời sẽ chết lòi “tù và”(4) ra!
-   Không được nuốt lời đấy nhé!
-   Ừ!
-   Đức ạ, mình xấu xí quá, không có ai lấy. “Ế bền vững” thế này khi về già trông cậy vào đâu được!
-   Ai bảo là Loan ế?
-   Con gái đã hai bảy, hai tám rồi, chưa có ai lấy, chẳng ế thì còn là gì nữa?
-   Rồi thế nào cũng có người hiểu, yêu Loan, lấy Loan! Chỉ là chưa gặp mà thôi.
-   Phụ nữ sinh nở có thì. Mình chỉ muốn xin ai đó một đứa con sau này về già còn có nơi nương tựa. Không có chồng thì mình cũng vẫn có thể chịu đựng được.
-   Làm gì phải lo xa đến thế?
-   Điều này nói ra sẽ làm Đức khó xử, Đức có chịu nghe không?
-   Nếu việc đó trong tầm tay, mình hứa sẽ vì Loan mà làm bằng được!
-   Thật thế chứ?!
-   Xin hứa!
-   Nếu thế mình sẽ không loanh quanh nữa. Mình mong Đức thương mình, cho mình xin một đứa con. Mình sẽ mang ơn Đức suốt đời!
-   Nhưng làm thế sao được!?
-   Đấy, biết ngay mà! Nói xong Loan quay đi ôm mặt, thút thít.
Đức cuống lên an ủi:
-   Đừng khóc nữa, người ta không biết lại cho là mình làm gì Loan!
-   Đức mà làm gì mình, thì đã tốt!
-   Muốn Loan nín thì phải làm thế nào bây giờ?
-   Cho Loan xin một đứa con!
-   Làm thế nào bây giờ!? Đức ngượng ngùng hỏi lại.
-   Cứ vào đây Loan chỉ cho.
Hai người dìu nhau vào căn phòng trong. Lúc lâu sau, khi hai người chưa kịp chỉnh đốn lại y phục ngay ngắn bước ra, thì mọi người đã tan họp ùa về.  
Họ soi mói nhìn sắc mặt với bộ dạng không tự nhiên của hai người. Năm, sáu cặp mắt hau háu dõi vào họ như dõi vào hai tên trọng phạm. Lúc này những “bạn cùng đội ngũ” với Loan bỗng trở thành những “cặp mắt cú vọ” đáng sợ.
Một cuộc họp đột xuất lập tức được triệu tập. Đồng chí trưởng phòng cũng được xếp vào hàng thủ lĩnh của “ê kíp”(5) ế toàn diện, ế bền vững, vì cũng đã trên ba mươi mà chưa có ai “sờ tới”, gay gắt lên án:
-   Sao lại có chuyện tồi tệ như vầy xảy ra tại phòng ta cơ chứ?
-   Tôi cho là không nên phóng đại, thổi phồng sự việc lên, vì nó chả hay ho gì! Một bác có tuổi dàn xếp.
-   Việc như thế mà bác chưa cho là quan trọng hay sao?
-   Mà đã biết là chuyện gì xảy ra đâu? Bác già đặt câu hỏi nghi ngờ.
-   Hai năm rõ mười rồi còn phải xem xét cái nỗi gì nữa?
-   Chị cho là việc gì?
-   Hai người này vừa hủ hóa với nhau!
-   Chắc chắn chưa?
-   Đúng đấy, chúng tôi đã vừa “ngủ” với nhau! Đột nhiên Đức lên tiếng công nhận.
-   Ngay tại phòng làm việc, ngay trong giờ hành chính?!
-   Chúng tôi chỉ sai ở điểm ấy. Vì việc xảy ra ở phòng làm việc, nhưng vào giờ nghỉ trưa. Xin nhận khuyết điểm.
-   Thế còn tội “hủ hóa” với nhau? Trưởng phong hỏi.
-   Trai chưa vợ, gái chưa chồng, ngủ với nhau, có gì là sai? Đức nhâng nhâng.
-   Sai “đứt đuôi con nòng nọc” rồi còn cãi bậy được à! Trưởng phòng lớn tiếng.
-   Sai, vì họ chưa xin phép tổ chức chứ gì? Một bác già hỏi.
-   Đúng quá đi rồi!
-   Xin Trưởng phòng giải thích rõ sai ở khâu nào! Bác già vẫn chưa tha.
-   Phải đăng ký kết hôn, phải tổ chức cưới xin đàng hoàng! Rồi sau đó mới…chứ.   Trưởng phòng dẫn giải.
-   Nhưng chúng tôi không muốn đăng ký, không muốn tổ chức, chẳng lẽ không
có quyền quan hệ với nhau à? Đức lại lên tiếng.
-   Đúng thế, vì ai đã cho phép?
-   Lại phải xin phép mới được…à?! Đức vặn lại.
-   Thật là vô tổ chức! Trưởng phòng dằn giọng.
-   Thế chả lẽ, chưa có người cho phép thì không được…nhau à?
-   Còn ra cái thể thống gì nữa cơ chứ? Trưởng phòng than vãn.
-   Luật pháp nào có cấm là chưa đăng ký kết hôn thì không có quyền “ngủ” với nhau đâu nhỉ? Đức hỏi tưng tửng.
-   Luật pháp chỉ công nhận sau khi có đăng ký kết hôn, mới được mọi người công nhận là vợ chồng! Là vợ chồng mới có quyền…Trưởng phòng giải thích.
-   Chưa đăng ký mà “đã ngủ” với nhau có cho là vi phạm pháp luật không nhỉ?
-   Điều ấy mà còn phải hỏi à? Vi phạm pháp luật rành rành ra đấy, còn gì?!
-   Xin chỉ cho tôi biết tôi đã phạm vào điều mấy trong Bộ Luật nào, cơ quan nào ban hành, ở đâu, năm nào, tháng nào?
-   Luật thì chưa ban hành. Nhưng không thể “cùn” như thế được!
-   Vậy ghi vào biên bản là tôi đã vi phạm vào những điều luật chưa được ban hành! Đức vẫn không chịu nhũn.
Từ chỗ cuộc họp rất căng thẳng dần chùng xuống do những câu đối thoại cứ “ngang như cua bò” thế nào ấy! Mọi người bắt đầu không còn trật tự như trước nữa. Bỗng Loan đột nhiên đứng dậy xin phát biểu.
- Dạ, thưa hội nghị, việc này là do một mình em gây ra. Em đã gạ gẫm và gần như cưỡng ép Đức phải quan hệ với em. Lý do là gì à? Là vì em là một cô gái xấu xí, không ai lấy. Em cũng đã lớn tuổi, sắp qua thời kỳ sinh nở rồi. Em không muốn như câu ca xưa của các cụ để lại: - “Cây khô không lộc, người độc không con”. Sau này về già biết trông cậy vào đâu? Việc này chỉ mình em có lỗi, em xin lỗi cả phòng! 
- Nhưng cô cũng phải “xếp hàng” theo thứ tự chứ! Một bác già chen vào giọng vui vui. Phòng ta có phải chỉ mình cô ế đâu, tối thiểu thì mấy cô cũng phải “oẳn tù tì” với nhau đã chứ!
Thế là cuộc họp vỡ òa trong tiếng cười, không ai còn giữ gìn gì nữa.    

Hà Nội, 2017.

(1)   Số dách: Phương ngữ: hạng nhất.
(2)   Chung Vô Diệm: (chữ Hán: 鐘無艷; bính âm: Zhōng wú yàn, không rõ năm sinh năm mất) tên thật là Chung Li Xuân (鍾離春), người đất Vô Diệm (nay thuộc phía đông huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông Thường gọi là Chung Li Vô Diệm, bà là Vương hậu của Tuyên Vương Điền Tịch Cương (田辟彊) nước Tề.
    Chung Vô Diệm là người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử, được mệnh danh là một trong Ngũ xú Trung Hoa đến 40     tuổi vẫn chưa chọn được người chồng vừa ý. Bà ta tuy xấu nhưng thông minh tài trí hơn người, là nữ chính trị         gia tài giỏi.
(3)   Sếp: Chief: người chỉ huy (tiếng Anh)
(4)   Tù và: Dạ dày
(5)   Ê-kíp: Équipe (tiếng Pháp): đội  

tháng 10 14, 2017

Hoa Quỳnh


Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm Sơn Tây


Sửa tóc


Đinh Xuyên

Trong trận máy bay Mỹ đánh hủy diệt vào Hà Nội hồi tháng 12 năm 1972, thì Viện Thiết Kế Giao thông, cơ quan hai vợ chồng tôi công tác sơ tán về làng Đinh Xuyên(1), huyện Chương Mỹ, lúc bấy giờ thuộc Hà Đông. 
Làng Đinh Xuyên là một làng nhỏ, nằm cạnh quốc lộ 21B, gần cầu Tế Tiêu đường ra Phủ Lý.
Mặc dù nó cách Hương Sơn chưa đến nửa dặm đường. Nhưng Đinh Xuyên không thơ mộng như câu hát:
“…Cách động Hương Sơn nửa dặm đường…
Có suối nước trong tuôn róc rách…
Có hoa bên suối ngát đưa hương…”

Ông Dũng trưởng phòng Hành chính, phân gia đình tôi đến ở nhờ nhà bà Ân. 
Đinh Xuyên là một làng quê giống như bao làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ: nghèo, tốt bụng nhưng còn mang nặng màu sắc của những tập tục cổ xưa lạc hậu.
Từ lâu làng đã có lệ bất kỳ ai đến nhà, ngay cả là người nhà, họ hàng đi nữa, vợ chồng cũng không được ngủ chung một nơi. Họ quan niệm rằng nếu người đến nhà mà ở chung, chẳng may vợ chồng “sinh chuyện” lỡ mang thai thì nhà chủ sẽ gập đen đủi, thậm chí còn “mất người nhà” để “bù lại con số” mà Nam Tào đã duyệt cho “từng hộ” dưới trần gian này!
Lúc bấy giờ tôi mới có cháu đầu lòng hai tuổi nên hai mẹ con nó được ở lại đây. Tôi thì phải đi ở nơi khác dành cho mấy ông đàn ông. Thế là cứ đến trưa và tối tôi lại về nhà bà Ân để ăn cơm. Ăn xong lại lặng lẽ về nơi quy định mà ngủ chứ không được ở lại với vợ con, dù trời hôm ấy có mưa, bão to đến mấy.
Nhà bà Ân cũng rộng rãi, mát mẻ, không đông người lắm, bà mới khoảng ngoài bốn mươi, còn ông thì đã “đi xa” lâu rồi, vợ chồng anh con cả khoảng hai mốt, hai hai cũng mới có một cháu bé trên một tuổi và thằng út mười ba, mười bốn.
Ngoài nghề nông năng suất thấp thì làng còn có nghề phụ là làm nón lá, giống như làm nón lá ở Chuông cách đó mấy cây số về phía Hà Nội, nhưng nghề nón ở đây kém sự tinh xảo như nón Chuông.  
Đàn ông, đàn bà đều biết khâu nón nhanh thoăn thoắt. Sơ tán gần năm nên các khâu như là lá, tẩy trắng lá, xếp lá lên khuôn, chằm lá tôi đều được xem đi, xem lại nhiều lần.
Ngoài nghề khâu nón, làng còn nghề cào hến trên sông Đáy ngay cạnh làng.
Quan sát chằm nón đã thấy thú vị lắm rồi, nhưng quan sát cào hến trên sông thì thấy còn thú vị hơn nhiều. Chẳng biết do dòng nước trên sông không chảy xiết lắm, hay do vị ngọt ngào của dòng nước, mà hến dưới sông ở đoạn này nhiều vô kể. Chỉ cần một con thuyền nhỏ, người chèo, người cào hến như cào bùn dưới sông mà loáng cái đã được lưng thuyền. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây những sản vật không thật quý hiếm nhưng rất thiết thực với đời sống thường ngày của họ.
Hến rẻ lắm, có khi còn xin nhau được vài bơ. Mua ở chợ hến đã sạch lắm rồi. Luộc ít nước, chỉ vài hào lửa(1), đem ra chậu nước đãi như đãi gạo. Bơ hến cũng được miệng bát ăn cơn ruột, nấu canh với mẩu bí đao hay vài quả su-su hoặc đem xào với củ hành thì thật tuyệt vời, ăn cơm vào lắm, mà lại có nhiều chất bổ không kém gì hải sản cả.
Chợ búa ở đây cũng rẻ hơn Hà Nội nhiều, nên ít lâu sau dân địa phương khó chịu nói với nhau:
- “Bọn sơ tán” đến đây, làm cho giá chợ tăng lên đến bực mình! Vì “bọn sơ tán” nói bao nhiêu họ cũng lấy. 
Tất nhiên người bán thì thích, nhưng người mua lại khó chấp nhận. Nhưng có ai đi chợ mà chỉ bán không mua, nên quanh đi quẩn lại vẫn thế thôi, chỉ có hàng hóa thì chạy hơn trước nhiều. Chợ sầm uất tấp nập hơn hẳn.
Sau đó ít ngày gia đình tôi dọn sang nhờ nhà cụ Bằng, vì cụ đã nói với cơ quan không đồng ý cho chị Hồng ở nữa.
Chị Hồng là phiên dịch Trung văn của cơ quan mà lại là một phụ nữ đẹp. Chả thế ngày trẻ ông Phúc Viện trưởng đã có thời chết mê, chết mệt.
Có lẽ ông trời đã cho ai sắc đẹp, thì lại bớt đi của họ sự khiêm nhường và chăm chỉ! Ở nhờ nhưng chưa bao giờ chị Hồng quét được cái nhà lại còn hay dưỡn dẹo, làm duyên, làm dáng quá đáng khi có mấy ông đàn ông đến chơi. Bà lão chủ nhà đã trên sáu mươi mà cứ phải xách nước về cho cô “sơ tán” ở nhờ còn trẻ, khỏe hơn tắm giặt thì “bố ai mà chịu được”!    
Theo dân làng kể lại thì cụ Bằng là một người đàn bà già cô độc và khó tính nhất làng. Thời xưa, cụ là một cô gái đẹp, nhà giàu. Kết hôn từ năm mười sáu tuổi với một doanh nhân thành đạt. Cụ chỉ sinh được một cô con gái. Lớn lên con gái cụ cũng kết hôn với môt người giàu có trong làng. Sinh cho cụ một thằng cu con bụ bẫm.
Ít năm sau cụ ông mất còn anh con rể lại phụ tình vợ, bỏ lên Hà Nội với nhân tình. Cô gái gửi con lại cho bà ngoại để lên Hà Nội bán buôn và hy vọng tìm gặp lại được chồng. Ở nhà chỉ còn lại một bà già lão, một cháu nhỏ dại mới bốn năm tuổi đầu, chẳng may cháu tha thẩn thế nào rơi xuống bể phân chết. Ở làng này, nhà nào cũng xây một bể phân, không mái, rất to, dùng trữ phân bón ruộng mầu. Mẹ cháu như điên, như dại và cuối cùng chết đuối ngoài sông. Thế là bà lão chỉ còn lại một mình trong căn nhà ngói rộng rãi, trống vắng. Đúng là một gia đình bất hạnh. Vì vậy ai cũng cho là bà già khó tính.  
Nhưng khi có ở mới biết, cụ là người rất nhân hậu và chu đáo.  
Sang ở nhà cụ Bằng được hơn tháng, một chiều đang ngồi ăn cơm với vợ con thì tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và rồi một quầng lửa từ trên cao rơi xuống ngay đỉnh đầu. Ngẩng nhìn lên biết không thể chạy kịp ra hầm ở góc sân nữa, tôi đành ngồi nép vào nhau chấp nhận cái khoảnh khắc kinh hoàng đang ập xuống. Nhưng chẳng hiểu sao lần ấy một nửa cái máy bay của Mỹ vào đánh Hà Nội bị trúng đạn rơi đâu mất một nửa đuôi, còn nửa đầu thì lạng về tận Đinh Xuyên mới rơi xuống. Khi hoàn hồn xem lại thì mảnh đầu máy bay này rơi cách chỗ chúng tôi chưa đầy mười mét, vào giữa khu vườn có cái miếu thờ Thần. Làm cháy chiếc nhà tranh nhỏ cạnh đó và giết chết một cháu bé mới mấy tháng tuổi nằm ngủ trong nhà.
Gần như cả cơ quan nghĩ là gia đình tôi đã bị xóa sổ, bèn đổ xô đến. Lúc thấy chúng tôi không sao mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau hôm ấy cụ chủ nhà bảo vợ chồng tôi ra thắp hương để tạ Thần. Cụ còn cho một búp hương và nải chuối trong vườn, nên cũng không phải ra chợ mua bán gì cả.
Có lẽ thấy thằng con nhỏ tôi bi bô, tập đi, tập nói mà cụ Bằng nhớ đến thằng cháu bất hạnh của mình nên đặc biệt yêu chiều nó.
Một lần cụ đang thắp hương trên ban thờ có để nải chuối chín. Thằng con tôi cầm tay cụ chỉ lên nải chuối rồi bi bô hỏi:
- Bà ơi, bà bầy cái gì trên ban thờ đấy?
- Nải chuối đấy cháu ạ!
- Thế có ăn được không hở bà?
Không ngờ bà lão cầm nải chuối xuống bẻ cho thằng bé mấy quả chín nhất. Vợ tôi kể lại, khi thấy thế đã sợ “tái mào”, và nghĩ rằng cụ Bằng sẽ đuổi không cho ở lại trọ nữa. Nhưng chuyện đó không xảy ra.
Một hôm ăn cơm tối xong thì trời đổ mưa sầm sập, tôi mặc áo mưa chuẩn bị về nơi quy định để ngủ, thì không ngờ cụ Bằng gàn lại nói:
-   Mưa gió thế này, bác giai ở lại đây mà ngủ với cháu cho khỏi ướt.
-   Dạ, cháu không dám.
-   Sao thế, tôi không kiêng thì ai vào đây mà cấm?!
-   Nhưng lệ làng…
-   Ối dào, người ta sợ chủ nhà gặp đen đủi chứ gì? Nhưng tôi đã già lão, đen đủi đến thế này rồi, còn đen đủi hơn thế nào được nữa?
Thế là tối ấy tôi được “đặc ân” ngủ lại với vợ con sau bao ngày bị “cách ly”. Và con cháu thứ hai cũng được “hình thành” từ đêm đó.
Khi yên hàn sau vụ B52 đánh phá vào Hà Nội, cơ quan tôi lại dọn về phố Hàng Bột cũ để làm việc, tất nhiên chúng tôi cũng phải bồng bế nhau về.
Lúc chia tay, cụ Bằng đã bế thằng con nhỏ của tôi khóc mãi mới trả cho mẹ nó, rồi bọc thêm nải chuối, gói cà, mẻ dưa muối vàng rộm. Thời kỳ sơ tán về đây nhà tôi mới biết muối cà, muối dưa rất ngon theo cách làm của cụ Bằng.
***
Đã hơn bốn chục năm qua đi, do bận rộn lo kiếm sống trên khắp các nẻo đường, thời gian và công việc cứ cuốn đi nhanh vùn vụt, không một phút nghỉ ngơi, không một giây yên tĩnh. Ký ức thi thoảng cũng hiện về, nhưng không cho phép tôi dừng lại. Mãi tới hôm nọ hai vợ chồng có việc đi về Hương tích, khi qua gần Đinh Xuyên, cũng có ý ghé thăm lại cụ Bằng, bà Ân, nhưng bà nhà tôi bảo:
-   Nếu còn, thì cụ Bằng phải trên trăm tuổi, bà Ân cững phải ngoài chín mươi rồi.
-   Làm gì đến thế!? Tôi cãi.
- Thì ông cũng đã tám mươi rồi còn gì nữa! Thằng con ông đã gần năm mươi thôi!
-  Ờ nhỉ!
- Thôi ông ạ, trong lòng mình vẫn còn nhớ đến những ân nhân cũ là được rồi. Mong các cụ thông cảm mà đại xá!

Hà Nội, 2017.
1- Đinh Xuyên: tên cũ là Đanh Xuyên 
2- Vài hào lửa: phương ngữ, có nghĩa chỉ đun sôi sục lên là được.