tháng 11 21, 2016

Thiếu nữ bên Hoa Sen


Bên bia Liệt sĩ quận Hoàng Mai - Hà Nội (có tên anh ruột)


Ngõ nhỏ


Những kẻ liều lĩnh

Lúc bấy giờ là mười lăm giờ không năm phút (15:05) chiều nay, ngày mười lăm tháng chín (15/09/2016) hai vợ chồng tôi chăm chú ngồi xem vở kịch nói “Tai Biến” phát trên kênh VTV1 do toàn các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam biểu diễn
Đến đoạn vai Trần Lâm (nhà báo), nói với bố là Trần Tiến (cán bộ cấp cao trong ngành Công an điều tra):  
- Anh Lưu đã lái xe cho bố mấy năm nay, anh ấy là con một đồng chí đã cùng vào sinh ra tử với bố ở chiến trường. Nay chỉ vì cái lỗi nhỏ là tham gia đánh bạc mà bị đuổi ra khỏi ngành, bố có thấy kỷ luật như vậy là quá nặng không?
- Dù quan hệ thân quen, thì kỷ luật vẫn phải chấp hành. Ông Trần Tiến trả lời.
- Nhưng con tin anh Lưu là một người tốt, là một người trung thực, một Hảo Hán(1) rất trọng nghĩa khí, thì không thể….
Lúc ấy bà vợ già tôi quay sang hỏi:
-   Thế Việt Nam ta “ra nhập” dân tộc Hán từ hồi nào thế ông?
-   Bà sao không hỏi Trung Ương lại hỏi lão này? Tôi thì làm sao biết được!
Đang đoạn mùi mẫn, nên tôi trả lời ấm ớ cho qua chuyện.  
-   Thế ông còn nhớ hôm mùng năm tháng chín (05/09/2016) vừa rồi. Trường Chu Văn An, một trường Trung học Phổ thông lớn nhất Hà Nội làm lễ khai giảng cực kỳ trọng thể. Trên cao treo một khẩu hiệu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây – Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” dưới đề tên tác giả Hồ Chí Minh. Thày trò hoan hỉ chụp ảnh kỷ niệm lại còn đăng lên mạng xã hội (Facebook) nữa. Chả hiểu vì sao mấy giờ sau đã thấy “lột bài” đó xuống không thấy xuất hiện lại nữa!
-   Hôm nào rỗi rãi để tôi đạp xe lên trường hỏi mấy thày cô Hiệu trưởng, Hiệu phó xem sao!
-   Thế sao con cháu ngoại ông lại nói, nó xem trên mạng thấy chính ông đã viết rằng tác giả của câu nói trên là của Quản Trọng, một mưu thần của Tề Hoàn Công thời Xuân Thu Chiến Quốc, và nguyên văn câu đó là:

“Kế sách một năm, không gì bằng trồng lúa.
Kế sách mười năm, không gì bằng trồng cây.
Kế sách trăm năm, không gì bằng trồng người”.
Lại còn chụp cả ảnh câu nói đó đưa lên mạng nữa.
-   Thế à? Nó bảo là chính tôi viết trên Facebook à! Sao tôi không biết nhỉ?!
-   Với tôi ông cũng “ấm ớ hội tề” thế à?
-   Đâu có, tôi có thể ấm ớ với thiên hạ thôi, chứ đâu dám ấm ớ với bà!
-   Thế tối nay ông có muốn ăn cơm hay không thì bảo để tôi khỏi nấu.
-   Sao lại không ăn. “Không ăn thì mẻ cũng chết” nữa là tôi!

-   Ông này tại sao nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên kịch lại có thể liều lĩnh viết bạt mạng, nói bạt mạng rồi đem diễn cho bao nhiêu người xem. Lại còn đưa lên chiếu trên Tivi là phương tiện truyền thông đại chúng, cho cả tỷ người khắp thế giới xem nữa mà không có ai duyệt để sửa sai nhỉ? Tôi chắc “những đồng chí Tàu” mà biết dân Việt ta đã tự nhận là người Hán thì họ phải bịt miệng cười và thốt lên: “Hảo, hảo lớ!”
-   Thế tôi hỏi lại bà, một trường Trung học Phổ thông lớn và uy tín nhất Thủ đô là trường Chu Văn An mà các thày, các cô còn không chịu học, không chịu đọc, cứ căng phứa một khẩu hiệu trương rõ to lên cao giữa sân trường. Vừa sai câu chữ, vừa sai cả tác giả thì còn dạy dỗ thế hệ sau thế nào?
-   Thế mới biết muốn nịnh bợ cũng khó phết, cũng phải có kiến thức và phải đọc nhiều sách vở ông nhỉ?
-   Chả nữa!

Hà Nôi, 2016.
(1) Hảo Hán: Người đàn ông Hán tốt, dũng cảm, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu.






Quản Trọng trong sách Quản tử, có nói:
"Nht niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Nht thu nht hoạch giả, cốc dã
Nht thu thập hoạch giả, mộc dã
Nht thu bách hoạch giả, nhân dã"
Tạm dịch:
"Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời, chi bằng trồng người.
Trồng một, gặt một, ấy là lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là người"

tháng 11 19, 2016

Bên hồ


Phố cổ Hội An - Quảng Nam


Tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát - Chùa Linh Ứng Đà Nẵng


Cái sừng tê giác

Tôi quen Tố qua một ông bạn học. Anh ta là con một “lão cách mạng”, mà trước kia đã từng “qua lại thân mật” với “đồng chí” Lê Đức Thọ “một trong tam, tứ trụ triều đình”. Vì vậy Tố được đi “du học” bên Nga gần chục năm trời.
Tôi có đến nhà chơi khi ông cụ còn sống. Ông lão là một người chân chất, hiền lành thuộc tầng lớp cùng đinh của xã hội, nghèo mà đi làm cách mạng, chứ không như một số người coi đi làm cách mạng như “một canh bạc” hay “làm một vụ áp-phe”(1)!    
Tôi hỏi ông:
- Gia đình ta có truyền thống hay đã được giác ngộ cách mạng từ sớm ạ?
Biết tôi cùng quê, nên ông bộc bạch:
-   Đâu có! Ấy là lúc có mấy “đồng chí” đến gặp, nói là đi làm cách mạng sau này sẽ sướng hơn. Làm ít mà được hưởng 
Hỏi:
-   Làm ít, mà hưởng nhiều. Lấy đâu ra cái chênh lệch đó?
Đáp:
-   Từ xưa mình làm mà chỉ được hưởng ít! Bọn “ăn trên ngồi trốc” cướp sạch! Làm cách mạng sẽ được phân phối lại.
Rồi ông cụ thật thà “thú nhận”:
-   Tin vào lời nói ấy mà đi cách mạng “chứ có giác ngộ, giác nghiếch” gì đâu!
Tôi thêm:
-   Nhưng trên thực tế thì một gia đình bần, cố nông như nhà ta, bây giờ đã thành một gia đình bậc trên của xã hội đấy thôi!
-   Ờ, mà cũng đúng, chả gì đến giờ gia đình cũng dư dả hơn trước nhiều. Nhưng cái lớn nhất là thằng Tố được sang Liên Xô học, nếu không cứ cả như tôi thì “một chữ bẻ đôi” cũng chẳng có!
-   Thế chả phải là đã phân phối lại hay sao?
-   Ừ, mọi cái đều đảo lộn cả! Con cái nhà nghèo thì được đi nước ngoài, còn bọn nhà giàu thì đến khốn khổ, khốn nạn!
-   Khi còn trẻ, cụ từng hoạt động cùng với “đồng chí” Lê Đức Thọ?
-   Làm sao mà cùng hoạt động với ông ấy được! Ông ấy thuộc gia tộc họ Phan giàu nhất nhì Nam Định, nhà có năm anh em thì đều được học hành tử tế. Còn nhà tôi đến khoai còn chẳng có mà gặm thì lấy gì ra để mà học với hành!?
-   Thấy anh Tố nói là “đồng chí” Thọ thường hay “qua lại” với cụ!?
-   À, là thế này, sau khi tiếp quản Hải Phòng, tôi được phân công về công tác ở Thành Ủy. Do ít chữ tôi được trên cho phụ trách Tổ chức, Hành chính.  
Lúc ông Thọ về Hải Phòng làm việc, tôi được trên giao cho việc sắp xếp các cuộc nói chuyện của lãnh đạo. Thế là gặp nhau, rồi nói chuyện. Khi biết tôi cùng quê, ông ấy có thân mật hơn. Chuyện ấy cũng bị bọn “ghen ăn, tức ở” cùng cơ quan đặt điều nói bậy là Cộng sản chúa là hay “lôi bè, kéo cánh”!
Có lần ông ấy đến thăm nhà và có hôm còn ở lại ăn cơm với cha con tôi nữa. Rồi tự yên tôi được đề bạt, chẳng biết có phải là ông ấy “có ý kiến” với Thành Ủy hay không? Nhưng thấy mọi người trong cơ quan tự nhiên cũng nể nể tôi hơn.
Chứ thực ra tôi làm sao mà “ đi lại” cùng ông ấy được!
Bây giờ tôi hiểu rằng Tố có “thần tượng” bố mình một chút cũng là phải.
Chả cứ ở phố, ở xóm, mà cả đến thành phố cũng phải nể cái gia đình “oai phong lầm lẫm” này!
***
Nói là Tố đi “du học nước ngoài”, nhưng có học được “cái con mẹ gì đâu”! Gần chục năm ở Liên Xô mà một câu tiếng Nga cũng không sõi.
Đã đành không viết được một chữ nào cho đúng, cho hoàn chỉnh. Nói cũng ba xí, ba tú (2) dăm từ cửa miệng như: xin chào, cám ơn, tạm biệt!(3)…
Tuy vậy ai cũng có mặt mạnh, mặt yếu, vì vậy mà mọi sự tồn tại trên đời đều có cái lý của nó. Tố cũng vậy, anh ta giống như một người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, chính xác hơn như một đứa trẻ chưa trưởng thành. Không học hành được, chẳng thu lượm được gì sau mười năm “du học”. Lại cũng không buôn bán được, vì vốn liếng lẫn mánh khóe cũng chẳng có chút gì. Nhân khi bố dù đã rất yếu nhưng vẫn còn sống, anh ta xoay sang làm một số việc lặt vặt như mai mối buôn bán bất động sản, cò mồi trong các vụ kiện cáo, tố tụng hoặc giúp ai đó tranh chấp tài sản, con cái. Nhưng cuối cùng cũng chẳng có nghề nào đậu được cả.
Cuối cùng anh ta xoay sang nghề nấu cao.
Nấu cao nói thì ngắn ngủn thế, nhưng thực ra không đơn giản tí nào. Đầu tiên phải có tiền, có nghề, có manh mối, biết nơi cung cấp xương động vật quý hiếm, vân vân và vân vân. Nhưng cái khó nhất là phải “vượt qua được rất nhiều cửa ải” mà các ban, bệ “kiểm cha, kiểm bố”, các quy chế, quy định của nhà nước đặt ra dày đặc và rối rắm. Cuối cùng mới là đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy anh ta cũng vào loại chịu khó lại nhờ cái tiếng tăm của bố, cái “uy tín” của bức ảnh to tướng chụp bố anh với “đồng chí” Lê Đức Thọ ngồi “đàm đạo” tại bàn nước gia đình. Ai nhìn thấy mà chẳng phải “kiêng nể” bảy, tám phần.
Thế rồi sau đó các loại cao đã lần lượt ra đời như cao khỉ, cao trăn, cao ngựa trắng và cả cao hổ cốt nữa.
Những xác hổ và các động vật để nấu cao từ mọi nơi tận Lào, Căm-pu-chia, Tây Bắc, tận biên giới được đóng gói đem về ngay sân nhà Tố để xẻ, để bóc tách, để phân loại. Bếp được chất ngay tại sân nấu luôn mấy ngày, mấy đêm liên tục. Các “đồng chí” ở phố, xóm làm gì chẳng biết! Họ cũng có đôi lần ghé qua nhà uống nước, được nghe thuyết minh, giảng giải về “quy trình” và các bước nấu cao.
Trong cao thượng hạng thì phải đảm bảo bao nhiêu phần trăm là xương hổ, bao nhiêu xương sơn dương, bao nhiêu là xương khỉ và cuối cùng là bao nhiêu xương rùa. Trong xương hổ có mấy chục cặp nhưng phải thật chú ý đến “cái mắt phượng” trên xương cẳng chân sau. Đó là cái xương quan trọng nhất, giá trị nhất. Mất cái này “coi như vất”, mẻ cao coi như “vô giá trị”.
Các “đồng chí” dân phòng, hộ khẩu có ghé qua nhà “tham quan” đều được hứa là sẽ có quà hoặc sẽ được mua cao với giá “nội bộ”. Do đó ai cũng niềm nở, ân cần. Mọi người cũng tự hiểu rằng với ngần ấy “hàng rào che chắn” cho những nồi cao này, thì “chẳng làm gì được nhau” đâu! Muốn “lôi thôi à”? Cũng chỉ “tổ thiệt thân”.
Tuy mới quen lại chưa được liệt vào loại thân thiết gì, tôi cũng được đưa vào “diện ưu ái”, hứa là sẽ được mua cao “với giá nội bộ”.
Khổ một nỗi, tôi sinh ra đã “ngang ngang” chẳng tin vào những điều “huyền bí”. Cái gì cũng vậy, chưa “mục sở thị”(4) thì có nói mỏi mồm cũng chẳng tin. Tại thời điểm đó giá một lạng cao hổ, cũng phải vài chục triệu xấp xỉ với giá một lạng vàng, thì quả thật “có trói vào mà đánh” tôi cũng “không thể nghe theo”, bởi từ nhỏ chưa được thấy và sờ vào một vảy vàng nào!?
Ít hôm sau, Tố đưa cho xem một cái sừng tê giác to như cái đấu, còn tanh ngòm mùi máu và nói đây là loại thượng hạng, mới được đưa từ Tây Tạng về. Cứ cân lên được bao nhiêu thì khách mua sẽ cân trả gấp đôi số lượng vàng bốn con chín. Tôi rùng mình mấy cái liền rồi hai tay trịnh trọng nâng cái sừng tê cỡ phải hơn ba cân tây lên ngang mày cẩn thận trả cho chủ nhân. Sau đó vội vã chùi tay vào quần ngoảnh mặt đi không dám liếc nhìn thêm lần nào nữa.
Công dụng của cao hổ cốt và sừng tê giác thì sống ngần này tuổi tôi cũng đã được nghe, được giảng giải nhiều rồi. Nào là mọi người ai ai từ bốn mươi tuổi trở lên cũng nên dùng cao hổ, lại tối thiểu phải có một mẩu sừng tê giác trong nhà, bởi vì nó có những tác dụng thần kỳ không thể kể hết được. Tăng cường thể lực, sức bền thì không nói làm gì. Nó còn đặc biệt có thể trị những căn bệnh mà Y học Thế giới bó tay, kể cả ung thư giai đoạn cuối hay bị chó dại cắn đã lên cơn. Đàn ông ai mắc chứng liệt dương, tức là cái bệnh quái ác “trên bảo dưới không nghe”, thì chỉ cần mài mẩu sừng tê giác ra cho uống một chút là lập tức lại “sung trận” không biết mệt! Bị ung thư giai đoạn cuối, đầu đã trọc lóc, cho uống chút nước mài sừng tê, cũng lập tức khỏi ngay, lại khỏe như trâu, tóc mọc lên tua tủa!
Tôi có lúc cũng đã bán tín bán nghi, nhưng dùng thì chưa bao giờ dám! Dễ hiểu thôi, tôi chả có bệnh tật gì, ngoài cái thói phàm ăn, ăn gì cũng thấy ngon, nằm đâu ngủ cũng được. Kinh tế lại vào hàng “hạng bét” thì lấy đâu ra tiền mà mua cao hổ với sừng tê!   
***
Hôm nọ có việc về Hải Phòng, tôi biết tin Tố bị trật đốt sống, vừa phải sang Sin-ga-po điều trị mất dăm trăm triệu, bây giờ vẫn chưa đi lại được bình thường.
Tôi ghé thăm mới biết hôm ấy đang đi bộ trên hè phố thì bị một cháu nhỏ đùa với bạn cầm chai nhỏ nước Lavie ném trúng vai. Thế là ngã lăn ra hè và bị trật đốt sống. Điều trị mấy tháng ở các bệnh viện trong nước vẫn không đỡ, đành mất hàng đống tiền sang Sin-ga-po chữa trị.
Tôi hỏi:
-   Hết cao hổ với sừng tê rồi à?
-   Còn đầy!
-   Thế trước kia không dùng hay sao mà mới bị chai nước nhỏ ném trúng vai đã trật đốt sống như vậy?
-   “Xài” thường xuyên! Của nhà “trồng được” ấy mà!
-   Ô, thế cao hổ với sừng tê chẳng có tác dụng gì à? “Bồi bổ” luôn mà sao vẫn dễ bị chấn thương như thế?
-   Có “thiên lôi” mới biết được!



   Hà Nội, 2016.

(1)   Áp-phe: Buôn bán, giao dịch kiếm lời không chính đáng. (Affaire: Tiếng Pháp)
(2)   Ba-xí, ba-tú: Pas si, pas tout: Ba phải, rằm cũng ư, mười tư cũng gật. (tiếng Tây bồi) 
(3)   Xin chào: Zđrat-vui-tre (Здравствуйте), Cám ơn: Spa-si-ba (Спаcиъo), Tạm biệt: Đa-svi-đa-nhia (Дo Свидания). (Tiếng Nga)
(4)    Mục sở thị: Trông thấy tận mắt