tháng 10 22, 2018

Cầu Long Biên


Nóc phố cổ Hà Nội


Góc vườn


Con mồi

Cư và Khải chơi với nhau từ lúc còn bé tí, thân nhau hơn cả anh em ruột.
Học cùng lớp từ trung học đến đại học, ra trường mỗi người mỗi ngả, nhưng vẫn gắn bó mật thiết, dăm ngày không gặp, không tin tức qua lại là không chịu được.
Nhưng các cụ thường chẳng bảo “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, đến anh em ruột cùng cha mẹ cũng chẳng thật giống nhau nữa là!
Cuộc đời có những lối rẽ khác nhau. Học xong đại học, Cư lớn tuổi hơn, cao khỏe hơn nên vào quân ngũ. Sau hơn mười năm chuyển sang Công an Hải Phòng, về hưu với cấp bậc Thượng tá, bố mẹ để lại cho ngôi nhà ngay mặt đường rất thuận tiện cho việc buôn bán.
Vậy mà cũng phải xoay lòng vòng từ một cửa hàng Photo copy nhỏ, đến buôn bán bánh kẹo rồi sau phát triển thành một cửa hàng lớn nhất phố.
Cư có hai con, lúc đầu thì hai đứa cũng đoàn kết, nhưng do xuất thân từ con cái nhà buôn, lấy đồng tiền làm thước đo cuộc sống, nên sau chúng chia rẽ, cuối cùng coi như thù địch không nhìn mặt nhau nữa.
Khải làm bên dân sự đến năm tư tuổi thì do cơ quan rất ít việc làm mà số năm công tác cũng đã xấp xỉ bốn mươi năm, nên về hưu với mức lương thấp nhất. Vợ ra chợ bán ốc luộc, chồng sửa xe đạp đầu đường, chật vật nuôi con và phải làm đủ mọi nghề để tồn tại. 
Khải và gia đình định cư tại Hà Nội nhưng nhà bố mẹ lại ở Hải Phòng, cạnh nhà máy Xi măng. Năm 1972 Mỹ ném bom đánh phá khu vực này thì nhà cửa tan nát cả.
Nhưng đúng là họa vô đơn chí tức là tai họa không chỉ đến có một lần. Nhà bị Mỹ phá sập, còn đất ở thì bị nhà máy Xi măng lấn ra chiếm nốt.
Từ năm 1993 Khải đã làm đơn khiếu kiện để đòi lại mảnh đất ấy. Nhưng cái cơ chế của nhà nước này giống hệt như con ba ba đã cắn vào đâu thì chỉ khi có sấm mới chịu há mõm ra (1). Khiếu kiện mãi đến hơn hai mươi năm sau mới được thành phố Hải Phòng và nhà máy Xi măng xét đến thửa đất bị chiếm giữ trái phép.   
Mảnh đất là của bố mẹ để lại nên Khải không quản công. Từ phường, xã đến quận, tỉnh, bộ này, tổng cục nọ, báo, đài từ địa phương đến trung ương. Tít trên cao tận Ban tiếp Công dân của Trung ương Đảng, không cửa nào không gõ, không vị La hán nào không thắp hương khấn vái.
Đơn từ và các loại công văn phúc đáp đã lên đến trên 200 lá, đóng lại dày như một quyển Từ điển Bách khoa Toàn thư đồ sộ. Kèm theo còn có các loại giấy tờ chứng nhận chính sách ưu tiên, nào là gia đình Liệt sĩ, cả nhà ai cũng có công với Cách mạng, Huân, Huy chương hàng vốc, thành tích hàng tệp.
Một anh trưởng Trưởng ban thời sự tờ tuần báo “Pháp Luật và Công Lý” khi được “khổ chủ” trình bày và cho xem tập hồ sơ đòi đất đã thốt lên:
- Tài liệu bác làm đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục hơn cả một luận văn thi lấy bằng Tiến sĩ ở Viện Đại học Ha-vớt(2) bên Mỹ!
Cô con dâu Khải đang công tác ở Đài Truyền hình Trung ương thấy bố chồng vất vả hàng hai chục năm trời kiện cáo mà chưa có kết quả gì, góp ý:
- Bố ạ, bây giờ không ai giúp không ai cái gì. Bố làm đơn khiếu kiện trình bày dù đầy đủ, dù thuyết phục, thì có đến cả trăm năm cũng không đòi được đất. Muốn được việc phải tìm xem chỗ nào họ chuyên lo, chuyên chạy việc này, rồi phải “móc hầu bao” ra mới có kết quả. Bây giờ bố đã già rồi, mà cũng đã kiện tụng trên hai chục năm, chỗ nọ truyền chỗ kia y như trên một sân bóng không có khung thành, chẳng may xảy ra chuyện gì, thì coi như công lao đổ xuống sông, xuống biển cả!
- Con nói có lý, nhưng đã hơn hai chục năm trời (từ 1993 đến 2013), bố vác đơn đi khiếu kiện, đến đâu người ta cũng đối xử nhẹ nhàng, cũng hứa hẹn để mình không hết hy vọng. Không một ai phũ phàng, không chỗ nào người ta phủi tay từ chối, đâu đâu cũng tỏ ra thật thấu tình đạt lý. Nhưng tiến trình giải quyết công việc cứ “loanh quanh như chó mót ỉa”! Đi trọn một vòng rồi lại về chỗ xuất phát...!      
Bố thì già rồi, đã mệt mỏi rồi, con đang công tác ở một môi trường rộng lớn, thử tìm xem có nơi nào chuyên làm việc này, nhờ người ta lo cho vậy.
Ít ngày sau cô con dâu dẫn về một “chuyên gia” có vai vế hẳn hoi, ngoài việc chuyên môn ở Đài, còn làm thêm nghề tay trái là lo lót các vụ kiện tụng và tranh chấp dân sự.
Sau khi xem xét rất kỹ mọi hồ sơ tài liệu, anh ta nói:
- Việc này cháu nhận làm. Vì chỗ quen biết, cháu nói ngắn gọn thế này bác phải “thối lại” cho chúng cháu từ 20 đến 22% tổng số tiền bác được hưởng.
- Tôi đồng ý, nhưng vì đã về hưu, nên không có tiền ứng trước. Tôi xin thanh toán sau cho anh có được không?
Anh ta không nói gì, ngoảnh sang cô con dâu ông, chừng như hỏi ý.
Cô con dâu hiểu ra, vội nói:
- Em xin bảo lãnh việc này cho bố chồng em!
Công việc được tiến hành hơn tháng thì Cư biết chuyện. Cư đã rất nhiệt tình thuyết phục Khải giành lại việc trên để Cư làm với lý do bây giờ Cư đã về hưu rồi, cũng chuyên lo lót các vụ kiện cáo tranh chấp về dân sự.
- Ông thử nghĩ xem, nếu không có việc gì làm cho hết thời gian, mà tôi lại không biết viết truyện như ông thì chỉ còn nước ngồi đếm ngược đến ngày chết à?
Cư cũng đã nói rất hay, rất thuyết phục là sẵn có các mối quan hệ với các quan chức địa phương và biết các cửa để chạy chọt, luồn lách!
Vì nể và vì họ đã chơi thân với nhau từ bé, nên Khải rút hồ sơ về đưa cho Cư.
Thế là sau hơn hai mươi năm Khải tự thân vận động, đến tháng 12 năm 2013, Cư vào tiếp quản hồ sơ, cùng bàn bạc và chạy “tiếp sức” với Khải.   
Chạy đôn, chạy đáo, luồn lách khắp các ngóc ngách, cũng phải mất mấy năm nữa để đi đến kết quả rất bèo bọt: đất mặt đường mà thành phố quyết định đền bù một triệu rưỡi một mét vuông. Chưa chịu, lại kiện cáo đến năm 2015, lúc bấy giờ đã quá chán trường và cũng đã quá mệt mỏi rồi, họ bàn nhau là chấp nhận với giá chín triệu đồng một mét vuông đất. Một căn nhả với diện tích tám nhăm mét vuông đất mặt đường mà chỉ được đền bù có tám trăm triệu đồng.
Khải cắt ra cho Cư hai trăm triệu, tương đương với 25% tổng số tiền được lĩnh.
Năm sau thì thửa đất được đền bù cho tái định cư là ba trăm triệu, Cư tự động trừ đi hơn một nửa là một trăm sáu chục triệu, tính gộp lại cả hai lần Khải chỉ được cầm bảy trăm bốn chục triệu, Cư lấy là ba trăm sáu mươi triệu tương đương với 33% (=1/3) tổng số tiền.
Khải đem tiền về không biết giải thích với vợ con ra thế nào! Nói thật ra thì sợ vợ hiểu lầm bạn, mà không nói ra thì ấm ức trong lòng thế nào ấy!
Cô con dâu Khải đem chuyện kể lại cho anh “Chuyên viên” thì anh ta nói:
- Ông lão số nhọ gặp phải tay nghiệp dư lại không biết việc, chạy không đúng cửa. Nếu vào tay anh ta thì lâu lắm cũng chỉ hơn năm và với thửa đất ấy, nằm ở vị trí ấy thì ông lão cầm chắc trong tay từ hai tỷ trở lên!
- Có thể là vậy, nhưng con cá mất bao giờ cũng là con cá to, vả lại nói lại chuyện đã rồi cũng chẳng giải quyết được việc gì. Khải đành an ủi con dâu như vậy.
Mãi sau khi biết mọi chuyện, vợ Khải mới kể lể với chồng rằng:
- Ở đời, những người lương thiện như chúng ta chỉ là con mồi cho thiên hạ. Ông cũng chỉ là một con mồi cho ông Cư bạn ông săn mà thôi!
Ai cũng nói tiền chẳng phải là tất cả, nhưng tiền lại là nguồn cơn sinh ra mọi chuyện, tiền là mục tiêu phấn đấu của hầu hết mọi người.
Từ khi lấy ông rồi quen biết ông Cư, tôi thấy hai người quá thân mật, quá quý hóa nhau, nên có nói gì ông cũng không nghe, không chịu hiểu.
- Gần như cả đời chơi với nhau mà tôi vẫn không biết hết được mọi việc! Khải ngập ngừng công nhận.
- Không phải chỉ có vụ cái nhà của các cụ để lại ở Hải Phòng đâu, mà từ lâu, rất nhiều việc ông đã bị ông Cư dẫn dắt, ông ta chỉ coi ông là công cụ để điều hành thôi!
- Thế sao tôi không biết!? Khải than lên với vợ.
- Cái vụ đi tiếp tế cho ông Hoàn phạm trọng tội hơn chục năm trước, ông Cư không dám đến mà “gí” ông vào. Ông chẳng bị giam trên Sở Công an Hà Nội suốt một ngày là gì? Khi ông Hoàn ở tù ra, đi thu thập tiền của mọi người để buôn thuốc phiện, đến hỏi vay tiền mình lúc đang sửa nhà rất ngặt nghèo, còn phải bán cả gói mỳ chính đi để góp nhặt. Hỏi lại ông Cư thì ông ta cũng đánh lừa mình nói đúng là vợ Hoàn đang ốm nặng, phải vay tiền bạn bè để đưa vợ đi mổ. Mình đã phải rứt ruột đưa cho Hoàn một triệu đồng tương đương với ba đồng cân vàng lúc bấy giờ. Trong khi ông Cư cho ông Hoàn có hai trăm nghìn, ông Lan cho ba trăm nghìn. Mà rồi ông Hoàn cũng lờ luôn tiền đã vay của mình không trả nữa.
- Bà có nói tôi mới nhớ dần ra - Khải công nhận Tại sao sau hơn mười năm đi tù ông Hoàn dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của ông Cư đã mất phăng bốn, năm cái nhà và gần như toàn bộ gia sản trị giá hàng nghìn lạng vàng. Cuối cùng từ một đại gia, phải ra xóm bụi ở một gian nhà xây gạch xỉ có mười mét vuông cạnh đường tầu hỏa, sống nhờ mẹt thuốc lá của bà vợ già ở đầu ngõ. Rồi cả cậu Hiển anh em nối khố cùng sở Công an với ông Cư, đã lên ăn ở tại nhà mình năm lần, bảy lượt, cũng quay lại trở thành kẻ thù không đội trời chung với ông ấy. Lê Đình Liêm bạn học Ngô Quyền, Đinh Thế Tế bạn học Bách Khoa, phấn đấu có tí chức vụ cũng đều được đưa “vào tầm ngắm” của Cư! Trần Đức Kỷ cũng không thèm nhìn mặt Cư bao nhiêu năm.
Bà vợ bổ sung:
- Lại còn vụ khi mình để lại cái nhà ở Cầu Giấy cho cô Thoa được bảy lạng vàng, sau khi sửa nhà trên Trương Định còn dư ra bao nhiêu, ông Cư lên vay nốt về cho vợ buôn bán. Nhưng sau này khi con Trang nhà mình ốm, xuống Phòng vay tiền để chữa bệnh cho con thì với lý do là vợ ông quản lý rất khó lấy tiền ra cho mình vay, mà có vay cũng quy đổi ra Đô-la Mỹ, chứ không cho vay bằng tiền Việt! Ông tự ái đã không vay nữa, ông còn nhớ không?
Rồi thật bất ngờ, vợ Khải một người đàn bà xuề xòa lại triết lý:
- Phải có một thứ gì đó trong ông ấy đẹp đẽ lắm, to lớn lắm, nó mới che lấp được mọi cái khác, che lấp cả tình cảm và lý trí!
Khải hỏi vợ:
- Bà nói cái ấy là cái gì mà lại có thể che lấp mọi thứ đi như thế?
- Tiền!!!
Rồi thủng thẳng bà ta nói tiếp:
- Đến chị em ruột ông ta, cũng bị ông ta chi một số tiền nhỏ để lừa ký vào một bản thỏa thuận là không đòi quyền thừa kế chia tài sản của cha mẹ để lại!
Cái di chúc mà ông ta viết sẵn gửi ông, phòng khi bất trắc ra đi đột ngột cũng chứng tỏ từ lâu ông ta coi tiền là “linh vật chí tôn” rồi!
Nhưng cũng phải nói cho công bằng rằng ông ta cũng “rất có năng khiếu chạy chọt, luồn lọt” chứ như người khác thì có muốn làm cũng chẳng biết làm thế nào!
- Chẳng hẳn thế đâu!
- Ông thì chẳng biết thế nào, chứ trong đời tôi thì thấy ông ấy là một người có thực tài trong khoản này!
- Hải Phòng là nơi ông ta sinh ra và sống cả đời thì nhất định là phải có mối quan hệ nào đấy, mà cũng toàn quen cái loại “cán bộ vét đĩa”, lèm nhèm, chứ chỗ khác thì ông ta cũng chỉ là con muỗi kẹ!
Đấy như vụ chạy cho bà nhà văn Võ Thị Hương đòi lại căn nhà 279 Cát Dài Hải Phòng. Bà ta sống vào  Sài Gòn đã lâu nên khôn hơn mình, lại khách quan, không có mối quan hệ nào với Cư nên đã khoán trắng 50/50.
Từ đầu bà ta đã chẳng phải động chân, động tay vào việc gì cả, ngoại trừ làm cái giấy ủy quyền cho Cư. Thấy một đống tiền to như thế thì ham, nhưng chạy đi, chạy lại từ Hải Phòng vào Sài Gòn, lại lên cả Hà Nội tốn hơn trăm triệu tiền túi, “hộc tốc, đốc gan” gần chục năm trời mà chẳng thu về được đồng xèng nhỏ nào cả!
Đằng này mình đã tự chạy hơn hai chục năm từ 1993 đến cuối 2013, Cư mới tham gia cùng mình có ba, bốn năm từ 2013 đến 2015 mà thân thẩn lấy đến 33% thì thật là “càng quen, càng lèn cho đau”! Đúng thực ông ta coi tiền là trên hết!   
Cuối cùng Khải buồn buồn nói: 
- Cũng chỉ có cách lý giải như thế mới “gỡ được hết thắc mắc” trong lòng!
Nhưng tôi vẫn tiếc tình bạn chơi với nhau thân hơn anh em ruột năm, sáu chục năm trời mà cũng bị đem ra đánh đổi bằng tiền, nỡ biến bạn chí thân của mình thành con mồi để săn thịt.


Hà Nội, 2018.

(1) Tương truyền rằng khi bị ba ba cắn thì khi nào có sấm nó mới nhả ra.
(2) Ha-vớt: Harvard University: một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới

tháng 10 08, 2018

Thơ tặng bạn đến chơi nhà


Bạn đến thăm nhà 

 (Tặng Phạm Gia Chúc & Nguyễn Trọng Hùng) 

 Bạn đến thăm ta tận hẻm sâu, 
Ngó đi, ngó lại, nói một câu: 
- Ừ, ở thế này cho "thoáng đãng", 
Sáng tác thơ văn nó mới "ngầu"! 

 Ngáp ngắn chán chê, lại ngáp dài, 
Đứng lên, ngồi xuống, chẳng thấy ai. 
Văn chương cũng "lỉnh" đi đâu mất! 
Đến lúc phải tìm mấy củ khoai! 

                                                                 Hà Nội, 2018.