tháng 10 06, 2020

Ngựa


 

Thơ ngây


 

Chậu Mai


 

Cô con gái của người thợ sửa ống nước


Khi người ta gom cả đám đánh nhau vào đồn Công an chợ Giời(1) để giải quyết, thì cũng phải có đến bốn, năm người. Người nào cũng tỏ vẻ hằm hằm, hung hãn.

Anh Công an trực ban sau khi ổn định trật tự thì giở quyển sổ ra để ghi biên bản. Lúc bấy giờ người ta mới chú ý đến những người bị bắt. Ba anh thanh niên tóc tai dựng ngược nhuộm đủ màu xanh, đỏ, có người còn cạo trọc lốc, mặt và cổ họ săm đầy những hình thù kỳ quái. Một người đàn ông trung niên, có vẻ là thợ cơ khí, tay chân nhọ nhem, mồm hơi méo cặp mắt sợ sệt luôn cụp xuống, bị đánh vỡ đầu, tay ôm chặt lấy vết thương vẫn còn rỉ máu, chỉ được bịt sơ sài bằng miếng vải nhỏ màu hoàng yến loang lổ. Cuối cùng là một cô gái đang lớn, cỡ mười lăm, mười sáu bị lột trần như nhộng, hai bàn tay xòe ra cố che đi bộ ngực còn trinh nguyên mà vẫn không sao kín được. Nước mắt tràn mi đang lăn dài trên má, miệng méo xẹo đi mà không sao khóc được!

Anh Thiếu úy trực ban còn trẻ măng, cảm thấy vô cùng bứt rứt, nhưng cố làm ra bộ trịnh trọng, dõng dạc nói:

- Áo xống cô đâu mà vào đồn ăn mặc thế kia, cứ nồng nỗng như chỗ không người, không thấy xấu hổ à?

- Dạ…dạ…

- Dạ, dạ cái gì?...

- Dạ,…các anh ấy không cho mặc ạ!!!

- Ai không cho cô mặc áo?

- Dạ, là các anh ấy ạ!...

- Bây giờ vào đây rồi, cô hãy mặc áo vào, không sợ gì cả!

- Nhưng các anh ấy lấy mất áo rồi ạ!

Anh Công an xẵng giọng hỏi mấy thanh niên:

- Các anh, ai lấy áo của cô này?

- Dạ, không ai cả!

- Sao lại không ai lấy mà cô ấy lại mất áo?

- Đúng đấy ạ, không ai lấy đâu ạ!

- Thế thì sao bỗng dưng cô ta lại mất áo mặc?

- Cô ta tự cởi áo ra chứ không ai lột áo cô ta đâu ạ!

- Có đúng thế không? Anh Công an quay sang hỏi cô gái.

- Vâng, đúng ạ!

- Sao tự nhiên cô lại tự cởi áo ra ở giữa chợ?

- Các anh ấy bảo thế!

- Cô có bị “thần kinh” không mà ở giữa chợ người ta bảo cởi áo ra là cởi áo, thế cô không biết ngượng à?

- Xấu hổ lắm ạ, nhưng em thương bố em hơn, nên…!

- Nói rõ xem thế nào, tôi chả hiểu gì cả?

- Bố em bị các anh ấy đánh vỡ đầu mà vẫn chưa tha, đến khi thấy em ra can, thì các anh ấy bảo nếu cởi áo ra thì các anh ấy không đánh nữa,…

Anh Công an quay lại hỏi mấy thanh niên:

- Tại sao các anh đánh người thành thương giữa chợ?

- Anh ta mặc cả mua đồ sửa ống nước thành giá rồi lại “đánh tháo” không mua nữa!

- Các anh có biết như thế là phạm pháp không?

- Có ạ, nhưng làm ăn buôn bán đang ế “chảy thây” ra, lại gặp tay “ám quẻ”, nên có nhỡ nóng đánh vài cái cho bõ tức thôi ạ!

- Thế còn vụ bắt cô gái cởi áo giữa chợ thì là thế nào?

- Cũng chỉ là “đùa nghịch cho vui” thôi ạ!

- Nếu vợ, con các anh cũng bị người ta bắt cởi quần áo trước đám đông thì các anh có “thấy vui” không?

- Không ạ!

- Các anh có biết tội hạ nhục người khác bị phạt thế nào không?

- Không ạ!

- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.(22 thg 4, 2020)

- Anh cho chúng em xin lỗi ạ!

- Sao các anh lại xin lỗi tôi, mà là phải xin lỗi cô gái này!

- Em cho bọn anh xin lỗi! Mấy thanh niên quay sang nói với cô gái.

- Tôi không cần các anh xin lỗi, mà tôi cần cái áo…

- Thế các anh có biết đánh người thành thương thì bị xử lý thế nào không?

- Không ạ!

- Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc hây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng các mức phạt khác nhau(2)...Anh Thiếu úy trực ban nói tiếp:

- Còn cô này hãy mặc tạm cái áo của tôi đã…Anh Thiếu úy trực ban cởi cái áo đang mặc ra khoác lên vai cô gái.

- Đồng chí không sợ làm thế là vi phạm quy định của ngành ư. Người đang xử lý công vụ tại công sở, mà lại cởi trần? Đúng lúc ấy Đại úy trưởng đồn bước vào hỏi.

- Thưa thủ trưởng tôi xin chịu kỷ luật, nhưng không thể “chịu được” khi thấy một cô gái bị “lột trần” trước đám đông người như thế này ạ!

- Nói thế! Chứ tôi đồng ý với cách xử lý của đồng chí trực ban!

Ông Đại úy già cười hiền hậu. Rồi ông nói tiếp với đám thanh niên kia:

- Bây giờ các anh phải lập tức đưa người bị các anh đánh vào bệnh viện để chữa trị, đồng thời thực hiện đúng những cam kết trong biên bản do Thiếu úy trực ban lập. Hay các anh để chúng tôi áp dụng luật đã ban hành để thi hành đúng như quy định? Hở?

- Tất nhiên là bọn cháu sẽ làm đúng như lời bác chỉ dạy rồi ạ!

Hà Nội, 2020.

(1): Chợ Giời:  Chợ Giời, hay chợ Trời, là tên gọi dân dã của chợ Hoà Bình, Hà Nội. Đây là nơi buôn bán đủ loại hàng, từ cái nhỏ nhất như cái đinh, cục pin đồng hồ đến cái lớn như xe máy, hàng điện tử, điện lạnh.

Địa chỉ: 33 Thịnh Yên, Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

(2): Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc hây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng các mức phạt khác nhau. Theo quy định của pháp luật, về cơ bản, thì hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 134 nếu mức độ thương tích từ 11% đến 30%. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi gây thương tích mà có một trong các các điều kiện được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì dù mức độ thương tích dưới 11% vẫn có thể bị khởi tố hình sự.

Như vậy, trong trường hợp này nếu các anh và ông kia có những dấu hiệu kể trên thì rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134. Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Sở dĩ các anh cũng phạm vào tội này vì trong trường hợp này các anh có tư cách là đồng phạm. Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.

Khi xác định được đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này. Việc áp dụng hình phạt sẽ do cơ quan tố tụng xem xét, quyết định. Bên cạnh việc có thể phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật thì họ còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại tức là người phụ nữa bị đánh kia do sức khỏe bị xâm phạm. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Nếu chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, thì các anh sẽ bị xử lý hành chính.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình thì: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.