tháng 8 19, 2018

Địa lan


Tam Đảo


Đầm sen (trích)


Chuyện tình của cha


Năm 1947, chị em tôi lang bạt từ Thái Bình lần mò về Nam Định thì gặp được ông bác ruột, tuy không còn nhà lầu, xe hơi như hồi trước chiến tranh, nhưng sau khi ông cùng chị hai tôi đào được một âu giầu to đầy vàng, khoảng 30 kí-lô-gam, ở gầm lò sưởi căn nhà cũ phố Hàng Mâm, thì gia đình ông bà chẳng thiếu thốn gì nữa.
Ông lại tấp tểnh ra làm thầu khoán(1), cái nghề dễ làm giàu. Tuy nhiên ông không thầu làm Lô-cốt như thời Pháp thuộc mà thầu đóng tầu thuyền trọng tải từ 15 tấn đến 60 tấn cho nhà nước để làm phương tiện vận tải đường sông.
Bố tôi lăn lộn, sống chết với Cộng sản từ lúc sơ khai nên rất rõ về họ mà khuyên can thế nào cũng không được, giận, đành bỏ mặc ông anh với cái mộng làm giàu vẫn còn đang nung nấu tâm can.
Tây thì độc ác và đểu cáng đã đành rồi nhưng không biết lật lọng, chứ chẳng như nhà nước ta đẻ ra trong lừa đảo, nên chỉ sau vài cú hợp đồng lắt léo, thật ngoạn mục, ông bà trắng tay, không còn một vảy vàng, ông còn bị tạm giam gần hai tháng.
Khi biết ông bà không còn xu dính túi, thì ông được “trả lại tự do”. Để hằng ngày phải ra chợ Rồng bện dải rút kiếm sống. Bà bác thì tiếc của nên nhịn ăn đến chết.
Thời kỳ ở với ông bà bác thực ra mà nói tôi cũng cắp sách dăm bữa đến trường để được gọi là đi học. Trường học đầu tiên tôi đến là trường Tiểu học Bến Củi, một ngôi trường nhỏ hẻo lánh và chắc là học phí chẳng đáng là bao, nhưng khi bà vợ ông kêu ca tổn kém thì việc học hành của tôi cũng bị đình lại. Chả biết bây giờ ngôi trường này có còn không? Nhưng cũng như cái duyên số nó đưa đẩy, con đường tôi đi học từ phố Hàng Sắt Dưới đến trường Bến Củi phải đi qua phố.... mà cửa hàng vải rất to của bà Quyên (thường gọi là bà Bảo, tên chồng cũ của bà), một người đàn bà không có con, bạn thân của bố tôi.
Cũng chẳng còn nhớ là bà Quyên đã nhận ra chị hai tôi đi bán chè đỗ đen rong qua các phố, hay chị tôi đã nhận ra bà trước. Sau này chị tôi kể lại thì chị tôi nhận ra bà Quyên từ rất lâu rồi, nhưng nghĩ đến thân phận chị em nghèo khó, hẩm hiu, nên không dám sấn sổ nhận người quen cũ.
Từ đấy chị em tôi thường qua lại chỗ bà và bà cũng thường bù trì chút ít. Tuy nhiên chị hai tôi là người tự trọng, nên cũng thường hay lánh mặt. Chả biết có phải là di truyền không nhưng tôi cũng giống hệt chị hai tôi về tính cách, lảng tránh mọi sự niềm nở, ân cần quá. Nhiều hôm bà Quyên phải rình mãi mới “tóm” được tôi khi đi học qua đấy. Chả có việc gì to tát đâu, chỉ là hôm gói xôi, hôm thì cái ngô luộc. Đặc biệt là lần nào ngồi cạnh, bà cũng thường vuốt ve, âu yếm tôi như một bà mẹ lâu ngày được gặp lại con. Bà đã kể nhiều chuyện về bố mẹ tôi, nhiều nhất vẫn là về bố tôi.  
Tôi còn nhớ những lần ít ỏi gặp gỡ nhau, ông bà đều nói tiếng Pháp, đến giờ tôi còn giữ được những lá thư trao đổi của họ cũng dùng toàn tiếng Pháp.
Mãi sau này tôi mới biết là hai ông bà có tình ý với nhau từ rất lâu rồi, nhưng vì họ là những người có văn hóa, nên họ không cho phép mình đi quá giới hạn bao giờ.
Bố tôi xuất thân trong một gia đình thợ thuyền, ông nội tôi là thợ mộc nổi tiếng ở Phủ Lý Hà Nam, nhưng do không may bị bại liệt, nên năm mười ba tuổi bố tôi đã phải bỏ học đi làm. Chả hiểu ông tự học kiểu gì mà nói tiếng Pháp còn chuẩn hơn cả tôi sau khi đã tốt nghiệp Đip-lôm(2). Còn bà Quyên, làm nhà thầu Anh-tăng-đăng(3) cho Pháp về quân trang, quân dụng nên giỏi tiếng Pháp là tất nhiên rồi.
Bố tôi lúc còn trẻ cũng là một “tài tử” có hạng. Tôi nghe chính mẹ kể về ông:
- Bố mày chơi đàn bầu hay lắm, các nghệ sỹ nổi tiếng biểu diễn trên đài bây giờ không ai bằng được. Ông ngoại chỉ vì mê tiếng đàn mà mò mẫm đi bộ bao đường đất từ Phù Long Nam Định đến Lý Nhân Hà Nam để nghe và sau này kết bằng được làm con rể! Có những lần bố mày chơi đàn, người nghe nước mắt đầm đìa, nức nở, vẫn không chịu rời đi. Sau này lúc đi theo cách mạng phải bỏ nhà, bỏ cửa, trốn chui, trốn lủi vẫn treo cây đàn trang trọng trên vách.
Mẹ còn kể, khi bố tôi đang ở trong lính Khố Xanh hồi 1932 thì bị Pháp điều sang Thượng Hải một thời gian. Hết hạn về nước ít lâu thì có một cô gái trẻ, xinh đẹp người Tàu sang đây, nói là đi tìm chồng. Gặp mẹ tôi lúc đó đang mang thai anh cả, hai người đàn bà cùng kể lể, cùng khóc lóc một hồi, mãi mấy hôm cô ta mới bỏ về.
Sau này tôi còn được nghe bố kể:
- Tao gặp cô Hạ, con gái duy nhất một nhà buôn lớn ở Thượng Hải, chả hiểu sao cô ấy lại yêu tao đến thế. Tao nói với cô ấy là tao đã có vợ rồi, vợ lại đang có chửa mà cô ta vẫn không tin, cố sang Việt Nam tìm bằng được, rồi trở về nhà thất vọng uống thuốc độc tự tử. Thật tội nghiệp!
Đến cuối năm 1954, trước khi tiếp quản Hải Phòng(4), bố tôi được nhà cầm quyền Pháp trả lại tự do từ Căng(5) Máy Chai, cũng là lúc bà Quyên chuẩn bị di cư vào Nam do sợ bị liên lụy vì đã cộng tác với người Pháp trước kia.
Trước khi đi, bà có ngỏ lời xin tôi làm con nuôi để đỡ cô quạnh.
Nhưng bố tôi nói:
- Tôi có hai thằng con trai, thằng lớn đi Bộ đội từ năm 1945, bây giờ còn bặt tin chưa biết sống chết thế nào. Thằng út lại theo cô vào Nam rồi sang Pháp thì chả biết sau này cha con tôi có còn gặp lại nhau nữa không?!
Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, nếu hồi ấy theo bà Quyên sang Pháp thì chắc giờ tôi nói tiếng Pháp thạo lắm rồi. Ăn, chỉ có đồ hộp với bánh mỳ, lại chỉ biết cầm dao, cầm dĩa, chứ làm sao còn cầm được đũa để “thưởng thức” rau muống với tương, cà như bây giờ!
Chẳng biết việc bố tôi không cho tôi đi theo bà Quyên là may hay không may nữa?
Một lần tôi hỏi bố:
- Bà Quyên giỏi giang, lại tâm đắc với bố thế, hai người rất yêu quí nhau, sao bố không lấy bà Quyên?  
Bố tôi nói không cần suy nghĩ:
- Tao mà lấy bà Quyên, thì mẹ mày mất chồng!
***
Thì ra ông cụ nghĩ thấu đáo hơn tôi nhiều lắm!
Không phải ông không tài hoa, không phải ông chưa từng chơi bời và cũng không phải ông không có những người đàn bà khác ngoài vợ yêu say đắm, nhưng ông vẫn coi gia đình mình là trụ cột.
Ông không nỡ phụ người vợ quê mùa, lam lũ đã gắn bó nhau từ thuở hàn vi.
Mẹ tôi là một phụ nữ nông thôn, không được học hành, lấy chồng chỉ biết trông cậy vào chồng, nên bà thật là may mắn khi gặp được một người bạn đời như bố.
Chúng tôi cũng thật có phúc mới có một gia đình như vây!
Hà Nội, 2018.

(1)   Thầu khoán: entrepreneur, thầu xây cất: entrepreneur de construction (tiếng Pháp).
(2)   Đíp-lôm: Diplôme (tiếng Pháp) tốt nghiệp Trung học, tương đương hết cấp II bây giờ.
(3)   Anh-tăng-đăng: Intendant: (tiếng Pháp) nhà quản lý, nhà thầu với Pháp
(4)   Tiếp quản thành phố Hải Phòng: tháng 05 năm 1955
(5)   Căng: Camp (tiếng Pháp) trại tập trung, nhà tù.

Sáng sớm - Hà Nội


Bản Lác Mai Châu - Hòa Bình


Bố con lưu lạc ở Thái Bình - 1952


Con giun to bằng cổ tay


Hồi năm 1952 thì phải, lúc đã 12,13 tuổi tôi mới gặp lại mẹ, mới được đi học, mới được hưởng cái hạnh phúc bình thường của một đứa trẻ. Đơn giản là được ăn cơm hằng ngày, được đi học hằng ngày, được mẹ và chị chăm sóc, đe nẹt, nhiều khi được ăn những trận đòn của người thân vì thương mà đánh, chứ không phài để trút giận.
Nhưng do lang bạt kỳ hồ(1) suốt cả thời thơ ấu, nên tôi khó có thể bỏ ngay cái tính ngang cành bứa(2) đã thâm căn cố đế(3) từ lâu. Cả nhà đành chấp nhận, bởi biết rằng có đánh chết cái nết cũng không chừa. Mẹ và chị giận, song cũng thương, đành cho qua để êm cửa, êm nhà.
Mùa hè ấy tôi bị đậu mùa, căn bệnh khá nguy hiểm mà trẻ con thường mắc phải, cả mẹ, cả chị đều không biết. Tôi sốt mê man mấy ngày nên mọi người đều lo lắng. Không biết làm thế nào mẹ tôi cho mời ông thày cúng nổi tiếng nhất vùng về chập cheng cúng bái mấy ngày liền.
Hôm tôi ngớt sốt thì mặt và cổ mọc đầy mụn đỏ, hai con mắt cũng đỏ quạch.
Tôi mở mắt thì thấy mẹ ngồi bên mừng rỡ nói:
-   Con sốt li bì, mê man mấy ngày rồi, may nhờ được thày cúng cao tay nên mới rứt được đấy!
-   Thế con làm sao mà sốt hả mẹ?
-   Mẹ không biết!
-   Mẹ đưa cho con cái gương xem, sao con thấy mặt và cổ con ngứa quá!
-   Ấy không được, không được soi gương mất linh, mất linh! Một người đàn ông trung niên mặc áo the, khăn xếp đứng gần đấy nói chen vào.
Tôi đảo mắt nhìn, thì thấy giữa nhà bầy một bàn thờ khói hương nghi ngút, cỗ bàn hoa quả tràn ngập chung quanh.
Tôi hỏi:
-  Cúng cái gì mà đốt lắm hương thế, con đến ngạt thở mất?
-  Thày bảo sao phải theo thế con ạ! Mẹ tôi xoa đầu thì thầm dỗ dành.
-   Mẹ cứ đưa gương đây, không con dậy con lấy lấy...
-   Đây, gương đây, gớm sao mà khó bảo thế!
-   Mẹ ơi, con bị đậu mùa, mụn mọc đầy mặt và cả trong mắt nữa đây này, chứ có bị ma quỷ nào ám đâu mà phải cúng bái?!
- Không được báng bổ, không được báng bổ, kẻo bị quở trách đấy! Ông thày cúng đứng cạnh nhiệt tình can gián.
- Ông hãy xéo ngay khỏi nhà tôi, không tôi đập cho vỡ tráp ra bây giờ! Nói rồi tôi tung chăn ngồi bật dậy.
Có lẽ ông thày cúng sợ cái mặt đầy mụn và đôi mắt đỏ ngầu của tôi thì ít nhưng sợ lây cái bệnh đậu mùa quái ác này thì nhiều nên ba chân bốn cẳng chuồn nhanh như một cơn gió.
Sau đó ít ngày tôi khỏi và lại đi học bình thường, lúc đó mới vỡ lẽ ông thày cúng cũng là người quen ở ngay xóm bên, làm nghề đồ tể. Ngoài nghề giết mổ lợn, ông còn làm cỗ cưới, cỗ cúng và kiêm luôn cả nghề thày cúng nữa.
Gặp nhau ông ta chào hỏi niềm nở, còn nói thêm:
- Không cúng thì còn lâu cậu mới đi học được.
- Bố láo! Tôi cười chế nhạo.
Tôi nghĩ ông ta cũng là người hồn nhiên, vô tư và đột nhiên tôi thấy khoái cái ông đồ tể kiêm thày cúng này thật sự!
Ít lâu sau, hai chúng tôi quen nhau, hay lui tới với nhau, mặc dù tôi chỉ đáng tuổi em út ông ta, còn ông ta lại thích chuyện trò với một thằng nhãi ranh ngang bướng.
Khi thân rồi tôi hỏi ông là có tin vào chuyện cúng bái không?
Ông trả lời:
- Thấy người ta làm thì làm theo chứ thật sự cũng chẳng tin gì vào chuyện cúng vái!
- Nhưng sao không làm việc khác mà lại làm cái nghề mê tín dị đoan này?
- Ơ hay, nó dễ làm, mà lại có nhiều lợi lộc. Thu nhập bằng mấy các nghề lao động khác, kể cả nghề đồ tể thì sao lại bỏ qua?
- Nhưng chỉ những người không hiểu biết mới tin vào mấy cái trò vớ vẩn ấy!
- Nhiều người còn mê muội lắm, nên vẫn còn kiếm ăn tốt!
***
Mấy tháng sau tôi lại bị một trận đau bụng quằn quại, phải nghỉ học ở nhà. Mẹ tôi sợ cuống cuồng và lại định sang mời ông thày cúng. Ông ta đến nhưng không bầy biện cỗ bàn cúng bái nữa mà sang thăm tôi như một người quen.
Khi mẹ tôi bảo:
- Lần trước không nhờ thày cúng giải hạn cho thì làm sao qua được trận thập tử nhất sinh ấy!?
- Không phải thế đâu bà ạ! Cậu ấy nói đúng đấy, cậu ấy bị đậu mùa, kiêng nước, kiêng gió tốt là sẽ qua thôi. 
Không ngờ ông ta lại nói thế, làm mẹ tôi như chợt tỉnh khỏi cơn mê.
Tôi nói với mẹ:
- Lần này để con đi khám bệnh xem nó ra thế nào đã!
Tôi đi khám thì mới biết đã rất lâu, có lẽ từ bé chưa tẩy giun lần nào, nên giun đã sinh sôi, nảy nở ra vô vàn, từng búi lớn, búi nhỏ đang hoành hành trong ruột. Bụng tôi cứ cuộn lên, xẹp xuống liên tục làm sao mà chẳng sinh chuyện cho được!
Ông Y sỹ già, đã hành nghề mấy chục năm ở Trạm xá khu phố từ thời Pháp thuộc, lúc còn trẻ ông tốt nghiệp Thú y sỹ, cả xóm cứ chớt nhả gọi là thày thuốc Chó Mèo, sau chẳng lấy đâu ra nhiều chó mèo cho ông ấy chữa nữa, thế là Lãnh đạo chuyển ông sang khám và chữa bệnh cho dân trong khu.
Ông ta mắc bệnh nghề nghiệp rất điển hình là hay quan trọng hóa mọi thứ trên đời, nên sau khi khám thấy bụng tôi cứ cuộn lên như sóng biển thì nằng nặc bắt tôi đi phẫu thuật dạ dày.
Không phải tôi sợ mổ xẻ, mà là tôi nghĩ cùng bất đắc dĩ mới đụng đến dao kéo.
Ở Trạm xá về tôi mua một liều thuốc giun của người lớn uống.
Thế là chỉ với một liều thuốc giun mạnh thêm một liều thuốc xổ nữa, tôi lại khỏe lại bình thường.
Hôm gặp nhau ngoài ngõ ông Y sỹ già có hỏi, rồi kết một câu rất vui:
- Con giun của cậu chắc phải to bằng cổ tay!
- Cháu còn giữ lại được một con. Ông có muốn xem không ạ? Tôi chớt nhả, may, mà ông ta hơi nghễnh ngãng nghe không thủng lắm, nên không giận.

Hà Nội, 2018.

(1)   Lang bạt kỳ hồ: Sống nay đây mai đó.
(2)   Ngang cành bứa: Cây bứa cành mọc ngang ý nói rất ngang bướng
(3)   Thâm căn cố đế: Đã ăn sâu, khó lay chuyển


(Bài viết đầu đời viết khi còn là học sinh THPT Ngô Quyền Hải Phòng - 1959) 

tháng 8 06, 2018

Đỗ Quyên màu phấn hồng


Vẽ trên gốm - Bát Tràng


Ngựa đàn


Bọn ranh con


Ông bạn hàng xóm hay sang tôi uống nước và chuyện trò trên trời, dưới bể, thế mà hôm nay đã muộn vẫn chưa thấy. Có tuổi rồi nên sớm nắng, chiều mưa, chả chắc được điều gì cả. Tôi đành lọ mọ sang ông ấy vậy, chửa biết chừng lại ốm cũng nên.
Tới cửa thì thấy ông đang chăm chú ngồi xem thời sự trên Ti-Vi. Thấy tôi, ông đứng dậy đón, rồi tráng ấm pha trà.
Tôi hỏi:
- Tàu nó lại lấn bành trướng ở Biển Đông à?
- Đất nó rộng thế, nó chiếm Biển Đông để làm gì, làm mả cha nó à?!
- Thế có cái gì mà ngồi xem chăm chú thế?
- Đang “lộn cả mề gà” lên đây này!
- Bọn trẻ lại bố láo à?
- Bọn ranh ở nhà vẫn láo thế, mãi cũng quen rồi. Nhưng đây là bọn ranh con trên truyền thông cơ!
Nó cũng lại nói bậy, nói bạ sao?
- Chúng nói láo không ngượng mồm, bịa đặt nhanh như chớp!
- Hôm nay 27 tháng bảy, là ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ mà. Hay bọn nó lại mới tìm thêm được mấy ông anh hùng không có thật?
- Thế mới điên chứ!
- Bịa đặt, nói láo vốn là nghề của bọn chúng, có gì mà phải bực cơ chứ!
- Nó biết hay cố tình giả vờ không biết. Nhưng nếu như chúng không biết thật thì cứ im đi để một mình chúng trong ngu tối, đằng này chúng lại cố nhồi nhét “những câu chuyện bịa đặt” ấy vào đầu người khác thì thế có phải là tội ác không?
- Có cái gì mà “nghiêm trọng” vậy? Cứ nói toẹt ra xem nào, cứ úp úp, mở mở mãi khó chịu bỏ mẹ!
- Tối qua 26 tháng 7, trên TVT1 long trọng  kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ. Trong đó có một đoạn rất dài nói về nhà văn liệt sĩ Nam Cao, rồi lại đưa ra giới thiệu ông Trần Đức Đính, một ông tiến sĩ cực giỏi được đào tạo ở nước ngoài về  thẩm định những bộ hài cốt trong 3 ngôi mộ vô danh được đánh số từ 212, 213 và 214 đang để tại làng Vũ Đại, thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ba ngôi mộ này được cho là mộ của các Liệt sĩ. Ông Tiến sĩ Đính sau khi xét nghiệm rất nhiều bước, bằng rất nhiều thiết bị hiện đại, tối tân và đắt tiền đem từ nước ngoài về, mất rất nhiều thời gian và tiền của (tất nhiên là tiền của dân). Cuối cùng trịnh trọng tuyên bố rằng một trong ba bộ hài cốt ở đây đích thị là hài cốt của nhà văn Nam Cao. Bộ hài cốt này đã chỉ ra người nằm dưới mộ có chiều cao khoảng 1,75 mét, tầm 34, 35 tuổi, bị “địch” bắn hai phát đạn, một viên vào sườn làm gãy một xương sườn và một viên vào đỉnh đầu. Qua ảnh chụp cho thấy viên đạn bắn vào đầu là được bắn từ phía trên xuống.
Tôi dám đoan với ông rằng ông Tiến sĩ Đính này đã rất thuộc tiểu sử và đã dò hỏi rất kỹ người thân còn sống của nhà văn Nam Cao.
Tôi xin hỏi ông rằng hơn chín chục triệu dân Việt Nam trong cả nước có ai dám cả gan cãi rằng bộ hài cốt này không phải là hài cốt của nhà văn Nam Cao? Có ai dám cả gan dám cho rằng mấy viên đạn bắn vào người nằm dưới mộ (cho là Nam Cao) không phải là của giặc Pháp?
Bởi hơn chín chục triệu dân ta, mấy người được đào tạo tiến sĩ tận nước ngoài?
- Những điều ông thắc mắc cũng có cái lý của nó, có thể là như thế thật, nhưng ở cái thời buổi người ta chỉ biết nói một chiều, biết a dua theo một chiều, nói theo cái người ta đã vạch sẵn ra, mà không ai dám lật ngược lại vấn đề!
Đến bây giờ tôi và ông mới biết là hoa cây Lê-ki-ma(1) rất thối, nhưng suốt một thời gian dài chúng ta vẫn ngoác mồm ra hát “...Mùa hoa Lê-ki-ma nở...” 
Hoa Lê-ki-ma nở rộ thì cả một vùng rộng lớn sẽ ngạt thở vì mùi thối!
Còn nữa, đã có thời chúng ta ca ngợi một thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám đã tẩm xăng(2) vào người rồi châm lửa làm đuốc sống chạy từ ngoài mấy chục mét vào kho xăng của địch để thiêu hủy cả mấy vạn lít nhiên liệu ở kho xăng Thị Nghè.
Người ta còn đặt tên ông anh hùng tưởng tượng này(3) cho một số trường học, một số vườn hoa. Mãi vừa mới đây, lúc gần chết ông Giáo sư tác giả kiêm chuyên gia “bốc phét” này đã kịp sám hối thú nhận về câu chuyện bịa đặt rất vô lý(4) của mình, mọi người mới ngã ngửa người ra là bao lâu nay mình đã bị lừa mà không biết.
- Có phải đó là ông Viện sĩ Giáo sư Sử học đã làm đến Bộ trưởng bộ Tuyên truyền trong chính phủ lâm thời không?(5)
- Chính hắn đấy!
- Này tôi biết ông có quen biết và hay qua lại với nhà văn nổi tiếng Tô Hoài nhiều năm. Tô Hoài lại là bạn cực kỳ thân thiết với Nam Cao. Chả lẽ ông không nghe bao giờ cụ Tô Hoài nhắc đến Nam Cao à?
- Cái gì cũng nên có chừng mực, đừng khoa trương quá lên, rồi lại hóa thành mấy thằng “phét lác”! Tôi có làm quen và rồi qua lại thăm cụ Tô Hoài được gần sáu năm, chứ đâu mà nhiều năm. Nói phét thì vì mục đích gì cũng vẫn là nói phét.
Tôi có hỏi cụ về Nam Cao và còn khoe với cụ là quê tôi cũng thuộc phủ Nam Sang, tổng Cao Đà, huyện Lý nhân, Hà Nam. Làng tôi là làng Đông Trụ, ngay cạnh làng Đại Hoàng của Chí Phèo!               - Thế có nghe cụ Tô Hoài nói về Nam Cao cái gì không?
- Nhắc đến Nam Cao, cụ Tô Hoài chỉ thở dài nói nho nhỏ trong tiếc nuối: “Nam Cao giỏi lắm, tốt lắm, nhưng chết khổ lắm”!
- Sao thế ạ, sao lại chết khổ lắm?
Tôi hỏi mấy lần, cụ cứ ngập ngừng mãi mới nói:
- Chết vì giỏi quá. Chết vì biết tiếng Pháp và nói tiếng Pháp thạo quá! Trên đường đi công tác tại Ninh Bình... ông bị du kích địa phương nghi là Việt gian!(6)
-   Thế là ông bị du kích bắn chết...à?
- Ai bắn mà chả chết?! Cụ thầm thì.
Sau khi bắn gục Nam Cao bằng một phát vào sườn rồi tỳ súng lên đầu mà bồi thêm phát nữa. Chưa bết chừng viên đạn trên đỉnh đầu ông lại là của một đồng chí Chỉ huy?! Phát súng nhân đạo ấy mà!
- Sau đó xác ông còn bị “giặc” quẳng xuống ao? Cụ thì thầm kể tiếp.
Rồi cụ lặng im không nói thêm gì nữa, mắt nhìn xuống rưng rưng.
Tôi cũng nghĩ rằng mình nghe đến thế cũng là quá đủ rồi, bởi nếu có người nào biết chuyện này, chắc đến nay cũng đã già lắm rồi, nếu chưa chết thì mấy ai đã dám kể lại những điều mình biết?!
Tôi cũng thấm thía rằng mọi sự ở đời cái gì cũng có giới hạn của nó, kể cả sự hiểu biết, “thái quá bất cập”(7) mà!
Không nên tọc mạch nhiều quá mà tổn thọ!

Hà Nội, 2018
(1)   Lê-ki-ma: cây trứng gà, hoa thối.
(2)   Xăng: essence (tiếng Anh) nhiên liệu cháy dùng chạy máy.
(3)   Lê Văn Tám: nhân vật hư cấu của GS Trần Huy Liệu. Xin đọc bài của GS sử học Phan Huy Lê trong ghi chú viết dưới.
(4)   Ngay sau tin này được loan báo thì các báo đài phương Tây đã cho là vô lý vì không có một cậu bé 8 tuổi nào tẩm xăng vào mình rồi châm lửa mà còn chạy được mấy chục mét.
(5)   Trần Huy Liệu: 1901-1969 giáo sư Sử học sau làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong chính phủ lâm thời.
(6)   Nam Cao học Tú tài Tây từ những năm còn rất trẻ tại trường Cửa Bắc Nam Định.
(7)   Thái quá bất cập: cái gì quá mức đều không thích hợp

Ghi chú được đăng trên mạng:
Bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1957, lúc đó đất nước còn chia làm hai miền, miền Nam chỉ hai năm sau (1959) là bước vào cao điểm chống Cộng của chính quyền hai ông Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu… 
Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn như một số bài báo sau này viết lại, khi sáng tác bài hát, chưa bao giờ nhìn thấy cây lêkima, lại càng chưa bao bước chân lên Côn Đảo. Có lẽ cái tên cây “lêkima” nghe “Tây Tây” thế nào, hay quá chăng… mà nhạc sỹ sáng tác gắn liền với tên tuổi chị Võ Thị Sáu anh hùng, nay trở thành hai khái niệm không thể tách rời, giằng không ra mà dứt cũng không ra.
Lại lên lục lọi nhà anh Gúc, tìm thấy một câu chuyện, rằng lần cuối mẹ chị Sáu tìm cách xin vào gặp chị, gói quà bà cụ mang vào chỉ có mấy quả lêkima vườn nhà… vậy thôi, chấm hết. Thế mà thành truyền thuyết. Còn nếu gõ cụm từ khóa “Chị Võ Thị Sáu, hoa lêkima, cài lên mái tóc” thì gặp một bài viết khá hay của tác giả Hoàng Tiến “Lời ca vẫn vang vọng” trên trang “lichsuvietnam chấm vi en”:
 Nhìn những người đang đào huyệt cho chị, chị dừng lại hỏi họ:
 - Huyệt của tôi? 
Những người tù đào huyệt nghẹn ngào không dám trả lời. Chị rút bông hoa gài trên mái tóc, đưa cho mấy người tù. 
- Tặng mấy anh bông hoa này. Cảm ơn mấy anh đã đào huyệt cho tôi. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to... 
Những người tù ngơ ngác nhìn nhau. Chị Sáu nháy mắt, hất hất về phía bọn Pháp: 
- Một cái huyệt thật to để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay... 
Mùa hoa lêkima nở
Quê ta miền đất đỏ
Sông núi vẫn nhớ tên người anh hùng
Đã chết cho đời sau...”
Tác giả không khẳng định rằng chị Sáu đã cài bông hoa gì lên mái tóc, nhưng đoạn trích lời bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn chốt ở cuối, làm cho người đọc hiểu rất gần với cái sự “cài hoa lêkima lên tóc” của chị Võ Thị Sáu.
Có một lần nói chuyện về vấn đề này, bà con trong họ đằng ngoại nhà mình có một Phó Giáo sư về thực vật học, chú ấy nói đúng như trên đây mình viết, hay chính xác hơn là do chú ấy nói, mà mình viết lại trên đây: “Ông Nguyễn Đức Toàn khi sáng tác chưa nhìn thấy cây lêkima mà ngoài Bắc gọi là cây trứng gà bao giờ, chứ nếu nhìn thấy hoa của nó, chưa chắc ông ấy đã sáng tác như thế. Còn tao thì mãi sau 1975 khi đi nghiên cứu thực vật mới có điều kiện nghiên cứu sâu về nó, thì có thể nói rằng nếu khen hoa lêkima là thơm ngát để cài lên tóc, thì chắc cũng chỉ có thể bị dở hơi, vì tao ngửi thấy mùi nó khá thối.” Đến đây cả lũ thanh niên lăn ra cười, khoái trá.
Mình chưa nhìn thấy cây trứng gà, chỉ thấy quả, và ngửi thì thấy không thích lắm, nhưng có lẽ cũng không thối. Lên mạng đọc về lêkima (hay từ khóa “lucuma” nếu thích đọc bằng tiếng Anh) thì thấy đây là một loại cây công nghiệp có ích, quả có giá trị dinh dưỡng cao, mọc nhiều ở Pêru như là một loại “quốc cây”. Một số tài liệu tiếng Anh tả hoa hình ống, mọc thành chùm từ trục cành lá, màu kem nhạt, có mùi hăng… giống như mùi hăng của quả khi chưa chín hẳn.
Không thấy có chỗ nào khen hoa thơm cả. Thôi cái đó không xác minh được, cũng là “rắm ai vừa mũi người ấy”, người thấy thơm, người thấy hăng, thậm chí thấy thối, chúng ta chẳng bàn làm gì.
Nhưng rõ ràng nếu xem ảnh của hoa lêkima mọc cả chùm thì thấy, hoàn toàn không thích hợp để cài lên tóc. Nếu cài một bông thì không hẳn là xấu, nhưng chẳng có gì là đẹp, thậm chí sẽ gây nghi ngờ về gu thẩm mỹ của người cài lên tóc. Còn nếu cài cả chùm lên thì có thể còn gây cả nghi ngờ về… bệnh lý tâm thần không biết chừng.
Còn nếu lên mạng đọc về mộ chị Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, thì chỉ thấy ấn tượng với hình ảnh hai cây dương, còn về vụ lêkima thì Công ty công viên cây xanh nào đó cũng đã cố gắng trồng mấy lần không sống được, mãi đến khi về tận quê chị Sáu đánh lấy một cây thì mới sống, nhưng nó cũng chỉ cao ngang đầu người, chẳng ra hoa, ra quả gì cả… ngó mãi mới thấy có một quả bé tí, lấp ló đâu đó. Mời các bác cứ lên mạng tìm đọc thoải mái, kiểu gì cũng ra thông tin này.
Vì thế cá nhân mình không tin là chị Võ Thị Sáu cài hoa lêkima lên tóc lúc ra pháp trường. Nhưng bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn thì tuyệt hay, nghe lần nào cũng thấy xúc động, thế là đủ rồi.
Viết bài này để cùng các cháu học trò cảnh giác, lúc làm văn về chị Võ Thị Sáu, đừng dại mà đưa hình ảnh chị cài hoa lêkima lên tóc, nếu không muốn biến người nữ anh hùng thành… Súy Vân.


ANH HÙNG LÊ VĂN TÁM CÓ THẬT KHÔNG?
Như nhiều thế hệ chúng ta đã biết, đã được học về hình tượng người anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám, tự mình châm lửa thành ngọn đuốc sống lao vào kho xăng địch. Nhưng thời gian gần đây, đã bắt đầu có những luồng quan điểm "lật lại lịch sử".
Vậy thực sự, cái tên Lê Văn Tám có thật hay không? Dưới đây là bài viết của GS Phan Huy Lê, một trong tứ trụ của ngành lịch sử VN rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
//
GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám
"Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực" - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh sau khi giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám. Đây là điều mà GS Trần Huy Liệu căn dặn chúng tôi phải nói lại.
Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với GS Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do GS chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, GS Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với GS tại nhà riêng. Ngoài công việc biên soạn công trình, GS thường trao đổi một cách thân tình những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình.
Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 / 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã "dựng" lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét. Sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng.
GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm. Tôi nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên” - theo cách nói của GS - chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.
GS giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có rất nhiều tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nên việc “dựng lên” câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám. Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
-- GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời (từ 28 / 8 / 1945 đến 1 / 1 / 1946), rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời (từ 1 / 1 / 1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2 / 3 / 1946) --
Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.
GS Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc. Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học. Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.
1. Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
2. Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945: Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.
+ Về nhân chứng lịch sử: Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn Giàu - lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán.
+ Về tư liệu báo chí: Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân” (tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương); báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ. Cụ thể:
Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ? - 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn "Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Píetri" với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Píetri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày. Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Báo Thời mới số 6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn. Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho. Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi. Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ. Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.
Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”. Còn trong số ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa. Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào. Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”. Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày 7-10-1945. Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.
Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.
Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17 - 10 - 1945. Rồi người thực hiện là “em thiếu nhi 16 tuổi” (Kèn gọi lính) hay “một chiến sĩ ta” (Quyết chiến) hay “anh dân quân tẩm dầu vào người” (Thời mới).
Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận. Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì “không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho” và cho rằng người chiến sĩ phải “dùng mưu nhiều lắm” để lẻn vào gần kho xăng rồi mới “tẩm dầu vào người”, dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn. Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật. Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.
Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”: Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một “biểu tượng”, một “tượng đài” yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác. Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.
Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh. Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm..., kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.
Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm...
Biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám. Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng.
Việc trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám. Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên... mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.
Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.
© GS Phan Huy Lê
Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10 / 2009
→ Các bạn có thể xem thêm những bài viết khác theo mục lục của X-File: https://bit.ly/2HjsimL
.