tháng 12 01, 2015

Chân dung vợ


Bên nhau


Duyên dáng


Đồng lõa

Tôi đạp xe áp tải(1) hai cái xích lô chở lặc lè đầy giấy chất cao đến mức che khuất cả mặt người ngồi đạp đằng sau, làm cho hai người đàn ông to khỏe ấy cứ phải nghến lên lấy đà đạp rướn và để nhìn thấy đường phía trước.
Phố xá đã lên đèn, bóng của hai người phu xe và hai cái xe làm thành những miếng đen nhăn nhúm, xô lệch cứ liên tục rúm nhỏ lại rồi lại giãn ra trên mặt đường nhựa đen bóng. Đến địa điểm đổ hàng ở trong một ngõ nhỏ, vắng vẻ và tối mò mò thì cũng đã gần mười một giờ đêm.
Tuy chẳng phải đạp xe chở nặng mà tôi cũng thấy mệt phờ, vì sau giờ làm ở cơ quan mới “đi giúp” cho ông Hiệu, ông em con bà cô ruột lớn hơn tôi ba tuổi. Với những lời chỉ dẫn quá cặn kẽ và có vẻ rất quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm cho người nghe dù “gan cóc tía” cũng cảm thấy cứ “gai gai” thế nào ấy.
 Trước khi đi, ông ta đưa cho tôi mẩu giấy ghi địa điểm và cả sơ đồ chỗ đến đổ hàng. Sau đó lại lấy lại, đốt đi. Dù ông ta nói đây chỉ là một vụ vận chuyển hàng thông thường, nhưng tôi có cảm giác ở đây có gì khuất tất(2) nên mới phải đi đêm, về hôm và dặn dò cẩn thận đến vậy.
Khi có người ra nhận hàng tôi mới biết chỗ hàng này đến hơn sáu tạ giấy trắng, chưa rọc được chở từ nhà Xuất bản của tạp chí Quân đội số 4 phố Lý Nam Đế tới đây.
***
Khoảng ba tháng sau trong bữa giỗ bà nội, tôi có gặp cô Thoa, em ruột ông Hiệu, cô Thoa cũng lớn hơn tôi một tuổi, cô ấy hỏi tôi:
- Thế sau khi chở giấy, ông Hiệu chia cho anh bao nhiêu?
- Chia cái gì kia?
- Tôi có mua ít giấy ở nhà Xuất bản tạp chí Quân đội, nhờ anh Hiệu chở, nhưng anh ấy nói là bận nên nhờ anh giúp. Tôi đã đưa cho anh ấy hơn một trăm đồng(3) để bồi dưỡng hai người, thế anh ấy không đưa cho anh đồng nào à?
- Không! Làm gì có!
- Thằng khốn!
- Cô bảo ai là thằng khốn? Tôi sửng cồ vặc lại.
- Không! Tôi không nói anh!
- Thế số giấy ấy là thế nào?
- À, chỗ giấy ấy là tôi mua, nhưng bận không chở được, nhờ anh Hiệu anh ấy theo xe giúp. Hôm nọ hỏi lại thì anh ấy nói là cũng bận nên nhờ anh đi theo. Đây tôi đưa anh năm chục vậy.
- Là họ hàng giúp nhau chứ sao cô lại đưa bồi dưỡng nhiều như vậy? Cô đưa tiền như thế là không tôn trọng tôi.
- Anh thôi cái giọng “quân tử Tàu” ấy đi. Làm thì phải có thù lao chứ, chẳng ai làm không cho ai bao giờ?
- Tôi không hiểu. Nếu là họ hàng giúp nhau đưa thế là quá nhiều. Nhưng nếu thuê tôi đi ba, bốn tiếng đồng hồ trong đêm để áp tải theo mấy xe hàng không rõ nguồn gốc, thì thế lại là quá rẻ mạt.
- Anh biết gì mà dám nói bừa rằng đó là hàng không rõ nguồn gốc. Tôi mua giấy thanh lý của nhà xuất bản về thuê xén ra đóng vở bán cho trẻ em đi học.
- Nếu cô mua thì phải có hóa đơn, vì sao không lấy hàng lúc sáng sủa. Đợi đến đêm mới chở đi là sao? Thế hóa đơn mua hàng của cô đâu?
- Tôi còn giữ tờ hóa đơn ấy làm gì?
- Nếu không còn hóa đơn thì để mai tôi lên gặp Nhà xuất bản hỏi lại.
- Anh định làm thế thật à?
- Sao không thật!
- Anh làm thế là tống anh Trung - chồng tôi vào tù đấy!
- Thì ra đấy là hàng ăn cắp. Các người ăn trộm mà không có gan lấy hàng ra. Lại lợi dụng tôi như một tên đồng lõa.
- Anh không nên ăn nói hàm hồ(4) như thế! Làm gì có chuyện trộm cắp ở đây?!
- Bây giờ tôi mới rõ. Nếu mấy xe giấy ấy bị bắt, thì cả hai người không ai có liên quan. Tôi bỗng nhiên trở thành tội phạm, trở thành tên ăn cắp. Nếu đi tù thì mình tôi chịu. Nếu thoát thì các người thí cho tôi ít tiền, thế là “sòng phẳng” rồi. Ngay như ông Hiệu còn quỵt luôn cả tiền “bồi dưỡng” cho tôi như cô vừa nói lúc nãy. Thật là “món tiền nhơ bẩn”. Cô cầm lại, tôi không khi nào nhận những đồng tiền này đâu.
- Tại sao anh lại cố chấp và cố tình hiểu sai vấn đề đi như vậy?
- Tôi không hiểu sai đâu. Tôi cũng thật không ngờ, đồng tiền đã biến các vị thành những người mất hết nhân tính, dùng ngay người nhà làm “vật thí thân”(5) để làm ăn phi pháp.
***
Nhưng dù có nói gì thì bản chất của mấy vị em họ này vẫn “chó đen giữ mực”, nên dù chẳng ai mong, mà có mong cũng chẳng được, chỉ khoảng ít lâu sau thì ông thiếu tá Trung, chổng cô Thoa, cán bộ của nhà Xuất bản Tạp chí Văn nghệ quân đội bị bắt quả tang khi “đang thực thi” một “phi vụ” khác.
Cô Thoa xuống nhà tôi khóc mà nói rằng:
- Anh Trung nhà em chẳng may gặp vận hạn, đã bị bắt. Chỉ nay mai họ sẽ đến khám nhà. Em xuống nói với anh, chị cho chúng em gửi một ít đồ.
- Cô còn có hai ông anh giai, sao không đem đến đấy mà gửi, cho nó chắc?
- Trong cả hai họ nhà ta, em chỉ tin được mình  anh.
- Cô nói gì mà lạ vậy? Sau vụ ăn cắp giấy tôi đã sợ cô lắm rồi. Cô cũng thông cảm mà tha cho tôi. Chứ nếu họ mò đến khám nhà, thì tôi biết nói với họ thế nào?
- Làm sao họ dám đến nhà anh? Anh có phải là bộ đội đâu mà bên Quân cảnh có thể đến khám xét! Anh mà không cho em gửi em cũng đành coi như mất hết mà thôi.
Nói rồi cô em họ giàu có ngồi khóc ròng ròng, làm tôi cuối cùng dù không muốn cũng đành gật đầu nhận vậy.
Khi hàng đem xuống gửi thì mới thấy ngay kẻ ăn cắp cũng rất giàu có. Mấy ki-lô-gam vàng, nhét trong một đoạn xăm ô-tô tải được dán kín lại, dăm cái ti-vi màu mà hồi ấy khoảng năm 1975-1976 thì nhà nào có cái ti-vi đen trắng đã là oách lắm rồi.
Vợ tôi đã phải bỏ cả quần áo trong tủ ra để nhét hàng chục ki-lô-gam len Bon-Pasteur(6) thượng hạng và cả những súc gấm vóc mà lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới nhìn thấy và cầm nắn vuốt ve nó.
Ông thiếu tá em rể họ của tôi được “triệu tập đi học tập” ở Bất Bạt(7) đâu bốn tháng thì được thả về. Tuy bị tước cả Quân tịch lẫn Quân hàm, nhưng do khi khám nhà Ban Kiểm tra Quân đội chẳng bắt được “tang chứng, vật chứng” gì để kết tội cả. Và cũng theo lời khai rất “thành khẩn” của một Đảng viên Cộng sản thì đây là lần đầu tiên “trót dại”!
Thì ra “lưu manh” cũng “mưu lược” ra phết, chả trách chúng giàu là phải.


Hà Nội, 2015.
(1)   Áp tải: Đi kèm theo để theo dõi hay bảo vệ
(2)   Khuất tất: Không rõ ràng, minh bạch
(3)   Một trăm đồng hồi đó bằng hai tháng lương kỹ sư của tôi
(4)   Hàm hồ: Nói thiếu căn cứ, bạ đâu nói đấy, không kể đến lý lẽ
(5)   Vật thí thân: Vật thay thế để làm việc liều mạng, nguy hiểm
(6)   Len Bon Pasteur: Loại len tốt nhất và đắt nhất của Pháp lúc bấy giờ
(7)   Bất Bạt: Trên đất Sơn Tây có một trại cải tạo của quân đội


tháng 11 28, 2015

Cháu ruột


Hoa tím ngoài thềm


Hoa hồng màu sen


Như tiên

Năm anh em sàn sàn nhau rỗi rãi rủ nhau đi “phượt”(1). Tới một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, mót đi đái, đứng quay vào phía núi đái.
Đang đái thì có một nàng trẻ đẹp như tiên đi từ xa tới nhìn thấy, hỏi:
- Chào năm chàng trai, mọi người đang làm gì đấy?
- Không biết sao mà còn hỏi?
- Biết thì ta đã chẳng hỏi!
- Đái!
- Tức là làm gì?
- Đái, chứ còn làm gì nữa! Thế cô không đái bao giờ à?!
- Không!
- Hay thật đấy, đến bây giờ mới nghe thấy có người nói là không đái bao giờ! Thế cô là người hay là cái cây hả?
- Không phải là cái cây, mà ta là tiên!
- Thế tiên thì không đái bao giờ à?
- Không!
- Thật thế à?
- Thế đái là để làm gì? Các người hãy giải thích rõ hơn, cho dễ hiểu có được không?
- Ăn, uống, sau khi tiêu hóa rồi thì phải thải ra. Uống nước vào thì phải đái ra nước, gọi là đái. Ăn thức ăn vào thì phải ỉa ra cứt, gọi là ỉa.
- Trong “cõi tiên” chúng ta, chỉ có nhận lễ phẩm của Phật tử thập phương dâng lên cúng giàng, chứ không hề thải ra cái gì cả. Đấy, các người có ai nghe nói là ở “cõi tiên” lại có chỗ để đái, để ỉa chưa?
- Hèn chi người ta ai cũng bảo ở “cõi tiên” chỗ nào cũng thơm tho, không có chỗ nào thối tha, bẩn thỉu cả. Để được như vậy thì trong “cõi tiên” ai cũng chỉ biết “nhận vào”, chứ không ai chịu “nhả ra” bất kể là cái gì, kể cả các “cặn bã”?
- Chính xác! Thế trong “cõi người”, có nơi nào giống như thế không?
- Có chứ! Trong xã hội loài người chúng ta, chỉ có bọn cầm quyền “ăn trên, ngồi trốc” thì mới “xử sự” như vậy.
- Thế mọi người cho rằng bọn “ăn trên, ngồi trốc” ấy giống như tiên chúng ta à?
- Giống gì cũng không quan trọng. Nhưng ở đời chỉ biết “nhận vào” mà không biết “nhả ra”, kể cả cặn bã! Thì dân gian họ bảo rằng đó là loại “ăn cả cứt, đéo cả ma”! Bọn đó không được ai gọi là người!
- Thế thì gọi bọn nó là gì?
- Chó!

Hà Nội, 2015.
(1)   Phượt: Đi chơi không có mục đích.


tháng 11 09, 2015

Ngựa


Thiếu nữ ngồi


Thiếu nữ


Đôi cá


Học vẽ

Từ hồi còn nhỏ, mới học tiểu học, tôi đã thích vẽ. Cứ sểnh ra là vẽ. Vẽ bất cứ ở đâu, bất cứ chỗ nào. Một hôm ngồi học Vật lý, thấy trong sách giáo khoa có chân dung nhà bác học Ga-li-lê(1). Tôi lấy giấy bút ra hý hoáy vẽ lại.
Chợt tôi nghe thấy tiếng cụ Tính sát ngay sau lưng ghế:
- Cái thằng này vẽ được đấy, giống và đẹp lắm, để tôi giới thiệu cho một người quen là họa sỹ bậc nhất dạy cho. Biết đâu sau này thành tài cũng nên.
Cụ Tính là bạn của bố tôi, hai cụ qua lại chơi với nhau từ hồi còn trẻ.
Tôi quay sang nhìn bố. Nét mặt cụ không lộ ra vẻ gì. Có lẽ vì nể bạn nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Thưở nhỏ bị lưu lạc đến mười ba tuổi tôi mới được đi học. Bố tôi cho rằng chỉ nên chuyên tâm vào học chữ. Còn lại các thứ khác đều không quan trọng và không nên để ý.
Được đi học, tôi rất cố gắng và vì đã lớn hơn các bạn, nên thường đứng nhất, nhì lớp. Thấy bố đã yên tâm về chuyện học hành của mình, tôi tìm đến nhà cụ Tính để nhờ cụ giới thiệu với ông thày dạy vẽ.
Cụ Tính nhìn tôi, hỏi:
- Bố cháu có đồng ý cho cháu học vẽ không?
- Dạ, có ạ. Tôi nói dối.
- Được, để bác dắt sang nhà ông Dư bên Cát Dài.
Tôi học ở trường Ngô Quyền, phố Mê Linh nên qua phố Cát Dài chỉ có một đoạn. Vì vậy sau giờ học ở trường, tôi sang đó học vẽ, cũng không xa là mấy.
Hôm sau cụ Tính dắt tôi sang Cát Dài giới thiệu với thày Nguyễn Dư, một người đàn ông cao, gày và rất đẹp, cũng cỡ tuổi cụ Tính và bố tôi.
Thày đưa cho tôi một tấm bìa cứng, một tờ giấy vẽ và một cái bút chì, rồi nói:
- Con hãy vẽ cái đèn dầu này để thày xem, nếu được thày mới nhận vào lớp học chính thức.
Bức tranh vẽ cái đèn dầu đầu tiên ấy, bây giờ tôi vẫn giữ gìn cẩn thận như một kỷ vật quý báu.
Sau khi được nhận vào lớp, tôi mới biết là làm sao có tiền để đóng học phí, tiền mua các dụng cụ để học. Rất nhiều thứ chứ không ít, nào là giấy, bút, tẩy, bảng gỗ cứng,..
Đúng lúc tưởng là phải bỏ cuộc. Nếu nói với bố thì thế nào cũng ăn đòn vì chưa được bố đồng ý cho học vẽ. Chả lẽ lại đi xin tiền cụ Tính?!
Nhưng chẳng hiểu sao ở tôi, lần nào cũng vậy, cứ khi nào bị dồn vào chân tường thì thế nào cũng có kẽ hở thoát ra được.
***
Học được bốn, năm tháng vì tôi học hành tấn tới, tranh tôi vẽ đã được thày treo lên bảng để khen và cho các bạn cùng xem. Rồi với sự ưu ái đặc biệt, thày đã không lấy tiền học phí nữa mà còn cho tôi các vật liệu để vẽ đắt tiền như than(2), phấn vẽ của Pháp, chì than,… rồi có lần tôi còn được cộng tác với thày vẽ áp-phích(3) xi-nê(4) và các phim âm bản để quảng cáo.  
Đến khi học vẽ đến người thì quả là một thời kỳ thật sự khó khăn. Nhưng chúng tôi đã được thày Dư dạy những phần cơ bản nhất là Giải phẫu học về cơ thể con người(5). Từ xương, đến cơ, đến dây chằng. Ngón tay, ngón chân. Các chi tiết nhỏ nhất đều được thày giảng giải cặn kẽ và bắt vẽ đi, vẽ lại nhiều lần.
Vì thế sau này vẽ người chúng tôi thuộc từng tỷ lệ và không bị những lỗi sơ đẳng như quần áo không bay lẹm vào xương như một số tranh của các họa sỹ đã tốt nghiệp ở các trường chính qui vẫn phạm phải.
Đến khi vẽ cả người, thì đầu tiên là vẽ khỏa thân. Trong các mẫu gồm thanh niên, thiếu nữ, trẻ em, ông già,..Khó nhất là mẫu trẻ em, chúng không thể im lặng được một lúc. Ngồi hay đứng cũng vậy, đầu tiên là mười lăm phút, rồi mười phút, rồi tám phút, thế nào chúng cũng ngọ nguậy, thế là lại phải chỉnh sửa lại với dáng ban đầu. Về sau rút kinh nghiệm chúng tôi lấy phấn để đánh dấu từng chi tiết nên thời gian chỉnh sửa cũng nhanh hơn chút ít.
Háo hức nhất vẫn là mẫu thiếu nữ. Lần đầu trong đời, bọn học sinh mới lớn chúng tôi được nhìn thấy thiếu nữ khỏa thân, hầu như các học viên trong đó có tôi, cả tuần không vạch được một nét chì nào lên giấy.
Thày đã thông cảm và không một lời nhắc nhở.
Sau quen đi, chúng tôi cũng đã vẽ được như các mẫu khác.
Chủ nhật thày thường đưa chúng tôi đi vẽ phong cảnh ở các làng ven thành phố.
Có lắm hôm chúng tôi tụ tập trước cửa, thày mới dậy rửa mặt, cạo râu, thành ra có hôm vì vội thày chỉ cạo có một bên râu quai nón, còn lại một bên má vẫn xanh rì.
Nhiều bức tranh vẽ hồi ấy tôi vẫn giữ được đến giờ. Màu sắc trong sáng, nét bút ngây ngô, mà giờ đây khi tôi đã vẽ tranh bán cho người nước ngoài, vẫn không sao vẽ lại được. Nó mang trong lòng cả không gian, thời gian, cả sự hồn nhiên của thời thơ ấu, không bao giờ còn trở lại. Những kỷ vật đó đối với tôi vô cùng quý giá.
Sau này đã có người mặc cả mua với giá cao, rất cao, nhưng tôi không nỡ xa nó. Cứ mỗi lần tần ngần trước những bức tranh “ngây ngô” ấy, tôi như lại trở về với quá vãng xa xôi, trong sáng và ngọt ngào.
Nhớ nhất lần nhà hàng xóm giáp gianh rỡ mái ra lợp lại, thấy cả tập bản vẽ người của tôi giấu ở đó. Vì tập vẽ có tên, nên họ mang sang trả.
Đi học về đến nhà, thấy bố nhìn hằm hằm, hỏi xẵng giọng:
- Của mày phải không?
Rồi không đợi trả lời, cụ đã túm đánh tôi một trận nhừ tử.
Sau đó cụ nặng nhọc, nói trong giận dữ:
- Tao nuôi mày ăn học, mà sao mày lại đổ đốn ra thế này?
- Con có làm gì đâu ạ, con đi học vẽ tại nhà thày Dư ở Cát Dài. Chính cụ Tính giới thiệu con đến học. Đây chỉ là các bài vẽ tập của con!
- Mày hãy nhìn lại xem mày vẽ những cái gì?
- Các bài này học vẽ về người, ngoài bức vẽ thiếu nữ, còn có cả ông già, trẻ em nữa mà.
- Tao đã cho phép mày học vẽ chưa? Tao vẫn bảo là chỉ học chữ cho tốt cơ mà!
- Thì ở lớp con vẫn học tốt!
- Ai cho tiền mày đi học vẽ?
- Anh Huyên ạ.
Hồi ấy khoảng năm 1955 thì phải, thời điểm mà bà chị hai tôi chuẩn bị lấy chồng. Ông anh rể tương lai đang ra sức lấy lòng cậu út, nên đã bỏ tiền ra để “bao trọn gói” tiền học vẽ cho tôi.
Sau khi kiểm tra kỹ rồi, cụ gọi đến nói là tháng tới sẽ cho tiền để tôi học vẽ.
Vài năm sau, tôi đã vẽ vài bức tranh được thày Dư treo lên làm mẫu cho cả lớp. Bức hoa Lay-ơn(6) khá đẹp thày treo đã lâu, khi có tranh mới thay thế, nó được hạ xuống và thày nói với tôi là đem về nhà để giữ. Bức tranh đó tôi không dám ghi tên. Mấy lần cụ Tính đến chơi thăm lớp cứ nhầm là tranh của thày vẽ, thành ra sau thày lấy bút chì ghi tên tôi nho nhỏ ở phía dưới.
Đem về tôi lặng lẽ đặt trên bàn chứ không dám khoe với bố.
Cụ đi làm về giở ra xem, khen đẹp và bảo tôi treo lên cái khung giữa nhà. Hôm cụ Tính đến chơi nhìn thấy tranh tôi được treo lên, phấn khởi nói với bạn:
- Tranh thằng con ông vẽ, treo lên trông cũng đẹp ra trò!
- Nó làm sao vẽ được như thế!
- Ông thử nhin kỹ xem, chả tên nó ghi ở phía dưới thì tên ai đấy?!
Bố tôi quay lại hỏi:
- Sao tranh mày vẽ, mà không ghi tên rõ ràng?
- Con sợ.
Cụ không nói gì, nhưng thái độ của cụ đã “mềm” lắm rồi, chứ không còn “căng” như khi phát hiện ra tập tranh vẽ người của tôi hồi trước nữa.
Thế rồi sau đó bức tranh Hoa Huệ ra đời. Bức này tôi vẽ tại nhà và được thày Dư khen. Nó được treo trang trọng giữa nhà từ đó đến nay.
Sau đó có một lần họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung về nhà máy Xi Măng Hải Phòng lấy công nhân làm mẫu vẽ. Lúc ấy tôi cũng đang đẩy xe than trong nhà máy, gặp và mời cụ về nhà chơi.
Cụ Cung xem bức Hoa Huệ rất lâu, rồi khuyên tôi nên thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội. Cụ còn dặn khi nào lên thi thì nhớ đến qua nhà số 13 Lê Đại Hành báo cho cụ biết. Mãi sau này tôi mới biết lúc đó cụ đang là một họa sỹ hàng đầu Việt Nam và giữ chức Bí thư Đảng ủy trường Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1960 tôi lên Hà Nội thi vào hai trường Đại học, trường Bách Khoa và trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nhưng do tuổi trẻ còn nhiều tự ái, nên tôi đã không đến báo cho cụ Cung biết.
Khi trường gọi nhập học, các bạn khuyên tôi:
- “Một bức tranh, người khen đẹp, kẻ chê xấu, làm gì có “chuẩn mực”. Mày học tự nhiên giỏi, vào Bách Khoa mà học. Hai với hai là bốn, ai dám bảo là không đúng!”
Tôi cho là có lý và vào học ở Bách Khoa. Nay đã về hưu, đã già lắm rồi, mà thấy hai với hai vẫn không hẳn là bốn.  
Muốn sống tốt hơn, sung sướng hơn cái khả năng mình có, thì luôn phải nhớ rằng hai với hai “là bao nhiêu cũng được”, miễn là “cấp trên” gật đầu đồng ý!
Lúc đầu tôi cũng đã vẽ thử một số tranh đem gửi bán, song không ai dám nhận vì nhà nước ta “coi trọng hiền tài”! Tranh là tài sản văn hóa vô giá của Quốc gia. Bán cho nước ngoài là để “chảy của quí của đất nước” ra ngoài mất.
“Phí”!
Tốt nghiệp Bách Khoa, tôi được điều về Viện Thiết kế Bộ Giao thông. Công việc thì cứ đều đều, nhưng hồi ấy lương kỹ sư không đủ nuôi gia đình, vợ con. Tôi đã xoay giở đủ bốn phương, tám hướng như quấn quạt, quấn sut-vôn-tơ(7), chữa xe đạp, xe máy, để cải thiện thêm cho đời sống.
Một hôm chủ nhật, anh Nguyễn Hải, kỹ sư Địa chất giỏi nhất của Viện Thiết kế, cùng cơ quan, đem xe máy đến nhờ tôi sửa. Sau bữa trưa, anh nằm trên giường để nghỉ, ngửa mặt lên thấy cái tranh tôi vẽ đôi cá trê, phỏng theo tranh thủy mặc(8) của Tàu.
Anh khen:
- Mày có cái tranh cổ đẹp nhỉ!
- Tranh tôi vẽ đấy!
- Bốc phét! Mày mà vẽ được thế?!
- Nói thật không tin, thì ra ai cũng thích nghe “nói láo”!
- Mày tháo xuống tao xem. Nếu đúng là tranh của mày, tao sẽ nhờ vợ tao bán hộ.
- Chị ấy bán tranh ở đâu?
- Souvenir du Vietnam(9) Hàng Bài.
Không ngờ rằng đấy lại chính là “vận hội vàng” đến với tôi.
Sau khi xem bức tranh của tôi, chị Yến - vợ anh Hải gọi tôi đến nói:
- Tranh anh vẽ, có thể bán được. Nhưng nếu thể hiện trên lụa thì sẽ có giá hơn.
Khổ một nỗi thày dạy tôi vẽ lại từ Pháp về, nên ông không dạy vẽ lụa. Thế là tôi lại mày mò mua lụa về tập vẽ.
Cái khó là độ mịn của lụa không sao bằng độ mịn của giấy, nên khi đặt bút lên là màu, mực nhòe tứ tung. Tôi đã tìm “trăm phương, nghìn kế” mà vẫn không sao khắc phục được “cái nhòe” của lụa. Anh Trịnh Bá Đông bạn cùng phòng nghe kể, dẫn tôi đến ông bác anh là họa sỹ khóa một trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương(10) đang vẽ tranh lụa gửi sang Pháp.  
Nhưng suốt buổi gặp gỡ, ông già giữ nghề không chịu phổ biến kỹ năng vẽ lụa.
Về nhà “nổi máu tự ái” lên, tôi tự nhủ rằng: “Học Bách Khoa khó thế còn học được, sao bây giờ lại chịu “bó tay” với cái vụ “lụa nhòe” này nhỉ?”
Thế rồi từ hồ lụa bằng nước cơm, bột lọc đến cồn A-ra-bic(11), từ loãng đến đặc. Rồi sau đó lại đến cái đoạn “khử mốc” cho tranh. Dù sao lụa tơ tằm vẫn chỉ là chất hữu cơ, mà cái độ ẩm ở nước ta có mùa lên đến trên 90%, thì như một nhà thơ nào đó nói đến “tâm hồn còn bị mốc”, huống chi là lụa!
Sau lại đến cái đoạn bồi tranh, tức là dán lụa lên giấy sao cho hai thứ dính nhau làm một. Chỉ bị bong bằng hạt đỗ xanh là phải bỏ cái tranh đi. Trên Hàng Mã, họ có nghề, nên làm rất “nghệ”, nhưng công lấy khá đắt bằng nửa tiền bán tranh. Hai vợ chồng lại mầy mò làm mãi. Sau vợ tôi trở thành người bồi tranh vào loại số một.
Cứ thế dần làm, dần tìm cách khắc phục những sơ xuất mà bức tranh sau hoàn thiện hơn bức trước.
Tôi vẽ bức nào bán hết bức ấy. Ông họa sỹ già và cô con gái vẽ lụa gửi sang Pháp, sau cũng phải nhờ “cửa gửi” của tôi ở  Hàng Bài để bán tranh.
Một hôm, chị Yến cho gọi tôi đến bảo:
- Anh phải vẽ thêm các đề tài khác, chứ họa sỹ gì mà chỉ có mỗi bức tranh cá trê! Hôm nay tôi gọi anh đến, cho anh xem các họa sỹ Hà Nội vẽ những gì. Đây là điều cấm kỵ. Anh phải giữ kín việc này. Nếu cửa hàng biết, tôi sẽ bị đuổi việc ngay.
Về ngẫm nghĩ tôi hiểu rằng:
“Tất cả “những đỉnh” đều có “cao nhân” “chiếm lĩnh” rồi. Người Hà Nội tài hoa lắm, nên không còn chỗ hở nào cho tôi có thể len chân vào được.
Tôi thấy chỉ còn mỗi mảng tranh đen trắng là còn “bỏ ngỏ”. Nhưng đây là mảng “khó nhằn” nhất. Vẽ đã khó, lại dễ lộ nhược điểm và đặc biệt không hấp dẫn bằng tranh vẽ nhiều màu sắc.
Tuy nhiên phải chấp nhận vì cái sự “sinh sau, đẻ muộn” của mình thôi.
Chị Yến còn cho tôi biết đối với những nước văn minh, người ta đều yêu vẻ đẹp mạnh mẽ, thông minh của ngựa và nét quyến rũ của tranh thiếu nữ khỏa thân.
Tôi quyết tâm đi vào hai đề tài này, ở mảng tranh đen trắng.
Cũng rất may, về hình họa(12) tôi đã được thày Dư dạy rất kỹ, nên tranh của tôi được chấp nhận ngay. Chỉ riêng về ngựa thì quả thực tôi chưa biết gì.
Bức phác họa ngựa đầu tiên đã làm tôi khó quên, khi nghe thằng con nhỏ chạy lại khoe với mẹ:
- Mẹ ơi! Bố vẽ một đàn chó rất đông!
Tôi vừa buồn cười vừa xấu hổ về lời nó nói. Thế rồi các chủ nhật sau, tôi đèo vợ con trên chiếc xe đạp duy nhất vào Hà Đông chơi với ông bạn cùng phòng của vợ, có chú em làm nghề xe ngựa để quan sát và ký họa(13).
Ít lâu sau tôi đã có tranh vẽ ngựa vào loại nhất nhì trong các cửa hàng. Có một lần đi qua phố Bà Triệu, tôi thấy một nghệ nhân bày tranh và thư họa ra hè. Tôi ghé mua một bức thư họa thì ông ta cứ giới thiệu đi, giới thiệu lại tranh vẽ ngựa của ông ta.
Tôi góp ý về tranh ngựa, rồi đưa danh thiếp thì ông ta tỏ ra rất nể và không dám lấy tiền bức thư họa tôi mua nữa.
Tôi đã cảm động nói với ông ấy:
- Tôi còn chưa khổ bằng bác. Sao bác phải biếu tôi!?
Sau này đi lại mới biết, ông là Thanh người Thanh Hóa, làm ở Bảo tàng Nhà nước, thông thạo bốn ngoại ngữ. Giờ về hưu ra đường bán chữ nuôi con học đại học.
Tranh tôi vẽ, con gái đi đưa mà có ngày nó phải đi về vài lượt để giục giã. Tôi đã có tiền để sửa lại căn nhà xập xệ của mình.
Có một lần bà Lan ở số 5 ngõ Đoàn Nhữ Hài, nơi tôi gửi bán tranh, cùng chỗ gửi tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, đã nói với con gái tôi:
- Sau này, bố chị chết thì thế nào cũng nổi tiếng.
Tôi đến gặp, thì bà nói:
- Đã có một số người Pháp, sưu tầm tranh của ông, có hỏi địa chỉ, nhưng tôi không nói. Ông thông cảm, tôi mà nói, thì tôi không nhận được tiền chênh lệch.
Về nhà tôi đùa với con gái:
- Hay bây giờ bố chết, để trở thành nổi tiếng. Tranh sẽ bán được giá hơn.
Nó tưởng thật, đã òa khóc:
- Con không cần sự “nổi tiếng”, con không cần tiền. Con chỉ cần có bố thôi.
Giờ tôi cũng đã già, tay đã run, mắt đã kém. Con gái đi lấy chồng và đã trở thành bà ngoại rồi, không có ai đi giao tranh cho tôi nữa.
Tôi vẫn giữ được hơn hai trăm bức tranh nguyên bản.
Mấy lần khách đến đòi mua, trả giá rất cao, nhưng con gái tôi ngăn lại.
Nó chảy nước mắt nói:
- Bố đã già rồi, không còn vẽ được nữa. Sau này con sẽ không giữ gì ngoài những bức tranh bố vẽ.
Thì ra trên đời vẫn còn có người coi tranh là của quý.

Hà Nội, 2015.

(1)    Ga-li-lê: Glileo Galilei: nhà thiên văn, vật lý, toán và triết học người Ý: 15/02/1564-08/01/1642.  .Cha đẻ của khoa học 
         cận đại
(2)    Than: Fusain
(3)    Áp-phích: Affiche (tiếng Pháp) bảng quảng cáo
(4)    Xi-nê: Viết tắt từ Cinéma (tiếng Pháp) chiếu bóng
(5)    Giải phẫu học về con người: Anatomie de l’homme
(6)    Hoa Lay-ơn: Hoa tuổi trẻ: La Jeune (tiếng Pháp)
(7)    Sút-vôn-tơ: cái tăng áp (tiếng Pháp) survolteur
(8)    Tranh thủy mặc: Tranh vẽ bằng mực Tàu
(9)    Souvenir du Vietnam: Cửa hàng bán tranh và đồ lưu niệm Viêt Nam
(10) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: L’école des Baux-Art de L’Indochine (Yết Kiêu)
(10) Cồn A-ra-bic: Cồn dính làm từ nhựa cây của Ả-Rập
(11) Hình họa: Thể loại hội họa không sử dụng màu. Chủ yếu là vẽ người
(12) Kí họa: Tranh vẽ nhanh để ghi lại


tháng 10 27, 2015

Biển Đồ Sơn - Hải Phòng


Bến Thốc - Đồ Sơn Hải Phòng


Cau cảnh


Cái gầm giường đầy tiền

Đất nước sau khi thống nhất năm 1975 được ít lâu, thì hai miền Nam Bắc bắt đầu giao lưu, mà đầu tiên là giao lưu về kinh tế.
Câu cửa miệng mà dân Sài Gòn hay nói để mỉa dân “Bắc kỳ cọc cạch lửa”(1) là thời kỳ Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng(2)
Tôi có ông bạn học hồi Phổ thông làm đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Dưới một người (là Bộ trưởng), trên muôn người. Lúc bấy giờ ở Bộ Thủy sản có việc trao đổi hàng hóa.
Miền Nam mang nước mắm, cá khô, moi khô(3),… ra Bắc chỉ để “đổi” lấy cá giống vào trong đó. Nguyên tắc thì như vậy, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Số hàng mang ra Bắc để đổi cá giống gấp hơn chục lần giá trị số cá giống mang vào trong ấy. Thế thì hàng dư ra chả lẽ lại mang về. Ngay người “ngớ ngẩn” nhất cũng biết bán đi để mang tiền về cho gọn. Hồi đó còn tồn tại ba, bốn loại giá cả. Giá cung cấp, giá mậu dịch, giá chợ đen và giá nội bộ,…Mà giá nội bộ để trao đổi trong cùng một Bộ với nhau chỉ bằng phần chín, phần mười giá thị trường. Tất nhiên cũng không ai đem ra chợ mà lại bán theo giá cung cấp hay giá nội bộ. Lại cũng không có ai lại “trung thực báo cáo” với “lãnh đạo” về “cái sự chênh lệch này”.
Tiền chênh lệch tất nhiên cũng chẳng ai “nuốt” nổi một mình. Tuy vậy khi chia năm, sẻ bảy nó cũng còn lớn lắm. Sau một chuyến hàng “trao đổi Nam Bắc” “mỗi xuất” cũng mua được một cái nhà loại trung bình.
Sau sự cố “mất trắng hàng” do một “cặp mẹ con” buôn bán sừng sỏ nhất, nhì chợ Đồng Xuân “hành sự”. Họ đã sử dụng đến “chiêu tuyệt kỹ” là “rượu nồng và thịt béo” để đưa anh chàng phụ trách trẻ tuổi vào bẫy. Tay này bị “tống giam” ngay sau đó. Rồi chỉ ít lâu sau đó một cán bộ khác được thay thế. Truyện cụ thể thế nào đã được nói tóm tắt trong truyện ngắn “Vật lộn” đăng ở trên Blog này (vào ngày 15/09/2014 - “trang 18”).
Đấy cũng là “thời cơ quý báu” gần như “trời cho” mà ông em con bà cô ruột tôi là nhân viên ở Bộ Thủy sản đã về hưu, “bắt” được mối làm ăn “béo bở” này.  
Ông ta đến tìm tôi để bàn bạc. Mà cũng lạ, cứ có việc làm ăn gì rắc rối thì ông ta mới “tìm” đến tôi, còn ăn hoặc chia lợi nhuận thì không lần nào ông ta nhớ tới tôi cả.
Dù không làm việc trong ngành kinh doanh hay thường “dính dáng” đến của cải, vật chất bao giờ. Nhưng dù sao cũng là một cán bộ nhà nước gần ba mươi năm, nên cái “kiểu” làm ăn bài bản và rườm rà trong tôi “nó ngấm vào máu” và trở thành “mặc định”(4).
Tôi áp dụng kiểu xuất nhập hàng mà các kho bãi Quốc Doanh vẫn thường làm.
Mấy chục toa xe về đến ga đầu mối Giáp Bát, tôi cho bốc hết hàng nhập về các kho đã thuê trước của các cơ quan nhà nước, lúc ấy đang rộng “thênh thang” chẳng biết dùng vào việc gì!
Ổn định đâu đó tôi cho một người thu tiền, một người xuất hàng. Cứ tuần tự như thế thì “trẹo” đi đâu được xu nào nữa!
Tuy nhiên lại nảy ra một điều rắc rối mới, đó là vì số hàng quá lớn “đẻ ra” số tiền thu về cũng quá nhiều, mà tôi đâu có phải là “một doanh nhân”, nên làm gì có “chỗ” để chứa tiền!? Từng bọc, từng bọc tiền lớn, tiền nhỏ được nhét vào gầm giường rồi phủ một tấm chăn lên để che tạm.
Chỉ riêng việc phân ra để xếp vào từng loại tiền một cũng làm cho vợ tôi kêu trời, kêu đất. Phân ra rồi cũng không thể đếm xuể. Lấy lạt “trói” lại từng bọc, từng bọc lớn một, rồi tống vào gầm giường.
Đấy đúng là thời kỳ tiền đổ vào nhà tôi như nước lũ. Không dám “bốc phét” với mọi người là lúc đó trông thấy tiền nhiều quá mà lo sợ, mà ngán ngẩm.
Đấy là chưa kể những vụ mạo hiểm đèo hàng bao tải tiền từ Bắc Ninh hơn ba chục ki-lô-mét về giữa đêm.
Có những lần phải sang tận Bắc Ninh để “gom” tiền của mấy hợp tác xã, chiều tối mới xong. Lúc “đóng” tiền vào bao thì đầy ự đến miệng. Nhét một nắm rơm nõn trên để ngụy trang. “Vật” được cái bao tải tiền nặng như “cối đá lỗ” lên poóc-ba-ga(5) đã chật vật lắm rồi. Khi đạp xe ra gần đến đường cái thì bỗng cảm giác như có người đang theo sau mình. Chả lẽ lại quay lại làng ngủ qua đêm. Hồi ấy thì lấy đâu ra điện thoại để nhắn tin về cho vợ. Vì lúc đó còn trẻ, mới gần bốn mươi nên “máu liều” cũng còn khá nhiều trong huyết quản, nên cứ đạp phứa đi. Đến đường cái, tôi không rẽ về phía Hà Nội, mà ngoặt ngược về phía Bắc Giang. Ánh đèn đường chỉ loáng thoáng khi tỏ, khi mờ. “Mở hết tốc lực”, qua một đống rơm to ven đường, tôi rẽ ngoắt vào phía sau nấp lại. Quả nhiên có hai người đạp xe đèo nhau theo rất sát. Họ cố đạp thật nhanh để đuổi kịp, nhưng do đường tối họ không nhìn thấy tôi đã nấp sau đống rơm. Ước chừng vài phút, tôi quay xe lại đạp hối hả về Hà Nội. Cỡ phải nửa đêm, đến dốc cầu Long Biên thì xe xịt lốp. Ngó trước, ngó sau thấy một hàng sửa xe thắp một ngọn đèn nhỏ le lói bên hè.
Vật được cái xe ra để vá xăm, phải ông thợ cứ lóng nga, lóng ngóng. Hỏi ra mới biết ông già là nhân viên văn phòng, tối ra ngồi vá xe kiếm ít tiền “cải thiện”. Tôi bảo ông để tôi làm rồi giả tiền cho ông ấy.
Về đến nhà thì gà đã gáy sáng, cỡ phải một, hai giờ rồi.  
Lắm lúc tôi tự hỏi: làm sao lại không bị cướp mất tiền hoặc bị đâm chết dọc đường!?
Tiền trong nhà nhiều quá, nhiều phát ngốt lên, chật chội, ngột ngạt.
Thế mới biết các cụ chúng nó nói: “Thái quá, bất cập - Có nghĩa là cái gì có nhiều quá đều trở thành bất tiện. Ngay cả những thứ rất cần như tiền của, vật chất, kể cả tình yêu nữa.”
Nhưng cái “số tôi” nó thế đếch nào ấy, một thời gian dài nhà đầy tiền mà mình thì “cóc” có “đồng mẻ” nào để chi dùng mới lạ chứ!    
***
Điều nực cười nhất, là khi đến nhận tiền, ông em họ không nhớ mà “chừa” lại cho tôi một đồng kẽm nhỏ và “quên” cả lời cảm ơn. Cứ y như tôi sinh ra để làm việc này và để làm không công cho ông ấy.
Lắm lúc tôi tự hỏi, mình đã làm gì, đã giúp đỡ cho ai trong các vụ “làm ăn phi pháp” và cực kỳ nguy hiểm này?
Thì ra tôi chỉ là một “quân tốt đen” trong tay ông em họ “tham lam và bẩn thỉu”!
Cuối cùng, các Hợp Tác Xã mua bán ngoại ô biết chuyện, họ bàn với nhau là chi cho tôi một khoản tiền nhỏ vì khi có tôi tham gia phân phối, thì với cùng một lượng hàng hóa, họ chỉ phải trả cho chủ hàng có già nửa số tiền trước đây họ phải trả cho mẹ con bà Đệ ở chợ Đồng Xuân.
Để tôi vui vẻ nhận, họ nói là tiền này là tiền bồi dưỡng nhỏ cho người đã có đóng góp và làm lợi cho họ.
Tôi mang số tiền gọi là “bồi dưỡng nho nhỏ” này mua được hai cái mô-tô 67, mà lúc bấy giờ, mỗi cái xe có thể đổi một căn nhà loại trung.
Tôi thành người giàu có nhất khu tập thể và được “mệnh danh” là “kỹ sư nước mắm”. Trong túi xách của tôi bao giờ cũng có mẫu nước mắm và cá khô.  
Một thời gian dài tôi đột nhiên trở thành người “đáng nể” trong mắt đồng nghiệp và một lần tay trưởng phòng của tôi đã ngỏ lời xin được giúp việc cho tôi để phụ giúp trong cuộc “buôn bán” mắm, moi này!
Thế mới biết các cụ nói cấm có sai:
 “Đồng tiền, đi liền khúc ruột”

Hà Nội, 2015.

(1)   Bắc Kỳ cọc cạch lửa: Người Bắc Kỳ xưa nghèo đi phu Cao su cho Pháp trong các đồn điền Nam Bộ không có bật lửa, thường dùng hai hòn đá nháp để đánh lửa hút thuốc, nên đi lại có tiếng va cọc cạch của hai viên đá để trong túi phát ra.
(2)   Miền Nam nhận họ, Miền Bắc nhận hàng: Miền Nam ra Bắc nhận người thân tập kết năm 1954. Còn Miền Bắc vào trong Nam để “xin” và “nhặt nhạnh” các thứ từ chủi cùn, rế rách. Tỏ ý miệt thị dân Bắc kỳ nghèo đói.
(3)   Moi: loại tép biển nhỏ thường dùng làm mắm
(4)   Mặc định: Xác lập mặc định, dĩ nhiên, tất phải thế
(5)   Poóc-ba-ga: porte bagages (tiếng Pháp): cái đèo hàng  



tháng 10 12, 2015

Chân dung tự họa


Thiếu nữ nằm ngủ


Tranh thủy mặc


Khi bạn thành đạt

Hồi ấy khoảng năm 1976-1977 gì đó. Hai miền mới thống nhất, nên “luật lệ” có nhiều điều chỉ là những quy định tạm thời. Ông bạn học thời phổ thông với tôi, giờ đang là Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, lương cao ngất ngưởng, quyền hành thì “dưới một người, trên muôn người”, nhưng công việc lại thật là nhàn nhã.
Biết tôi đã về hưu được mấy năm, chẳng có việc gì bận bịu, nên khi nào ông ấy rảnh rỗi quá thấy buồn, lại gọi điện bảo tôi lên Mã Mây, trụ sở cơ quan ông, để ông cho uống bia miễn phí. Ông thì không uống được bia, rượu nữa rồi, vì bụng ông đã quá to và vì mề, gan, tim, phổi ông cũng đã mấy lần phải “mổ xẻ” không thể “chất chứa” thêm men bia, men rượu được nữa, nhưng ông lại có “sở thích” là ngồi nhìn thằng bạn học cũ nghèo như tôi uống. Có lẽ đấy cũng là “sở thích” của những người đã quá no đủ, quá “sung mãn”. Họ không “dùng” được nữa nhưng vẫn muốn “xem” người khác “dùng”. Nhưng phải thú thật, tôi có mở hết ruột, gan, mề, phổi ra “để chứa” thì nhiều nhất cũng chỉ “vào” được hơn hai vại là mắt la, mày lét phải tìm chỗ “xả” rồi!
Cho nên nhiều khi nhìn thấy mấy “anh hùng bàn bia”, mặt tai tái, mồ hôi nhỏ giọt, nhưng mồm vẫn không ngớt “trề” ra “đớp đớp” vào vại, thì trong thâm tâm tôi lấy làm “nể phục” lắm lắm! Lòng vẫn nhủ lòng là làm thế nào mà họ lại có thể “tọng” cả chục vại bia vào bụng? Thật là phi thường!
Khi tôi dắt cái xe đạp cà-tàng đến 80 Mã Mây thì thấy đó là một quán bia rất sầm uất, người ra vào thật rộn rịp, đông vui. Chỉ có tiếng cười, tiếng gọi ồn ồn không ai nghe ai nói và cũng không ai kịp nói cho ai nghe.
Tôi rón rén khóa cái xe đạp rồi dựa vào cạnh cột điện. Khi vào trong quán tôi được người ta chào mời đon đả, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn gặp ông bạn là Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, thì một người trông không mấy thân thiện tiến lại hỏi tôi:
- Ông muốn gặp ông Ninh để làm gì?
- À, chẳng có việc gì cả, tôi đến để chơi với ông ấy thôi! Chúng tôi là bạn học.
- Ông ấy là Tổng cục trưởng Tổng Cục thì làm gì có thời gian chơi bời với ông!?
- Nhưng ông ấy nhắn tôi lên đây mà.
- Ông ấy vừa lên Bộ họp với Bộ trưởng rồi, không có nhà!
- Sao lại có thể như thế được?
- Ông nói sao? Có cái gì mà được với không được? Ông về đi để chúng tôi còn làm việc!
Với ánh mắt nhìn tôi không “lành” cho lắm, thêm cái giọng coi thường người khác của anh Bảo vệ, đã làm tôi nổi nóng nói to:
- Anh về nói với thẳng Tổng cục trưởng nhà anh là lần sau đừng nhắn tôi lên nữa nhé!
- Làm gì thế, làm gì thế hả Vận?
Tiếng nói cũng to không kém của ông bạn Tổng cục trưởng Tổng Cục đang thò cổ ra từ cầu thang trên gác hai chõ xuống hỏi.
Anh Bảo vệ tên Vận lập tức lùn hẳn xuống, nhũn nhặn:
- Dạ báo cáo Thủ trưởng có bác này đến thăm Thủ trưởng đấy ạ.
- Tớ vừa được anh này nói là cậu đi họp với Bộ trưởng rồi cơ mà. Sao vẫn ở đây à? Tôi vẫn rất bực hỏi lại.
- Đi họp lúc nào, cái thằng chỉ giỏi bịa. Sao không mời bác ấy lên đây?
- Dạ, dạ, cháu mời bác lên gác hai ạ.
Tôi lên gác hai, thì ra Văn phòng của ngài Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản là ngay trên nóc “quán nhậu” số 80 Mã Mây này.
Ông bạn tôi chữa thẹn vì bị anh Bảo vệ qua mặt, mời tôi ngồi trong căn phòng rộng mênh mông mát lạnh vì máy điều hòa chạy vù vù, rồi nhấc ống nghe gọi:
- Vận, Vận, cho mang lên hai vại bia và mấy con mực nướng nhé!
- Mực mõ gì, thôi tôi ngồi với ông một lúc rồi về, không ăn uống gì cả!
- Ô hay, sao lại bực mình với thằng bảo vệ. “Có dung kẻ dưới mới là người trên chứ”! Ông bạn già!
- Ở đâu bây giờ cũng nhìn người bằng nửa con mắt. Ai hỏi, chúng nó cũng coi như đến nhờ cậy, xin xỏ, khó chịu bỏ mẹ!
- “Quen dái dạ, lạ dái áo”(1), ông còn lạ gì mà bực mình cho nó khổ. Để tôi gọi thằng Hải lên uống với ông cho vui.
- Nó đang ở đâu?
- Nó đến từ lúc nãy, nhưng nó bảo uống bia với thằng không biết uống như tôi, nó “đéo” sướng, nên nó lại cầm vại xuống nhà rồi!
Nói rồi Ninh mở cửa xuông nhà, một chốc thấy Hải mặt đỏ tía cầm vại bia theo Ninh bước lên. Vừa nhìn thấy tôi, Hải đặt vại xuống bàn xồ đến ôm chặt lấy tôi hôn lấy, hôn để cả hai má như trong phim Liên-Xô đang chiếu trên rạp.
Ba thằng bạn học cũ hồi Phổ thông Trung học nay đã già ngồi với nhau, cạnh mấy vại bia và dăm con mực nướng, xem chừng có nhiều tâm trạng! Chẳng biết nói gì, nói từ đâu, nên cứ một thằng định nói thì thằng kia lại ra hiệu không nên nói.
Sang đến vại thứ hai, tôi đành hỏi Ninh chỗ đi vệ sinh để còn “trút bầu tâm sự”. Một lúc sau anh bảo vệ hớt hải chạy lên báo có Bộ trưởng đến. Ninh bảo bọn tôi cứ tự nhiên vì vị Bộ trưởng này là bạn học cùng lớp với Ninh ở Đại học Thủy sản mà:
- “Nó còn học dốt hơn tao nhiều!”
Tuy nhiên tôi không muốn ảnh hưởng đến bạn nên rủ Hài xuống nhà uống tiếp. Không ngờ Hải khùng lên nói:
- Bộ trưởng là cái “đếch” gì? Tao cứ ngồi đây đấy, “sợ gì cha con thằng nào”!
Vừa lúc ấy tay Bộ trưởng kia bước vào phòng, không biết ông ta có nghe thấy Hải nói gì hay không, nhưng ông ta chào hai chúng tôi trước rồi đến bắt tay, nói:
- Hai bác cứ tự nhiên. Tôi chỉ đến gặp đồng chí Ninh một lát thôi, không làm phiền các vị lâu đâu!
Tôi cảm thấy ngượng với thái độ lịch thiệp của ông ta, bèn đứng dậy nói:
- Cám ơn ông Bộ trưởng! Chúng tôi là bạn học cũ với ông Ninh, hôm nay rỗi ghé thăm ông ấy. Ngồi đã lâu, chúng tôi xin phép, chào hai ông, chúng tôi về.
Ninh tiễn chúng tôi ra cửa và hẹn hôm nào rỗi lại đến.
Trên đường về tôi cứ nghĩ:
Không hiểu sao, Hải một người bạn học thông minh, vui tính dù đã tốt nghiệp Đại học, nhưng vì “thành phần cao” nên suốt đời đành làm bảo vệ cho một Công ty Lương thực và dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Anh để kiếm sống. Nay đã về hưu nhưng trong lòng, thì không lúc nào được thanh thản, lúc nào cũng hay giận hờn, cáu bẳn.
Tội nghiệp bạn tôi.     

Hà Nội, 2015.

(1) Quen dái dạ, lạ dái áo: Quen thì sợ tư cách, lạ thì sợ áo, sợ quần (cái vẻ bề ngoài)

tháng 10 10, 2015

Tháp Rùa Hồ Gươm - Hà Nội


Tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm - Hà Nội


Cầu Thê Húc trên Hồ Gươm - Hà Nội


Buôn pháo

Sau chuyến “thử vận may” mong đổi đời làm “người vận chuyển thuốc phiện” không thành. Ông bạn tôi lại bàn là đi buôn pháo, vì ông có người quen trong Bình Đà(1).
Pháo lúc bấy giờ mới có lệnh quản lý, nhưng chưa nhiều người biết và quan tâm. Vì thế ở các chợ to như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ vẫn có người buôn bán pháo.
Pháo lúc bấy giờ đã là một “mặt hàng” được Nhà nước quản lý, dù nó không có “giá” và “tầm cỡ” như thuốc phiện. Song cũng không phải ai cũng có thể “đi lại” được với nó dễ dàng. Vì thế người nào đứng ra “đỡ đầu” cũng phải có “thế” ra sao mới “có thớ” để đứng ra “bảo lãnh” và giới thiệu.
Mò vào tận Bình Đà đất pháo, lại được ông bạn dắt vào tận nơi. Nên tôi được người quen trong làng rất đon đả, nhiệt tình.
Công việc chỉ có thế này, tôi “đóng” pháo, rồi đèo xe đạp đến chợ Đồng Xuân bán buôn cho họ. Như vậy ngày nghỉ tôi vào Bình Đà từ sáng sớm, kẽo kẹt đạp xe về Hà Nội, thì cũng là chiều tối.
Thế là “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Nhưng vì chỉ có cái xe đạp cà-tàng, vốn lại ít nên mỗi lần cũng chỉ chở được dăm chục, quá lắm là gần trăm bánh pháo tép loại nhỏ. Vì thế kể cả công vận chuyển, mỗi chuyến cũng chỉ kiếm được chút ít.
Hồi ấy, ông bạn thân của tôi ở Hải Phòng lên Hà Nội học cao học. Ông có cả chị và cô em gái ở trên phố nhớn, nhưng ông không ở, mà lại xuống nhà tôi tận Cầu Giấy. Vì quá chật chội nên bố mẹ tôi đã mua rồi dọn lên khu nhà nhỏ Lắp ghép mà dân thường gọi là “kiểu nhà chuồng chim” trên Trương Định nên mới có chỗ cho bạn. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, thằng con nhỏ gửi nhà trẻ, nên ở đây tuy có khổ hơn nhưng được cái thoải mái.  
Suốt sáu tháng học Cao học trong Bách Khoa Hà Nội, ông đều ở nhà tôi. Vì thế ông bạn nảy ra ý định rủ tôi cùng đi “đánh” pháo. Lúc bấy giờ ông đang có chiếc xe mô-tô loại nhỏ và cũ kỹ mà những “cán bộ cốt cán” Miền Bắc vào công tác Miền Nam mang ra. Chiếc xe Sharp của Đức được chế tạo từ hồi Hit-le(2) còn cởi chuồng. Bình xăng có hình thù như cái mình con ong, tuy bé nhỏ nhưng máy nổ to như một cái xe tăng. Vì thế tôi gọi cái xe là Con “Ong Vò Vẽ”.
Tôi chưa được dùng xe máy bao giờ, nên cũng háo hức lắm.
Dù xe có nổ to, hình dạng có xấu xí nhưng nó vẫn là một chiếc xe máy. Thế là, chủ nhật ấy, anh em tôi lên đường vào Bình Đà từ sáng tinh mơ.
Do chưa có kinh nghiệm nên anh em tôi đã đóng hơn ba trăm bánh pháo tép, chật cứng hai bao tải dứa. Bắt đầu lên đường trở về Hà Nội thì trời đã tối, và đúng như cái điềm gở báo trước, cái xe cứ liên tục dở chứng. Chưa ra đến đường cái mà nó chết máy đến hai, ba lần. có lẽ do chở nặng, lại do đường lầy sau mưa. Ông bạn tôi rất thạo xe mà cứ phải nhảy lên, nhảy xuống liên tục hết tháo bu-gi(3) để cọ rồi thổi phù phù, lại xả xăng(4) xem có bị tắc không.
Ì ạch mãi phải tám giờ tối mới ra đến Ba La Bông Đỏ. Đến đúng trước đồn Bộ đội Biên phòng thì nó chết ặc một cái rồi nhất định không chịu “nhúc nhích” nữa.
Loay hoay hơn nửa tiếng sửa đủ các kiểu, cái xe “Con Ong” vẫn cứ “ì thân cụ” ra như “mả bố thằng ăn mày” trêu tức.
Có lẽ do hai người cứ loay hoay trước cổng đồn mãi như “mời” mấy anh Bảo vệ “xem xét”. Anh lính gác cổng đã ra nhắc nhở chúng tôi vài lần là phải đưa xe đi chỗ khác, vì có lệnh không cho bất kỳ ai, bất kỳ vật gì đến gần vị trí đồn trú, phòng kẻ gian lợi dụng “tấn công”!?
Nhưng khổ một nỗi, chỉ có ở trạm gác mới có chút ánh đèn le lói, để mà sửa chữa! Chứ chung quanh tối mò mò biết dắt xe đến nơi đâu bây giờ?
Chả biết thế là may hay không may, chúng tôi cứ dắt đi được một quãng lại dắt lại, để lại loay hoay, tháo ra lắp vào mãi mà cái xe vẫn không chịu nổ máy.
Một lúc sau cỡ chín giờ đêm, lúc ấy đường quãng này tối và vắng lắm. Một người chắc là chỉ huy đơn vị từ trong doanh trại đi ra hỏi chúng tôi:
- Xe các anh làm sao thế, mà các anh chở hàng gì vậy?
- Xe chúng tôi không biết bị hỏng cái gì, mà chữa mãi không nổ. Cả hai chúng tôi gần như đồng thanh trả lời.
- Các anh chở hàng gì mà tối mịt mới qua đây?
- Chúng tôi chở pháo từ Bình Đà ra.
- Chở pháo?! Các anh có biết pháo là hàng cấm buôn bán không?
- Không!
- Các anh mang xe và hàng vào trong này, lập biên bản!
- Chúng tôi đã phạm luật?
- Đúng thế!
Trong khi đồn cử hai chiến sĩ đem đủ giấy bút ra để lập biên bản, thì chúng tôi đã kịp “thông cung” với nhau, thống nhất như sau.
Chúng tôi đã khai số hàng trên là của một mình tôi. Ông bạn đi cùng không liên quan và hay biết gì. Do tình cờ gặp nhau, tôi nhờ bạn chở giúp.
Sau khi bàn bạc, có mấy lý do “nên” thống nhất như vậy, vì có ít pháo thì một thằng đứng ra nhận để một thằng thoát là hợp lý, chứ có “dây” ra cả hai thằng thì tội có nhẹ hơn đi đâu. Tôi chỉ là một thằng kỹ sư quèn, lương ba cọc ba đồng. Cùng lắm là tịch thu “hàng” và “cảnh cáo toàn cơ quan” chứ chắc chưa đến độ phải đuổi việc! Nhưng ông bạn tôi thì khác. Nếu ông cũng có “dính dáng” vào vụ này thì thứ nhất là bị “tịch thu” mất chiếc xe máy, cái đồ vật đối với chúng tôi lúc bấy giờ có khi còn “quý hơn cả sinh mạng”. Thứ hai ông bạn tôi lên Hà Nội để học Cao học, lại đi buôn lậu pháo thì chắc là “về quê” “nghỉ” cho “khỏe”. Thứ ba ông ấy mới vừa được kết nạp Đảng, đang trong thời kỳ “thử thách”. Nếu tham gia vụ “buôn hàng lậu” này chắc sẽ “teo mất” Đảng.
Sau khi lập biên bản ký tá xong xuôi, sau khi kiểm tra họ chỉ giữ số hàng và chứng minh thư của tôi. Còn ông bạn tôi được trả tự do.
Họ còn gọi một thợ máy của đơn vị ra kiểm tra giúp Con “Ong Vò Vẽ” của chúng tôi. Không khó khăn gì, anh thợ máy đã phát hiện ra nguyên nhân là tại cái “boọc”(5) chụp trên đầu bu-gi. Theo anh ta giải thích thì cái “đầu boọc” này chỉ dùng cho xe chạy xứ lạnh, nên nếu sang ta thì tốt nhất là bỏ nó ra đấu trực tiếp dây cao áp vào đầu bu-gi. Vừa giải thích rồi với một số động tác mau lẹ anh đã làm cho cả những người đứng chung quanh đấy mừng rỡ, mặc cho tiếng nổ to như xe tăng của nó.
Tôi bị giữ lại ở đó một đêm, một ngày nữa. Rồi sáng ngày hôm sau hai anh Bộ đội mặc thường phục chở tôi bằng một chiếc xe mô-tô ba bánh về cơ quan tôi đang làm việc số 278 Hàng Bột.
Một người bảo tôi dẫn anh ta lên phòng thủ trưởng cơ quan. Tôi xăm xăm dẫn lối. Nhưng khi tôi cầm vào nắm đấm cửa định bước vào phòng ông Tổng Cục trưởng thì anh ta cầm vai lôi giật lại, dắt xuống xe trở về đồn Ba La Bông Đỏ.
Lúc sau tôi được một anh đeo quân hàm Đại Úy chắc là chỉ huy ngồi nói chuyện:
- Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ các lời khai của anh. Thấy anh là người thật thà. Anh còn mẹ già là mẹ liệt sỹ, còn con nhỏ. Cả hai vợ chồng công tác ở cơ quan tốt.
Tuy là Cán bộ nhà nước nhưng anh không hiểu luật, đi buôn pháo là hàng cấm. Nên lần này chúng tôi tha và nhắc nhở, anh không nên tái phạm. Anh cứ suy nghĩ đi, nếu như vừa rồi Thủ trưởng anh biết anh đi buôn hàng cấm thì sẽ như thế nào?
Thế rồi tôi đã được mấy anh em trong đồn “đóng” lại hàng rất gọn ghẽ và còn buộc rất chắc chắn lên xe nữa.
Trước khi để tôi đi, các anh ấy còn dặn:
- Qua Ngã Tư sở có một trạm kiểm tra nữa đấy. Đợi giờ tan tầm hãy về. Nếu bị giữ lại, thì đừng khai là chúng tôi đã thả.
***
Về đến nhà, tôi sực nhớ đến ông anh rể. Ông ấy cũng là Bộ đội Biên phòng mà đồng chí chỉ huy của Đồn Ba La Bông Đỏ cũng có biết ông ta. Tôi có ý định mua “tút” thuốc lá lên đồn để cám ơn các anh trên ấy, muốn mời ông anh rể đi để dễ nói chuyện và để ông ấy gặp lại đồng đội cũ.
Không ngờ khi tôi nói ra ý đó, thì ông anh rể tôi giãy lên “như đỉa phải vôi”:
- Sao cậu lại lôi tôi vào việc “đốn mạt” này! Tôi là Đảng viên mà lại có quan hệ với một thằng em vợ đi buôn pháo lậu à?
Sau này tôi mới hiểu rằng thì ra ở đâu cũng có người này, người khác, không nên “vơ đũa cả nắm”!(6)

  

Hà Nội, 2015.

(1)   Bình Đà: Làng chuyên làm pháo rất nổi tiếng thuộc huyện Chương Mỹ
(2)   Hit-le: Adolf Hitler (20/04/1889-30/04/1945. Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, viết tắt NSDAP) từ năm 1921, Thủ tướng Đức từ năm 1933, là "Lãnh tụ và Thủ tướng đế quốc" (Führer und Reichskanzler) kiêm nguyên thủ quốc gia nắm quyền Đế quốc Đức kể từ năm 1934.
(3)   Bu-gi: Bougie (tiếng Pháp) Nến đánh lửa trong ô-tô, xe máy.
(4)   Xăng: Essence (tiếng Pháp) Nhiên liệu dùng cho xe máy
(5)   “Đầu boọc”: Dụng cụ nối dây cao áp với đầu bu-gi
(6)   Vơ đũa cả nắm: Hồ đồ, không phân biệt kẻ tốt, người xấu




tháng 10 04, 2015

Trong thành cổ Sơn Tây


Tượng Ngô Vương Quyền - Sơn Tây


Cổng làng Mông Phụ Đường Lâm - Sơn Tây


Gặp gỡ "Nàng tiên Nâu"

Khoảng năm 1965-1970 thì phải, lúc ấy kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Tuy hai vợ chồng đều có công ăn việc làm cả. Tôi lại là kỹ sư của một cơ quan lớn mà luôn phải “giật gấu, vá vai”(2), không lúc nào được dư dả. Hằng tháng không dám nghĩ đến bát phở mậu dịch. Khi có con lại càng khó khăn hơn nữa.
Lương thực, thực phẩm chỉ dám mua trong các ô tem phiếu quy định của nhà nước, thí dụ hằng tháng mỗi Cán bộ công nhân viên chức được mua 13,5 kg gạo, trong đó phải ăn kèm ngô hoặc sắn lát từ 40 đến 50%, 1,5 lít nước mắm loại 3 mà thực chất là nước muối pha kẹo đắng để đánh lừa người dùng, 2 kg đậu phụ, 3 lạng mỡ, 2 lạng thịt, 2 kg rau muống,...
Trong căn nhà 12,5 mét vuông vách tooc-si(3), ở khu tập thể Dốc Trạm Mười, Cầy Giấy của cơ quan Viện Thiết kế Giao thông mà cả hai vợ chồng tôi cùng công tác tại đó mới được ưu tiên phân phối, đã quá chật chội rồi. Nhưng đến năm 1972 nhà của bố mẹ tôi ở sát Nhà máy Xi măng Hải phòng bị bom Mỹ phá sập. Tôi phải đưa các cụ sơ tán từ Hải Phòng lên. Trong gian nhà tập thể ấy ngoài chỗ kê cho ông bà một cái giường hẹp, một cái tủ nhỏ thì chỉ còn chỗ để kê cái phản một mượn của cơ quan cho vợ tôi và thằng con trai một tuổi nằm. Nếu chèn cái xe đạp duy nhất vào nữa thì không còn chỗ đi lại. Bếp tự túc, xí, đái, tắm công cộng. Tôi mà muốn “ở nhà với vợ” thì chỉ còn có “xuất nằm dưới gầm giường”. Vì thế trước khi trời sắp tối, tôi thường vác chiếu đi “thăm dò” khắp các nhà trong khu xem có ai đi công tác vắng, thì sang đó ngủ nhờ.  
Khu nhà tạm này nằm cạnh tập thể của trường Đại học Giao thông, đối diện với Đền Voi Phục gần ngã năm Cầu Giấy. Đêm thanh vắng nằm nghe tiếng hổ gầm rõ như chúng nằm ngay gần sát vách. Lắm lúc lại nghĩ lẩn thẩn rằng mình sắp biến thành mấy con dã thú trên rừng cũng nên, đến ngày đó thế nào cũng “được nghỉ ngơi miễn phí” trong cũi sắt.
Hai đứa con tôi cũng lần lượt ra đời từ căn nhà tập thể nhỏ hẹp này, lớn lên trong đói rách và đòn roi của bố mẹ. Các cụ đã từng nói “cái khó nó bó cái khôn”. Nhưng chẳng hiểu sao cuộc sống vẫn cứ vần xoay như một cái đèn kéo quân cũ kỹ, long tróc, méo mó mà sức nóng của ngọn đèn dầu nhỏ heo hắt thắp bên trong không còn đủ sức làm cho nó quay đều đặn, trơn tru được nữa.
Những hình ảnh còn lưu giữ được, xem và nhớ lại làm cho ta thảng thốt nghĩ rằng không biết làm sao mà mình và gia đình vẫn tồn tại được đến giờ!? Thật là phi thường! Thật là hết chỗ nói!
Thế rồi sự tình run rủi thế nào ấy, khi người bạn thân của tôi cùng học với nhau từ lúc “mặc quần thủng đít” đến lúc tốt nghiệp đại học. Sau đó mỗi đứa một phương. Tôi về Viện Thiết kế, còn ông bạn tôi thì bị “sung vào lính” đóng tận bên Lào. Đất nước này tuy “hoang dã và lạc hậu” nhưng được cái “sẵn” vàng và thuốc phiện. Mà đã “ở lâu” “quen biết” thì bất kỳ ai cũng phải mua bán tí chút!
Lần về ghé thăm tôi tại “thủ đô nghìn năm văn hiến”, thấy gia đình tôi ăn, ở không bằng mấy con khỉ trong vườn bách thú.
Ông bạn bèn nghĩ ngợi rồi bàn với tôi:
- “Túng thì phải tính” với lại các cụ chúng nó chẳng đã bảo rằng - “Đói ăn vụng, túng làm liều” đấy thôi! Cậu đừng “giữ giá làm nộm” nữa! Người ta đề ra tiêu chuẩn, đạo đức là để khuyên “những người đang còn sống được”, nên sống theo khuôn khổ, chuẩn mực! Nhưng khi đã không còn giữ được cái chuẩn mực cơ bản đó là cuộc sống tối thiểu. Con người sống không bằng con vật, thì làm gì còn đạo đức, chuẩn mực nữa?! Giữ gìn làm gì, giữ cho ai?! Ai là người có đủ tư cách để đánh giá cái đạo đức, chuẩn mực ấy?! 
Nghĩ đi, nghĩ lại, bàn tới, bàn lui chán chê. Cuối cùng ông liên hệ để tôi bắt với một đường dây buôn thuốc phiện. Một “lối thoát” nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất!
Đường dây này còn tinh vi và kín đáo hơn cả đường dây hoạt động của một “tổ chức lật đổ” chính quyền. Nó được thẩm tra, thử thách từng bước, từng bước một, vô cùng cẩn trọng và chặt chẽ, không có chút sơ hở nào. Bởi nếu đường dây của “tổ chức lật đổ” có bị lộ, thì thôi không “lật đổ” nữa! Dăm thằng bị tù, dăm thằng bị bắn. Chứ đường dây buôn bán này mà bị lộ thì “lỗ to” và tất nhiên còn bị bắt, bị tù nữa. Hàng ở đây là “hàng có giá” hàng triệu, thậm chí hàng nhiều triệu đồng, chứ không phải chỉ như vài mớ rau, dăm mớ củ. Bị tù ở đây cũng không phải là tù qua loa vài ba năm, chí ít cũng chục năm, nhiều thì chung thân có khi còn “dựa cột”(4) nữa chứ chẳng bỡn.
Chính vì “ý nghĩa và tầm quan trọng” của công việc như thế, nên sau khi đã được thẩm tra rất kỹ càng các “hạng mục” từ A đến Z, tôi cảm thấy “thật sự tự hào” về sự “đánh giá và tuyển chọn” của “tổ chức”!
***
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi làm “người vận chuyển” “hàng” đến cho một người tên là Cẩn trong ngõ… nằm trên phố Hàng Buồm, Hà Nội.
Tôi đã mua hai hộp phấn trắng ở Mậu dịch, về bỏ phấn trong một hộp ra cho con. Cái vỏ hộp ấy nhồi một ki-lô-gam thuốc phiện, màu mắm tôm khô, được hàn kín trong túi ni-lông, ngoài bọc lá trầu không, vì theo các bậc “tiền bối trong ngành” có truyền lại thì thuốc phiện được bọc lá trầu không sẽ không “bốc mùi” ra ngoài nữa. Việc này cũng đã được “kiểm chứng”, thử đi thử lại dăm lần và được nhiều người công nhận là “hữu hiệu".
Chuẩn bị chu đáo, tôi buộc sơ sài nhưng chắc chắn hai hộp phấn sau poóc-ba-ga(5) xe đạp, làm như thứ mang theo không quan trọng gì!
Bước vào ngõ..., tôi dựng xe ngay đầu ngõ, không khóa rồi xách hai hộp phấn bình tĩnh bước vào căn nhà nhỏ của ông Cẩn, cách chỗ dựng xe dăm mét.
Như đã hẹn trước, ông Cẩn đang ngồi đón tôi trong gian nhà nhỏ, tuềnh toàng.
Đó là một người đàn ông nhỏ thó, nói chính xác hơn thì đó chỉ như một cái “hình nhân” ở Hàng Mã, người ta mới mang về. Cái đầu chỉ còn trơ lại cái sọ dừa mà trên đó người thợ mã đã điểm lên một đôi mắt trắng dã cùng với đôi môi thâm thì, in trên làn da bềnh bệch, làm cho ta khi nhìn vào có cảm giác mờ mờ, ảo ảo nửa thực, nửa hư.
Ông ta đang ngồi xổm trên một cái phản gỗ ọp ẹp, đầu gối quá tai. Mặt phàn để bừa bộn ngọn đèn dầu lạc nhỏ leo lắt, cái tẩu hút cũ kỹ, bộ ấm chén cáu bẩn.
Không nói gì, tôi đùn hộp phấn có để “hàng” về phía ông. Ông ta cũng không nói câu nào, cầm hộp rồi chậm chạp leo lên căn gác xép. Chiếc thang nhỏ ọp ẹp phát lên những tiếng cọt kẹt nho nhỏ như tiếng rên.
Dăm phút nặng nề trôi qua. Đang mải hồi hộp vì căng thẳng thì tôi thấy ông bước xuống tay cầm cái hộp đưa trả, nói ngắn:
- Về đi, lần này không lấy!
Tôi định nói câu gì đó, nhưng ông ta ngăn lại, rồi dúi cái hộp vào tay tôi lần nữa.
Tôi cầm lấy “hàng” quan sát chung quanh thấy vẫn bình thường, nhưng trong lòng thì run lên vì sợ hãi không đâu. Chậm chạp quay lại chỗ chiếc xe đạp, lóng ngóng mãi mới buộc “hai hộp phấn” vào poóc-ba-ga. Tôi dắt xe ra khỏi ngõ, hai tai căng ra để theo dõi chung quanh xem xem có động tĩnh gì! Tôi cứ dắt xe đi bộ như thế khoảng dăm, bảy bước nữa rồi mới nhảy lên xe đạp hối hả.
Được một quãng khá xa, tôi rẽ vào một quán nhỏ ven đường, ngồi uống chén nước vừa để quan sát xem có ai đuổi theo mình không! Khi thật yên tâm tôi mới tiếp tục đạp xe về nhà.
Về đến nhà mới biết mình quả thật bị một phen hú vía, đúng là “thần hồn, nát thần tính” chứ nào có chuyện gì đâu! Tuy nhiên mồ hôi cũng toát ra ướt đẫm cả áo quần, hai chân bủn rủn như vừa phải đi bộ cả ngày đường vất vả!
Trả lại “hàng” cho chủ xong rồi, nhưng cái sự “thắc mắc” tại sao ông Cẩn hôm ấy không nhận “hàng” cứ lởn vởn trong óc tôi khá lâu.
Mãi sau này tôi mới biết do “hàng” không đúng tiêu chuẩn như đã “thỏa thuận”. Hai bên từ chối nhau, nhưng tôi lại biến thành “vật thí thân” của họ.
Từ đó tôi không được “dùng” và cũng không “dám” làm “người vận chuyển” lần nào nữa.
Khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi mới hiểu ra rằng không phải ai cũng có thể “đói ăn vụng, túng làm liều” được, dù có muốn làm mấy đi nữa!
Giả dụ hôm ấy tôi bị bắt, thì mất việc làm là tất nhiên rồi, nhưng sau này con cái học hành làm sao, khi chúng mang cái án tích của bố trên đầu “tội phạm buôn bán thuốc phiện”.
Có lẽ tôi không có cái “tố chất” để “tham gia” việc này. Chẳng biết thế là may hay không may nữa?!
 “Nàng Tiên nâu” không chịu “dung nạp”(6) tôi vào hàng ngũ “tay chân” của “nàng”!
Hạnh phúc thay những người chịu an phận sống trong nghèo khổ.
Thế rồi cuộc sống cứ thế trôi đi.
Tôi và gia đình tôi vẫn cứ tồn tại trong nghèo khó, trong bẳn gắt và tủi khổ.
Ông cha chúng ta chẳng đã nói: “cái khó bó cái khôn” đó thôi.     

Hà Nội, 2015.

(1)   Nàng Tiên nâu: Từ khác nói về thuốc phiện
(2)   Giật gấu vá vai: Hoàn cảnh khó khăn, phải lấy tạm chỗ này đắp vào chỗ khác
(3)   Tooc-si: Torchis: đất nhồi rơm (tiếng Pháp)
(4)   Dựa cột: Bị trói vào cột bắn ngoài trường bắn, đối với phạm nhân bị xử tử hình.
(5)   Poóc-ba-ga: Porte bagages (tiếng Pháp) cái đèo hàng
(6)   Dung nạp: Nhận vào làm thuộc quyền của mình.