tháng 9 24, 2014

Tặng tác phẩm


Chân dung con gái


"Made in Vietnam"

Hai ông bạn già lâu ngày mới gặp nhau thành ra có nhiều chuyện “để dốc bầu tâm sự”.
Sau một lô những câu thăm hỏi sức khỏe, gia cảnh, rồi cuối cùng đến cả chuyện chó mèo nữa.
Một lúc sau, ông béo đột nhiên hỏi ông gầy:
- Này bác còn nhớ ông Phương, Nguyễn Duy Phương, giáo sư tiến sĩ vật lý nguyên tử, trước những năm bảy mươi cùng dạy một khoa với bác ở Đại học Bách khoa Hà Nội không?
- Làm gì chẳng nhớ, công tác với nhau trên bốn chục năm, cùng ngành, cùng trường! Ông ấy được phong giáo sư tiến sĩ xuất sắc nhất trong ngành vật lý tại Liên Xô năm 1975. Hồi đó ông là người đem vinh quang về cho Việt Nam. Cả thế giới còn biết đến huống gì là tôi. Thế bác hỏi ông ta về việc gì?
- Chả là tối qua(1), tôi xem thời sự trên Truyền hình, thấy ông ấy xuất hiện nói là sau bao nhiêu thông tư, chỉ thị viết đến cuối tháng 6/2006 quyển sổ đỏ cuối cùng trên toàn đất nước sẽ được cấp!
Thế mà đến nay, đã cuối 2011 “cái sổ đỏ” của nhà ông ấy vẫn không làm được.
- Thật thế à, lý do tại đâu?
- Theo như ông ấy nói thì là do nhà ông ta ở K 13,14 gì đó trong phường Bách Khoa. Khu này chuẩn bị giải tỏa để mở rộng đường Đại Cồ Việt, nên không được cấp sổ đỏ!
Từ những năm 1960, ông ấy được bộ Đại học và Chuyên nghiệp phân cho ba mươi mét vuông ở đó, lúc ấy mới là một anh giảng viên ngoài ba mươi tuổi. Bây giờ đã là một Giáo sư Tiến sĩ  già trên tám mươi tuổi rồi.
Nguyện vọng ông ấy là muốn làm tròn nghĩa vụ công dân của mình: được sở hữu đất mình ở và nộp thuế cho nhà nước như những công dân khác!
- Theo như tôi biết thì khu ấy có đến mấy nghìn giáo sư, tiến sĩ, bét nhất cũng là Thạc sĩ của bốn, năm trường đại học: Mỏ, Địa chất, Hóa, Xây dựng,.. chứ có phải chỉ có mình ông ấy đâu! Toàn bộ bọn họ chẳng ai được cấp sổ đỏ, mà có làm sao đâu!
- Nhưng sao lại có sự phi lý đến thế?
- Bác bảo phi lý cái gì? Hay là tại ông ấy sợ khi giải tỏa thật, vì không có “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì chỉ được đền bù theo giá đất lấn chiếm, đất không hợp pháp? Xin nói để bác yên tâm, cái dự án mở rộng đường Đại Cồ Việt có lẽ phải dăm, sáu chục năm nữa mới có cơ triển khai được. Lúc ấy ngay mộ ông giáo sư tiến sĩ già cũng đã phải di chuyển đến vài ba nghĩa trang rồi!
Việc gì phải lo trước sớm thế!
- Ô hay, sao từ chuyện nọ bác lại xọ chuyện kia thế? Tôi cho bác biết khu tôi đang ở có một cô gái chưa học hết lớp ba trường làng, do buôn bán kiểu gì không biết, phất lên. Bây giờ cô ấy chuyển sang kinh doanh nhà đất. Mua bất cứ miếng đất nào, bất cứ ở đâu, chưa xây xong nhà đã có “sổ đỏ”. Cô ta còn nuôi cả luật sư trong nhà nữa!
Bác thử giải thích xem vậy nó là “cái gì”!?
- Nó là “Made in Vietnam”!
Mà này hôm nào rảnh, bác giới thiệu ông Phương cho cô gái ấy. Chắc là sau khi tốt nghiệp vài “khóa học khôn” từ cô ta, ông giáo sư tiến sĩ già sẽ “không còn thắc mắc” nữa cũng nên!
Ông gầy nhìn ông bạn béo của mình cười như nắc nẻ nhưng mắt thì rưng rưng như muốn khóc và mồm lại méo xẹo đi như vừa bị ai tát một cái rõ đau.


  
                                                     Hà Nội, 2011.
(1) ngày: 27/8/2011



Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Hoa dại


Hồ sen mùa thu


Cháu và thơ



Ông cháu 

Sáng đi cháu tặng nụ hôn, 
cả ngày vất vả, vẫn thơm đến giờ. 
Cháu ơi, một giọt ngây thơ, 
truyền từ môi cháu, thẫn thờ lòng ông. 

                                       Hà Nội, 1999.

Chẳng lẽ lại là yêu

Tôi là một cô gái bán hoa đã về chiều. Được cái thân hình chưa “xuống cấp” lắm. Ngay như cái hình thể bên ngoài, vì chưa chửa đẻ nên bụng còn săn chắc. Chỉ có bộ ngực là không còn tròn trịa nữa vì làm sao mà giữ mãi được khi phải tiếp khách thường ngày.
Có cái mất đi thì ai cũng nhận ra. Nhưng có cái mất đi thì không ai nhận ra cả. Nó là phần khuất của con người, của mỗi người
Tôi được một ông hoạ sĩ già thuê làm mẫu vẽ qua hội mỹ thuật. Được nghe lén cuộc trao đổi giữa người điều hành với ông hoạ sỹ già:
- Bác thuê mẫu khoả thân. Nhưng mẫu này ngực đã “xuống cấp”, không còn “gin”(1). Sợ bác không vừa ý.
- “Tròn” có cái đẹp của tròn. “Xệ” có cái đẹp của xệ. Không lo.
 Thế rồi tôi làm mẫu cho ông đã gần nửa tháng. Mẫu ngồi có, mẫu nằm có.
Ông chỉ dùng mẫu để phác thảo, còn khi vẽ ông thỉnh thoảng mới nhìn qua.
Ngày này qua ngày khác ông cặm cụi làm việc. Ít nghỉ ngơi, ít nói, ăn uống cũng xuề xoà, gặp gì ăn nấy. Tôi làm theo hợp đồng nên giờ nghỉ tôi ra quán ăn uống no rồi về nằm tựa vào chỗ nào đó ngủ say sưa. Có lắm hôm ngủ đến chiều hết giờ mới tỉnh dậy. Tôi lúng túng đến xin lỗi ông. Nhưng lần nào ông cũng chỉ mỉm cười không nói.
Hết hợp đồng, khi chia tay ông cho tôi thêm ít tiền nói là bồi dưỡng và còn cám ơn tôi nữa.
 Mấy tháng sau đó, tôi nhận được giấy mời đến xem triển lãm tranh của một hoạ sỹ lớn.
Tôi không hiểu biết gì về hội hoạ, nhưng vẫn nhận ra những bức tranh mà tôi từng làm mẫu. Những bức tranh thật đẹp, thật sống động và không hiểu sao khi nhìn thật kỹ vào đó người ta như thấy như nó đang nói lên một điều gì đấy. Thật thuần khiết, không dung tục.
Chẳng lẽ đó lại là tình yêu. Bởi chỉ những tâm hồn lớn mới có tình yêu lớn. Tình yêu ấy vượt lên trên những thói tục thông thường. Rất bao dung.
Tôi cứ tiếc mãi là khi được làm việc với ông tôi không biết ông là một hoạ sỹ lớn.

Hà Nội, 2010.
(1) Gin: origine (tiếng Pháp): nguyên bản, nguyên gốc


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Cúc nhỏ


Hoa La-dơn


Thiếu nữ khỏa thân


tháng 9 23, 2014

Đòi đất

Căn nhà nhỏ trống vắng, chỉ còn lại hai ông cháu.
Ông lão nắm lấy tay thằng cháu nội phều phào dặn dò:
- Cháu ạ, ông đã yếu lắm rồi, không còn sống được bao lâu nữa, cháu sẽ thay ông để đòi lại mảnh đất của các cụ để lại. Đây không chỉ là đất đai, không phải chỉ là của cải đâu mà là vong linh của tổ tiên, là di sản của ông cha để lại nữa!
Đứa cháu mới lớn, nước mắt dòng dòng, nắm chặt tay ông gật gật cái đầu. Nó biết là ông nó yêu nó lắm, nó cũng yêu ông lắm, nhưng việc đòi lại mảnh đất của các cụ đã hai chục năm nay rồi, với một tập hồ sơ dày gần bằng một quyển tự điển, số trang đã lên tới hàng trăm, được ông nội nó giữ gìn cẩn thận và phô-tô ra hàng chục bản, gửi khắp các cơ quan từ địa phương phường, xã đến các Bộ trên trung ương. Ở đâu cũng được người ta trả lời rất cởi mở, có tình có lý, nhưng vụ việc cứ như một quả bóng bôi mỡ, nó cứ chuội đi từ “sân đội” này sang “sân đội” khác một cách rất khéo léo. Chỉ có những người đã đọc truyện ngắn “Điệp viên OX 13” của Azit Nêxin thì mới thật thông cảm được!
Nó biết, hai chục năm nay ông nội nó không chỉ mất công, mất thời gian mà gần như đồng lương hưu ít ỏi của ông đã bị hút trọn vào việc này. Nó thấy ông bà nó đã phải nhịn ăn, nhịn mặc, tằn tiện từng đồng bạc nhỏ mà ngay đến tiền quà bánh cũng chẳng còn được dùng vào đúng mục đích của nó nữa. Bởi một tờ giấy chứng nhận là ông bà nó là người đã từng ở địa phương ấy, dù đã đưa đủ các chứng cứ xác minh, thì khi xin một con dấu chứng nhận cũng mất gần năm lương hưu của ông nó. Xin sao một cái quyết định cũ của tỉnh cũng lại mất một năm lương hưu nữa. Thế thì làm gì chẳng phải nhịn ăn, nhịn mặc, ông bà nó làm gì chẳng kiệt quệ! Làm gì chẳng gục ngã!
Bố mẹ nó cũng nghèo phải làm ăn vất vả để tồn tại, nhưng cái chính là không còn tin vào “giấc mơ huy hoàng” mà ông nội nó đang theo đuổi, nên chẳng quan tâm mấy tý đến việc đòi đất của ông lão.
Nó yêu ông nên không nỡ nói với ông rằng trong thâm tâm nó cũng chẳng tin mấy tí vào việc ông nó đang làm. Bản thân nó đang đi học, còn ăn bám gia đình thì làm sao có thể quyết định việc gì được.
Nó cũng đã biết mảnh đất đó là nhà của cụ nội nó, ở sát cạnh một nhà máy lớn, nhà máy Xi măng Hải Phòng. Chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ năm 1972, nhà máy Xi măng lại là mục tiêu chính của cuộc huỷ diệt và như các cụ đã nói “gần nhà giàu, đau răng ăn cốm”, nhà của cụ nội nó cũng bị phá huỷ theo. Thời kỳ ác liệt ấy, ông nội nó chỉ kịp về đưa các cụ đi sơ tán. Rồi cuộc chiến cứ lan rộng mãi ra, nặng nề mãi lên. Khi còn chiến sự không ai dám về đất cũ để xây dựng lại. Thế là nhà máy Xi măng đã cho xây tường bao, bao quanh cả khu vực dân cư vào trong đó. Sau khi hết chiến sự, do nhà máy Xi măng gây ô nhiễm nên thành phố di dời đi một địa phương khác. Chỗ đất của nhà máy cộng với đất đai của khu dân cư được thành phố quy hoạch lại, nói một cách dân dã hơn, dễ hiểu hơn là đã được chia chác xong xuôi đâu đấy cả rồi.
Ông nội nó thấy vậy bèn làm đơn đòi lại đất của bố mẹ mình. Từ lúc gửi lá đơn đầu tiên đến giờ đã hai chục năm rồi, niềm tin tưởng, sức lực và tiền bạc trong nhà cứ vơi dần đi, cạn kiệt đi. Đến bây giờ thì không mấy người biết chuyện còn tin là ông nó đòi được đất nữa! Nhưng như để chiều theo cái nguyện vọng, cái ao ước cuối cùng của một người già đã gần đất xa trời, nên trong nhà không ai nỡ can ngăn!
Cuối cùng vì thương ông nội nó, bố nó đành lén mặc cả là sẽ chi cho những người có thẩm quyền giải quyết một số phần trăm đáng kể, để cố đòi được đất!
Mấy hôm nay thì ông nội nó không ngồi dậy được nữa, cứ héo hắt dần rồi việc gì đến phải đến. Khi mọi người đều tập trung đông đủ để tiễn ông lên đường, lúc ông lão đã thở hắt ra và không nói được nữa, mồm đã méo xệch đi, nhưng vẫn như đang cố dặn lại một điều gì, thì có một tờ công văn từ thành phố gửi đến. Nó bóc vội ra đọc, nước mắt nó rơi lã chã rơi trên tờ giấy, nó bỗng hô lên rất lớn với mọi người:
- Cả nhà ơi! Họ đã đồng ý đền bù đất cho ông nội rồi đây này! Trong này nói thế mà! Đây này, ai không tin thì đọc đi!
Mọi người đổ xô vào phía nó, ai cũng muốn đọc trước. Tờ giấy được truyền từ người này qua người khác một cách nhanh vùn vụt đến nỗi có người đã nổi cáu lên vì  mới cầm chưa kịp đọc đã bị giật khỏi tay.
Nó quay lại với ông, thì ông nó đã đi rồi, trên khoé mắt già nua một dòng nước mắt trong vắt vẫn còn đang rỉ, nhưng trên môi người chết thì lại nở một nụ cười mãn nguyện.
Nó gào lên một tiếng thật khủng khiếp:
-“Ông ơi!”!
Trong khi đó mọi người hoan hỉ nói cười, chẳng ai thèm để ý đến tiếng thét xé lòng của nó.

                                           Hà Nội, 2009.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Địa Lan


Gốm Chàm


Năm mươi năm mới gặp lại nhau


Hương đồng

Dư vừa đi vừa bứt mấy cọng cỏ may ven đường một cách vô thức.
Hoàng hôn tím ngắt tận chân mây, vài ngọn gió yếu ớt vô tình thổi làm tóc Dư xõa xuống rối bời. Nỗi cay đắng trào lên trong lòng làm anh không để ý thấy trời đã xế.
Đến tận bây giờ anh vẫn không thể nào tin được sự việc lại xảy ra như vậy: Dư bị nhà trường quyết định không cho dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học năm nay. Mà có gì đâu chứ, anh chỉ trót thử sức mình khi viết một bài cho một tờ báo tiếng tăm lúc bấy giờ. Bài báo được đăng và cả trường đã rất lấy làm vinh dự khi tin ấy báo về. Nhưng trong cái may, lại có cả cái rủi, vì chỉ mấy tháng sau tờ báo ấy bị đóng cửa do tư tưởng đã không “rập theo khuôn phép”! Dám “phá phách”, dám “mở cửa cho những tư tưởng” còn quá mới lạ, còn quá bỡ ngỡ lúc bấy giờ.
Anh được liệt vào loại “có tư tưởng bất trị” và đã bị giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nhận xét là “không đủ tư cách để thi tốt nghiệp” và tất nhiên càng không đủ tiêu chuẩn để lên Thủ đô thi Đại học!
G. Soros đã nói: - “Phải rất thận trọng khi đi ngược với đám đông, nếu không sẽ bị họ dẫm nát.”
Mẹ nói khi sinh, anh ra ngược, tính tình lại ngang ngang hèn gì chẳng mấy khi Dư được sự đồng tình của những người chung quanh.
Thằng Thiệu bạn vong niên rất hiểu nhau thường nhận xét về anh:
- “Anh thật có tài làm cho người ta ghét!”
Tha thẩn một lúc sau Dư thấy mình đã ngồi bên cạnh cái miễu giữa đồng. Miễu chỉ là một gian nhà nhỏ trống trải, xây giữa cánh đồng trên một bãi đất nhỏ, thường trồng một cây đa, cây đề bên cạnh để lấy bóng râm cho những nông dân nghỉ ngơi chốc lát giữa trưa hè nắng gắt trong mùa gặt, cấy.
Chiều nay Dư cũng đã được Hoa cô bạn gái thân nhất chào từ biệt với lý do là sẽ lên Hà Nội với ông cậu để học thợ may, rồi sẽ ở lại hẳn sinh cơ lập nghiệp trên đó, không quay về nữa.
Dư nghĩ thế là phải, mọi người cũng sẽ đều xử sự như vậy, ai lại gắn bó tương lai mình với một kẻ thất bại. Nếu là một người khỏe mạnh không làm việc này thì làm việc khác, đằng này Dư chỉ là một anh học trò lẻo khoẻo trói gà không chặt, nếu không được học hành thì anh sẽ thành cái gì? Chưa chắc lo nổi cho cái miệng mình, thế thì còn lo sao được cho người thân nữa. Anh thấy không giận Hoa mà chỉ thấy thương cho bản thân mình và cho cả Hoa nữa.
Trời đã tối hẳn, Dư định đứng dậy ra về thì bỗng nghe rất gần tiếng khóc nho nhỏ nghẹn ngào. Dư lắng tai, nhưng cũng chẳng hiểu gì thêm cả, hình như có một cô bé gái đang tức tưởi với nỗi đau gì đấy. Sụt sịt một lúc rồi im hẳn. Dư đã nghe nhiều chuyện về ma hiện hình để trêu ghẹo người nhút nhát, nhưng anh thì anh không tin như vậy.
Vừa đứng dậy đi được vài bước thì như có linh tính khiến Dư quay phắt lại. Bóng một cô gái nhỏ đang treo lủng lẳng trên cành đa cạnh miễu hai chân còn giãy đạp. Dư chạy thốc lại, leo vội lên cành, đang loay hoay chưa nghĩ ra cách gì để tháo người treo cổ xuống, Dư chợt nhớ ra có con dao nhỏ rất đẹp mà cái Thùy con em gái cho anh nhân ngày sinh nhật. Anh móc túi lấy dao ra mở lưỡi cứa dây, nhưng vì vội vàng mới cứa được vài cái thì con dao tuột khỏi tay rơi xuống bãi cỏ phía dưới. Dư nhảy xuống lần tìm mãi và vì không nhìn thấy anh đã quơ phải lưỡi dao đứt tay chảy máu đầm đìa. Lần sau cẩn thận hơn, Dư đã cắt được sợi dây treo. Cả hai cùng nặng nề rơi xuống. Khi hoàn hồn Dư mới nhận ra cô gái tự tử là cái Lý, bạn thân cái Thùy, hơn em gái anh một tuổi ở ngay cuối xóm chỉ cách sân nhà anh có một cái ao.
Con bé đã không còn thở nữa. Dư sợ hãi quá, vội vác nó lên vai chạy về làng, được vài bước thì vấp ngã quăng cô bé xuống đường, thấy cô bé bỗng thở dài một cái, rồi nặng nề thở gấp. Dư mừng quá ríu rít gọi.
Lý đã tỉnh dần và ngơ ngác hỏi:
- Anh Dư ơi, em đã chết chưa?
- Mày nói cái gì thế, mà làm sao mày lại phải treo cổ tự tử?
- Em không thiết sống nữa, sao anh không để cho em chết, cứu em mà làm gì?
- Nhưng vì sao chứ?
Lý không trả lời, trong im ắng chỉ có những tiếng nấc khan rời rạc. Tiếng nấc như những tiếng búa nhỏ phá vỡ đi dần dần những hy vọng của cuộc sống thành những mảnh vụn. Đêm đã sâu, chưa hiểu gì nhưng đã đến lúc phải ra về, Dư đứng dậy và kéo luôn cả con Lý. Hai anh em lặng lẽ đi bên nhau trong đêm, chỉ có tiếng dế kêu rả rích, buồn não nề và tiếng nấc khan rời rạc.
Đến đầu làng, Dư mới rời tay con Lý ra, nhìn nó lặng lẽ rẽ về phía căn nhà tre cuối xóm. Quay về nhà, nằm thừ trên chiếc chõng tre ngoài hè, Dư suy nghĩ mà buồn đến nẫu ruột. Nghĩ về thân phận mình, nghĩ đến tương lai đen tối của cả cái làng quê bé nhỏ này mà không khỏi rùng mình lo ngại. Cuối cùng anh cũng ngủ thiếp đi lúc nào không rõ.
Sáng sau khi tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch, mọi người đã ra đồng cả, nhà vắng ngắt. Dư xuống bếp thấy trong nồi mẹ đậy cái rá có một bát cơm nguội với một khúc cá kho mặn để phần anh. Ăn xong bát cơm Dư mới lần lần nhớ lại chuyện xảy ra đêm hôm trước. Rửa mặt xong Dư đi sang nhà cái Lý, nhưng nhà nó cũng vắng ngắt chẳng có ai cả.
Tối nhọ mặt, mọi người từ đồng lục tục trở về, mệt mỏi sau một ngày lao động cực nhọc. Mẹ và em gái xuống bếp cơm nước, bố ngồi hút thuốc trên cái chõng tre kê ở đầu hè. Dư ghé ngồi bên cạnh nhìn người bố già nua quắt queo trầm ngâm không nói gì, lòng buồn vô hạn. Anh tự nhiên thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, thấy thương cha mẹ thắt lòng.
Sau điếu thuốc, bố nhìn Dư hỏi nhỏ:
- Năm nay mày định làm gì? Hay học thêm một năm, sang năm thi lại.
- Bố xin cho con đi làm, chứ có thi lại cũng không đỗ được đâu.
- Mày vẫn học vào loại giỏi cơ mà!
- Họ “đã để ý” thì học giỏi mấy cũng không thể đỗ được.
- Nhưng nếu xin đi làm thì mày làm được việc gì? Yếu như con sên!
- Bố lên nhờ bác Ba xin cho con vào nhà máy Xi măng, may ra có việc con làm được.
Bác Ba là anh ruột của bố Dư đang làm công nhân lâu năm ở nhà máy Xi măng trên tỉnh.
***
Dư còn nhớ như in, hôm đầu tiên bước vào nhà máy, đứng trước ông Thoa Trưởng phòng nhân sự và chị Chính Chánh văn phòng, Dư cảm thấy quá nhỏ bé. Một lúc sau, hai người thì thào bàn với nhau rồi ông Thoa lên tiếng:
- Cháu chưa tốt nghiệp PTTH thì không thể xếp cháu làm việc Văn phòng được, mà làm việc ở dưới các phân xưởng sản xuất toàn việc nặng nhọc cả, cháu lại yếu đuối như thế kia thì làm sao mà kham được.
- Dạ, nhà cháu nghèo lắm ạ, cháu xin bác và chị cho cháu làm thử nửa tháng không nhận lương, nếu cháu không làm được, cháu sẽ xin nghỉ việc.
Chị Chính tỏ vẻ thông cảm nói:
- Bây giờ thế này, chị cho phép em đi xem một vòng các phân xưởng sản xuất trong nhà máy, làm được ở đâu thì về đây báo cáo lại, chị sẽ làm quyết định tuyển dụng.
Dư đã đi quanh nhà máy một vòng, phân xưởng Đá nhỏ Ca A là lá cờ đầu của nhà máy, một người làm bằng hai, ba người. Tổ Xe cầy thì hai tay phải cân đối khỏe mạnh, đẩy xe chất tám bao xi măng, chạy băng băng. Tổ Bao thì phải quăng được bao xi măng 50 cân lên chồng cao quá đầu người trong kho. Tất cả các phân xưởng Dư đều không làm nổi. Chỉ còn Than cầu là phân xưởng may ra Dư còn có thể làm được.
Sau khi được biên chế vào tổ II Than cầu, Dư đến nhận việc. Mọi người nhìn anh ngỡ ngàng, trước mặt họ chỉ là một cậu bé, bé tý, yếu đuối rụt rè.
Công việc thì thế này, hai người đẩy một goòng đầy than kíp-lê từ cầu tàu vào lò nung, đổ xuống đống, rồi lại quay ra cầu lấy than. Công việc thứ hai là xuống xà lan đỗ ngay dưới cầu xúc đầy than vào ben, đợi cẩu kéo lên đặt ben vào chân goòng cho người ta đẩy vào đống. Chỉ có ngần ấy việc thay nhau mà làm, hôm nay đẩy goòng thì ngày mai xúc than.
Nhưng để tiến hành công việc thì người ta phải ghép vào thành từng cặp.
Hôm Dư đến nhận việc, đã không có ai muốn ghép đôi với một thằng bé con yếu ớt.
Một lúc sau bác Mận, một bác già bực bội chửi:
- Tiên sư chúng mày, đứa nào cũng sợ thiệt, không ai chịu ghép với thằng bé à! Thôi thằng Tín làm với đứa khác để tao ra đẩy với nó!
Nói rồi bác ra dắt tay Dư nói:
- Ra đây làm cùng với tao, đừng sợ. Bố mẹ mày không biết thương con hay sao mà bắt mày đi làm từ khi còn chưa nứt mắt thế này!
Dư ngước ánh mắt nhìn bà già lam lũ, mà lúc ấy anh chợt có cảm giác như trước mắt mình là Phật bà Quán thế âm Bồ tát.
Những ngày lao động vất vả trở về, Dư đen thui như cột nhà cháy, ngay ông bác ruột đi sát cũng không nhận ra anh, chỉ ánh mắt là còn lóe lên những tia hy vọng mong manh. Ngày nào cũng thế về đến ngõ là Dư đã không muốn lê bước nữa, quần áo ướt sũng như lội dưới sông lên, lê đến hè là đổ vật ra như cây chuối bị đốn gốc. Chị Thu con ông bác đã có chồng con ở gần đấy thấy thế chỉ biết ôm mặt khóc và rồi một lần không chịu được đã về quê gọi mẹ Dư lên. Thấy cảnh con như vậy mẹ Dư đã khóc lóc van vỉ anh về nhà, học nữa thì học, không học thì đi làm đồng với cha mẹ, cũng không đến nỗi vất vả như thế này.
Dư nghẹn ngào nói với mẹ:
- Con là một thằng con trai đã lớn, gặp chút trở ngại, khó khăn mà không vượt lên được thì chết quách đi còn hơn. Mẹ cứ yên tâm, để con làm thử ít lâu, nếu thấy không làm nổi, con sẽ tìm việc khác.
Như một mầm non bị dập vùi, nếu không chết bẹp thì sẽ tìm đủ mọi ngóc ngách để vươn lên, Dư cũng vậy, anh đã vươn lên từ mọi ngóc ngách của cuộc sống.
Chỉ sáu, bảy tháng sau Dư đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh, bởi vì anh đang ở tuổi mười bảy. Ai cũng muốn làm cặp đôi với anh, không những Dư rất khỏe, đã có mấy lần thử sức với với mọi người là lật “lập-lách” lên bằng một tay anh đều đã thắng cả dù giải thưởng chỉ là bao thuốc lá Tam Đảo (lập-lách là cái mâm tròn rất dày bằng gang, nặng gần một tạ, đặt trên một chốt ở ngã tư đường goòng để đổi hướng đi của xe, sau khi làm việc được một lúc lâu thì bị than rơi làm kẹt không quay được nữa, phải lật lên để vét sạch), thứ hai vì anh hiền lành ít nói lại là giáo viên bổ túc của toàn ca, từ ca trưởng Thành trở xuống, bởi anh là học sinh lớp mười đầu tiên của Hải Phòng lúc bấy giờ.
Trong giờ nghỉ Dư thường ngồi một mình hoặc với mấy bác già. Mấy cô gái thấy vậy bèn thì thào với nhau rồi một cô ra bảo với Dư:
- Anh Dư, ra đây em nhờ tị.
Khi hai người ra đúng giữa đám đông thì Thi ôm lấy cổ Dư vật anh ngã kềnh ra đất, rồi vỗ vào rốn nói to:
- Em thắng rồi nhé. Mọi người thưởng đi!
Thế là mọi người được mẻ cười nghiêng ngả.
Bạn bè, đồng đội, thày trò họ là như thế đấy!
Mãi sau này khi không còn làm ở nhà máy nữa, kể cả khi đã về già, mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm đầu đời ấy Dư không thể nào ngăn được những xúc cảm dâng lên mạnh mẽ trong lòng mình.
Ngay năm sau Dư dự thi theo chế độ thí sinh tự do và anh đã đỗ thứ nhì thành phố. Tuy nhiên trong suốt bốn năm đẩy xe than ở nhà máy Xi măng, ban đêm Dư vẫn đi học bổ túc. Có một lần cô giáo dạy bổ túc đã phát hiện ra anh là học sinh học trước cô hai lớp, trở nên lúng túng không đủ bình tĩnh dạy hết tiết. Khi tan lớp Dư bị Ban Giám hiệu giữ lại để hỏi vì sao anh lại làm như vậy?
Anh đã trả lời rất thành thật sau khi xuất trình các giấy tờ mang theo:
- Tôi đang là một công nhân đẩy xe than tại nhà máy Xi măng, nhưng tôi không muốn là một công nhân đẩy xe than suốt đời. Tôi sẽ học thêm nữa, vì vậy tôi đã nộp đơn để xin học lại lớp cuối cấp này, mặc dù tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học rồi. Học lại để làm gì ư? Để khỏi quên mất những kiến thức đã học và để khi nào có điều kiện thi đại học, tôi đỡ phải ôn lại. Nếu nhà trường thấy phiền hà tôi xin ngồi ngoài lớp để dự thính!
Nhà trường sau khi điều tra xem xét những vấn đề Dư nêu, thì thấy đều là sự thực, vả lại nhà máy lại nhận xét về anh rất tốt. Anh đang là Bí thư liên chi đoàn thanh niên của nhà máy và đang được đứng trong hàng ngũ đối tượng kết nạp Đảng.
Hai năm sau anh được làm lý lịch để đi học tại Liên Xô. Nhưng khi nộp hồ sơ được ít lâu thì xẩy ra vụ “Xét lại”, nên việc học của anh bị gác lại.
Bác Tân một bác già cùng cơ quan đã nói với anh:
- Cháu ạ! Không học ở nước ngoài thì học ở trong nước, miễn là cháu còn đang tuổi học và còn đang muốn học. Chứ như bác bây giờ có tuổi, có gia đình rồi, có cho đi học cũng không học được nữa.
Lời khuyên chí tình của bác già đã làm Dư quyết định ôn để thi vào trường Đại học Bách khoa cùng hai người bạn thân năm ấy.
Chỉ nghỉ có 10 ngày phép năm để ôn, mà năm ấy cả ba người cùng thi đỗ cả ba.
Còn nhớ khi đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin thi Đại học thì bác Y sỹ già ở cơ quan đã đùa nói rằng:
- Mày yếu đuối thế này thì học đại học thế nào được?!
Dư đã cãi lại rằng:
- Cháu đủ sức đẩy xe than thì làm sao lại không đủ sức học Đại học!
Bác Y sỹ trễ kính xuống nhìn Dư:
- À, thằng này cũng biết đối đáp đấy! Được tao sẽ cho mày đi học.
Khi tốt nghiệp Đại học vào loại ưu, Dư được giữ lại Hà Nội để làm việc tại một cơ quan đầu não của Bộ Giao thông.
Dư có dịp về thăm lại ca than, gặp mọi người ai cũng vui vẻ, đằm thắm và mừng cho anh.
Thi, Luyến, Toan,... các cô đều đã có chồng con.
Dư nói vui:
- Ô hay, thế chẳng đứa nào đợi anh à?
Luyến nói vừa tếu, vừa rất thật:
- Lúc anh còn đẩy than với chúng em mà anh còn chẳng ngỏ lời, bây giờ anh đã thành kỹ sư, đợi anh để ế mốc lên à?
Dư đã ôm lấy cô em bạo mồm rồi nhè nhẹ vỗ vào đầu Luyến mà không nói được lời nào.
Lần bố ốm, Dư về quê thăm. Sau khi cơm nước xong thì chiều vừa xập tối. Bây giờ ở nhà chỉ còn hai ông bà già. Cái Thùy cũng đã chồng con ở làng bên, thỉnh thoảng mới bế con về thăm ông bà. Dư ngồi nói chuyện với bố mẹ, ngỏ lời muốn đưa hai cụ lên tỉnh ở cùng mình. Khi mẹ buông màn bắt muỗi dục bố đi nằm nghỉ thì anh tha thẩn bước ra cổng và rồi chẳng biết thế nào một lúc sau anh đã thấy mình ngồi cạnh cái miễu giữa cánh đồng đang mùa lúa chín rộ.
Tiếng dế rúc inh ỏi một lúc rồi bỗng tắt lịm đi để rồi sau một lúc nó lại rộ lên inh ỏi. Hương lúa thơm mát đang lan tỏa như quyến rũ không gian.
Vạn vật đang mùa sinh sôi, âm dương cũng như xích gần lại và giao hòa cùng nhau trong thiên nhiên vô tận.
Dư hít căng hương lúa trong lồng ngực vạm vỡ của mình và cảm thấy thật sảng khoái.
Bỗng có linh cảm lạ, Dư quay phắt lại phía sau và nhận ra đứng ngay cạnh anh là một cô gái trẻ.
Chưa nhận ra ai nhưng Dư vẫn lên tiếng đùa cợt:
- Cô là ai, ma à? Sao đêm hôm lại theo rình mò tôi thế!
- Em là ma đây, con ma nhỏ ngày xưa anh đã vác trên vai chạy về làng lúc nửa đêm ấy. Anh có còn nhớ không?
- Cái Lý đấy à? Sao nửa đêm lại ra đây thế?
- Cái Lý ngày xưa của anh đây. Bây giờ em đã 23 tuổi rồi.
- Thế à, anh quen mồm, cho anh xin lỗi. Thế nửa đêm em ra đây làm gì?
- Em theo anh.
- Sao biết anh ra đây mà theo?
- Khi anh vừa về làng, em đã biết. Em còn biết anh thích ra đây ngồi một mình.
- Thế ra anh bị cô theo dõi à?
- Vâng, em thích được theo dõi anh.
- Sao vậy cô hàng xóm?
- Chả nói thì anh cũng biết!
- Anh tưởng cô đã chồng con rồi chứ. Cái Thùy cũng đã có con ba, bốn tuổi rồi!
- Con em cũng đã bảy tuổi, nhưng chồng thì không có!
- Sao thế?
- Anh không nhớ à, năm ấy em mới 16 tuổi bị thằng chú dượng cưỡng đoạt. Em đã treo cổ lên cây mà anh lại cứu xuống, không cho em chết!
Ở quê như em thì còn ai dám lấy nữa. Vì thế em đành sống một mình, nuôi con. Anh ơi, em theo anh ra đây không có ý gì đâu, chỉ muốn ngồi gần anh một lúc rồi lại về, thế thôi.
Dư cảm thấy nao nao và dưới bóng tối chạng vạng, anh nhìn Lý kỹ hơn và chợt nhận thấy cô đẹp rực rỡ như một đóa hoa quỳnh đang nở rộ trong đêm, nồng nàn tỏa hương quyến rũ.
Dư nói vui không cố ý và không tự chủ:
- Ngồi với nhau một lúc rồi về thì có sao đâu! Thế nhưng nếu anh ngồi đây cả đời thì em có muốn ngồi cùng anh không?
Lý rụt rè:
- Em không xứng với anh, em không dám!
- Ô hay chỉ ngồi gần nhau cũng không dám sao?
- Nhưng em là một đứa con gái lỡ làng và hư hỏng...
- Anh đã 31 tuổi rồi, cũng ế chỏng gọng ra đây này. Nhưng này, ai dám bảo em là một cô gái hư hỏng!
- Nhưng mà ở quê thì như thế là loại bỏ đi rồi!
- Nhưng nếu anh đem em ra tỉnh thì sao?
- Em không dám! Lý trả lời lí nhí trong hụt hẫng.
- Em chẳng bảo là em thích được theo dõi anh cơ mà!
Lý cười lặng lẽ không nói, Dư nhẹ nhàng kéo Lý vào lòng, ôm lấy cô. Hương lá thơm gội đầu trên tóc cô gái và hương đồng nội bay lên ngào ngạt.
Trong đêm tiếng dế lại rộ lên inh ỏi.

                                                    Hà Nội, 2007.

Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Gánh nước


Trên đường về


Tháp Rùa - Hà Nội


Người đàn bà rộng lượng

Người đàn ông to lớn hùng hổ nói với mấy cảnh sát ở một đồn mép chợ Trời: (một cái chợ ở sau phố Huế, từ giữa phố Đồng Nhân ăn thông ra Nguyễn Công Trứ không biết lập tự bao giờ, buôn bán đủ thứ thượng vàng, hạ cám).
- Tôi là một đảng viên, một tổ trưởng tổ rèn của Hợp tác xã, làm sao lại có quan hệ với loại buôn bán tem phiếu, tôi lại đã có vợ con tại Thủy Nguyên rồi, đời nào tôi dám lấy thêm vợ để phạm kỷ luật của đảng!
Người đàn bà bé nhỏ đổ sụp xuống, khóc không thành tiếng, sau lời phủ nhận phũ phàng của người mà chị ta vẫn thường nhận là “chồng”. Đứa con nhỏ khát sữa đã khàn tiếng vẫn ôm chặt lấy chị, thỉnh thoảng lại cố nút nút cái núm vú đã beo, lờ đờ nhìn mẹ. Mẹ nó đã hơn hai ngày hôm nay không có chút gì vào miệng thì lấy đâu còn có sữa để nó bú nữa.
Người đàn bà này bị bắt quả tang khi đang mua bán tem phiếu, cái thứ hàng cấm và quý hiếm hơn cả tiền thời bao cấp.
Câu chuyện này xẩy ra đã hơn bốn chục năm về trước, khi mà chế độ tem phiếu đang ngự trị cả lương tri và thể xác con người trong xã hội, khi mà ai ai cũng rất thông cảm với câu “mặt thưỡi ra như mất sổ gạo”. Trong các loại tem phiếu thì sổ gạo là hàng “đệ nhất quan trọng”. Mỗi công dân có hộ khẩu thường trú được mua mỗi tháng mười ba cân rưỡi, nửa gạo nửa ngô, hoặc nửa gạo nửa sắn khô,...được cấp tem phiếu để mua hai lạng thịt hoặc mỡ, một cân cá đồng tiền (đó là loại cá bể nhỏ như đồng tiền, ươn tanh đến nỗi cách xa hàng trăm mét đã ngửi thấy mùi), nửa lít nước mắm loại Ba (hơn nước muối là có màu nâu nhạt), hai cân muối, một cân đậu phụ,...
Nếu không có tem phiếu thì phải mua các loại thực phẩm trên cao hơn giá quy định của nhà nước từ sáu đến mười lần. Có phiếu chưa chắc đã mua được hàng, nhưng nếu bán toàn bộ tem phiếu của một người đi thì cũng có một món tiền kha khá. Ai không có thời gian đứng xếp hàng vài tiếng để mua mấy mớ rau muống già, bán cái phiếu rau đi cũng được bát phở, ngược lại có cha mẹ ở quê lên thăm, thì phải mua ngay mấy cái phiếu mỡ để còn “tuỳ cơ ứng biến”, “các cụ chúng nó” chả đã có câu “củ tre xào mỡ cũng ngon” đó sao? Lương tháng của cán bộ công nhân viên bậc trung mua được gấp rưỡi các thứ kể trên, nên nếu mất tem phiếu thì chẳng cứ mặt thưỡi ra, mà còn khối thứ trên người cũng thưỡi ra nốt. Vì vậy buôn tem phiếu là một nghề tất yếu như bất cứ nghề gì, có cầu ắt có cung vậy thôi, nhưng lại bị chính quyền coi là phạm pháp và bị vây bắt rất dữ.   
Người ta phải mất công và thời gian về địa phương để xác minh. Đúng là ở quê anh ta đã có một vợ và có tới sáu đứa con, nhưng người phụ nữ “phạm tội” này cũng đúng là “vợ” anh ta thật, bởi ở nơi anh ta cư trú người ta “thấy” hai người vẫn “ăn chung, ở lộn” hơn mười năm nay và đã có với nhau tới ba mặt con. Mặc cho đứa con nhỏ tội nghiệp này mới được hơn năm tuổi và giống anh ta như “lột”, anh ta vẫn khăng khăng không nhận nó là con mình.
Người ta so sánh những lời khai trái ngược của hai người và khi phải chọn lấy một, phải tin lấy một, tất nhiên người ta phải chọn anh ta, vì một điều quá dễ hiểu anh ta là đảng viên, còn chị này chẳng qua chỉ là con mụ “phe” tem phiếu!
Chị ta đã phải nhận thêm một tội danh nữa ngoài tội buôn bán tem phiếu là tội vu khống hòng bôi nhọ cán bộ đảng viên. Sau đó chị ta đành ôm con nhỏ ngồi “bóc lịch” trong tù hơn một năm, về những tội đã phạm phải.
Khi mãn hạn tù, mất “chồng” đã đành, chị ta lại mất luôn cả chỗ ở, dù đó chỉ là một cái lều rách, chẳng có gì đáng giá.
Chị ta đành bế con ra đường. Cả ba đứa trẻ lớn lên trên đường phố và trở thành “những đứa con của thành phố”. Tất nhiên chẳng có đứa nào lại “dại dột” chịu “sống theo” như Gavrot trong truyện Những kẻ khốn khổ của Victor Hugo.
Chúng chai sạn và táo tợn, chẳng việc gì mà chúng không ham muốn, chẳng việc gì mà chúng không dám làm. Nhưng có thế chúng mới tồn tại được và có như thế chúng mới đúng “là con của cha” chúng.
Cuộc đời cứ thế trôi đi, bởi vì đấy mới đích thị là cuộc đời.
Ba mươi năm sau, người đàn bà buôn tem phiếu đã già và đã giải nghệ vì chẳng còn tem phiếu đâu để mà buôn bán nữa, nhưng như có phép lạ, bà ta trở nên giàu có, còn ông thợ rèn thì lại trở thành nghèo khổ.
Mặc cho bọn con cái vào tù ra tội như cơm bữa, bà ta vẫn dựng vợ gả chồng cho chúng và mua nhà mặt đường cho cả ba đứa.
Khi ông thợ rèn đã yếu không còn sống độc lập được nữa, thì bà bảo thằng cả rước bố nó về nuôi. Ông thợ rèn trở nên rất hiền lành và ngoan ngoãn. Ông ta sống dưới sự bảo trợ của người đàn bà mà đã lâu khi đứng trước nhà chức trách ông không dám nhận là vợ, mặc dù ông đã có chung với bà ta tới ba đứa con. Mười mấy năm sau, lúc ông ta trăm tuổi bà cũng lo toan tang ma đầy đủ, vẫn vấn khăn tang đi sau linh cữu, nhưng không khóc.
Khi có người nhắc đến chuyện cũ thì bà nói:
- Ông ấy cũng chỉ là một người đàn ông tầm thường như bao nhiêu người đàn ông khác, đáng thương hơn là đáng giận!



Hà Nội, 2006.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Cầu Long Biên - Hà Nội


Chùa Trấn Quốc - Hồ Tây Hà Nội


Vẽ gốm Bát Tràng - Hà Nội


Người đàn ông không mang họ cha


                               (Tặng hương hồn bạn Phùng Văn Viên)

Tôi bước cao, bước thấp mãi mới tới nhà ông bạn. Sao mà xa thế, sao mà gập ghềnh lắm thế? Rồi tôi lại bật cười về cái ý nghĩ lẩn thẩn ấy của mình! Ai bảo mình đi, ai xui, ai khiến, mình nhớ thì mình đi, thế mà cũng ca thán mãi! Âu cũng tại cái tuổi già nó hay lẩm cẩm như thế đấy!
Tôi tới nơi thì trời cũng đã xế chiều, mà ông bạn cũng chẳng có nhà. Căn nhà nhỏ cũ kỹ, rỗng tuếch nằm ẩn sau bụi tre cộc lơ thơ, mấy bụi rau cằn cỗi trước nhà tạo thêm cái hoang dã của cái vùng bán sơn địa, nghèo nàn.
Quăng chiếc gậy chống ra bờ rào, tôi cúi bước vào nhà. Căn nhà một gian hai trái đã xập xệ chỉ có độc một cái giường cũ phải kê đầu bằng mấy viên gạch, một cái bàn cũng chẳng vuông vắn và vững chãi gì hơn.
Ngồi chán chê, mãi sẩm tối mới thấy ông bạn từ rẫy về, áo vắt vai, quần xắn quá gối, tay xách mấy con chim, con dúi. Gặp tôi ông mừng lắm, vứt vội mấy thứ xuống, chùi vội tay vào quần rồi nắm lấy tôi mà hồ hởi:
- Bác đấy à? Đến đã lâu chưa, sao không báo trước?
- Cũng đã được một lúc, bác có khỏe không?
- Cứ nhìn thì biết, không khỏe sao được!
Tôi nhìn kỹ ông bạn già mới thấy ông khỏe thật. Nước da đen bóng, bắp tay, bắp chân vẫn còn săn chắc. Ở vào cái tuổi bảy mươi thì không mấy người còn cái dáng nhanh nhẹn và chắc chắn như ông ấy.
- Ở đây chơi vài hôm hãy về!
- Có một cái giường tôi nằm đâu, bọn trẻ nhà ông nằm đâu?
- Về ngoại tuần nay rồi, mà có ở nhà thì rải ít rơm ra đất là có chỗ nằm ngay thôi, lo gì!
Sự lý giải ấy, làm cho người ta thấy mọi sự trên đời đều có thể trở thành giản dị đến dễ thương, đến sảng khoái!
Tất nhiên là tôi đồng ý ngay, mà chẳng đồng ý cũng chẳng được, lần nào chả thế, dù vợ con ông có nhà thì ông cũng níu giữ tôi dăm bữa.
Tối ấy bên chén rượu và đồ nhắm ông săn được, chúng tôi đã thức mãi tới khuya. Mà có chuyện nào ra chuyện nào đâu, mỗi chuyện dăm câu, không đầu không cuối. Mãi đến khi trời gần rạng đằng đông chúng tôi mới chợp mắt và khi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên tới đỉnh đầu.  
Trưa sau khi ở ngoài sân bước vào tôi mới chợt nhìn thấy một chiếc khung treo trên vách. Đấy là một chiếc bằng Tổ quốc ghi công còn mới, tôi cũng chẳng để ý lắm, nhưng sau khi ngồi rồi tôi nghĩ lại thì thấy hơi là lạ.
Lớn lên lại học với nhau từ bé tôi còn lạ gì, nhà ông có ai đi bộ đội đâu mà có bằng Tổ quốc ghi công. Ông lấy vợ muộn, có ba đứa con, một trai hai gái đều còn đi học. Bố thì bị đi tù hồi Cải tạo, các em ông là con Tư sản đến học cũng chẳng được, nữa là đi bộ đội. Vậy thì ai là Liệt sĩ?
Ngài ngại tôi cũng chẳng hỏi, nhưng có lẽ thấy tôi cứ thỉnh thoảng đưa mắt về chiếc khung duy nhất trên tường, nên cuối cùng ông nói:
- Bác ngạc nhiên phải không? Đó là của ông bố đẻ tôi đấy!
- Tôi tưởng...
- Câu chuyên dài lắm, cứ từ từ rồi tôi sẽ kể cho bác nghe. Tôi vốn không phải là con cụ Sính, cha tôi họ Trần, xuất thân nghèo khổ, lớn lên làm công nhân bốc vác. Bố mẹ tôi gặp nhau lấy nhau, khi bà có mang tôi thì ông đi bộ đội. Rồi cha tôi hy sinh, sau khi cha tôi mất, mẹ tôi đi bước nữa với cụ Sính và sinh ra chú Đạo, chú Đức,...
- Nhưng...
- Nhưng sao tôi lại mang họ Phùng và cũng bị đuổi học năm lớp mười chứ gì? Chẳng có mấy người biết chuyện ấy phải không, ngay bác là bạn chơi với tôi từ nhỏ mà cũng chẳng biết, thì còn ai biết nữa!
Năm 1958-1959 khi cụ Sính bị quy là Tư sản mại bản, bị bắt giam rồi mang ra đấu tố và tịch thu tài sản. Có người biết gốc gác nhà tôi, đến gặp tôi làm công tác tư tưởng, họ bảo rằng nếu làm đơn khai báo thành phần xuất thân, xin ly khai với gia đình Tư sản thì tôi sẽ được công nhận là con liệt sỹ, được hưởng những quyền lợi của gia đình liệt sỹ, thậm chí có thể còn được đi học nước ngoài nữa.
Tôi chẳng biết thực hư thế nào nữa, tìm mẹ để hỏi, mẹ tôi đã ôm lấy tôi khóc mà nói rằng:
- “Bố đẻ con là một công nhân nghèo mang họ Trần, bố mẹ lấy nhau, khi mẹ mang thai con thì bố con đi bộ đội, rồi hy sinh. Trong khi mẹ bụng mang dạ chửa, vật vờ đầu đường, xó chợ, không nơi nương tựa thì tình cờ gặp được ông Sính. Ông đã cưu mang, đùm bọc và sau đó lấy mẹ làm vợ, nhờ đó mẹ mới sinh ra và nuôi được con như bây giờ. Còn chuyện làm đơn xin ly khai để được hưởng tiêu chuẩn là con Liệt sĩ thì tùy con, mẹ sẽ đứng ra làm chứng để con được công nhận là con liệt sĩ, con cứ nghĩ kỹ đi”.
- Nhưng sao bác không khai? Tôi hỏi.
- Lúc đó còn trẻ con, với những ánh hào quang của một tương lai rực rỡ, tôi cũng muốn khai lắm chứ, vào hồi đó mấy ai có tiêu chuẩn là gia đình Liệt sĩ. Nhưng nghĩ lại thì không nỡ, bởi từ khi sinh ra, tôi chỉ biết có cụ Sính là bố mà thôi, lúc ốm đau, trái nắng trở trời, lúc học hành bị phạt, lúc hư bị mẹ đánh, tôi đều thấy cụ ở cạnh đùm bọc, chở che. Vả lại muốn được công nhận là con liệt sĩ thì phải lôi cụ ra đấu tố, điều đó tôi không thể nào làm được, vì thế tôi không theo đuổi nữa.
- Và vì thế bác vẫn mang họ Phùng!
- Đúng vậy.
- Nhưng vì sao bác lại có được cái bằng Tổ Quốc Ghi Công treo trên tường kia?
- À, câu chuyện là như thế này, khoảng năm năm trước có một vị tướng già về hưu, ở mãi tận Hà Nội tìm về đây, hỏi thăm mãi rồi tới nhà gặp tôi. Ông ta đã ôm lấy tôi khóc, mà nói rằng:
- Cháu có phải là thằng Viên con bố Vê không?
Tôi gỡ tay ông ta ra mà nói:
- Thưa cụ, cháu là Viên, nhưng bố cháu không phải là Vê!
- Thế cháu đẻ năm nào, mẹ cháu tên là gì?
Sau khi biết tên mẹ và năm sinh của tôi, ông ấy khẳng định rằng đúng tôi là con bố Vê, người đồng đội đã hy sinh thân mình để cứu sống ông trong một trận đánh ác liệt. Trước lúc chết cha tôi đã cho ông biết những điều mà chính tôi cũng chưa được biết.
Sau khi về nghỉ hưu, lặn lội tìm được tôi, ông đã tới Thành đội để khai báo, xin chứng nhận của các cấp có thẩm quyền đằng đẵng hàng gần chục năm trời và xin bằng được cho tôi tấm bằng treo trên tường kia.
Cầm tấm bằng Tổ quốc Ghi công, tôi nghẹn ngào mãi mới nói được lời cảm ơn ông tướng già. Ông cũng nói với tôi là nếu muốn ông sẽ đứng ra xin với Chính quyền để tôi được đổi về họ cha tôi, về sau này con cháu tôi sẽ được hưởng Chính sách của Nhà nước quy định.
Tôi đã kể lại cho ông nghe về chuyện của gia đình tôi và lý do vì sao tôi không đổi họ.
Ông đã nắm lấy tay tôi xúc động nói:
- “Cháu thật đúng là con bố Vê cháu! Sống ở đời phải biết trọng đạo lý. Những ân sủng, những mỹ từ chỉ giúp ta sống tốt hơn, chứ chúng không tạo ra nhân cách cháu ạ!”
Ông bạn già tôi nói sau một hồi trầm ngâm:
- Đến giờ khi đã là một lão già, tôi thấy cái họ cũng chỉ như cái áo khoác. Người phụ nữ mang nặng đẻ đau chín tháng, mười ngày mà đứa con đẻ ra vẫn mang họ chồng, chứ có được mang họ mình đâu. Lại có người làm con nuôi nhà quyền quý, để lấy lòng và để tỏ lòng thành kính nhà quyền thế nọ, bèn bỏ luôn họ bố, để mang họ nhà kia. Dòng họ cũng chỉ là một cái tên, quan trọng là con người đã mang cái dòng họ ấy sống như thế nào.
- Chơi với bác có trên năm mươi năm mà giờ đây tôi mới nhận ra bác!
- Một lão già nghèo khổ, nhưng vẫn ngang ngạnh cho đến chết phải không?
- Đúng như có người đã nói của cải và tiếng tăm chỉ như đám mây trôi. Để có của cải đã khó, nhưng cách làm ra nó, dùng nó lại còn khó biết bao! 

Hà Nội, 2006.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Ban nhạc đường phố - Hà Nội


Cầu Long Biên - Hà Nội


Chân dung vợ


Con nhặt

Hai vợ chồng nghèo sống trong “xóm liều” dưới gầm một chiếc cầu lớn ven ô, chồng làm “cửu vạn” ngoài ga, còn vợ thì đi nhặt rác. Hai vợ chồng nhà này chưa có con nhưng đã có một cái bụng khá đồ sộ.
Với những lo toan thường ngày và những ước ao cũng rất giản dị là kiếm đủ ăn, có một mụn con để mà chăm bẵm và lo lắng. Bụng vợ ngày càng to thì những lo toan cũng ngày càng lớn. Mới chỉ có hai vợ chồng thôi mà đã phải ăn bữa nay, lo bữa mai, thì đến khi có thêm một đứa con, cái khó chắc không chỉ còn như bây giờ nữa.
Hàng ngày đi làm về, anh chồng đưa cho vợ khoản thu nhập nho nhỏ mà anh luôn ao ước là nó có thể đủ để chi tiêu trong ngày. Còn chị vợ đi bới rác thì nhặt bất cứ cái gì mà chị ta cho là có thể bán được, tuy vậy cũng có ngày những thứ nhặt được ấy chẳng bán nổi đồng nào.
Một buổi trời se lạnh, khi cái móc bới rác bập xuống thì chị ta nghe thấy một tiếng khóc xé tai cất lên, chị vội vàng buông cái móc xuống dùng hai tay để bốc mớ rẻ rách lên thì phát hiện ra đó là một đứa trẻ sơ sinh bị vùi kín trong đống rác. Sợ hãi chị ta vứt vội nắm rẻ xuống bỏ chạy, song tiếng khóc xé lòng như níu chặt lấy đôi chân run rẩy, chị chợt nhìn nhanh xuống cái bụng đã khá to của mình rồi cúi xuống bê nắm rẻ rách lên nhìn kỹ lại.
Vết bập của cái móc đã trúng vai đứa bé, máu xối ra lênh láng, chị ôm chặt đám rẻ vào lòng rồi vội vã chạy nhanh ra đường cái. Ở bệnh viện sau khi sơ cứu người ta cho chị biết là đứa bé đã bị gãy xương bả vai cần được mổ ngay, nhưng phải có tiền đóng viện phí thì mới được đưa lên bàn mổ. Việc ấy chẳng thể xẩy ra được vì chị chỉ là một người đàn bà bới rác nghèo khó. Người ta bèn sát trùng cho vết thương rồi “tha bổng” cho cả hai “mẹ con”.
Chiều đi làm về anh chồng cũng chỉ đành thở dài chấp nhận. Mấy ngày sau anh ta mới có thời gian nhìn kỹ lại đứa bé vừa nhặt được, đó là một đứa bé trai kháu khỉnh, có cái trán cao và đôi mắt nhìn hau háu. Thế là chưa sinh nở đã phải nuôi con, cái khó đã được nhân lên gấp mấy lần.
Cuộc sống cứ lần hồi và mọi cái vẫn tồn tại với những sợi chỉ mỏng manh của nó, rồi hơn hai mươi năm nữa trôi qua, cái gia đình nhỏ bé và nghèo nàn ấy vẫn còn nguyên như cũ. Bây giờ vợ chồng người bới rác tóc đã bạc trắng cả, anh con trai cũng đã trưởng thành và trở thành lao động chính của gia đình, ngày ngày đi làm kiếm đồng tiền đẫm mồ hôi về nuôi gia đình và thuốc thang cho bố ốm, anh chẳng có thì giờ để nghĩ ngợi về thân phận của mình nữa.
Khi người cha hấp hối biết không thể qua khỏi mới gọi anh lại để nói với anh những câu đứt quãng về câu chuyện đã xẩy ra từ mấy chục năm về trước. Anh vội vàng ngăn cha lại, nói là mình đã biết cả rồi, không cần nói nữa. Người cha già ốm yếu thực sự ngạc nhiên, vì cả hai ông bà cũng đã từng dấu kín chuyện từ ngày nhặt được anh trong đống rác.
Anh con trai nói với bố:
- Bố cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, con biết con là ai, người đẻ ra con muốn “vui vẻ tý chút”, nhưng khi con ra đời thì họ thật sự thất vọng và cách giải quyết thì bố cũng biết rồi đấy, họ chỉ coi con như “một bọc rác” cần vất đi sau khi đã thải ra.
- Thế còn mẹ với em mày? Người cha lắp bắp hỏi thêm.
- Bố mẹ là bố mẹ của con, con Mai là em của con, con sẽ gắn bó và yêu thương suốt đời.
- Thật như vậy sao?
- Vâng, nhất định là như vậy rồi, bố ạ.
- Thế còn mẹ đẻ của con?
- Họ đã sinh ra con nhưng họ chưa bao giờ là cha mẹ của con cả!
- Họ có biết con còn sống không?
- Cái bà sang trọng hôm nọ biếu gói quà và ít tiền lúc đến thăm bố ở bệnh viện chính là người đã đẻ ra con.
- Sao mày biết?
- Con biết đã từ  lâu rồi!
Người cha nghèo mỉm cười mãn nguyện rồi lặng lẽ ra đi. Hôm đưa tang người ta thấy anh con trai chống gậy buồn rầu, vẹo vọ đi đằng sau cỗ quan tài, láng giềng quanh xóm lao động cũng đi đưa nhiều lắm.
Người ta thấy có một bà già giàu có, héo hon đi ở phía cuối hàng.
Mấy năm sau đó người ta thấy vùng này nổi lên một nhà doanh nghiệp trẻ, đã lập nên một ngành công nghiệp mới đó là ngành chế biến rác thải. Anh ta rất sáng tạo và quyết đoán và chả mấy tí đã trở thành tỷ phú.
Anh ta chính là người con nhặt, đã bị bỏ rơi trong đống rác năm xưa.      


                                                                        Hà Nội, 2005.
 Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Chùm cau cảnh


Hoa Xương Rồng


Sân chùa Hoàng Mai - Hà Nội


Dị vật

Có một người khi sinh ra thì bình thường như mọi người, khi năm sáu tuổi anh ta bị tai nạn, một dị vật nhỏ xíu đâm vào tim, nhưng anh ta không chết. Một thời gian dài anh ta không có điều kiện chạy chữa, sau thành cố tật, chữa cũng chẳng khỏi.
Anh ta sống gần trọn đời với trái tim tật nguyền, nhìn mọi vật đều thấy nó gớm ghiếc, cái gì cũng xám xịt, cũng trở nên đáng sợ, không dám gần ai nữa. Anh ta trở thành con người đau khổ, không yên tâm với bất cứ việc gì. Suốt đời suy tư, trăn trở, suốt đời lo lắng, âu sầu, không thấy hạnh phúc ở đời, chẳng thấy niềm vui trong cuộc sống. Lấy đạm bạc làm thanh thản, lấy nhân nghĩa làm lẽ đời.
Anh ta thành người lập dị, ai ai cũng xa lánh, mọi người đều không ưa.
Mãi gần cuối đời anh ta gặp được một danh y tài giỏi cứu chữa, lấy trái tim một con linh cẩu thay vào. Từ đó anh ta khỏe hẳn ra thấy cái gì cũng rõ ràng, trở nên tinh nhanh, tháo vát và rồi dần trở thành một con người khác hẳn, niềm nở, vui tươi nhưng cũng tham lam, bẩn thỉu như một con linh cẩu. Anh ta trở nên giàu có, bạn bè đông dần và luôn quanh quẩn bên người. Mọi người chuyển từ chỗ coi thường đến chỗ rất nể sợ anh ta.
Chỉ có người vợ nghèo của anh ta lặng lẽ bỏ ra đi.
Có người hỏi thì chị ta trả lời:
- Anh ấy đã đổi khác, thành một người khác. Trước kia dù bị tật nguyền nhưng anh ấy vẫn mang trong mình một trái tim người. Ngày nay tim đã khỏe, của cải đã nhiều, nhưng anh ấy lại biến luôn từ một con người thành một con linh cẩu! Vì thế tôi không thể ở lại được nữa! 

                                                                         Hà Nội, 2005.

Liên hệ:      DĐ: 0915140055


Hồ Đền Lừ - Hà Nội



Sơn nữ


Trúc


Chuyện thời còn trẻ

Hồi còn là sinh viên năm thứ hai tại một trường Đại học ở Hà Nội, trong một kỳ đi lao động thực tập tại công trường xây dựng Nhà máy Dệt 8/3, tôi được ghép vào một tổ bê-tông có mười lăm người mà đến ba phần là nữ.
Hồi đó tôi còn trẻ khỏe, ngây thơ, nên khi cùng sinh hoạt ăn ở với công nhân, tôi cũng sớm hòa nhập với mọi người và được mọi người yêu mến coi như một thành viên trong tổ vậy.
Ca bê-tông có Hoa là cô gái xinh ngoan, dịu dàng nhất mà thực lòng hồi đó tôi cũng rất mến.
Hoa là người được “lọt vào mắt xanh” của ông Ca trưởng. Ông ta là một cán bộ tập kết người khu Năm hơn bố Hoa đến hai tuổi, đã già lại xấu, cặp mắt thì nhiều lòng trắng hơn lòng đen, cặp môi đỉa trâu to bự, thâm xì với điếu thuốc vê hôi rích không lúc nào không “thường trực” trên đó. Sự đeo bám và bủa vây “người đẹp” của ông Ca trưởng rất quyết liệt không kể ngày đêm, sáng tối, đến nỗi cô bé sợ hãi phải lẩn tránh như lẩn tránh bệnh dịch, điều này khiến “nhà lãnh đạo” cảm thấy vô cùng bực bội.
Thế rồi ít lâu sau người ta thấy xì xào về Hoa một chuyện gì đó, mà điều đáng để ý là các chàng trai theo đuổi cô bé cứ giãn dần ra. Mấy bác già thì buồn rầu ra mặt, tôi chỉ là anh chàng sinh viên thực tập tại công trường, thành ra không ai cho biết chuyện.
Trong một lần giải lao giữa ca tôi đã hỏi nhỏ Hoa, nào ngờ em đã òa khóc và chạy té đi như bị ma đuổi. Bác Nhân, một bác già trong tổ mà tôi coi như mẹ đã túm lấy vai tôi lôi ra tận đằng xa, gắt lên rằng:
- Mày có học mà sao ngu thế?
- Cháu có biết gì đâu, chỉ thấy Hoa nó buồn thì hỏi thử xem có thể giúp được gì không, sao bác lại mắng cháu?
Bác Nhân nói như mếu:
- Mày có biết vì sao nó buồn không đã?
- Không ạ, biết thì cháu còn hỏi làm gì.
- Cha tổ thằng chó già không làm gì được con bé, liền tung tin bậy để làm hại nó, thật là khổ quá chứng!
- Tung tin gì cơ ạ?
- Mày không biết thật à? Thế mày có biết tại sao thằng Hưng đang theo đuổi con Hoa lại tự dưng lảng ra không?
- Không ạ.
- À mà phải, mày là sinh viên đến thực tập ở đây vài ba tháng rồi lại đi, nên không biết cũng là phải. Thôi tao nói cho mày biết vậy, thằng chó ấy đã tung tin là con Hoa không có ... Con gái dù xinh đẹp, nết na bao nhiêu đi nữa mà không có “cái ấy” thì còn ai còn dám theo đuổi, lấy về làm gì cơ chứ!
- Không thể như thế được!
- Sao, mày bảo sao?
- Một cô gái khỏe mạnh, phát triển bình thường như Hoa, nếu không may có bị như thế thì đi bệnh viện phẫu thuật, cấy ghép vẫn có thể trở thành một cô gái bình thường được, bây giờ khoa học tiến bộ có thể giải quyết nhiều việc còn khó hơn như vậy cơ bác ạ.
- Việc gì phải đi bệnh viện, việc gì phải cấy ghép? Bác già gay gắt hỏi dồn tôi.
- Cháu nghĩ nếu như Hoa không có...
- Nghĩ, nghĩ cái con khỉ, sao nó lại không có, mày không thấy vú nó nở nang, mông nó tròn trịa, ... của nó không to bằng mặt thằng chó kia ấy à!
- Gớm, bác nói gì mà ngoa ngoắt thế!
- Chứ lại chả ngoa ngoắt!
Hoa đang bị một scandal(1) khó có thể trình bày cùng ai được, mấy hôm sau tôi gặp bác Nhân bàn bạc, muốn cùng bác phá vụ tai tiếng này, tôi nói:
- Bác ạ, hôm nào ca ta cũng tắm công cộng sau giờ làm việc, - hồi ấy chưa có bình nước nóng, cả hơn chục con người có thùng phi nước mà một người được cắt ra để đun nóng, rồi pha ra mà tắm với nhau, nam một bên, nữ một bên chỉ cách nhau có một cái tường lửng, bên này nói bên kia nghe rõ mồn một, nhiều anh lúc phởn lên còn múc nước hắt sang bên nữ chẳng may mà hắt trúng phải một bác già thì lập tức được nghe ngay một “bản cải lương” gồm rất nhiều cung bậc và rất giàu hình ảnh mà lúc thường muốn được “thưởng thức” cũng không phải là dễ - bác cùng hai, ba cô nữa giả vờ kỳ cọ cho Hoa, thình lình tụt quần cô ấy ra, rồi cùng nói to lên là Hoa cũng có....rất bình thường. Như thế là mọi người đều biết, bên nam dù không được nhìn thấy nhưng vẫn nghe thấy, bác thấy thế nào ạ?
- Ừ, thế mà tao không nghĩ ra! Bác Nhân gật đầu công nhận.
Mấy ngày sau sự việc đã xẩy ra đúng như đã bàn bạc và thành công ngoài cả dự kiến, khiến Hoa xấu hổ phải nghỉ ở nhà mất mấy hôm liền. Ông Ca trưởng cũng đến chơi, không ngờ lại gặp mấy bác già đang ở đấy bị họ nói móc cho mấy câu thật độc địa, khiến ông ta phải lủi thủi ra về như chó cụp tai.
Những ngày sau đi làm, Hoa cứ thấy tôi là lảng mất, làm tôi cũng lúng túng chẳng biết xử sự thế nào.
Mấy bác già thì vun vào:
- Có học có khác, thôi mày đã có “công phá án” thì mày với con Hoa cứ lấy quách nhau đi cho thằng “khỉ độc” ấy nó trắng mắt ra!
Nhìn về phía Hoa thấy mặt em ửng đỏ, làm cho tôi cũng thấy thật bồi hồi cảm động.
Tôi nói với bác Nhân mà cũng như để nói với em:
- Nhà cháu nghèo lắm! Học xong cháu cũng chưa dám lấy vợ ngay bác ạ.
- Thế nào, con Hoa có đợi được nó không? Bác hỏi Hoa.
- Em đừng đợi, tôi vội nói, anh chưa dám nghĩ đến chuyện vợ con đâu!
- Em biết - Hoa hờn dỗi cúi xuống nói nhỏ - chỉ vài năm nữa anh tốt nghiệp trở thành kĩ sư, ai lại lấy một con công nhân bê-tông như em!
- Không phải thế, anh nói thực lòng. Phải dăm năm nữa anh mới dám nghĩ đến chuyện vợ con, nếu em đợi được thì anh hứa...
- Không đến lượt anh hứa đâu, anh kĩ sư tương lai ạ! - Cậu Hưng vội lên tiếng - Muốn “đấu súng” với đây thì hẹn giờ và cho biết địa điểm.
Ba tháng sau, vào cuối mùa thu dịu ngọt của năm ấy, Hoa bước lên xe hoa về nhà chồng, tôi cũng có mặt trong buổi liên hoan vui vẻ ấy. Tôi tặng em một bó hoa thật đẹp và chúc em hạnh phúc.
Em đã thì thầm nói với tôi:
- Hạnh phúc này em muốn chia xẻ cùng anh, “nhà thám tử” tài ba của em ạ.
Lời nói ấy theo tôi đến mãi tận bây giờ.                                                                                                                                                              

                                                                                                                                                                                 Hà Nội, 2004.
(1) Scandal: vụ tai tiếng