tháng 9 23, 2014

Người đàn bà rộng lượng

Người đàn ông to lớn hùng hổ nói với mấy cảnh sát ở một đồn mép chợ Trời: (một cái chợ ở sau phố Huế, từ giữa phố Đồng Nhân ăn thông ra Nguyễn Công Trứ không biết lập tự bao giờ, buôn bán đủ thứ thượng vàng, hạ cám).
- Tôi là một đảng viên, một tổ trưởng tổ rèn của Hợp tác xã, làm sao lại có quan hệ với loại buôn bán tem phiếu, tôi lại đã có vợ con tại Thủy Nguyên rồi, đời nào tôi dám lấy thêm vợ để phạm kỷ luật của đảng!
Người đàn bà bé nhỏ đổ sụp xuống, khóc không thành tiếng, sau lời phủ nhận phũ phàng của người mà chị ta vẫn thường nhận là “chồng”. Đứa con nhỏ khát sữa đã khàn tiếng vẫn ôm chặt lấy chị, thỉnh thoảng lại cố nút nút cái núm vú đã beo, lờ đờ nhìn mẹ. Mẹ nó đã hơn hai ngày hôm nay không có chút gì vào miệng thì lấy đâu còn có sữa để nó bú nữa.
Người đàn bà này bị bắt quả tang khi đang mua bán tem phiếu, cái thứ hàng cấm và quý hiếm hơn cả tiền thời bao cấp.
Câu chuyện này xẩy ra đã hơn bốn chục năm về trước, khi mà chế độ tem phiếu đang ngự trị cả lương tri và thể xác con người trong xã hội, khi mà ai ai cũng rất thông cảm với câu “mặt thưỡi ra như mất sổ gạo”. Trong các loại tem phiếu thì sổ gạo là hàng “đệ nhất quan trọng”. Mỗi công dân có hộ khẩu thường trú được mua mỗi tháng mười ba cân rưỡi, nửa gạo nửa ngô, hoặc nửa gạo nửa sắn khô,...được cấp tem phiếu để mua hai lạng thịt hoặc mỡ, một cân cá đồng tiền (đó là loại cá bể nhỏ như đồng tiền, ươn tanh đến nỗi cách xa hàng trăm mét đã ngửi thấy mùi), nửa lít nước mắm loại Ba (hơn nước muối là có màu nâu nhạt), hai cân muối, một cân đậu phụ,...
Nếu không có tem phiếu thì phải mua các loại thực phẩm trên cao hơn giá quy định của nhà nước từ sáu đến mười lần. Có phiếu chưa chắc đã mua được hàng, nhưng nếu bán toàn bộ tem phiếu của một người đi thì cũng có một món tiền kha khá. Ai không có thời gian đứng xếp hàng vài tiếng để mua mấy mớ rau muống già, bán cái phiếu rau đi cũng được bát phở, ngược lại có cha mẹ ở quê lên thăm, thì phải mua ngay mấy cái phiếu mỡ để còn “tuỳ cơ ứng biến”, “các cụ chúng nó” chả đã có câu “củ tre xào mỡ cũng ngon” đó sao? Lương tháng của cán bộ công nhân viên bậc trung mua được gấp rưỡi các thứ kể trên, nên nếu mất tem phiếu thì chẳng cứ mặt thưỡi ra, mà còn khối thứ trên người cũng thưỡi ra nốt. Vì vậy buôn tem phiếu là một nghề tất yếu như bất cứ nghề gì, có cầu ắt có cung vậy thôi, nhưng lại bị chính quyền coi là phạm pháp và bị vây bắt rất dữ.   
Người ta phải mất công và thời gian về địa phương để xác minh. Đúng là ở quê anh ta đã có một vợ và có tới sáu đứa con, nhưng người phụ nữ “phạm tội” này cũng đúng là “vợ” anh ta thật, bởi ở nơi anh ta cư trú người ta “thấy” hai người vẫn “ăn chung, ở lộn” hơn mười năm nay và đã có với nhau tới ba mặt con. Mặc cho đứa con nhỏ tội nghiệp này mới được hơn năm tuổi và giống anh ta như “lột”, anh ta vẫn khăng khăng không nhận nó là con mình.
Người ta so sánh những lời khai trái ngược của hai người và khi phải chọn lấy một, phải tin lấy một, tất nhiên người ta phải chọn anh ta, vì một điều quá dễ hiểu anh ta là đảng viên, còn chị này chẳng qua chỉ là con mụ “phe” tem phiếu!
Chị ta đã phải nhận thêm một tội danh nữa ngoài tội buôn bán tem phiếu là tội vu khống hòng bôi nhọ cán bộ đảng viên. Sau đó chị ta đành ôm con nhỏ ngồi “bóc lịch” trong tù hơn một năm, về những tội đã phạm phải.
Khi mãn hạn tù, mất “chồng” đã đành, chị ta lại mất luôn cả chỗ ở, dù đó chỉ là một cái lều rách, chẳng có gì đáng giá.
Chị ta đành bế con ra đường. Cả ba đứa trẻ lớn lên trên đường phố và trở thành “những đứa con của thành phố”. Tất nhiên chẳng có đứa nào lại “dại dột” chịu “sống theo” như Gavrot trong truyện Những kẻ khốn khổ của Victor Hugo.
Chúng chai sạn và táo tợn, chẳng việc gì mà chúng không ham muốn, chẳng việc gì mà chúng không dám làm. Nhưng có thế chúng mới tồn tại được và có như thế chúng mới đúng “là con của cha” chúng.
Cuộc đời cứ thế trôi đi, bởi vì đấy mới đích thị là cuộc đời.
Ba mươi năm sau, người đàn bà buôn tem phiếu đã già và đã giải nghệ vì chẳng còn tem phiếu đâu để mà buôn bán nữa, nhưng như có phép lạ, bà ta trở nên giàu có, còn ông thợ rèn thì lại trở thành nghèo khổ.
Mặc cho bọn con cái vào tù ra tội như cơm bữa, bà ta vẫn dựng vợ gả chồng cho chúng và mua nhà mặt đường cho cả ba đứa.
Khi ông thợ rèn đã yếu không còn sống độc lập được nữa, thì bà bảo thằng cả rước bố nó về nuôi. Ông thợ rèn trở nên rất hiền lành và ngoan ngoãn. Ông ta sống dưới sự bảo trợ của người đàn bà mà đã lâu khi đứng trước nhà chức trách ông không dám nhận là vợ, mặc dù ông đã có chung với bà ta tới ba đứa con. Mười mấy năm sau, lúc ông ta trăm tuổi bà cũng lo toan tang ma đầy đủ, vẫn vấn khăn tang đi sau linh cữu, nhưng không khóc.
Khi có người nhắc đến chuyện cũ thì bà nói:
- Ông ấy cũng chỉ là một người đàn ông tầm thường như bao nhiêu người đàn ông khác, đáng thương hơn là đáng giận!



Hà Nội, 2006.


Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét