tháng 9 23, 2014

Con nhặt

Hai vợ chồng nghèo sống trong “xóm liều” dưới gầm một chiếc cầu lớn ven ô, chồng làm “cửu vạn” ngoài ga, còn vợ thì đi nhặt rác. Hai vợ chồng nhà này chưa có con nhưng đã có một cái bụng khá đồ sộ.
Với những lo toan thường ngày và những ước ao cũng rất giản dị là kiếm đủ ăn, có một mụn con để mà chăm bẵm và lo lắng. Bụng vợ ngày càng to thì những lo toan cũng ngày càng lớn. Mới chỉ có hai vợ chồng thôi mà đã phải ăn bữa nay, lo bữa mai, thì đến khi có thêm một đứa con, cái khó chắc không chỉ còn như bây giờ nữa.
Hàng ngày đi làm về, anh chồng đưa cho vợ khoản thu nhập nho nhỏ mà anh luôn ao ước là nó có thể đủ để chi tiêu trong ngày. Còn chị vợ đi bới rác thì nhặt bất cứ cái gì mà chị ta cho là có thể bán được, tuy vậy cũng có ngày những thứ nhặt được ấy chẳng bán nổi đồng nào.
Một buổi trời se lạnh, khi cái móc bới rác bập xuống thì chị ta nghe thấy một tiếng khóc xé tai cất lên, chị vội vàng buông cái móc xuống dùng hai tay để bốc mớ rẻ rách lên thì phát hiện ra đó là một đứa trẻ sơ sinh bị vùi kín trong đống rác. Sợ hãi chị ta vứt vội nắm rẻ xuống bỏ chạy, song tiếng khóc xé lòng như níu chặt lấy đôi chân run rẩy, chị chợt nhìn nhanh xuống cái bụng đã khá to của mình rồi cúi xuống bê nắm rẻ rách lên nhìn kỹ lại.
Vết bập của cái móc đã trúng vai đứa bé, máu xối ra lênh láng, chị ôm chặt đám rẻ vào lòng rồi vội vã chạy nhanh ra đường cái. Ở bệnh viện sau khi sơ cứu người ta cho chị biết là đứa bé đã bị gãy xương bả vai cần được mổ ngay, nhưng phải có tiền đóng viện phí thì mới được đưa lên bàn mổ. Việc ấy chẳng thể xẩy ra được vì chị chỉ là một người đàn bà bới rác nghèo khó. Người ta bèn sát trùng cho vết thương rồi “tha bổng” cho cả hai “mẹ con”.
Chiều đi làm về anh chồng cũng chỉ đành thở dài chấp nhận. Mấy ngày sau anh ta mới có thời gian nhìn kỹ lại đứa bé vừa nhặt được, đó là một đứa bé trai kháu khỉnh, có cái trán cao và đôi mắt nhìn hau háu. Thế là chưa sinh nở đã phải nuôi con, cái khó đã được nhân lên gấp mấy lần.
Cuộc sống cứ lần hồi và mọi cái vẫn tồn tại với những sợi chỉ mỏng manh của nó, rồi hơn hai mươi năm nữa trôi qua, cái gia đình nhỏ bé và nghèo nàn ấy vẫn còn nguyên như cũ. Bây giờ vợ chồng người bới rác tóc đã bạc trắng cả, anh con trai cũng đã trưởng thành và trở thành lao động chính của gia đình, ngày ngày đi làm kiếm đồng tiền đẫm mồ hôi về nuôi gia đình và thuốc thang cho bố ốm, anh chẳng có thì giờ để nghĩ ngợi về thân phận của mình nữa.
Khi người cha hấp hối biết không thể qua khỏi mới gọi anh lại để nói với anh những câu đứt quãng về câu chuyện đã xẩy ra từ mấy chục năm về trước. Anh vội vàng ngăn cha lại, nói là mình đã biết cả rồi, không cần nói nữa. Người cha già ốm yếu thực sự ngạc nhiên, vì cả hai ông bà cũng đã từng dấu kín chuyện từ ngày nhặt được anh trong đống rác.
Anh con trai nói với bố:
- Bố cứ yên tâm nghỉ ngơi đi, con biết con là ai, người đẻ ra con muốn “vui vẻ tý chút”, nhưng khi con ra đời thì họ thật sự thất vọng và cách giải quyết thì bố cũng biết rồi đấy, họ chỉ coi con như “một bọc rác” cần vất đi sau khi đã thải ra.
- Thế còn mẹ với em mày? Người cha lắp bắp hỏi thêm.
- Bố mẹ là bố mẹ của con, con Mai là em của con, con sẽ gắn bó và yêu thương suốt đời.
- Thật như vậy sao?
- Vâng, nhất định là như vậy rồi, bố ạ.
- Thế còn mẹ đẻ của con?
- Họ đã sinh ra con nhưng họ chưa bao giờ là cha mẹ của con cả!
- Họ có biết con còn sống không?
- Cái bà sang trọng hôm nọ biếu gói quà và ít tiền lúc đến thăm bố ở bệnh viện chính là người đã đẻ ra con.
- Sao mày biết?
- Con biết đã từ  lâu rồi!
Người cha nghèo mỉm cười mãn nguyện rồi lặng lẽ ra đi. Hôm đưa tang người ta thấy anh con trai chống gậy buồn rầu, vẹo vọ đi đằng sau cỗ quan tài, láng giềng quanh xóm lao động cũng đi đưa nhiều lắm.
Người ta thấy có một bà già giàu có, héo hon đi ở phía cuối hàng.
Mấy năm sau đó người ta thấy vùng này nổi lên một nhà doanh nghiệp trẻ, đã lập nên một ngành công nghiệp mới đó là ngành chế biến rác thải. Anh ta rất sáng tạo và quyết đoán và chả mấy tí đã trở thành tỷ phú.
Anh ta chính là người con nhặt, đã bị bỏ rơi trong đống rác năm xưa.      


                                                                        Hà Nội, 2005.
 Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét