tháng 9 23, 2014

Đồ hèn

Mọi người đều bảo tôi thế. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy cũng đúng.
Này nhớ lúc còn học tiểu học, tôi đã bị bạn bè bắt nạt mà chẳng bao giờ dám cưỡng lại cả. Nhìn bạn nào lâu lâu, bị một bạt tai. Đau, kêu to quá, bị thêm cái nữa. Có mấy bạn lại dặn tôi là không được đứng đầu lớp, không nghe ăn đòn. Vì thế, làm bài tôi thường bỏ dở và cũng ít bị phát hiện. Nhưng còn đọc bài thì khó hơn. Một hôm phải lên bảng đọc bài thơ của Lý Thường Kiệt, do ngắn quá và do tôi “phanh” chậm quá, chả là đến câu thứ tư tôi đọc: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại...”chỉ còn một từ nữa là “hư” thì tôi mới chợt nhớ quy định của bạn, tôi bèn dừng lại. Thày giáo quay sang nhìn tôi như nhắc nhở. Nhưng làm sao tôi dám đọc nốt từ đó. Tôi nhớ đến những cái véo tai, cái tát xiếc và những cú móc sườn đau quắn của thằng Hưng, thằng Lập. Thày càng nhìn, sắc mặt tôi càng thêm xanh xám.
Thấy lạ, sau giờ học thày giữ tôi lại để hỏi. Và đến lần thứ ba, thứ tư gì đó tôi mới dám nói thật. Thày nhìn tôi lắc đầu thương hại: “Em hèn quá”!
Đó là lần nhận xét đầu tiên về tôi.
Tôi lớn dần và học cao lên mãi vì tôi ít bạn bè, lại chẳng dám đi chơi đâu và vì tôi cũng không đến nỗi tối tăm lắm. Tốt nghiêp đại học vào loại ưu và trong số gần sáu chục sinh viên tốt nghiệp chỉ có mình tôi là được lấy về Viện Nghiên cứu của Bộ.
Qua nhiều năm công tác, tôi được cấp trên rất tin cậy, vì chẳng có đợt công tác xa xôi nào, kể cả vào nơi nguy hiểm mà tôi không được cử đi. Lương bổng của tôi thì ngược lại đến là hay bị quên lãng. Có những anh bạn ra trường sau tôi đến mấy năm đã nhảy trước tôi một, hai bậc. Có lần, một anh bạn cùng phòng thương  hại đến bảo tôi:
- Cậu cứ đến ông ấy. Ông ấy có thể không tiếp cậu, thậm chí còn mắng mỏ cậu nữa. Nhưng chỉ cần có mặt là ông ta sẽ nhớ và hôm sau cậu sẽ được nâng lương. Cậu làm việc tốt, chịu khó đi công tác, lại quá thời hạn nâng lương đến hai, ba năm rồi còn gì. Tớ đảm bảo với cậu nếu cậu đến ông ta thì lương kỳ này của cậu sẽ chắc ăn 100%. Như tớ đây này đã bị “phốt” nặng, đến bị mắng như tát nước, mà chỉ phải ngồi “chịu trận” có mươi phút là tớ lại được nâng lương, mặc dù mới có hai năm.
Ông ấy là Viện Phó phụ trách nhân sự và là chủ tịch Hội đồng lương của cơ quan.
Tôi đã không đủ can đảm để đến ông ấy. Mấy hôm sau anh bạn tốt bụng kia biết chuyện đã nhổ toẹt một bãi nước bọt trước mặt tôi mà nói:
- Đồ hèn! Đó là lần thứ hai tôi bị nhận xét như vậy.
Công tác lâu năm, tôi cũng đã lớn tuổi, nhưng chưa có gia đình, vì thế khi Viện thành lập trường bổ túc nghiệp vụ ở tít một vùng bán sơn địa, không điện, không nước lại cách thành phố sáu, bảy chục cây số thì tôi được chọn đi dạy, vì vừa có chuyên môn sâu lại vừa độc thân, nhẹ nhõm, chẳng vướng bận gì cả.
Học viên đều là cán bộ công nhân viên trong ngành ở khắp mọi miền về học. Trong đó có cả Trưởng phòng nghiệp vụ của tôi. Họ là những người đã có thành tích trong lao động, trong công tác, nhiều người trong số họ còn giữ những chức vụ cao nữa. Vì thế nên khi họ học không vào hoặc không muốn học, kiểm tra bị điểm kém, họ thường yêu cầu tôi sửa điểm. Tôi nghĩ chẳng có cách gì từ chối nên đành làm theo. Khi anh Tổ trưởng bộ môn giảng dạy biết chuyện đã vỗ vai bảo tôi:
- Này sao cậu lại làm vậy. Thày mà phải sợ trò à? Hèn thế!
Lại một lần, cô nữ học viên trẻ và xinh đẹp nhất lớp khi kiểm tra bài thường kỳ, ngồi ở cuối dãy đã để đáp án trong áo lót. Cô ta cứ tự nhiên kéo ra, tra vào những cái đáp án trước mặt tôi làm tôi ngượng quá phải quay mặt đi chỗ khác.
Sau buổi đó cô ta chủ động đến gặp tôi nói:
- Thưa thày, em đến để nói với thày rằng, đấy không phải là đáp án đâu mà là cái khăn tay đấy. Áo bọn nữ chúng em làm gì có túi, mà em lại hay sổ mũi nên em phải để khăn tay ở đấy. Đây này thày không tin sao?!! Nói rồi cô vạch áo, ghé ngực vào mặt tôi cười nũng nịu.
Khi thấy tôi tuy không quay mặt đi, nhưng lại nhắm tịt cả hai mắt lại, thì cô ta đã cười khảy mà rằng:
- Ôi sao mà thày hèn thế!!!
Đấy là lần thứ tư, thứ năm gì đó tôi bị người ta nhận xét như vậy.
***
Rồi chẳng hiểu làm sao tôi cũng lấy được vợ. Vợ tôi làm cùng cơ quan với tôi. Nàng là một người đàn bà khỏe mạnh, tốt bụng và tháo vát. Sau khi lấy nhau nàng đã phải ngược xuôi tần tảo để kiếm sống,  để vun đắp thêm cho cái gia đình nhỏ và quá nghèo của chúng tôi.
Song có những lúc vất vả quá, bực tức quá, không còn chịu đựng được nữa, nàng đã túm lấy tôi mà la lối, mà mắng mỏ:
- Anh là đồ hèn! Ở cơ quan ai cũng bảo anh giỏi, thế mà công tác bao nhiêu năm không lên khỏi cái chức Tổ trưởng, người ta làm việc không ra sao mà lương lại cao hơn anh mấy bậc. Ngay học trò anh đã có người làm lên đến Vụ trưởng rồi, anh có biết không? Chồng người ta được cả danh, cả lợi, chồng tôi thì chỉ biết làm hùng hục như trâu mà suốt đời vẫn thua anh, kém em. Anh có thấy là anh hèn không, hử? Hử?
Và mỗi câu “hử” của nàng là kèm theo một cái tát, một cái đấm hay chí ít cũng là một cái véo đau điếng.
Vừa đau, vừa xấu hổ với hàng xóm, tôi cố nói để vỗ về vợ:
- Ừ, đúng rồi! Anh là thằng hèn. Một thằng hèn!
Tưởng vợ sẽ nguôi giận, nào ngờ câu nói ấy lại như đổ thêm dầu vào lửa. Nàng buông tôi ra rồi ôm mặt khóc nức nở:
- Ối giời đất ơi! Khổ cho cái thân tôi chưa! Tôi lấy phải cái giống gì thế này? Anh có phải là một thằng đàn ông hay không? Đến đánh lại vợ cũng không dám hả? Đồ hèn!
Tôi thấy vô cùng thương vợ và thương cho cả cái thân mình. Vả lại thấy nàng nói cũng đúng quá. Tôi là một thằng hèn đứt đuôi đi rồi còn phải bàn cãi gì nữa.  
          
                                                                             Hà Nội, 1994.

Liên hệ:      DĐ: 0915140055

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét